4
T
|
ừ
hôm ăn giỗ nhà họ Phạm, Thạch suy nghĩ trăm bề. Nói cho đúng hơn là Thạch lại
trầm mình vào trạng thái lao lung mà hàng chục năm nay anh tưởng rằng mình đã
thoát ra được.
Bão táp trong lòng cũng nguôi dần. Khoảng từ hai chục
năm nay, không gia đình, không vợ con, không chức phận nào, Thạch dành hết thời
giờ và tâm trí vào mọi công việc từ thiện. Anh làm bất kể là việc gì có thể với
tới được. Ngày đêm trong lòng tự nhủ: Ta
quyết lặn khỏi cuộc đời này, như thể ta chưa từng xuất hiện trên đời này!...Nghề
và nghiệp của ta là thế!.. Trận tuyến
thay đổi rồi…Ôi trận tuyến ngày nay thay đổi thật rồi…
Giá mà mình chọn được con đường vào chùa đi tu!..
Thạch đã định chọn cho mình con đường như thế từ lâu.
Nếu như thế thì một ông Nghĩa, chứ mười ông Nghĩa cũng chẳng biết đường nào mà
tìm, nhưng…
Làm như thể chỉ
đơn giản là để cho không ai tìm thấy mình?.. Cái nghiệp của nghề này đòi hỏi
như vậy, có phải không?..
…Song ta là
con người quá triệt để, quá quyết liệt, chẳng mảy may thích hợp với từ bi hỷ xả…
Mà chắc gì ta đã thoát khỏi tham sân si!.. Như thế làm sao chọn nổi đường tu
hành…
Kể từ khi dấn
thân cho lý tưởng mà ta thờ phụng, cả cuộc đời ta chỉ làm một nghề duy nhất là
phẫu thuật cuộc sống con người, nghề của ta nó như vậy, thành nghiệp mất rồi…
Phẫu thuật
tách biệt rạch ròi giữa đúng và sai, giữa chính nghĩa và phản động, giữa cái được
phép và cái không được phép, giữa chính và tà… Phẫu thuật như thế trong từng
con người phải mổ xẻ, trong từng sự việc phải xem xét. Chỉ có vậy thôi. …Cuộc sống tự nó sinh ra cái
nghề nó như thế, giống như một cơ thể sống luôn luôn phải có một hệ thống đề
kháng sinh học của nó, để tự bảo vệ chính nó…
Duyên phận cuộc đời ràng buộc ta vào cái nghề
nó như thế, và tất cả những điều này tạo nên con người ta như thế, tự ta ta
không thay đổi được nữa rồi… Tất cả chỉ có đúng hoặc sai, trắng hoặc đen, thiện
hoặc ác… Không thể có sự dung hòa, càng không thể có sự đánh đổi, nhập nhằng,
pha trộn, đánh tráo… Dù trong thiện có ác, trong ác có thiện, trong đúng có
sai, trong sai có đúng, không có gì là tuyệt đối, song dù thế nào đi nữa.., đã phẫu thuật thì phải rạch ròi, trái là
trái, phải là phải… Tất cả là để bảo vệ cho một sự nghiệp, một lý tưởng mà ta
đã lựa chọn cho mình, đã hiến dâng, đã theo đuổi… Biết bao nhiêu cám dỗ, biết
bao nhiêu thách thức quyết liệt ta đã vượt qua, để giữ chính mình là mình, với
mục đích trước hết là để bảo vệ sự nghiệp của dân tộc này, của đất nước này mà
ta đã cam kết sẵn sàng hy sinh cả tính mạng… Đảng đã rèn luyện ta nên một con
người như thế… Hơn nữa, khi nhận vào mình nghề và nghiệp này, ta đâu có có thói
quen trốn tránh mọi thử thách trên đời…
Bây giờ ta chỉ muốn đoạn tuyệt với những gì ta
đã làm.., muốn bắt tay vào một cuộc sống khác có ý nghĩa hơn đối với ta, thế
thôi…
Mọi chuyện
làm nên bước ngoặt trong đời ta hầu như bắt đầu tự vụ việc Phạm Trung Nghĩa...
Quả thực là thế!.. Chẳng lẽ cuộc sống lại
oái oăm như vậy sao?
Ta đã làm gì
với vụ việc này? Tại sao ta lại bắt đầu thay đổi chính ta từ vụ việc này?.. Trận
tuyến đã thay đổi thật rồi sao?.. Giữa lúc chiến tranh trên đất nước đã kết
thúc?!..
Chẳng có gì
khác cả ngoài cái công việc “phẫu thuật” tách bạch đúng và sai, chắt lọc, phân
ra chính và tà.., như ta vẫn thường làm năm này qua năm khác trong cái “nghề” của
mình, với tất cả trách nhiệm và kỹ thuật nghề nghiệp mà ta đã được rèn luyện và
tự trau giồi cho mình… Thế mà… Thế mà… Chính cái nghiệp vụ của ta đã mở mắt cho
ta!.. Sao lại oái oăm đến vậy hả trời!?..
Lúc đầu ta chỉ
nghĩ vụ việc Phạm Trung Nghĩa là một vụ việc hệ trọng, rất khó, rất phức tạp, sẽ
quyết định chuyện sinh tử không những chỉ một con người, mà còn liên quan đến
vận mệnh bao nhiêu con người khác và của cả đất nước, liên quan đến chiến
tranh và hòa bình…
Lúc đầu ta chỉ
nghĩ đây sẽ là sự đụng độ, là cuộc đọ sức quyết liệt chỉ riêng giữa ta và
Nghĩa: Để làm cho rõ.., và sau cùng là …để vạch trắng ra: Nghĩa là ai? Nghĩa đã
làm gì, đang làm gì, …rồi sẽ làm gì?..
Phải, đấy thực
sự là một cuộc đọ sức quyết liệt nhất mà ta gặp trong suốt cuộc đời nghề nghiệp
của mình… Song chỉ mất năm ngày, sang đến ngày thứ sáu sự việc đã ngoặt sang một
hướng khác không ngờ. Trong thâm tâm ta thừa nhận: Vụ việc này không còn là cuộc
đọ sức giữa ta và Nghĩa nữa, mà là một cuộc đọ sức giữa chính ta và cái kết luận
mà ta được giao nhiệm vụ phải chứng minh, có nghĩa vụ phải bảo vệ!
Trời đất, sao
lại có sự thay đổi trận tuyến nhanh đến
thế, quyết liệt đến thế được nhỉ? – một câu hỏi đến nay ta vẫn chưa làm sao tìm
được câu trả lời cuối cùng! …Hay là tại vì ta quyết liệt quá, chuẩn xác quá..,
đến mức ta không thể nào thoả hiệp với chính ta được nữa!? Tại vì ta không biết
thoả hiệp? Tai ương là chỗ này?!..
Chỉ sau có 5
ngày làm việc thôi…[1] Tất cả không còn là cuộc đọ sức giữa ta và
Nghĩa nữa, không còn là chuyện đương đầu với Phạm Trung Nghĩa cứng đầu cứng cổ
nữa!.. Ta phải thách thức và đang bị thách thức! Phải chống lại hay chịu quy hàng một kết luận đã hoàn tất?
Thách thức giữa cái kết luận bầy ra ta phải bảo vệ và lẽ sống ta đã lựa chọn!
Thách thức đến mức hoặc đầu hàng thừa nhận cái kết luận này là chân lý, hoặc là
ta phải ra đi!.. Không đầu hàng thì sống hay là chết cũng phải ra đi... Không
có con đường thứ ba…
Ôi không ngờ,
vụ nghi án Phạm Trung Nghĩa lại trở thành sự việc đẩy ta ngồi vào cái ghế để
phán xét chính ta! Còn trêu ngươi hơn thế
được nữa không hở trời!..
Linh cảm của
nghề nghiệp ngay từ đầu đã mách bảo: Cái kết luận ta có nghĩa vụ xác nhận ấy là
không thể thay đổi, là vô cùng hệ trọng, là bất di bất dịch, cứ liệu hồn đấy...
Ta đã bắt tay vào việc với sự nhắc nhở của linh cảm này…
…Đúng. Danh dự,
bản lĩnh, kinh nghiệm nghề nghiệp, sự tín nhiệm, và trên hết cả là lẽ sống… Tất cả những gì ta có được là lý do để lựa chọn
và giao cho ta vụ việc nghiêm trọng này! Tất cả những gì ta có được hình như chỉ
có nhiệm vụ tăng thêm sức nặng của cái kết luận không thể thay đổi được này… Trời
đất đùn đẩy vào tay ta cái cung đoạn chót của công việc… Ta phải hoàn tất nó,
chứ không phải xét lại nó, có phải thế không?..
Nhưng chỉ sau năm ngày…
Thật là không
thể ngờ được cơ sự này: Hoặc là phải chọn
Nghĩa và ra đi! Mà không phải sẽ chỉ có ra đi… Vì nghề và nghiệp này nó như vậy…
Hoặc ta phải lựa chọn cái kết luận đã tất định với tất cả hệ lụy của kết luận
này… - Thạch rùng mình sởn da gà khi
đụng đến suy nghĩ này… Một cảm giác ớn lạnh không sao xua đuổi được…
Trước sau vẫn
là câu hỏi: Tại sao trận tuyến lại thay đổi nhanh đến thế? Hay là ta bị Nghĩa
lung lạc? bị cuộc sống khuất phục?..
Trước sau đến
nay ta vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng. …Hay là người chiến thắng bao giờ
cũng được giành lấy quyền thắng về mình? Cái tất định nó là như vậy hả?..
Phải ngoan cố sống, anh Nghĩa ạ. Phải ngoan cố
sống! Anh đã dạy tôi như vậy trong những ngày anh ở trại này. Và đấy cũng là
câu tôi trả bài cho anh…
-
???... ???[2]
Đến hôm nay Thạch vẫn không sao quên được cái nhìn của
ông Nghĩa hôm Thạch nói với ông Nghĩa câu ấy. …Phải, ta đã nói như vậy khi
chia tay… Nhưng lúc bấy giờ anh Nghĩa hình như không hiểu câu dặn dò hay lời
van xin này của ta. Rõ ràng lúc ấy anh Nghĩa vẫn chưa hiểu. Chắc chắn là như vậy.
Hôm nay thì có thể… Hôm nay chắc anh hiểu chứ anh Nghĩa?..
Nếu hôm nay
được nhắc lại câu này anh Nghĩa ạ, tôi sẽ nói rõ với anh: “Trận tuyến đã thay đổi! Không phải chỉ có
anh.., mà tất cả chúng ta đều phải ngoan cố sống!..”
-
Trận tuyến đã thay đổi! Tất cả chúng ta phải ngoan cố
sống, anh ạ!.. Tất cả những gì Yến và các anh đã nói, trước sau đều chứng minh
một điều: Trận tuyến đã thay đổi…Tất cả chúng ta ngồi đây đều mắc nợ… như chị
Nguyệt đã thay mặt tất cả chúng ta thú nhận: Đã gắn bó với sự nghiệp này thì phải
mang thân nhận lấy nghiệp này!..
…Trận tuyến
thay đổi, có nghĩa là các giá trị đã thay đổi!!!... ??? Ta ngu và chậm hiểu đến
vậy sao??? !!! … Một trong những triệu chứng đầu tiên của cái quán tính của kẻ
chiến thắng… đất nước ta đang ở đỉnh cao gia tốc của cái vòng xoáy quán tính
này… Ôi chẳng lẽ đây mới là cái cốt lõi của cuộc sống chúng ta đang sống?.. Còn
mất mát mào to lớn hơn? Còn sự phản bội
nào chua chát hơn?...
Cái tính quyết liệt vốn có trong con người |Thạch, cái
kết luận quyết liệt trận tuyến đã thay đổi, nỗi niềm chua xót về sự hoành hành
của cái quán tính đang ở đỉnh cao gia tốc của nó tác động lên đất nước.., tất cả
dẫn dắt Thạch đi tới quyết định: Phải
tìm đường gặp lại tướng Lê Hải, ông Chính và ông Nghĩa… Từ hôm ăn giỗ nhà họ Phạm,
sau hơn chục ngày lúc ngồi như thiền, lúc lững thững một mình trong các triền rừng
Lũng Cú, cái quyết định trở về với gia đình họ Phạm lớn dần lên trong tâm trí
Thạch…
Nhưng trước đó Thạch còn phải dằn vặt nhiều phen nữa để
tự vượt qua chính mình. Vì đã “lặn” được mấy chục năm khỏi cuộc sống này, nay lại
ngoi vào sống trong nó thật không đơn giản… Cái nhìn lạnh buốt của người thủ
trưởng hôm nào khi trao vào tay Thạch cái quyết định ghi rành rành hàng chữ cho
phép Thạch “nghỉ hưu vì lý do mất sức…” …Cái nhìn như các tia
lửa ấy giờ đây bỗng dưng trừng trừng rọi sâu vào tâm khảm Thạch… Còn hơn cả một
phát súng ân huệ!.. Cái nhìn không lời, không âm thanh, nhưng xuyên thủng tất cả…
Do bác bỏ cái kết
luận tất định lẽ ra phải hoàn chỉnh trong nghi án Thạch Thất, ông Thạch được
trên lặng lẽ ban cho cái quyết định giải ngũ, nội dung ghi rõ: Nghỉ hưu theo chế
độ mất sức, giữa lúc Thạch bước vào giữa quãng tuổi ba mươi – quãng tuổi chín và năng động nhất của một đời người...
Cái lặng lẽ nói lên tất cả, giống như người đao phủ lặng lẽ quẳng cái thây ma
xuống huyệt. Cái thây ma được quăng xuống huyệt ấy là sự tín nhiệm gần như tuyệt
đối mà cấp trên dành cho sỹ quan cao cấp binh chủng phản gián Nguyễn Thạch. Được
chôn cùng với cái thây ma ấy trong huyệt là bản án Thạch Thất bất thành.
Trong tâm trí Thạch phảng phất đâu đó một làn khói…
Như thể là của những nén nhang nghi ngút trên nấm mồ của thây ma Nguyễn Thạch
và cái bản án bất thành đó… Một lời nhắc nhở xa xa đâu đó trong vang vọng lại…
…Quy luật
muôn đời đừng bao giờ quên: Thây ma
không bao giờ biết nói!..
Mọi chuyện rất chóng vánh, chỉ chừng vài tháng, sau
khi ông |Nghĩa được ra khỏi trại biệt giam Thạch Thất.
Cái nghề nghiệp này nó khắc nghiệt như thế, hay là tự
nó phải như thế!
Mới chỉ có dăm tháng kể từ khi cầm cái quyết định nghỉ
hưu vì mất sức, chưa kịp hoàn hồn để
bắt đầu cuộc đời dân sự, vợ Thạch qua đời, cùng một căn bệnh như con gái ông đã
qua đời trước đó hai năm: bệnh máu trắng (leuchemie – leukaemie). Cùng năm âm lịch
ấy, mẹ vợ ông, người thân thiết cuối cùng của ông, vĩnh viễn đi xa.
Người đời nói:
Đấy là trùng tang.
Thạch nghĩ: Cụ không chịu đựng nổi những mất mát quá lớn
trên đời này.
Thạch ý thức sâu sắc về nghề và nghiệp của mình, ông
quyết định trở thành người câm để gánh vác số phận của mình: Thây ma không bao giờ biết nói…
Hết tang vợ và tang mẹ vợ, Thạch trốn về nằm bẹp ở quê
một thời gian, sau đó lầm lũi đi gặp Hội chữ Thập đỏ Hà Nội. Trong tay quyển
lương hưu, ông xin làm từ thiện không công, bất cứ việc gì.
-
Tôi thông cảm và
xin chia sẻ mọi gánh nặng tinh thần của đồng chí. Sau chiến tranh, vết thương
tinh thần sẽ còn làm tan nát nhiều người… - bà chủ tịch hội Chữ Thập Đỏ thành
phố Hà Nội an ủi Thạch.
-
Xin cảm ơn chị.
-
Hòa bình mấy năm
rồi mà số bệnh nhân tâm thần trong cả nước vẫn tăng đột biến, đồng chí ạ.
-
Thưa chị, tôi vẫn
là người khỏe mạnh ạ.
Bà chủ tịch Hội lúng túng:
-
Chết. Chết… Xin lỗi
đồng chí… Thành thực xin lỗi đồng chí, tôi không nói về đồng chí, mà chỉ xin
chia sẻ thông tin như thế, để đồng chí thấy Hội cần rất nhiều tình nguyện viên…
-
…
-
…
Sau câu chuyện ngắn ngủi với bà chủ tịch Hội, Thạch được
chấp nhận dễ dàng, được giao khối việc, lúc đầu là làm tạp vụ. Chẳng bao lâu Hội
chuyển ông lên Cao Bằng, vì dần dà Hội thấy Thạch là người từng trải, tin cậy
được, lại rất có trình độ... Hội đang cần người có năng lực đi theo các dự án cứu
trợ… Rồi sang Lào Cai, rồi ngoặt lên Hà Giang…
-
Trận tuyến đã thay đổi rồi, ta đi giúp những người
không tự gúp được mình vậy… - Thạch
thường tự nhủ với mình như vậy để lấy sức cho chính mình.
Trớ trêu là càng đi, càng đến, Thạch càng gặp nhiều điều
thật ra không muốn nghe, không muốn nhìn, không muốn biết… Thạch hiểu, không phải
đoạn đường xa gần mình đang đi, mà là thời gian đang làm đổi thay tất cả… Hào
quang kháng chiến qua đi, càng sống, Thạch càng đến với nhiều điều không muốn
nghe, không muốn biết…
Cho đến khi ông Nghĩa lên tóm được Thạch ở Lũng Cú hôm nào…
Từ hôm ăn giỗ ở nhà ông Chính về, Thạch nhiều phen đã
thắng được mình trong việc nhận lời với nhóm PH. Nhưng khi nghĩ đến công việc cụ
thể phải làm, Thạch lại trần trừ, vì cả đời cho đến nay, ngoài việc lĩnh lương
hàng tháng để sống, ông chưa bao giờ đụng chạm vào bất kỳ việc gì gọi là làm
kinh tế, mặc dù nghề nghiệp cũ của mình nhiều phen đụng chạm vào những câu chuyện
hay vụ việc kinh tế đụng trời, từ vụ tìm nguồn nhập thép làm máy cầy và thiết
giáp, đến việc lo nhập nhà máy dệt cho quân nhu, những đường dây và các vụ án
kinh tế liên quốc gia... Song tất cả chung quy vẫn là thừa hành các lệnh, khác
hẳn với làm kinh tế. Mà về với nhóm
PH không làm kinh tế thì làm gì?..
…Nhưng phụ lòng
của hai họ Phạm, Huỳnh thì ta không thể, nhất là anh Nghĩa đã thức tỉnh ta,
thay đổi cuộc đời ta!..
…Giúp được việc
gì ta sẵn sàng! Nhưng khổ nỗi ta đâu có biết gì trong môi trường mới này! Kinh
nghiệm cũ vận dụng được gì?..
Cả quyết như thế, lưỡng lự như thế, Thạch trở về Hà Nội
để cân nhắc tiếp, không hẹn trước. Tính đến hôm nay là đúng bốn tuần từ cái hôm
ăn giỗ… Thu xếp các việc, đánh vật mệt nhoài với mọi điều giữa ở và đi, giữa
nên và không nên, giữa lặn tiếp hay
quay về cuộc sống đời thường…
-
Đúng, còn tham
sân si lắm, tâm ta chưa đủ tĩnh để vào chùa đi tu được!.. Thạch tự chế diễu mình.
C
|
huyến
xe đường dài từ Hà Giang về cập bến đúng giờ tại chân Cầu Long Biên. Khách vừa
mới bước xuống đường, nào là người lái xe ôm, người lái xe tắc-xi nhao nhao đến
bu quanh. Tất cả tranh nhau ầm ỹ chào mời khách sử dụng dịch vụ của mình. Có
người thô bạo đến mức cứ nắm lấy tay khách lôi đi xềnh xệch, vừa đi vừa chào mời,
chỉ sợ các đối thủ khác giành mất mồi. Cái bến xe trở nên nhốn nháo rất nhanh,
tiếng cãi nhau ngày càng ồn.
Tuy phải đề phòng kẻ cắp, Thạch vẫn bị lôi cuốn vào những
cảnh tượng như vậy, dù rằng năm này qua năm khác ông đã quá quen với việc đi xe
đò. Ngó mắt nhìn ra xa chung quanh Thạch cũng thấy quang cảnh như vậy khi những
xe khách khác mới vào bến.
…Mật ít ruồi
nhiều khổ thật!.. Đâu đâu cũng thiếu việc
làm!
Ở Hà Giang, ở
Hà Nội, ở bất kỳ bến xe khách nào ông tới, chỗ nào ông cũng thấy hiện tượng này, mà vẫn không sao
quen được.
Lúc này mới xế chiều, ông chọn một cái xe ôm, vì còn
thời gian, và cũng vì muốn ngó nghiêng nhìn Hà Nội để tập cho mình quen dần việc
quay trở lại sống nơi đô thị. Hơn nữa
kinh nghiệm dạy ông xe ôm dễ thoát nạn tắc đường. Lúc này ông mới để ý, so với
khi ông dời nơi đây để lang thang hết các tỉnh dưới đồng bằng rồi lên miền núi, Hà Nội nay đã khác mấy chục
năm xưa rất nhiều.
Hà nội ngày nay chật cứng, ồn ào, lộn xộn trong khói
săng nhức đầu. Người và xe cộ các loại không biết ở đâu ra mà lắm thế. Càng đi
ông càng thấy nhiều nhà mới, cao thấp lố nhố, hiện đại và không hiện đại, cái mỏng dính, cái có mặt tiền
chưa đầy hai mét, hàng và quán đổ ra đến quá nửa hè, có nơi chiếm gọn cả vỉa
hè. Xe ôm của ông còn đi qua những phố mới ông chưa hề nghe tên…
Có đoạn đường Thạch thấy bỗng dưng náo nhiệt như chạy
loạn. Người lái xe ôm giải thích:
-
Đang ráo riết thực
hiện lệnh cấm hàng rong đấy.
-
… - Thạch cố tình im lặng. Song nhìn cảnh những
người tay bê, tay xách hoảng hốt xô nhau như chạy loạn, những xe đạp thồ hàng
hoa quả giẫm đạp lên nhau, giạt vào các ngõ… Thạch cũng hiểu chuyện gì đang xảy
ra, răng nghiến lại, cố ghim trong ngực mình cái thở dài.
Vào tới đường Thụy Khuê xe ôm của Thạch bị kẹt cứng.
-
Giờ tan tầm chú ạ.
Chạy đường nào cũng không thoát. – người thanh niên lái xe ôm nói với Thạch.
-
Liệu phải đứng
đây ăn khói bao lâu?
-
Trời biết! Chú có
thấy cuộc sống ngày càng khó khăn không? …Con thấy chú chỉ có mỗi cái balô và
cái túi sách?
-
Tôi chắc không thể
giàu hơn anh. Ít nhất anh hơn tôi cái xe máy đang chở chúng ta.
-
Phương tiện kiếm
sống cả nhà con đấy chú ạ.
-
Anh quê ở đâu?
-
Dạ, Quỳnh Phụ,
Thái Bình ạ. Nhà con năm miệng ăn trông vào cái xe này đấy.
-
Sống được không?
-
Qua ngày ạ, với
điều kiện con không được ốm.
-
Gia đình anh thế
nào?
-
Bọn con có một thằng
cu và một cái hĩm đang học cấp hai, tốn lắm. Ruộng còn đúng 2 sào. Dù sao còn
hơn chán vạn kẻ ở làng đi làm nề, quanh năm tay chỉ vừa đủ đút lỗ mồm thôi chú ạ.
-
Chuyện này tôi
hình dung được.
-
Đi nghề kiếm sống
như thế này chui rúc khổ lắm chú ạ. Chung chạ lung tung. Nếu dính nọ dính kia
thì đi đứt cuộc đời là cái chắc. Bò được về nhà còn đầy đọa làm khổ người thân
nữa chứ... – vừa nói anh ta vừa tắt
công-tắc xe máy.
-
Làng anh có nhiều
cuộc đời đi đứt như thế không? – Thạch vừa hỏi, vừa liên hệ đến Lũng Cú, đến những
nơi ông đi làm công việc cứu trợ.
-
Đếm gần đủ hai
bàn tay rồi đấy chú ạ, trong cái làng con con, có chưa đầy một trăm hộ.
-
Nuôi con đi học tốn
thế nào?
-
Mất khoảng một nửa
thu nhập hàng tháng ạ, vì phải đóng nhiều loại tiền quá. Sang năm cả hai đứa
lên cấp ba sẽ chưa biết thế nào. Cũng may là hai đứa sáng dạ.
-
Xã anh hiện nay
có gì đặc biệt không?
-
Nhiều cái đặc biệt
chứ chú. Nhưng cái đặc biệt nhất là lâu lâu lại mất tích vài cô gái. Toàn những
đứa đến tuổi lấy chồng.
Ông Thạch hiểu ngay chuyện gì, nhưng cứ đóng bộ là người
trên cung trăng rơi xuống:
-
Chính quyền có
cho người đi tìm không?
-
Chú đùa cháu rồi,
cháu nghĩ trong cả nước quê nào mà không có con gái mất tích như thế! Hơi đâu
mà cho người đi tìm.
-
Sao? Mất tích
nghĩa là có thể bị bắt cóc, bị giết.., thế mà không đi tìm?
-
Không giết, không
bắt cóc, nhưng quả thật là mất tích – biến vào các chợ vợ, vào tay các má mì, bị
lừa bán đi Trung Quốc...
-
À… à… Nói thế thì
hiểu.
-
Chú vẫn chưa hiểu
đâu. Mất tích với nghĩa nếu còn sống, dù thân tàn ma dại cũng không dám vác mặt
về làng… Loại đi làm ô-sin không tính. Nhà nào khá giả hơn chạy được tiền cho
con đi lao động Hàn Quốc hay Malaysia thì không gọi là mất tích, nhưng cũng bị
lừa vô khối chú ạ.
-
Chính quyền hay
luật pháp không bảo vệ họ à?
-
Chú nói toàn chuyện
vui. Chẳng có ai bảo vệ chúng cháu, ngoài tiền. Đúng mười mươi về mình cũng phải
tiền.
-
Cậu có quá lời
hay có gì ác cảm với chính quyền không?
-
Tuyệt nhiên không
ạ. Họ là như thế mà, ăn được của dân là ăn, chẳng chê cái gì cả. Kinh nghiệm đã
dạy người dân chúng cháu, khi có công có việc đồng tiền đi trước là đồng tiền
khôn.
-
Thanh niên có được
quan tâm chăm lo không?
-
Đâu cháu không biết,
thanh niên nông dân quê cháu chỉ được dành cho mỗi hai ưu tiên thôi, một dành
cho con trai là tự do đi làm nề làm mộc khắp nơi, một dành cho con gái là được
chịu cảnh bị mất tích như cháu nói lúc nãy. Phải là con nhà khá giả, chạy nổi
tiền từ chục triệu đến vài chục triệu trở lên thì mới hy vọng đi học nghề, đi
xuất khẩu lao động. Cái đoạn cấm xe ba gác và cấm hàng rong sẽ còn làm cho nông
dân chúng cháu tha hồ điêu đứng nữa…
-
… - Thạch không
nói gì, thậm chí ông quên mất mình đang nói chuyện với người lái xe ôm, trong đầu
niềm ray rứt lâu nay lại nổi dậy: …Chung
quy là chuyện phát triển con người! Có cách gì giải quyết được tận gốc chuyện
này?.. Những người nông dân của chúng ta, ôi quân chủ lực của cách mạng một thời…
Họ còn phải khổ đến bao giờ!..
-
Chú ơi, chỉ cần
chú về quê cháu sống một ngày thôi, chú sẽ thấy tình cảnh thực của nông dân bây
giờ như thế nào.
-
… - Thạch vẫn
đóng vai người điếc, trong lòng nghĩ: …Anh
bạn ơi, hai mươi năm nay tôi chung sống với bà con, họ hàng của anh bạn rồi,
tôi muốn nghe tự tai mình những nhận xét của chính anh cơ…
-
Chú có dám về sống
thử ở nông thôn trọn vẹn lấy một ngày không chú? – người lái xe ôm nhích nhích
bên vai có tay của ông Thạch đang vịn vào.
-
…Ờ ờ.., dám chứ.
– Thạch gần như giật mình. – …Nhưng có gì đáng xem không?
-
Thôi, cháu không
kể khổ với chú làm gì. Có lẽ chú đã quen đọc báo về những trang trại tiền triệu
tiền tỷ rồi. Nhưng chú phải biết khối ông chủ mới này cũng chết đứng đấy chú ạ.
-
Cậu có phịa ra
không đấy?
-
Ngày xưa ông Từ Hải
chết đứng thế nào cháu không biết, chắc cũng chết đứng na ná như mấy ông chủ
trang trại này thôi.
-
Cậu đang chuyện nọ
rọ chuyện kia, tôi không hiểu. Nói rõ xem nào. – Thạch lúc này cố tình khơi chuyện.
-
Thế này chú ạ,
chuyện H5N1, tai xanh tai đỏ, lở mồm long móng… cháu không nói làm gì, rơi vào
đâu thì cả làng chết tuốt, không phân biệt giầu nghèo. Còn bình thường khối ông
chủ trang trại ở vùng cháu cũng tự dưng lăn đùng ra chết. Ý cháu muốn nói cái
trang trại đổ lên đổ xuống mà chết…
-
Kinh tế trang trại
không được khuyến khích à?
-
Chú hỏi chuyện to
tát quá, cháu không biết. Vợ cháu đang làm cho một trang trại nuôi lợn ở xã
bên, đi làm tiện lắm, đạp xe mất khoảng nửa giờ thôi. Bỗng dưng từ hơn năm nay
vợ cháu mất việc! Cái số ông chủ nơi vợ cháu làm nó lận đận lắm, lúc thì đầu ra
nếu không bị tư thương thì cũng bị công ty thu mua bắt chẹt, lúc thì thiếu con
giống, lúc chết dở vì hạn điền. Ông chủ mấy năm nay xin mua thêm có 3 sào ruộng
để có đất mở rộng trại nhưng không được. Quy mô trang trại ông ta hiện quá nhỏ
nên thua lỗ so với công suất thiết bị ông ta đã đầu tư.
-
Rồi sao nữa?
-
Cháu nghĩ giờ này
chắc ông ta chết đứng thật rồi, vì không chịu xuể ngân hàng xiết nợ. Đấy là lý do vợ cháu bị xa
thải… Thế mà chúng cháu đã nuôi mộng vợ cháu sẽ làm ở đấy cho đến khi hai con
cháu học xong cấp ba.
-
Chỉ tính lo cho
con học xong cấp ba thôi à?
-
Cấp ba lo còn
không xong, làm sao tính chuyện dài hơn nữa chú? Cháu nghĩ thời buổi này chẳng
có gì lâu dài được.
-
??? – Thạch chợt
nhớ lại chuyện cũ: - Nghe nói Quỳnh Phụ trước đây có chuyện nông dân nổi lên
đánh cán bộ, có phải không?
-
Ôi, đấy là chuyện
làng cháu. Mấy ông bị đánh đòn bây giờ lang bạt đi đâu mất rồi, không ở làng nữa.
Vẫn chuyện tham nhũng ấy mà.
-
Bây giờ có khá
hơn không.
-
Khá hơn nhiều chứ
ạ.
-
Khá như thế nào?
-
Lớp cán bộ mới
bây giờ khôn hơn, dân cũng khôn hơn, nhưng cán bộ khôn nhanh hơn dân chú ạ. Dân
vẫn thiệt.
-
Lại có kiểu thi
đua thế này à?
-
Bây giờ không có
cái kiểu ăn bớt một ít xi-măng hay một ít gạch làm đường làng hay mương máng thủy
lợi như trước nữa đâu. Kiểu nhậu này tép diu và lạc hậu rồi.
-
Lại còn thế nữa!
-
Chú biết không,
bây giờ là ăn quy hoạch, ăn đất đai, liên kết với trên huyện, trên tỉnh, dân
không biết đường nào mà lần… Dân chúng cháu bảo nhau: Bây giờ tài thật, ruộng đất
cũng mọc chân chạy đi khỏi làng!
Thạch khựng người về câu nói này, mất một lúc mới nói
được:
-
Cậu có đoán mò
không?
-
Cháu thề với chú,
làm xe ôm, cháu biết khối quan các tỉnh mua nhà ở Hà Nội cho con cháu ăn học,
Thái Bình chúng cháu cũng góp mặt vài vị.
Thạch đập vào vai người lái xe ôm:
-
Này, sao cậu kể
cho tôi nghe chuyện nào cũng buồn?
-
Chú làm nghề gì
mà thông cảm được với nông dân như vậy?
-
Cậu coi tôi là loại
người nào mà hỏi thế?
-
Chú dứt khoát
không phải nông dân rồi, cháu dám đánh cuộc.
-
Vậy tôi là ai?
-
Cách hỏi han của
chú thì sệt là cán bộ. Làm nghề xe ôm chúng cháu nhìn người tinh lắm. Nhưng
trông cách chú đeo ba-lô và xách túi thạo như thế này, chắc chú thuộc loại tèng
tèng thôi. Có đúng không chú? Lúc nãy chú còn nói chú nghèo hơn cháu mà.
-
Có lẽ đúng.
-
Cán bộ tèng tèng
thì nghèo rớt là cái chắc, nếu không thì phải sống bằng đút lót.
-
… - ông Thạch bật
cười, không trả lời ngay được. – Anh coi bộ mặt tôi có ai cần đút lót không.
-
Cháu cứ suy mọi
chuyện ở làng cháu ra thì nói lý thế thôi, chú đừng giận. Chuyện ông chủ trang
trại chưa hết đâu. – người lái xe ôm cứ ngồi yên không quay mặt lại, anh ta nói
tiếp: - …Vợ cháu nói phần đất trang trại của ông ta là đi thuê lại của người
khác, cũng sắp hết hạn sử dụng đất đến nơi rồi.
-
Nghĩa là…
-
Nghĩa là chết đứng
là cái chắc!
-
Ông ta làm kinh tế
mà sao không tính trước tính sau?
-
Cháu đố chú tính
được đấy.
-
Ôi… Nhà nước của
dân do dân vì dân!.. - Thạch bất giác kêu lên, trong bụng nghĩ thầm: Mỗi vùng nông thôn là một loại vấn đề khác
nhau, làm thế nào bây giờ? Càng ngày càng tích tụ nhiều vấn đề mới… Trong khi
đó có những kẻ cướp hàng trăm mẫu đất đai của nhà nước cứ như thò tay vào túi
áo!..
Mùi săng ngày càng nồng nặc. Tiếng còi của những xe
máy tìm đường lộn lại inh tai nhức óc. Thạch đờ đẫn, hơi buồn nôn, không rõ vì
khói săng, hay vì những điều ông mắt thấy tai nghe suốt hai chục năm lang thang
ngoài đời đang được anh xe ôm vô tư nện chan chát vào đầu mình. …Ôi bài học tổng kết của dân!?..
Thấy khách không nói gì, người lái xe ôm cũng lặng
yên, thật ra anh ta còn muốn nói chuyện nữa để quên cái cảnh đứng chết dí một
chỗ trên đường như thế này. Hơn nữa anh ta cũng cảm thấy khách là người dễ bắt
chuyện. Sự kiên nhẫn của anh ta có hạn. Một lúc sau anh ta lại nhích nhích cái
vai:
-
Chú ơi, có lẽ phải
chờ ở đây đến tối mất. Chắc đầu đường Ngô Văn Thưởng có chuyện gì rồi?
-
Chuyện gì? – Thạch
như bừng tỉnh.
-
Đấy là địa điểm
thường có nhiều cuộc biểu tình ngồi của bà con nông dân lên khiếu kiện chuyện đất
đai.
-
Thường kéo dài
bao lâu?
-
Có đợt bà con nằm
qua đêm la liệt hết vườn hoa trước trụ sở tiếp dân, đun nấu ngay trên vườn hoa.
-
Thường thường là
người ở đâu?
-
Khó nói lắm chú ạ.
Cứ nhìn vào khẩu hiệu trương lên, cháu thấy có lần là đoàn từ Sóc Trăng ra. Lần
thì Vĩnh Yên. Lần thì là Thái Bình chính hiệu của chúng cháu…
-
…
-
Chú ơi, cháu quay
ngược xe lên đường Lạc Long Quân rồi đi vòng lên đường Âu Cơ vậy. Hơn một giờ đồng
hồ rồi mà không nhúc nhích được. Chú trả thêm tiền cho cháu nhé.
-
Đồng ý. Tôi cũng
sắp chết ngạt rồi. – Thạch tụt xuống đất…
Người lái xe ôm lết lết tìm đường quay xe rồi nổ máy.
Khi Thạch thò tay bấm chuông nhà ông
Nghĩa, thành phố đã lên đèn. Lúc này mới thấm cái mệt cả một ngày đường ngồi
cho xe lắc, rồi lại hàng giờ hít khói trên xe ôm… Hai vai Thạch chĩu xuống. Ông
cố thở hít thật sâu trong khi đứng chờ…
|
Ngay
sáng hôm sau ông Chính và ông Lê Hải đến ăn sáng ở nhà ông Nghĩa, để cùng nhau
tiếp đón Thạch.
Bà Nguyệt đi tham quan động Phong Nha – Kẻ Bàng với
gia đình Mai, người giúp việc cũng đi theo, nên ở nhà chỉ có bốn đàn ông tự
loay hoay vào bếp với nhau. Thoạt đầu họ định kéo nhau đi ăn phở, vì đầu phố
nhà ông Nghĩa có quán Phở 24 mới khai
trương. Song ông Nghĩa muốn khoe tài pha cà-phê của mình, mọi người chấp nhận
ông Nghĩa chiêu đãi mỳ ăn liền. Trong
bếp có đủ giò lụa, hành tỏi và các gia vị khác, ngoài ra có bưởi, nho, cam…
Bốn người tự khen nhau: Bữa ăn sáng
không tồi. Riêng Thạch khen thêm là quá
sang!
Mọi người đều chờ đợi với niềm tin chắc
chắn sự gia nhập của Thạch vào ngôi nhà chung này. Nhóm PH đã chuẩn bị rất chu
đáo, mặc dù lúc này Yến vắng mặt. Sau chuyến đi Thụy Điển và Phần Lan, Yến đến
thẳng Giơ-ne-vơ, làm việc với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nhóm PH đang
triển khai đầu mối liên hệ với những cơ quan của tổ chức này. Ngoài ra Yến muốn
tranh thủ sự giúp đỡ của họ cho việc hình thành bộ môn Luật Thương mại quốc tế
cho trường đại học tương lai của mình.
Về thể thức, Thạch được mời ký một hợp
đồng với chức danh làm cố vấn chính sách cho
Ngân hàng thương mại cổ phần PH. Ông chính nói vui:
- Cái chức danh
cố vấn rất tiện, hợp thức cho ai cũng
được!
- Nếu vậy xin
các anh ghi rõ trong hợp đồng là cố vấn
giấy. – Thạch nhận lời.
Ngân hàng PH thuê một căn hộ riêng trong khu Ciputra
cho Thạch và dành cho ông một xe riêng. Ông chính giải thích:
-
Cố vấn cho một
ngân hàng có thương hiệu như PH nên mọi việc cũng phải rất PH, mong anh Thạch
thông cảm.
-
Nhưng thưa các
anh, tôi có biết gì đâu mà cố vấn cố veo ạ?
-
Thế thì chỉ còn một
đường là phải tìm cách nhập vai thôi. Cố
vấn giấy cũng phải nhập vai. – ông Nghĩa chẹn mọi khả năng thoái lui của Thạch.
-
Anh Thạch đừng
lo, cháu Yến đã tính toán hết mọi việc rồi. Cái tay thương binh Nghĩa nói đúng
đấy: Anh phải tìm cách nhập vai thật.
-
Thưa anh Chính, bằng
cách nào ạ?
-
Anh có vốn mười mấy
năm công tác ở nước ngoài trong vai tình báo chiến lược, sau lại đứng trên mặt
trận phản gián ở trong nước, chắc chắn nhập vai nhanh thôi. – ông Chính không
trả lời thẳng vào câu hỏi.
-
Anh vẫn chưa nói
cho biết bằng cách nào ạ! – Thạch lo nhiều hơn là sốt ruột.
Ông Chính đứng dậy đưa cho Thạch một chiếc cặp
Samsonite đen:
-
Tất cả nằm trong
cặp này anh Thạch ạ. Bộ đồ nghề của doanh nhân giữ chức cố vấn đấy!
-
… - Thạch giơ hai
tay đỡ lấy, ngắm nghía, chưa nói được gì.
-
Cháu Yến đề nghị
anh dành thời giờ tìm hiểu quá trình hoạt động của ngân hàng PH, xem hồ sơ một
số vụ án tranh chấp thương mại, một số vụ án tham nhũng có liên quan, một số
báo cáo và tài liệu tham khảo khác… Tất cả do công ty Luật của nhóm PH chuẩn bị
riêng cho anh để nghiên cứu. Ngoài ra ngân hàng PH đã bố trí một nhóm chuyên
gia sẵn sàng giúp anh tìm hiểu bất kể vấn đề chuyên môn hay nghiệp vụ tiền tệ,
ngân hàng, hay tài chính nào. Họ cũng sẵn sàng bình luận các chính sách kinh tế
hiện tại của Nhà nước mà anh quan tâm. Cần đi tham quan thực tế bất cứ vấn đề
gì, anh cứ nêu lên. Nhóm PH đề nghị anh dành hẳn ba tháng chỉ riêng cho việc
tìm hiểu này, nếu thấy chưa đủ thì kéo dài thêm. Thiếu vấn đề gì cần tìm hiểu nữa,
anh cứ nêu thêm. – ông Chính ngồi xuống.
Thạch vấn đứng yên như trời trồng giữa nhà. Chờ một
lúc, ông chính lại đứng dậy, tay trao cho Thạch một cái túi khác:
-
Bây giờ đến tiết
mục thứ hai: Đây là cái laptop. Yến dặn anh nên tìm cách sử dụng thành thạo cái
này để đọc các thứ đựng trong cặp. Một nhân viên PH sẽ giúp anh việc này ngay
ngày mai. Học những thứ này nhanh thôi.
-
Xin hỏi thật
lòng. Các anh mướn một người không biết việc như tôi thế này để làm gì ạ? – Thạch
vẫn đứng giữa nhà mà nói.
-
Không có chuyện
mướn. – tướng Lê Hải dứt khoát như là ra lệnh: - …Từ giờ anh là thành viên
trong đại gia đình PH chúng tôi! Nói đến mức ấy anh đã hiểu chưa?
-
Nói thế thì tôi hết
đường chạy các anh ạ.
-
Có thế chứ! Hai
ông anh tôi không nhầm. – ông Nghĩa vui ra mặt.
-
Thưa các anh, nói
đơn giản là tôi có ba tháng tập sự mà không phải ăn lương tập sự, có phải không
ạ?
-
Hiểu thế cũng được.
– ông Chính trả lời.
-
Vậy xin các anh
cho tôi tập sự suốt đời có được không ạ?
Mọi người đều cười về câu nói vui của ông Thạch.
-
Như vậy ổn không
anh Thạch? – tướng Lê Hải hỏi lại một lần nữa.
-
Thưa anh, nhóm PH
chuẩn bị cho tôi như thế là rất chu đáo ạ. Tôi nghĩ tôi bắt đầu bớt lo được một
chút…
-
…
Câu chuyện thủ tục chỉ có vậy, nghĩa là chưa kịp uống
xong tách cà-phê do ông Nghĩa thết đãi. Mọi người chuyển sang cuộc hội ngộ
không hẹn mà nên. Khác với mọi khi, lần này có thêm Thạch.
Sự phân biệt chủ - khách biến mất rất nhanh. Thế sự quốc
gia xoay vần chung quanh mấy tách cà-phê của bốn người đàn ông về vườn, trong
đó chỉ có ông Chính có quyết định hưu đàng hoàng, 3 người còn lại đều thuộc loại
thất sủng – hiểu theo nghĩa nào cũng được. Bị xếp vào diện nghỉ hưu bất đắc dỹ
là thiếu tướng Lê Hải, với lý do danh nghĩa là cơ quan giải thể. Bỏ nhiệm sở là đại tá Nghĩa: kháng lệnh của
thủ trưởng, may vì là thương binh già nên được trên xí xóa không kết tội là đào
ngũ, vẫn thu xếp cho hưởng đầy đủ chế độ hưu. Còn sỹ quan tình báo chiến lược
Nguyễn Thạch thuộc diện bí, tự mình phải xin giải ngũ, do không chấp nhận cái “kết luận tất định” của thượng cấp về vụ án Phạm Trung Nghĩa. Quyết định hưu
ghi Thạch là quân nhân nghỉ mất sức.., cho
hưởng lương hưu theo chế độ như một ân huệ, vì tính từ ngày ký quyết định Thạch còn hàng chục năm nữa mới đến tuổi
hưu.
Lúc này là thời kỳ chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 7
khóa XI, trung tâm của chương trình nghị sự sẽ là vấn đề “tam nông”. Tivi đưa
đoạn tin “…Tòa án nhân dân thị xã Gia Nghĩa đã tuyên phạt nông dân Lương Văn
Quý trú tại phường Nghĩa Tân, thị xã Gia Nghĩa, 15 tháng tù cho hưởng án treo
và 30 tháng thử thách, và nông dân Trần Quốc Thường, trú tại phường Nghĩa
Thành, thị xã Gia Nghĩa, 9 tháng tù cho hưởng án treo và 18 tháng thử thách. Tội
danh: làm nhục và xúc phạm danh dự người
khác bằng các bài thơ và vè bêu xấu lãnh đạo thị xã Gia Nghĩa trong việc
thu hồi đất đai của hai người này để “…xây
công trình công cộng…”
-
Ôi công lý ở nước
ta! Thưa các anh thế này là thế nào ạ? Vừa mới hôm qua tôi được cậu lái xe ôm
lên lớp cho một trận về tình cảnh của nông dân hiện nay… – Thạch rên lên, tay
chỉ vào cái tivi.
-
Kháng chiến nông
dân là quân chủ lực. Hòa bình xây dựng đất nước
nông dân là quân chủ khổ. Còn cái “chủ” nào nữa thì quẳng nốt cho nông
dân đi! – tướng Lê Hải chì chiết.
-
Bây giờ cho nông
dân tam nông rồi còn gì nữa. Thôi, tắt TV các anh nhé. – Không chờ mọi người trả
lời, cái ri-mốt trong tay ông Nghĩa kêu đánh tách, TV tắt ngấm.
-
Cả cái chuyện tam
nông cũng không ổn các anh ạ. – ông Chính thêm vào. – Trung Quốc người ta nói
tam nông, mình cũng nhai lại theo tam nông. Nhưng bây giờ người ta nói tứ nông
rồi – nghĩa là thêm cái mục nông dân vào
thành thị kiếm sống. Rồi lúc nào đó mình cũng sẽ nói leo theo là tứ nông!? Trí
tuệ Việt Nam
chỉ có vậy sao?
-
Anh lái xe ôm hôm
qua đã tổng kết hộ tôi hai mươi năm tôi lăn lộn trong nông thôn rồi các anh ạ,
thực ra chỉ có một vấn đề thôi: Đó là giải quyết vấn đề nông dân như thế nào, để
cho họ khỏi là quân chủ khổ trong thời kỳ gọi là công nghiệp hóa, đô thị hóa của
nước ta.
-
Còn chuyện này mới
nguy các anh ạ, Chính phủ một lúc vung tiền ra mua tám, chín tỷ đô-la làm dự trữ,
thế là trong vòng chưa đầy hai quý đầu năm lạm phát nước mình vọt lên hai con số,
giữa lúc kinh tế cả nước đang phát triển năng động. Chưa bao giờ nước ta có hiện
tượng này các anh ạ, kể cả lạm phát phi mã thời kinh tế khủng hoảng trước đổi mới!
-
Nghĩa là chính phủ
điều hành kinh tế theo kiểu đánh quả?
– ông Chính hỏi.
-
Nhưng câu chuyện
vẫn chưa đến hồi kết các anh ạ. – ông Nghĩa nói tiếp - …Bây giờ là sự đổ vỡ tan
hoang của thị trường chứng khoán, bốc hơi mất khoảng già nửa hay là hai phần ba
giá trị các anh ạ!.. Kéo theo hàng loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản, bong
bóng thị trường nhà đất nổ tung… Nước ta đang còn chưa biết xoay xở ra sao thì
khủng hoảng kinh tế toàn cầu lại đẩy thế giới đi vào một thời kỳ khác mất rồi!
-
Thế là may chứ
anh Nghĩa. Bao nhiêu tội lỗi tự mình gây nên, các vị lãnh đạo đổ hết cho khủng
hoảng kinh tế thế giới là xong. Y hệt như cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm
nào! – tướng về hưu Lê Hải bình luận.
-
Vâng, có chuyện ấy.
– ông Nghĩa thừa nhận.
-
…
Câu chuyện ngắc ngứ.
-
Vâng, nói gọn lại
là thế này thôi các anh ạ: Quốc gia độc lập rồi, bây giờ tự do dân chủ là thước
đo duy nhất sự trung thành của Đảng phục vụ dân tộc, phục vụ đất nước. Thước đo
duy nhất, mong các anh nhớ cho, không nói khác được đâu. – ông Nghĩa nêu suy
nghĩ của mình.
-
Đồng ý. Nhưng chỗ
này Đảng quên thì sao? – ông Chính lý sự.
-
Không được quên,
anh Chính ạ. – ông Nghĩa đáp ngay. - …Quên là nhảy lên làm vua đấy!
-
Thì Đảng bây giờ
là vua rồi còn gì nữa? – ông Chính dồn em mình.
-
Nói thế oan cho Đảng
quá. Chỉ cái nhân danh Đảng bây giờ
là vua thôi, còn Đảng đích thực bị tóm làm tù binh từ lâu rồi!.. – ông Lê Hải
phân bua.
-
Như vậy là chính
anh Lê Hải thừa nhận Đảng không tồn tại nữa nhé!
-
Sự thật là Đảng
bây giờ là tù binh, là công cụ của cái nhân
danh Đảng mất rồi anh Chính ạ. – giọng tướng Lê Hải dầu rĩ.
-
Các anh ơi, nói đến
cùng thì phải nói cả dân tộc và Đảng đang bị cái nhân danh Đảng tóm làm tù binh. – ông Nghĩa tiếp tục trình bầy
suy nghĩ của mình. - …Tự do dân chủ không những chỉ là quyền của người dân, của
dân tộc, mà còn là nguồn của cải vô tận làm nên giầu có văn minh, là nguồn sức
mạnh giữ nước đấy!... Một đảng mà dân chủ thì có gì để phản đối!?. Song chuyện
này là không thể các anh ạ. Trước kia thì vin vào hoàn cảnh thời chiến. Nhưng
đã hơn ba thập kỷ nay trong hòa bình rồi… Đã một đảng là độc quyền, lạm quyền
thỏa sức hoành hành và trở thành bản chất của hệ thống, không có cách gì dân chủ
được đâu các anh ạ. Tha hóa chỉ là hệ quả, là nguyên nhân phái sinh thôi. Có tổ
chức học tập tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh như kinh thánh cũng không xoay
chuyển được đâu. Tất cả chỉ là nguỵ trang.., hay là tự đánh lừa và lừa dân
thôi.
-
Điều này thì rõ rồi
Nghĩa ơi. Chúng ta đã có lần còn bàn về cả cái nguy cơ của cái đa nguyên hỗn loạn.
Xóa cái một đảng này đi thì sợ cái đa nguyên nồi da xáo thịt ập tới ngay lập tức.
Chẳng lẽ đành khoanh tay ngồi nhìn con tạo xoay vần hả Nghĩa? – ông Chính hỏi
em mình.
-
Chẳng xóa thì trước
sau cũng sụp đổ, cũng dẫn đến đa nguyên hỗn loạn. Trên thực tế, hiện nay nước
ta đã ngày càng bước sâu vào con đường của đa nguyên hỗn loạn rồi!
-
Có nói bậy không
Nghĩa? – ông Chính ngạc nhiên.
-
Sự thật là thế đấy,
anh Chính ạ. Chỉ chưa có đủ can đảm nói toạc ra thôi. Sự tồn tại các nhóm lợi
ích đầy quyền thế khác nhau, cạnh tranh lẫn nhau, đấu đá nhau chí tử… Như thế
không là đa nguyên thì là cái gì? Song lại phải cùng đứng với nhau trong cái vỏ
bọc là dưới sự lãnh đạo thống nhất của một đảng…
-
Sao không nói toẹt
ra là cái đa nguyên hỗn loạn trong chế độ toàn trị một đảng hả anh Nghĩa? – tướng
Lê Hải đặt vấn đề.
-
Vâng, sự thật là
như thế anh Lê Hải ạ. Chuyện cung vua phủ chúa ngày xưa bây giờ diễn lại từ
hàng chục năm nay rồi, nhưng rối rắm hơn xưa nhiều. Chưa biết thời nào bi hài
hơn thời nào. – ông Nghĩa đáp lại.
-
Nghĩa và anh Lê Hải
chưa bàn tới lối ra? – ông Chính hỏi.
-
Bàn nát nước rồi
chứ anh Chính. Gái góa lo việc triều đình mà. – tướng Lê hải trả lời.
-
Vâng. Anh Hải và
tôi bàn mãi với nhau rồi các anh ạ. – ông Nghĩa trình bầy: - …Đài Loan và Hàn
Quốc đều thoát thai từ chế độ quân phiệt để đi tới hôm nay, bằng chuyển hóa hòa
bình. Anh Hải và tôi cứ vặn vẹo nhau mãi chuyện thời hiện đại, là nước đi sau
liệu nước ta có thể tạo ra một sự chuyển hóa hòa bình tương tự được không. Từ
cái đa nguyên hỗn loạn đang tồn tại trong cái vỏ toàn trị sang cái đa nguyên của
dân chủ và phát triển. Bắt đầu từ tuân thủ pháp luật… Ví dụ là như vậy... Còn
nói về công viêc chuyển hoá hoà bình, lịch sử nước ta đã từng có Trần Thủ Độ
các anh ạ. Đây là nhân vật khét tiếng hay là người anh hùng vỹ đại, tùy theo
cách nhìn. Song ông ta đã một tay chuyển hóa đất nước từ thời đại nhà Lý lúc
suy tàn bước vào thời đại nhà Trần hiển hách mà không cần đến chiến tranh xóa bỏ
triều Lý, kế thừa những thành quả để phát triển tiếp. Lịch sử đã có lối ra như
thế, tại sao hiện tại không có lối ra?
-
Nghĩa đang tìm đường
cho một cuộc cách mạng dân chủ từ trên xuống có phải không? – ông Chính hỏi em
mình.
-
Nói chính xác là
như thế đấy các anh ạ. Con đường hòa bình duy nhất, xuất phát từ một yếu tố có
thể nào đó của quyền lực! Bởi vì cải cách chính trị chỉ có thể xuất hiện theo
con đường này. Còn kẻ bị cai trị chỉ có thứ quyền lực duy nhất bất khả kháng của
tức nước vỡ bờ. Cuộc sống cũng chỉ mới
sáng tạo được hai hình thức phát triển mà thôi: Hoặc là tiệm tiến trong cải
cách, hoặc là để cho tức nước vỡ bờ xóa đi tất cả. – ông Nghĩa trả lời.
-
Nghĩa muốn đi tìm
một Goóc-ba-chốp hay một Y-en-tsin Việt Nam? – ông Chính.
-
Đại loại là thế.
Lịch sử thường có bước đi riêng của chính nó. Song tư duy thì phải bầy hết lên
bàn để lựa chọn...
-
Khoảnh khắc của ngọn cờ, của anh hùng tạo thời thế có phải không? – tướng Lê hải hỏi.
-
Chẳng ai vẽ được
đường đi cho lịch sử đâu, các anh ạ. Tôi chỉ khát khao tìm tòi con đường cải
cách triệt để từ trên xuống, một bước đi cao hơn năm 1986, nhưng bây giờ phải
nhằm vào cải cách hệ thống chính trị. Tôi cho đấy là chìa khoá giải quyết mọi vấn
đề các anh ạ. – ông Nghĩa trả lời.
-
Còn hơn cả diễn
biến hòa bình? – tướng Lê Hải chen vào, gần như đang hỏi chính mình.
-
Các anh ạ, mấy
năm nay tôi cứ đánh vật mãi với cái mô hình Hàn Quốc. Chung quy lại họ có được
một nền giáo dục tốt, giữ được đạo đức xã hội, làm ăn cật lực, có được một thể
chế chính trị dân chủ bảo đảm thực hiện những điều tốt. Bí quyết Hàn Quốc là bốn
yếu tố rõ ràng như vậy, mà sao mấy chục năm nay nước ta lần mò mãi không ra!?
-
Nghĩa này, tôi hỏi
chú, có bao giờ kẻ đi nô dịch người khác lại tìm được lối ra cho kẻ bị nô dịch
không? – ông Chính hỏi em mình.
Ông Nghĩa chưa trả lời ngay được. Câu chuyện lại khựng
lại. Thời gian được lấp chỗ trống bằng ấm chè mới nghi ngút rót xuống các tách
trà. Ông Nghĩa đưa xong các tách trà mới về phía mọi người rồi mới chậm rãi:
-
Các anh ạ, để trả
lời câu hỏi của anh Chính, tôi xin kể Nguyệt có cách tổng kết rất lạ lùng từ ba
chục năm dạy văn sử của mình. Chính tôi cũng bị bất ngờ… - ông Nghĩa thưởng thức
chén trà của mình rồi mới nói tiếp: - …Theo Nguyệt, gần hai thế kỷ nay câu chuyện
đau lòng của nước ta luôn luôn là câu chuyện bơ vơ lạc lõng giữa dòng thời cuộc…
Thời Gia Long – Tự Đức là bước lỡ nhịp thứ nhất, nước ta lạc vào con đường trở
thành thuộc địa. Trong khi đó Nhật Bản từ thời Minh Trị mở đường cho mình đi
vào một hướng khác hẳn. Theo Nguyệt, hồi ấy các triều vua đã trói buộc đất nước
vào ý thức hệ của quá khứ. Thế giới quan của nhà Nguyễn chỉ là Khổng giáo và
Nho giáo. Cái thế giới của Nhà Nguyễn cũng chỉ là Trung Hoa. Nhà Nguyễn tự làm
suy yếu đất nước mình trước khi thực dân Pháp có thể ra tay đặt ách đô hộ…
-
Thím Nguyệt đáo để
nhỉ. Nghĩa nói tiếp đi. – ông Chính thán phục em dâu mình.
-
Vâng. Theo Nguyệt,
cái bơ vơ lần thứ hai của đất nước là mọi cơ hội Cách mạng Tháng Tám tạo ra được
đã mau chóng bị chủ nghĩa thực dân cướp trắng. Sự hình thành hai phe cộng sản
và đế quốc sau chiến tranh thế giới II đồng thời sớm chia cắt nước ta làm hai
phần đối kháng nhau. Cùng một lúc nước ta chịu đựng ba bốn kiếp nạn nhân khác
nhau của thời cuộc. Này nhé, quốc gia bị xâm lược, quốc gia bị chia cắt về hai
bên chiến tuyến đối kháng nhau, quốc gia vừa bơ vơ vừa tự giằng xé mình, vừa bị
bên ngoài giằng xé. Đât nước mắc kẹt trong sự phân ly giữa hai con đường không
sao thoát ra được… Năm 1975 đất nước độc lập thống nhất, mở ra cơ hội hòa giải
dân tộc để kết thúc bi kịch tay trái chém tay phải, đồng thời giải phóng đất nước
ta khỏi sự giằng xé giữa các đối thủ lớn. Nhưng tự ta ta lại lựa chọn tiếp tục
tham gia quyết liệt vào sự giằng xé lúc này là ba bốn phe… Với niềm tin như
đinh đóng cột loài người tất yếu sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội!
-
Cái chết là ở chỗ
này đấy Nghĩa ạ. – ông Chính đồng tình.
-
Vâng. Hệ quả là ta
được nếm đủ các thứ đòn trời giáng. Từ Khmer đỏ đến chiến tranh biên giới phía
Bắc, rồi mất đất mất đảo… Thế mà vẫn không tỉnh! Khi Liên Xô Đông Âu sụp đổ,
Trung Quốc chưa hoàn hồn sau cách mạng văn hóa và vụ Thiên An Môn, một lần nữa
cơ hội vô cùng lớn lại mở ra cho đất nước: Từ nay ta sẽ không phải “đi” với bên
này chống bên kia nữa… Nhưng khốn thay cho đất nước, cơ hội này bị chính tay ta
chủ động vứt bỏ, để nộp mạng và tự chui vào ống tay áo của Trung Quốc. Hội nghị
Thành Đô là như thế, Nguyệt kết luận dứt khoát như vậy các anh ạ.
-
Chính bà giáo sử
này cũng rất dứt khoát đấy. Dứt khoát hơn chúng ta nhiều các anh ạ. Xem ra chị
Nguyệt rất đồng tình với cái thuyết năm –
sáu cuộc chiến tranh trong một cuộc chiến tranh trong tổng kết của chúng ta, có phải thế không anh
Nghĩa? – tướng Lê Hải thán phục.
-
Các anh đều biết
tính Nguyệt rồi. – ông Nghĩa nói tiếp. - …Sau này chúng ta có thêm thông tin
chính Nguyễn Văn Linh đã đề nghị Ceausescu và sau nữa là Gorbachov cứu phe xã hội
chủ nghĩa giữa lúc bức tường Berlin sụp đổ. Có lẽ thực tế này đã đẩy nước ta
ngã hẳn vào Trung Quốc, kẻ đã làm tất cả và đã đảo ngược hoàn toàn thế cờ của
nước ta sau 30 Tháng Tư 75.
-
Chị Nguyệt có coi
sự lựa chọn của ông Linh là nhằm cứu chủ nghĩa xã hội không, thưa anh Nghĩa? –
Thạch hỏi.
-
Nguyệt nói trắng
ra là chỉ lo mất chế độ, mất ghế thôi, Thạch ạ. Chẳng có lý tưởng cao siêu nào
trong quyết định này đâu.
-
Nghĩa là lo mất
chế độ lớn hơn lo mất nước? – ông Chính hỏi.
-
Vâng ạ. Rõ ràng
là thế, anh Chính ạ. – ông Nghĩa trả lời.
-
Không biết bao
nhiêu lần chị Nguyệt đã nhắc nhở chúng ta cuộc chiến đấu gian khổ nhất của dân
tộc ta để tự giải phóng chính mình vẫn đang ở phía trước. Chính anh Tám Việt
cũng phải thừa nhận chị Nguyệt có lý… - tướng Lê Hải đồng tình. - ...Tình hình
bây giờ còn tệ hơn nhiều. Giữ vững định hướng chỉ là cái lá nho thôi. Để ngụy
trang chuyện tranh ghế, tranh nhà đất và kiếm đô-la!
-
Các anh ạ, nhiều
lần Nguyệt hỏi thẳng tôi: Hay là Đảng bây giờ chỉ còn biết đến mình và phản bội
lợi ích dân tộc rồi? Tàu lúc nó đấm, lúc nó đá, hết chuyện tầu lạ cướp ngư dân
ta, cắt cáp.., lại đến chuyện thâm nhập người, thâm nhập tiền và hàng lậu.., thế
mà ta vẫn cứ phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Bán đất, bán rừng, bán biển… Bán bô-xít
có khác gì bán Tây Nguyên? Nhưng lúc nào cũng tụng niệm 16 chữ và 4 tốt, trối
tai không chịu được!.. Nguyệt còn hỏi tôi: Ngôn ngữ trong Đảng không tồn tại
khái niệm chủ nghĩa thực dân mới Đại Hán có phải không? Nó đang chễm trệ ở nước
ta rồi đấy!..
-
…
-
…
Gian phòng lại lặng đi. Thạch ngồi yên. Vốn là người
trong “nghề”, mấy chục năm từ khi bật
ra khỏi Thạch Thất Thạch càng đi Thạch càng hiểu những gì đang nói ra ở đây. Trong
bụng, Thạch thừa nhận cái án người ta định buộc cho Phạm Trung Nghĩa quả thực
có cái lý của nó. …Các anh ơi, các anh đáng
đi Thạch Thất tuốt tuột luột cả với nhau rồi… Thế này thì còn trăm lần sợ hơn cả
bạo loạn, lật đổ!.. Song Thạch vẫn ngồi im nghe tiếp.
-
Anh Lê Hải và
Nghĩa tin là nước ta cần và sẽ có thể có được một Trần Thủ Độ hiện đại có phải
không? – ông Chính nối lại câu chuyện, trong lòng vô cùng phân vân.
-
Thật ra đây vẫn
chỉ là chuyện ngàn đời về quả trứng và con gà thôi các anh ạ. Cái gì trước, cái
gì sau… Anh Nghĩa có nghĩ thế không? – tướng Lê Hải đáp lại.
-
Nghĩ mãi rồi tôi
vẫn phải thừa nhận chẳng ai làm thầy bói cho lịch sử được đâu các anh ạ! 70 năm Liên Xô tồn tại chắc ăn đến
thế rồi, thế mà lịch sử vẫn ngoặt vào con đường của nó!.. …Bất ngờ đến mức toàn
bộ hệ thống tình báo đồ sộ của Mỹ và phương Tây mù tịt. Không một phát súng nào
được nghe thấy… Dường như chỉ trong nháy mắt!.. – ông Nghĩa trả lời.
-
Nghĩa là đành phải
chờ đến lúc hoàn cảnh đủ chín muồi làm xuất hiện một Trần Thủ Độ mới để nắm lấy
vận mệnh đất nước, có phải thế không anh Lê Hải?!.. – vẫn ông Chính.
-
Thời nào cũng thế,
quãng giao thời này bao giờ cũng chứa đầy tai ương cho đất nước. Nếu không chịu
khoanh tay ngồi yên thì chúng ta phải tìm cách góp phần vào chuyển hoá, vào tạo
dựng ra hướng đi... – tướng Lê Hải trả lời, không đi thẳng vào câu hỏi.
-
Không được đâu
các anh ạ. Thưa các anh, có mơ cũng không được ạ. – nghe đến đây Thạch bật lại
như một phản sạ tự nhiên. - …Hoàn toàn không được! Nghề nghiệp giúp tôi hiểu chuyện
này là hoàn toàn hoang tưởng ạ. Quyền lực không bao giờ chấp nhận. Không thể chấp
nhận! Người xuất chúng như ông Nguyễn Cơ Thạch chỉ vì cứng đầu một chút với
Trung Quốc nên đã bị hất đi. Ông Trần Xuân Bách được thừa nhận là thao lược,
nhưng mới chỉ hé mồm nói vài từ về dân chủ đa nguyên, thế là thất sủng. Đảng
viên bậc tiền bối Nguyễn Hộ đã từng xé thẻ đảng viên của mình đòi thực hiện dân
chủ của dân, …chẳng những không ăn thua gì mà còn bị giam lỏng… Trước đó đã có
Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Phan Khôi, cánh nhân văn giai phẩm… Danh sách này dài lắm các anh ạ. Vụ án Thạch Thất
của anh Nghĩa còn sờ sờ ra đấy!.. Các tội như tham nhũng, hủ hóa có thể xí xóa
được, thậm chí tội có thể rất nặng cũng có cách xí xóa nếu muốn… Tội để mất đất
của lãnh thổ quốc gia cũng có thể bỏ qua được… Nhưng đụng đến chuyên chính của
quyền lực thì một sợi tóc cũng không xong. Dân gian đã nói thẳng vào mặt tôi rồi
các anh ạ: Đa thê thì được, đa nguyên thì đừng!..
Câu chuyện đang căng thẳng, nghiêm trang là thế, mà mọi
người vẫn phải cười phá lên.
-
Quả là thế. – ông
Nghĩa tán thành ý kiến của Thạch. - …Vì thế chúng tôi nát óc suy nghĩ về một phương án khả dĩ
nhất. Các anh ạ, sự lãng mạn của tôi đi xa tới mức tưởng tượng ra là cả tập thể
lãnh đạo Đảng hiện nay cùng nhau một lòng sắm chung vai ông Trần Thủ Độ! Được
không?
-
Quyền lực không
biết hướng thiện đâu… - tướng Lê Hải vừa
nói vừa lắc đầu - …Tôi hiểu ý anh Nghĩa là không có một lãnh tụ Trần Thủ Độ,
thì cố tạo ra một Trần Thủ Độ tập thể vậy! Tôi cũng cho là quyền lực trong tay
những người lãnh đạo hiện nay thừa sức cùng nhau sắm vai Trần Thủ Độ tập thể! Rồi
chính cái ông Trần Thủ Độ tập thể này đứng ra làm công việc chuyển hóa đất nước
như Trần Thủ Độ lịch sử đã làm cách đây hơn bẩy thế kỷ! Được thế có phải là đại
phúc cho đất nước này không!.. Mười mấy ông trong Bộ Chính trị không sắm nổi một
vai ông Trần Thủ Độ hay sao?.. … … Nhưng hoang tưởng vẫn là hoang tưởng thôi…
…Bây giờ tôi cũng thừa nhận không có khả năng này đâu các anh ạ.
-
…Và cái việc đầu
tiên của Trần Thủ Độ tập thể này là sẽ thuê Phạm Trung Nghĩa cùng với Lê Hải soạn
thảo Hịch Dân Chủ! Anh Lê Hải và Nghĩa
đã mơ tiếp đến đoạn này chưa? – ông Chính châm chọc.
Đến đây tất cả cùng cười!
-
Đại loại có thể
lãng mạn đến mức ấy các anh ạ. Người để thuê soạn Hịch chắc chắn không thiếu!
Tha hồ mà chọn! – ông Nghĩa nói tiếp. – Nhưng… … Nhưng tập thể lãnh đạo này
không đủ trí tuệ và càng không có cái tâm dám cùng nhau đứng ra làm một Trần Thủ
Độ tập thể như thế đâu. Các anh đừng quá lo xa đến việc đi tìm người viết Hịch!
-
Nghĩa có dám coi
sự bất cập này toát lên cái bản chất của Đảng hiện nay không? – ông Chính hỏi
em mình.
-
Rất tiếc là không
thể kết luận khác được anh Chính ạ. Trong khi đó, ảo tưởng mong mỏi một cuộc
cách mạng dân chủ từ trên xuống như chúng ta đang bàn cũng chỉ là một lối suy
nghĩ của kẻ ăn mày thôi! Kẻ ăn mày thảm hại!
-
Thế thì còn gì để
nói nữa? – ông Chính thốt lên.
-
Còn nguyên mọi
chuyện để nói chứ anh Chính! Và chính đấy là nỗi khổ của chúng ta. – giọng ông
Nghĩa lắng hẳn xuống. - … Cái bất cập
ấy đang ngày đêm nuôi dưỡng một đa nguyên hỗn loạn ở nước ta đấy anh Chính ạ.
-
Phải nói thêm là
bọc kỹ trong cái kén chế độ toàn trị! – tướng Lê Hải bổ sung.
-
Chính xác! Các
anh ạ, chẳng lẽ bây giờ tôi cũng phải bắt chước Phuxich kêu lên: “Hỡi quốc dân đồng bào, hãy cảnh giác với cái
đa nguyên hỗn loạn của chế độ toàn trị!” Hồi còn sống, chú Học cũng lo nhất
điều này anh Chính ạ. Vì thế chú thấy được mình đã bị lầm cay đắng! Em không
nghĩ bây giờ chú được thảnh thơi yên nghỉ nơi chín suối!..
-
Nhưng mà Nghĩa
ơi, Bush đã làm cả một cuộc chiến tranh khổng lồ để ấn vào tay Iraq một chế độ
dân chủ trọn vẹn, nhưng quốc gia này có nhận đâu. Trong khi đó ở Tân Cương, Tây
Tạng nhà cầm quyền Trung Quốc nửa thế kỷ nay tìm mọi cách xóa bỏ cái chất bản địa
ở đấy mà không thành, kể cả những thủ đoạn đồng hóa!.. Vậy lý giải thế nào? –
ông Chính đặt lại vấn đề.
-
Quả là thế, anh
Chính ạ. – ông Nghĩa chấp nhận lý lẽ của anh mình. - …Nói như anh thì còn phải
kể lể ra hàng loạt ví dụ khác nữa. Myanmar có nền cộng hòa được 40 năm, thế
nhưng chỉ một cuộc đảo chính quân sự là xóa sổ hết cả, để mọc lên một chế độ
quân phiệt Than Shwe... Bây giờ Honduras cũng đại thể như thế! Một cuộc đảo
chính quân sự[3] là
lại quẳng đất nước trở về vạch xuất phát. Trước đó nhiều thập kỷ đã có Pinochet
ở Chilê. Thái Lan ngót nghét một thế kỷ nay tìm đường đi vào thể chế dân chủ cộng
hòa, thế nhưng đảo chính lên đảo chính xuống, trung bình cứ hai hay ba năm một
cuộc… Cho nên đến hôm nay Thái Lan vẫn chỉ là một nước đang phát triển, một nền
dân chủ dang dở! Vân vân vân và vân vân… Trong khi đó như các anh thấy đấy, tại
các nước công nghiệp phát triển, có một cuộc đảo chính nào không? Chính điều
này các anh ạ khiến tôi phải tự hỏi: Cái gì tạo nên sự bền vững của thể chế dân
chủ ở các quốc gia phát triển này? Đấy cũng là câu hỏi đáng đặt ra cho nước ta
với tính cách là nước đi sau các anh ạ.
-
Anh Nghĩa đã có
câu trả lời chưa ạ? – Thạch hỏi.
-
Chưa, Thạch ạ.
Trước sau tôi mới chỉ nghĩ được là cội gốc của vấn đề là cái văn hóa, là cái
phát triển cần phải có, để làm nền tảng cho cái dân chủ cần tạo ra! Cái dân chủ
của trí tuệ, của tạo dựng thể chế… Tôi thừa nhận cái văn hóa là cái tiềm tàng
cho cả hay và dở, cho cả xấu và tốt, tùy hoàn cảnh… Như thế càng rõ cái phát triển mới là cái quyết
định, cái có ảnh hưởng lâu bền… Cái phát triển, nói cụ thể hơn nữa là chỉ có
dân trí và trí tuệ mới thay đổi được thực xã hội nước ta hiện nay và làm nên tất
cả… Sâu thêm nữa tôi chưa nghĩ được. Tôi còn đi xa tới mức giả thiết lúc này có
một sức mạnh siêu nhiên nào đó ấn vào tay nước ta một chính thể dân dủ đa
nguyên, câu chuyện chắc gì đã hơn Myanmar thời Than Shwe hay Iraq hiện nay? Thậm
chí có thể còn tệ hơn, vì quá khứ chiến tranh 3 thế hệ liên tiếp ở nước ta có
nhiều hệ lụy khắc nghiệt lắm… Thù hận chống đối nhau trong lòng còn sâu sắc lắm.
Cái lạc hậu của đất nước đã bị đẩy lùi được bao xa đâu? Lại thêm cái ngu dân và
mù quáng được tạo ra mấy thập kỷ nay đắp vào nữa!..
-
Chốt lại, Nghĩa
nhận định tình hình hiện nay như thế nào? – ông Chính lộ rõ vẻ sốt ruột.
-
Chưa nói đến các
di sản khác của văn hóa, của lịch sử những thập kỷ chiến tranh, của nhiều thứ
khác nữa.., anh Chính ạ, nước ta với trình độ phát triển như hiện nay có lẽ
chưa sẵn sàng cho một chính thể dân chủ như thế!
-
Nghĩa là dân mình
bị nô dịch như hiện nay là đích đáng, có phải chú nghĩ thế không? – ông Chính dồn
em mình.
-
Đổ hết cho dân
thì oan dân quá anh Chính ạ! – ông Nghĩa trả lời.
-
Nghĩa muốn lựa chọn
con đường của phát triển? …Hay là chú đành nhẫn nhục theo kiểu …khác đi khác đến vậy? Nói thật đi! – ông
Chính hỏi tiếp.
-
Khó nói quá anh
Chính ạ. Chúng ta làm gì có quyền lựa chọn? – mặt ông Nghĩa dài ra. Thấy không
ai nói gì, ông nói tiếp: - …Các nước tìm đường đi lên thường chỉ có hai đối thủ
hay là hay trở lực phải chiến thắng thôi. Đấy là sự lạc hậu của chính mình và
các thách thức từ bên ngoài. Riêng nước ta còn có thêm một đối thủ nữa, đó là sự
nô dịch do chính mình tự xây dựng nên cho mình, xảy ra trong một bối cảnh lịch
sử vô cùng éo le của đất nước… Đây mới là cái tai ương đích thực cho đất nước
ta hôm nay các anh ạ!.. … … Anh Chính ơi, …chú Học nói đúng đấy… Cái giá phải trả cho độc lập thống nhất đất
nước đắt quá!..
Phòng khách lại ắng lặng.
Ông Chính là người đầu tiên nối lại câu chuyện:
-
Thật không nói
khác được Nghĩa ạ! Đúng là sự nô dịch do chính mình dựng lên cho mình thật!..
Lãnh đạo và cầm quyền thực chất đã tha hóa thành cai trị mất rồi các anh ạ.
Song cái ngu dân được dung dưỡng lâu nay mới là cái chất liệu cuối cùng chế biến
mối quan hệ giữa cai trị và bị cai trị này thành sự nô dịch! Người ta đang thực
hiện ngu dân ngày càng táo tợn. Đến mức nói dối gần như vừa là phương tiện, vừa
là lẽ sống của quyền lực! Còn kẻ bị cai trị muốn sống sót cũng phải nói dối!..
Chế độ chính trị này đang làm thui chột cả dân tộc để duy trì trạng thái nô dịch
nó đặt ra. Không thể nói khác được!..
-
Ôi, chẳng lẽ cái
giá phải trả cho độc lập thống nhất đất nước đắt đến thế hả các anh ơi?!.. – đến
lượt Thạch rên lên.
-
Anh Nghĩa và tôi
bàn nát với nhau rồi… Thậm chí chúng tôi cật vấn nhau có phải những người như
chúng ta ngồi đây cũng đáng xếp vào loại ngu trung không, nghĩa là cũng là một
thứ sản phẩm của ngu dân như chúng ta đang nói tới! Ngu trung ở chỗ chúng ta
chưa dám đoạn tuyệt hẳn với quá khứ của chính chúng ta. Có phải như thế không?
Cái nhùng nhằng này cũng góp phần công lao của nó trong việc tạo dựng nên cái
nô dịch của hôm nay chứ! Chưa nói đến những đảng viên thành tâm ngu trung các
anh ạ. Số này không thể nói là ít đâu. Ngay trong chi bộ hưu của tôi hơn chục đảng
viên cũng đã có tới bảy tám lão đồng chí gắn bó sống chết với chế độ, với quá
khứ. Đã thế, trong cả nước phường giá áo túi cơm đông như quân Nguyên!..
-
Ối trời đất ơi!..
Tất cả các anh ngồi đây đáng bỏ tù hết! Các luận điệu của địch cũng không tệ hại
bằng! – Thạch phải kêu lên – vì mức độ nghiêm trọng của vấn đề, vì sợ tai họa mới
sẽ giáng tới.
-
…
-
…
Gian nhà gần như nghẹt thở.
-
Chẳng lẽ dân ta
chưa sẵn sàng cho một nền dân chủ như thế?!.. Trời đất ơi, liệu chúng ta có vu
oan cho dân tộc mình không hả anh Nghĩa?
– trong thâm tâm ông Lê Hải sợ các suy nghĩ chung quanh cái bàn này đang
đi quá xa vào bế tắc.
-
…
-
…
Ông Nghĩa đi pha một đợt cà-phê mới, vừa làm vừa nói:
-
Đành là không thể
trách dân được, các anh ạ… Nhưng sự yếu hèn của dân mình thì hình như đang gia
tăng!?.. Có phải thế không?
-
Nghĩa là sự trà đạp
ngày càng khủng khiếp? Hay là dân mình vẫn chưa bị trà đạp tới mức? Nói gì mà
luẩn quẩn nước đôi thế hả Nghĩa? – ông Chính vặn lại.
-
Có lẽ nhân dân ta
đang ở trong cái vòng luẩn quẩn này thật đấy anh Chính ạ. – ông Nghĩa trả lời.
- …Anh xem, có nhân dân nước nào hy sinh chiến đấu kiên cường cho độc lập thống
nhất đất nước như ở Việt Nam ta không? Thế nhưng đến hôm nay vẫn đành chịu nép
một bề thế này! Ý thức của dân về tự do dân chủ ở ta hình như không bằng Thái
Lan, Phi-lip-pin… Càng không thể so được với nhân dân tại các nước như Hàn Quốc,
Nhật…
-
Tôi cũng nghĩ như
anh Nghĩa đấy. – tướng Lê Hải chia sẻ. - …Có lúc tôi còn lẩm cẩm cho rằng mọi
chuyện đến nông nỗi này là do dân mình hiền quá nên cam chịu!.. Nhưng nghĩ cho
kỹ, thật ra trăm tội chỉ tại cái chính sách ngu dân hiện nay thâm hiểm quá, quyền
lực có quá nhiều phương tiễn để kìm kẹp và trấn áp. Lịch sử éo le của đất nước
cũng đang được quyền lực khai thác tối đa cho mục đích nô dịch này. Tất cả làm
nên đất nước yếu hèn hôm nay các anh ạ.
…
Mọi người dừng lại nhấm nháp tách chè, phần nào do câu
chuyện ngày càng bế tắc. Ông Chính đi đi lại lại một lúc cho đỡ mỏi, gần như
đang nói với chính mình:
-
… Đúng là như vậy.
… …Tôi thừa nhận, sự nô dịch hôm nay còn đáng sợ hơn thời thực dân Pháp rất nhiều,
thâm hiểm hơn rất nhiều… Tôi có thể kể ra hàng trăm việc để so sánh… Nghĩa và anh Lê Hải có dám đi xa tới mức coi
tha hóa và tham nhũng là cái gốc của mọi vấn đề không? – ông Chính hỏi.
-
Em chưa đi đến
cùng được. Nhưng theo em, chắc chắn kẻ thù số một hiện nay của dân tộc, của đất
nước là tham nhũng anh Chính ạ. – ông Nghĩa trả lời. - …Tham nhũng cần được hiểu
một cách trọn vẹn của khái niệm này... Tham nhũng của cải mới chỉ là cái tội ác
xếp chót. Tham nhũng lẽ phải, tham nhũng quyền lực, tham nhũng quyền tự do của
dân, tham nhũng cơ hội của đất nước… Đấy mới là những tội ác tham nhũng rùng rợn
nhất. Chống tham nhũng phải bắt đầu từ sửa các lỗi của chế độ, của hệ thống. Chỉ
lăm lăm chống tham nhũng như đang làm thực ra là chỉ chữa đằng ngọn, với mục
đích đánh nhau là chính! – ông Nghĩa sôi nổi.
-
Kẻ thù gì của dân
tộc mà lại trừu tượng thế hả Nghĩa? Định dựng lên kẻ thù gió, để rồi đấm gió,
có phải không?
-
Đừng quy kết em
như thế, anh Chính. Tham nhũng đã chiếm mất Đảng của chúng ta và bây giờ đang
kìm kẹp dân tộc ta. Tham nhũng với tính cách như vậy đang ngày đêm tìm cách
khoác lên cổ dân tộc ta một ách nô lệ mới… Tham nhũng như thế, đâu có phải là một
kẻ thù trừu tượng?.. Nghĩ lại thấy tiếc nhiều điều lắm các anh ạ, hôm nay xin
trình làng để các anh tham khảo.
Mọi người nhìn nhau ngỡ ngàng.
-
Trời đất, một định
nghĩa mới về tham nhũng hả anh Nghĩa? – Thạch kêu lên.
-
Đấy là cách định
nghĩa thể chế của chúng ta hay sao hả Nghĩa? – ông chính hỏi.
-
Như thế là suy
nghĩ của em và của anh gặp nhau rồi đấy. Nghe em trình làng, em hy vọng sẽ rõ.
-
Nhưng mà Phạm
Trung Nghĩa trình làng, hay là cái chân gỗ của Phạm Trung Nghĩa trình làng? –
ông Lê Hải hỏi, nhìn thẳng vào ông Nghĩa.
-
Khổ qua anh Hải ơi, đừng bao giờ coi tôi là hạng
người bất mãn! Như thế oan lắm!.. – ông Nghĩa rên lên. - …Có phải lúc nào tôi
cũng xấu như anh nghĩ đâu. Tôi muốn trình làng những điều tôi đã nghiền ngẫm và
kết luận.
-
Thế thì nghe, của
cái chân gỗ thì không nghe! Giao hẹn trước. – Lê Hải dứt khoát.
-
Vâng, thưa các
anh, chữ “nếu” không tồn tại trong lịch sử, nhưng có thể cho chúng ta bài học.
– ông Nghĩa đắn đo.
-
Nói toạc ra đi! –
tướng Lê Hải sốt ruột.
-
Già cóc đế rồi mà
vẫn chưa hết cái máu xồn xồn, hả anh Lê Hải?! – ông Chính nói vui.
-
Xồn xồn mặc kệ
tôi, anh Nghĩa nói đi.
-
Vâng, thưa các
anh, nếu sau 30 Tháng Tư Đảng ta giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ, lấy dân
tộc và dân chủ làm đích, câu chuyện sẽ ra sao?
-
Có nghĩ quẩn
không đấy anh Nghĩa? – tướng Lê Hải vặn lại.
-
Không, anh Hải ạ.
Xem xét thật khách quan, Ba mươi Tháng Tư là cơ hội tốt nhất và duy nhất để người
chiến thắng giương cao ngọn cờ dân tộc dân chủ, hoàn thành nốt việc thống nhất
dân tộc sau khi đã thống nhất đất nước. Ngoài ra không ai khác có thể làm được
việc phải làm này cho đất nước!
-
Không một ai
khác? – ông Chính hỏi.
-
Vâng. Còn hơn thế!
Đấy là nghĩa vụ hàng đầu, là cơ hội duy nhất và lý tưởng nhất để người chiến thắng
thực hiện sự nghiệp giải phóng dân tộc, đánh dấu mở ra thời kỳ DÂN TỘC VIỆT NAM
TỰ DO!.. Làm được như thế, quá khứ đau thương sẽ được khép lại vĩnh viễn! – ông Nghĩa cả quyết.
-
Trời đất ơi, thế
thì Đảng này là ông tiên, ông thánh, chứ không phải là người! Trong con mắt
chúng ta hồi ấy chính thể Sài Gòn là ngụy quân, ngụy quyền, là phản động, là đối
kháng! Sao lại nói đến chuyện thống nhất dân tộc được hả cái lão Nghĩa điên này!?
– tướng Lê Hải bật lại ngay
-
Quả là thế. – ông
Nghĩa thừa nhận. - …Nhưng tự khoác vào mình danh hiệu đội ngũ tiền phong của giai cấp, của dân tộc là để làm gì hả anh Lê
Hải?
-
… - tướng Lê Hải
ngần ngừ một lúc: - …Ừ, ừ… Vặn vẹo như thế thì chịu!
-
Khi dân tộc bị
chia đôi, thì nửa kia chẳng lẽ không còn là của dân tộc mình nữa hay sao hả anh
Hải? – ông Nghĩa cảm thấy tướng Lê Hải vẫn chưa thực tâm phục khẩu phục.
-
Giở lý ra như vậy
thì chịu rồi. Nói tiếp đi! – tướng Lê Hải giục.
-
Là người chiến thắng,
Đảng ta là người thích hợp nhất về mọi mặt và đồng thời là người duy nhất có khả
năng để hồi ấy làm nhiệm vụ phải làm này, các anh ạ. Ôi, nếu được như thế đất
nước chắc sẽ đi sang một ngả khác… Xin nhấn mạnh, đó còn là nghĩa vụ thiêng
liêng duy nhất của người chiến thắng! Chiến đấu vì dân vì nước thì phải như thế!
Chính nghĩa hay phi nghĩa của toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng do điểm mấu
chốt này định đoạt: Chiến đấu để đưa dân tộc trở thành người tự do? Hay là chiến
đấu để nhảy lên làm vua? Từ Ba mươi Tháng Tư trở đi không còn đất cho bất kỳ sự
lừa dối nào, dù nó mang tên chủ nghĩa gì... Nói hết nhẽ thì phải nói như thế
các anh ạ!.. - đến đây ông Nghĩa tự rơi vào các suy tư của mình.
Điểm mấu chốt được ông Nghĩa nêu ra bất ngờ quá. Mọi người bị hút ngay vào suy nghĩ
này. Câu chuyện bị gián đoạn.
Ông Chính băn khoăn:
-
Đặt vấn đề như thế
có phi lịch sử không Nghĩa? Làm sao có thể đòi hỏi một cái đảng mác-xít của đấu
tranh giai cấp đưa dân tộc trở thành dân tộc tự do?
-
Em biết. Nhưng sự
thật hiển nhiên là như vậy. Lịch sử là người thầy, luôn luôn là người thầy. Lịch
sử không làm lại được, nhưng bài học thì phải rút ra.
Ông Chính giục em mình:
-
Nói thế thì được.
Cứ tạm cất nuối tiếc sang một bên đi. Nói tiếp đi! …Vậy là đến bây giờ vẫn chưa
hoàn thành nhiệm vụ thống nhất và giải phóng dân tộc?
-
Một trăm phần trăm
là chưa, anh Chính ạ.
-
Trời đất ơi anh
Nghĩa! Nếu tôi là thủ trưởng trại biệt giam Thạch Thất, thì bây giờ có lẽ chính
tôi sẽ tự mình mang còng số 8 đi bắt anh về! Trời ạ, họ kết án anh hồi đó không
oan! – Thạch kêu lên, nhưng vẫn gật đầu đồng tình.
-
Một trăm phần
trăm chưa xong nhiệm vụ THỐNG NHẤT DÂN TỘC. Một trăm phần trăm chưa thực hiện
được nhiệm vụ DÂN TỘC VIỆT NAM TỰ DO, các anh ạ… Dù đã ngót nghét bốn chục năm
trôi qua rồi! – ông Nghĩa cả quyết. - … Trước hết cái thống nhất dân tộc mà chúng ta đang hình dung, đang thực thi
nói đúng ra chỉ là sự khuất phục nhau thôi: Người thắng khuất phục kẻ thua. Bây
giờ lại còn thêm cái chuyện kẻ cầm quyền khuất phục người bị cai trị! Vì thế
cho đến hôm nay vẫn chưa có hòa hợp dân tộc, chưa có cả dân tộc tự do. Dù là
bên này hay bên kia, ba bốn thế hệ Việt Nam hy sinh xương máu ròng rã gần một
thế kỷ nay để làm nên bài học này đấy, các anh ạ… - ông Nghĩa như chìm vào các
suy nghĩ lâu nay của mình, giọng ông gần như van vỉ: - …Quả thực có những đêm
tôi muốn vùng dậy đứng ra giữa trời kêu to lên với mọi người: Bây giờ và ngàn đời sau này, nếu muốn làm
dân tộc Việt Nam tự do, xin cả dân tộc ta đừng bao giờ quên bài học xương máu
này về ý thức hệ và quốc gia bị giằng xé!..
-
Thừa nhận cái điểm mấu chốt anh nghĩa nêu lên, các
anh phải thừa nhận tiếp đã gần bốn thập kỷ nay rồi Đảng không thực hiện được nó
hay không muốn thực hiện nó, thậm chí đã nhẩy lên làm vua! Nghĩa là gần bốn thập
kỷ nay rồi Đảng không còn hay không có cái chính danh là đảng lãnh đạo nữa. Nếu
đem Hiến pháp hiện hành ra chẻ từng chữ, còn phải nói Đảng đã trở thành người
thoán quyền! Các anh có dám nhìn nhận vấn đề như vậy không? – đến lượt quả bom
Lê Hải lại phát nổ.
-
Đúng! Đúng! Một
usurper! Không thể nói khác! – ông Chính bật luôn.
-
…
-
…
-
Chấp nhận cách
suy nghĩ dứt khoát của Nguyệt, các anh phải chấp nhận ý kiến anh Lê Hải, các
anh ạ. Không thể giải thích khác được… – ông Nghĩa lên tiếng. - …Đảng nắm tất cả
và tự cho mình quyền là nhà nước, lập ra cái
nhà nước danh nghĩa có tên là của dân do dân vì dân, chỉ để phục vụ cái nhà
nước thực chất là Đảng. Đây chính là “Điều 4” không mặc quần áo, với mục
đích cố tạo ra cho Đảng cái chính danh.
-
Chúng ta hôm nay
toàn húc đầu vào đá, có phải thế không Nghĩa? – ông Chính.
-
Vâng ạ. Vì sự thật
của đất nước mà nhân dân ta đang phải đối mặt là các núi đá anh ạ, được mọi điều
ngụy biện trang trí và che giấu.
-
Trời đất! Làm gì
cho những núi đá này biết nói?!.. – ông Chính rên rỉ.
-
Thế còn trên những
phương diện khác? – Lê Hải thúc giục.
-
Vâng, xin cứ từ từ
anh Lê Hải. – ông Nghĩa nói tiếp: - …Câu chuyện lớn thứ hai là chưa có dân chủ
cho sự lựa chọn thống nhất của dân tộc về con đường phát triển của đất nước,
nên mọi vấn đề của tương lai đất nước hoàn toàn do Đảng định đoạt các anh ạ!..
Đảng một mực khăng khăng độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Rồi cứ thế
thẳng tay ốp vào cho dân cho nước.
-
Đảng đâu có ốp! –
ông Lê Hải bật luôn: - …Đảng nói đấy là sự lựa chọn của dân tộc.
-
Nói dối như thê
còn tệ hơn ốp, anh Lê Hải ạ. – ông Nghĩa đáp lại: - …Mặc dù đến hôm nay Đảng ta
vẫn chưa hình dung được cụ thể chủ nghĩa xã hội là cái quái gì.., ngoài cái ý
thức hệ được coi như kinh thánh… Phe xã hội chủ nghĩa đã đổ từ đời tám oánh nào
rồi, nhưng kinh thánh này vẫn mãi mãi bất khả xâm phạm!
-
Phải nói là kinh
giả chứ! – tướng Lê Hải chêm vào.
-
Vâng. Kiên trì định
hướng xã hội chủ nghĩa thực chất chỉ là kiên trì quyền lực bất khả xâm phạm của
Đảng. Tầm nhìn cho suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được xác định là
hàng trăm năm! Nghĩa là cho sự tồn tại của chế độ này hàng trăm năm...
-
Cắt lưỡi ngay!
Nhưng cho phép nói hết trước khi cắt! – Lê Hải bình vào.
-
Vâng, đổ lên đổ
xuống đến mức phải đổi mới, song được vài chục năm bây giờ lại ngựa quen đường
cũ các anh ạ.
-
Làm sao trở lại
được thời bao cấp mà bảo là ngựa quen đường cũ hả anh Nghĩa? – Thạch hỏi.
-
Đường cũ đây là độc
tài, là đảng trị.., hình thành từ những năm tháng cướp chính quyền và chiến
tranh… Là những cái đại loại như vậy trong những năm hòa bình… Là những bước
phát triển mới nhất của tham nhũng và toàn trị cố hữu trong chế độ chính trị một
đảng, Thạch ạ.
-
Anh Nghĩa ạ, quyền
lực nào mà không cần chính danh? Quyền lực tự chiếm lấy, lại càng phải cố tạo ra
cái chính danh làm bùa hộ thân. Nhưng tại sao nó tồn tại được lâu thế trong thời
đại ngày nay? Chúng ta lại rơi vào câu hỏi cũ lúc nãy: Trăm sự chẳng qua bởi
nhân dân ta giác ngộ về tự do còn thấp quá! Bẩy chục năm qua kiên cường chịu đựng
bốn cuộc chiến tranh mà tinh thần tự do vẫn còn thấp quá!.. Anh Nghĩa có nghĩ
thế không ạ? – Thạch nêu băn khoăn của mình.
-
Nói thế nào Thạch
nhỉ… - ông Nghĩa lựa lời. - …Trong bốn cuộc chiến tranh nước ta phải trải qua,
ai cầm súng mà không khao khát tự do? Ai cầm súng mà không khao khát hạnh phúc,
cho mình, cho đất nước… Chắc chắn mọi người, kể từ những người cống hiến trọn đời
mình cho cách mạng từ những ngày đầu tiên, cho đến những người biết suy nghĩ
thuộc các thế hệ tiếp theo sau này – trong đó có chúng ta, đều không thể thừa
nhận tình trạng thể chế kinh tế, chính trị, xã hội của nước ta hôm nay là mục
tiêu cách mạng mà mọi người hồi ấy hằng theo đuổi, là sự lựa chọn của họ. Có phải
thế không các anh? – ông Nghĩa trình bầy.
-
…
-
…
Ông Chính xen vào khoảng trống chờ đợi:
-
Thực lòng tôi
không biết nên nói thế nào. Đương nhiên suy nghĩ của tôi không thể là suy nghĩ
của mọi người, vì tôi thuộc một tầng lớp người nhất định… Nhưng không hiếm lúc
trong thâm tâm tôi đã phải thú nhận: Cái nhục của nô dịch trong quốc gia độc lập
hôm nay khó nuốt hơn nhiều lần so với cái nhục thời thuộc địa Pháp… Nhất là có
mồm mà không được nói!.. – ông Chính gần
như nói giữa trời.
-
Các anh ạ,.. – giọng
ông Nghĩa thấp hẳn xuống khi nghe ông Chính gợi lại quá khứ: - …Ngay sau 30
Tháng Tư, trong buổi tranh luận với em Lễ tôi tại trại cải tạo về con đường
phát triển của đất nước, Lễ đay nghiến tôi về cái tội tôi bị lừa suốt đời mà vẫn
chưa ngộ ra! Lễ nói đi nói lại “…Đất nước
đã thắng cuộc chiến tranh này, nhưng anh chưa thắng được em!” …Hồi ấy thoạt
đầu tôi cho suy nghĩ của Lễ là phản động.., đã làm đến đại tá của quân đội Sài
Gòn thì ắt càng phản động! Sau tôi nghĩ rằng đó là nhân sinh quan của Lễ …Nhưng
hôm nay… - ông Nghĩa phải hít vào ngực một hơi dài như để nén xuống sự chua sót
của mình rồi mới nói tiếp được: - …Vâng, hôm nay phải thừa nhận những hy sinh
và mất mát của cả đất nước này đang bị phản bội… Sự nghiệp cách mạng cứu nước
chúng ta theo đuổi là trong sáng, nhưng ngày nay sự nghiệp này đang bị phản bội.
-
Nói như thế có
nghĩa cho đến hôm nay anh Nghĩa vẫn chưa chấp nhận sự quy kết của anh Lễ hồi ấy,
có phải thế không anh Nghĩa? – Thạch muốn đi sâu hơn nữa.
-
Thạch ạ, Lễ nhìn
sự vật theo một nhân sinh quan khác hẳn chúng ta. Lễ đã thừa nhận chiến thắng của
cách mạng, nên đã tự giao nộp mình để vào trại cải tạo. Nhưng Lễ không thừa nhận
con đường ta lựa chọn. Nói theo ngôn ngữ địch
– ta của chúng mình, thì đấy là tư duy chống
cộng của Lễ. Nhưng nói về con đường, thì phải thừa nhận Lễ đã lựa chọn
một thế giới quan của những người bác bỏ chủ nghĩa cộng sản mà chúng ta hằng
theo đuổi. Vào nằm trong trại cải tạo rồi mà Lễ vẫn dứt khoát không thừa nhận
con đường chúng ta đã lựa chọn.
-
Nói thế thì anh
không có quyền coi con đường anh Lễ lựa
chọn là phản động! Anh có dám sòng phẳng đến cùng như thế không ạ? Anh Lễ suy
nghĩ về đất nước theo tư duy của anh ấy. – Thạch hỏi.
Gian phòng lại chết lặng, lần này là vì sức nặng của
câu hỏi Thạch đặt ra. Mãi, ông Nghĩa mới nói tiếp được:
-
Đúng vậy, Thạch ạ.
Chiến tranh giải phóng đất nước và bi kịch chia rẽ dân tộc trong việc lựa chọn
con đường phát triển đã bị thời thế oái oăm
nhào trộn vào nhau làm một có chết người ta không chứ?!.. Với hồi kết là
đất nước ta, dân tộc ta hôm nay đang phải gánh chịu một bi kịch lớn hơn! Xin
các anh nhớ cho: Nếu nghĩ chỉ riêng mình mới biết yêu nước, sẽ có nghĩa coi những
người khác là lạc hậu, thậm chí là phản động. Độc quyền yêu nước đồng nghĩa với
độc quyền coi quốc gia là của riêng mình. Vì có cái độc quyền yêu nước như vậy,
nên tôi đã trở thành thượng khách trong trại giam Thạch Thất của Thạch năm nào
đấy, Thạch ạ! Nói chi đến những đồng bào ruột thịt của chúng ta đứng bên kia
chiến tuyến! Độc quyền yêu nước và tiếm quyền về bản chất thật ra chỉ là môt căn
bệnh mang hai tên gọi khác nhau mà thôi. Còn đâu là chân lý, là đúng, là sai..,
thì cứ phải chiếu vào cái điểm mấu chốt
chúng ta đã đụng vào lúc nãy.
-
Ôi Nghĩa! Tên đại
phản động chính cống! Còn ai lên án chủ nghĩa cộng sản quyết liệt như mi nữa
không! – tướng Lê Hải ngửa cổ kêu lên giữa nhà. Ông muốn diễn đạt những khía cạnh
sắc buốt và khó chấp nhận đối với không ít người trong hệ thống chính trị của đất
nước hôm nay.
Mọi người bàng hoàng, mở to mắt chằm chằm nhìn ông. Tất
cả đều cấm khẩu. Sự giằng xé bên trong của chính mình khiến mỗi người lúc này không
ai để ý đến ai chung quanh. Tướng Lê Hải cầm ly nước trắng lên uống một ngụm lớn
như để giải tỏa cho bản thân. Sau đó, đứng giữa nhà, vẫn cái giọng oang oang
quyết liệt, gần như ông đang nói cho chính mình:
-
Nhưng không thể
khác được! Hoàn toàn không thể khác được! Năm hay sáu cuộc chiến tranh trong một
cuộc chiến tranh kết cục là như thế này đây! Trời đất ơi, năm hay sáu cuộc chiến
tranh dẫn tới hôm nay!.. … … – đến đây
ông Lê Hải mới trở lại với mọi người: - Anh Nghĩa ạ, báo cáo tổng kết của chúng
ta năm xưa đã đụng chạm tới bi kịch này, nhưng có lẽ hôm nay, sau mấy chục năm,
tất cả chúng ta ngồi đây mới thấy rõ được tầm vóc những điều xé ruột xé gan của
nó… Ôi, các anh có nghĩ như vậy không? Tôi xin kính cẩn chịu thua cụ Phạm Trung
Học và má Sáu Nhơn!.. – đến đây giọng ông Lê Hải lạc hẳn đi…
-
Vâng. Nói cho đầy
đủ, sau Ba mươi Tháng Tư cơ hội lớn nhất cho thống nhất dân tộc đã bị đánh mất.
Nói nghiêm khắc là bị tha hóa cướp mất. Tôi nhớ mãi câu nói đầu tiên của Tổng
bí thư Lê Duẩn khi đặt chân xuống Sài Gòn giải phóng: “Chiến thắng này là của toàn dân tộc!”
– ông Nghĩa lên tiếng đầu tiên. - … Ôi,
nếu suy nghĩ này dẫn dắt mọi công việc thời hậu chiến!.. Cho nên phải nói: Mọi
hy sinh đã bị phản bội, đã bị cướp mất, và bây giờ là cả nước đang bị lừa nữa!
Thủ phạm là sự tha hóa của quyền lực, là nấc thang phát triển mới của tham nhũng.
Tất cả dưới sự tác yêu tác quái của ý thức hệ các anh ạ.
-
Nghiêm khắc thì
phải nói hồi ấy chúng ta đã quá lý tưởng hóa chiến thắng và mất cảnh giác với
tha hóa! Nói cho hết nhẽ, chúng ta cũng là can phạm các anh ạ. Cho nên mới có
cách nhìn như thế của chúng ta về Lễ... – ông Chính chia sẻ: - …Cách mạng giành
được thắng lợi rồi, bây giờ người cầm quyền trở nên yêu mình hơn yêu nước! Trăm
tội do đấy mà ra! Sao chuyện của ta bây
giờ lại giống cái chuyện hậu cách mạng Pháp 1789 quá đi mất! Chẳng lẽ tha hóa đến
mức tự nô dịch là một quy luật, là một quán tính sau cách mạng à?
-
Không chỉ có như
thế, anh Chính ạ. Chính thời hậu cách mạng Pháp, tiếp đến là sụp đổ của các nước
Liên Xô Đông Âu, rồi đến thực trạng nước ta hiện nay, tất cả những hiện tượng
này cho thấy chừng nào chưa xây dựng được một thể chế khiến cho lẽ phải, cho ý
chí và sự sáng suốt chiếm được vị thế làm chủ quốc gia thì đất nước còn khốn nạn.
Cần dân chủ là vì thế! Ba thập kỷ sau đổi mới cho thấy rõ ràng không đạo đức
cách mạng nào thay được thể chế pháp quyền của nhà nước dân chủ đâu các anh ạ. Cách
mạng chỉ làm được cái việc phá bỏ cái cũ lúc đương thời mà thôi và tạo ra được
một khoảng trống cho đủ mọi thứ có thể. Tự nó không xây nên được cái gì mới.
Xây cái mới như thế hầu như và trước hết phải là nhiệm vụ của phát triển, chỉ
có thể là nhiệm vụ của phát triển, bằng cách xây dựng một chế độ chính trị của
phát triển!.. Tôi không biết kết luận như thế đã thỏa đáng chưa. Nhưng từ thực
tiễn lịch sử các nước và nước ta, tôi có thể nói chắc chắn như thế.
-
Lẽ ra phải xây thể
chế dân chủ thì lại đi xây chủ nghĩa làm phương tiện thống trị! Thế thì đừng
kêu oan phải sống như thế này nữa! – ông Chính kêu lên.
-
Vâng, không oan,
anh Chính ạ. Không oan nhưng mà oan!
-
Lý sự gì mà dở
hơi thế Nghĩa? – ông Chính có vẻ bực.
-
Không oan ở chỗ
cái chúng ta đang thiết lập nên mới chỉ là thể chế nhân trị thôi anh Chính ạ!
Nhưng mà oan là ở chỗ đấy không phải là cái đích chúng ta muốn với tới khi giơ
tay tuyên thệ dưới lá cờ Đảng! Ta đã làm thành công cách mạng với nghĩa là phá.
Còn tạo dựng nên một thể chế pháp quyền để gìn giữ kỷ cương quốc gia, để sàng lọc,
lựa chọn, để thử thách phẩm chất và tài năng điều hành đất nước… lại là việc của
xây, của phát triển. Việc này cách mạng tự nó không tạo ra được, còn chúng ta
thì đến hôm nay vẫn chưa xây được, chưa có ý thức quyết liệt về xây và không được
xây!
-
Vì tự mình bịt mắt
dân mình, khóa mồm dân mình làm sao mà xây được! Nói thế mới hết nhẽ chứ anh
Nghĩa! – ông Lê Hải bổ sung.
Cả gian phòng trầm tư im lặng.
-
…Ôi… Nếu… Vâng
trăm sự vì thiếu chữ nếu..các anh ạ! Giả thử lựa chọn con
đường dân tộc dân chủ như các anh nói!.. Đó có lẽ sẽ là con đường ngắn nhất, hiệu
quả nhất để hàn gắn vết thương đủ các loại chiến tranh nước ngoài áp đặt lên nước
ta.., từ các cuộc chiến tranh xâm lược, đến các
cuộc chiến tranh qua tay người khác (proxy wars), đến nội chiến… Làm được như thế, có lẽ sẽ không có chuyện đau
thương về hàng triệu thuyền nhân chưa từng có trên thế giới, chuyện trại cải
tạo.., sẽ tránh được bao nhiêu chuyện đau lòng khác… - ông Nghĩa tiếc nuối.
-
Và cũng không cả
vụ án Thạch Thất nữa, phải không anh Nghĩa? – Thạch thông cảm được mọi điều
đang nói ra chung quanh cái bàn này.
-
Nghĩa ạ, cứ giả định
là nếu
Đảng ta lúc ấy trời cho sáng suốt lựa chọn được như vậy, liệu các nước lớn có để
cho ta yên không? Chú đã tính đến yếu tố này chưa? – ông Chính hỏi.
-
Em nghĩ mãi rồi
anh Chính ạ. Một mục tiêu dân tộc dân chủ như vậy, sẽ tạo ra một đường lối đối
nội khác, sẽ là nền tảng cho một đường lối đối ngoại khác! Mà như thế nước ta sẽ
đi vào một bàn cờ khác của thế giới, ai đụng đến ta cũng sẽ rất khó. Mà như thế
mới thật là độc lập tự chủ các anh ạ! Câu chuyện này không chỉ là chữ “nếu”
của hôm qua. Toàn bộ câu chuyện này vẫn còn nguyên vẹn ý nghĩa của nó cho hôm
nay! Trước tiên ta phải là chính ta đã!
-
Đành là thế, song
cụ thể là các ông Tầu, ông Mỹ, ông Liên Xô lúc đó liệu có cho ta yên thân
không? – ông Chính vẫn đặt lại vấn đề.
-
Thì họ sẽ làm gì
hả anh Chính? Làm chiến tranh đánh ta? Bao vây cấm vận? Gây bạo loạn lật đổ?… –
ông Nghĩa suy nghĩ một lúc rồi nói tiếp, - …Nhưng xin đừng quên các ông Trung
Quốc, Liên Xô... và cả Mỹ nữa, lúc đầu có ai muốn ta đánh Mỹ đâu! Nhưng việc của
ta thì ta phải lo, chờ họ muốn rồi ta mới dám lo thì làm sao nên chuyện được?!
Cũng xin đừng bao giờ quên kháng chiến chống Mỹ làm sao thắng được nếu không có
sự ủng hộ của cả thế giới tiến bộ. Sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ phải có cái
gì chính nghĩa thì mới giành được sự ủng hộ như thế… Nhưng cũng xin đừng bao giờ
hiểu lầm đấy là sự ủng hộ của thế giới tiến bộ dành cho việc chúng ta lựa chọn
chủ nghĩa xã hội! Nghĩ thế là ngụy biện có chủ đích, là vô cùng tệ hại! Đấy chỉ
là sự ủng hộ của thế giới tiến bộ dành cho một dân tộc quyết hy sinh tất cả để
giành lại độc lập của mình mà thôi... Sự ủng hộ này là sự phản kháng quyết liệt
của thế giới tiến bộ, kể cả trong lòng nước Mỹ, đối với một nước lớn đi xâm lược
một nước nhỏ. Sự ủng hộ này chỉ là như vậy, không hơn, không kém.
-
Đang rộ lên trên
các trang mạng cuộc kháng chiến chống Mỹ lẽ ra không nên có, nhiều nước thuộc địa
cũ không phải trải qua chiến tranh vẫn giành được độc lập… Nghĩa lý giải thế
nào? – ông Chính hỏi.
-
Anh đụng vào câu
hỏi chết người rồi anh Chính ơi!
-
Chết người thì
càng phải mổ xẻ ra!
-
Em đã nói rồi, lịch
sử không làm lại được, nên không có chữ nếu. Nhưng bài học thì phải rút ra,
anh Chính ạ. Cứ để cho khoa học mổ xẻ lịch sử trung thực để tìm ra kết luận. Anh
cũng đã nhiều lần hỏi suy nghĩ của em có phi lịch sử hay không? Hôm nay cũng vậy…
Cứ suy nghĩ tiếp, anh Chính ạ. Em chưa
biết rồi đây khoa học lịch sử chân chính sẽ tìm được những lý lẽ hay kết luận
xác đáng nào trái với nhận định của em. Song với những gì em quan sát được, em
cho rằng sự vận động của cái trật tự thế giới “hai phe bốn mâu thuẫn”[4]
sau khi chiến tranh thế giới II kết thúc đã khách quan và bất khả kháng áp đặt
lên nước ta tình trạng trở thành trận địa của sự giằng xé nhau giữa các thế lực
lớn trên thế giới. Khách quan và bất khả kháng, xin các anh nhớ cho!.. Tương
quan giữa các lực lượng chính trị trong nước càng củng cố thêm cái bất khả
kháng này. Đấy là yếu tố chính quyết định diễn tiến lịch sử nước ta từ sau Cách
mạng Tháng Tám cho tới 30-04-1975.
-
Nghĩa có dám chắc
chắn như thế không? – ông Chính.
-
Nói tóm tắt là thế
này anh Chính ạ: Con đường dẫn đến Cách Mạng Tháng Tám bắt đầu từ ngày ba tháng
hai năm ba mươi (03-02-1930). Đấy là con đường của chuyên chính vô sản, vay mượn
từ Liên Xô, từ Trung Quốc... Lại thêm tình hình đất nước khốn khổ dưới ách thuộc
địa trong những năm chiến tranh thế giới II, rồi nạn đói năm bốn nhăm (1945). Cho
nên đất nước rơi vào ý thức hệ cộng sản để rồi đi hẳn với “phe” xã hội chủ
nghĩa là không thể tránh được. Nhất là chiến thắng của Liên Xô trong chiến
tranh thế giới II có ảnh hưởng to lớn lắm đối với cả thế giới, trước hết là các
nước thuộc địa.
-
Đang có những ý
kiến cho rằng Cách mạng Tháng Tám nổ ra trong khoảng trống quyền lực, cướp
chính quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim. Nghĩa thấy thế nào? – ông Chính.
-
Anh Chính ạ, cứ để
cho lịch sử bằng các sự kiện đã xảy ra có tiếng nói khách quan của nó. Dù là gì
gì đi nữa, theo em, diễn tiến của Cách mạng Tháng Tám xuất phát từ cái gốc gác ngày Ba Tháng Hai (03-02-1930). Và với
tương quan những lực lượng chính trị - xã hội trong nước ta thời ấy, nên Cách mạng
Tháng Tám chỉ có thể xảy ra như đã xảy ra, không thể khác được đâu, cho dù trước
đó đã có chính phủ Trần Trọng Kim. Đấy chính là diễn tiến của bạo lực phong
trào cách mạng vô sản thời ấy ở nước ta… Rồi mọi chuyện cứ diễn tiến tiếp trên
cái đường ray đã được đặt ra từ ngày Ba Tháng Hai như thế cho đến Ba mươi Tháng
tư (30-4-1975). Cái chủ động từ bên trong của sự vật là Đảng đã lựa chọn con đường
này với tất cả niềm tin tôn giáo. Cả hai thứ, nội tình đất nước như thế, cùng với
bối cảnh bên ngoài như thế, khiến cho con đường đất nước đã đi là không thể
tránh khỏi các anh ạ.
-
Lấy cái ngày Ba
tháng Hai làm điểm xuất phát (của con đường đã đi qua) là có lý đấy, tôi tán thành
các anh ạ. Vì mọi việc bắt đầu từ đấy. Rồi tiếp đến là sự tranh giành quyết liệt
của “hai phe” sau chiến tranh thế giới II… Sau khi các nước xã hội chủ nghĩa
Đông Âu ra đời, việc Trung Cộng thắng Quốc Cộng càng củng cố cho cái gọi là xu
thế tất yếu tiến lên chủ nghĩa xã hội của loài người. Với cái điểm xuất phát
ngày Ba tháng Hai như anh Nghĩa nêu ra, lại trong bối cảnh thế giới như thế, Việt
Nam làm sao thoát khỏi đi vào dòng thác xã hội chủ nghĩa hả các anh?.. Chưa nói
đến việc Đảng chủ động lựa chọn đi vào dòng thác này. – tướng Lê Hải bình.
-
Sẽ là phi lịch sử
nếu phủ nhận thực tế khách quan như vậy các anh ạ. – ông Nghĩa được tướng Lê Hải
tiếp sức. - …Cái diễn biến của quá trình này ở nước ta là niềm tin tôn giáo hôm
qua đang biến tướng thành tà giáo hôm nay. Có phải thế không anh Chính?
-
Phải. Nhưng chưa
thuyết phục lắm. Vì về sau một nửa đất nước lựa chọn con đường khác cơ mà! –
ông Chính hỏi.
Câu
chuyện lại đứt quãng một lúc dài.
-
Anh Chính đặt vấn
đề khó quá. Nhưng đúng là như vậy… - mãi ông Nghĩa mới nói được. - … Trước khi
mổ xẻ tiếp, xin cả nhà đừng quên hai cuộc chiến tranh xâm lược, một là của
Pháp, một là của Mỹ. Hai cuộc chiến tranh này đẩy hẳn nước ta không tài nào cưỡng
lại nổi vào con đường có điểm xuất phát là mùng Ba tháng Hai, không cựa quậy đi
đâu được! Muốn kháng chiến giành độc lập thắng lợi, tất yếu phải dựa hẳn vào
phe xã hội chủ nghĩa. Cho nên theo em, cuộc kháng chiến chống Mỹ là sản phẩm của
các nhân tố lịch sử trong nước và các nhân tố bên ngoài của trật tự quốc tế hồi
ấy, là không thể tránh được. Không thể có chuyện (cuộc kháng chiến này) cần thiết
hay không cần thiết ở đây. Trong cái bối cảnh của bất khả kháng do tình hình
bên trong và bên ngoài tạo ra như vậy, sự lựa chọn của Sài Gòn diễn ra chậm hơn
anh Chính ạ, bởi vì Sài Gòn được bên ngoài lập ra muộn hơn. Sự lựa chọn của Sài
Gòn cũng là sự lựa chọn đi với một bên chống một bên trong cái thế giới hai
phe. Hơn nữa tương quan lực lượng giữa Hà Nội và Sài Gòn nghiêng hẳn về Hà Nội.
Vì thế sự xuất hiện của chính quyền Sài Gòn dù là với tính cách gì đi nữa, cũng
chỉ là thêm một tác nhân đối nội tham gia vào cuộc chiến tranh qua tay người
khác trên đất nước ta mà thôi. Vì lẽ cốt yếu này, sự lựa chọn của Sài Gòn không
thể trở thành khả năng, hay là tiềm tàng khả năng mở ra cho đất nước một con đường
khác được. Sự lựa chọn của Sài Gòn chỉ càng làm cho cuộc kháng chiến chống Mỹ
xâm lược thêm quyết liệt hơn và bi kịch hơn nhiều phần. Bởi vì sự đối kháng giữa
Hà Nội và Sài Gòn là phủ định nhau.
-
???…
-
???…
-
Có thể kết luận
thế này được không anh Nghĩa: Ý thức hệ đã khiến cho nước ta cả hai bên tự giác
tham gia hay thụ động bị cuốn hút vào sự giằng xé giữa các nước lớn. – tướng Lê
Hải hỏi.
-
Đấy là bài học chết
người đấy anh Lê Hải ạ. – ông Nghĩa trả lời.
- …Nói thẳng thắn, trong suốt thời kỳ này trí tuệ trong cả nước, dù là Bắc
hay Nam, đều chưa đủ tầm vượt lên trên ý thức hệ, càng chưa đủ ý chí và nghị lực
để tạo ra sự đồng lòng nhất trí trong cả nước đi tới đồng thuận lựa chọn lợi
ích tối cao của dân tộc. Do đó không có hay thiếu hẳn ý thức phải bằng mọi cách
thoát ra bằng được thân phận làm trận địa cho sự giằng xé ba bề bốn bên này. Thực
tế khách quan của lịch sử nước ta thời kỳ này là như vậy. Sự thấp kém của các lực
lượng chính trị ở nước ta ta chính là điểm này. Ngày hôm nay cũng vẫn vậy, căn
bệnh di truyền của tiểu nhược quốc chăng?.. Đây sẽ còn là cái khốn khổ lâu dài
của đất nước các anh ạ, thậm chí có thể một lần nữa làm chìm đất nước trong cái
thế giới hôm nay…
-
Đúng thế, các anh
ạ. Điểm này quan trọng lắm. – tướng Lê Hải đồng tình. - …Ta đã một thời còn tự
nhận mình là tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa cơ mà. Sau Ba mươi Tháng Tư Đảng
càng quyết chọn con đường của chủ nghĩa xã hội. Sự thật là cho đến hôm nay vẫn
còn nhiều đảng viên chân chính không giác ngộ được đúng đắn lợi ích dân tộc
mình là gì. Hoặc quá tả, nghĩa là thần thánh hóa cuộc kháng chiến chống Mỹ và vẫn
sống riết với nó. Hoặc quá hữu, nghĩa là phủ nhận sạch trơn tất cả. Họ không
nhìn thấy chỗ yếu kém bi đát này của Đảng và của dân tộc.
-
Thưa các anh, nếu
viết giấy trắng mực đen những điều anh Lê Hải và anh Nghĩa vừa nói hôm nay vào
hồ sơ trong vụ án Thạch Thất năm nào, thì anh Nghĩa chắc chắn hồi ấy đã được y
án rồi… Thật may phước cho anh Nghĩa!..
– Thạch vừa nói vừa thay tách chén cho mọi người.
Tất cả đều cười về hai chữ y án của Thạch.
Thạch nói tiếp:
-
Vâng. Và nếu như
thế, hôm nay có mặt ở đây sẽ không phải là đại tá thương binh Phạm Trung Nghĩa
đâu ạ. Xin các anh thử hình dung, người ngồi đây sẽ chỉ còn là cái ảnh tên phản
quốc Phạm Trung Nghĩa trên bàn thờ họ Phạm! Thật không thể tưởng tượng được các
anh ạ!.. Nhưng xin các anh suy nghĩ thấu đáo cho: Sự thật là những hy sinh của
cả 2 miền, nhất là những hy sinh của phía cách mạng trong cả nước và của miền Bắc
trong kháng chiến chống Mỹ không lời nào tả xiết. Đành rằng cuộc kháng chiến
này xảy ra là bất khả kháng. Song từ chỗ đứng hôm nay nhìn lại, ngày đêm tôi vẫn
bị giày vò: Để đất nước hôm nay như thế này, cuộc kháng chiến này có đáng
không?.. – mặt Thạch vừa nhăn nhó, vừa lạnh lùng.
Trong giây lát tiếng cười chết lặng trong cổ mọi người.
-
Tôi xin lỗi các
anh ạ, - giọng Thạch trầm hẳn xuống: - …Tôi nghĩ thế, vì vụ án Thạch Thất có lẽ
sẽ còn đeo đẳng tôi suốt đời.
-
Anh Lê Hải ạ, bây
giờ nhìn lại thì thấy như thế. Nhưng chẳng lẽ “chủ nghĩa” chẳng có ý nghĩa gì với
tất cả chúng ta ngồi đây hay sao? Nhất là đối với những người như anh, bần cố
nông và công nhân chính hiệu hẳn hoi, lại vào Đảng từ thời Nam tiến[5]...
Chúng ta thử cố thật sòng phẳng với mình xem sao. - ông Chính nêu vấn đề mới.
-
Có chứ anh Chính.
Cái chất cách mạng của chúng ta hình thành từ đấy mà, làm sao nói khác được?..
Nó vẫn còn hun đúc bầu nhiệt huyết của chúng ta hôm nay, làm nên con người
chúng ta hôm nay... Phải, vì tin vào chủ nghĩa, nên lúc đó chúng ta đã mơ ước
thế giới đại đồng. Tin thực lòng! Muốn hay không mấy thập kỷ sau chiến tranh thế
giới thứ hai ngọn cờ chủ nghĩa xã hội đã ảnh hưởng tới gần một phần ba nhân loại.
-
Sự ấu trĩ của thời
đại? – ông Chính hỏi.
-
Nói thế to tát quá,
tôi chưa đủ trí tuệ để nghĩ tới anh Chính ạ. – ông Lê Hải trả lời: - …Nó là sự
sụp đổ của chủ nghĩa thực dân, là sự tranh giành quyền lực sau chiến tranh thế
giới lần thứ hai, là nhiều thứ khác nữa…Tôi chỉ muốn tập trung vào câu chuyện của
nước ta. Vậy cái gốc là gì? Đó là ước vọng được giải phóng, ước vọng được tự
do, được hạnh phúc. Ở nước ta cái gốc này là tinh thần yêu nước, là ý chí giải
phóng. Mà lúc ấy ai cũng thấy con đường của chủ nghĩa xã hội, của chủ nghĩa cộng
sản là lý tưởng nhất, hiện thực nhất! Đó là cái chất đã đã làm nên chúng ta ngồi
đây hôm nay. Không mơ ước như thế làm sao dám làm cách mạng, dám chiến đấu tung
trời không xá gì mình như vậy, có phải không?
-
Vâng, tất cả
chúng ta ngồi đây đều thế. – ông Chính đồng tình.
-
Còn cái không tưởng
là vấp váp, là cái giá tất yếu phải trả. Quy luật muôn đời mà! – tướng Lê Hải
nói tiếp. - …Chỉ có điều chúng ta đã sống quá lâu như một tín đồ!.. …Xin lưu ý các
anh, hai chữ “tín đồ” là anh Lễ tặng anh Nghĩa, nhưng người nhận lại là tôi!
Không phải chữ của tôi đặt ra đâu.
-
Vâng, Lễ quy kết
tôi như vậy khi hai anh em tôi tranh luận với nhau về Marx và chủ nghĩa xã hội.
Lúc ấy Lễ vừa mới bước chân vào trại cải tạo[6].
– ông Nghĩa nói thêm.
-
Đối với tôi, “chủ
nghĩa” – cái mà anh Nghĩa bây giờ gọi là học thuyết – chỉ còn ngưng đọng lại
trong tôi cái tinh thần giải phóng. Tôi không muốn để mất cái chất này, chừng nào
tôi còn là Lê Hải. Tôi không sống khác được.
-
Nói thật đi, anh
có từ cực nọ nhảy sang cực kia không, anh Lê Hải? – ông Chính hỏi thẳng, với mục
đích là để nhìn lại chính mình cho rõ.
Ông Lê Hải đắn
đo một lúc mới nói được:
-
Chưa nói thế được.
Tôi cần thêm thời gian để có câu trả lời dứt khoát. Cả cuộc đời mình, tôi bắt đầu
chọn chủ nghĩa làm lý tưởng sống của mình, rồi vấp váp, rồi có không ít kinh
nghiệm cay đắng với “chủ nghĩa”, nhất là thời kỳ đang cầm súng và những năm vừa
mới bước ra khỏi chiến tranh... Trong chiến tranh, tôi nghiệm được giáo điều của
chủ nghĩa thường đồng nghĩa với cái chết, với bại trận… Chứ không đơn thuần là
chuyện còn lập trường hay mất lập trường để ba hoa chích choè vớ vẩn với nhau
đâu. Càng về sau, nhất là từ khi giải phóng đất nước đến nay, tôi càng được cuộc
sống mở mắt: Chủ nghĩa đã trở thành quyền lực, với tính cách này nó đang tiếp tục
vứt bỏ cái tinh thần giải phóng! Nó hạn
chế tự do tư duy, nó rất đắc dụng là
công cụ của nô dịch. Trở thành quyền lực, chính nó bây giờ trở thành chuyện tào lao!.. – ông Lê Hải nói hết ý của
mình.
Câu chuyện đầy gay cấn mà mọi người vẫn phải bật cười.
-
Hôm nay tôi được
nghe anh Lê Hải thành khẩn nói thái độ của mình đối với Mác (Marx), tư tưởng
Mác, học thuyết Mác, chủ nghĩa Mác (Marxism). Hiểu như anh Lê Hải là chúng ta
có ba bốn ông Mác! Anh có dám nói rằng không có cái chất ấy không có Lê Hải hôm
nay không? – ông Chính vẫn bám riết.
Lê Hải lại phải suy nghĩ và trần trừ một lúc:
-
Cái lão Chính hâm
này, trời đánh thánh vật anh đi! Cứ toàn hỏi khó người ta... Tôi đâu có phải là con người của lý luận!
-
Anh Chính ơi, anh
truy kích anh Lê Hải không đúng chỗ rồi. -
ông Nghĩa muốn đi sâu nữa vào câu chuyện đang bàn. - …Lẽ ra anh phải hỏi:
Có phải ảnh Lê Hải bị thất sủng nên mới quay đầu sám hối và bác bỏ “chủ nghĩa”
không? Đặt vấn đề như thế mới vỡ lẽ được các anh ạ.
Mọi người cảm thấy câu hỏi của ông Nghĩa lý thú, ông Chính
hưởng ứng ngay:
-
Không ngờ hôm nay
chúng ta có một cuộc xưng tội. Kính lão đắc thọ, mời anh Lê Hải nói trước đi.
-
Không khảo mà
xưng hả?.. – ông Lê Hải uống xong ngụm nước rồi mới nói tiếp: - …Thực tình, để
cảnh giác với chính mình, tôi đã tự hỏi mình nhiều lần câu hỏi của anh Nghĩa
các anh ạ. Tôi nghĩ không có chuyện thất sủng hay sám hối nào ở đây cả. Trước
sau tôi vẫn nhìn nhận Marx là thần tượng của ý chí giải phóng, ý chí cách mạng,
hôm nay cũng vậy. Sự thật là tôi có đọc gì nhiều về Marx đâu… Chính vì thế nên
càng thích cái ý chí giải phóng của Marx, nhất là Marx coi sự phát triển tự do
của mỗi người là điều kiện phát triển tự do của mọi người! Thế thôi! Muốn giải
phóng đích thực thì phải làm như thế. Làm cách mạng, tôi chỉ quan tâm đến điều
này…
-
Thế còn chủ
nghĩa, anh Lê Hải? – ông Chính xen ngang.
-
Còn về chủ nghĩa
à? Vâng, có thể nói những năm chiến
tranh đã dậy tôi không được giáo điều. Sự dũng cảm hay là bản lĩnh suốt cuộc đời
người lính trong tôi được nuôi dưỡng bởi ý chí giải phóng này. Nói lại nhé, về
đọc, tôi chịu thua xa cái chân gỗ nhà này. – tay tướng Lê Hải chỉ vào cái chân
gỗ của ông Nghĩa. - …Suốt thời gian ở Học
viện Quân sự tôi có dịp so sánh Marx với một vài triết gia khác, và tôi càng thấy
Marx hợp với nguyện vọng của mình nhất ở điểm giải phóng, dám đặt vấn đề giải
phóng... Những chuyện khác của Marx rắc rối và khó hiểu quá. Còn chủ nghĩa cộng
sản như Marx đã viết ra trong Tuyên Ngôn thì Engels đã đính chính đến ba bốn lần
rồi. Sự sụp đổ của các nước Liên Xô Đông Âu cũng nói lên tất cả rồi… Bây giờ có
thể nói chắc chắn, với tinh thần giải phóng như vậy, với lòng yêu nước và sự
trung thực, đấy chính là động cơ thúc đẩy anh Nghĩa và tôi làm nhiệm vụ nghiên
cứu khi được giao cho tổng kết chiến tranh các anh ạ. Lúc ấy cả hai chúng tôi
đang được trọng dụng, đâu có bị thất sủng mà phải sám hối, có phải thế không
anh Nghĩa? Thậm chí hồi đó chúng tôi được coi là sắc sảo, nên mới được chọn ra
để giao cho nhiệm vụ tổng kết. Chúng tôi tổng kết với tâm thế người chiến thắng,
và với nỗi cay đắng bị đồng chí đồng cốt của mình phản bội đem căng đất nước
mình ra cả hai đầu mà đánh tới tấp.
-
Thưa các anh đúng
như vậy ạ. – ông Nghĩa trình bày: - …Khi bắt tay vào tổng kết chiến tranh, cả
hai chúng tôi đều ở đỉnh cao say sưa chiến thắng, đều được trọng dụng. Khi nhận
công tác ở Viện tôi là trung tá, khi bị bật ra khỏi quân ngũ tôi là đại tá,
không thể có chuyện thất sủng ở đây được. Chỉ có một điều là trong nhiệm vụ tổng
kết này ngay lập tức hai chúng tôi vấp phải những sự thật phũ phàng, nhất là vấn
đề Campuchia và việc Trung Quốc đánh ta. Thế rồi trong gia đình tôi mất thêm
cháu Huệ và cháu Nam. Bên anh Hải thì đại gia đình trong Nam tan tác vì chuyện
di tản, rồi những đổ vỡ trong kinh tế cả nước… Anh Hải nói đúng, trong tình
hình có bao nhiêu chuyện ngang trái như vậy, nỗi thương dân tộc mình và gia
đình mình, và sự trung thực, ý chí bất khuất, đấy là những yếu tố đã giác ngộ
chúng tôi. Hôm nay có lẽ.., nói ra có thể là không khiêm tốn… …Vâng, với ý
nghĩa nào đó.., đúng là anh Hải và tôi sau đó đã bị thất sủng, chỉ vì yêu nước,
yêu nhân dân mình và trung thực. Nói như thế có lẽ hợp lý hơn là nghĩ rằng hai
chúng tôi đã phản bội lại “chủ nghĩa”.
-
Ôi!.. Vậy thưa
anh Nghĩa, chúng ta bây giờ là loại đảng viên nào ạ? – Thạch đeo đuổi.
-
Trong thâm tâm,
không dưới một lần tôi phải tự hỏi mình: Mày có phải là tên cộng sản trở cờ
không? Cũng trong thâm tâm tôi tự trả lời cho mình: Ngàn lần không! Trước sau
tôi vẫn là đảng viên của Đảng đã làm nên Cách mạng Tháng Tám và lãnh đạo thành
công hai cuộc kháng chiến. Bây giờ tôi phải tiếp tục làm tròn nghĩa vụ đảng
viên của một Đảng yêu nước như thế. Năm này qua năm khác, cái chân gỗ của tôi gần
như hàng ngày cảnh cáo tôi: Không được phản
bội một hy sinh nào! Không một mất mát nào được bỏ qua!..[7]
-
Vâng, nhưng thưa
anh Nghĩa, làm thế nào tách bạch được Đảng như thế với Đảng hiện hữu đang tồn tại
ạ? – Thạch hỏi.
-
Tôi hy vọng cuộc
sống sẽ tự tìm ra lối đi của nó...
-
Thế mới biết thế
hệ trẻ khá thật. Cháu Huỳnh Thái Vũ đã nói thay chúng ta: Đảng trong tim tôi và Đảng khai trừ tôi là hai đảng khác nhau[8].
Các cháu đã lựa chọn một con đường khác. – tướng Lê Hải chêm vào, trong đầu ông
liên hệ đến các cháu mình.
-
Vậy anh là người
yêu nước khi vào Đảng, và bây giờ vẫn là người đảng viên ấy, chỉ đang cố học
thêm những điều cuộc sống dạy dỗ. Thưa anh Nghĩa, Cho điểm anh như thế có được
không ạ? – Thạch hỏi vui.
-
…
-
…
-
Có lẽ đúng đấy
các anh ạ. – ông Chính thổ lộ. - …Sẽ là vô ích, nếu đến lúc này vẫn cứ lăn tăn
mãi với nhau mấy cuộc kháng chiến vừa qua là cần hay không cần, là tránh được
hay không tránh được… Làm gì có chuyện làm lại lịch sử? Nhưng rút ra được bài học
gì từ đau thương hôm qua mới là điều có ý nghĩa sống còn cho hôm nay các anh ạ.
Ngay trong chúng ta ngồi đây, cách suy nghĩ vẫn còn những điểm khác nhau… - ông
Chính đắn đo …
-
…
-
…
Mọi người kiên nhẫn chờ đợi.
-
Suy nghĩ của tôi
là thế này các anh ạ… - ông Chính nói tiếp: - …Nhìn lại, chung cuộc tôi muốn
nói dân tộc ta dại quá, bảy mươi năm qua bị lừa lên lừa xuống, bị lừa từ mọi
phía, đến hôm nay vẫn chưa tỉnh. Sao có thể lừa nhân dân ta dễ thế được?!..
-
Phải nói thật là
ngay chúng ta đây cũng bị lừa, anh Chính ạ. – tướng Lê Hải xen vào.
-
Vâng, xin cho tôi
nói tiếp, - ông Chính giãi bầy. - …Sự thật là cả Bắc và Nam đều bị lừa các anh ạ,
cả cộng sản và chống cộng. Bị các lý thuyết vay mượn và các nước ngoài lừa! Các
lực lượng chính trị của nước mình lúc đầu là bị mê hoặc và sau đó rút cuộc cũng
bị lừa. Cái cốt lõi là cả nước không đủ tầm nhìn đặt đúng chỗ lợi ích tối cao của
dân tộc, của quốc gia trong cái thế giới giằng xé nhau quyết liệt của thời chiến
tranh lạnh. Không bị kéo về bên này thì cũng ngả về bên kia… Rồi trong tha hóa của quyền lực, tất cả các lực
lượng chính trị của đất nước dù là bên nào, đã quay sang lừa lại chính bản thân
mình và nhân dân mình!.. Nghĩa nói đúng đấy, bảy mươi năm qua đất nước ta có
quá nhiều cái nhào trộn vào nhau, giữa ý thức hệ và lợi ích dân tộc, giữa các lợi
ích và các mâu thuẫn khác nhau trong xã hôi, lại rơi thỏm vào bối cảnh lớn của
cái thế giới thời chiến tranh lạnh, giữa lúc đất nước chìm đắm trong cái nghèo,
cái ngu dân và lạc hậu…
Ông Chính dừng lại, đắn đo một lúc rồi mới nói tiếp:
-
Các anh ạ, để tìm
được lối ra của đất nước hôm nay, tôi muốn nói tách bạch ra: Dù là gì gì đi nữa..,
kể cả những hy sinh và tổn thất núi xương sông máu cả nước không phân biệt bên
này bên kia đã phải trả, đất nước bị tàn phá tan hoang.., kể cả những sai lầm
và tội ác, những đau thương có thể tránh được hoặc những cơ hội bị đánh mất..,
kể cả những cách nhìn khác biệt hoặc ngược hẳn lại.., song theo tôi cuối cùng vẫn
phải nói cho khách quan: Đảng Cộng Sản Việt Nam đã lãnh đạo đất nước đánh thắng
chiến tranh thực dân của Pháp và chiến tranh xâm lược của Mỹ, hoàn thành được sự
nghiệp độc lập thống nhất. Xin nhớ cho, không có tinh thần này, không thể đánh
thắng chiến tranh Trung Quốc xâm lược biên giới nước ta tháng hai năm bảy chín
(01-1979) và không thể nào giải quyết được vấn đề Campuchia. Thành quả giành độc
lập thống nhất cho đất nước càng đẫm máu và đau đớn bao nhiêu, hôm nay càng phải
ra sức gìn giữ bấy nhiêu, để không bao giờ trở lại kiếp nô lệ và đất nước bị
chia cắt, lòng dân phân tán... Còn mọi bài học thì phải rút ra để không bao giờ
tái diễn bi kịch quốc gia – dân tộc
có một không hai này suốt hai nghìn năm lịch sử của đất nước... Dù là gì gì đi nữa, cái truyền thống anh dũng
chống ngoại xâm thì phải gìn giữ đời đời, không được một lúc nào lơ là…
Ông Chính lại phải dừng lại một lúc để cân nhắc, vì tự
mình cũng thấy những điều định nói ra ngày càng khó…:
-
… … Nhiều đêm
thao thức, tôi cố gắng vượt lên chính mình, cố công tâm nhìn nhận mọi phía Bắc
và Nam, cộng sản và chống cộng, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc… Nghĩa là
nhìn lại tất cả, đưa lên bàn cân tất cả, để đi tới kết luận như vậy. Cần bỏ
công sức làm rõ điều này, để nhân dân ta không bao giờ lại bị mắc lừa như thế nữa
các anh ạ! Trí tuệ của đất nước phải mổ xẻ đến cùng những bài học xương máu này
để tìm cách thay đổi dân tộc mình, nâng dân tộc mình lên. Nhìn rõ mình và nhìn
rõ người để đi tới kết luận dứt khoát không một giây phút nào được xa dời lợi
ích quốc gia, không bao giờ được phép chạy theo (a-dua) hay gửi gắm thân phận
mình vào tay người! Chỉ như thế mới hy vọng rồi đây sẽ tìm được lối ra các anh ạ…
Tôi hiểu lịch sử không có chữ nếu. Nhưng hoàn toàn có thể giả định,
nếu sau Ba mươi Tháng Tư Việt Nam là một nước tự do của một dân tộc hòa giải và
tự do, có lẽ sẽ khó xảy ra chiến tranh tháng hai bẩy chín (02-1979) và chiến
tranh Campuchia, vì như thế sẽ khó có chuyện Trung Quốc và Mỹ kéo dài cái bắt
tay ở Thượng Hải năm bẩy hai (1972), để câu kết với nhau tiếp tục phá ta hàng
chục năm tiếp theo sau Ba mươi Tháng Tư, đồng thời nước ta cũng sẽ tránh được nạn
thuyền nhân đau lòng, có phải thế không?.. Một Việt Nam của hòa giải và tự do
như thế sẽ xuất hiện trong một bàn cờ thế giới hoàn toàn khác… Một Việt Nam của
hòa giải và tự do như thế sau sự kiện sụp đổ của các nước Liên Xô Đông Âu cũ chắc
cũng không phải hứng chịu cái họa nô dịch mới bắt đầu từ Thành Đô… Vì thiếu vắng
một Việt Nam giác ngộ đến cùng lợi ích quốc gia thiêng liêng của mình như vậy,
nên cho đến tận hôm nay vẫn không thể có được chữ nếu này các anh ạ. Cơ hội
lớn đến, cơ hội lại vuột mất. Đã ba bốn lần như vậy trong bốn chục năm này! Để
hôm nay đang ngày càng sa lầy trầm trọng hơn…
Tôi muốn biết ý các anh thế nào?
Lào xào một lúc, mọi người đều yêu cầu ông Chính nói
tiếp.
-
Vâng… - ông Chính
chậm rãi, - …Nhìn lại, cuộc chiến tranh Việt Nam của Mỹ vượt ra ngoài tính chất
một cuộc chiến tranh xâm lược thông thường các anh ạ. Mỹ đánh ta bắt đầu từ
tham gia cuộc chiến tranh Đông Dương của thực dân Pháp, rồi từ 1963 trở đi trực
tiếp đánh ta cả trong Nam ngoài Bắc, nhưng không để chiếm thuộc địa. Mỹ nhằm một
mục tiêu chiến lược lớn hơn nhiều là ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản và tìm cách
khẳng định vai trò bá chủ thế giới của Mỹ. Cái Pax Americana trần trụi là như vậy! Đối thủ số một là Liên Xô, rồi
mới đến Trung Quốc, Việt Nam chẳng qua chỉ là trận địa và là đồng minh tiền tuyến
của cộng sản thôi.
-
Thưa anh Chính,
nói như thế, anh có dám nghĩ Việt Nam không phải là kẻ thù đích danh của Mỹ
không ạ? – ông Thạch thắc mắc.
-
Tôi nghĩ tự thân
Việt Nam không bao giờ có đủ điều kiện trở thành kẻ thù của Mỹ được, anh Thạch ạ.
Tôi nghĩ muôn sự chỉ tại cái địa chính trị của thế giới và tại sự lựa chọn lầm
lạc của chính ta ở cả hai phía Bắc (Hà Nội) và Nam (Sài Gòn) trong cái địa
chính trị này mà thôi! – ông Chính trả lời. - …Trong cuộc chiến tranh Việt Nam,
chính vì lý do mỗi mục tiêu chính trị nằm trong hai ba mục tiêu khác nhau, đồng
thời hai ba mục tiêu chính trị khác nhau lại nằm trong một mục tiêu chính trị nhất
định, nên cuộc chiến tranh này vô cùng phức tạp, vô cùng khốc liệt, và rất đẫm
máu... Tôi nghĩ cho đến nay đây là cuộc chiến tranh xâm lược bên ngoài dài nhất
và khốc liệt nhất của lịch sử Mỹ. Nói như thế để thấy cho thấu đáo tinh thần chống
xâm lược vô cùng anh dũng của nhân dân ta, đừng giây phút nào quên điều này.
-
Nhưng thưa anh
Chính, làm sao có thể chẻ ra cho rạch ròi những vấn đề ngược hẳn nhau song lại
lồng quyện vào nhau làm một như thế này ạ? Bất kỳ một nhận định nào anh nêu ra
cũng đều mang trong nó ba bốn mâu thuẫn khác nhau, có phải thế không ạ?. – Thạch
phân vân.
-
Đúng thế, vì bản
chất sự việc là như thế, anh Thạch ạ. Tôi muốn nói đến mức thế này, dù trong
tình cảm của bất kỳ cách nhìn nào còn mang nặng những phân vân ngang trái đến
đâu đi nữa, hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước khách quan là một bước ngoặt
lịch sử, các anh ạ: Chấm dứt thời kỳ mất nước và bị chia cắt, mở ra một thời kỳ
hay một giai đoạn lịch sử mới của nước ta với tính cách là một quốc gia độc lập
sau một trăm năm mươi năm (150 năm) mất nước và chiến tranh. Cần đứng trên quan
điểm lợi ích quốc gia với tất cả tinh thần hòa giải dân tộc để nhận thức thấu
đáo bước ngoặt quyết định này, tôi nghĩ vậy. Phải bảo vệ thành quả vỹ đại này,
cái giá phải trả càng đắt thì càng phải trân trọng và gìn giữ, để cân nhắc thấu
đáo những quyết định phải lựa chọn cho hiện tại và tương lai, có phải như thế
không? Càng hiểu thấu cái giá phải trả, càng phải có trách nhiệm, có trách nhiệm
cao nhất cho hiện tại và tương lai của đất nước các anh ạ. Phải bắt đầu từ đây
các anh ạ, chứ không phải là xóa đi làm lại từ đầu! Dứt khoát không thể để xảy
ra xóa đi làm lại từ đầu, rồi lại chiến tranh nữa, nồi da xáo thịt lần nữa!
Không thể như thế được, có phải không? Chẳng lẽ đã bốn thập kỷ nay rồi mà vẫn cứ
tiếp tục dày vò lẫn nhau về quá khứ? Các anh có nghĩ thế không?.. Có làm được
như thế hay không lại là một vấn đề khác, lúc nào sẽ bàn tiếp. Nhưng phải bắt đầu
từ đây!.. - ông Chính đặt vấn đề.
-
Để lý trí dẫn dắt,
phải chấp nhận cách suy nghĩ của anh, nếu không thì đi vào ngõ cụt mất anh
Chính ạ. Tôi đồng tình . Không được phép đưa đất nước vào ngõ cụt và cứ luẩn quẩn
mãi với quá khứ. – tướng Lê Hải tán thành.
-
Ôi, thế là tôi đã
có đồng minh quan trọng trong suy nghĩ này. Xin nói tiếp. – ông Chính phấn khởi
hẳn lên: - …Chống xâm lược để bảo vệ tổ quốc và hòa giải với Mỹ hôm nay là hai
chuyện khác nhau, nên tách bạch ra các anh ạ. Khi Trung Quốc trở cờ đi với Mỹ
và chống Liên Xô quyết liệt, Mỹ bỏ rơi luôn Sài Gòn để lo việc lớn khác, Trung
Quốc cũng tiện tay đẩy ta vào chiến tranh Campuchia và trực tiếp dạy cho ta bài học… Cái khúc lịch sử rối
rắm này đúng là cho nước ta rất nhiều bài học cay đắng nhưng vô cùng quý giá các
anh ạ… Thực lòng tôi muốn nói với các anh thế này: Trong “cuộc chơi lớn” này, Việt Nam ta là dại nhất và hoàn toàn lĩnh đủ!
Thân phận con tốt đen thì phải lĩnh đủ! Đến hôm nay hình như dân tộc Việt Nam
ta vẫn chưa tỉnh ra được điều này… Nhất là những người hôm nay đang nắm vận mệnh
đất nước trong tay!.. Nhận định như
thế có ổn không các anh? Còn tôi thì đinh ninh dứt khoát như vậy đấy!..
Ông Chín chờ đợi. Nhưng mọi người lại chờ ông Chính.
-
Nếu muốn, anh Lê
Hải và Nghĩa cứ giữ lấy cho mình niềm tự hào về quá khứ lành mạnh của mình. –
ông Chính tiếp tục: - …Nhưng xin các chiến hữu của tôi chỉ nên giữ cho riêng
mình để dưỡng đạo làm người thôi nhé… Ai cũng phải làm thế để không bao giờ tự
đánh mất mình. Đương nhiên, người chiến thắng có thể chia sẻ niềm tự hào của
mình cho mọi người nếu muốn, nhưng không được ép buộc cả dân tộc chấp nhận, mà
nên để trí tuệ của dân tộc phán xét, lựa chọn. Lại càng không được độc quyền
yêu nước, để bắt dân tộc đời đời chịu ơn cái tự hào này của chúng ta, các anh ạ…
Nói đến chịu ơn thì nhất thiết chỉ nên giành cho những hy sinh, những tổn thất
của cả dân tộc này, Bắc cũng như Nam, bên này cũng như bên kia, trong suốt bảy
mươi năm qua mà thôi các anh a. Nên như vậy... Giọt máu nào nhân dân ta phải đổ
xuống đất nước này cũng là giọt máu của Việt Nam… Nếu người chiến thắng muốn, gọi
đấy là cái phần quá khứ anh dũng hay đầy hào quang của mình cũng được, nhưng phải
đồng thời nói lên đầy đủ và thấm thía những phần khác gắn liền của lịch sử, đó
là cái tổn thất, cái bị lừa, những cái đau lòng khác ở bên mặt trái của tấm huy
chương!.. Vừa thấy được cái anh dũng của mình, vừa hiểu được sâu sắc mình bị lừa
như thế nào, hiểu được cái giá phải trả, những cái yếu kém… thì nhân dân này,
dân tộc này sẽ càng trưởng thành hơn chứ!
-
Nhưng cai trị
không bao giờ muốn nhân dân trưởng thành! – tướng Lê Hải xen ngang.
-
Vì thế nhân dân
ta lại càng phải tự trưởng thành, anh Lê Hải ạ. Một dân tộc không biết học từ
những yếu kém và lầm lỗi của mình sẽ không thể trông đợi là sẽ đứng lên được… – ông Chính nói gần như một phản sạ tự nhiên.
- …Cứ bắt nhân dân phải một chiều nhắm mắt tự hào về quá khứ bẩy mươi năm như
đang làm trong cả nước chính là một trong những cái lừa lớn nhất của hôm nay đấy
các anh ạ… Đấy chính là việc khoét sâu thêm vết thương cũ, chỉ nhằm gây hỏa mù
tiếp cho những cái lừa khác!.. Anh Thạch lúc nãy nói đúng đấy… Nếu đất nước như hôm nay, dứt khoát mỗi đảng
viên phải tự hỏi mình: Cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa qua như thế có đáng
không?.. Hỏi như thế có nghĩa thừa nhận những hy sinh và tổn thất của cả dân tộc
đang bị phản bội! Cái lừa này chỉ nhằm biện minh cho quyền lực đang nắm giữ và
che giấu cái phản bội đang thực thi mà thôi, có phải không?
Mọi người tán thành.
-
Các anh ạ, ngày
Ba mươi Tháng Tư đã lùi xa gần bốn mươi năm rồi, hỏi rằng thù hận và ly tán
trong lòng dân tộc với nhau đã xan lấp được bao nhiêu? Trong khi đó thậm chí có những khía cạnh đang
bị khoét sâu thêm, nhất là do sự tha hóa của chế độ chính trị hiện nay. Bức xúc
trong lòng dân tộc do vậy cứ lớn mãi lên. Mặt khác, từ nhiều năm nay tôi cảm thấy
hình như cứ mỗi lần ngày Ba mươi Tháng Tư đến, khát vọng trong lòng dân tộc về
hòa giải và tự do càng nóng bỏng hơn. Dù là ở trong Nam hay ngoài Bắc, dù là ở
trong nước hay ở nước ngoài, hiện tương này trong các tầng lớp nhân dân ta rõ lắm
các anh ạ, song lại đang vấp phải sự đối kháng ngày càng quyết liệt hơn của chế
độ chính trị mới chết chứ. Nếu nhận xét này của tôi là đúng, thì tình hình này
nguy hiểm lắm, các anh ạ.
-
Nguy hiểm và triển
vọng chứ? Có lẽ phải nhận xét cả hai mặt như thế mới đầy đủ, anh Chính ạ. Với
nghĩa dân tộc này rõ ràng không chịu thụ động khoanh tay. – tướng Lê Hải bổ
sung.
-
Anh có lý. – ông
Chính tán thành. - …Còn Đảng ta là người chiến thắng, nên tôi thấy phải chấp nhận
dứt khoát ý kiến của Nguyệt các anh ạ. Dân tình nguyện hy sinh tất cả, theo Đảng
chiến đấu để giành độc lập cho đất nước và tự do cho chính mình. Nhẩy lên làm
vua hôm nay, Đảng ta hôm nay không còn là đảng đã giương cao ngọn cờ giải phóng
dân tộc nữa. Đảng ta hôm nay đã tự diễn biến mình thành người cai trị. Với cái
tự diễn biến hòa bình này, Đảng ta hôm nay đang phản bội mọi hy sinh tổn thất của
đồng chí đồng bào mình, đang phản bội lại lợi ích của dân tộc. Không thể nói
khác được. … … Tôi thực lòng không sao hiểu nổi đến hôm nay dân tộc ta vẫn đang
bị lừa tiếp như thế, trong cái thế giới hiện đại này!.. Cả bị lừa và bị kìm kẹp
nữa… Nghĩa là đang tiếp tục chịu bị lừa? Chẳng lẽ dân tộc ta hôm nay chín mươi
triệu rồi vẫn là trẻ con, như Tản Đà đã từng ai oán thốt lên lúc nhân dân ta mới
hai mươi triệu?! Thành thực xin lỗi, nhiều
lúc tôi cứ tự hỏi: Hay là dân tộc mình hai thế kỷ nay anh dũng là thế mà cứ bị
lừa đi bị lừa lại mãi chỉ vì không biết học?! Cứ phải chờ cho kẻ xâm lược quất
vào mặt rồi mới lại kiên cường vùng lên được một lúc… Chỉ một chiều đổ hết mọi
tội lỗi và hậu quả cho cái nghèo và lạc hậu tôi thấy chưa ổn lắm. Nhưng bây giờ,
tôi ngày càng thấm thía, dân tộc ta có lẽ vì không biết học, nên bốn mươi năm độc
lập rồi mà vẫn không sao taọ ra được đồng thuận dân tộc cho lợi ích của dân tộc..,
và trên thực tế là đang cam chịu cái bị cai trị tự bên trong và cam chịu cái lệ
thuộc từ bên ngoài ốp vào… Dân tộc ta đang bị tha hóa của quyền lực cai trị đầu
độc... Không, có lẽ còn phải nói là dân tộc ta đang bị hủ hóa tiếp, đang bị
chia rẽ tiếp!.. Vì thế đến bây giờ vẫn chưa có được cái đồng thuận dân tộc cho
lợi ích tối cao của quốc gia, bao nhiêu hy sinh mất mát của những thế hệ vừa
qua có nguy cơ uổng phí. Mà như thế thì nguy lắm! Có phải thế không?
-
…
-
…
-
Có được độc lập thống nhất đất nước, nhưng dân
tộc này, đất nước này được gì hả các anh? – ông Chính hỏi mọi người rồi nói tiếp.
- …Được sự nô dịch do chính mình dựng nên như hôm nay và đất nước được kèm theo
sự lệ thuộc vào bên ngoài khốn khổ có phải không?.. Để rồi hôm nay đất nước lại
đang đối mặt với những giằng xé mới trong cái thế giới khắc nghiệt này? Thật ra
trên đất nước ta đã và đang ngấm ngầm xảy ra sự giằng xé giữa cai trị và bị cai
trị, giữa ngu dốt và trí tuệ, giữa những cái hủ lậu ngàn đời đang được cai trị
cố tình nuôi dưỡng và những đòi hỏi bức thiết của cuộc sống hiện tại... Có phải
thế không các anh? Trong khi đó những giằng xé mới đến từ ngoại bang đang lấp
ló… Chung quy mọi tai ương đất nước hôm
nay phải chịu đựng đều do cái không biết học này mà ra! Thậm chí cái tai ương
hôm nay đang cố được bảo tồn để duy trì quyền lực của cai trị, nhân danh độc lập
dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội! Tôi kết luận như thế đấy! Tôi cứ tự hỏi mình:
Trí tuệ nào, ý chí nào có thể đem lại cho đất nước ta hôm nay sự đồng thuận dân
tộc như một lẽ sống, một sức sống tất yếu loại bỏ hết thảy mọi loại giằng xé
đang hủy hoại đất nước?!.. Rõ ràng mỗi chúng ta phải tự xem lại chính mình để
tìm lối ra, không thể một bề đổ lỗi mọi chuyện cho hoàn cảnh, cho người khác… Chúng
ta sẽ còn bị vấn nạn này ray rứt khốn khổ các anh ạ…
-
…
-
…
Ông Chính cố bình tĩnh lại rồi mới nói tiếp:
-
Các anh có biết
bây giờ tôi khát khao nhất điều gì không?
Mọi người nhìn nhau, như thể đùn đẩy nhau câu trả lời.
-
Tôi ước mong, tới
một thời điểm nào đó nhân dân cả nước ta đủ trí tuệ và nghị lực lấy ngày Ba
mươi Tháng Tư là ngày của hòa giải dân tộc và tự do, để từ đây nhân dân ta tự
giải phóng chính mình, trưởng thành và tự nâng cao chính mình! Bẩy mươi năm tổn
thất và hy sinh không đủ sức dựng lên cái đích cao cả này của toàn dân tộc hay
sao?
Cả gian phòng ồ lên vì bất ngờ.
-
Lẽ ra cái ngày
này đã phải được xác lập ngay trong năm 1975 rồi!.. Một lúc sau ông Chính nói
tiếp.
Mọi người đều cảm thấy như bị cuộc sống giáng thêm một
đòn chí tử nữa qua cuộc đàm đạo này. Tuy ông Chính, ông Lê Hải và ông Nghĩa gần
như hàng ngày vẫn nói chuyện với nhau, thế nhưng hôm nay cả ba đều phải thừa nhận
câu chuyện mang tính quyết liệt mới.
-
Phải đấy, nên lấy
ngày Ba mươi Tháng Tư là ngày Hòa giải
Dân tộc và tự do. Nên lắm các anh ạ… Không phải là để dĩ hòa vi quý, xí xóa
quá khứ đâu! Mà để dân tộc ta dám vượt lên quá khứ để trưởng thành. Để từ nay
dân tộc ta tự khẳng định được chính mình, trên đất nước của mình. Để một lòng
chiến đấu cho tự do và hạnh phúc của chính mình. Không phải luồn lụy dựa dẫm ai.
Cũng không phải đeo bám theo ai dẫn dắt… Một dân tộc có nhân cách thì phải trưởng
thành như thế… - tướng Lê Hải trầm ngâm.
Cuộc mạn đàm không hẹn mà đến này chỉ gián đoạn lúc ăn
trưa. Cả bốn người đồng ý cùng nhau hỳ hụi vào bếp để khỏi phải ra nhà hàng, vì
ở đấy không thể nói năng thoải mái như ở nhà được. Khi bàn đến làm như thế nào? để đổi mới Đảng, thì cuộc
mạn đàm hoàn toàn bế tắc. Ngay cả ý kiến đừng làm gì cả, cứ để mặc cho Đảng tha
hóa mãi rồi sẽ tự tan rã nghe chừng cũng không xuôi. Khi bàn đến những người đảng
viên chân chính bây giờ phải làm gì, ý kiến càng không thống nhất…
…Vì hèn nhát? Vì sợ con cháu bị liên lụy? Vì không muốn
làm con thiêu thân? Vì không thể theo cái thuyết sự nghiệp không thành thì cũng
thành danh? Vì lật đổ không thể thay thế được phát triển? Vì nỗi sợ xảy ra cảnh
nồi da xáo thịt lần nữa!.. Vì rất nhiều thứ!.. Vì tất cả… Xoay quanh mấy cốc
cà-phê bỗng lại trối lên câu hỏi lâu nay: “Mỹ
còn hòa giải được với Việt Nam, tại sao Việt Nam với nhau lại không?...”
Tín hiệu điện thoại réo liên hồi. Ông Nghĩa không muốn
nói chuyện điện thoại với bất kỳ ai lúc này. Tín hiệu điện thoại lại réo, bất đắc
dỹ ông Nghĩa chân thấp chân cao nhảy lò cò đi nhấc máy. Sau đó ông lệch xệch lò
cò đi vồ lấy cái máy tính để lên mạng, bỏ mặc ba người còn lại ngồi lại với
nhau. Một lúc sau ông Nghĩa hớt ha hớt hải:
-
Các anh ơi, ông
Võ Văn Kiệt mất rồi!
-
Tin ở đâu?
-
Ai nói?
-
Chính xác không?
-
Làm gì có chuyện ấy
được, ông ấy mới nói chuyện điện thoại với tôi hôm rồi, không thấy nói tới bệnh
tật gì cơ mà!.. – tướng Lê Hải nói dứt khoát.
Ông Nghĩa phải ngồi thở một lúc, lấy lại bình tĩnh rồi
mới nói được:
-
Bác sỹ K. gọi điện
thoại cho biết tin này. Sau đó tôi lên mạng thấy báo chí nước ngoài đã loan
báo. Ông mất lúc …giờ, ngày…, tại bệnh viện Elisabeth, Singapore, bệnh viêm phổi
cấp tính. Tin không thể sai được.
-
Sao đột ngột quá
như thế?
-
…
-
…
Cả
gian nhà rơi vào tĩnh lặng nặng nề.
Mãi ông Lê Hải mới đứng dậy được, đi lại phía bàn thờ
nhà ông Nghĩa, thắp một nén nhang rồi khấn:
-
Ôi, xin vĩnh biệt
anh! Anh Sáu ơi! Anh vừa mới điện thoại cho tôi cơ mà... Chúng ta còn hẹn nhau
đi thăm lại chiến khu Đồng Tháp…
Ông Hải đứng nghẹn tắc hồi lâu, không khấn tiếp được nữa.
Ông cúi rạp vái ba vái.
Liền sau đó ba ông Chính, Nghĩa, Thạch cùng nhau ra đứng
trước bàn thờ. Tất cả kính cẩn vọng bái vong linh ông Kiệt ba vái.
Trở lại nơi ngồi nói chuyện với nhau, cả bốn ông chưa
hết bàng hoàng.
-
Môt người con
trung thành của đất nước, của dân tộc đã ra đi!
-
Ôi, Người lo nỗi
lo của dân tộc!
-
Làm sao bây giờ hả
các anh, không còn nữa một tiếng nói mạnh mẽ về hòa hợp dân tộc và tự do mà đất
nước đang cần!
-
Không thể nào tin
được các anh ạ, mới khoảng đầu tuần trước tại biệt thự nhà số 6 Hồ Tây anh Võ
Văn Kiệt còn thôi thúc bọn tôi: “ Các anh
nói đi, cần gặp ai tôi cũng sẵn sàng. Đi đâu tôi cũng đi! Phải làm tất cả
để đổi mới Đảng. Muốn đất nước không một lần nữa nồi da xáo thịt, nhất thiết phải
làm cho Đảng này trở thành đảng của dân tộc!.. Tôi chấp nhận hy sinh đến cùng!
Không thể bỏ cuộc được!..” – ông Nghĩa nghẹn ngào: Thế mà bây giờ… …Không thể chấp nhận bỏ cuộc được các anh ạ! Không
được phép!..
-
Chúng ta đang bàn
với nhau chưa ra nhẽ người đảng viên chân chính trong vận nước lúc này phải làm
gì. Anh Võ Văn Kiệt đã cho chúng ta câu trả lời?
-
Phải làm gì để tất
cả các đảng viên chân chính cất lên tiếng nói của mình?
-
…
-
…
-
…
S
|
áng hôm sau báo chí nước ngoài đưa tin Tổng
thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Kymoon gửi điện chia buồn việc nguyên Thủ tướng Võ
Văn Kiệt từ trần. Nhân dân trong nước được loan báo chính thức tin này trên báo
chí hai ngày sau đó.
[4] Đấy là cách giải thích của
phe xã hội chủ nghĩa hồi ấy về nội dung tình hình thời chiến tranh lạnh: Hai phe: (1)phe chủ nghĩa xã hội,
(2)phe đế quốc; 4 mâu thuẫn:
(1)mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc, (2)mâu thuẫn giữa
phong trào độc lập dân tộc và chủ nghĩa đế quốc, (3)mâu thuẫn giữa nhân dân lao
động và tư bản cầm quyền tại các nước đế quốc, (4)mâu thuẫn giữa các nước đế
quyocs với nhau.
[5] Cuối 1945, sau khi thực
dân Pháp khởi hấn và Nam Bộ đứng lên kháng chiến chống lại, bắt đầu từ
23-09-1945.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét