Việt Nam bước vào thập kỷ mới
của thế kỷ 21 đúng vào lúc thế giới đang có những thay đổi bước ngoặt. Định
vị Việt Nam trong thế giới ấy, nhận diện những thách thức nội tại để tìm
hướng bứt phá phát triển sẽ được bàn luận trong loạt bài của Nguyễn Trung
LTS: Đánh giá một cách toàn diện cục diện thế giới và
những vấn đề đặt ra cho Việt Nam liên quan đến con đường phát triển, ứng
xử đối ngoại... là câu chuyện có tính chiến lược đối với sự phát triển
của đất nước. Không tham vọng giải quyết trọn vẹn bài toán này, song loạt
bài của Nguyễn Trung hy vọng sẽ cung cấp cho độc giả một góc nhìn, một tư
liệu cần tham khảo.
Bài
viết dưới đây thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Mời độc giả cùng
tranh luận.
|
Phần
1: Nhận diện thế giới mới
Việt Nam, kể từ 1986, sau một
phần tư thế kỷ thực hiện sự thay đổi căn bản mang tên là đổi mới,
đã kết thúc thời kỳ phát triển theo chiều rộng với nhiều thành tựu to lớn
có tính bước ngoặt, thay đổi bộ mặt đất nước và được thế giới ghi nhận.
Mặt khác cũng phải tỉnh táo nhận
thấy, so ta với chính ta trước kia, những thành tựu đạt được trong 25 năm
qua là rất to lớn; nhưng nếu so với chặng đường 25 năm đầu tiên trên con
đường trở thành NIC (nước mới công nghiệp hóa) của Hàn Quốc, Brazil... nước
ta phát triển như thế là chậm, so với những thách thức hiện tại và phía
trước nước ta phải đối mặt lại càng chậm. Nên có cái nhìn nhiều chiều như
vậy để định liệu công việc của mình, và nhờ đó có thể "đỡ" rơi
vào cái bệnh "mẹ hát con khen hay"!
Việt Nam bước vào thập kỷ 2020
đúng vào lúc kinh tế thế giới - trước hết là những nền kinh tế lớn mà đầu tầu
là kinh tế Mỹ - đang tìm cách ra khỏi cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống
hiện nay để tìm đường chuyển sang một thời kỳ phát triển mới. Trong khi đó
Trung Quốc đang dấn bước vào thập kỷ 2020 với mọi nỗ lực quyết liệt nhất để
đi nhanh hơn nữa trên con đường trở thành siêu cường vào giữa thế kỷ này;
giới nghiên cứu trên thế giới hầu như chia sẻ nhận định chung: Thập kỷ
2010 đánh dấu bước ngoặt mang tính thời đại của Trung Quốc trên con đường
đi tới siêu cường, thập kỷ 2020 hiện tượng Trung Quốc sẽ còn nóng bỏng hơn
nữa trên trường quốc tế. [i]
Thế giới đang thay đổi lớn
Cục diện thế giới đang có thay đổi lớn cả về kinh tế và
chính trị, không náo nhiệt như khi chiến tranh Lạnh kết thúc, song hầu như
tác động sâu sắc hơn nhiều đến mọi quốc gia. Thậm chí tại nhiều nước cuộc
khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay tác động trực tiếp đến từng gia đình.
Cuộc đại khủng khoảng kinh tế thế giới đang diễn ra là
vô tiền khoáng hậu. Sau một năm ròng rã (09-2008 tới 09-2009) đánh vật với
cuộc khủng hoảng này, các nền kinh tế lớn đã phải bỏ ra tổng cộng ước
khoảng trên 10 nghìn tỷ USD (tương đương với 2/3 GDP của cả nước Mỹ và với
1/6 GDP toàn thế giới), đồng thời phải tiến hành nhiều liệu pháp đau đớn
mang tính điều chỉnh vĩ mô và hệ thống để cứu chữa. Hiện nay cuộc khủng
hoảng này được xem là đã chạm đáy, nhưng lối ra có lẽ vẫn chưa xác định
được.
Khủng hoảng kinh tế
|
Chưa ai dám nói bao giờ và như thế nào kinh tế thế giới
sẽ phục hồi và lấy lại được sự phát triển năng động đã có như trong một hai
thập kỷ vừa qua. Tuy nhiên, có khá nhiều người trong giới nghiên cứu chia
sẻ ý kiến:
1- Kinh tế thế giới hiện nay vừa phải khắc phục sự đổ
vỡ của nền kinh tế bong bóng của hệ thống tài chính tiền tệ thế giới, đồng
thời về nhiều mặt đang phải đối phó với một cuộc khủng hoảng thừa rất sâu
sắc có những thuộc tính cơ cấu[ii] còn
nhiều vấn đề nan giải chưa lường hết được; một khi kinh tế thế giới ra khỏi
cuộc khủng hoảng này, nó có lẽ sẽ không thể giữ nguyên cấu trúc, hình dạng
và sự vận hành như trước nữa - nói cụ thể hơn: trong và sau cuộc khủng
hoảng này của kinh tế thế giới, các quốc gia sẽ không thể giữ nguyên cách
làm ăn như lâu nay (kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc)...
2- Cơ cấu sản phẩm trong mỗi quốc gia sẽ dần dần có
những thay đổi lớn theo hướng quan tâm hơn nữa đến sự bền vững của thị
trường nội địa mỗi nước và của môi trường, nghĩa là sẽ xuất hiện những điều
chỉnh vĩ mô.
3- Hệ thống tài chính tiền tệ thế giới đang có những xáo
trộn lớn, buộc phải cải tổ cơ bản để hạn chế những rủi ro - đặc biệt là
trên 2 vấn đề: (1)sự suy yếu ngày càng nhanh chóng của đồng USD và (2) vai
trò đang nổi lên đầy tính lũng đoạn của đồng Nhân dân tệ (Trung Quốc);
4- Phải tăng cường hơn nữa vai trò điều tiết của nhà
nước để hỗ trợ "bàn tay vô hình" của thị trường; khung khổ WTO
tuy vẫn được duy trì, nhưng chắc chắn sẽ có nhiều cọ sát mới gay gắt hơn.
5- Phải sớm có các chính sách và biện pháp thân thiện
hơn với môi trường tự nhiên để giảm thiểu các đại họa. Nhiều nước đã phải
hướng mạnh tới nền kinh tế có hàm lượng carbon thấp...
6- Phải thay đổi nhiều điều quan trọng trong tư duy kinh
tế; một số học giả nổi tiếng như Krugman, Stiglitz, Fukuyama, thượng nghị
sỹ Max Baucus... cho là kinh tế học hiện đại có nhiều điểm lỗi thời.; (thậm
chí cá biệt còn có người gọi khoa kinh tế học hiện nay là "kinh tế học
của đổ vỡ", coi Alan Greenspan - nguyên chủ tịch FED - là một trong
những tội phạm chính của khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay!)
Có thể kết luận: Hai hiện tượng nổi bật nhất
trong thời kỳ hậu chiến tranh Lạnh là:
Một là, những thất bại của 2 khóa tổng thống George Bush
trong chiến lược toàn cầu (chủ yếu vì tham vọng quá lớn trong chiến lược
toàn cầu và do sự phá sản của chủ nghĩa tân tự do mới trong kinh tế) cùng
với cuộc khủng khoảng hiện nay bùng nổ từ Mỹ - được đánh dấu bằng sự sụp đổ
của ngân hàng Lehman Brothers ngày 14-09-2008, rồi lan tỏa thành quy mô thế
giới.
Hai là, vai trò ngày càng nổi lên của các cường quốc
khác - trước hết là Trung Quốc, rồi đến Nga, Ấn Độ.
Hai hiện tượng quan trọng nhất này đánh dấu sự kết thúc
cục diện quốc tế hậu chiến tranh lạnh, chuyển thế giới ngày càng đi vào xu
thế đa cực với một siêu đa cường.
Siêu cường Mỹ suy yếu
Chiến tranh Iraq và chiến tranh chống khủng bố - trước
hết là chống Al-Qaeda - Taliban - không đem lại kết quả như Mỹ đề ra, thậm
chí chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm, cùng với tình trạng từ năm 2008 Mỹ
lâm vào khủng hoảng kinh tế nặng nề nhất trong lịch sử quốc gia này, đã dẫn
tới Mỹ phải điều chỉnh căn bản chiến lược toàn cầu của mình.
Sự điều chỉnh này của Mỹ thực chất là sự thoái lui một
bước quan trọng so với thời George Bush trong chiến lược toàn cầu, nguyên
nhân chủ yếu do lực bất tòng tâm. Mỹ hiện nay vẫn còn là siêu cường số 1,
song vai trò và ảnh hưởng của nó giảm sút đáng kể so với thời kỳ hậu chiến
tranh lạnh.
Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Clinton trong chuyến công
du châu Á.
|
Hiện tượng Obama thắng cử không
đơn thuần chỉ là một thắng lợi độc nhất vô nhị cho đến nay của thể chế dân
chủ Mỹ và trên thế giới. Sâu xa hơn thế, hiện tượng Obama nói lên tầm vóc
điều chỉnh chiến lược chưa từng có kể từ sau chiến tranh thế giới II mà Mỹ
phải chấp nhận. Hiện tượng Obama cũng đồng thời cho thấy Mỹ quyết tâm thay
đổi và có thể thay đổi được - và chính điều này cho phép Mỹ sẽ tiếp tục duy
trì được - dù không còn mạnh như trước - vị trí siêu cường số 1 trên bàn cờ
của một thế giới đang tiến vào cục diện một siêu đa cực. Hiện tượng Obama
còn đánh dấu một thời kỳ thay đổi sâu sắc đang diễn ra sôi động ở tất cả
các nước phát triển trong thề giới phương Tây - mới đây nhất là sự kiện
ngày 30-08-2009 đảng Dân Chủ ở Nhật thắng cử và lên cầm quyền, chấm dứt
thời kỳ đảng Dân chủ Tự do ngự trị chính quyền Nhật hơn nửa thế kỷ.
Nét nổi bật của sự điều chỉnh
chiến lược của nước Mỹ thời Obama là: Mỹ quyết rút khỏi Iraq để tập trung
vào các vấn đề như mặt trận chống Al-Qaeda - Taliban tại Afghanistan, vấn
đề vũ khí hạt nhân của Iran, vấn đề vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên...
Ngày 17-9-2009 Mỹ đi thêm một nước cờ chiến lược nữa là quyết định rút bỏ kế
hoạch lá chắn tên lửa Châu Âu để tăng thêm hòa hoãn với Nga (đã
được Nga hưởng ứng) và tập trung cố gắng tìm kiếm các khả năng xử lý vấn đề
vũ khí hạt nhân của Iran. Bước đi này còn nhằm phân hóa bớt các thế lực gây
sức ép khác đối với Mỹ. Quan hệ Mỹ - Nga ấm hẳn lên cho thấy tầm vóc của
quyết định 17-09-2009. Những cải cách trong đối nội của nước Mỹ đang diễn
ra càng làm rõ những thay đổi trong chiến lược đối ngoại của nước này.
Từ tình hình trên, có thể thấy
phát biểu của Tổng thống Obama tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp quốc
ngày 23-0-2009 ''...đã đến lúc thế giới chuyển sang một hướng
mới. Chúng ta phải dấn thân vào một thời đại tiếp cận mới dựa
trên quyền lợi chung và cùng tôn trọng nhau...'' không đơn thuần
là một lời nói ngoại giao, mà hàm ý rõ ràng kêu gọi cộng đồng các quốc gia
trên thế giới nỗ lực cho một cách sống chung mới.
Liên quan đến Đông Nam Á, đặc
biệt là Biển Đông, nhiều lần các nhà quân sự Mỹ tuyên bố (ngay từ cuối thời
George Bush): Mỹ đứng ngoài việc tranh chấp biển đảo ở khu vực này, miễn là
giữ được thông thương tự do trên eo biển Malacca, các quyền lợi của Mỹ ở
khu vực này được bảo đảm, và không được đụng chạm đến Đài Loan. Có thể hiểu
đây sẽ là ranh giới cuối cùng Mỹ sẽ có thể chấp nhận một khi tình hình đòi
hỏi bắt buộc phải như vậy[iv].
Mặt khác Mỹ khuyến khích giải
quyết tranh chấp trên Biển Đông trên diễn đàn đa phương giữa các nước liên
quan ở Đông Nam Á. Trong cuộc điều trần về Biển Đông tháng 7-2009, Thượng
viện Mỹ đã bầy tỏ mối quan ngại sâu sắc của Mỹ về tình hình Trung Quốc ngày
càng lấn át về kinh tế và quân sự ở khu vực này. Cuộc điều trần này cho
thấy Mỹ chủ trương phải có thái độ chủ động hơn đối với các nước trong khu
vực Biển Đông, "...từ quan hệ về chính sách đến đối thoại về chiến
lược, lên tới tầm mức hoạt động quân sự, bằng cách gia tăng khả năng quân
sự cho các nước đối tác. Trong khi đó Hoa Kỳ cũng tăng cường hoạt động
ngoại giao quân sự với Trung Quốc, gia tăng đối thoại để tránh nguy cơ tính
toán sai lầm gây xung đột bất ngờ"[v].
Trong khi đó, tại cuộc họp ASEAN
- Mỹ 24-07-2009 ngoại trưởng Clinton khẳng định Mỹ tiếp tục tăng cường quan
hệ với ASEAN[vi].
Trung
Quốc trên đường hướng tới siêu cường
Sự lớn mạnh của Trung quốc với
tính cách là "công xưởng của thế giới" đang thúc đẩy khát vọng
của Trung Quốc đi nhanh trên con đường trở thành siêu cường, dự kiến là vào
khoảng năm 2050, mặc dù kinh tế và nội trị Trung Quốc còn rất nhiều vấn đề
nhạy cảm, thậm chí rất nhạy cảm.
Với nguồn tài nguyên Trung Quốc
bằng mọi cách đem về từ khắp nơi trên thế giới, trước hết là từ châu Phi và
châu Mỹ Latinh, Úc.., Trung Quốc hiện nay đứng đầu thế giới trong sản xuất
nhiều nguyên liệu cơ bản như sắt, thép, đồng, nhôm, ciment..; là cường quốc
thứ nhất trong xuất khẩu tầu biển, là cường quốc thứ hai sau Mỹ trong xuất
khẩu ô-tô, trong vòng một vài năm tới GDP kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ
vượt Nhật[vii]...
Tận
thu tài nguyên dưới chiêu bài viện trợ
Báo chí thế giới thừa nhận Trung
Quốc thành công vượt xa chủ nghĩa thực dân mới của phương Tây tại châu Phi,
Mỹ Latinh và một số nơi khác trên thế giới (trong đó có Đông Nam Á...).
Những khoản viện trợ lớn của chính phủ Trung Quốc dành cho các quốc gia này
với danh nghĩa "không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước
nhận viện trợ". Trên thực tế là Trung Quốc quan hệ trực tiếp và
ủng hộ giới thống trị ở những quốc gia này, bất luận bản chất những chế độ
này như thế nào.
Phương thức hợp tác song phương như
vậy của Trung Quốc tại những quốc gia này đang mang lại nhiều kết quả lớn
cho Trung Quốc (tuy nhiên gần đây một số nước châu Phi đã phản ứng chống
lại sự tham lam thái quá của Trung Quốc).
Hơn thế nữa, hiện tượng Trung
Quốc trở thành đối tác kinh tế ngày càng quan trọng với Iran, Iraq, với các
nước và lực lượng "cánh tả" (chống Mỹ) ở châu Mỹ Latinh - nơi
được coi là sân sau của Mỹ - đang làm cho Mỹ và phương Tây lo lắng.
Với nguồn dự trữ ngoại tệ lớn
nhất thế giới (2100 tỷ USD) Trung Quốc đang tìm cách thay đổi hệ thống tiền
tệ thế giới. Trước mắt Trung Quốc chưa thể tìm cách "hạ bệ" đồng
USD (hiện nay vẫn còn chiếm tới 60% tổng giao dịch tiền tệ và thương mại
trên thế giới). Song với tư cách là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, đang nắm giữ
khoảng 60% trái phiếu và những giấy tờ có giá khác của Mỹ, Trung Quốc đòi
hỏi đồng nhân dân tệ cũng phải được coi là phương tiện thanh toán quốc tế.
Đòi hỏi này bị bác bỏ tại cuộc họp G20 (London 02-04-2009) với lý do đồng
nhân dân tệ chưa phải là đồng tiền chuyển đổi tự do.
Trung Quốc chuyển sang chiến
thuật mới là đòi nâng cao vai trò của Trung Quốc tham gia vào "quyền
rút vốn đặc biệt" (SDR - một đơn vị được coi như là tiền của IMF) để
làm yếu và tiến tới thay thế dần đồng USD.
Đồng thời Trung Quốc áp dụng các
biện pháp đòi các nước có quan hệ buôn bán với Trung Quốc trực tiếp dùng
đồng nhân dân tệ làm phương tiện thanh toán trong quan hệ song phương, một
số nước đã chấp thuận. Có thể nói đây là một bước mới bổ sung quan trọng
cho việc mở rộng quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới - đặc
biệt là quyền lực mềm.
Trong số hàng nghìn tập đoàn
kinh tế của Trung Quốc đã có nhiều tập đoàn lọt vào danh sách các nhóm TNCs
top 100, TNCs top 50 của thế giới, trong đó phải kể đến tập đoàn
dầu khí PetroChina có số vốn vượt 1000 tỷ USD và trở thành
TNC đứng đầu thế giới về quy mô vốn[viii].
Tình hình vừa trình bầy trên cho
thấy nội dung thực chất chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.
Tham
vọng siêu cường quân sự
Thế giới, nhất là các nước láng
giềng của Trung Quốc, ngày càng lo ngại trước hiện tượng Trung Quốc cũng
đang trên đường trở thành siêu cường quân sự - đặc biệt là các nước trong
khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bình luận trên nhật báo Giải
phóng quân Nhân dân (Trung Quốc) ngày 12-03-2009, Hoàng Thôn Luận viết:
"...Quyền lợi quốc gia của
Trung Quốc vượt xa ra ngoài biên cương lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của
Trung Quốc, bao gồm cả các vùng đại dương bao la nơi các tầu chở dầu của
Trung Quốc qua lại, cũng như không gian vũ trụ... Quyền lợi quốc gia Trung
Quốc mở rộng đến đâu, sứ mệnh của lực lượng vũ trang của chúng ta (Trung
Quốc) được mở rộng đến đấy!.. Đứng trước nhiệm vụ lịch sử mới, lực lượng vũ
trang của chúng ta (Trung Quốc) không chỉ bảo vệ biên giới lãnh thổ, mà còn
phải bảo vệ biên giới quyền lợi quốc gia của chúng ta." [ix]
Ngân sách quốc phòng hàng năm
của Trung Quốc hai thập kỷ nay thường xuyên tăng 2 con số (từ 10 đến
17%/năm). Số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc cho biết chi tiêu quốc
phòng của nước này năm 2007 ước khoảng 70 tỷ USD. Song theo đánh giá của Bộ
Quốc phòng Mỹ, của RAND - cơ quan nghiên cứu của Mỹ, và của RAW (Research
and Analysis Wing) - cơ quan nghiên cứu của Ấn Độ, thực chi cho ngân sách
quốc phòng của Trung Quốc năm 2007 ước khoảng 138 - 156 tỷ USD, đứng vào
hàng thứ 2 trên thế giới - nghĩa là ước khoảng 1/4 - 1/3 ngân sách quốc
phòng của Mỹ, vượt Nga, gấp 5 lần của nước Anh, và bỏ xa Ấn Độ... Ngày
21-09-2009 Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tuyên bố nước
này có hầu hết mọi hệ thống vũ khí hiện đại của các nước phương Tây.
Trung Quốc đang trở thành cường
quốc vũ trụ. Hiện nay Trung Quốc đang đẩy mạnh xây dựng hải quân nước
xanh (hoạt động tầm đại dương với một số hàng không mẫu hạm đang
mua của Nga hoặc tự đóng lấy). Trong chuyến đi thăm Trung Quốc đầu năm 2009
của đô đốc Mỹ Timothy Keating, phía Trung Quốc đặt thẳng vấn đề để Trung
Quốc quản Thái Bình Dương từ đảo Hawaii về phía Tây, phía Mỹ
sẽ quản Thái Bình Dương từ Hawaii về phía Đông. Keating đã
đáp lại: "No, Thanks!"[x]. Riêng trên Biển Đông, hải quân
Trung Quốc giữ vị thế áp đảo, với mục tiêu là "cái lưỡi bò".
Trên nhiều phương diện, hiện
tượng Trung quốc trên đường trở thành siêu cường đang là vấn đề nóng bỏng
và rất phức tạp của cả thế giới. Giáo sư Thôi Lý Nhũ, chủ tịch Viện Nghiên
cứu quan hệ quốc tế đương đại (CICIR - Bắc Kinh), một viện nghiên cứu chiến
lược của Trung Quốc tầm cỡ quốc tế, đầu năm nay phát biểu thẳng thắn trước
giới học giả nước ngoài: "Mười năm qua Trung Quốc đã phát
triển từ một vị thế tương đối thấp lên một vị thế tương đối mạnh, vì vậy
những xung đột giữa Trung Quốc với thế giới bên ngoài không đặc biệt quyết
liệt lắm (not particularly vehement). Tuy nhiên, trong vòng mười năm tới,
Trung Quốc sẽ đi tiếp từ vị thế tương đối mạnh hiện nay lên một vị thế còn
mạnh hơn nữa. Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với thế giới sẽ còn lớn hơn nữa
- và nỗi lo của thế giới về Trung Quốc cũng sẽ tăng theo..."
Trên thế giới, kể cả Mỹ, không
ai đặt vấn đề đối đầu với Trung Quốc. Nhưng tất cả các quốc gia đều phải cùng
nhau hay riêng lẻ nỗ lực tìm cách ứng xử và đối xử thích hợp nhất với hiện
tượng Trung Quốc trong thế kỷ 21 này sao cho phù hợp với xu thế tiến bộ
chung của loài người. Đó còn là phương thức hữu hiệu nhất, khuyến khích hay
bắt buộc Trung Quốc cũng phải thích nghi với trào lưu chung của thế giới.
Quan hệ Mỹ - Trung định hình thế
giới
Cũng không thể bỏ qua một thực
tế khác là trong quan hệ song phương Mỹ - Trung hiện nay, phía Mỹ cũng chủ
động đẩy mạnh xu thế hòa hoãn.
Đối thoại chiến lược và kinh tế
Mỹ - Trung (khai mạc phiên đầu tiên tại Washington 27-09-2009) đã thực sự
trở thành diễn đàn G2. Tại diễn đàn này Obama nói "Mối quan hệ giữa
Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ định hình cho thế kỷ 21. Sự liên hệ này làm cho nó
quan trọng như bất cứ sự liên hệ song phương khác trên thế giới. Và điều
này phải thực sự củng cố sự hợp tác của chúng ta. Đây là trách nhiệm mà hai
bên phải gánh vác." Trong điện chúc mừng phiên họp đầu tiên của
diễn đàn này, Hồ Cẩm Đào viết: "Cả Trung Quốc và Mỹ gánh vác trên
vai trách nhiệm quan trọng về những vấn đề trọng đại liên quan đến hòa bình
và sự phát triển của nhân loại." [xi].
Mỹ - Trung bắt tay. Ảnh: Chinadaily.
|
Chắc chắn rồi đây lúc hòa hoãn,
lúc căng thẳng, song phía Mỹ sẽ vẫn có các bước đi tiếp mở rộng quan hệ với
Trung Quốc trên mọi lĩnh vực, bên nào cũng có thừa khôn ngoan giành cái lợi
về cho mình.
Trên thế giới đã có nhiều ý kiến
các quốc gia sẽ phải ứng xử thế nào một khi xu thế hai cực Mỹ - Trung chi
phối thế giới. Như vậy, tại Đông Nam Á có thể thấy chính sách đa dạng của
Mỹ nói trên đối với khu vực Biển Đông sẽ còn tùy thuộc đáng kể vào chính
thái độ các nước ASEAN (đối với Mỹ và Trung Quốc), đồng thời chịu sự chi
phối sâu sắc của quan hệ Mỹ - Trung.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét