TÀI SẢN ĐỂ LẠI CHO THẾ HỆ MAI SAU
KHÔNG THỂ LÀ SỰ NÔ DỊCH !
KHÔNG THỂ LÀ SỰ NÔ DỊCH !
Nguyễn Chính
Nhân
đọc tham luận của ông Nguyễn Trung
tại hội thảo về khai thác boxit 9/4/2009.
tại hội thảo về khai thác boxit 9/4/2009.
Tôi chưa được gặp ông Nguyễn Trung,
cũng không biết học hàm, học vị của ông, nhưng qua những bài viết gần đây của
ông Nguyễn Trung về những vấn đề hệ trọng của đất nước, tôi xin phép được gọi
ông là NHÀ YÊU NƯỚC NGUYỄN TRUNG.
Sau khi đọc đi, đọc lại nhiều lần
trên mạng, tham luận của ông tại Hội thảo về khai thác quặng boxit ở Tây
nguyên, tôi đã được biết rõ thêm, cụ thể thêm rằng :
· Thì ra, quy trình thực hiện dự án này là “quy trình lộn
ngược”. Một việc bé bằng cái mắt cua như đào mấy củ mỳ (sắn) thôi, mà làm lộn
xộn cũng sẽ cuốc vào chân ngay, huống chi là mở ra cả mấy đại công trường,
triệt phá cả ngàn hec-ta rừng cao nguyên, bới lên hàng triệu triệu khối đất, xả
ra hàng tỷ khối bùn đỏ độc hại, gây nguy cơ ô nhiễm cho nhiều thế hệ trên phạm
vi gần một nửa đất nước, để lấy quặng boxit, kéo dài cho đến 2025, mà bước
triển khai dự án lại “lộn ngược”, thì không biết có còn gì để nói nữa không ?
Ngay như cái sự “hội thảo” này, mặc dù vô cùng cần thiết, nhưng lại “đi” sau
bước triển khai tới hơn một năm, cũng là “ngược” mất rồi.
· Thì ra, hiện tại ở ta cũng đang còn các dự án, mà ông Nguyễn
Trung nêu ra những con số, xoay theo những “kịch bản” sẽ diễn ra, khiến nghe
qua đã thấy mất hồn, đó là các dự án luyện thép đang trong tình cảnh dở giăng,
dở đèn, lỗ chổng vó.
· Thì ra, các điều kiện cần và đủ để khai thác quặng boxit và
sản xuất nhôm ở Tây nguyên, không phải như các ông ở Tập đoàn Than – KS Việt
Nam đưa ra.
· Thì ra, các dự án thép đã đi từ lỗ đến lỗ rồi, còn dự án
khai khoáng boxit, để làm ra nhôm với giá thành cao hơn giá bán, cũng sẽ không
tránh khỏi lỗ chổng vó nữa, nguy cơ sẽ là hai sợi dây chủ yếu “thít cổ” nền
kinh tế Quốc dân.
· Thì ra, với cái quy trình dự án lộn ngược vô trách nhiệm với
dân, với nước, hiệu quả “âm” về kinh tế, xã hội, môi sinh, an ninh v.v… này, sẽ
là cái lực tai hại đẩy đất nước đã tụt hậu, càng giật lùi thêm nữa.
· Thì ra và thì ra … vân vân và vân vân …
Tại sao tôi lại thì ra, thì ra … một
cách u mê, ngu muội như thế ? Vì vấn đề hệ trọng đến mức vậy, mà ngót một ngàn
tờ báo, tạp chí trong nước im re, sau hội thảo chỉ đưa tin chung chung, thì thử
hỏi thằng dân như tôi, và quảng đại người dân khác trong cả nước làm sao mà
biết, mà bàn, mà kiểm tra được ? Có được biết, được bàn, thì những người “chân
chính sáng tạo ra lịch sử” ở khắp nhà máy, công xưởng, vườn ruộng, mới vững tay
liềm, búa, tiếp tục cúc cung tận tụy, cày sâu cuốc bẫm mà xúc đất vun đắp cho
nhà nước của dân, do dân, vì dân vô cùng anh minh, sáng suốt này chứ ? Cho nên,
mới lại thì ra rằng, đầu thế kỷ trước cha ông mình lâm vào vòng nô
lệ, không phải vì làm ăn văng mạng, thua lỗ nợ nần chồng chất, mà là vì
lạc hậu, để đất nước tụt hậu. Và, còn thì ra rằng, công nghiệp khai khoáng
boxit sẽ vực dậy kinh tế Tây nguyên, còn khó không kém gì lên giời.
Ông Nguyễn Trung đã nói thẳng ra là,
tụt hậu sẽ dẫn đến phụ thuộc, mà đã phụ thuộc thì phải “nghe” theo, làm theo ý
người ta, thế là thành nô dịch. Vì vậy, mới lại “thì ra” vấn đề di sản cho thế
hệ mai sau. Qua tham luận của ông Nguyễn Trung, tôi thiển nghĩ, đây là vấn đề
cực kỳ nghiêm trọng. “Đảng ta sinh ở trên đời, một hòn máu đỏ nên người hôm
nay” (thơ Tố Hữu). “Người hôm nay” ấy bây giờ cũng đã vào tuổi bát tuần
rồi. Dù có muôn năm, có độc quyền lãnh đạo duy nhất, như quy định tại Điều 4
của Hiến pháp, cũng càng phải nghĩ đến di sản cho các thế hệ mai sau của đất
nước. Vì thế, xin được nhấn mạnh : “nô dịch” không phải là thứ di sản mạt hạng,
khốn nạn mà con cháu chúng ta trông đợi ở ông cha chúng.
Theo dõi thông tin từ hội thảo ngày
9/4/09, tôi đặc biệt chú ý đến ý kiến của ông Hoàng Trung Hải, phó Thủ tướng và
ý kiến của Nhà văn hóa Nguyên Ngọc. Ông Hải cho rằng, phải “giám sát quá trình
triển khai …”. Xin được hỏi, giám sát bằng cách nào ? Ai giám sát ? Các tiêu
chí để giám sát là gì ? Xử lý ra sao ? Chế tài thế nào v.v…? Vì từng có không
ít các dự án kiểu “tiền trảm, hậu tấu” như dự án boxit, khi sự cố này, nọ xảy
ra là lại phải “chữa cháy” bằng tiền thuế của dân. Nghĩa là, dùng tiền đóng
thuế của dân để bù lỗ, giãn nợ, giảm nợ, thậm chí xóa nợ v.v… Và, hậu quả về ô
nhiễm xảy ra, mà chắc chắn là sẽ xảy ra, khi đồng bào mình, con cháu của đồng
bào mình ở các vùng dự án đã lãnh đủ rồi, nền kinh tế vốn đã chẳng sung sức gì lắm
của đất nước đã lãnh đủ rồi, thì cả tôi (người nêu ý kiến này) và ông Hải đều
đã nghỉ hưu, hoặc đã về với cát bụi rồi. Lúc ấy, mới nói đến “tấm lòng”, đến
“trách nhiệm” … thì vô nghĩa quá. Còn nhà văn, Nhà văn hóa Nguyên Ngọc, thì
khẳng định với lập trường dứt khoát rằng, vì bảo vệ môi sinh, bảo vệ không gian
văn hóa đã có từ ngàn đời của đồng bào các dân tộc Tây nguyên, hãy nói “không”
với khai thác boxit.
Vậy thì nên thế này chăng, cũng
giống như ở thủy điện Hoà Bình, chúng ta cho các văn bản của Bộ Chính trị, của
Chính phủ, các ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Tấn Dũng (Thủ tướng), của ông
Hoàng Trung Hải, của Tập đoàn than - khoáng sản VN vào một cái địa bạch kim.
Cho thư và điện của Cụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp; tham luận của ông Nguyễn
Trung, báo cáo của ông Nguyễn Thành Sơn v. v… vào một đĩa bạch kim khác, rồi
cùng cho vào một cái hộp cũng bằng bạch kim, giữ ở Thư viện Quốc gia, gửi thế
kỷ mai sau. Trước hiện tình đất nước lúc ấy, con cháu thế hệ mai sau của đất
nước sẽ phán xét. Lúc ấy, chúng sẽ hướng về quá khứ, ai sẽ phải hứng trọn những
phát đại pháo phẫn nộ, âu cũng là lẽ công bình. Bởi chúng ta và thế hệ trước
chúng ta không quen với chuyện nhận lãnh trách nhiệm, xin từ chức, và đã quá
quen với chuyện “hoà cả làng”, trách nhiệm tập thể, soi đuốc bảy ngày không
thấy “ thằng” nào chịu trách nhiệm rồi v.v…
Với dự án khai thác boxit ở Tây
nguyên, khi được công khai phổ biến rộng rãi những ý kiến phản biện trên các
phương tiện thông tin đại chúng, tôi tin rằng không chỉ các nhà chuyên môn có
tâm huyết với dân, với nước như các nhà yêu nước Nguyễn Trung, Nguyên Ngọc, mà
tuyệt đại đa số đồng bào ta, tuy dân trí chưa cao, nhưng cũng biết thế nào là
lợi hại, thế nào là Quốc sỷ, Quốc hồn, Quốc tuý… để bác bỏ thẳng thừng dự án
này. Mong lắm thay !
Nguyễn Chính
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét