Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

"Lũ" - Final Draft April 2015




18





          “…
          …
          … (tiếng vỗ tay lại nổi lên rào rào…)

          Các bạn sinh viên thân mến, như đã trình bầy, tôn chỉ mục đích của trường đại học PH, phương thức hoạt động công khai minh bạch và phi lợi nhuận của trường. Hy vọng tất cả như thế là rõ ràng.

          Hãy coi ngôi trường này là của các bạn.

          Hãy làm mọi việc để ngôi trường này thực sự là của các bạn, để ngôi trường này là nơi các bạn thực hiện tốt nhất quyền tự do của mình trong học tập.., chỉ với mục đích duy nhất là trau luyện nhân cách và trí tuệ để trở thành người tự do!.. Bởi vì chỉ với phẩm chất và khả năng của con người tự do, mỗi chúng ta mới có thể cống hiến hết mình cho tự do và hạnh phúc của dân tộc ta, cho độc lập và thịnh vượng của đất nước vô vàn yêu dấu của chúng ta! (tiếng vỗ tay lại nổi lên rào rào…)


          Các bạn sinh viên thân mến, trong không khí trang trọng của ngày khai trường hôm nay, cho phép tôi thay mặt các bạn và nhà trường chân thành cảm ơn Nhà xuất bản Trí thức và các tác giả tham gia viết kỷ yếu “200 năm Đại học Humboldt” đã gửi tặng trường chúng ta quyển kỷ yếu này. Tôi hiểu nghĩa cử này của giới trí thức nước nhà là sự thôi thúc ra riết mỗi chúng ta ở đây: Hãy học tập tinh thần đại học Humboldt!  Nghĩa là hãy hình thành nhân cách và trí tuệ của chính cá nhân mình, với tất cả ý chí của con người tự do, trước hết để tự khai sáng cho chính bản thân mình, để tự khẳng định, và qua đó có phẩm chất và khả năng tốt nhất góp phần mình vào hình thành phẩm chất và trí tuệ của dân tộc Việt Nam ta sao cho tiến kịp với thế giới đương đại ngày nay.

          Cách đây 200 năm, Đại học Humboldt đã làm được nhiệm vụ thiêng liêng của nó, góp phần quan trọng vào việc khai sáng và thức tỉnh nước Đức vươn ra khỏi những thế kỷ tăm tối đêm dài thời trung cổ. Mô hình và tinh thần Đại học Humboldt đã trở thành mẫu mực đầu tiên cho nền đại học của các quốc gia văn minh trên thế giới. Tôi mong rằng quyển kỷ yếu “200 năm Đại học Humboldt” các bạn đang có trong tay sẽ cổ vũ mỗi chúng ta thực hiện không khoan nhượng quyền tự do của mình trong học tập dưới mái trường này cũng như trong suốt cuộc đời của mỗi chúng ta mai sau. Con đường duy nhất dẫn đến khoa học và phẩm giá là con đường của tự do!

          Với khát vọng về tự do như vậy, chúng ta hãy liên kết bền chặt với mọi sinh viên và các trường đại học trong cả nước, vượt lên nỗi sợ hãi của chính mình, để nhìn thẳng vào những vấn đề quyết định vận mệnh đất nước. Hãy dũng cảm với tất cả trái tim và khối óc của mình trả lời câu hỏi “đất nước ta đang đứng ở đâu trong thế giới hôm nay?”, để cùng nhau với thanh niên cả nước dấy lên sự nghiệp khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh mà bậc tiền bối Phan Châu Trinh đã đề xướng. Đấy cũng là con đường mỗi người dân nước ta tự giải phóng được chính mình khỏi sự nô dịch của ngu dốt và dối trá! Hãy làm tất cả để toàn thể dân tộc ta tự nhận thức lại mình, tự thay đổi mình, từ đó có ý chí và nghị lực san lấp nỗi nhục của một quốc gia nghèo hèn lạc hậu, quyết  đưa đất nước ta vào một thời kỳ phát triển mới hòa nhập hài hòa với cộng đồng nhân loại trong nền văn minh hiện đại!

          Đất nước của những con người tự do, đấy sẽ mãi mãi là đất nước của phát triển!

          Với tất cả những gì khoa học và phẩm giá có thể đem lại được, hãy giác ngộ nhiệm vụ tiên phong không thể thoái thác này của mỗi chúng ta đối với dân tộc, đối với Tổ quốc!
         
          Mỗi chúng ta có mặt ở đây hôm nay, hãy cùng nhau mở đầu sự nghiệp cao cả này bằng cách làm cho ngôi trường này bảo đảm quyền tự do trong học tập của các bạn, làm cho ngôi trường này thực sự là của các bạn!..

          Xin hãy cùng nhau làm như thế! Xin cảm ơn!..


          Giảng đường lặng đi trong giây lát vì ngây ngất, để rồi bật lên ầm ầm như nước vỡ bờ những tiếng vỗ tay vang dạy từng đợt, từng đợt… Lúc đầu là từ góc này góc kia trong giảng đường vang lên những tiếng hô “Việt Nam muôn năm!”, “Tự do muôn năm!”… Sau những tiếng hô tự phát ấy, cả giảng đường từng đợt từng đợt đồng thanh “Việt Nam muôn năm!”, “Tự do muôn năm!”… Rồi tất cả mọi người trong giảng đường đều đứng lên, tay nắm tay hô vang “Việt Nam muôn năm!”, “Tự do muôn năm!”… Có những tiếng hô nghẹn ngào trong nước mắt, nghẹn ngào trong vòng tay ôm nhau, lồng ngực như muốn vỡ ra… “Việt Nam muôn năm!”… “Tự do muôn năm!”…

          Không thể nói gì hơn, tất cả như đang nắng hạn gặp mưa rào… Mọi người đang khao khát cùng nuốt từng lời. Mọi người cùng hô vang muôn lời…

           Giám đốc trường đại học PH giáo sư Phạm Trung Tân kết thúc trong không khí như vậy phần phát biểu của mình khai trương nhà trường, đồng thời tuyên bố  khai giảng năm học mới.

          Lời phát biểu không viết ra giấy, cũng không có thưa gửi chào hỏi rườm rà, chỉ tập trung vào thông điệp không thể nhầm lẫn: Trao ngôi trường này cho sinh viên. Học hành để trở thành người tự do! Vì đất nước, phải trở thành người tự do!

          Giáo sư Tân lặng người, không đi tiếp được nữa vì xúc động trước sự hưởng ứng mạnh mẽ đến bất ngờ của sinh viên. Rời microfone được mấy bước, Tân ngây người đứng yên như pho tượng giữa bục giảng mênh mông. Thông điệp của Tân được đón nhận nhiệt liệt. Một lát sau, những sinh viên ngồi mấy hàng ghế đầu chạy ùa lên bục giảng ôm chặt lấy Tân, quây quần quanh Tân vòng trong vòng ngoài...

-         Chúng em cảm ơn thầy!
-         Chúng em cảm ơn thầy!
-         Ôi thầy đã đánh thức chúng em!..
-         Chúng em nhất định làm cho ngôi trường này là trường của chúng em!
-         Chúng em không sợ nữa!
-         “Việt Nam muôn năm!”
-         “Tự do muôn năm!”
-        
-        

          Ôi những giây phút không thể nào quên!.. Những tiếng nhạc hào hùng, thiết tha và những hình ảnh sôi nổi của tuổi trẻ trong các video clip tinhthuong.com trên màn hình hội trường làm nền cho buổi lễ khai giảng càng thêm giục giã lòng người… Tuổi trẻ của khát khao yêu thương! Tuổi trẻ của vươn lên! Tuổi trẻ của giải phóng!..

          Một điều bất ngờ là trong 3 bài phát biểu cảm tưởng của sinh viên đại diện cho 3 miền Bắc – Trung – Nam của đất nước tại buổi lễ khai mạc, trang web tinhthuong.com được nhắc đến nhiều lần, coi Vi Thanh là tấm gương thôi thúc suy nghĩ của mình. Có một em sinh viên gái nói rõ tuy gia đình mình ở Hà Nội, song xin vào đây học là vì muốn cống hiến cho đời theo con đường của Vi Thanh. Trong phát biểu của mình, người sinh viên này đề nghị nhà trường lập một phòng đọc sách lấy tên là Vi Thanh. Cả hội trường vỗ tay nhiệt liệt tán thành.
          …


          Ngồi xem video clip lễ khai trương và đồng thời cũng là lễ khai giảng năm học mới của trường đại học PH, các gia đình của họ Phạm và họ Huỳnh tề tựu đông đủ tại nhà Má Sáu Nhơn. Người ngồi xem cũng cảm thấy xúc động chẳng khác người trong màn hình nhỏ là bao …
          … …
          Có lẽ ba chục năm nay rồi, kể từ ngày má Sáu Nhơn về với tổ tiên, rồi cụ Phạm Trung Học cũng không còn nữa, con cháu hai họ Phạm – Huỳnh mới có một cuộc gặp mặt đông đủ như thế… Họ mail đi mail về, rồi điện thoại, book vé lên, book vé xuống, rồi còn phải làm bao nhiêu công việc “hậu cần” khác nữa, thu xếp ròng rã gần một năm trời mới tổ chức được cuộc họp mặt này của hai họ Phạm – Huỳnh. Ấn tượng sâu sắc về lễ khai giảng càng làm cho cuộc gặp mặt thêm hoan hỷ, ấm cúng.
          Cánh gia đình dòng họ cố nhà giáo Phạm Trung Tuyên từ Hà Nội vào có các gia đình ông bà Phạm Trung Chính, ông bà Phạm Trung Nghĩa và các gia đình của các con, các cháu.
          Cánh gia đình dòng họ Phạm tại Mỹ có vợ chồng ông bà Phạm Trung Lễ đến từ San Jose, vợ chồng bà Phạm Thị Hoài đến từ Los Angeles. Họ đều bước vào cái tuổi thất thập cổ lai hy và là em ruột của các ông Phạm Trung Chính, Phạm Trung Nghĩa.
          Gia đình giáo sư Phạm Trung Tân – con trai ông bà Phạm Trung Nghĩa – đến từ Stockholm. Tiến sỹ Linda Palme, vợ giáo sư Phạm Trung Tân, nói và viết tiếng Việt không thua kém người Việt là bao. Lisa và Liane - cặp sinh đôi hai con gái của vợ chồng này đang làm MBA tại Đại học Stockholm, sắp xong, cũng thạo tiếng Việt, nhưng không bằng mẹ.
          Cánh gia đình dòng họ Huỳnh có gia đình ông bà Huỳnh Thái Tước và con cháu, đến từ Scotland,  gia đình ông bà Huỳnh Thái Quang và con cháu đến từ Ottawa, gia đình ông bà Huỳnh Thái Thịnh và con cháu đến từ Chicago. Khi rời đất nước các ông bà Huỳnh Thái Tước, Huỳnh Thái Quang và Huỳnh Thái Thịnh mới chạc bốn mươi, bây giờ họ đều bẩy mươi, ngoài bẩy mươi. Vào cái đêm họ từ biệt má Sáu Nhơn để dắt các con mình xuống thuyền vượt biển đi di tản, cũng là cái đêm má Sáu Nhơn xé Tuyên Ngôn Độc Lập trong nước mắt…
          Cánh gia đình dòng họ Huỳnh ở Sài Gòn là thế hệ thứ ba của họ Huỳnh – đó là hai gia đình các cháu nội của má Sáu Nhơn: gia đình Huỳnh Thế Vũ và con cháu, gia đình Huỳnh Bảo Vân, có chồng là Lê Quốc Quân, bị đoàn xe vua sát hại. Vũ và Bảo Vân là con ông bà Huỳnh Thái Phong – ông Hai Phong là anh ruột của các ông Ba Tước, Tư Quang và Năm Thịnh.
          Còn một gia đình nữa đến từ Hà Nội thuộc bên họ Huỳnh, nhưng gắn bó cũng vô cùng thân thiết như ruột thịt với họ Phạm, đó là vợ chồng lão tướng Lê Hải. Lão tướng đã bước vào tuổi ngoài chín mươi, nhưng trời cho sức khỏe đi lại chưa phải chống ba-toong, giữ được phong độ quắc thước, vẫn minh mẫn lạ thường. Bà vợ trước  của tướng Lê Hải là con gái út má Sáu Nhơn, Huỳnh Thị Ngọc Thạnh, bị sát hại cùng với đứa con đầu lòng trong trận càn Củ Chi đầu những năm 1960. Vợ tướng Lê Hải bây giờ là bà giáo Hậu. Bố bà Hậu là chỉ huy du kích kiên cường nổi tiếng Quân khu 3 thời kháng chiến chống Pháp,  bị xử tử oan trong cải cách ruộng đất, sau này được truy tặng danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang[1]… Đây đó người đời trầm trồ, thán phục lão tướng Lê Hải và lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh. Cả hai vị tướng này giống nhau ở chỗ khi rời quân ngũ đều cấp bậc thiếu tướng, đều ngoài  chín mươi mà vẫn còn sang sảng tiếng nói quyết liệt chống sáp nhập Hà Tây vào Thủ đô, chống việc phá tòa nhà Quốc hội Ba Đình, phản đối quyết liệt việc cho Trung Quốc thuê đất thuê rừng và khai thác bô-xít Tây Nguyên, chống vụ đổ bể của Vinashin, chống bản án phi lý xử luật sư Cù Huy Hà Vũ, kiên quyết bảo vệ biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia…
          Tất cả là gần sáu chục con người, đủ các lứa tuổi thuộc các thời kỳ khác nhau của đất nước. Ghép nối đường đời của họ lại với nhau, nghĩa nào đó mà nói, cũng có thể xem đấy là ghép nối các mảnh lịch sử của đất nước xuyên suốt từ trước Cách mạng Tháng Tám đến nay.
          Sự kiện khai giảng trường Đại học PH là lý do thiêng liêng và duy nhất tạo nên cuộc đoàn tụ có một không hai này của các gia đình hai dòng họ Phạm – Huỳnh. Những người trong hai dòng họ Phạm – Huỳnh chờ đợi, mong mỏi sự kiện này năm này qua năm khác, bây giờ họ toại nguyện. Những người trong hai dòng họ Phạm – Huỳnh coi việc thành lập được trường Đại học PH là biểu tượng khẳng định nguyện vọng và ý chí của mình, bởi lẽ các hậu duệ của hai dòng họ nhà này đã cam kết trước vong linh các bậc sinh thành ra mình sẽ làm mọi việc đóng góp cho đời, cho đất nước đúng sở nguyện của các vị. Đó còn là truyền thống, là niềm tự hào của hai họ Phạm – Huỳnh này, là ước vọng của các bậc cha mẹ trong hai dòng họ này mong rằng các con cháu mình sau này cũng sẽ gìn giữ nếp nhà như vậy để thành người… 
          Lại nói thêm về cái tên gọi của trường. Hai chữ cái PH trong đơn xin thành lập trường góp thêm không ít khó khăn cho việc xin phép. Đủ mọi điều hoạnh họe: Đặt hai chữ cái gọn lỏn như vậy hàm ẩn ý gì? Một mật mã hay một tín hiệu? Hay là một ám hiệu?..  – một người trên Bộ vặn vẹo.
          Trước sau chỉ có một giải thích:
-         Đấy là trường học của hai dòng họ chúng tôi kết nghĩa với nhau lập nên, họ Phạm và họ Huỳnh, để thực hiện tâm nguyện của hai dòng họ chúng tôi.
-         Thế sao không gọi là trường Phạm – Huỳnh?
-         Đặt thế dễ gây hiểu nhầm là có một nhân vật Phạm Huỳnh nào đó trong lịch sử đất nước.
-         Nhưng đặt là PH thì chẳng ai hiểu là cái gì. Chưa hề có tiền lệ.
-         Vì thế học sinh sẽ phải tự tìm hiểu hai dòng họ chúng tôi là ai. Qua đó, trước khi xin nhập học, học sinh đã hiểu được trường chúng tôi muốn gì, thuận lợi cho các em cân nhắc, quyết định.
-         A ha, một kiểu marketing độc đáo?
-         Tùy, anh muốn hiểu thế cũng không sao.
-         Cam đoan đây không phải là một ám hiệu chứ?
-         Chắc chắn không phải là ám hiệu. Nhưng tại sao lại phải cam đoan như vậy?
-         ???
-        
Những cái dấu hỏi không lời như thế có nghĩa là công việc xin phép lại chết dí một chỗ nhiều tuần, nhiều tháng, năm…
          Người xắp xếp toàn bộ mọi việc từ A đến Z để có được cuộc đoàn tụ này là Lan, vốn là ô-sin của Yến, nhưng từ hai năm nay vào sống hẳn trong Thành phố, làm trợ lý cho nhóm các thành viên lãnh đạo của trường Đại học PH.
          Sau video clip lễ khai giảng, mọi người xem video thuật lại quá trình xây dựng trường, do Trung Nam và Lan tự tay ghi vào máy các sự kiện trong suốt hai năm làm việc “trên công trường”, sàng lọc các hình ảnh và dựng thành video clip này... Đây là những tư liệu quý về lịch sử thành lập trường Đại học PH. Cảm nghĩ chung của người xem là choáng ngợp trước không biết bao nhiêu nỗ lực phi thường để biến khu Đồng Dơi hoang vu thành một khu trường đại học khang trang như đang hiện hữu trước mặt. Lời khen, lời thán phục dành cho Lan và Trung Nam không ít, cả hai lăn lộn khắp công trường, giải quyết hàng trăm hàng nghìn thứ việc không tên để giữ được tiến độ và bảo đảm chất lượng xây dựng. Trên màn hình, có lúc mọi người thấy Lan tay cầm bản thiết kế, tay lăm lăm điện thoại di động cãi lại bên thi công rất gay gắt việc họ đặt hố ga và rãnh thoát nước của khu A sai với bản vẽ. Một đoạn trong video clip Trung Nam quay được làm mọi người trầm trồ: Lan thẳng tay tát người đốc công, anh này chẳng những không nhận lỗi thi công mà còn dở trò xàm xỡ. Sau cái tát, Lan chỉ tay vào măt anh ta: Nếu anh không xin lỗi, tôi sẽ đuổi việc cả nhóm ngay tại chỗ!.. Thật khó tưởng tượng rằng người con gái này ai nói to một tý cũng sợ rúm cả người, nhưng lại quyết liệt đến thế trên công trường… Trung Nam và Lan cũng sưu tầm và ghi lại được nhiều hình ảnh về các hoạt động, các cuộc họp đáng ghi nhớ, nhất là cuộc họp đi tới quyết định: Trường Đại học PH chỉ có Hội đồng sáng lập và Hội đồng khoa học, không có Hội đồng quản trị. Chính vì lý do này, suýt nữa trường Đại học PH không được Bộ và sau này là không được tỉnh phê duyệt. Có người trên Bộ nói: -   Cái trường này tự gây không ít khó khăn cho chính mình!..
          Câu chuyện “không Hội đồng quản trị” bắt đầu từ chỗ trong những năm tháng chờ đợi cấp phép, nhóm PH nhận thấy không ít trường đại học và cao đẳng dân lập nhanh chóng biến tướng thành tổ chức kinh doanh trục lợi, giáo dục bị thương mại hóa vô cùng tồi tệ và nguy hiểm cho đất nước, tất cả nhân danh cổ phần hóa. Diễn biến chính thường xẩy ra là những kẻ lắm tiền và quyền thường vận động đủ mọi thứ áp lực, tìm cách nắm cổ phần chi phối để định đoạt các Hội đồng quản trị, từ đó định đoạt luôn nội dung giảng dạy và số phận của trường. Họ sẵn sàng bơm tiền làm mọi việc để có trường, cũng có nghĩa là có cả đất, rồi  qua đó và sau đó tùy tiện thao túng mọi hoạt động của trường, biến trường thành một thứ kinh doanh vì lợi nhuận. Nếu cần thì nhờ chính quyền can thiệp…
 Tốn kém bao nhiêu thời gian và chi phí vận động, họp hành, đi đi lại lại để bàn luận, để cuối cùng PH thực hiện được ý kiến thống nhất: Mọi tài sản hữu hình và vô hình, mọi vốn góp hay tiền quyên góp được cho việc xây dựng trường là tài sản của nhà trường, do Hội đồng khoa học trực tiếp đứng tên quyền chủ sở hữu. Nhóm PH coi đấy là cách tự vệ hữu hiệu nhất.
Song nát óc nhất là việc chạy vạy thuyết phục Bộ chấp nhận phá lệ, đồng ý cho trường không có hội đồng quản trị. Quyết định này nhằm bảo vệ dứt khoát tính “đại học nghĩa thục” của trường và loại bỏ vĩnh viễn nguy cơ cổ phần hóa. Đây cũng là điểm Trung Nam đã phải lưu ý Hai Điểu rất  kỹ khi nhóm Cường đá ngỏ ý “canh ty” với nhóm PH trong việc thành lập trường. Trường đại học PH vì thế chỉ có một Văn phòng quản trị lo liệu toàn bộ các chức năng kỹ thuật, tài chính và hành chính trong việc quản lý trường. Văn phòng này trực thuộc Hội đồng sáng lập.

Một lần, Hai Điểu:
-         Tai sao Đại học PH cứ khăng khăng đòi phải là trường nghĩa thục?
-         Vậy nhờ anh Hai Điểu xin giùm cho trường tôi quy chế đại học tư thục nhé? Không biết bao nhiêu đại gia đang muốn mua đứt Đại học PH của chúng tôi bằng nhiều cách, dễ nhất là bằng cổ phần hóa. Không phải họ chỉ muốn đâu, mà dọa hẳn hoi!
-         Có cái gì trên đời này mà không phải là hàng hóa hả anh Trung Nam/
-         Giáo dục về nhiều nghĩa thì không, Đại học PH của chúng tôi càng không, anh Hai Điểu ạ.
-         Anh kích thích sự thèm khát chinh phục của tôi đấy! – Hai Điểu cười một cái cười bí hiểm.
-         Anh cứ thực hiện đúng nghĩa vụ hợp tác như anh đã cam kết là chúng tôi đã hài lòng lắm rồi và rất cảm ơn. – Trung Nam nhã nhặn.
-         Thôi được, bước đầu là hợp tác như tôi đã cam kết. Hai Điểu đã nói một là một hai là hai. Sau đoạn này tính tiếp… - Hai Điểu bỏ lửng.
-        
-        
         
Chủ tịch Hội đồng khoa học và đồng thời cũng là Hiệu trưởng (Dean) của trường được bầu chọn là con trai đại tá thương binh Phạm Trung Nghĩa: giáo sư toán Phạm Trung Tân, người đã từng giữ nhiệm vụ viện trưởng Học viện Toán của đại học Stockholm và đã lên bục giảng ở nhiều trường đại học có tên tuổi trên thế giới.
          Khái, một bằng tiến sỹ về toán, một bằng tiến sỹ về vật lý, con rể ông bà Nghĩa, là chủ tịch Hội đồng sáng lập. Khái nhờ một quãng dài thất nghiệp, nên có thời giờ làm hai bằng tiến sỹ, nhưng không có thời giờ đi lo học hàm phó giáo sư hay giáo sư. Trên thực tế, hội đồng sáng lập giữ vai trò Hội đồng quản trị, có Yến, Vũ và Bảo Vân cùng tham gia.
-         Cái trường đại học PH này là mẫu mực số một của mô hình gia đình trị họ Phạm! Họ Huỳnh chỉ phụ họa vào thôi! – lão tướng Lê Hải nói vui, đượm ý phê bình, khiến mọi người đều cười.
-         Gia đình trị vì dân vì nước! – ông Nghĩa phản pháo lại ngay. Tiếng cười càng rộ lên… Hai người này chẳng ai chịu thua ai bao giờ…
-         Thôi đi, đừng có mà ngụy biện. – tướng Lê Hải bác lại ngay. - …Bước đầu, để cho trường ra đời thì có thể chấp nhận được. Nhưng để biến tướng thành đại học của gia đình trị, nhất là gia đình trị của hai dòng họ nữa, thì không yên ổn với tôi đâu nhé. -  vẫn tướng Lê Hải dọa, ông vừa nói vừa cười.
-         Sao lúc nào cũng dữ dằn thế, anh Lê Hải? – ông Nghĩa hỏi lại.
-         Dở sống dở chết với cái nền giáo dục độc quyền nhà nước này chưa đủ hay sao hả anh Nghĩa? Bây giờ lại muốn đầu têu phát sinh thêm cái mô hình giáo dục gia đình trị nữa à?
-         Chịu! Chịu. Lão tướng nhận xét thế thì chịu rồi. – ông Nghĩa chấp nhận.
-         Xin thưa với cả nhà, thời ông Ngô Đình Diệm tôi đang hoạt động ở Sài Gòn, nên hiểu thế nào là gia đình trị và vì thế rất dị ứng với chuyện này. Khách quan mà xét, rất tiếc cho ông Diệm về chuyện này. – tướng Lê Hải giãi bầy.
-        
-        
-        
         
Video có một đoạn Yến và Vũ lo vò đầu bứt tai, chạy vạy khắp các công ty của nhóm PH, để có tiền phụ cấp hàng tháng cho các giảng viên đã mời về được, nhưng vẫn chưa có trường để dạy. Mọi người cười ồ khi thấy trên màn hình cảnh Yến hai tay cầm bị, lễ lễ các giám đốc công ty trong tập đoàn của mình xin tiền tài trợ để nuôi những thầy giáo kiên lòng năm này qua năm khác chầu chực ngày khai trường. Đi liền với cảnh này là đoạn video mấy thầy ném quần ném áo lên tường, bức xúc kêu trời kêu đất vì phải nằm vêu, chờ mãi mà chẳng thấy trường và trò đâu cả…
          Mọi người lại cười rộ lên khi thấy trên màn hình Tân ngã chổng kềnh dưới chân cầu thang nhà mình ở Stockholm, các sách trong thùng các-tông bắn ra tung tóe, Lisa và Liane – hai con gái Tân, mãi mới kéo được bố đứng dậy. Hai con gái Tân cười ngặt nghẽo khi thấy đũng quần bố mình toạc rộng, mông lòi ra ngoài!.. Cảnh này do Linda, vợ Tân, ghi vào camera để làm kỷ niệm. Hình ảnh còn ghi cả ba bố con Tân hì hụi khuân khuân vác vác sách trong thư viện riêng của gia đình Tân, đóng gói để chuyển về tặng trường Đại học PH. Lisa và Liane còn quyên góp được khá nhiều sách từ các trường đại học khác của Thụy Điển, một số nước khác... Có thể nói trường Đại học PH có một thư viện thuộc loại “xôm” nhất trong cả nước, do một mình gia đình Tân bỏ công quyên góp, nhặt nhạnh và xây dựng. Suốt mấy năm chờ đợi giấy cấp phép mở trường, cả gia đình Tân tranh thủ làm mọi việc để dựng nên thư viện này. Tổng cộng có tới trên hai nghìn đầu sách, chưa kể khoảng hai nghìn đầu sách trong thư viện điện tử. Ba mẹ con Linda làm việc rất khoa học ròng rã gần ba năm trời, xắp xếp những sách này theo tiêu chí thư viện hiện đại nhất. Tiền đóng gói và chuyên chở cũng tới hàng trăm nghìn đô, tất cả đều là tiền quyên góp từ các danh nhân, học giả hoặc các foundations mọi quốc tịch mà gia đình Tân có thể với tới…
-         Trường đại học PH còn là biểu trưng cho thịnh tình của cộng đồng quốc tế đối với nền đại học Việt Nam! Nói thế có quá đáng không Yến? – bà Chính hỏi con dâu mình.
-         Đúng thế đấy mẹ ạ.
-         Thưa bà, riêng việc lo được mọi thủ tục để nhập khẩu an toàn thư viện này cũng đủ là một kỳ công. Thành tích của Lan đấy ạ! – Trung Nam nói thêm với bà Chính.
-        
-         ...
-        
          Video clip sơ lược lịch sử thành lập trường Đại học PH kết thúc bằng hình ảnh các thầy và các thành viên hai Hội đồng của trường dành cho Quân một phút mặc niệm tại một góc vườn hoa cạnh giảng đường. Trên một phiến đá nhỏ đầu luống hoa, Tân gắn một tấm biển đồng nhỏ: “Tưởng nhớ Lê Quốc Quân, người đã gìn giữ mảnh đất này cho trường Đại học PH.” … Tấm biển này Tân mang về từ Stockholm, do một thợ khắc đồng người Việt định cư ở đấy tặng.
-        
-        
-         Thưa cả nhà, bây giờ tôi mới thấy hết được bao nhiêu gian truân các cháu phải trải qua để có được trường Đại học PH. Bái phục các cháu. – ông Lễ thực sự bị thuyết phục. – Các cháu giỏi lắm và kiên gan lắm mới dám chọn con đường phải đi này, mà đây chính là con đường mà hai thế kỷ nay nước ta chưa làm sao khai phá thành công được. Các cháu đang mang vác trên vai mình một sứ mệnh nặng nề lắm. Rất xứng đáng vì nó cống hiến hết mình… Nghe diễn văn khai giảng của cháu Tân, tôi lại nhớ đến một thành tựu quan trọng của trí tuệ các trí thức dưới chính quyền Sài Gòn trước đây. Họ đã phải đấu tranh rất gian khổ, và xác lập được một triết lý đúng đắn cho nền giáo dục nước ta phải phấn đấu đạt tới, cuối cùng chính quyền đã chấp nhận. Đó là phải nỗ lực xây dựng một nền giáo dục nhân bản, dân tộc và khai phóng! Chỉ tiếc là mọi chuyện đều dang dở trong chiến tranh. Ôi, từ Nguyễn Trường Tộ.., sau này là Phan Châu Trinh,… cho đến hôm nay là khoảng gần hai thế kỷ rồi[2].., thế mà tại sao đất nước ta vẫn chưa đi khỏi vạch xuất phát được bao nhiêu trên con dường này? Nghe các vị lãnh đạo đất nước mấy ngày vừa qua nói về triết lý giáo dục, thực lòng tôi vừa ngán ngẩm, vừa hoang mang. Hơn ba thập kỷ, gần bốn thập kỷ xây dựng đất nước rồi mà bây giờ lãnh đạo vẫn kêu gọi phải hình thành một triết lý giáo dục! Lại càng chưa bao giờ thấy lãnh đạo nhận thức được rằng một thể chế chính trị tha hóa như thế này làm sao có thể xây dựng được một nền giáo dục chân chính!.. … …

Sau khi video clip kết thúc, cả nhà còn nán lại mãi, bình luận nhiều chiều về ý kiến của ông Lễ.




[1] Xem tiểu thuyết Dòng đời.
[2] Nguyễn Trường Tộ nêu những kiến nghị với vua Tự Đức về canh tân đất nước, trong đó có giáo dục, cách đây khoảng 150 năm.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét