19
Sau hôm đoàn tụ nhân ngày khai giảng Đại
học PH, nhiều gia đình hai họ Phạm – Huỳnh lại ai đi đường nấy, vì cuộc sống phải
tiếp tục dòng chẩy của nó. Cánh các ông bà Chính, ông bà Nghĩa nấn ná lại mấy
hôm, vì vợ chồng ông bà Lễ có vài việc phải làm ở Sài Gòn, rồi sẽ từ đây bay thẳng
về Mỹ.
Riêng
ông bà Chính còn có việc trọng đại cần làm: Chính thức hóa trước hai họ Phạm –
Huỳnh việc Yến và Thạch đã nên nghĩa vợ chồng. Cô dâu cập kề sáu mươi, chú rể
vào kỳ bẩy mươi, nên việc “tuyên bố” cũng đơn giản và gần như chỉ là một thủ tục
để hai người đi đăng ký hôn nhân với chính quyền. Các gia đình các em của Yến
cũng nấn ná lại Sài Gòn mấy hôm vì lý do này.
Vợ
chồng tướng Lê Hải – bà Hậu cũng ở lại Thành phố để chia vui. Ngoài ra, vợ chồng
tướng Lê Hải cũng quen thân với vợ chồng đại tá Lễ kể từ khi ông Lễ ở trại cải
tạo về ra thăm Hà Nội để chuẩn bị đi định cư ở Mỹ theo diện HO[1].
Câu chuyện họ hàng và giao tiếp thân quen với đại tá Lễ trong thời buổi nhạy cảm
hồi ấy để lại không ít chuyện phiền toái cho nhiều người trong vụ án Thạch Thất của ông Nghĩa năm
nào… Cảm ơn trời phật, mọi chuyện có thể
là rất bi thảm đã qua khỏi. “- …May quá,
cuối cùng cũng là Happy End! Có phải thế không anh Nghĩa?” - đại tá em hỏi vui đại tá anh.
Tiệc
cưới cặp uyên ương già Yến – Thạch được tổ chức tại ngôi nhà của má Sáu Nhơn,
do anh em Vũ tình nguyện “đăng cai”.
-
Còn
vinh dự nào hơn được khao cỗ mừng chị Yến anh Thạch thành duyên ạ. Dịp may ngàn
năm có một đấy ạ! Xin các bác và các em chiếu cố chấp thuận cho! – Vũ vận động
mọi người, và được toại nguyện.
-
…
-
…
Có
lẽ ngoài nét mặt hân hoan của mọi người và những lời chúc chân thành nhất dành
cho Yến – Thạch là ít nhiều trịnh trọng khác thường, còn lại là tràn ngập bầu
không khí đoàn tụ của một bữa cơm gia đình, chẳng có một chút nghi thức nào của
tiệc cưới. Mọi người có mặt hiểu biết rất rõ đường đời gian truân của hai con
người mà họ hết lòng yêu thương này, chính họ thông cảm, chia sẻ những gì Yến –
Thạch đã trải qua và phải chịu đựng… Chính họ hàng ngày vẫn thầm mong và vun
vào cho hai con người này tìm đến nhau, mong cho hai người chung vai lấy sức đi
tiếp trên đường đời này… Họ khao khát, mong mỏi hạnh phúc của hai người, như chờ
đợi, mong mỏi hạnh phúc của chính mình vậy…
-
Anh
Chính ạ, nếu anh tin là có trời phật, thì trời phật quả là bất công quá anh ạ!
Chẳng lẽ Yến và Thạch sinh ra là chỉ để hy sinh và chịu đựng hay sao?
-
???…
-
Hay
là số phận của người tốt trên đời này buộc phải thế hả anh?.. – đã bao đêm bà
Hương rên rỉ với chồng mình như vậy mỗi khi nghĩ về Yến và Thạch.
-
…
- ông Chính chỉ biết ôm xiết lấy vợ, như muốn san sẻ gánh nặng tình thương của
vợ dành cho hai người này. Trong lòng, ông không sao tìm được lời an ủi thích hợp.
-
Thương
Nam bao nhiêu, em càng sót sa cho Yến bấy nhiêu anh ạ, càng muốn Yến và Thạch sớm
thành thân nương tựa vào nhau… Trung Nam không biết bao nhiêu lần thúc giục ông
bà nội phải tác thành việc này...
-
Anh
biết…
-
Yến
và Thạch phải có một cuộc sống xứng đáng để sống tiếp…Và cuộc sống cần họ!
-
Nhất
định sẽ như thế em ạ…
-
…
-
…
Cuối cùng thời
gian cũng đem lại điều mọi thành viên hai dòng họ Phạm – Huỳnh mong chờ…
Chỉ
có ông trời là tai quái, gần như không tiếc một gian truân thử thách nào dành
cho Yến và Thạch trên đời… Nhưng trong giờ phút trang trọng như thế này, ông trời
lại không thèm giúp cho hai người che giấu được sự lúng túng của mình. Càng cố
tỏ ra tự nhiên, giọng nói, điệu bộ, nét mặt của hai người vẫn có cái gì làng lạc,
khang khác, so với ngày thường.
-
Con
chúc mẹ Yến và ba Thạch không đỏ mặt ạ!.. Con xin phép được ân huệ đặc cách là
người đầu tiên đứng dậy chúc rượu như vậy ạ! – Ngồi cạnh mẹ, Trung Nam chủ động
nâng cốc.
Một luồng không
khí rộn rã ập tới…
Tiếng vỗ tay ran
lên, kèm theo là một sự trầm trồ hưởng ứng… Có lẽ vì thái độ rất tự nhiên và
chân thành của Trung Nam…Nhất là mọi người lần đầu tiên được nghe cụm từ “mẹ Yến và ba Thạch” từ Trung Nam.
-
Chúc
mừng cuộc đoàn tụ hôm nay, nhà chúng ta được trời cho hai quả gấc! – bà Chính đứng
dậy, li rượu trong tay, hưởng ứng lời chúc rượu của cháu nội mình. Nét mặt tươi
cười của bà nhòa nhoạt trong nước mắt… Tất
cả mọi người đứng dậy cùng nâng cốc.
Yến bỏ chỗ ngồi,
chạy lại ôm chầm lấy bà. Chính Yến cũng nước mắt nhạt nhòa. Thạch ngồi cạnh Yến,
bất giác lúng túng đứng dậy, nhưng hai chân bị chôn chặt xuống đất, người cứng
đơ như trời trồng giữa nhà, tay cầm ly rượu, định nói điều gì đó nhưng chẳng
nói được gì, da mặt xám nắng Tây Nguyên là thế mà vẫn cứ tía tía dần dần lên đến
mang tai…
Không ai bảo ai,
tất cả dời chỗ ngồi, xúm lại nâng cốc chúc Yến và Thạch hạnh phúc.
-
Thời
gian không quên điều gì, nhưng thời gian vượt lên tất cả, Yến và Thạch ạ! Chúc
mừng hai cháu! – ông Nghĩa chúc mừng hạnh phúc của hai cháu mình như vậy.
-
Cháu…
cảm ơn chú! – Thạch lúng búng, có lẽ vì đây là lần đầu tiên trong đời Thạch
thưa ông Nghĩa bằng chú!
-
…
-
…
Hai
vợ chồng tướng Lê Hải chúc mừng xong, ông kéo vợ mình đứng xa hẳn ra ngoài một
chút, rồi quay sang nói với vợ:
-
Em
nhìn xem, chúng ta đang được chứng kiến thế nào là hạnh phúc!
-
Không
tưởng tượng nổi được anh Hải ạ! Thật là bất khả xâm phạm! Tình yêu là bất khả
xâm phạm! Ôi đường đời hai con người này… – bà Hậu vừa nói, vừa đưa tay xoa những
giọt nước mắt của bao niềm thân thương dành cho Yến và Thạch.
-
Phải!
Cũng như Yến và Thạch, hai chúng ta có đủ tư cách để nói tình yêu là bất khả
xâm phạm Hậu ạ.
-
Anh
Nghĩa nói đúng quá, thời gian không quên điều gì, nhưng thời gian vượt lên tất
cả… Chúng ta là như thế anh ạ…
-
Ôi,
anh nghĩ chúng ta đủ trải nghiệm để thấu hiểu được đường đời của vợ chồng Yến
Thạch và niềm hân hoan của mọi người ở đây hôm nay… Hậu ạ!.. – ông Lê Hải nói,
trong khi tay run run. Ông xúc động nắm lấy tay vợ mình. Ông đang cố kìm nén những
cảm súc của mình.
Vợ chồng tướng
Lê Hải mặt mày rạng rỡ, cứ tay nắm tay đứng với nhau hồi lâu như thế, hết nhìn
Yến Thạch, rồi lại nhìn mọi người, nụ cười hiền hòa nơi khóe mắt…
-
…
-
…
Không
pháo, không confetti, không đèn hoa nhấp nháy.., cũng không những lời hô “Dô!
Dô! Dô…” ồn ào. Tiệc cưới diễn ra trong không khí gia đình ấm cúng, xoay quanh
những câu chuyện gia đình ấm cúng, thưởng thức những món ăn ngon mà ngày thường
không có thời giờ nghĩ tới. Tất cả trong tiếng nhạc êm đềm xa xa của bản nhạc Laudate
Dominum–Hochzeitsmusik của W. A. Mozart,
do Vũ chọn để tặng Yến và Thạch – tiếng nhạc trang nghiêm của niềm tin, hy vọng
và tình yêu...
-
Phải
khen ngợi vợ chồng hai cháu Vũ – Ngọc và cháu Bảo Vân! Chỉ tiếc rằng hôm nay
thiếu cháu Quân... Chú nhiều lúc cứ ngỡ ngỡ là chính tự tay nội Sáu Nhơn soạn sửa
bữa tiệc hôm nay cho chúng ta… từ thực đơn, đến cách xắp đặt bát đĩa, cách cắm
hoa… - giọng tướng Lê Hải đườm đượm chút buồn… Ông nhớ lại những năm tháng sống
trong ngôi nhà này dưới sự che chở của má Sáu Nhơn và của người vợ dịu dàng của
mình trong những năm Sài Gòn đầy máu lửa…
-
Mọi
thứ trong nhà này vẫn giữ nguyên như lúc
nội Sáu Nhơn của chúng cháu còn sống, chú Lê Hải ạ. – Vũ trả lời.
-
Đúng
thế. Chú nhớ nội quá… - tướng Lê Hải nghẹn ngào…
-
…
Cứ thế, tướng Lê
Hải rơi thỏm vào quá khứ…
Ông nhớ lại những
ngày tháng xa xưa được sống trong sự cưu mang che chở của má Sáu Nhơn khi ông
hoạt động bí mật ở Sài Gòn. Ông nhớ đến hai mẹ con Thạnh, nhớ những bữa tiệc má
Sáu Nhơn làm cho con cháu mình. Cũng tại đây, trong gian phòng này, vẫn bộ bàn
ăn ngày xưa… Tiệc đám cưới vợ chồng Võ Sang… - cặp vợ chồng này do ông Nghĩa và
ông tác thành và được má Sáu Nhơn đứng ra làm chủ hôn[2]…
Từng cái bát, cái thìa, cách xắp xếp trên bàn… Chùm đèn hoa như các ngọn nến
lung linh giữa trần nhà, các vòm khung cửa sổ của gian nhà này… Tất cả gợi lên
nỗi nhớ thương da diết… Người lính già Lê Hải thốt lên trong lòng …Ôi! Cuộc đời này cho ta rất nhiều, nhiều gấp
nhiều lần so với tất cả những gì ta đã cống hiến được cho cuộc đời này…Nhưng…
Nhưng… Phải, nhưng vì sao?... Cái dấu
hỏi của hai chữ “vì sao” cứ lớn mãi lên trong
ông đầu ông. Ông đã tự hỏi mình như thế năm này qua năm khác, có lẽ đến
hàng triệu lần. Song cái dấu hỏi ấy hình như cứ lần sau lớn hơn lần trước, lần
sau dằn vặt ông dữ dội hơn lần trước…
…Vì sao?..
Tiệc cưới về cuối trở thành buổi mạn đàm trong
phòng trà kề bên. Mọi người thuận tiện
đâu ngồi đấy, ai cũng là chủ nhà và ai cũng là khách, tự hình thành các
nhóm… Hai nhân vật chính là Yến và Thạch
trở thành chủ đề câu chuyện của nhóm thế hệ hai, gồm các anh chị em của Yến và
các anh chị em của Vũ. Trong tiếng cười giòn tan, họ trêu chọc nhau đủ mọi chuyện
chung quanh cặp tân hôn, người “tố cáo” cặp tân hôn này ăn cơm trước kẻng, người
tình nguyện làm nhà gửi trẻ miễn phí… Cuộc sống vốn dĩ nó như thế mà…
Mọi người cười
rũ, quay ra cùng đấm lưng cho nhau thùm thụp khi Loan (em gái của Nam) vừa làm
điệu bộ, vừa nói:
-
Chị
Yến và anh Thạch phải sớm mang cái lễ thật hậu đi học cụ ông cụ bà Lê Hải đi!
Cái lễ phải thật oách vào, để hai cụ chuyền cho kinh nghiệm dẻo dai và đấm lưng
thùm thụp cho nhau thế này này mỗi khi thức dậy buổi sáng!..
-
…
Song chỗ đám thế
hệ một – nghĩa là chỗ những người già nhất hội, câu chuyện lại sôi nổi chung
quanh những vấn đề hệ trọng của đất nước. Ông Chính vừa rót nước mời mọi người,
vừa nhận xét:
-
Ôi
hôm nay vui quá… Nhưng sao anh Lê Hải bỗng dưng kiệm lời thế!
Câu nói vô tình
của ông Chính làm cho không khí hân hoan tràn ngập đột nhiên biến đâu mất…
-
Đúng,
đối với tôi hôm nay cũng là ngày đặc biệt anh Chính ạ. Mỗi lần về đây, trong
tôi sống lại tất cả những tháng năm đầy máu lửa và nước mắt trên đất này… Vâng,
nhất là liên tưởng đến hôm nay… Tôi không thể diễn đạt nổi cảm nghĩ của mình…
Mọi con mắt dồn
về tướng Lê Hải.
-
Cuộc
đời mỗi chúng ta ngồi đây đều gắn bó máu xương với quá khứ, có phải vì thế
không anh? – ông Chính hỏi bạn.
-
Vâng,
quả là thế, nhưng không chỉ có thế, anh Chính ạ... – tướng Lê Hải đáp lại,
nhưng ý nghĩ vẫn đang lơ lửng đâu đâu…
-
Cơn
đau tấy lên của mọi vết thương cũ và mới, anh Lê Hải ạ, làm sao vô tư được! – đại
tá Nghĩa thông cảm với chiến hữu và cũng là người đã từng là thủ trưởng của
mình.
-
Anh
nói đúng tâm trạng tôi, anh Nghĩa… Phải sống!.. Càng phải sống!.. Dứt khoát
không buông xuôi… – tướng Lê Hải như đang bơi trong các suy nghĩ mênh mang… Những
câu nói của ông lơ lửng, cụt lủn, cứ như thể chẳng câu nào ăn nhập với câu
nào...
Sự
cảm thông và chia sẻ của mọi người với tướng Lê Hải làm câu chuyện chững lại một
lúc. Ông Lễ bưng tách nước của mình lại ngồi cạnh tướng Lê Hải:
-
Từ
hôm được anh chị mời đến dự cơm sinh nhật chị Hậu năm nảo năm nào[3],
lần này chúng tôi lại mới có dịp được gặp anh chị. Một may mắn lớn…
-
…
- tướng Lê Hải ngồi yên, đặt tay lên vai ông Lễ cho hai người gần nhau hơn nữa.
-
Vợ
chồng tôi nói chuyện với nhau không biết bao nhiêu lần về anh chị, anh Lê Hải ạ…
Và chính vợ chồng tôi cũng không sao hiểu nổi mình tìm đâu ra nghị lực để sống
tiếp được cho đến hôm nay, để có hôm nay…
-
Tôi
cũng luôn luôn tự nói với chính mình “Phải sống!”, anh Lễ ạ. Nhất là những lúc
tôi muốn buông xuôi hai tay không muốn làm gì cả. Không phải là đầu hàng..,
nhưng cũng chẳng khác gì đầu hàng!..
-
Vâng.
Có lẽ anh Nghĩa tôi nói chí lý đấy anh ạ… Cơn đau tấy lên của mọi vết thương cũ
và mới… Đau đớn nhất bây giờ có lẽ là nỗi bất lực của chúng ta!.. Tôi có được
phép nói như thế không anh Lê Hải? – ông Lễ hỏi.
Tướng Lê Hải nắm
lấy vai ông Lễ, mắt nhìn mắt, một lúc rồi mới nói:
-
Không
thể nói khác được, anh Lễ ạ! Sự thật là như vậy!.. Nỗi bất lực của chúng ta…
-
Không
năm nào vợ chồng tôi cùng ba gia đình người bạn nữa ở Santa Ana sao nhãng việc đi
nghĩa trang Westminster đặt hoa tại tượng đài tưởng nhớ các thuyền nhân tử nạn
trên biển, anh Lê Hải ạ. Vợ chồng tôi thường đi vào dịp gần Tết ta, cũng coi
như là đi viếng mộ cháu Huệ trước khi đến Tết Nguyên Đán vậy các anh các chị ạ…
-
…
… - bà Thảo, vợ ông Lễ, gần như nấc lên trước khi nói - …Em xin lỗi, xin các
anh các chị thông cảm… Mỗi lần đi nghĩa trang Westminter viếng con như thế,
trong lòng nửa căm giận, nửa tiếc nuối các anh các chị ạ… Có thể vì em là mẹ,
nên mãi không sao nguôi được nỗi xót xa… Đã mấy chục năm rồi chứ đâu ít ỏi gì…
Em cứ tiếc mãi, nếu sau 30 Tháng Tư, là người chiến thắng, giá mà lúc ấy đảng của
các anh các chị thực hiện ngay được thống nhất và hòa hợp dân tộc, có lẽ tránh
được bao nhiêu đau thương như thế này… Nước ta hôm nay chắc cũng khác rồi… Bây
giờ thì em lại lo… … - bà Thảo nghẹn ngào, không nói tiếp được.
-
Ôi
cô Thảo!.. – bà Nguyệt kêu lên. - …Đúng là phán xét của một luật sư! Trách nhiệm
này thuộc về người chiến thắng, không thể đổ cho ai khác được!..
-
Các
anh các chị ạ… - đại tá Lễ tiếp lời bà Thảo: - …Vợ chồng tôi được an ủi rất nhiều
về hạnh phúc của gia đình Tín – Kim và về sự thành đạt của hai cháu… Thôi thì
cũng như là trời bù lại cho… Song lạ quá các anh các chị ạ, cuộc sống riêng của
chúng tôi dần dần được ổn thỏa, thì lại tấy lên nỗi đau ngày càng lớn về thế sự
đất nước hôm nay! Thế mới chết chứ! Chúng tôi cứ tưởng là đã bỏ lại phía sau tất
cả rồi… Chúng tôi tự hỏi nhau không biết bao nhiêu lần: Chẳng lẽ tất cả chỉ để
đi tới cái kết cục như hôm nay của đất nước chúng ta hay sao? Nhất là mỗi khi
nhìn nước ta trong khung cảnh cái thế giới quanh ta…
-
Trời
đất ơi! Chú Lễ lại đụng vào đại sự rồi! – bà Hương – vợ ông Chính – kêu lên.
-
Vì
thế em mới chịu nhận anh Nghĩa là chí lý, chị Chính ạ. Cơn đau tấy lên của mọi
vết thương cũ và mới!..
-
Chú
Lễ thử nói hết suy nghĩ của mình xem nào? – ông Chính đề nghị.
-
Các
anh các chị cho phép, em xin nói ngay, không rào trước đón sau gì đâu ạ. Nhưng
vẫn cứ phải xin lỗi trước rồi mới dám nói: Sự thật là Đảng cầm quyền của các
anh các chị từ lâu đã chiếm đoạt đất nước này làm tài sản riêng của mình mất rồi…
Ôi! Đúng ra phải nói một nhóm người đã chiếm đoạt đảng này và đất nước này rồi!
Đấy là toàn bộ câu chuyện. – ông Lễ đột ngột dừng lại không nói nữa.
Gian phòng bỗng
trở nên ngột ngạt. Mãi mới có tiếng nói:
-
Sống
hàng ngày với sự thật này, nhưng mỗi khi gọi đích tên nó ra, tôi vẫn không sao
tránh khỏi bị choáng váng, Lễ ạ… Cứ như thể chính mình là kẻ phản bội… – ông
Nghĩa thú nhận.
Ông Lễ chờ một
chút, đắn đo nhìn mặt mọi người rồi mới nói tiếp:
-
Các
anh các chị ạ, đời thuở nhà ai trong vòng chưa đầy 30 tháng mà nhà nước của các
anh các chị 5 lần phá giá đồng tiền[4].
Tiền của dân mười đồng giá trị chỉ còn sáu bẩy! Trong khi hàng nghìn hàng vạn
dân Thanh Hóa thiếu đói, thì vẫn nhập khẩu tới tấp các ô-tô đắt tiền, vẫn tán
dương Thanh hóa vươn lên phát triển thành tỉnh kiểu mẫu… Em không thấy ở đâu
khác trên thế giới có nhiều nghịch lý và giả dối như vậy cả. Hay là cái cách xử
án Cù Huy Hà Vũ bất cần luật pháp và thể diện quốc gia!.. Không thể nói gì hơn
là bẩn và vô học ạ! Chưa nói đến bao nhiêu chuyện khác có lẽ còn nghiêm trọng
hơn nhiều!.. Báo chí ở ngoài nói ghê lắm… Ở các nước văn minh các anh các chị ạ,
chỉ riêng chuyện gây ra lạm phát của nước ta như hiện nay, chính quyền này phải
đổ ba bốn lần rồi!..
-
Tại
dân mình hiền? Tại dân mình ngu? Hay tại dân mình bị bịt miệng? – bà Chính hỏi.
-
Có
lẽ tại tất cả, chị Chính ạ… Và tại tất cả chúng ta ngồi đây đều hèn nữa. – ông Nghĩa trả lời.
-
Có
lẽ đúng như anh Nghĩa nói đấy. – ông Lễ đồng tình. - …GDP tính theo đầu người của
ta bây giờ mới chỉ khoảng một nghìn đô (USD), thế mà bộ máy quản lý quốc gia đã
tham nhũng tiêu cực hết chỗ nói, công việc quốc gia mà cứ rối như canh hẹ. Một
bộ máy như thế này làm sao quản nổi một quốc gia có GDP theo đầu người là năm
ngàn đô, mười ngàn đô? Nó chính là một
trong những nguyên nhân ghê gớm khiến nước ta khó lòng đạt tới năm nghìn đô, mười
nghìn đô… Và càng đau hơn các anh các chị
ạ, ngẫm nghĩ mãi, em càng phải thừa nhận: Chính quyền này chưa thể đổ được,
nghĩa là đất nước vẫn chưa có lối ra!.. Càng ngày mới càng thấy rõ cái đảng trị
nó ghê sợ như thế nào!.. – Nói đến đây, ông Lễ dừng lại chờ đợi phản ứng của mọi
người. Ông lo mình quá lời, song trong thâm tâm ông thấy nhẹ hẳn người, vì có
nơi đáng nói để mình có thể nói thật hết lòng mình…
Một khoảnh khắc
im lặng của suy tư ập tới. Mãi ông Chính mới hỏi em mình:
-
Lễ ạ, vì sao chú nghĩ rằng đất nước vẫn
chưa có lối ra?
Ông Lễ cân nhắc một lúc rồi quay ra mọi người:
-
Các anh các chị ạ, tôi không rành lắm thực
trạng đất nước. Song đứng ngoài nhìn vào, tôi thấy nước ta có đủ điều kiện tự nổ
ra vài cuộc cách mạng da cam da quýt, vài cuộc nổi dậy hoa nhài hay hoa lan gì
đó.., chứ không phải một.., mặc dù xem xét dưới góc độ mất dân chủ, vi phạm
nhân quyền, quan liêu tham nhũng.., nước ta có những mặt tệ hại nếu không hơn
thì cũng chẳng kém các nước Bắc Phi đã sụp đổ đâu!.. Tại sao cứ mãi không đổ vậy?..
Thảo và tôi cứ tự hỏi nhau mãi… Vâng, tại sao vậy? các anh các chị ạ… … Có thể
vì kinh tế nước ta về cơ bản vẫn còn quá thấp, là một nền kinh tế đang lên, còn
rất khổ đấy, song vốn dĩ đã quá thấp lúc đầu, nên hôm nay chưa đủ cùng cực để sụp
đổ? Có phải thế không? Cũng có thể vì sự kìm kẹp của hệ thống chính trị vô cùng
hiệu quả? Có thể vì trình độ dân trí ở ta còn thấp và mối lo hàng đầu của người
dân vẫn là chuyện cơm áo gạo tiền hàng ngày? Có thể vì những di sản quá sâu sắc
của lịch sử, đến hôm nay dân ta vẫn chưa hết sợ nên không dám cựa quậy gì cả?..
Hay là… còn vì Trung Cộng không cho chế độ của các anh các chị đổ?.. Cũng có thể
vì văn hóa của ta có vấn đề nghiêm trọng, các anh các chị ạ… Chắc chắn có nhiều
nguyên nhân sâu xa lắm anh Chính ạ… - ông Lễ quay sang nói trực tiếp với anh
mình: - …Vợ chồng em chẳng làm gì được nữa cho đất nước, nhưng không thể không
nghĩ về đất nước, anh Chính ạ… Cũng có thể vì chính sách ngu dân và sự kìm kẹp ở
nước ta hiện nay kinh khủng quá anh ạ, vân vân và vân vân… Có phải thế không? –
ông Lễ đột ngột dừng lại.
-
Lễ nói tiếp đi. – ông Chính giục.
-
Là nạn nhân của cả hai chế độ, em thấy
cái chính thể độc tài đảng trị hiện tại của các anh các chị có những cái đáng sợ
hơn nhiều so với chính quyền Sài Gòn cũ anh Chính ạ.
-
Đành là thế, nhưng vì sao chú vẫn nghĩ
là chưa có lối ra? – vẫn ông Chính giục.
-
Anh Chính ạ, em không muốn suy đoán. Vợ
chồng em, nhiều bạn bè của tụi em, tất cả đều ngỡ ngàng về mức độ nghiêm trọng
của các vụ việc đã xảy ra trong nước đã đành. Tụi em coi đó là những vụ việc phản
bội lợi ích quốc gia. Nhưng tụi em không sao tưởng tượng nổi thái độ ngang
nhiên của giới cầm quyền chóp bu trước phản ứng của các đại biểu quốc hội và của
dư luận trong nước về các vụ việc này. Thế mà mọi chuyện vẫn chẳng làm sao cả,
thế mới kinh chứ!
-
Chú theo dõi rất kỹ tình hình trong nước.
-
Anh Chính ạ, em phải nói, đấy là sự
ngang nhiên đến mức ngạo mạn. Quốc hội chưa bàn, ông phó thủ tướng đã nói giữa
hội trường nhất định sẽ làm đường sắt cao tốc! Quốc hội chưa thảo luận, đã nói
dõng dạc giữa cử tọa quốc hội: Bộ Chính trị đã kết luận không phải kỷ luật ai
trong vụ VINASHIN… Có nhiều ví dụ như thế lắm. Theo em các anh các chị ạ, chẳng
có nước nào tự hạ nhục quốc hội của mình như thế cả, nhất là quốc hội này là do
đảng của các anh các chị dựng nên… Theo dõi miết các sự việc tiếp theo, nhưng
cuối cùng.., hay là chí ít cho đến hôm nay, kết quả vẫn là sự quy phục ở khắp
nơi trong cả nước! Quy phục trước cái ác, cái giả dối! Quy phục trước sự ngang
nhiên đến mất văn hóa như thế này!.. Mà như thế, thì làm sao có lối ra?
-
Chú nghĩ rằng cho đến nay vẫn là sự quy
phục? – trong lòng ông Chính muốn biết sâu thêm những người Việt như Lễ ở nước
ngoài đang nghĩ gì.
-
Anh Chính ạ, kể cả giả định là không có
sự quy phục này, cứ cho là sẽ nổ ra cách mạng hoa nhài hoa lan gì đó đi..,
nhưng sau đó sẽ là gì với trình độ dân trí hay thực trạng xã hội nước ta như hiện
nay? Dân bị ngu dân đã đành, nhưng thể chế chính trị làm cho xã hội nước ta
ngày càng tha hóa và tê liệt anh ạ. Ngồi trên máy bay từ Los Angeles về Hà Nội,
đọc những mẩu tin thương lái Trung Quốc vào ta mua vơ vét dừa, cà-phê, hạt
tiêu, nhãn, vải.., bóp chết cả đến cái tăm tre của ta trên thị trường nước
ta.., gần đây lại rộ lên việc họ dụ dỗ nông dân ta nuôi đỉa.., em cứ tự hỏi
mình tại sao người dân ta dễ bị các thương lái Trung Quốc đánh gục thế?.. Giữ vững
định hướng xã hội chủ nghĩa gì mà chẳng thấy cái bàn tay hữu hình của nhà nước ở
đâu phòng ngừa cho dân những đòn bẩn này? Chỉ thấy im re, hoặc than vãn trên
báo chí! Bao nhiêu chuyện từ ốc bươu vàng, móng trâu, rùa tai đỏ, rễ quế… diễn
đi diễn lại năm này qua năm khác còn chưa đủ hay sao? Rồi đến hàng loạt các
công trình kinh tế trọng điểm Tầu trúng thầu... Thuê rừng, thuê đất,
bô-xít… Thật không biết tại vì bọn Tầu
quá ma mãnh, hay tại vì có chuyện tiếp tay cho Tàu?.. Trên Biển Đông hôm nay
Trung Quốc cấm biển, mai cấm biển, nay bắn ngư dân ta, mai bắn ngư dân ta, cứ
như thể Biển Đông là cái ao của họ, phía nhà nước ta câm như hến, hoặc gọi đấy
là tầu lạ!.. Trong khi đó người biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm Hoàng Sa,
Trường Sa thì lại bị nhà nước bắt!.. Làm như vậy, thể chế này đang làm hao mòn
sinh lực và làm tổn thương lòng tự trọng của dân tộc, các anh các chị ạ. Người
dân vừa ngày càng mất lòng tin vào đảng, vào chế độ, đồng thời vừa mất phương
hướng… Trong thực trạng như vậy, nếu xảy ra cách mạng hoa nhài hoa lan gì gì đi
nữa, sẽ có thể là một cuộc sát phạt nhau đẫm máu và cướp phá kinh hoàng - một hệ quả không thể tránh khỏi do chính bản
thân chế độ chính trị này đẻ ra… Mà Tầu khựa trong trường hợp này chắc chắn sẽ
không khoanh tay ngồi yên!
-
Chú Lễ miệt thị nước lớn đấy nhé! – bà
Chính nói xen vào. - … Nhưng ở đây chú tha hồ nói cho hả lòng hả dạ!
-
Vâng, em xin lỗi. – ông Lễ quay về phía anh
mình, nói tiếp: - …Anh Chính ạ, một lần đã lâu em đọc báo: Trên quốc lộ 1 gần
Nghệ an, một xe tải chở bia Heineken không may bị đổ, người đi đường và dân tại
chỗ thi nhau đổ ra cướp sạch, nhưng mặc xác cái xe chình ình nằm chắn ngang đường,
giao thông tắc nghẽn mấy giờ liền… Mẩu tin ngắn ngủi này làm em suy nghĩ nhiều
lắm… Cho nên, trong một thực trạng như thế, nếu xẩy ra ở nước ta một cuộc nổi dạy
hoa nhài hay hoa lan gì đó, khả năng nhiều nhất của bước tiếp theo rút cuộc sẽ
có thể là tái diễn một bi kịch về cơ bản là như cũ, chỉ được thay thế bằng các
đào kép mới! Chưa nói đến sự can thiệp từ bên ngoài… Chẳng lẽ lại phải chờ đến
khi Trung Quốc thay đổi, rồi mình mới lại thay đổi ăn theo?.. Em thực lo vô
cùng cho vận mệnh đất nước, anh Chính ạ.
-
Chú đã nói hết suy nghĩ của mình chưa?
Còn e dè điều gì không? – ông Chính gạn em mình.
-
E dè thì không, ngồi đây em nói được như
đang ở San Jose, nghĩa là nói thật được, nhưng còn nhiều suy nghĩ miên man lắm
anh ạ. Ray rứt lắm… Đòi hỏi về dân chủ vô cùng bức xúc. Song trong tình hình
như hiện nay, nếu có bê dân chủ vào tận tay dân ta, thì triển vọng chắc sẽ
không sáng sủa hơn Iraq hiện nay đâu! Các cuộc nổi dậy của các nước Bắc Phi được
gọi là mùa xuân ả-rập, báo hiệu những
thay đổi sâu rộng theo hướng dân chủ. Song có thể các quốc gia này còn phải trải
qua những mùa hạ ả-rập, những mùa đông ả-rập rất khắc nghiệt phía trước…
Nghĩa là con đường của họ đi tới dân chủ còn muôn vàn gian truân các anh các chị
ạ, mặc dù có hậu thuẫn trực tiếp từ các nước phương Tây! Huống chi tình hình nước
ta còn gian khó hơn nhiều phần!..
-
Lễ ạ, thiên hạ vẫn bảo là người Việt
chúng mình thông minh, cần cù, dũng cảm, sao Lễ lại nói nước ta còn gian khó
hơn nhiều lần? – ông Nghĩa muốn biết thêm em mình trong thâm tâm nghĩ gì.
-
Đảng của các anh các chị là đảng của
chuyên chính vô sản, lại được nuôi dưỡng bằng dòng máu phong kiến lạc hậu, nên
khó vô cùng. Đấy là em chưa nói là những người trong giới cầm quyền ở mọi thang
bậc nói chung là ít học, thậm chí cũng có thể nói chung là thất học theo nghĩa
học thật. Cứ nhìn vào năng lực của họ điều hành công việc quốc gia và chất lượng
của sự phát triển đất nước như hôm nay sẽ thấy. Song theo em, điển hình rõ nét
nhất của thực trạng này có lẽ là lề thói con vua thì lại làm vua theo kiểu cha
truyền con nối tập thể. Ông Nguyễn Văn An đã nói toẹt ra như thế là đúng lắm!..
Những năm trước đây chuyện này còn kín đáo, bây giờ ngày càng lộ liễu, ngày
càng thịnh hành. Ngang nhiên đến mức được coi là chuyện đương nhiên!.. Thế mới
sợ chứ các anh các chị ạ.
-
Chú Lễ quả là không lúc nào quên đất nước.
– bà Nguyệt khen.
-
Ba bốn thập kỷ xây dựng rồi, thế mà đến
giờ vẫn cứ một người làm quan, cả họ được nhờ.., nghĩa là chẳng văn minh tí nào
cả các anh các chị ạ!.. – ông Lễ nói tiếp.
- …Mà như vậy có khi còn tệ hại hơn kiểu cha chuyền con nối trong một dòng họ
Kim như Kim Nhật Thành ở Bắc Triều Tiên cũng nên! Đảng của các anh các chị đã
nói trắng ra miệng “Quốc hội của Đảng
cũng là của dân!”. Công cụ chuyên chính của Đảng ngang nhiên giương cao khẩu hiệu “Công an nhân dân chỉ biết còn Đảng còn mình!”…
Thú thực, em đi nhiều nước, nhưng hiếm thấy ở đâu quyền lực lõa thể trần truồng
như ở nước ta, trong hành động cũng như trong lời nói… Đấy là định hướng xã hội
chủ nghĩa à? Một đảng như thế trong những điều kiện của nước ta hiện giờ không
thể tự cải tạo được đâu… Cũng không một lực lượng chính trị ba đầu sáu tay nào
có thể lật đổ được nó được đâu các anh các chị ạ. Đảng của các anh các chị chỉ
có tự tha hóa dần dần, ngày càng bất cập trước những khó khăn cứ đẻ số mãi lên,
rồi từ đó tự gây ra đổ vỡ, rồi từ đó tự dẫn đến sụp đổ!.. Chỉ có một con đường
này thôi… Mà như thế thì sẽ rất dài và nhiều đau khổ lắm…
-
…
Mọi người im lặng, vì
muốn nghe tiếp những lời nói rất thật của ông Lễ. Chờ một lúc, ông Nghĩa giục:
-
Lễ nói tiếp đi.
-
Vâng. Em là người chống cộng từ trong
máu của mình, chắc khỏi phải nói ra điều này với cả nhà. Nhưng đôi lúc chính em
cũng thấy tiếc cho đảng của các anh các chị. Có lúc em phải thốt lên với chính
mình: Trời đất ơi, Đảng này đã lãng phí cả
một lịch sử vinh quang của chính mình và lãng phí cả một dân tộc!.. Song cũng có lúc em giận giữ hét lên trong đầu:
Hệ thống chính trị hiện nay đã tham nhũng
cả một đảng có truyền thống cách mạng và tham nhũng cả một đất nước chưa lúc
nào hết đau thương!.. Hai lần đi du
lịch Trung Quốc, vợ chồng em đều có ấn tượng rất sâu sắc là những người lãnh đạo
Trung Quốc luôn luôn giương cao được ngọn cờ Đại Hán, nên tạo ra được sức bành trướng khủng khiếp lắm, bất luận
mọi điều mà chế độ chính trị một đảng ở đây đã gây ra cho đất nước khổng lồ
này.
-
Nhìn tận mắt, anh Lễ có thấy nội tình
Trung Quốc khó như ta không? – tướng Lê Hải hỏi.
-
Họ có nhiều chuyện lắm, anh ạ. Ở ngay Bắc
Kinh hay đi về một vài vùng nông thôn cũng thấy như vậy. Phát triển nhanh vượt
bậc, nhưng cũng hàng núi vấn đề. Nhân lúc vợ chồng tôi theo tour đi thăm khu bảo
tàng cách mạng ở Diên An, có dịp thấy tận mắt một số vùng quê hẻo lánh, cái
nghèo và lạc hậu chẳng khác nông thôn ta bao nhiêu. Đúng thời gian ấy xảy ra vụ
tầu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển thuộc đảo Senkaku của Nhật và đụng độ với
tầu chiến Nhật[5].
Thế mà tại mấy cái làng nghèo khổ nơi khỉ ho cò gáy này cũng ầm ầm cờ phướn biểu
tình phản đối… Chúng tôi nghĩ ngay tới Biển Đông và thấy cái không khí này rất
nguy hiểm cho nước ta, các anh các chị ạ!
-
Nghĩa là cứ giương cao ngọn cờ Đại Hán
là gạt hết được chuyện nội bộ sang một bên? Có phải thế không, chú Lễ? – ông
Chính khỏi.
-
Khó mà nói khác được anh Chính ạ. Em xin
hỏi, đảng của các anh các chị ngồi đây đang giương cao ngọn cờ gì để tập hợp
dân? Dân bây giờ còn tin gì vào đảng của các anh các chị?
-
Không phải chờ đến chú hỏi, mà hàng ngày
chính chúng tôi đang tự hỏi mình như thế chú Lễ ạ. – bà Nguyệt trả lời. - …Đất
nước ta bây giờ đang khủng hoảng niềm tin, khủng hoảng ngọn cờ, khủng hoảng tư
duy, khủng hoảng các giá trị, chú ạ. Làm nghề dạy học, tôi càng thấy rõ điều
này.
-
Có thể nói quyền lực và dối trá đang hủy
hoại toàn diện đất nước này chú ạ. Chúng là chị em sinh đôi của nhau. – bà
Hương vợ ông Chính nói thêm vào.
-
Như thế, chắc hai chị thông cảm với nỗi
lo của em. Nằm dài ở đất khách quê người, nghiền ngẫm năm này qua năm khác, em
suy nghĩ lan man như vậy. Mấy ngày vừa qua trao đổi ý kiến với Yến và Thạch, em
thấy có sự trùng hợp kỳ lạ về đi tìm lối ra, các anh các chị ạ. Em càng tin, những
ai hết lòng với đất nước có lẽ đều nghĩ giống nhau cả, em càng tán thành ý tưởng
con đường Yến lựa chọn. Phải trở lại với cụ Phan Châu Trinh, khởi sự từ đại học
PH…
-
Ôi, con đường dài gần như vô tận đấy,
chú Lễ ạ, bắt đầu từ chấn hưng giáo dục… Nhưng phải chấp nhận!.. Nhà nước này
không làm được thì tự nhân dân phải làm thôi!.. – bà Nguyệt kêu lên.
-
…
-
…
Tướng Lê hải từ nãy đến giờ chỉ ngồi nghe anh chị em cánh
nhà ông Chính đối thoại với nhau, trong lòng thừa nhận dân họ Phạm nhà này nói
chung là người có tâm và có trí tuệ, dù họ sống trong hoàn cảnh khác nhau và
chí hướng khác nhau như thế nào. Họ được hưởng hồng phúc của cụ giáo Tuyên, của
cụ Học?.. Tướng Lê Hải muốn nghe ý kiến mọi người theo một hướng khác, ông nói:
-
Về thực trạng hiện nay của đất nước, có
lẽ chúng ta đều chia sẻ chung một cách nhìn. Song không thể cứ nước chảy bèo
trôi mãi thế này được. Phải suy nghĩ tiếp về lối ra. Khái quát chặng đường đã
qua cho đến hôm nay, có thể nói ngọn cờ dân tộc – dân chủ đã làm nên lịch sử và
sự nghiệp của Đảng mà tất cả chúng ta ngồi đây, ngoài anh Lễ và chị Thảo ra, đều
là đảng viên. Ngày nay vứt bỏ ngọn cờ này, đồng nghĩa sự nghiệp của Đảng bị vứt
bỏ. Cháu Yến đã nhận xét đúng: Bây giờ chỉ
còn lại cái đảng của nhân danh Đảng! Một trong những đặc thù của nó là tính cha
truyền con nối sặc mùi tàn dư của lịch sử…
-
Nhưng dù chỉ là cái đảng của nhân danh,
nó có quyền lực lớn nhất nước và đang chiếm vị trí độc tôn trong Hiến pháp đấy,
anh Lê hải ạ. – ông Nghĩa chen ngang vào.
-
Cuộc sống thực là như vậy anh Nghĩa ạ.
Anh là tác giả của cái thuyết “chia quả thực và cái
quán tính lịch sử”[6],
khỏi phải giải thích dài dòng cho anh. Thế nhưng tác giả thông thái này đến hôm
nay vẫn chưa đưa ra được một kế sách nào khả thi cả! – tướng Lê Hải trả đũa cái
tội chen ngang của ông Nghĩa.
-
Tướng Lê Hải muốn làm đảo chính, nên mới
đòi kế sách nhé! – ông Nghĩa phản pháo ngay.
-
Hai cái nhà ông này chỉ giỏi cái tài ăn
nói lung tung. – bà Nghĩa muốn cười về câu nói vui của chồng nhưng lúc này
không còn tâm trạng nào mà cười.
Chờ một lúc, ông Nghĩa nói tiếp:
-
Về lịch sử và sự nghiệp của Đảng anh Lê
Hải đã nêu ra, tôi xin lưu ý thế này: Đã nhận hay đã giành lấy về mình vai trò
lãnh đạo và cầm quyền, như thế đương nhiên là Đảng của chúng ta phải thừa nhận
món nợ lãnh đạo nhân dân xây dựng nên một thể chế của dân chủ và phát triển.
Món nợ này Đảng chưa trả được. Lãnh đạo đối nghịch với cai trị có lẽ ở chỗ là
phải thừa nhận món nợ lịch sử này và tìm cách trang trải nó, có phải thế không
các anh các chị? Cuộc sống khắc nghiệt chỉ cho phép Đảng của chúng ta lựa chọn:
hoặc là phấn đấu trang trải món nợ lịch sử này, …hay là trốn nợ! Khi tôi nói Đảng của chúng ta – nghĩa là tôi muốn
nói Đảng trong tim chúng ta, theo cách nói của cháu Vũ[7],
chứ không phải là đảng của cái nhân danh.
Bà Hậu xưa nay vốn ít tham gia vào những câu chuyện vỹ mô như thế này, bà đặt cho
nó cái tên như thế, song khi nghe thấy ông Nghĩa nói đến “trốn nợ”, bà xen vào câu chuyện như một bản năng:
-
Chuyện trốn nợ đã rành rành rồi và đang
tiếp diễn hàng ngày, sao cứ còn hoặc là,
hay là làm gì nữa hả anh Nghĩa? – bà Hậu liên tưởng đến quá khứ đau thương
của gia đình mình và biết bao nhiêu chuyện khác hàng ngày trong đời.
-
Vâng, tôi thừa nhận Đảng, với chính danh
của nó như hiện nay, đang hạ thấp mình từ đảng lãnh đạo xuống đảng cai trị,
đang trốn tránh món nợ lịch sử, chị Hậu ạ.
-
Nghĩa là chú thừa nhận Đảng đang tự diễn
biến hòa bình một cách tệ hại nhất – nói thế có được không chú Nghĩa? – bà
Chính dồn thêm.
-
Vâng. Sự thật nói một cách văn vẻ là như
thế chị ạ.
-
Em thừa nhận anh Nghĩa có nhiều lý sự, còn
có nuốt được hay không, phải để cho người nghe suy nghĩ cái đã. – ông Lễ lên tiếng.
- …Giả thử trời cho anh có tố chất siêu nhân như Hanuman, Machiavelli…[8],
và cho anh luôn cả trọn vẹn quyền điều
hành đất nước trong tay như đảng của các anh chị đang nắm, anh sẽ làm gì hả anh
Nghĩa? Em muốn hỏi anh như thế cho hết nhẽ!
-
Chú vẫn thù tôi chuyện cãi vã nhau hôm
thăm chú ở trại cải tạo năm nào à? – ông Nghĩa chọc lại.
-
Đương nhiên, không bao giờ quên anh
Nghĩa ạ. Đấy là buổi nói chuyện đầu tiên giữa hai anh em mình sau hơn 30 năm xa
cách… Hôm ấy em thừa nhận, đất nước đã thắng cuộc chiến tranh này. Tuy không
dám nói ra, nhưng hôm ấy Nghĩa hèn phải thừa nhận trong bụng là chưa thắng được
em mình,… Có đúng thế không anh Nghĩa? Em không quên đâu…[9] Hôm nay cũng thế… - ông Lễ lục lại ký ức của
mình.
-
Chuyện Phạm Trung Nghĩa trở thành một
siêu nhân là hoàn toàn hoang tưởng, Lễ ạ. – ông Nghĩa vừa trả lời vừa lắc đầu.
- …Không có chuyện ấy đâu!.. …Nhưng tôi nghĩ rằng với quyền lực tuyệt đối trong
tay như hiện nay, với cái gia tài vinh quang của những thế hệ đã hy sinh để lại,
đảng cầm quyền hiện nay hoàn toàn có thể thực hiện được một cuộc cải cách thể
chế chính trị, một cuộc cách mạng từ trên xuống, bắt đầu từ triệt để thực hiện
công khai minh bạch và dân chủ trong đảng… Nếu chịu hy sinh cái ích kỷ bẩn thỉu,
chịu đặt lợi ích quốc gia lên trên hết thì làm được…
Ông Nghĩa chưa dứt lời, cả nhà đã cười ầm lên. Người tranh
nói đầu tiên là bà Nguyệt, vợ ông:
-
Nếu Phạm Trung Nghĩa hóa thành siêu
nhân… Nếu đảng của cái nhân danh có khả năng đặt lợi ích quốc gia lên trên hết!
Trời đất ơi, hoang tưởng đến tột đỉnh rồi, anh Nghĩa ơi là anh Nghĩa! Có thể dắt
toàn bộ đàn voi châu Phi đi qua chữ “nếu” của anh thân yêu đấy anh ạ!.. Có ai
trên đời này vượt qua được cái bóng của mình không?!..
-
Ôi Nguyệt, cô phải hỏi Có ảo tưởng nào vượt được ảo tưởng của chú
Nghĩa hay không? Phải nói thế mới đúng chứ. – bà Chính đế thêm vào. - …Đảng
của nhân danh, thì dù có muốn, cũng không thể có tâm hay có tầm để thực hiện nổi
một cuộc cách mạng từ trên xuống được đâu, chú Nghĩa ạ.
-
Thế thì phải chịu nhận mọi hệ lụy có thể
xảy ra của cái tội trốn nợ thôi! Cuộc sống đã có vay thì phải có trả, không
cách này thì cách khác, chẳng thoát được đâu. – nói đến đây ông Nghĩa quay về
phía vợ mình: - …Nguyệt ạ, anh nhiều lần
trả lời em rồi: Quay lưng về phía mặt trời mà đi, thì làm sao vượt qua
được cái bóng của mình. Câu chuyện nằm ở chỗ này em ạ.
-
Xem ra anh Nghĩa được đảng giáo dục quá
kỹ, đến mức không thể thay đổi được! – ông Lễ nhận xét. - …Trong anh vẫn còn một
cái đảng bất diệt của những đảng viên tâm huyết, một lòng vì dân vì nước, đặt lợi
ích quốc gia lên trên hết! Bất luận anh đã từng xuýt bị xử tử ở trại giam Thạch
Thất!.. Em muốn đánh giá là anh ảo tưởng hết chỗ nói!
Câu chuyện nghiêm trang đến khô khan, thế mà sôi nổi lạ thường.
Cuối cùng tiếng cười bị đè nén cứ tự nó ran lên. Chờ mãi ông Lê Hải mới chen
vào được:
-
Các anh các chị ạ, trả nợ hay trốn nợ, cả
hai khả năng này đều nằm ngoài tầm với của người dân như tất cả chúng ta đang
ngồi đây. – tướng Lê Hải nêu suy nghĩ của mình. - …Trả nợ, hay trốn nợ, đấy là
câu chuyện “các đầy tớ” của nhân dân phải quyết định. – Mọi người lại cười ồ
lên, tướng Lê Hải lại phải chờ… - …Thế
nhưng là “chủ”, chúng ta cũng phải làm cái gì chứ, chẳng lẽ cứ một bề khoanh
tay, chịu để cho “đầy tớ” tống cho cái gì thì nuốt cái đó à?
-
Xét ra cho đến nay chúng ta vẫn chưa có
được cái cao kiến gì hơn ngoài cái việc thừa nhận ý tưởng của đám con cháu
mình, của đại học PH, có phải thế không Nghĩa? – ông Chính nói thêm vào ý của
tướng Lê Hải.
Câu chuyện đi vào chỗ khúc mắc muôn thuở. Gián đoạn.
Cho
đến nay, bất kỳ cuộc đàm thoại nào của các lão gia nhà này, cứ đi tới điểm này là bế tắc. Bà Hậu
tiếp nước cho mọi người, cũng hàm ý lấp chỗ trống và để ông Nghĩa có thời giờ
suy nghĩ.
Cuối cùng thì ông Nghĩa cũng lên tiếng:
-
Quả thực là người “chủ”, chúng ta chỉ có
cách hoặc là đòi nợ, hoặc là cam tâm chịu đựng mọi tai ương do “đầy tớ” trốn nợ,
các anh các chị ạ. Nhưng trước khi bàn thêm giới “làm chủ” như chúng ta có thể
làm gì, xin cho tôi nói rõ ý tưởng làm một cuộc cách mạng từ trên xuống, về thực
chất là làm một cuộc cải cách thể chế. Điều này ông Võ Văn Kiệt đã nghĩ đến từ
lâu rồi. Anh Lê Hải, anh Chính chắc còn nhớ những ý kiến của ông Sáu Dân nói với
chúng ta… Không biết có bao nhiêu trang
web trên internet đã đăng tải bức thư của ông gửi Bộ chính trị[10].
Như vậy có thể nói, khi còn đương chức, ông đã rất sớm đề nghị Bộ Chính trị phải
thay đổi cách nhìn nhận thế giới, giương cao ngọn cờ dân tộc dân chủ để phát
triển đất nước, phải chuyển sang xây dựng nhà nước pháp quyền và phát triển
kinh tế thị trường, phải thực hiện hòa hợp dân tộc để hoàn thành những nhiệm vụ
này. Ông đặc biệt nhấn mạnh phải cải cách Đảng một cách triệt để về đường lối
và về tổ chức, thực chất đấy sẽ là một sự lột xác thành một đảng khác, một đảng
mới! Đảng của dân tộc! Ông Kiệt nói rành rọt như thế nhiều lần ở nhiều nơi!..
Tôi nghĩ ông chẳng những có một tầm nhìn, mà hiển nhiên ông còn thấy khả năng
và triển vọng của một cuộc cải cách triệt để. Ông Sáu Dân không nói trắng ra
như thế trong bức thư này, song nhìn tổng thể, quan điểm của ông rõ ràng là muốn
thực hiện một cuộc cách mạng từ trên xuống và từ trong Đảng ra, để tiết kiệm
xương máu và giành được thắng lợi vững chắc, một thắng lợi của phát triển.
Nghĩa là của xây, chứ không phải là của
phá đi làm lại từ đầu... Một cuộc
cách mạng với nội dung xây là chủ yếu như thế, chính là phát triển! Đấy chính
là cái đất nước đang cần…
-
Nhưng mà chú Nghĩa ạ, tất cả những gì
chúng ta biết được, chứng tỏ bức thư ấy đã bị bác bỏ thẳng thừng, mặc dù bức
thư này đã gây xôn xao lớn, vài người đã phải đi tù vì nó… Nghĩa là ông Kiệt
cũng thất bại! Chính ông ấy cũng bị liên lụy… – ông Chính lưu ý.
-
Vâng, đúng như vậy, anh Chính ạ. Vì quyền
lực của Đảng không chấp nhận.
-
Như thế cũng là ảo tưởng, có phải không
chú Nghĩa? – bà Chính hỏi.
-
Như vậy có phải là quyền lực của Đảng đối
nghịch với quyền lợi của quốc gia không? – bà Nguyệt hỏi chồng.
-
Hiển nhiên là thế, Nguyệt ạ. Nhưng xin
được nghe thêm ý kiến của anh Lê Hải, cả anh Chính nữa. …Chú Lễ có lẽ chưa biết
chuyện này, những năm tháng cuối cùng, ông Kiệt bỏ ra không biết bao nhiêu công
sức thuyết phục những người lãnh đạo đương chức tiến hành sửa đổi Hiến pháp và
thay đổi cách xây dựng Đảng, ông sẵn sàng trực tiếp tham gia, dùng mọi khả năng
và ảnh hưởng của mình huy động trí tuệ và tâm huyết trong cả nước tham gia…
-
Theo em, em thừa nhận ông Kiệt là người
có tâm và có tầm nhìn. Giới bạn bè của em ở Mỹ cũng nghĩ như vậy. Vì thế ông rất
được nhiều người kính trọng. Song rõ ràng là ông thiểu số và thất bại, nghĩa là
ông ấy cũng rất ảo tưởng! – ông Lễ không úp mở.
-
???
-
???
-
Em xin lỗi các anh các chị, cho em nói
thẳng, – vẫn ông Lễ: - …Ông Kiệt chỉ có một công lao duy nhất trong vấn đề này
là ông đã chứng minh không ai có thể bác bỏ được là đảng của các anh các chị
bây giờ không có khả năng phục thiện hay hướng thiện nữa! Các anh các chị muốn
gọi đấy chỉ là cái đảng nhân danh hay
gọi là gì gì đi nữa, thì sự vật vẫn
không thay đổi!.. – ông Lễ định nói thêm vài ý nữa về ảo tưởng của ông Nghĩa
cho rõ suy nghĩ của mình, nhưng đến đây ông dừng lại.
Ông chính nhường Tướng Lê Hải nói trước:
-
Xin thưa với cả nhà, tôi thấy rằng ai
quan tâm đến vận mệnh đất nước, chắc đều phải đi tìm lối ra theo cách đỡ tốn
xương máu nhất cho đất nước. Ở địa vị của mình, tôi nghĩ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt
có lẽ không thể đề xuất khác được. Chẳng lẽ đòi hỏi ông Kiệt phải giải tán đảng
của mình? Chuyện này là không thể! Cái đích ông đặt ra là rõ ràng, khá triệt để,
theo phương thức tiến hành từng bước chứ không ăn sống nuốt tươi. Xét về khả
năng thực hiện, thử hỏi ai có thể làm được tốt hơn một cuộc cách mạng từ trên
xuống như thế nếu không phải là Đảng này với quyền lực như nó đang có trong
tay? Trong khi đó trí tuệ trong Đảng, ngoài Đảng khắp cả nước không thể nói là
thiếu? Nếu còn muốn tự khẳng định mình là một đảng cách mạng phục vụ đất nước,
liệu còn con đường nào khác ngoài con đường phải tiến hành cuộc cách mạng của
phát triển như thế?
-
… - ông Lễ dục dịch định nói điều gì,
song lại cố tự kiềm chế.
-
Câu chuyện chúng ta bàn ở đây là có làm
được hay không? anh Lê Hải ạ. – ông Nghĩa nhấn mạnh.
-
Được, tôi sẽ nói. - tướng Lê Hải chậm
rãi: - …Cho nên làm hay không làm cuộc cách mạng của phát triển này, Đảng sẽ tự
bộc lộ mình là ai trước nhân dân, trước đất nước… Đổi mới năm 1986 chính là việc
vứt bỏ một phần cái lỗi thời, cái tha hóa, đảng này đã làm được. Vì cuối cùng
thực tiễn đã mở mắt cho Đảng, và bắt buộc Đảng phải thực hiện. Hay là chết!.. …
Thế còn lối ra cho bây giờ? Tôi suy nghĩ nhiều lắm. …Có thể quyền lực của Đảng
bây giờ không thấy nó? Cũng có thể quyền lực của Đảng thấy nó còn rõ hơn chúng
ta, nhưng không muốn, không dám thực hiện nó, vì có lợi ích khác… Cũng có thể
còn vì năm bè bẩy mối nên bất lực?!.. Nếu đúng như vậy, thì tình hình càng khốn
nạn!.. Đặt câu hỏi theo cách nào đi nữa, muốn lựa chọn câu trả lời là gì gì đi
nữa, bây giờ đất nước chỉ có một sự thật, một thách thức: tư duy của Đảng và thể
chế chính trị đã trở thành rào cản giam hãm sự phát triển của đất nước. Thư của
ông Kiệt viết vào lúc đổi mới ở cao trào và giành được nhiều kết quả to lớn, những
điều kiện trong ngoài của nước ta lúc ấy cũng rất thuận lợi. Trong bối cảnh ấy,
đề xuất của ông Kiệt không những chỉ là một ý chí sáng suốt, dám nghĩ dám làm,
nắm lấy cơ hội vì đất nước… Mà còn là một
trách nhiệm bắt buộc phải làm ở cương vị của ông.
-
Thưa anh Lê Hải, nếu không là ảo tưởng
thì cũng là một bi kịch Võ Văn Kiệt. Thực
sự là một bi kịch Võ Văn Kiệt! Số phận làm nên như thế các anh các chị ạ. Nếu
tôi không nhầm, Đảng của các anh các chị đâu có ít các nhân vật bi kịch, những
người yêu nước yêu dân thực sự, nhưng trái với ý thức hệ của đảng!.. … … Các
anh các chị ạ, ông Võ Văn Kiệt tự thân đã vạch ra có sức thuyết phục hơn ai hết
và chính đáng nhất cho mọi người thấy đảng hiện nay của các anh các chị là ai! Không
cãi vào đâu được!.. – ông Lễ chen ngang,
sôi nổi, vì không tự kiềm chế được nữa.
Một không khí lạnh buốt, bàng hoàng, thoáng qua rất nhanh,
kéo theo một sự im lặng trong giây lát.
-
Vạch ra một cách thuyết phục và chính
đáng nhất!.. Phải. Phải.. Đúng như anh nghĩ, anh Lễ ạ. – tướng Lê Hải nói tiếp:
- … Có thể nói ông Kiệt đã dám chấp nhận mạo hiểm, đúng với phẩm chất và cương
vị của mình. Ông thiểu số, nên ông thất bại.
-
Vâng, thưa anh Lê Hải, thế còn bây giờ
thế nào ạ? – bà Thảo vợ ông Lễ hỏi.
-
Còn bây giờ ạ? Càng để chậm trễ, đảng
này càng mất khả năng chủ động tạo ra một cuộc cách mạng của phát triển chị Thảo
ạ. Lâm vào tình trạng này, Đảng sẽ càng lao sâu vào con đường tự đánh mất mình,
tích tụ thêm sự bất cập của bản thân và càng đối kháng với dân. Nghĩa là càng
tích tụ khả năng bị đào thải, dù là theo cách nào. Nếu hiểu phát triển là sự kế
thừa sáng tạo những thành tựu đã đạt được, thì chính vì sự kế thừa này, Đảng phải
chấp nhận một cuộc cách mạng của phát triển, lấp bỏ con đường dẫn tới đối kháng
với dân tộc, với lợi ích quốc gia. Đối với Đảng, đấy cũng chính là thay đổi để
tiếp tục phát triển. Tôi vẫn tin rằng trong Đảng còn nhiều đảng viên tâm huyết
cho sự lựa chọn này, trong dân đang khát khao cháy bỏng mong muốn Đảng lựa chọn
ý chí này. Trí tuệ của cả nước cho sự lựa chọn này không thiếu!.. Chỉ có quyền
lực Đảng nghĩ khác!
Người ngồi nghe chêm vào những câu tán thưởng. Riêng ông Lễ
lắc đầu, vẫn một mình một ý.
-
Anh Lê Hải ạ, thật quả tôi không tin. Từ
lâu rồi, đảng của các anh các chị không có khả năng tự cải tạo nữa!.. Nhất là
những người nắm quyền sinh quyền sát trong đảng của các anh các chị có tầm văn
hóa thấp kém! Phải nói như thế nào nhỉ?.. … Lãnh đạo đảng của các anh các chị
không có trí tuệ và ý chí làm vương! Vẫn chỉ là các xã xệ và lý toét của Tự Lực
Văn Đoàn thời nay mà thôi! Tầm nhìn
chính trị quá dở, nhất là trong khi giao tiếp hay xử sự với bên ngoài... Lòng tự
trọng, tự tôn dân tộc thấp quá các anh các chị ạ! Ngay cả lòng tham của họ cũng
chỉ là lòng tham của kẻ tiểu nhân!.. Cho nên đất nước mới nên nông nỗi này… Thực
lòng tôi không tôn trọng chút nào, càng không bao giờ thừa nhận nhân cách của họ,
thế nhưng hình ảnh của họ trong giao tiếp với thế giới làm tôi nhiều phen tự xấu
hổ cho đất nước mình…
-
Tham mà ngu thì càng chết! Mà đã tham
thì làm sao không ngu được! Có phải như thế không chú Lễ? – bà Nguyệt hỏi.
-
Vâng, chị Nguyệt nói đúng suy nghĩ của
em.
Câu
chuyện lại gián đoạn một lúc.
Đến lượt ông Chính:
-
Tôi tán thành cách nghĩ của anh Lê Hải,
dù là rất ít hy vọng. Đó thật sự là niềm lạc quan mong manh cố níu kéo, theo
nghĩa còn nước còn tát, gần như một cầu mong trời Phật độ thế thì đúng hơn… Có
thể vì sự gắn bó máu xương với Đảng trong mỗi đảng viên chúng ta ngồi đây không
cách gì xóa được! Hay là một niềm hy vọng leo lét, về một diễn biến hòa bình
theo đúng nghĩa của phát triển... – giọng nói của ông Chính có phần bùi ngùi. -
…Tôi chỉ muốn lưu ý thế này, quyền lực đang tồn tại trong Đảng hiện nay không
chỉ là một số người lãnh đạo nắm thực quyền, cũng không chỉ là những bộ máy của
cả cỗ máy có thực quyền. Xin thưa với cả
nhà, quyền lực trong Đảng ngày nay rõ ràng là cả một hệ thống kinh tế, chính trị,
tư tưởng.., và cả văn hóa, xã hội nữa, từ cấp cao nhất cho đến cơ sở làng xã,
phố phường, tổ dân phố.... Đó còn là quyền lực của cả một hệ thống thượng tầng
kiến trúc của một đất nước nghèo nàn lạc hậu, đang trên con đường phát triển của
chủ nghĩa tư bản hoang dã. Cho nên, xin cả nhà lưu ý, đối nghịch với sự lựa chọn
của lý trí như chúng ta đang mong ước, là cả một hệ thống quyền lực bùng nhùng
và hắc ám như vậy… - ông Chính đột nhiên dừng lại một lát, vì ông cảm thấy vô
cùng khó khăn khi phải nói ra bằng lời nhận xét của mình như vậy. Ông nói tiếp: - …Tình hình trầm trọng đến mức thậm chí một
tổ trưởng dân phố cũng có thể xử sự như một quan lại, dù ban ngày anh ta hay chị
ta có thể chỉ là người trông xe, người
bán xôi, ở ngay bên cạnh nhà tôi chứ không phải nói đâu xa!.. Anh ta hay chị ta
cũng có quyền lực riêng ở mức nào đó đối với dân phố và khu phố, có đặc quyền đặc
lợi riêng theo cách của mình… Tôi có thể
mạnh mồm, mạnh miệng ở đâu cũng được, nhưng tốt nhất là đừng bao giờ dại
gì cọ sát với những người này trong khu dân cư của mình!.. Thế có chết không chứ!..
-
Chú Lễ ạ, sống ở nước ngoài chắc chú
không biết. Tôi có thể viện lý do này nọ không đến dự một cuộc họp do cơ quan
triệu tập. Nhưng tôi hoàn toàn không muốn trốn tránh một cuộc họp do tổ trưởng
dân phố gọi, vì như thế sẽ rách việc lắm, nhất là các con cháu mình đều đứng
ngoài quốc doanh và chẳng có ai thân quen với quyền lực. Còn phải đi để nghe
xem họ nói gì về mình, động tĩnh ra sao! Nhưng ngồi nghe còn khổ hơn bị tra tấn...
– bà Chính giải thích thêm.
-
Một sự bịt miệng và trấn áp ngầm vô cùng
hiệu quả! – ông Lễ bất giác kêu lên.
-
Thứ quyền lực xuống đến tận cơ sở như thế
gắn bó hữu cơ với quyền lực trong Đảng ở mọi cấp và trong mọi lĩnh vực. – ông
Chính nói tiếp. - …Quyền lực và đặc quyền đặc lợi kiểu này là con đẻ của quyền
lực trong Đảng, tạo ra một hệ thống dây mơ rễ má chằng chịt của quyền lực đích
thực. Có lẽ thực tế này là một trong những lý do quan trọng giải thích thắc mắc
của chú Lễ: vì sao xảy ra bao nhiêu chuyện nghiêm trọng như thế mà chế độ này vẫn
không thể đổ được, không một lực lượng chính trị nào có thể lật đổ nó được chú ạ...
Mấy ngày vừa qua chú thím cứ kêu oai oái về cái loa phóng thanh đầu nhà mình,
nhưng cả cái chuyện vặt ấy chúng tôi cũng phải chịu đựng thôi chú thím ạ, cũng
như là chịu đựng một thứ quyền lực vậy
-
Đành bó tay chờ đợi tình hình sẽ tự nó
đi tới đổ vỡ! Nghĩa là em đúng, có phải như thế không anh Chính? – ông Lễ hỏi.
-
Tôi nói lên hiện trạng, Lễ ạ. Còn diễn
tiến như thế nào thì phải chờ. Vì mọi khả năng đều để ngỏ, không làm thầy bói
được.
-
Nghĩa là.., theo anh.., đất nước đang đứng
trước ngã ba lịch sử, hoặc là, hay là… - ông Lễ nói suy nghĩ của mình.
-
Chí ít là từ mươi năm nay, khi những bước
tiến đầu tiên của dân chủ trong đổi mới hết đà. Kể từ giữa những năm 1990 trở
đi đất nước ta lại một lần nữa đứng trước ngã ba đường rồi, Lễ ạ. Nói như vậy,
là vì ít nhiều tôi vẫn còn lạc quan, còn leo lét hy vọng tìm được cách ngoặt
vào ngả đường của phát triển. Nói như anh Lê Hải, trong Đảng còn nhiều đảng
viên tâm huyết. Trong cộng đồng dân tộc khát khao lớn lắm, cho một sự thay đổi
tốt đẹp. Tôi tin như vậy. Không chịu bó tay thì còn hy vọng.
-
Còn hy vọng? Anh cũng thuộc loại người
không thể cải tạo được anh Chính ạ!.. Không chịu bó tay kiểu này thì sẽ tiếp tục
xảy ra những vụ xử án Cù Huy Hà Vũ mới! Anh chàng vô danh này tự nhiên trở
thành người hùng nhờ sự khờ dại và cái tính võ biền của chế độ! – ông Lễ nói
ngay. - …Với chính quyền này, hình như không gì là không thể các anh các chị ạ!
Vụ án này đâu có phải là vụ đầu tiên và duy nhất! Chỉ làm cho đất nước thêm bi
hài... Em xin nói thực, hy vọng hay lạc quan như thế có khác gì thụ động chờ đợi
trạng thái tức nước vỡ bờ!..
-
Mọi khả năng đều có thể xảy ra, đều đang
ở phía trước, Lễ ạ. Đến giờ phút này quả là như vậy.– ông Nghĩa xen vào. - …Khó
mà nói trước được có hay không một bước ngoặt đột biến! Ví dụ, nếu để cho lạm
phát hiện nay dẫn đến vỡ nợ, đến đổ vỡ kinh tế thì sẽ ra sao?!..
-
Tôi đồng ý với Nghĩa, lúc này thật khó
mà nói trước được điều gì. Đã thế mọi thông tin về hiện trạng đất nước tù mù
quá. Trước mắt là lạm phát cao quá, thị trường bất động sản sụp đổ, thị trường
chứng khoán suy sụp, lãi xuất ngân hàng ngất ngưởng có thể kéo theo hàng loạt
doanh nghiệp và ngân hàng phá sản, điều hành của nhà nước đang diễn ra theo kiểu
bất cập hoặc nhắm mắt làm ngơ để cho các doanh nghiệp nhà nước lo tự cứu mình
chứ không phải cứu nền kinh tế… Nên tôi có cảm giác là rối ren và bấp bênh. Ví dụ trong những khó
khăn kinh tế hiện nay của mình, ta còn phải tính thêm ẩn số những tác động của
đồng Nhân dân tệ[11]!.. Không loại trừ xảy ra can thiệp của bên ngoài
theo cách: Đổ vỡ không cho đổ vỡ, phát triển không cho phát triển, làm mọi việc
duy trì một Việt Nam èo uột như hiện nay để dễ bề nô dịch, sai bảo! Rồi còn bàn
cờ lớn giữa các nước lớn với nhau nữa!..
-
Anh Chính ạ, nói như anh, em có cảm tưởng
vì ở quá gần Trung Quốc, nên anh cũng không hiểu hết Trung Quốc? – ông Lễ bật
lên như cái lò so.
-
Sao chú lại quy kết tôi như thế?
-
Anh nhìn Trung Quốc vẫn còn hiền lành
quá!
-
Trời đất ơi, đến chú mà còn nghi ngờ
tôi! – ông Chính kêu lên. - …Từ lâu rồi trên đại lục Trung Quốc, bên cạnh các
Trung Quốc khác nhau của thời đại hiện tại – cứ
tạm gọi là các Trung Quốc của phát triển, của văn minh đi, vẫn luôn luôn
có một Trung Quốc nham hiểm hung ác, nói thế nào cho chuẩn nhỉ…
-
There is always a babarian China on the
chinese continent! – ông Lễ buột miệng
chêm vào một câu tiếng Anh.
-
Đúng thế đấy, chú Lễ ạ. Chính cái Trung
Quốc barbarian này từ mười năm nay
đang tận hưởng cái lao đao mới của đế chế Mỹ, khởi đầu là sự kiện 11-09, những chuyện
Mỹ sa lầy nào là tại Iraq, Afghanistan, Pakistan.., chuyện Mỹ đứng ngồi không
yên với Taliban, chuyện tận dụng mọi cơ hội đẩy Mỹ vào tình cảnh trở thành con
nợ lớn nhất của Trung Quốc… Chính cái Trung Quốc barbarian này, với món võ tọa sơn quan hổ đấu và các thủ thuật theo
kiểu Tôn Tẫn, đang lấn chiếm các vùng ảnh hưởng của Mỹ. Chính cái Trung Quốc
barbarian này đang đi khắp nơi trên thế giới, đang bỏ tiền ra mua mọi liên kết,
câu kết, hay hợp tác với mọi lực lượng hay quyền lực barbarian khác khắp nơi
trên thế giới. Dù là độc tài, dù là diệt chủng, là gì gì đi nữa đều không thành
vấn đề! Để lũng đoạn sự phát triển của tự do, để tha hóa dân chủ, để bành trướng
ảnh hưởng của chính nó! Để vơ vét tài nguyên và chiếm không gian sống… Đến mức
độ, cứ như là ở đâu có xác chết trên quả đất này là lập tức ở đó có kền kền và
ruồi bọ!..
-
Anh Chính rất thích từ “barbarian” của
em có phải không?
-
Thế mà chú lại nghi ngờ tôi không nhìn
rõ Trung Quốc! Song tôi nghĩ là.., chí ít từ mươi năm nay, hình như các nhà hoạch
định chính sách Mỹ mới là người không nhìn thấy hết cái Trung Quốc barbarian này, có phải thế không? Họ đánh
giá sai cái Trung Quốc barbarian này,
phạm nhiều sai lầm chiến lược Lễ ạ... Trong con mắt tôi là như vậy. So đi so lại
trên tổng thể, Mỹ đang bị động với cái Trung Quốc barbarian cũng như với toàn bộ cái tập hợp barbarian trên thế giới này chú ạ… Cũng chính vì thế, Mỹ
đang phải trả giá, không riêng mình Việt nam phải trả giá đâu. Cái võ Tầu nó
thâm độc lắm… – ông Chính sôi nổi.
-
Ý đồ buộc tội giáo sư Phạm Trung Chính
mơ hồ về Trung Quốc được rút lại! – ông Lễ nói vui, để thay cho lời xin lỗi, và
cũng là để xoa dịu anh mình. - …Nhưng anh Chính ạ, điều quan trọng nhất về
Trung Quốc không thấy anh nói tới.
Cả nhà ngạc nhiên, thúc
giục ông Lễ.
-
Vâng. Xin nói ngay. Anh Chính ạ, anh hiểu
sự thâm hiểm của võ Tàu. Anh biết chủ nghĩa thực dân mới Đại Hán đã thành công
một cách đáng sợ ở châu Phi, ở châu Mỹ Latinh, nhiều nơi khác ở châu Á. Đồng tiền
Trung Quốc thọc tay khá sâu vào những nền kinh tế lớn nhấ thế giới... Vậy mà
không thấy anh nói tới chủ nghĩa thực dân mới Đại Hán đã có mặt ở Việt Nam hay
chưa, nó đã thành công đến đâu?.. Hay là ở ta không có nguy cơ này?
Ông Nghĩa muốn hiểu rõ
hơn suy nghĩ của người Việt ở nước ngoài qua Lễ, nên xoáy luôn vào câu hỏi đặt
ra:
-
Dựa vào cái gì chú Lễ lại nghi ngờ như vậy?
-
Có nhiều cái để nghi ngờ lắm, anh Nghĩa ạ.
Nhiều năm nay em cứ so sánh ta với Hàn Quốc. Lục lọi mọi thứ để so sánh. Càng
so đo, càng nghi ngờ các anh các chị ạ. Xin trình bầy vắn tắt với cả nhà thế
này. Cũng ba mươi năm công nghiệp hóa, tính đến khoảng năm một chín tám tám (1960
- 1988), thu nhập tính theo đầu người của Hàn Quốc tăng khoảng trên bốn mươi lần
(40 lần) so với điểm xuất phát, lúc ấy là ước gần một trăm (100) đôla tính theo
đầu người, nghĩa là còn thấp hơn cả chỉ số này của chế độ Sài Gòn năm một chín
sáu nhăm (1965). Số liệu của Liên Hiệp Quốc nói rành rành như thế. Việt Nam ta
cũng sau khoảng ba mươi năm công nghiệp hóa kể từ Đổi mới (1986 - 2014), hiện
nay thu nhập tính theo đầu người tăng khoảng mười một lần so với điểm xuất phát,
cũng tương tự như điểm xuất phát của Hàn Quốc. Sự thua kém mấy chục lần của ta như
vậy mới chỉ là cái bề nổi thôi các anh các chị ạ. Cái khác biệt chết người giữa ta so với Hàn Quốc là ở
chỗ: Sau ba mươi năm công nghiệp hóa Hàn Quốc đã mở ra được con đường trở thành
một trong những nước công nghiệp hàng đầu thế giới hôm nay. Còn Việt Nam ta hiện nay đang bế tắc, vì chỉ sản sinh ra một nền
kinh tế bán lao động rẻ, tài nguyên và môi trường là chính, dưới một chế độ
chính trị quá lạc hậu. Đất nước ta chỉ gặt hái được cái lệ thuộc và nợ nần nhiều...
Xin cả nhà lưu ý cho, nguồn lực bên trong và bên ngoài Việt Nam ta huy động được
cho ba chục năm công nghiệp hóa này của mình nhiều gấp đôi, thật ra là hơn gấp
đôi Hàn Quốc! Thế thì của cải ở ta ba chục năm công nghiệp hóa này chạy đi đâu?
Diện mạo nước Việt Nam đang công nghiệp hóa hôm nay như thế nào? Mà dân ta đâu
có lười!.. Còn nền kinh tế nước ta hàng chục năm nay đang ra sức xuất siêu để cố
bù mà không nổi cho cái nhập siêu từ Trung Quốc. Nói cách khác, hàng chục năm
nay ta đang ra sức xuất khẩu hộ Trung Quốc các mặt hàng thứ cấp, càng gắng sức,
càng lệ thuộc. Cả nước có bao nhiêu công trình kinh tế rởm từ Trung Quốc?.. Buôn
bán tiểu ngạch dở sống dở chết vì lúc đóng lúc mở... Tại ta đến đâu.., và tại
Trung Quốc đến đâu? Báo chí bên ngoài nói những chuyện này nhức đầu lắm các anh
các chị ạ… Còn sự can thiệp của quyền lực mềm Trung Quốc? Các anh các chị ngồi đây hẳn
phải rõ chuyện này hơn em?.. Rồi vấn đề lấn chiếm đất trên bộ, vấn đề biển đảo…
Họ xây căn cứ quân sự trên các đảo của ta mà không dám kiện… Còn biết bao nhiêu
chuyện khác nữa… Vâng, anh Chính rất sáng suốt, nhìn thấy ông Bush con mắc mưu Trung Quốc trong chiến tranh
Iraq hao người tốn của và công cốc, nhìn thấy Trung Quốc làm rất nhiều chuyện
lôi thôi trên khắp thế giới… Nhưng các anh các chị ạ, nhiều năm nay em chưa hề
thấy một lần các anh các chị nói về chủ nghĩa thực dân mới Đại Hán đã chễm trệ
ngồi trên đất nước ta như thế nào. Có phải thế không ạ? Chưa một lần báo chí cả
nước nói thẳng ra ta đang mắc mưu Trung Quốc ra sao… Em xin lỗi anh Chính nếu
em sai.
Cả nhà lặng đi, cứ như
là bị dội gáo nước lạnh.
…
…
-
Phải thừa nhận nỗi lo của chú Lễ là
chính đáng. Ở nhà cũng lo như thế chú ạ. Ông Nguyễn Cơ Thạch đã cảnh báo nguy
cơ Bắc thuộc lần thứ hai khi xảy ra hội nghị Thành Đô... Hôm nay chú chất vấn
như thế là đúng lắm. - …ông Chính tán thành suy nghĩ của em mình.
-
Ôi lạy trời! Em cảm ơn anh Chính. – ông
Lễ thở phào vì thoát được nỗi lo làm mếch lòng mọi người, được thể nói luôn: -
…Em còn lo đến mức giả thử do trời lệch đất nghiêng thế nào đấy, nên xảy ra được
ở nước ta chuyện cải cách chế độ chính trị trong hòa bình… Cứ giả thử là như thế
đi… Nhưng liệu Đại Hán có để cho ta yên không? Đảo ngược chuyện này dễ như
chơi, chỉ cần một cái búng tay… Bằng quyền lực rắn hay mềm!.. Súng không xong
thì tiền. Tiền không xong thì súng. Hoặc cả súng lẫn tiền cùng các chiêu chính
trị khác… Với bốn nghìn tỷ đôla dự trữ và lực lượng quân sự mạnh nhất châu Á…
Mà như thế, lại một lần nữa đất nước ta nếu không binh đao chống ngoại xâm thì
lại chia cắt các anh các chị ạ… Lại nhân danh cái này cái nọ tay trái chém tay
phải… Hôm nay cái mưu lược và dũng cảm đối
với bá quyền Đại Hán thì chưa thấy đâu, nhưng cái chuyên chính trấn áp dân quyết
liệt thì không có gì phải nghi ngờ… Ép ta đến chết mà ta vẫn cứ phải khư khư ôm
lấy không dám rời mười sáu chữ và bốn tốt… Trong khi đó nội bộ lãnh đạo trống
đánh xuôi kèn thổi ngược, dân không sao hiểu được… Thú thực, đã mấy chục năm rồi
mà hôm nay em vẫn chưa hết bàng hoàng về quá khứ đau lòng và đẫm máu của đất nước
mình gần một thế kỷ vừa qua… Lại thêm những lo lắng hôm nay… Anh Chính ạ, có phải
lãnh đạo đất nước hôm nay cam chịu thân phận chư hầu như thế này không ạ? Câu
chuyện Ukraina đang cảnh báo chúng ta…
Tới đây gian phòng như
vỡ ra, vì không chịu đựng nổi những vấn đề, những câu hỏi được đụng chạm tới.
Người thì đứng lên đi đi lại lại như đang tìm cái gì đó, người thì chụm đầu vào
nhau bàn luận… Ông Nghĩa duỗi thẳng cái chân còn lại và cái chân gỗ của mình ra
cho đỡ mỏi, ngửa cổ lục lọi cái gì đó trên trần nhà…
-
Xin thưa với cả nhà, các suy nghĩ của Lễ
càng khiến tôi phải nghĩ rất nhiều đến cái bất biến ứng vạn biến! – ông Nghĩa
lên tiếng đầu tiên. Mọi người lắng nghe. - …Trước sau cái bất biến vẫn là làm
sao có dân chủ để thực hiện được đoàn kết hòa hợp dân tộc, vì một Việt Nam cường
thịnh. Đây chính là điểm khởi đầu! Cái bất biến đầu tiên ta phải là chính ta
trước đã! Không có con đường nào khác. – ông Nghĩa dứt khoát.
-
Rõ ràng anh Nghĩa vẫn chỉ là người giỏi
nói lý thôi, các anh các chị ạ. Suy nghĩ theo hướng nào đi nữa, cứ đụng đến câu
hỏi “làm thế nào để ta là chính ta?”...,
là anh Nghĩa bí, đành dừng lại, không tài nào đi xa thêm được lấy nửa bước! Đây
không phải là lần đầu tiên đâu ạ… Mấy năm nay là như thế rồi… – bà Nguyệt nói
thực lòng nỗi thất vọng của mình.
Cả nhà người lắc đầu, người cười thông cảm với bà Nguyệt.
-
Nếu Nguyệt giỏi thì giúp anh trả lời câu
hỏi chết tiệt này đi! – chính ông Nghĩa lúc này cũng cảm thấy mình thực sự bí.
-
Chừng nào còn bàn xuông, còn chưa hành động,
thì chúng ta cứ đều phải dừng lại trước câu hỏi này thôi anh ạ. Từ lâu em đã ngẫm
nghĩ và đã kết luận như vậy hộ anh rồi. – bà Nguyệt trả lời ráo hoảnh.
-
Nhưng mà anh Nghĩa có lý đấy chị Nguyệt ạ,
dĩ bất biến là đoàn kết hòa hợp dân tộc, thu phục nhân tâm về một mối, để ta là
chính ta trước đã! Không thể khác được đâu. – tướng Lê Hải nói suy nghĩ của
mình. - …Thiên thời, địa lợi có đủ rồi, chỉ còn thiếu nhân hòa thôi – đó chính
là dân chủ đoàn kết hòa hợp dân tộc! Tôi còn muốn đi xa tới mức nghĩ rằng nước
ta chưa bao giờ có thời cơ lớn như bây giờ, nghĩa là thời cơ hiện nay còn lớn
hơn cả khi làm Cách mạng Tháng Tám, hay khi thống nhất đất nước… Xin cả nhà cứ
nghĩ mà xem, bàn cờ thế giới hiện nay tự nó tạo ra một thế cờ hầu như cả thế giới
đều muốn có một Việt Nam mạnh, đứng vững được trên đôi chân của mình. Chuyện
này không thể có khi tiến hành Cách Mạng Tháng Tám cũng như khi hoàn thành thống
nhất đất nước. Bây giờ chỉ mỗi một mình Trung Quốc muốn ta là một quốc gia èo uột
mà thôi!.. Không có nhân hòa, thì làm sao nắm được thời cơ này? Mà vuột thời cơ
này thì có nghĩa là sẽ phải hứng chịu một cuộc bể dâu mới.
-
Bravo anh Lê Hải. Ông tướng của chị Hậu
nói đúng quá đấy ạ! – bà Thảo vợ ông Lễ nhiệt liệt tán thưởng. Bà ngồi nghe là
chính, chỉ thỉnh thoảng mới tham gia một câu.
-
Nhưng mà Thảo ơi, anh Lê Hải vẫn chỉ là
nói lý, vẫn chưa trả lời được câu hỏi của chị Nguyệt! – ông Lễ không đồng tình
với nhận xét của vợ mình.
-
Tôi xin nói thêm về câu hỏi “làm sao?”,
“làm thế nào?” – ông Nghĩa vẫn bị câu hỏi của vợ mình ám ảnh. - …Câu trả lời
trước sau vẫn là quyền lực trong Đảng lựa chọn gì cho mình thôi, Nguyệt ạ. Tiếc
rằng Đảng bây giờ đã trở thành một lực lượng chính trị - xã hội thâu tóm đất nước
mất rồi, không còn là đội ngũ lãnh đạo tiền phong chiến đấu nữa. Là một lực lượng
chính trị như vậy, ngoài lợi ích riêng của chính mình, nó không có lợi ích và
cũng không có khả năng lựa chọn điều nhân dân mong muốn. Trừ phi nó tự nguyện lột
xác để trở thành đảng của dân tộc.
-
Từ một đảng lãnh đạo, nay trở thành một
lực lượng chính trị - xã hội với tất cả đặc tính tham lam của nó, cụ thể ở đây
là thâu tóm toàn bộ đất nước!?.. Vâng. Phải công nhận điểm này anh có lý, anh
Nghĩa ạ! Có lẽ nói như thế là rõ ràng nhất, đầy đủ nhất nguyên nhân gốc rễ của
tình hình đất nước ta hiện nay, các anh các chị ạ. – bà Nguyệt tán thành ý kiến
này của chồng.
Câu chuyện kéo dài đến nhập nhoạng tối, lúc thông, lúc tắc,
song cứ đụng bàn đến lối ra thì lại tắc...
…
Giữa
lúc các lão gia đứng dậy chuẩn bị đi tiễn vợ chồng ông Lễ ra sân bay, Yến mang
vào một video clip nóng bỏng lấy từ trên VTV1 xuống: …3 tầu hải giám Trung Quốc sáng hôm qua đã xâm nhập vào lãnh hải Việt
Nam, uy hiếp tầu thăm dò địa chấn Bình Minh 2 của Việt Nam đang hoạt động cách
bờ biển 84 hải lý, phá hủy các phương tiện thăm dò địa chấn của tầu này. Phó tổng
giám đốc Petrovietnam Đỗ Văn Hậu tuyên bố: “Đây là hành động hết sức ngang ngược của Trung Quốc, vi phạm trắng trợn
đối với quyền chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở
hoạt động của PetroVietnam…”
Phần tin trên còn đưa ra bản đồ cho thấy nơi hoạt động của
tầu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 nằm rất sâu trong lãnh hải Việt Nam; vị trí 3
tầu hải giám Trung Quốc chống phá tầu Bình Minh 02 cách bờ biển nước ta chưa đầy
60 hải lý, cách đảo Hải Nam ở điểm gần nhất là 340 hải lý…
Video clip tắt rồi, mà mọi người cứ đứng nhìn nhau, lắc đầu,
cố kìm nén những lời nói muốn nói ra lúc này. Ông Nghĩa ngửa cổ lên trời nói to
như muốn hỏi ai đó trên cao:
-
Ô hay, đã 48 tiếng đồng hồ rồi, thế Bộ
Ngoại giao đâu, Chính phủ đâu mà lại chỉ để cho mỗi cái ông Petrovietnam đứng
ra tuyên bố về vụ việc nghiêm trọng này?! Đến giờ này sao Báo Nhân Dân, báo
Quân Đội Nhân Dân vẫn còn im re?!..
Ông Nghĩa cứ đứng như thế hồi lâu. Ông nhớ lại những năm
tháng trên chiến trường đánh Mỹ ở miền Trung… Đau đáu với chiếc transitor trong
tay, hồi ấy ngày đêm ông theo dõi từng nhịp thở của miền Bắc. Hễ xảy ra một đợt
đánh phá mới của không quân Mỹ chống lại miền Bắc, chỉ vài giờ sau Bộ Ngoại
giao ta đã lên tiếng vạch trần tội ác kẻ xâm lược…
…Còn hôm nay!? Án binh bất động? Tê liệt? Đất
nước bây giờ làm sao thế này? Ta càng nhân nhượng, chúng càng lấn tới!..
Cái chân gỗ xỉa
xói ông Nghĩa gay gắt đến tận xương tủy:
-
Không
được phản bội một hy sinh nào! Không mất mát nào được phép bỏ qua!..
Ông
Chính bước lại vỗ vai em mình:
-
Nghĩa ơi, tôi thừa nhận, như thế là mặt
trận bảo vệ lãnh thổ lãnh hải quốc gia trên biển Đông bắt đầu từ Hà Nội!
[1] Humanitarian Operation – chương trình
định cư ở Mỹ cho các binh sỹ quân đội Sài Gòn sau 30-04-1975. Xem thêm Dòng đời, tập I, từ trang 362…
[4]
Từ cuối năm 2008 đến đầu năm 2011.
[5]
Tầu đánh cá Trung Quốc xâm nhập vùng biển của đảo Senkaku, đụng độ với tầu tuần
tiễu của Nhật 09-2010.
[7]
Khi mang bản copy “Tuyên gôn Độc lập”bị xé trao cho bí thư Thành ủy, Huỳnh Thái
Vũ nói rõ “Đảng trong tim tôi và đảng khai trừ tôi, sẽ là hai đảng khác nhau” –
xem Dòng đời, tập IV, tr. 680…
[8]
Hanuman - nhân vật trong thần thoại Hindu (được kể lại
trong sử thi Ramayana), người đã giúp đỡ Rama trong cuộc chiến chống lại vua quỷ
Ravana; Niccolò di Bernardo dei
Machiavelli (3 May 1469 – 21 June 1527), Ý.
[9]
Xem Dòng đời, tập I, tr. 254; xem thêm đối thoại Phạm Trung nghĩa
– Phạm Trung Lễ, sách đã dẫn, tập I, tr. 205 – 254.
[10]
Bức thư ngày 09-08-1995.
[11]
Đồng tiền của Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét