Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

"Lũ" - Final Draft April 2015



25

          Toàn bộ Hội đồng khoa học của Đại học PH năm nay không có nghỉ hè vì có quá nhiều việc phải làm. Số lượng sinh viên tăng nhanh, các khoa vì thế cũng phải mở rộng, nhất là các khoa tiếng Anh, khoa toán và toán ứng dụng, khoa tin học, để phuc vụ ngay trước mắt những yêu cầu trong kinh tế. Niên học tới sẽ triển khai thử khoa triết. Chỉ được làm thử, vì chưa giải quyết hết được một số vướng mắc so với giấy phép được cấp. Trường không được phép mở khoa báo chí, song PH lách bằng cách mở khoa Phát triển văn hóa cộng đồng, giải trình là phổ biến kiến thức và các chủ trương chính sách của nhà nước. Khoa này tồn tại được một năm rồi, bị soi mói dữ nhưng chưa có “phốt” nào bị tóm để bị huýt còi.
Song Đại học PH có hai vấn đề lớn nan giải, vượt hẳn ra ngoài nhiệm vụ giảng dậy.

Khó khăn lớn thứ nhất: Đó là học phí thu không đủ chi, mặc dù trường đã được nhóm PH cung cấp toàn bộ đất đai, trường sở, trang bị vật chất kỹ thuật ban đầu… Lý do đơn giản là nhu cầu phát triển lớn quá và nhanh quá. Nhà trường có khả năng tăng học phí để giải quyết khó khăn này, nhưng vì lợi ích của học sinh, Hội đồng khoa học đến giờ này vẫn quyết định sẽ chỉ làm thế một khi không còn đường nào khác. Vậy chỉ còn cách trường phải tiết kiệm vắt cổ chày ra nước và vận động các Mạnh Thường Quân tài trợ, nhất là trong những doanh nhân đang theo học các khóa hàm thụ do trường tổ chức. Trường dự định mở thêm một số khóa hàm thụ nữa, theo đơn đặt hàng của người học, trong đó cũng có lý do quan trọng là bổ sung thêm nguồn thu của trường.

-         Các em ạ, PH chúng ta chưa làm được bao nhiêu cho nhóm đồng tiền ướt. Nhưng trong tình thế của chúng ta hiện nay, chúng ta chịu khó vắt óc ra xem còn những gì nhóm doanh nhân này cần biết, cần cập nhật… Chúng ta cần chịu khó làm dịch vụ dưới dạng mở các lớp ngắn ngày cấp tốc, qua đó lấy thu bù chi vậy. – Yến gợi ý trong lãnh đạo nhóm PH.
-         Có thể thu thập những thông tin sốt dẻo nhất, đánh giá triển vọng, rồi mở ngay lớp bổ túc kiến thức kinh doanh bất động sản được không chị Yến? – đại điện cho Vina-investconsul nêu vấn đề.
-         Nên quá. Nhưng PH cần nhiều hơn nữa những hoạt động như vậy. –Yến tán thành.
-        
-        

Khó khăn lớn thứ hai là cộng đồng sinh viên của trường trong suốt năm học vừa qua lúc nào cũng như muốn nổ tung trước những bước leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông, trước muôn vàn những vấn đề trong nước như Vinashin, Vinalines, Đoàn Văn Vươn, Văn Giang, Vụ Bản, vỡ đập thủy điện sông Tranh 2, vụ kiện cáo ê chề trong gia đình người có địa vị cao nhất nước, các vụ bằng giả của những cán bộ cao cấp, tin đồn nhà nước có dự án chi tiền tỷ nghiên cứu đổi gen giống nòi Việt Nam, vân vân… Có thể nói, không một sự kiện hay xáo động nào xảy ra trong xã hội mà lại không tác động vào cộng đồng sinh viên của trường. Gần như một nghịch lý, các sinh hoạt ngoại khóa càng có chất lượng bao nhiêu, ý thức và khả năng phê phán của sinh viên được nâng cao thêm bấy nhiêu, song lại cũng tích tụ nhiều thêm bấy nhiêu những khả năng bùng nổ các phản ứng của sinh viên. Hội đồng khoa học nhà trường rất mừng về sự phát triển này và tìm cách phát huy, song cũng phải nát đầu tìm cách tránh các loại bom khủng bố của các “chiến hữu” đã tuyên chiến với trường sau buổi nói chuyện ngoại khóa của thạc sỹ doanh nhân Nguyễn Văn Điểu hôm nào. Một năm qua rồi 3 quả bom tấn nổ chậm đoàn kiểm tra của Hội đồng Khoa giáo gửi lại trường vẫn chưa được tháo kíp xong, mặc dù nhà trường đã trình bẩm nhiều lần, mặc dù trường đã bị kiểm tra lên kiểm tra xuống nhiều lần...
Chuyện thời sự nóng bỏng bây giờ là mùa hè năm nay nóng quá, do Trung Quốc leo thang trắng trợn quá, nhất là đã phá hỏng hội nghị ASEAN vừa qua, đưa đoàn tầu đánh cá khủng vào biển nước ta, tuyên bố vũ trang cho ngư dân Trung Quốc, thành lập thành phố Tam Sa, đóng quân đồn trú tại đây, tiếp tục xây căn cứ trên các đảo đánh chiếm của ta… Học sinh của trường hầu hết đã về gia đình nghỉ hè rồi mà vẫn mail đi mail lại sẵn sàng ới nhau cùng với nhân dân Thành phố đi biểu tình. Tiến sỹ Khái được “phân công trực chiến” 24 giờ trên 24 giờ suốt vụ nghỉ hè này tại đại bản doanh của trường, để phòng ngừa những sự cố bất thường có thể nguy hại cho sinh viên và cho nhà trường. Nhất là sau cái đợt kiểm tra của các “chiến hữu” đến nay đã xảy ra bẩy tám lần ác ôn không biết từ đâu đến gây gổ với sinh viên. Bọn chúng, vắng là 3, 4 tên, đông là cả toán đến mươi mười lăm tên, từ những địa phương xa lắc xa lơ không làm sao nắm được tung tích. Chúng gạy gộc, dao, đánh nhau, cướp giật... Cá biệt đã xảy ra một vụ hiếp dâm, trường đang trực tiếp cùng nạn nhân đâm đơn kiện… Một hai vụ khủng bố đầu vì chưa có kinh nghiệm, ba em sinh viên bị đòn đau phải đưa đi cấp cứu, có một em bị cướp mất labtop, một em bị cướp mất mobile fone và ít tiền mặt… Nhưng rồi sinh viên cũng có cách trị lại, cái khó là không để cho những sự việc như thế này bị tuột tay khỏi khả năng kiềm chế và kiểm soát của nhà trường… Riêng hè này Thạch đã phải bỏ cả một tuần lễ cùng với lãnh đạo nhà trường xây dựng các phương án bổ sung bảo vệ trường và đối phó với cái lũ ác ôn này, manh nha tìm được kẻ giật dây chúng là ai, một vài tên học ngay trong trường… Cái may trời cho là mối quan hệ giữa nhà trường và dân địa phương được gây dừng từ hàng chục năm trước khi nhà trường ra đời, nghĩa là từ khi vợ chồng Lê Quốc Quân – Huỳnh Bảo Vân mua được gần 30 ha đất Đồng Dơi để có nhà trường hôm nay.
Cả dân vùng này coi nhà trường là thành quả của mình. Có được điều này là nhờ mối mặt quan hệ gắn bó, tình nghĩa và cách cư xử của gia đình họ Huỳnh đã đành. Song quan trọng không kém là một số con em họ hiện nay là sinh viên của trường, một số người của địa phương làm việc trực tiếp ngay trong trường, một số gia đình là các nhà cung cấp nông sản hay dịch vụ cho nhà trường, cho sinh viên… Lần nào về thăm trường Huỳnh Bảo Vân cũng nhắc nhở sinh viên và nhà trường phải gìn giữ mối quan hệ gắn bó này, gìn giữ môi trường xã hội lành mạnh. Trường có hẳn một chương trình họat động gắn với việc học do Trung Nam phụ trách. Đã mấy năm rồi mà vẫn phải tạm gọi đây là “chương trình dân vận” vì chưa tìm được cái tên nào thích hợp. Một số đề mục của chương trình này nằm trong phần cứng của giáo trình giảng dậy “xây dựng quan hệ cộng đồng” do Trung Nam biên soạn. Phần thực hành thì giao cho sinh viên tự quản và tự thực hiện, đúc kết lên thành feedbacks của chương trình. Mục đích của chương trình này là tập luyện khả năng giao tiếp của sinh viên, nuôi dưỡng ý thức của sinh viên quan tâm đến những vấn đề của nhân dân nơi mình sống, học hỏi và đóng góp vào những vấn đề của địa phương, bảo vệ môi trường, phát huy vai trò của sinh viên... Một vài đề tài nghiên cứu về xã hội học của trường ra đời trong bối cảnh này và đang được xúc tiến khả quan. Nhân dân và chính quyền địa phương thừa nhận từ khi có trường bộ mặt và đời sống văn hóa của địa phương có nhiều thay đổi đáng mừng. Đĩ điếm, nghiện hút, cờ bạc hầu như chắc chắn không còn nữa trong khu vực địa phương của nhà trường. Đây là một điểm sáng nữa mà nhiều địa phương chung quanh ao ước.
-         Tôi rất mừng là về một số phương diện nào đó nhà trường chúng ta không phải là một gánh nặng xã hội, mà là một điểm sáng văn hóa của địa phương. Cháu Trung Nam đảm nhiệm phần này của trường tỏ ra rất có năng lực và kinh nghiệm. – giáo sư Tân hân hoan nhận xét như vậy trong khi tâm sự với Thạch.
-         Nhà trường giao việc cho Trung Nam đúng nghề đấy ạ. Song tôi nghĩ Trung Nam có người thầy tinh thần kiệt xuất là Vi Thanh. Mối quan hệ tốt với địa phương là sự bảo vệ vô giá nhà trường của chúng ta.
-         Từ khi về dậy ở Việt Nam, mặt xã hội của trường là điều tôi thấy phải học và học được nhiều nhất. Những năm dậy học ở nước ngoài tôi chỉ chúi mũi vào một chuyện là khoa học thôi, anh Thạch ạ…
-         Tân còn phải học thêm làm cán bộ chính trị nữa. – Thạch nói vui.
-         Thôi thôi, cái này thì xin tha cho mình!
-        
-        
Cái khó nhà trường chưa vượt qua được là mọi kiện cáo, tố cáo chống bọn ác ôn… của nhà trường, dù đủ các bằng chứng, nhân chứng, hầu như chẳng đem lại kết quả gì, mặc dù dân và chính quyền xã hoàn toàn đứng về phía nhà trường. Chuyện nổi bật nhất là có một lần dân trực tiếp túm được hai ác ôn, trói lại mang nộp tận tay công an tại trụ sở xã. Khi bị bắt, những ác ôn này còn nguyên cả dao và gậy trên người, nhưng cuối cùng lại phải giao chúng cho huyện chuyển tiếp lên trên, vì chúng là người địa phương khác… Song cứ như là một chương trình cài đặt sẵn, khoảng 3 tuần hay một tháng lại xảy ra một vụ như thế, hoặc to, hoặc nhỏ…  Thạch chỉ còn cách nhắc nhở cảnh giác và cấm mỏi mệt… Tóm lại, có rất nhiều lý do thày Khái bị lãnh đạo trường “giam lỏng” tại trường suốt vụ nghỉ hè năm nay…
Đến lượt Khái kêu giời kêu đất:
  - …Chẳng có cái nước nào như nước mình thế này cả!

Lại nói thêm một chút về buổi nói chuyện ngoại khóa của Nguyễn Văn Điểu lần ấy. Khách quan mà nói, ít buổi ngoại khóa nào sinh viên thu hoạch được nhiều như thế: Một sự thật trần truồng tự phơi bầy rất thật, được nhìn nhận bằng trí tuệ mới. Ý thức phê phán của sinh viên nuôi dưỡng chính ý thức phê phán của sinh viên. Còn tập thể giáo viên nhà trường thu hoạch được một chữ “thật!” – nghĩa là trong dạy học không gì bằng việc thật, dậy thật, học thật!
Là chị cả trong Hội đồng khoa học, Yến nói vui với các em mình:
-         Các “chiến hữu” của Hai Điểu có thả bao nhiêu bom tấn vào nhà trường này của chúng ta cũng không oan đâu các em ạ. Các sinh viên của chúng ta càng học càng cứng đầu cứng cổ thế này, các “chiến hữu”  khó trị lắm!
-        
Thi thoảng Hai Điểu nói chuyện qua điện thoại với Trung Nam, cái chính là muốn thăm dò nhiều thứ, song trong câu chuyện Hai Điểu thường hỏi đi hỏi lại về ấn tượng của sinh viên đối với buổi nói chuyện ngoại khóa của mình.
Có lần Hai Điểu hỏi:
-         Anh Trung Nam này, hình như trời sinh ra anh và tôi vừa là đối thủ, lại vừa là đối thoại của nhau, có phải thế không?
-         Như thế là anh khẳng định tôi có một vị trí nào đó đối với anh, có phải không?
-         Sự thật là thế. Đôi lúc tôi cảm thấy anh là bạn, bạn thật sự, vì nói thẳng, nói hết với nhau được.
-         Tôi và anh gặp nhau ở điểm này.
-         Thế thì nói thật với anh Trung Nam thế này nhé, một sự thật tôi đã nói toạc ra rồi, hôm nay nhắc lại thôi.
-         Xin mời anh.
-         Cái lý tưởng đào tạo của PH cuối cùng sẽ chỉ đạt được cái người không ra người, ngợm không ra ngợm. Cái mà trường của anh nhất định không dậy, hay không thể dậy được chính là: Thước đo giá trị của con người là khả năng của nó sở hữu các đơn vị trao đổi. Cái giá đích thực của con người là cái nó hơn hay kém những người khác về khả năng trao đổi. Ra về hôm ấy, tôi có cảm nghĩ sinh viên của anh trơ trơ với với chân lý này. Tôi nói đến thế mà hình như học trò của anh vẫn ngây ra như ông bụt!
-         Chính tôi cũng chưa được thuyết phục lắm, anh Hai ạ.
-         Thế thì nhà trường các anh ngu lâu quá, dậy sinh viên sao đây? Uyên bác như anh mà không hiểu rằng lịch sử cổ kim Đông Tây, kể cả ở nước ta, không thiếu gì ví dụ chỉ có mỗi cái lồn mà đổi lấy được cả đất nước của người ta! Xin lỗi anh, loại người như anh có lẽ phải nói đến ngôn ngữ ấy của miền Bắc may ra anh mới hiểu. Anh không lạ gì tính bốp chát của tôi!
-         … … - tuy nói chuyện qua điện thoại mà Trung Nam vẫn cảm thấy bừng bừng, có lẽ mặt mình đỏ dừ, giận dữ, không nói được gì…
-         Sao câm lặng thế? Nói đến thế mà vẫn chưa nghe thủng có phải không? – Hai Điểu oang oang trong mobile. - …Chỗ bạn bè với nhau nói thật, anh còn ngây thơ lắm, Trung Nam ạ, thật là đáng thương hại cho anh!.. Trí tưởng tượng của anh còn lạc hậu lắm so với những gì hàng ngày đang diễn ra trong cuộc sống ngay trước mắt anh!
-         … - Trung Nam vẫn không sao nói lại được câu nào.
-         Có cái để trao đổi, thì Tây Tầu Mỹ Nhật hay là cái gì gì trên thế giới này chẳng là cái đinh gỉ gì cả! Việc gì phải sợ chúng nó! Muốn đất nước phú cường, đất nước phải có nhiều cái để trao đổi. Không có gì để trao đổi thì chỉ còn đường đi ăn mày!
-         Điều anh vừa nói cuối cùng thì lại có lý. – Trung Nam thừa nhận, đến bây giờ mới mở mồm nói được thành lời. – Anh vẫn là con người của mục tiêu chứ?
-         Trời đất, thời tiết có thể thay đổi. Hai Điều thì không? Anh nghi ngờ điều này sao?
-         Con người của mục đích luôn cần có con người của mục tiêu để đối thoại hoặc đối đầu.
-         … - đầu mobile bên kia tiếng cười oang oang.
-        
Trong mấy lần trao đổi qua điện thoại như thế, Hai Điểu tuyệt nhiên không nhắc đến câu chuyện “50 triệu đô”.  Hai Điểu nhận lời sẽ đến nói chuyện ngoại khóa về tình hình kinh tế hiện nay là đang có tiến bộ trong chống lạm phát, hay là đang rơi vào thiểu phát, vấn đề nợ xấu trong nền kinh tế nước ta… Nhưng mấy tháng trôi qua rồi không thấy Hai Điểu gọi lại…
Thực ra Hai Điểu không lúc nào quên Đại học PH, vì tự cho mình và tôn thờ lẽ sống là con người của mục tiêu, song còn vì tính háo thắng, thêm cái tính thù dai.
Chuyện cũ. Khi Hai Điểu chưa bước tới được đỉnh cao của cuộc đời, nhóm Cường đá luôn luôn bị cánh Năm Hồng lấn lướt và hớt tay trên nhiều thứ. Đã thế cánh Năm Hồng còn khinh miệt nhóm Cường đá là loại người thứ hạng, tảy chay không cho phép nhóm Cường đá bén mảng vào bất kỳ hoạt động khoa trương nào. Cay cú nhất là chuyện cánh Năm Hồng năm xưa chẳng những thẳng thừng bác bỏ đề nghị tham gia tài trợ của nhóm Cường đá vào lễ hội hoa hậu hoàn vũ quốc tế, mà con của Năm Hồng còn dọa cho Hai Điểu ăn tát nếu Hai Điểu dám vác mặt đến dự! Hai Điểu khắc cốt ghi xương mối nhục này, kiên trì năm này qua năm khác theo đuổi mục tiêu phải vượt cánh Năm Hồng bằng mọi giá, và cuối cùng đã tới đích, với kết quả hơn cả mong đợi: Nuốt chửng Sagobank! Béo bự Năm Hồng phải gọi Nam Phương bằng chị!..
“…Đại học PH là cái quái gì!” – Hai Điểu thường tự nói với mình như thế… … …Ý đồ thôn tính Đại học PH có từ khi nhóm Cường đá quyết định hợp tác với PH để xây dựng khu đô thị Đồng Dơi. Nói đúng hơn là nhóm Cường đá mượn bóng vía cái dự án trường Đại học PH để đớp được khu đô thị Đồng Dơi... Song trong buổi nói chuyện ngoại khóa, Hai Điểu thấy ở đây cả thầy lẫn trò đều “đần” quá, có lúc Hai Điểu dùng những lời lẽ gần như chửi thẳng vào mặt mà chẳng gây ra phản ứng gì. Có ai dám mắng cả thầy và trò đều là một đám “pê-đê” bao giờ! Thế mà tất cả vẫn cứ như cục đất một lũ với nhau!.. Như trong một tia chớp, Hai Điểu nảy ra ý nghĩ mua đứt Đại học PH, tự đặt ra cái giá quáng mắt, chắc mẩm là đã ra giá là mua được! Những con tính rất nhanh, đây không phải là mua một mớ hàng, mà là mua một danh vọng, một cơ hội, một ý tưởng mới. Đạt được phi vụ này sẽ mở ra một con đường mới rất khoái trá... Trong trường hợp này, Hai Điểu tính toán, cái giá đắt rẻ có thực trên thị trường chỉ là tham số cho định lượng cái giá cơ hội mà thôi. Hai Điểu nghĩ dù phải rót bao nhiêu tiền vào Ngân hàng PH đi nữa thì cũng vẫn là tiền chảy trong sông nhà mình, vào được thì cũng sẽ có đường ra được. Nhưng cơ hội và ý tưởng thôn tính Đại học PH là duy nhất và chỉ có một lần… 
Sự bác bỏ thẳng thừng của Trung Nam làm Hai Điểu đau điếng, gặp lần đầu tiên trong đời!
 “…Hãy đợi đấy. Chuyện này ta không tha… Một cái thằng còn bú tý mẹ mà lại dám xử sự với ta như vậy!.. Cái thằng Quân chú mày ta còn cho về chầu diêm chúa, nhãi con như mày sức mấy! Sagobank còn tiêu, Đại học PH chúng mày là cái thá gì!..
Cái lệnh kiểm tra trong vòng 48 giờ đồng hồ thai nghén theo các đường lòng vòng rồi ra đời.
Hai Điểu cũng đặt hy vọng vào một số học sinh quậy phá của trường, một số do bản tính vốn hư hỏng, một số Hai Điểu cho tay chân cài vào. Hai Điểu sẵn sàng làm tất cả mọi việc để thôn tính!..  Nhưng qua buổi nói chuyện ngoại khóa, Hai Điểu thấy hình như cái đám quậy phá Hai Điểu gửi gắm chẳng làm được trò trống gì. Không phải vì đám này quá ít, mà là cái cách dạy và học của nhà trường, nhất là các buổi sinh hoạt do sinh viên tự tổ chức trong câu lạc bộ tinhthuong.com hay trong phòng đọc Vi Thanh, chương trình dân vận.., tất cả những thứ này khiến cho mọi cái xấu lọt vào trường trước sau cũng sẽ bị vô hiệu hóa dần dần…
“…Hãy làm mọi việc để ngôi trường này thực sự là của các bạn, để ngôi trường này là nơi các bạn thực hiện tốt nhất quyền tự do của mình trong học tập.., chỉ với mục đích duy nhất là trau luyện nhân cách và trí tuệ để trở thành người tự do!.. Bởi vì chỉ với phẩm chất và khả năng của con người tự do, mỗi chúng ta mới có thể cống hiến hết mình cho tự do và hạnh phúc của dân tộc ta, cho độc lập và thịnh vượng của đất nước vô vàn yêu dấu của chúng ta!..”
Đoạn trích này của giáo sư Phạm Trung Tân trong bài nói tại lễ khai trương nhà trường năm nào đã trở thành ý nguyện và truyền thống của nhà trường, thành sự thôi thúc đối với mọi sinh viên lặn lội từ mọi vùng đất nước đến tìm học tại trường này.
Hai Điểu rất tức điều này… Sau đó, trong một buổi giao ban mở rộng về các vấn đề kinh tế - xã hội của Thành Phố, Hai Điểu mượn dịp này phê phán sự chểnh mảng của Thành Đoàn, đưa ra dẫn chứng là chất lượng chính trị của thanh niên Đại học PH rất đáng quan ngại.
“…Đừng để cho trường này trở thành một pháo đài chống chế độ! Các đồng chí thử tưởng tượng xem, rồi trong cả nước mỗi nhà trường sẽ là một pháo đài như thế thì sẽ ra sao đây!..”
Hội trường rùng mình. Mọi người trong buổi họp giao ban hôm đó có cảm tưởng Thành đoàn bị Hai Điểu nã đại bác! Bí thư Thành đoàn hôm đó ngồi trên đoàn chủ tọa cúi gầm mặt! Sau buổi họp, một số người xúm quanh Hai Điểu, với những lời lẽ công kênh Hai Điểu lên mây xanh. Hiếm khi nào cuộc họp được lĩnh hội những câu nói hừng hực như của Hai Điểu, quán triệt lập trường nguyên tắc của Đảng triệt để đến thế là cùng!..
Ngay lặp tức công tác chỉ đạo chi đoàn ở đây được tăng cường, song trong nhà trường nó lại chệch hướng đi vào con đường của tinhthuong.comVi Thanh…
Một vài “cá chìm” được cài cắm vào trường dần dần cũng bị cảm hóa mất tiêu hoặc không phát huy được phần việc cài đặt. Các thành viên trong Hội đồng khoa học của trường phục lăn việc Thạch tuy đi đi về về, không sống cố định tại trường, nhưng luôn kịp thời chỉ ra được ai là “cá chìm”, ai là “cá nổi”, kinh nghiệm phát hiện và vô hiệu hóa “cá ”, xây dựng được phương án bảo vệ trường... Song đến nay vẫn không sao cản hết được những quấy nhiễu, mặc dù về cơ bản nhà trường đến giờ này được bảo toàn tốt…
-         Nuôi dưỡng khát vọng chính đáng của sinh viên và dựa vào dân. Đấy là hai bửu bối của nhà trường chúng ta. – Thạch phát biểu như vậy khi tổng kết năm học.
-        
Song cứ đều đều 3 tuần hay một tháng lại một cuộc gây rối của ác ôn từ xa đến, chuyện này trở thành một vấn nạn của Đại học PH… Thạch tự thú nhận trong thâm tâm: Mình không đến nỗi quá dốt, nhưng đúng là vẫn chưa đủ trí tuệ và quyền lực túm thằng giựt dây!.. Nhiệm vụ các lão gia giao cho mình làm chưa tốt lắm!.. Ký ức trong Thạch năm nào chân ướt chân ráo bước vào nhà họ Phạm sống lại…
Khái trêu chọc Thạch:
-         Phản gián cỡ bự như anh Thạch mà còn chấp nhận chấm côm bó tay với cái đám ác ôn này. Chẳng trách gì anh Thạch xuýt nữa xử bắn oan chú Nghĩa!.
Thạch túm lấy Khái đấm thùm thụp. Khái vùng ra được rồi, cả hai đuổi nhau quanh cái bàn như hai đứa trẻ con.
Trong đại gia đình PH không chỉ có chuyện trường Đại học PH, dù rằng đây là chuyện quan trọng nhất của họ, là sự nghiệp, là lẽ sống và lý tưởng của họ. Có thể nói họ luôn luôn dồn hết sức, hết tâm trí nuôi trường Đại học PH. Họ làm việc vì Đại học PH, sống vì Đại học PH… Song trong số trên một trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa của nền kinh tế đất nước bị đóng cửa hay phá sản năm nay, các gia đình của nhóm PH góp vào 6, với khoảng trên một nghìn công nhân mất việc! Nguyễn Thị Bạch Yến và Huỳnh Thái Vũ là linh hồn của nhóm PH, hai chị em này dù mỗi người có ba đầu sáu tay đi nữa cũng không thể đảo ngược được tình thế các doanh nghiệp của nhóm. Cả nhóm PH chỉ còn lại 2 đơn vị tiếp tục trụ vững, đó là Ngân hàng PH và công ty tư vấn Vina-investconsul mới tái cấu trúc lại được một năm nay. Hai doanh nghiệp còn lai nữa chưa “mất”, nhưng đang ngắc ngoải. Cái may duy nhất của nhóm PH là đã rút ra từ lâu khỏi thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán, nhưng cái không may là thị trường xuất nhập khẩu của nhóm này trong bốn năm gần đây co rúm, dẫn tới việc “mất” – nghĩa là bán, giải thể, tạm đóng cửa – sáu doanh nghiệp nói trên. Làm thế nào được!? Cả nước, và bây giờ là cả thế giới, ý thức hay vô ý thức, đang đi vào một thời kỳ kinh tế mới đầy gian truân…
-         Yến ơi, hồi này em gầy rộc đi nhiều quá! – Thạch xót vợ.
-         Ráng chịu anh! Con số phải trợ cấp mỗi người một tháng lương cho những xí nghiệp của nhóm PH đóng cửa phải thực hiện ngay trong tuần này là trên hai nghìn (2000) tháng lương anh ạ.  Vũ trong kia, em ngoài này, cả tháng nay hai chị em đúng là đi khắp nơi mòn hết cả lốp ô-tô mà vẫn chưa sao giải quyết xong. Chúng em kiệt sức rồi!..
-         Mối nguy lớn nhất của PH là gì em?
-         Bất kỳ giá nào không được để cho Ngân hàng PH bị thôn tính anh ạ. Mất nó chúng nó sẽ đánh tan Đại học PH luôn.
-         Bằng cách nào?
-         Thiếu gì cách hả anh. Ví dụ một thằng trời ơi nào đó ở Thành phố vin vào mặt bằng giá đất mới của khu đô thị Đồng Dơi đang lên như tên lửa, nêu ra vấn đề tính lại khoản tiền chuyển quyền sử dụng đất Đại học PH phải truy nộp vào ngân sách. Chỉ một chuyện này thôi Khái và Trung Nam không thể đương đầu nổi!
-         Em suy đoán?
-         Không, đây là một khả năng hẳn hoi anh ạ. Cả nước đang kê khai lại đất đai đang sử dụng, có lẽ là để tính lại thuế. Có lý do thực tiễn là trên thị trường giá đất bây giờ cao gấp ba bốn lần mức giá chuẩn của nhà nước, mức thuế đất hiện hành trở thành lạc hậu, ngân sách nhà nước lại đang thiếu hụt.
-         Ôi cái quả mìn đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân! Nó sẽ phá bất kể thứ gì trong tầm công phá của nó!.. – Thạch kêu lên.
-         Còn nhiều võ khác đánh Đại học PH lắm anh ạ.
-         Ngân hàng PH có trụ được không em?
-         Dứt khoát phải trụ. Nhưng xểnh tay chết liền!
-        
-        
Vợ chồng Thạch có nhiều đêm trắng…
Dù bận đến thế nào đi nữa, các gia đình nhóm PH hè này vẫn quyết định gặp nhau ngoài Bắc, để tổ chức đám cưới Lan – Trung Nam. Tất cả ra Hà Nội hết,  tề tựu tại nhà ông Chính, ông nội của Trung Nam. Riêng Khái phải một mình gác gôn, nằm bẹp dí ở trường.
Lan và Trung Nam thành thân là một sự kiện của gia đình đã đành, nó còn trở thành một sự kiện của trường.
Lý lịch cán bộ và giảng viên của nhà trường đều công khai minh bạch. Cái file “who is who?” trong phần nhân sự trên trang web của trường trả lời mọi câu hỏi đặt ra. Tuy vậy còn những điểm riêng tư khác nữa, cùng với thời gian cũng trở thành những điểm công khai được nói ra hay không nói ra mà ai cũng biết. Cụ thể ở đây sinh viên nào cũng biết Vi Thanh là mối tình đầu của Trung Nam, Lan là ô-sin của mẹ Yến đã phấn đấu trưởng thành nên. Đám cưới Lan – Trung Nam trở thành một sự kiện của trường, chính là do sự công khai minh bạch này. Sinh viên không phải chỉ biết về Vi Thanh, mà còn nhìn thấy ở Lan một tấm gương phấn đấu thứ hai trên đường đời sau Vi Thanh, một bài học sống mà ai có chí tại trường này đều trân trọng, đều muốn học. Vì lẽ này, họ dành cho cặp đôi Lan – Trung Nam sự mến thương sâu sắc. Trước khi hai người ra Hà Nội làm đám cưới, các sinh viên còn ở lại trường đã tổ chức một buổi liên hoan mừng đôi uyên ương, chỉ toàn các chai la vie và một ít bánh kẹo, trong một bầu không khí tuyệt vời, song có lẽ không gì tuyệt vời hơn khi sinh viên hát về tình yêu, kể các chuyện tiếu lâm vui về tình yêu…
Một sinh viên miền Nam thứ thiệt góp vui. Anh ta vừa đọc vừa biểu diễn bài thơ giọng điệu dân dã của nhà thơ nhạc sỹ Phan Ni Tấn gốc gác Ban Mê Thuột:   

Dt Tình Ti Bu


Bữa bậu bỏ đi qua bắt rầu thúi ruột
Tưởng trửng giỡn chơi dè đâu biệt ngàn trùng
Tình nghĩa tính ra (úi chu cha) mỏng lét
Lấy cái giống gì biểu bậu thủy chung

Cái bữa dứt tình bậu te rẹt một nước
Chạy theo níu áo năn nỉ miết cũng hông
Nghĩ lợi thấy thương đôi câu già nhơn ngãi
Tình loan ý phượng (chèn đét) nó non bân

Nhà cửa bấy chừ sao trống huơ trống hoác
Chắp tay sau đít vác bản mặt đưa ma
Đi ra ngó trời (ứ hự) vào ngó đất
Còn biết làm sao đành nhớ bậu thôi hà

Nhớ lúc quạu đeo bậu làm eo quá ể
Rồi mềm như mưa chan chứa đựng trong lu
Mỗi lần khát nước qua thò tay khoát khoát
Ực một gàu trong vỗ cái bụng tròn ù

Nhớ cái bản mặt (chu mẹt) ơi là sáng
Như múc ánh trăng tưới xuống mảnh hồng nhan
Tình nghĩa trầu cau tém vừa tròn một bọc
Còn chỗ nào dư mà nhét miếng trăng vàng

Nhớ con mắt liếc sắc như dao thọc tiết
Làm trái tim qua hệt sung rụng sân nhà
Đôi mắt thu ba trường giang con sóng lượn
Chết hụt mấy phùa mới thấy đã tổ cha

Nhớ nút ruồi duyên bu ghiền bên mép trái
Nó hay dãn ra lúc bậu ré lên cười
Gặp bữa sung thiên bậu khiêng cơn hạnh phúc
Cắn phập hồn qua đau sướng thấu ông trời

Nhớ tiếng võng trưa bậu đưa qua kọt kẹt
Cái giọng ầu ơ nghe mát ruột làm sao
Phải chi chìm cha nó luôn trong vũng mộng
Để được ru hoài ru hũy điệu ca dao

Vậy mà dứt áo bậu qua cầu thẳng thét
Ngún nguẩy bay đi hổng ngoái lợi một lần
Cuộc đất nào khôn thì đón chân chim đậu
Để bậu tìm chồng giữa cái chốn ba quân…

Thật khó mà nói là người sinh viên này đọc thơ hay hát thơ, múa hay diễn thơ. Người hiểu được cười như nắc nẻ. Còn dân xuất xứ Miền Bắc thứ thiệt thì mặt nghệt ra, sau đó phải nhờ anh ta đọc lại, giải thích từng câu. Lại nhiều tiếng cười rộ lên…

Tinh thần Vi Thanh đã vực Trung Nam đứng dậy như một ý thức nào đó bất khuất. Tự Trung Nam đã nói lên được điều này với mẹ mình  khi hai mẹ con năm ấy xin phép cả nhà đi Sapa để có một cái Tết riêng cho hai người. Song ý chí vượt lên nỗi sợ, Trung Nam thừa nhận đã học được ở Lan. Những gì đã giúp Lan dấn thân vào đời và từ đó có thể cống hiến cho sự nghiệp của Đại học PH, không ngoài gì khác là bắt đầu từ vượt lên nỗi sợ của chính bản thân. Sống bên cạnh Lan như vậy, mà Trung Nam vẫn không sao tưởng tượng nổi Lan lấy đâu ra nghị lực để bước vào đời và bước đi những bước như hôm nay, từ vạch xuất phát vô cùng khắc nghiệt... Trung Nam cũng nói thật không biết là bắt đầu yêu Lan từ lúc nào. Lúc đầu rõ ràng là sự mến phục, rồi đến cảm nghĩ ngày càng không thể sống thiếu Lan, còn bây giờ là ý chí mạnh mẽ sống vì Lan. Trung Nam đã sống như thế với Lan trong từng bước đi, từng việc làm nhỏ nhất kể từ khi Lan cáng đáng giúp phần nào công việc trên tinhthuong.com, các năm Lan học tiếp, lúc hai người kề vai sát cánh trên công trường xây dựng cơ ngơi nhà trường này…
Lan tìm được đến tình yêu dành cho Trung Nam trước hết nhờ mẹ Yến và tấm gương của Vi Thanh: Tự tin vào mình và dám sống hết mình với đời. Từ một cô bé nhút nhát với thân phận ô-sin trở thành một con người như hôm nay, việc đầu tiên của mọi việc đầu tiên đưa tới sự đổi đời này là câu nói Lan tự nói ra được thành lời “Từ nay, anh không thể bắt nạt tôi được nữa!”… …  Lan nói ra được câu nói ấy với chính mình sau khi đủ can đảm thổ lộ với mẹ Yến chuyện mình bị người yêu tại lớp học buổi tối dọa bỏ vì không chịu đáp ứng đòi hỏi của anh ta. Nhưng tình yêu của Lan dành cho Trung Nam đến dần dần trên con đường kế tục sự nghiệp của Vi Thanh, kể từ khi Lan được giúp một phần, rồi thay thế hẳn Trung Nam cáng đáng trang mạng tinhthuong.com. Lúc đầu Lan tìm thấy ở Trung Nam một người anh luôn chỉ bảo, luôn che chở, thế rồi Lan Yêu Trung Nam tự bao giờ không biết.
Hôm đó, Lan đứng một chỗ tại điểm mốc trên công trường, trong tay cái laptop có các file ghi lại các bản vẽ cad/cam nguyên gốc thiết kế, còn Trung Nam trong tay bản vẽ cad/cam trên giấy và đi lại trên thực địa, hai người liên lạc với nhau qua bộ đàm, cùng nhau kiểm tra từng công trình kết cấu hạ tầng. Mãi gần tối, công việc mới xong.  Trung Nam thổ lộ với Lan tình yêu của mình: “Em ạ, các công trình xây dựng nên trường này sẽ là đứa con đầu lòng của hai chúng ta!..” Trung Nam nói câu này với Lan lúc công trường hoàn thành các công việc xây dựng kết cấu hạ tầng của toàn bộ mặt bằng nhà trường…
…Nỗi đau của Yến mất Vi Thanh được đền bù bằng sự thành thân của Lan – Trung Nam. Còn hơn thế, một niềm hạnh phúc khôn tả xiết: Được là mẹ của ba đứa con như Vi Thanh, Trung Nam, Lan mang lại cho Yến sự mãn nguyện vô vờ bến, sự mãn nguyện gắn bó Yến thiết tha hơn nữa với cuộc đời này, sự mãn nguyện làm cho Yến can đảm hơn nữa trong cuộc đời này  …Ta đã mất rất nhiều, song ta đã  được ba đứa con vô cùng đáng yêu này, ba đứa con mà ta vô cùng đáng sống làm mẹ, ba đứa con làm nên chính con người ta, khẳng định chính ta!
Thạch nói với Yến:
-         Mấy tuần nay bận tíu tít bao nhiêu thứ chuẩn bị đám cưới cho con, thế mà anh thấy em đang trẻ lại!
-         … - Yến chỉ ôm riết lấy Thạch, không nói gì, cũng không cảm thấy cần nói gì, trong lòng chỉ một niềm hạnh phúc không lời, niềm hạnh phúc không lời là niềm hạnh phúc tất cả…
-        
-        
Bà Chính, bà Nghĩa, bà Hậu, cả ba đều là đảng viên. Nói như thế muốn để nói rằng cả ba đều “mác-xít”. Song không ai bảo ai, cả ba đều chung một ý: Lan và Trung Nam thành thân với nhau là trời Phật đền bù cho Yến, cho Trung Nam, cho gia đình dòng họ Phạm này… Các bà nghĩ theo kiểu của các bà, song khó mà so sánh niềm vui của các bà hơn hay kém niềm vui của Yến về đám cưới này, và đúng là cũng không thể so sánh như thế được… Khi bà Nguyệt kể chuyện này với chồng, ông Nghĩa tủm tỉm cười:
-         Phải, tàn phai tất cả với nhau rồi, bây giờ bà nào mà lại không mác sít! Sít xờ nặng đấy.
Bà Nguyệt lặng thinh, tiếp tục làm mọi việc của mình. Đến khi hiểu ra câu nói bông của ông Nghĩa. Bà chạy lại túm lấy chồng, đấm phủi bụi liên hồi:
-         Già rồi mà còn nói bậy! Đánh cho chừa cái tội nói bậy!
-         Úi! Úi! Úi!..
-        
Hai vợ chồng già cười ngặt nghẽo với nhau như trẻ con.
Bà Chính mất con trai mình trên chiến trường Campuchia, sau khi nghe Trung Nam chính thức thưa với bà là sẽ cưới Lan, bà ra bàn thờ thắp cho Nam một nén hương “… Nam ơi, ở nơi chín suối con có thể toại nguyện về Trung Nam của mình… Cả đại gia đình họ Phạm chúng ta hạnh phúc vì đám cưới này, con ạ!..” – bà khấn như vậy trong lòng, nước mắt cứ tự nó lăn trên má…
Hai anh em ông Chính ông Nghĩa ngồi uống cà-phê với nhau tại phòng khách, tâm tình:
-         Ôi!.. Nếu còn anh Lê Hải, chắc anh Lê Hải sẽ rất vui về đám cưới này… – ông Nghĩa nói với anh mình.
-         Tuổi trẻ là hy vọng của chúng ta! Niềm tin này thật không sai, Nghĩa ạ!..
-        
Lễ thành hôn Lan – Trung Nam được làm tại quê Lan, đăng ký kết hôn cũng tại đây luôn. Bố mẹ, con, cháu các gia đình dòng họ Phạm này, bố mẹ Vi
Thanh, vợ chồng Huỳnh Thái Vũ, cô Huỳnh Bảo Vân và một số khách mời nữa.., tất cả vừa đủ trong một chiếc xe buýt 32 chỗ, ngay từ sáng tinh mơ đã lăn bánh đi từ Hà Nội về quê làm đám cưới. Ngoài ra không làm gì ở Hà Nội. Đây là quyết định của Yến: Nhập gia tùy tục, Trung Nam về làm con rể của làng thì phải theo tập tục của làng.
-         Mẹ muốn Trung Nam là con rể tốt của làng, hai con đồng ý không?
Cả Lan và Trung Nam đều reo lên vì mừng. Các ông bà Chính, ông bà Nghĩa, bố mẹ Vi Thanh và bà Hậu đều cho suy nghĩ của Yến là chí phải. Khỏi phải nói, đám cưới này trở thành một sự kiện của làng, mặc dù các phong tục, lễ lạp, cỗ bàn hoàn toàn giống như mọi đám cưới khác của làng. Dân làng nói nhiều về chuyện làng lần đầu tiên có một đám cưới cùng một lúc có mặt cả hai họ như thế, họ nhà trai từ Hà Nội về dự đầy đủ. Song dân làng nói nhiều nhất về con đường nên người của Lan. Dân làng khen nhà trai cởi mở, chân thật, dễ hòa nhập cứ như là người cùng làng vậy. Nhà trai chia nhau đến tận từng nhà họ hàng của nhà gái thăm hỏi, truyện trò, chân tình cảm ơn đã giúp đỡ đám cưới…
Sau khi xong hết mọi công việc của đám cưới, trời đã tối, trước khi trở ra Hà Nội, Yến ngồi một mình với mẹ Lan:
-         Chị ạ, cả hai bố của hai con chúng ta đều hy sinh trên chiến trường Campuchia. Hình như ở nước ta nhà nào cũng có mất mát lớn chị ạ. Tôi  cầu mong bố Lan và bố Trung Nam cùng chúng ta chia vui niềm vui này về hai con chúng ta.
-         Ôi, phải cảm ơn chị nhiều lắm, chị Yến ạ.
-         Thật ra là chúng ta dựa vào nhau mà sống, có phải thế không chị? Dựa vào nhau chịu đựng những mất mát đã xảy ra, dựa vào nhau vun đắp cho hai con chúng ta.
Mẹ Lan không nói được gì, chỉ ôm chặt lấy Yến, nước mắt rưng rức.

Kế hoạch Lan ra Hà Nội giúp Yến phải thay đổi, vì có người mẹ nào lại không muốn các con của mình được hạnh phúc trọn vẹn!? Thay thế vào đó là Lan giúp Yến phần việc của “Doanh nhân tự cứu mình, cứu nước!” qua mạng vậy. Những việc khác Yến phải tự làm lấy, Cẩm Liên phụ thêm vào…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét