Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

"Lũ" - Final Draft April 2015



                                                   
23



          Sau cái rét Đông rất sâu kéo dài sang đến gần cuối xuân Nhâm Thìn là cái nóng đổ lửa đột ngột ập về. Lác đác vài vùng Tây Bắc có lúc nhiệt độ lên tới 45 độ C. Cháy rừng lớn đã xảy ra ở Sơn La, đèo Hải Vân, rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn, Đá Đen (Phú Yên)… Giữa trưa ở Hà Nội có ngày nhiệt độ lên tới 41 độ. Đã thế từ Tết đến giờ hầu như không thấy mưa. Nhiều sông suối trơ bãi. Đất ruộng nhiều nơi nẻ toác. Nhiều cánh đồng trồng mầu mọi năm vào buổi này xanh um, nhưng bây giờ chỉ dặt một mầu nâu của các luống đậu, luống lạc chết rạc. Trên vùng cao, nhiều nơi người khát, gia xúc khát, nhiều nương ngô chỉ cần một mồi lửa là bốc cháy… Tất cả có nghĩa sẽ mất mùa trông thấy cho những nơi bị hạn, người gieo trồng tại những nơi khô cằn này nắm chắc trong tay cái đói sẽ lại đến thăm trong một vài tháng tới…


Tin cuối cùng, quý một năm nay xuất khẩu gạo của Việt Nam vượt 5% so với cùng kỳ năm ngoái…

…Thế đấy, đói vẫn đói, xuất khẩu vẫn xuất khẩu… Một đất nước kỳ lạ… Mọi chuyện thế này có thể đổ lỗi cho biến đổi khí hậu là tốt nhất, vì ông trời không cãi lại… Cuối năm nay Việt Nam nếu không vẫn là quán quân thì sẽ là á quân xuất khẩu gạo trên thị trường thế giới cho mà xem. Đã hai thập niên rồi không quốc gia nào tranh nổi cái ngôi báu này của Việt nam đâu…

          Tắt cái tivi đi, tướng Lê Hải – như một thói quen tự nhiên - miên man biết bao nhiêu ý nghĩ chống chọi nhau quyết liệt trong đầu…

          Chẳng biết bao nhiêu ngày rồi, tướng Lê Hải nếu không bẹp dí trên giường, thì cũng không bước ra khỏi nhà. Cùng lắm ông đi loanh quanh trong phòng, ra vườn, xuống bếp.., gọi là cho có một chút vận động. Hoặc nằm ngồi chán rồi ông lại ngả lưng trên chiếc ghế mây bành, ngửa mặt lên trời hay là đối diện với cái tivi… Đầu óc ông hoàn toàn tỉnh táo. Mắt ông vẫn lanh lợi, sáng quắc. Giọng nói ông vẫn sang sảng, không thều thào. Câu cú vẫn mạch lạc, chặt chẽ, tuy đã bắt đầu nói hơi chậm lại, họa hoằn lắm mới có lúc nói nhịu… Chỉ có cơ thế ông ngày một yếu đi rõ rệt.

Thoạt đầu là từ cái hôm ấy… Đang đứng giữa nhà nói chuyện với vợ, hình như có một luồng gió… Bỗng nhiên ông cảm thấy bị cái rét tự bên trong đột ngột quật ngã, kiểu như một cú choáng… Một cái rét kỳ lạ, ông chưa thấy bao giờ. Liền sau đó trong giây lát ông không biết gì nữa. Chẳng biết bao lâu, khi mở choàng được mắt ra, ông thấy mình đang ngồi trên thành giường, dựa vào vòng tay của vợ.

-         Em đang quét nhà, thấy anh bỗng dưng hai tay chới với, hai chân liêu siêu như thể sắp khuỵu xuống. Em quăng cái chổi, kịp chạy lại đỡ anh ngồi xuống… May quá, anh không ngã xuống sàn nhà…
-         … .., tướng Lê Hải mấp máy định nói cái gì đó cho bà Hậu bớt lo, nhưng hai hàm răng cứng đơ, ông cảm thấy đau sâu sâu bên trong ở hàm trên lên đến tận thái dương.
-        
-        

Chắc chắn là chồng mình đã tỉnh hẳn, bà Hậu mới lấy vơ lấy cái gối ở đầu giường, nhè nhẹ đỡ cho ông nằm xuống. Bà căn dặn chồng nằm yên trên giường, rồi mới đi lấy chăn đắp thêm cho ông, gọi điện thoại bác sỹ cấp cứu…

Tướng Lê Hải chỉ đưa mắt nhìn theo vợ, đến lúc này vẫn chưa nói được gì…

Vài giờ sau, bác sĩ Khải, một bạn vong niên của ông trong quân y và là người cùng quê, lấy xe cấp cứu cáng ông đi kiểm tra tim mạch, tiện thể cho ông khám sức khỏe toàn bộ.

Tiếp theo là một tuần liền nằm viện, ngoài cái kết luận là một cơn nhồi máu cơ tim nhẹ, chẳng phát hiện được gì bất thường.

-         Do các cậu làm việc tồi, chẳng mò ra được cái gì?.. Hay là do mình thuộc loại giời đánh không chết hả Khải? – tướng Lê Hải hỏi.
-         Anh chưa đủ hư hỏng để Nam Tào có thể lên danh sách!
-        
-        

Song từ sau cái choáng hôm đó, trên người tướng Lê Hải lúc nào cũng quần áo lớp lớp, gần như là một cái tổ kén xù xù bằng vải bọc kín… Thế nhưng không hiểu tại sao vẫn còn nguyên vẹn cái rét thấu xương từ trong ra… Đã có lần tướng Lê Hải phải nắm lấy tay vợ:

-         Em ạ, cầm tay em anh mới cảm thấy ấm lên được một chút. Điều hòa sưởi  chẳng ăn thua gì.
-         Mấy tháng nay anh ngày càng yếu đi… - bà Hậu ốp tay lên má chồng, rồi ôm cả đầu chồng vào trong lòng mình. Bà muốn chuyền thêm hơi ấm của mình sang cho chồng, nước mắt vòng quanh.
-         Đừng buồn, em… Bác sỹ Khải cam đoan là anh không có bệnh gì mà… Chỉ là chuyện tuổi tác thôi…
-         Em tin chứ… Nhưng anh đang rét từ trong ra…
-         Anh biết… Có em đang ấp ủ cho anh như thế này lo gì!..
-         Hồi này anh khảnh ăn quá.
-         Anh vẫn không bỏ một bữa sữa nào đấy chứ. Anh còn phải được khen là chịu khó uống thuốc nữa chứ?..
-         Vâng. Nhưng bữa cơm anh ăn ít lắm, chưa được một bát cháo!
-        

…Còn từ vài tuần nay, tướng Lê Hải lại bị cái nóng oi ả làm cho cơ thể rã rời. Mở điều hòa thì lại thấy ớn lạnh... Chẳng biết làm thế nào…

…Rét cũng không chịu được, nóng cũng không chịu được. Lúc nào tướng Lê Hải cũng cảm thấy mình không đủ không khí để thở. Ngực đôi lúc cảm thấy như có cái gì đó bó chặt lại… Ngày càng cảm thấy thiếu không khí… Chân tay hình như cũng không ngoan ngoãn cử động theo ý ông nữa… Có lần ông vịn gậy cúi xuống, loay hoay mãi mới cầm lên được trong tay một hòn sỏi con con… Ông muốn ném nó xuống tận cuồi vườn để đo xem sức lực mình còn lại đến đâu. Cái tay oặt ra, hòn sỏi rơi cách xa ông dăm thước… Ông hiểu tất cả.

…Ta đang đến gần cái nơi ta sẽ đến…

…Nếu không có khách đến chơi nhà, cái thế giới bên ngoài của tướng Lê Hải bây giờ chỉ là cái tivi. Ông chỉ ngó đến nó khi cảm thấy quá thèm bước ra khỏi nhà một chút... Cái thế giới bên trong ông là các chặng đường đời ông đã trải qua. Ký ức dồn về, chẳng theo một thứ tự gì cả… Lúc ông vui vui một câu chuyện nào đó, hoặc khi mải mê ngắm một cái hoa, cái lá trong vườn… Nhất là khi những bông bạch ngọc trâm chớm nở… Ông say đắm cái trắng vô cùng tinh khiết và hương thơm nhè nhẹ của những hoa này… Không hiếm khi ông đứng lại lâu lâu, trong đầu tâm sự với hoa.., về đường đời.., của ông, của bao người khác, của nước mình, của các nước…

…Mỗi khi tâm trí rỗi rãi một chút, là mọi chuyện xa xưa cứ tự nó ập về… Lạ thế.., hầu như chẳng thiếu lấy một chi tiết nhỏ!.. – nhiều lần ông tự nhủ với mình như vậy. Lắm lúc ông nhớ đi nhớ lại không biết bao nhiêu lần cái ngày đầu tiên cắp sách đến trường làng… Tan học về, hai tay chỉ còn bộ đánh khăng…  Bút, vở viết, và cả cặp sách nữa.., tất cả bung bay đi đâu hết… Thế mà vẫn được mẹ thưởng cho bú tý. …Cho con ty, mẹ vừa hỏi chuyện nhà trường, vừa vuốt ve ba chỏm tóc trên đầu con… Chuyện bú tý mẹ biến thành cái tên Hải ty, lan ra khắp làng.., rồi trở thành tên gọi của làng dành cho ông… Đến ngày Hải ty lên học trường huyện… Hải ty lang thang ở Hải Phòng tìm việc… … Hải ty ra khu mỏ làm công nhân… Mãi cho đến ngày Hải ty trở vể làng cưới vợ..,  Hải ty Nam tiến… Cái tên Hải ty chỉ giả lại chỗ cho tên  khai sinh Lê Văn Hải của ông  khi ông nhập ngũ với chức tiểu đội trưởng của đoàn quân Nam tiến, nhưng nó được ông rút ngắn xuống còn là Lê Hải. … … Có lúc ông tự gọi lên khe khẽ vừa đủ cho mình nghe cái tên cúng cơm Hải ty của mình, rồi tự cười một mình, vì chặng đường đời này có nhiều cái đến hôm nay vẫn còn ngồi cười một mình được… … … Rồi biết bao nhiêu chuyện ngày xưa nữa… Các kỷ niệm cứ làm cho ông nhẹ bẫng, nhẹ mãi… Có lúc lim dim trong cái ghế bành mà ông cứ tưởng như mình đang chờn vờn bay về các vùng miền xa xôi năm nào. …Đồng Nai, Mỹ Tho, Bạc Liêu, Bến Tre, Sài Gòn – Chợ lớn, nhà bà Sáu Nhơn.., Kontum.., Ban Mê Thuột.., ông nhớ đến má Sáu, ông đang nói chuyện với Thạnh, ông nhớ mùi sữa thơm thơm lúc ông bồng bế bé Thơ trong tay…

Ký ức triền miên là thế, song bao giờ cũng chỉ là những khoảnh khắc ngắn ngủi, nhiều khi vô cùng ngắn ngủi… Như một quy luật bất di bất dịch, những khoảnh khắc hồi tưởng như thê luôn luôn xô đảy ông về cuộc sống thực tại.

Hôm nay là câu hỏi:

-         …Đi hết cả một đời người, hôm nay ta phải thừa nhận mình là kẻ bất lực? Hay ta là kẻ bị phản bội?.. Hay chính ta cũng là kẻ phản bội?.. Trong chế độ toàn trị một đảng, để cho đất nước có biết bao nhiêu bất công bên trong, và èo uột lệ thuộc vào bên ngoài như hôm nay… Là đảng viên, liệu mình có dám nói mình là mình vô can?..

Ngực ông thắt lại. Nhiều lúc hai tay tướng Lê Hải phải bám chặt vào thành ghế, hai mắt ông nhắm nghiền.

Như mọi ngày, ông tự cật vấn mình như thế không biết bao nhiêu lần, nhưng chẳng lần nào ông tìm được câu trả lời muốn tìm. Mỗi câu trả lời có được lại đặt ngay ra một câu hỏi mới, nhiều câu hỏi mới.., tâm trạng ngổn ngang nhiều bề.

Ngày đêm tự hỏi, ngày đêm tự trả lời, có đến cả nghìn lần, nhiều nghìn lần… Nhưng ông vẫn không thể nào tin được cái ngày ông rời làng ra khu mỏ, rồi đến ngày ông từ biệt vợ con ở Tiên Lãng để lên đường Nam Tiến, với biết bao nhiêu khát vọng cho đời, cho đất nước.., để cuối cùng đường đời lại dẫn ông đến cái đích hôm nay. 

-         Ôi cái đích tới được hôm nay!!!.. -  nhiều lúc ông rít lên như thế trong lòng, hai hàm răng xiết chặt, hai bàn tay nắm chặt…

Ông ngồi ở đây, trong căn nhà này, với hàng nghìn câu hỏi cào xé ruột gan… Đã bao nhiêu ngày như vậy rồi…

…Hôm nay cũng thế. Bà Hậu đi chợ vắng. Tắt cái ti vi đi, tướng Lê Hải ngồi lại một mình với chính mình giữa căn nhà trống trải. Ông không để ý bây giờ là mấy giờ. Việc không thèm đếm xỉa gì đến giờ giấc hình như đã trở thành thói quen lâu nay rồi. Ông quên ngày tháng, ông quên thời gian… Mấy năm gần đây hình như lúc nào ông cũng chỉ có sự thôi thúc giành trọn tâm trí trở về với chính mình, để đối thoại với chính mình cho ra nhẽ, về tất cả…

Ôi Tấm ơi, Sơn ơi…Đến hôm nay anh vẫn không thể nào ngờ được đấy là buổi tiễn đưa cuối cùng của hai mẹ con em! …Anh đã bước lên tới đường cái rồi, nhưng em vẫn tay bồng con, tay túm váy cố chạy theo ra khỏi cổng tam quan đầu làng… Càng không thể ngờ được ra đi như thế là để tới cái hôm nay như thế này Tấm ơi!..

          Cả cuộc đời chinh chiến từ Bắc vào Nam, rồi từ Nam ra Bắc… Khói lửa, tàn phá, chết chóc, chia ly… Còn thử thách tai ác nào nữa của chiến tranh ta chưa trải qua?!…

Chính hai tay ta đã chôn cất không biết bao nhiêu đồng đội, đồng bào đã ngã xuống… Cũng chính hai tay ta bới đất tìm Thạnh, tìm bé Thơ…

Hòa bình sau 30 Tháng Tư vừa mới có được bao ngày, thế mà má Sáu đã phải dứt ruột xé Tuyên ngôn Độc lập.., gia đình các con cái phải ly tán; nhà cửa, tài sản bị cải tạo… Ngoài Bắc thì gia đình họ Phạm phải đau đớn đón nhận cái tin đứa cháu gái Phạm Thị Huệ của mình bị hải tặc hãm hiếp và giết chết trên biển trong khi đi di tản… Phạm Trung Nghĩa bị bắt giam lên Thach Thất.  … Rồi đến cái ngày ta cùng gia đình họ Phạm đón linh cữu đại úy Phạm Trung Nam được đưa về từ chiến trường Campuchia… Những buổi nói chuyện đầy tâm tư xé lòng với má Sáu Nhơn, với cụ Phạm Trung Học…

Trời đất, còn đau khổ nào nữa của chiến tranh, của một đất nước long đong ta chưa nếm trải?!..

Nhưng tất cả chỉ để cho đất nước đi tới cái đích như hôm nay vậy sao? Trời đất ơi, có thể như thế được không?..

…Cụ Học nói đúng lắm, má Sáu Nhơn nói đúng lắm: Cái giá đất nước giành lại được độc lập thống nhất đắt quá! Tại bối cảnh lịch sử đến đâu, tại chính mình đến đâu?...

…Đắt có lẽ không phải chỉ vì những hy sinh dân tộc đã phải trả là quá lớn… Đắt là vì sự hy sinh lớn lao này bị nuốt chửng, bị phản bội!.. 

…Đã thế, đã ngót nghét bốn chục năm đất nước độc lập thống nhất rồi mà vẫn chưa làm được sự nghiệp giải phóng dân tộc, chưa làm sao thống nhất được dân tộc này! Giang sơn thống nhất được mấy chục năm rồi mà vẫn chưa có lòng người thu về một mối!.. Bây giờ lại phân đôi thành người cai trị và người bị cai trị! Thế là thế nào? Chẳng lẽ Độc Lâp – Tự Do – Hạnh Phúc ta vẫn hằng mơ ước cho từng người và cho cả đất nước hôm nay là như thế này ư? Vẫn còn ở phía trước ư?..

…Gần bốn chục năm độc lập rồi, các quyền tự do dân chủ của dân, vì mục đích này ta đã hy sinh phấn đấu suốt đời mình, đang ở đâu?.. Song cái mà ta ngày ngày càng thấy rõ hơn, ngày ngày càng thấm thía hơn lại là một ách nô dịch mới đang hình thành, đang lộ nguyên hình… Cái quyền làm người mà cả dân tộc này ba, bốn thế hệ xả thân để giành lấy chăng lẽ lại là cái quyền cúi đầu cam chịu  mọi  kìm kẹp bức bối đang lộng hành như thế này? …

…Đến nông nỗi dân phải nổ súng hỏa mai tự chế chống lại chính quyền cướp đất! Chống giữ không nổi thì dù là phụ nữ cũng đành tay không nằm trần truồng giữa trời bám giữ lấy đất…

…Chung quanh câu chuyện đất đai, súng của công an, quân đội hết nổ ở Tây Nguyên, Tây Bắc… Vừa qua lại nổ ở Văn Giang, ở Vụ Bản.., nhân danh nhà nước của dân, do dân, vì dân! Như thế là định hướng xã hội chủ nghĩa?..  Bao nhiêu trấn áp bất công khác? Đã đến mức có người phải tự thiêu để phản đối rồi! Trời đất ơi, lần này lại là một bà mẹ, một phụ nữ!..   Như thế là… là…… Liệu có còn trời đất nào nữa không hả trời?..

…Cứ dăm ba năm lại một lần khủng hoảng kinh tế, lặp đi lặp lại gần như chỉ cùng một nguyên nhân chủ yếu:  lãnh đạo tham và dốt… Mỗi lần khủng hoảng như thế, quan và cướp cứ giầu ú lên, nhưng dân và kinh tế cả nước tiếp tục kiệt quệ teo tóp. Chẳng lẽ cái đích dân tộc mình đã từng ba bốn thế hệ đổ máu để hôm nay đi tới là như thế này hay sao?.. Ngoài dối trá, lừa bịp, không có một lý giải chính thống nào cho rõ ngọn ngành sự việc! Đất nước quằn quại mấy thập kỷ rồi mà báo chí lề phải không có lấy một bài nào đáng đọc để giúp mọi người hiểu cho ra nhẽ về thực trạng đất nước hôm nay… Hễ dân mở mồm ra phê phán điều này điều nọ đã trở nên quá quắt không chịu nổi nữa, thì ngay lập tức bị úp cho cái tội suy thoái chính trị tư tưởng, luận điệu thù địch… Bịt mồm không nổi thì thẳng tay trấn áp!.. Quả thực ta thấy không khí bây giờ ngột ngạt hơn thời Pháp thuộc nhiều. Hay là tại ta quá nhạy cảm?.. …  Không, đã trải qua hai chế độ, ta không thể nghĩ khác được!..

…Dân khí bạc nhược, đạo đức xã hội suy đồi…Cuộc sống đất nước hôm nay có nhiều cái đốn mạt hơn nhiều, man rợ bẩn thỉu hơn nhiều so với hồi ta theo các bậc cha chú mình ra ngoài Hongay, Uông Bí… làm cách mạng, so với hồi ta rời quê hương lên đường Nam Tiến... Thế là cái quái gì?!... Chẳng lẽ về toàn cục trong cái thế giới này, đất nước mình hôm nay vẫn cứ triền miên suy mạt so với thiên hạ, phú quý cứ giật lùi mãi thế này ư?..

-         Một sự nô dịch được một nhà nước nhân danh của dân, do dân, vì dân thực hiện…
-         Một sự nô dịch do chính cuộc cách mạng ta theo đuổi từ đầu sản sinh ra và tạo dựng nên?!..

Trời đất ơi, làm sao sự thật lại có thể mỉa mai đến độc ác như vậy?

Một cuộc cách mạng bị phản bội? Hay là một sự nghiệp cách mạng bị tha hóa?..

…Đi cả một đời người, không quản bất kỳ ra sống vào chết nào, từ cái lầm than cơ cực hôm qua… Cuối cùng chỉ là để đi tới cái ngột ngạt khó thở của hôm nay?.. …Ta đâu có phải là kẻ vô tri vô thức?  …Song lẽ nào đường đời của một con người được giác ngộ lại trớ trêu đến như vậy? Hay là chính bây giờ, phải đi hết cả một đời người rồi ta mới ngộ ra được cái điều ta cần phải giác ngộ?.. Ôi, nếu đúng thế thì muộn quá, đau xót quá!..

Thế còn đường đời của cả dân tộc này suốt từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay?.. Nhìn lại xem nào…

…Hai triệu người chết đói. Rồi đến kinh qua bốn cuộc chiến tranh liên tiếp chống lại bạo quyền xâm lăng từ bên ngoài… Dân tộc ta đã bị cướp đi khoảng sáu, bẩy triệu người và gần một nửa thế kỷ chìm đắm trong bom đạn, giữa lúc thế giới đi vào một thời kỳ phát triển mới chưa từng có…

…Ngót nghét bốn chục năm trong độc lập thống nhất, thế mà đến hôm nay vẫn lận đận là một quốc gia nghèo hèn, ngày càng tụt hậu so với chung quanh!.. Hay là tại dân tộc mình trong thời bình thì ươn hèn, ngu dốt và hư đốn quá?

…Mọi bất công xã hội ngày xưa có thể đổ cho thực dân phong kiến. Còn hôm nay thì đổ cho ai?.. Đánh thắng bốn cuộc chiến tranh xâm lược lớn, giành lại giang san đất nước, ước mong khai phá con đường cho dân tộc này mở mày mở mặt đi lên cùng bàn dân thiên hạ… Song hiển nhiên hôm nay cái quán tính lịch sử đang lăm le một lần nữa cướp đi tất cả:  Thời phong kiến trước đây đất nước chỉ phải chịu đựng có một vua, thời thuộc địa thêm cái thằng toàn quyền… Còn thời nay?  …Khác chăng là đất nước hôm nay phải chịu đựng cả một hệ thống dây mơ rễ má phủ khắp đất nước chiếm ngôi vua, một hệ thống vua... Thống soái cái hệ thống chiếm ngôi vua này là lúc nhúc các vua tập thể lớn nhỏ, cha truyền con nối ở khắp mọi nơi mọi cấp!...

Trời đất ơi, có thật phải như vậy không?.. 

Cái sự thật một hệ thống dây mơ rễ má giữ ngôi vua, cái sự thật “con vua thì lại làm vua…” đang trơ trơ ra trước mắt mọi người, đang phái sinh ra cả một hệ thống quan liêu ăn bám dằng dịt bóp nghẹt đất nước… Cái sự thật ngu dân và dối trá lộng hành cuộc sống mọi mặt của dân – từ trong nhà ra đến nhà trường và toàn xã hội…  Cái sự thật lồng lộng thế này mấy chục năm rồi mà ta vẫn cam chịu giả điếc giả mù chung sống hay sao?

…Bây giờ phải cố mở to mắt ra mà nhìn cái tha hóa đang tạo dựng nên một sự nô dịch mới, với một giai tầng chủ nô mới người bản sứ, chính từ máu mủ ruột rà của mình sinh thành ra!.. Do cả cái ngu hèn của mình góp phần tạo dựng nên!.. Trời đất, có phải như thế không?.. Thật là chua chát quá, tai quái quá!..
…Trời đánh thánh vật cái thằng quán tích lịch sử tai ác này đi! 
…Phạm Trung Nghĩa ơi, trong tổng kết năm xưa anh đã có công phát hiện ra thằng kẻ thù truyền kiếp này của dân tộc, kẻ thù đáng sợ hơn bất kỳ kẻ thù nào!.. Chính là cái thằng quán tích lịch sử tai ác này?!.. …Phải! Chính nó mới đúng là kẻ thù luôn luôn mang lại cho dân tộc ta trong mọi cuộc đấu tranh anh dũng bất khuất cái thất bại cuối cùng!  …Cái thất bại cuối cùng của dân tộc sau mỗi cuộc chiến anh dũng và vỹ đại nhất?! …Bất kể dân tộc ta đã giành được những thắng lợi vinh quang như thế nào?!   …Ôi, cuộc sống oái oăm đến thế là cùng sao?!.. …Làm người, dần dà ta mới thấm thía hơn thế nào là kẻ thù nguy hiểm nhất của ta là chính ta – nghĩa là những yếu kém của ta và lúc nào cũng tìm cách ngự trị ta! …Ôi, khi một con người, một dân tộc không ý thức được, hay là quên đi mất, hay là không đủ bản lĩnh vượt qua cái điểm yếu gần như là một lời nguyền này: “Kẻ thù nguy hiểm nhất của ta chính là ta!”...

…Anh Nghĩa ơi, cả hai chúng ta đã phải trực tiếp trả giá đắt cho cái thằng quán tính lịch sử này rồi. Chúng ta đâu có mơ hồ gì về nó!?.. … Thế nhưng tại sao cả anh và tôi mấy chục năm nay đều bất lực, đều bị nó đánh bại… Cả nước đang bị nó đánh bại, đang bị nó nô dịch! … … …Cho đến hôm nay cả anh và tôi vẫn chưa có cách gì có thể vạch mặt chỉ tên kẻ thù truyền kiếp này trước toàn dân tộc! Cái ác, cái ngu dốt, cái dối trá, cái hủ bại đã bao phen bị cách mạng đào sâu chôn chặt, nhưng hôm nay tất cả những yêu quái này lại được quán tính lịch sử hà hơi sống lại, với những phương thức hiện đại hơn trước gấp nhiều lần… Tất cả đang bề thế cộng sinh thành những bầy đàn dòi bọ mới, lúc nhúc khắp nơi không bỏ sót hang cùng ngõ hẻm nào trên mảnh đất của tổ quốc! … …… Tất cả chúng nó đang dương dương tự đắc ngự trị đất nước. Thế là thế nào? Vì sao đến nông nỗi này?..

…Chẳng lẽ lại một lần nữa, sau những chiến thắng hào hùng đánh bại mọi kẻ thù bên ngoài mạnh gấp bội, song chính dân tộc này lại bị đánh quỵ bởi những yếu kém và tha hóa được cài cấy sẵn ngay trong cơ thể sống của chính mình hay sao? Có phải như vậy không?  …Từ anh hùng chống ngoại xâm vang dội toàn cầu, hôm nay dân tộc ta lại trở về, hay bị đảy trở về làm kẻ bị nô dịch mới? Chẳng lẽ sự thật lại cay đắng đến thế?.. Có cách gì cả dân tộc mình nhìn nhận lại chính mình? Muốn thoát khỏi cái lưỡi hái của quán tính lịch sử, có lẽ trước hết phải tự mình nhìn lại chính mình!..

…Ôi, sao mày lại hiểm độc đến thế hả cái thằng quán tính lịch sử?!.. Mày là ai mà ác thế? Mày còn hành hạ dân tộc này đến bao giờ nữa? Gần hai thế kỷ làm dân tộc này mạt kiếp rồi mà mày vẫn chưa buông tha, chưa thỏa thích hay sao?.. Đến bao giờ mới vạch toạc ra được chính mày là kẻ đồng lõa đầu tiên dắt nối mọi kẻ thù khác làm suy nhược dân tộc này?!..

…Thế nhưng cả dân tộc Việt Nam giầu truyền thống lịch sử vinh quang và không một thời nào thiếu kiên cường này cũng phải tự hỏi mình: Tại sao chính mình cứ hèn yếu mãi, chính mình lại góp tay tạo dựng nên và bây giờ phải chịu cúi đầu khuất phục một chế độ chính trị nhiều sâu bọ của chính mình như thế?.. …Từ mấy thế kỷ nay cứ lặp đi lặp lại: cứ sống trong thời bình thì cả dân tộc mình lại trở nên ươn hèn, chịu cúi đầu khuất phục cái thằng quán tính lịch sử!.. … Lâu nay trí tuệ người đời đã chẳng từng kết luận “dân nào, chế độ chính trị nấy” hay sao? Dân mình không tự hỏi mình như thế, mà chỉ trông chờ vào thiện chí của chế độ chính trị thì đến ngày nào mới có lối ra?.. Cái gì là nguyên nhân dẫn đến cái nô dịch do chính mình nhào nặn ra sau khi tự tay mình đã đánh đổ cái nô dịch áp đặt từ bên ngoài?.. Mỗi người dân của đất nước này phải tự hỏi mình như vậy chứ!..

…Chao ôi, xóa bỏ cái nô dịch tự chính mình tạo ra sao mà khó hơn gấp bội việc xóa bỏ cái nô dịch từ thực dân đế quốc bên ngoài áp vào!?..

…Sự thật lại là như thế à?!..

Đến đây, giữa cái nóng oi ả đến bở người, tướng Lê Hải vẫn chợt cảm thấy một luồng điện làm cho cơ thể ông ớn lạnh…

-         Có cách nào làm cho từng người dân nước mình phải tự đặt ra cho mình những câu hỏi sống còn như thế?..
-         Tại sao cho đến nay ta vẫn chưa làm được bao nhiêu cho việc thúc đẩy  những câu hỏi tự vấn lương tâm như thế ra đời?.. Có hỏi được như thế, thì may ra mới có lối thoát chứ…
-         Ta bị trói buộc kỹ quá, hay là ta vẫn còn ngu dốt quá và hèn nhát quá?..
-         Chẳng lẽ cả một đời người ra sống vào chết như vậy, thế mà đến hôm nay ta vẫn chưa đủ trí tuệ, chưa đủ ý chí, và chưa đủ cả sự dũng cảm cần thiết nữa.., để lựa chọn được việc phải làm,  để thúc đẩy mọi người dân mình phải tự đặt ra cho mình những câu hỏi như thế?..
-         Ôi chính ta vẫn còn quá ngu và quá hèn đến nhường vậy?!.. Sao chính ta không thể là một thùng thuốc súng!.. ... Ký ức các trận huyết chiến ở Củ Chi, ở Rừng Sác, trên Pleiku… dồn về.
-         …?
-         …?

Vô số câu hỏi mới ập tới, nhưng chẳng có một câu trả lời nào xuất hiện. Những câu hỏi mới ập tới này chỉ thôi thúc câu hỏi ban đầu thêm quyết liệt: “…Có cách nào làm cho từng người dân nước mình vượt lên mọi sợ hãi, dám nhìn thẳng vào chế độ chính trị hiện nay, dám nhìn thẳng vào những yếu kém của chính mình,  dám tự đặt ra cho mình những câu hỏi sống còn như thế hay không?..  Về chính mình, về đất nước…”

-         Người dân phải vượt lên mọi sợ hãi!..
-         Trước hết bằng cách chính mình phải vượt lên mọi sợ hãi!..
-         Cái giá dân tộc này phải trả quá đắt, vì ngu dốt, vì sự hy sinh bị phản bội đã đành… Ngày nay cái giá này đang ngày càng đắt, vì đất nước đang lạc đường và lạc lõng, trong một thế giới hôm nay đã hoàn toàn khác hẳn... Có cách nào nói lên giữa ban ngày ban mặt sự thật này và thôi thúc từng người dân phải tự đặt ra câu hỏi sống còn, cho chính mình, cho đất nước này hay không?... Một dân tộc sau những chiến thắng vinh quang đã đi tới giành lấy thất bại cuối cùng như hôm nay: Đang quá u mê trong những hèn kém mới!..  Ôi sự thật có phải là như thế không!?.. 
-         Trước đây còn có thể đổ lỗi cho tình trạng vì mất nước nên đất nước mình bất khả kháng rơi vào cái thế giới “hai phe bốn mâu thuẫn”[1]  trong quá trình đấu tranh giành lại độc lập … …Cứ cho là như thế đi để khỏi tranh cãi dài dòng! …Nhưng đất nước độc lập được gần bốn chục năm rồi mà như thế này thì tại cái gì??!..
-         …Chí ít là từ khi hệ thống thế giới xã hội chủ nghĩa sụp đổ, nước ta chẳng còn bất khả kháng phải đi với phe nào nữa, thế giới cũng chẳng còn chia thành các phe nào nữa theo ý thức hệ… Trong một thế giới như thế, ta vẫn cứ như thằng mù… Ta không nhìn ra cái đổ nát phải đổ nát, mà chỉ có cái khiếp sợ tưởng trời sập khi thấy các nước Liên Xô Đông Âu sụp đổ... Ta không nhìn rõ được mình đang đứng ở đâu, không có khả năng tự khẳng định chính mình. Trong một thế giới đã thay đổi sâu sắc như thế, ta không có khả năng xác lập được vị thế ta là ta, không có khả năng nhìn nhận lại chính ta, mà vẫn chỉ nghĩ đến tìm kiếm sự dựa dẫm… Trong một thế giới đã thay đổi đến như thế mà lãnh đạo đất nước vẫn mù quáng bám lấy cái đổ vỡ, quay về liên minh với đổ vỡ, để đất nước phải hứng chịu lấy số phận hẩm hiu như hôm nay…Như thế thì có gì là oan uổng!? Một đất nước dặt dẹo, cam chịu bám nách một siêu cường sặc mùi Đại Hán!.. Thật là cay đắng!.. Trách trời trách đất làm gì…
-         Đúng là chế độ chính trị này phải chịu trách nhiệm trước hết về mọi điều đất nước đang phải gánh chịu hôm nay. Nhưng tại sao nó lại có thể  phôi thai từ cách mạng? Tại sao?... Tại sao?.. Nguồn gốc của hai chữ “tại sao?” này!.. … Có lẽ Phạm Trung Nghĩa đúng, cách mạng chỉ làm được việc phá cái phải phá bỏ, chỉ có thế mà thôi… Mọi câu chuyện chết người đều xảy ra sau khi công việc phá bỏ được hoàn tất! Cái gì mọc lên trên bãi đất được sự phá bỏ này khai hoang mới là điều quyết định. Có phải thế không?..
-         Sức tàn lực kiệt như thế này, ta còn dấn thân được đến đâu cho việc thôi thúc dân tộc mình phải đặt ra những câu hỏi sống còn như thế?…
-        
-        
Trong chiếc ghế bành bằng mây, vẻ ngoài tướng Lê Hải ngồi im không động đậy, hai mắt ông nhắm lại như người ngồi thiền. Chẳng biết ông ngồi trong tư thế ấy bao lâu rồi, chỉ có vài ngón tay ông trên thành ghế lúc hơi hơi máy máy, lúc khe khẽ run bật bật…Những ngón tay này hình như đang bị biết bao nhiêu ý nghĩ, bao nhiêu câu hỏi đang sôi sục tâm thức ông xáo động...

…Cho đến khi tiếng chuông ngoài cổng kéo ông đứng dậy. Ông chầm chậm đi ra cửa…

-         Ôi anh Nghĩa! Đi Tây Nguyên về rồi à?
-         Vâng, tôi mới bay về tối hôm qua, như đã gọi điện cho anh từ Pleiku. Đúng là trăm nghe không bằng mắt thấy.
-         Bao giờ chẳng thế!
-         Thạch bố trí cho tôi đi chuyến này hay quá anh ạ. Bây giờ bô-xít Tây Nguyên đang ngắc ngoải đúng như các phản biện của giới trí thức. Riêng nhà máy alumina Tân Rai hoàn thành hai năm nay rồi mà vẫn không sao huy động được nhiều nghìn tỷ đồng cho xây dựng cảng và đường vận tải. Trong khi đó riêng Nhân Cơ - Đắc Nông chậm tiến độ hai năm rồi, nếu hoàn thành, càng chết nền kinh tế cả nước! Mở rộng quy mô sản xuất, càng chết nữa. Bô-xít Tây Nguyên rõ ràng là một cái bẫy không có lối ra cho kinh tế nước ta anh ạ.
-         Nghĩa là đất nước sẽ còn phải ngắc ngoải thêm nữa?
-         Không thể nói khác được anh Lê Hải ạ. Cái nhà nước này ngoan cố quá! Bây giờ xóa sổ hai cái nhà máy alumina này vẫn là kịp thời và kinh tế nhất, là cái giá phải trả rẻ nhất cho sai trái này, anh Lê Hải ạ. Làm ăn như thế có chết người ta không!...
-         Cá không ăn muối cá ươn, có phải không? Thật là khổ cho đất nước mình… Tôi đinh ninh sáng nay anh không đến.
-         Đến chứ. Đã hứa với anh là đến mà.
-         Coi bộ quá sợ bỏ lỡ cơ hội chia tay đột ngột?
-         Không phải chỉ có thế đâu… - ông Nghĩa cười. - …Tôi bây giờ chẳng phải là tai mắt không thể thiếu được của anh hay sao? – đại tá thương binh Phạm Trung Nghĩa tay dựng chiếc xe đạp vào tường, tay ân cần vỗ vỗ lên vai bạn. Bây giờ nhờ cái xe đạp điện ắc-quy, nên việc đi lại trong thành phố của ông Nghĩa khá thoải mái.
-         Phải… Từ sau khi bị cái choáng chết tiệt ấy, đành chỉ ru rú trong cái nhà này, không còn đi được đến đâu nữa…
-         Anh vẫn còn tự mình ra mở cổng được cho tôi như thế này là ổn rồi. …Biết đâu đấy, qua chu kỳ sinh học thấp này sẽ là chu kỳ Lê Hải hồi sinh hay hoàn đồng thì sao! Nhất là anh vẫn giữ được cho mình trí nhớ và sự minh mẫn tuyệt vời.
-         Tốt thôi. Cho nhau đi tầu bay lúc này không xa xỉ đâu. Hậu vừa mới đi chợ, chắc còn lâu mới về, anh phải tự pha cà-phê lấy và ngồi uống một mình.
-         Không sao. Tôi sẽ pha bù cho anh một cốc sữa nóng… Cam đoan uống hết đấy nhé? – ông Nghĩa vừa nói vừa mở ra một cái gói giấy to to dài dài cho bạn xem…: - …Đây là ba mươi hai bông hồng của chúng ta!
-         Ôi lại cả hoa nữa. Ba mươi hai bông hồng là ý nghĩa thế nào?
-         Tối hôm qua ghi lại chuyến đi Tây Nguyên, nhân thể tôi xem lại nhật ký… Đúng ngày này cách đây ba mươi hai năm chúng ta nộp Quân ủy Trung ương báo cáo tổng kết chiến tranh… Kết quả là tôi bị bắt đi tù ở Thạch Thất, vào đúng cái ngày Nguyệt định tổ chức mừng sinh nhật tôi năm mươi tuổi… Ít ngày sau đó anh mất chức Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Lý luận quân sự của chúng ta bị giải thể… Sau đó ít bữa nữa, là cái giấy báo tử: Nam hy sinh trên chiến trường Siêm-riệp… Một năm đầy ắp những sự kiện đau thương của riêng hai chúng ta, anh Lê Hải ạ[2].
-         Trời đất ơi, đã ba mươi hai năm rồi à!..
-         Vâng…

Hai người đứng nhìn nhau hồi lâu, không nói lên lời. Cái quá khứ ba, bốn thập kỷ đằng đẵng đột nhiên choán hết tâm hồn họ…

Một lúc sau tướng Lê Hải dắt khách vào nhà. Nhưng thật ra là ông Nghĩa đang dìu bạn đi. Ông Nghĩa lo mải vui câu chuyện, bạn mình có thể vấp ngã.

Loay hoay một lúc với hoa, với cà-phê và sữa, với các câu hỏi thăm về Tây Nguyên, về tình hình sức khỏe của tướng Lê Hải, câu chuyện giữa hai người đi thẳng vào nỗi ray rứt đang thiêu đốt tâm can tướng Lê Hải.

-         Anh Nghĩa ạ, mấy tháng nay tôi cứ bị giằng xé mãi trong lòng bởi cái cảm giác hình như tiếng súng tự tạo của Đoàn Văn Vươn bắn thẳng vào ngực mình!..
-         Tôi hiểu được tâm trạng anh.
-         Anh Nghĩa ạ, cách đây ngót nghét bảy mươi năm tôi từ làng mình ra đi… Đấy cũng là cái làng của Đoàn Văn Vươn hôm nay. Ra đi lúc ấy tôi mang theo trong đầu hừng hực những khẩu hiệu cách mạng, nào là “Nước Việt Nam là của người Việt Nam!”, nào là “Người cày có ruộng!”, nào là “Độc lập – tự do – hạnh phúc!”… Bây giờ, nước ta là của dân ta ư? Nhà nước này là nhà nước của dân ư? Đoàn Văn Vươn phải tự làm ra súng bắn ai để giữ đất của mình?.. … Anh ạ, có thể vì tôi là người Tiên Lãng… Vợ con tôi bị giặc Pháp giết ở Tiên Lãng ngay những ngày đầu kháng chiến, cho nên tôi nghe tiếng súng Đoàn Văn Vươn với cái tai của một người Tiên Lãng như thế, với cái tâm trạng của một người Tiên lãng như thế!.. Không phải là người Tiên Lãng như thế, anh không nghe được như thế đâu, anh Nghĩa ạ… …
-         … - ông Nghĩa chằm chằm nhìn bạn.
-         …Rồi nghe những tràng AK liên hồi…Công an bắn uy hiếp dân ở Văn Giang… Cứ như là trong chiến tranh… Những tiếng súng này làm tôi kinh hoàng… … … Anh ạ, cả một đời lính đánh Đông dẹp Bắc, tôi chưa một lần run sợ trước bom đạn giặc. Nhưng tiếng AK nổ liên hồi ở Văn Giang thực sự làm tôi hãi hùng, dù là đạn chỉ bắn thị uy: Trời đất ơi! Chế độ này, cái nhà nước này đã đến mức sẵn sàng xả súng uy hiếp dân của mình rồi!..  Không còn gì để nói nữa, anh Nghĩa ạ… Cho đến lúc súng chúc xuống bắn vào dân có lẽ không xa đâu!..

Câu chuyện chết lặng, vì cả người nói và người nghe đến đây đều chết lặng.

-         Đó có thể là khởi đầu cho giai đoạn bước đường cùng của một chế độ chính trị! Khó nói khác được, anh Lê Hải ạ.  – mãi ông Nghĩa mới nói được thành lời.
-         Hệ quả tất yếu của một con đường đi sai? Hay đây là hệ quả của tha hóa hả anh Nghĩa?
-         Trời đất ơi, hai anh em ta đã hỏi đi hỏi lại lẫn nhau những câu hỏi này mấy chục năm nay rồi, anh Lê Hải ơi! – ông Nghĩa kêu lên.
-         Đành là thế, những đã có câu trả lời ngã ngũ nào đâu! Cuối cùng là tại cái gì? Hay tại cái gì là chính chứ?
-         Có lẽ là tại tất cả, anh Lê Hải ạ. Cuộc sống rắm rối khó tách bạch ra lắm… Chỉ biết rằng sớm muộn, trước sau, cái chế độ này sẽ không thể tồn tại lâu nữa, do buộc phải thay đổi, do bị lật đổ, do mục ruỗng đến sụp đổ và bị lật đổ… Lâu nay tôi vẫn bị cuốn hút vào câu hỏi: Vừa là nạn nhân, vừa là chủ của đất nước, trong thực trạng hiện nay của đất nước, nhân dân mình có thể chủ động lựa chọn kịch bản nào? Có thể chủ động được đến đâu?.. Tôi không muốn mọi chuyện cứ phó thác cho số phận!
-         Tôi hiểu anh, vì thế tán thành nhiều suy nghĩ của anh, anh Nghĩa ạ. …Giữa thanh thiên bạch nhật, trong bài “Trách nhiệm lịch sử” anh dám vạch thẳng ra món nợ phải tính bằng xương máu của mấy thế hệ dân tộc mà Đảng không thể thoái thác. Món nợ Đảng phải dựng lên cho nhân dân ta một thể chế chính trị tự do dân chủ sau khi giành được độc lập thống nhất đất nước - Như Đảng đã hứa trong Tuyên Ngôn Độc Lập khi động viên nhân dân đi theo Đảng... Nhân dân chờ đợi gần bốn chục năm rồi… Đến hôm nay Đảng vẫn tiếp tục lẩn tránh nghĩa vụ phải trang trải món nợ lịch sử này… Trong loạt bài “Viễn tưởng”, anh đã kiến nghị con đường hòa giải khả dĩ toàn dân tộc có thể chấp nhận. Tôi nghĩ đấy là con đường có thể đưa đất nước ra khỏi tình trạng nô dịch và bế tắc hôm nay, đổi đời số phận của dân tộc… Tóm lại, tôi biết rành rọt suy nghĩ của anh chứ… … Tôi hiểu anh cố tìm kiếm mọi thỏa hiệp có thể… Anh tìm mọi cách tránh cho dân tộc ta một thảm cảnh nồi da xáo thịt mới, cố giảm xuống mức thấp nhất những tổn thất mới trong việc mở ra lối thoát khỏi bi kịch của đất nước hôm nay… Vì thế anh kêu gọi lương tri, kêu gọi hòa giải dân tộc trong cả nước, nhất là anh kêu gọi những người tâm huyết trong Đảng... Anh thúc giục mọi người có tấm lòng với đất nước, dù là đảng viên hay không đảng viên, tất cả hãy vượt lên nỗi sợ… Mỗi người hãy vượt lên quá khứ của chính mình, khép lại quá khứ, không ngoái lại quá khứ, để từ đây trong cả nước mỗi người cùng nhau mở ra cho chính mình và cho đất nước một trang sử mới, một con đường mới… Nhưng anh Nghĩa ơi, bây giờ nhân danh chế độ, nhân danh định hướng xã hội chủ nghĩa, người ta sẵn sàng xả súng vào dân rồi… Trước thực tế như vậy, liệu những mong muốn tâm huyết của anh có ảo tưởng hay không? Tâm huyết như thế có tệ hơn cả quỳ gối van xin không? Anh không tự hỏi mình như thế hả anh Nghĩa?
-         … … … - ông Nghĩa không trả lời được.
-         Dân đi biểu tình bảo vệ biển đảo của tổ quốc thì bị đánh, bị giẫm đạp lên mặt, bị bắt bỏ tù… … Đã đến nước người ta cho cả thương binh vào hành hung và ăn vạ ở Viện Hán Nôm, hòng làm câm những tiếng nói chân chính… Người ta còn làm biết bao nhiêu việc hèn hạ bẩn thỉu khác…  Từ cách chơi xấu với anh Trần Độ, anh Hoàng Minh Chính.., đến dựng lên câu chuyện vụ án hai bao cao su… Bất cần bỉ ổi, dối trá, mất văn hóa và mất nhân tính như thế nào… Cốt sao trấn áp được sự phản kháng của dân, khuất phục được dân… Thật lợm giọng quá anh Nghĩa ạ. Không còn lời gì để nói!.. … … Mà cũng quyết liệt quá, anh Nghĩa ạ, Anh xem, còn sự phản kháng nào của dân quyết liệt hơn như chúng ta đang thấy nữa không hả anh Nghĩa?... Hôm nay báo lại đưa tin bà nội và mẹ của một nạn nhân bị công an Long An giết oan đến trước trụ sở Viện Kiểm sát Nhân dân Long An xin tự thiêu để phản đối bạo lực của chính quyền… Hay là phản kháng đến mức như thế vẫn chưa đủ hả anh Nghĩa?
-         ???
-         ... … Trong khi đó đất nước cứ hết lễ hội này đến lễ hội nọ, không pháo hoa thì thi hoa hậu, hết hội thi này nọ lại đến hội thảo láo lếu kia… Làng làng, xã xã, thi nhau chùa chiền cúng bái, cốt sao làm cho dân lạc hướng, cốt sao cho dân ngu hơn nữa…  Trong một nhà nước, trong một chế độ chính trị mục nát và ăn bám đến mức thế này mà anh vẫn còn trông mong vào con đường hòa giải? …Trong khi đó vấn đề hòa giải của những chuyện trong quá khứ có nhúc nhích được tý nào đâu! 
-        
-        
-         Thế nào, bị dồn vào chỗ bí rồi hả ông đại tá thương binh Nghĩa thân mến?... Cái chân gỗ của anh không mách bảo được cho anh điều gì khôn ngoan hơn à?
-         Ôi… Anh cứ giễu tôi đi! Giễu cho bớt bức xúc đi… Việc này tốt cho bệnh huyết áp cao của anh đấy...  Vẫn quyết liệt như thế này thì không thể gọi là một Lê Hải ốm được! – mãi ông Nghĩa mới tìm được cách làm cho câu chuyện dịu lại. - … Nhưng thực lòng tôi không biết làm gì khác thật, anh ạ. Đến giờ này là như vậy. … Cứ khư khư ôm lấy cái gì đã xảy ra để cào cấu nhau, để xử lý nhau… thì không bao giờ có lối ra anh ạ. Làm như thế là tiếp tục cùng dìm đất nước này sâu hơn nữa xuống bùn đen...
-         Dìm mãi thế mà đã tới đáy đâu hả anh?
-         Vâng. Thế tại sao không coi quá khứ và mọi sai lầm đã xảy ra là cái cớ, là cơ hội cho quyết tâm đồng thuận cùng nhau mở ra một sự phát triển mới? Mà muốn thế thì việc đầu tiên là phải hòa giải!… Đoạn tuyệt với cái đã xảy ra bằng hòa giải, như thế có phải là triệt để hơn không, đỡ tốn xương máu hơn không?..
-         Nói thật đi, thực trạng đất nước đến nông nỗi này, mà anh vẫn còn u mê vào hòa giải như thế, có phải là khiếp nhược, là đầu hàng van xin không?
-         Anh ạ, chúng ta ngồi đây phê phán có toác cả phổi ra cũng chưa vạch hết được mọi tha hóa đang diễn ra đâu, anh Lê Hải ạ. … Dù phê phán quyết liệt đến thế nào đi nữa, chúng ta cuối cùng vẫn phải nghĩ đến giải pháp, nghĩ đến lối ra anh ạ… Không thể chỉ phê phán cho hả giận, càng không thể chỉ căm phẫn đạp đổ tất cả rồi tính sau… Không thể xử sự đơn giản như thế đối với vận mệnh quốc gia được anh Lê Hải ạ.
-         Thế anh đã thấy lối ra cho hòa giải của anh rồi hả? - Tướng lê Hải bộp lại luôn, ông không đủ kiên nhẫn theo đuổi cách nghĩ của ông Nghĩa.
-        
-        

Ông Nghĩa lúng túng một lúc:

-         …Thú thực là nhiều lúc tôi cảm thấy như húc đầu vào đá anh Lê Hải ạ… Đến hôm nay vẫn chưa tìm được lối ra, dù tôi tin rằng nhất thiết mọi lối ra phải đi qua hòa giải… Đấy là sự thật… Bức bách quá, anh Lê Hải ạ… - ông Nghĩa dừng lại, nhấp nháp tý nước trắng để nói tiếp:  - …Tôi nghĩ chúng ta đã bị trừng trị đích đáng cho sự thẳng thắn, trung thực của mình, ngay giữa lúc tiếng súng chiến tranh biên giới phía Bắc năm 79[3] đang nổ… Chúng ta trăn trở về thân phận đất nước từ hồi ấy, mà đến hôm nay đã tìm được lối ra đâu? Sau những ngày tôi ở Thạch Thất về[4], Nguyệt đã chẳng từng nhắc tôi và anh là mọi chuyện của đất nước phải làm lại từ đầu, để thay đổi tất cả, để cùng nhau mở ra một con đường mới là gì!?.. Phải làm lại từ đầu!.. Câu nói ngày ấy đã hơn ba chục năm rồi… Thế mà mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn còn gai cả người anh Lê Hải ạ!
-         Từ lâu tôi vẫn thừa nhận chị Nguyệt dạy Sử nước mình với nỗi đau của người làm mẹ. 
-         Anh Lê Hải ạ, càng ngày chúng ta càng rõ, muốn chặt đứt cái vòng luẩn quẩn của quán tính lịch sử nhất thiết phải lựa chọn một con đường phát triển khác hẳn con đường dân tộc ta đã đi cho đến hôm nay anh ạ. Phải là một con đường khác hẳn với quán tính lịch sử.., như nước Nhật đã làm, Hàn Quốc đã làm, nhiều nước khác mấy chục năm nay đã làm, đang tìm cách làm, con đường khởi đầu bằng văn hóa với tất cả tầm vóc và sức mạnh bất diệt của nó… … …Trong lòng ray rứt quyết liệt là thế, nhưng tôi cố nén mọi cảm xúc, chắt lọc những kinh nghiệm của lịch sử nước mình và của các quốc gia để tìm lối ra anh ạ… Tôi cố tỉnh táo gạn đục khơi trong.., cố tin vào cái thiện vẫn có thể còn leo lét cả ở trong những con người đã tha hóa nhất, để suy nghĩ về một lối ra đỡ tổn thất nhất, tiết kiệm xương máu nhất cho đất nước anh ạ… Bốn cuộc chiến tranh vừa mới hôm qua thôi, như thế còn chưa đủ hay sao hả anh?..
-         Tôi không khuyến khích đổ vỡ, càng không muốn đổ máu, nhưng cũng không thể chấp nhận ảo tưởng. Anh nói tiếp đi. – tướng Lê Hải động viên ông Nghĩa.
-         Vâng… Nhưng quả thật trí tuệ của tôi.., đến giờ phút này, vẫn chưa mách bảo được điều gì hơn là tìm cách thực hiện hòa giải dân tộc. Đúng như anh nói: Hòa giải để hiểu sâu sắc quá khứ và hun đúc ý chí của cả dân tộc vượt lên chính mình! Bắt đầu từ chiều sâu văn hóa là như thế đấy anh ạ… …Vâng. …đến mức tôi cố nuốt vào bên trong mọi điên giận và khinh tởm.., để viết lên những điều tôi cố tìm tòi cho hòa giải. Anh cứ đọc lại các bài tôi viết đi… Tôi làm tất cả để cố thực hiện hòa giải anh ạ…  Thú thật, vì tôi không phải là Phật, tôi chưa có được đức tính độ lượng như Phật, nên nhiều lúc tôi phải nghiến răng nghiến lợi để viết xuống giấy những suy nghĩ về hòa giải anh ạ. Nghĩa là tôi phải quyết liệt chống lại chính mình, cố vượt lên chính mình để viết lên mong muốn về hòa giải, anh hiểu không?…
-        
-        
-        
-         Nói thật đi anh Nghĩa, anh đang khó hòa giải nhất với cái gì?
-         Với chế độ này anh ạ. Nói chuẩn xác hơn là với những người đang cai trị chúng ta!
-         Tôi đang nói chuyện với một Phạm Trung Nghĩa phản động? -  trên mặt tướng Lê Hải sáng lên một nụ cười hiền hòa đi theo câu hỏi.
-         Cứ phê phán cho sướng mồm đi!.. Anh cứ nhìn lại những mất mát của đại gia đình họ Phạm chúng tôi, cứ nhìn lại những tổn thất không lời nào nói hết được của dân tộc ta mà xem… Phải nuốt tất cả mọi thứ đau đớn và căm phẫn, dơ dáy và phản bội… vào bên trong để cố viết ra hòa giải, anh có hiểu không?…  
-         Tôi biết.., anh chấp nhận trả giá cho nỗ lực của mình. – tướng Lê Hải đồng cảm.
-         Cái giá không dễ chịu chút nào đâu anh ạ… Đối với chính mình đã là chịu nhục và liều chết… Còn đối với ngoài đời không hiếm khi là ngậm đắng nuốt cay, anh hiểu không?.. … …Lúc gặp nhau trên mạng hay ngoài đường, nhiều người tốt đã chửi thẳng vào mặt tôi thậm tệ về cái khát vọng hòa giải này. Có người đã gọi tôi là kẻ đào ngũ. Có người gọi tôi là con chim mồi làm tay sai trá hình cho chế độ cộng sản… Ngay em tôi, cậu Lễ, đã mấy lần nhiếc móc tôi trước mặt anh về cái tội “ngu trung” mà chính anh cũng không thèm đứng ra bênh tôi lấy một lời!… Nhưng tôi hiểu được những suy nghĩ này, và mong sẽ có ngày mình được hiểu đúng hơn… … …Tôi chưa bỏ cuộc… Tôi vẫn tiếp tục đi tìm con đường hòa giải như thế, thậm chí hòa giải rất triệt để, với tinh thần không ngoái lại quá khứ để thay đổi tất cả… …Vì đến giờ phút này, ngồi trước mặt anh như thế này, tôi vẫn chưa nghĩ ra được lối thoát nào khác thông minh hơn hòa giải anh ạ…
-         … - tướng Lê Hải ngồi yên lắng nghe.
-         Muốn thôi cấu xé nhau, muốn bộc bạch to nhỏ cho nhau nghe để cùng nhau nhận thức lại được chính mình, để tìm tòi, để thấy được con đường sai lầm cũ và tìm cách lựa chọn một con đường mới.., nhân dân ta phải bắt đầu từ hòa giải, cũng có nghĩa là từ học lại và học tất cả anh Lê Hải ạ. Hòa giải như thế là để cùng nhau khát khao thay đổi chính mình, để có trí tuệ và ý chí dấn thân… Hòa giải để có được Việt Nam thực sự là tổ quốc của mọi người Việt Nam tự do…  Hòa giải là để,cùng nhau tìm đường trở nên một dân tộc tự do và trưởng thành, anh ạ… Tôi khát khao hòa giải, trước hết là vì tôi khát khao tự do!
-         Ôi anh Nghĩa!… - tướng Lê Hải thốt lên. Ông phải nghỉ một lúc rồi mới nói tiếp được: - …Chế độ mục nát đến thế này mà anh vẫn còn nuôi khát vọng như thế?.. Lãnh đạo cầm quyền đất nước thì năm bè bẩy mối…  Tham nhũng chụp giựt đến đâu cũng chưa thỏa, bây giờ vỡ bong bong bất động sản, vỡ bong bong thị trường chứng khoán, thì lại đem tiền dân đóng thuế đi cứu nợ xấu. Không đủ tiền cứu thì in thêm tiền mà cứu… Làm như thế có khác gì cướp trắng mồ hôi nước mắt của cả nước để trám vào?… Thử hỏi ăn cướp như thế hay ăn cướp xảy ra thường thấy ở các tiệm vàng tội nào nặng hơn?..  Anh muốn hòa giải với kẻ cướp à?.. Anh nghĩ kẻ cướp chấp nhận hòa giải à? Không có dân chủ thì hòa giải thế nào?
-         Vâng, tiền đề của hòa giải đúng là phải dân chủ, còn không thì chỉ là nói xuông.
-         Thấy chưa anh Nghĩa!
-         Nhưng dân chủ phải bắt đầu từ hòa giải! Nghĩa là qua hòa giải cùng nhau để giành lấy dân chủ anh ạ.
-         Hỏi thẳng luôn. Nếu theo đuổi hòa giải thất bại, nghĩa là không thể xảy ra, thì sao? – tướng Lê Hải không giữ được bình tĩnh nữa. Khuôn mặt ông xanh xao lâu nay bừng bừng lên.

Ông Nghĩa phải nắm lấy tay bạn để trấn tĩnh bạn. Một lúc rồi ông mới nói tiếp được:

-         Tôi cũng nghĩ như anh. Cho đến giờ này, với nội tình đất nước bị kìm kẹp như hiện nay, con đường hòa giải tôi đang theo đuổi hiển nhiên không khả thi... Thế nhưng chẳng lẽ chịu khoanh tay nhìn con tạo xoay vần? Còn một sự lựa chọn nào khác không?.. Thậm chí khoanh tay như thế cũng là mắc tội với đất nước, anh không nghĩ thế à!..
-         Anh lẩm cẩm lắm! Biết là không cứu vãn được nữa và sẽ sụp đổ. Sao không đạp dấn cho nó đổ sớm luôn đi! Anh muốn kéo dài cái thời kỳ ngắc ngoải này phải không?
-         Đạp dấn bằng cách nào? Kêu gọi bạo loạn lật đổ hả anh?
-         ??? ???
-         Sao? Anh không trả lời đi?
-        
-        
-         Có lẽ tôi quẫn quá nên mất trí rồi!.. Nhưng cứ ngắc ngoải mãi thế này, chịu không nổi nữa, anh Nghĩa ạ.
-        
-         Hòa giải không được. Đạp đổ không được. Thôi cứ để cho nó dần dần tự sụp đổ vậy! Một thập kỷ nữa? Hai thập kỷ nữa? Chẳng lẽ đành chịu như thế à?..
-         … - ông Nghĩa vẫn ngồi im không nói.
-         Cả anh và tôi, có khi nào chúng ta nghĩ hôm nay lại là cái đích mà chúng ta đã đi suốt cả cuộc đời để tới không hả anh Nghĩa?
-        
-         Chẳng lẽ đất nước ta thực sự đã đánh mất cả một thế kỷ vừa qua để hôm nay lận đận tiếp trong cái thế giới ngày càng khắc nghiệt này hả anh?.. …  Thú thực, có lúc tôi phải kêu lên trong đầu: Cái tội của chủ nghĩa công sản gây ra cho nhiều nước, cho nhân loại lớn quá… Đất nước mình rơi vào cái bẫy này sâu quá, bao nhiêu cơ hội bị cướp mất!.. Nó đã phải dời bỏ thế giới này rồi mà vẫn còn đủ sức chặn đứng tiếp con đường phát triển của đất nước mình, thế mới đau chứ!..
-         Anh Lê Hải ơi, đừng tự hành hạ mình nữa. – bây giờ ông Nghĩa mới nhúc nhích. - … …Chúng ta chẳng thay đổi được gì đâu, nhưng vẫn cứ phải bình tĩnh nhìn thẳng vào sự vật anh ạ. Tôi nghĩ còn nước còn tát, cho đến khi quyền lực quyết bóp chết mọi lựa chọn cải cách hòa bình mới chịu thôi.  Chỉ có sự lựa chọn này là tối ưu cho đất nước và hứa hẹn thành công thôi, anh tin tôi đi! Đây là sự lựa chọn rất quyết liệt đấy. Dũng cảm lắm mới dám làm.
-         Nhưng tôi không kiên trì nổi nữa rồi. Nhiều lúc phát quẫn... Nhất là nhìn sang Myanmar… Kinh tế ta đi trước họ đến hàng chục năm. Nhưng bây giờ nhìn về cải cách thể chế đất nước, ta lại đang kém xa ông tổng thống Thein Sein và bà Aung San Suukyi cả một nấc thang phát triển. Thật là lạ lùng!..
-         Vâng… Có sự khác biệt rất cơ bản giữa ta và Myanmar đấy anh Lê Hải ạ. Các lực lượng khác nhau đang lãnh đạo Myanmar đều thuộc giới trí thức anh ạ, kể cả những người cầm đầu trong giới quân phiệt hiện nay… Nhất là hầu như họ không bị trói buộc vào ý thức hệ… Mặt khác, có lẽ họ đã thấm thía được cái giá đất nước phải trả cho cái độc tài toàn trị, cho sự can thiệp quá trắng trợn của Trung Quốc… Ngoài ra cũng phải thừa nhận nền tảng văn hóa Phật giáo ở Myanmar đã tác thành sâu sắc vào những quyết định vừa qua của các giới có ảnh hưởng ở quốc gia này.
-         Thế là họ khôn ngoan hơn lãnh đạo của mình nhiều có phải không? Biết đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết! Thêm một dẫn chứng nữa cho bài “Trách nhiệm lịch sử” của anh đấy!
-         Đúng là các lực lựơng chính trị nước này đã cùng nhau tạo ra được bước ngoặt xây dựng nên một thể chế chính trị đa nguyên và một nhà nước pháp quyền gồm lưỡng viện, có tam quyền phân lập, có tòa án hiến pháp.., không phải tốn một sinh mạng!.. Anh thử tưởng tượng xem, nếu việc này thiếu ý chí và tinh thần hòa giải!..
-         Tôi thừa nhận đây là một bước ngoặt đổi đời trong hòa bình, rất độc đáo, chỉ thấy ở Myanmar. Nó hơn hẳn các cuộc cách mạng mọi màu sắc ở Bắc Phi … Nó thể hiện trách nhiệm của những người nắm quyền lực trong tay, có thể nhận xét như thế được không hả anh Nghĩa?
-         Sự thật là như thế anh ạ. Cách thay đổi từ trên xuống như thế chỉ có người cầm quyền mới làm được anh ạ. Còn dân thì tay trắng, khi cần thì chỉ có một sức mạnh duy nhất của tình trạng tức nước vỡ bờ thôi. Một khi đến nông nỗi ấy thì chẳng còn gì để nói nữa. Đương nhiên ở Myanmar còn tồn tại một việc lớn là phải sửa đổi Hiến pháp, chuyện này đến nay đang để ngỏ cho tương lai. Nhưng dù sao tổng hợp lại, có thể nói Myanmar đã đi được bước đầu tiên có tính bước ngoặt… Vâng, bước đầu tiên thôi, nhưng rất căn bản trong việc cải cách hệ thống chính trị, mở đường cho sự phát triển đất nước họ anh ạ. Rất có lý và hợp lý.
-         Theo anh, bước cải cách này có bền vững không?
-         Khó đoán lắm. Nhưng tôi hy vọng nó sẽ không bị đảo ngược, hay sẽ không thể đảo ngược được. Đường còn dài và gian truân lắm anh ạ, nhất là trên phương diện phát triển kinh tế, vấn đề sắc tộc, sự can thiệp tiếp tục trăm phương nghìn kế của quyền lực mềm Trung Quốc. Anh cứ nhìn vào nước ta thì rõ, cũng nhiều máu và nước mắt lắm anh ạ. Có thể nhờ có thể chế dân chủ, Myanmar rồi đây sẽ đi nhanh hơn nước ta cho mà xem… Mọi điều kiện như thế cho cải cách chính trị ở nước ta đang bị bỏ phí anh ạ!
-         Bỏ phí, hay không có, hả anh Nghĩa?
-         Bỏ phí một trăm phần trăm! Muốn đoạn tuyệt được với quá khứ đau thương của đất nước, nhất thiết phải thức tỉnh được sự bỏ phí này…
-         Phải thức tỉnh cả sai lầm nữa chứ?
-         Tất nhiên rồi anh Lê Hải ạ. Đấy chỉ là hai khía cạnh của một vấn đề thôi. Lấy trí tuệ để tìm đường ra khỏi quá khứ là như thế… Ôi sẽ có thể tiết  kiệm được rất nhiều thời gian, xương máu và những tổn thất khác không đáng có!.. …Hư hỏng đến mức phản lại lợi ích dân tộc chắc chỉ là một bộ phận nhất định nào thôi… Tôi tin trong Đảng còn nhiều người tâm huyết với đất nước lắm. Họ tham gia Đảng trước hết vì yêu nước, mặc dù họ không được nắm quyền lực trong tay!.. Phải tìm mọi cách thuyết phục những đảng viên tâm huyết cùng với cả nước từ chỗ đứng hôm nay mở đường đi tiếp anh ạ…   Thuyết phục cả những người mắc sai lầm… Thành quả nhân dân ta đạt được dù lớn nhỏ hay dang dở thế nào đi nữa cũng từ bao nhiêu xương máu làm nên. Còn gì lý tưởng hơn là chắt chiu từ cái được, cái tốt nhỏ nhoi nhất, không bỏ phí bất kể cái gì… Để khỏi bắt đầu lại từ đổ nát, từ con số không, để tiến hành cải cách đi tiếp… Như  thế không phải là tối ưu cho đất nước này hay sao hả anh Lê Hải?… Những điều kiện như ở Myanmar hiện nay ta chưa có, nghĩa là đang không có, vì chưa đánh thức được sự bỏ phí, chứ không phải là tuyệt đối ta không có! Trí tuệ sẽ thay đổi tất cả anh ạ. Chỉ cần trong Đảng, ngoài Đảng cùng nhau nhận thức lại tất cả!.. Bây giờ vẫn còn kịp mà, anh Lê Hải! Đã muộn lắm rồi, nhưng vẫn chưa quá muộn đâu!.. – ông Nghĩa cố moi hết ruột gan của mình. 
-         Chưa quá muộn? Anh có quá mềm yếu không anh Nghĩa? – tướng Lê Hải lắc đầu.
-         Nói thế nào để thuyết phục được anh nhỉ?.. – ông Nghĩa loay hoay một lúc. – …Tôi có niềm tin, tôi cố nhờ lịch sử làm thầy dạy cho mình... Tôi đã trình bày trong nhóm chúng ta về kịch bản Trần Thủ Độ, được tất cả các anh tán thành, đã xây dựng thành đề án triển khai...    …  Rõ ràng là Trần Thủ Độ đã làm được xuất sắc việc chuyển tiếp từ thời nhà Lý suy tàn sang thời nhà Trần rực rỡ một cách tiết kiệm xương máu nhất.
-         Đúng, lịch sử là như vậy. Nhà Trần đã kế thừa hiển hách nhà Lý sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc đã đành… Đạo Phật nước ta từ nhà Lý chuyển sang nhà Trần đã đạt tới đỉnh cao nhất trong toàn bộ lịch sử Phật giáo nước ta cho đến nay.  Công lao này vỹ đại lắm... Nhưng khổ quá, kịch bản Trần Độ nhóm chúng ta kiến nghị, có cả chữ ký của anh đấy, đã thất bại một trăm phần trăm rồi, anh quên à?! – tướng Lê Hải nhắc nhở.
-         Không quên. Chỉ có Lê Hải đang quẫn và bỏ cuộc thôi, Phạm Trung Nghĩa thì không! Còn sống, tôi còn đeo đuổi.
-         Phải rồi, lòng yêu nước được nuôi bằng ngu trung thì trở thành mù quáng. Đấy là chuyện của anh. – tướng Lê Hải nửa đùa nửa thật.
-         Anh cứ nhìn lại mà xem, Trần Thủ Độ không làm cái việc khư khư ôm lấy quá khứ để cấu xé nhau, để triệt hạ nhà Lý, mà chỉ vượt qua mọi trở ngại với ý chí sắt đá để tập trung mọi nỗ lực cho tương lai… Cái này chúng ta phải học anh ạ…  Đến thế kỷ thứ 18 là nước Nhật của Minh Trị. Rồi thế kỷ 20 sau này là Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan hôm nay…  Rồi đến sự đổ vỡ của Liên Xô để chuyển hóa thành nước Nga và các nước SNG, bắt đầu từ bước ngoặt Gorbachev - Eltsin… Thành bại dù khác nhau như thế nào, những quốc gia này đang đi tiếp trên con đường gian khổ họ phải đi…
-         Thôi được, là chuyên gia tổng kết, anh đánh giá chung cuộc sẽ như thế nào? – tướng Lê Hải nhượng bộ.
-         Tuy rằng lịch sử mỗi thời mỗi khác, với những đòi hỏi và nội dung khác nhau, kết quả mỗi nước đạt được cũng khác nhau anh Lê Hải ạ. Song  tựu trung lại, tôi thấy viêc chuyển giai đoạn tại mỗi nước dù muôn hình muôn vẻ thế nào đi nữa, cái chính vẫn là bao gồm 2 bước đi cơ bản mà thôi anh ạ: Biến cái mục nát hiện tại thành cơ hội, kiên định con đường của tương lai! 
-         Bàn đi bàn lại nát nước chuyện này rồi, đã thua một trận trắng tay trắng mắt rồi, vậy bây giờ có thể khái quát lại kịch bản Trần Thủ Độkịch bản hai bước được không? 
-         Gọi thế cũng được anh Lê Hải ạ, cho dễ nhớ… Liên hệ vào nước ta bây giờ, tôi nghĩ có thể lấy hòa giải dân tộc kết thúc chặng đường đau khổ bẩy mươi năm qua để trở nên một dân tộc trưởng thành, nhờ đó nhìn rõ thế giới để lựa chọn con đường dân tộc – dân chủ đưa nước ta vào thời kỳ phát triển mới. Chân lý đơn giản như thế thôi anh Lê Hải ạ. Đề đạt với người nắm quyền hành đến nay là không thành rồi, là chưa được. Vậy bây giờ chúng ta đem ra bàn luận rộng rãi mong được đồng thuận trong toàn dân, anh Lê Hải ạ. Thúc đẩy từ phía dân vậy.
-         Bàn luận rộng rãi với dân bằng cách nào? Báo chí thì bị cấm. Biểu tình chính quyền trấn áp tới số, Văn Giang thì súng nổ và xe ủi đất uy hiếp dân đến cùng... Thế mà anh vẫn còn hy vọng tạo ra đồng thuận của dân để thúc đẩy? Suy nghĩ gì mà ngây thơ thế hả anh Nghĩa?
-         Mềm nắn rắn buông. Chưa đủ rắn thì dân phải rắn nữa! Vẫn còn hơn anh là khoanh tay ngồi yên, hoặc có lúc phát quẫn chỉ muốn đạp đổ tất cả rồi muốn ra sao thì ra!  
-         … - tướng Lê Hải ngồi im, trong thâm tâm thừa nhận ông Nghĩa có lý.
-         Thái độ như anh mới là có tội, anh Lê Hải ạ, chứ không phải tôi ảo tưởng! – ông Nghĩa quyết liệt.
-         … … - tướng Lê Hải cân nhắc mọi mặt, mãi mới nói được: - …Tôi vẫn phải hỏi lại lần nữa: Anh còn ảo tưởng nào lớn hơn kịch bản Trần Thủ Độ nữa không hả anh Nghĩa? Chúng ta đã hàng chục năm nay ấp ủ nó rồi, thất bại rành rành thế mà vẫn không chán hả anh Nghĩa?
-         Vì chưa nghĩ ra cách nào đỡ xương máu hơn thôi, anh Lê Hải ạ.
-         Tôi hiểu chứ. – tướng Lê Hải đặt tay lên vai ông Nghĩa, chậm rãi: - …Người đề xướng đầu tiên ý tưởng này với chúng ta hôm ấy là chị Nguyệt, tôi nhớ rõ lắm. Đúng là chúng ta có một bà giáo dậy Sử tuyệt vời. Từ đó ngồi đâu chúng ta cũng chỉ bàn chuyện này, có đúng không? Chúng ta đã xây dựng thành kiến nghị, chỗ nào chúng ta cũng vận động cho kịch bản này… Tư duy này khoảng một chục năm rồi đấy, có ít ỏi gì. Từ khi có kịch bản hoàn chỉnh, còn ai nữa gặp được nữa mà chúng ta chưa đề đạt suy nghĩ này!?. Đến nay thất bại vẫn hoàn thất bại! Anh còn hy vọng vào cái gì nữa?
-         Tôi không biết. Nhưng không bỏ cuộc được, anh Lê Hải ạ… Cứ phải tiếp tục húc đầu vào đá. Vận động trong Đảng, trong cả nước.
-         Cái nào trước, cái nào sau? – tướng Lê Hải ngắt lời.
-         Anh hỏi khó quá. Cái nào trước cái nào cũng được anh ạ, không câu nệ. Cố sao tao ra bằng được sự thức tỉnh đủ mạnh như một quyền lực xã hội bất khả kháng, rồi tính tiếp… Lẽ ra Đảng phải là người đi tiên phong!..  Mở đầu từ xây dựng một Hiến pháp mới làm nền tảng cho một nhà nước pháp quyền dân chủ, đại thể với tinh thần Hiến pháp năm 1946.
-         Nhưng cơ hội sửa đổi hiến pháp bị vứt vào sọt rác rồi. Anh không thấy à? Chỉ còn lại một màn kịch tổng lừa để chính thức hóa việt siết dân hơn nữa.
-         Vâng. Nếu hôm nay có hiến pháp mới rồi thì đỡ cho đất nước bao nhiêu! – ông Nghĩa nuối tiếc.
-         Cải cách ở Myanmar bắt đầu từ thả tù chính trị, rồi qua đối thoại tạo đồng thuận dân tộc cho cải cách. Tôi thấy đấy là một cách tiếp cận thông minh.
-         Kiến nghị của chúng ta về giải pháp Trần Thủ Độ, rồi đến những kiến nghị khác gần đây của nhân sỹ trí thức[5] đã nêu rất rõ đường đi nước bước ra sao để cải cách thể chế chính trị trong hòa bình, rất cụ thể, rất xây dựng, anh ạ. …Nếu chủ động thực hiện từ trong Đảng ra, đấy có thể sẽ là cú hích giải phóng năng lượng cho thực hiện cải cách hòa bình trong cả nước, anh có nghĩ thế không?...
-         Phải. Làm được như thế sẽ còn gì bằng! Tiết kiệm xương máu, tránh được đổ vỡ… Nhưng giả định là đảng viên chịu để cho 19 điều cấm trói tay thì tính sao anh Nghĩa?
-         Thế thì chỉ còn một cách đảng viên phải nhờ dân cởi trói cho mình vậy thôi!… Chắc chắn dân sẽ làm được, rồi đấy anh xem...
-         Gớm nhỉ!
-         Một khi phải nhờ đến dân cởi trói cho Đảng, chắc Đảng sẽ không còn lý do tồn tại nữa!.. Anh không còn hy vọng vào bất kể điều gì nữa về Đảng hay sao hả anh Lê Hải?
-         Không. Tôi bi quan! Đất nước này có lẽ còn phải trả giá đau đớn hơn nữa may ra mới tỉnh ngộ được!.. Cái gì moi gan moi tim ra mà nói thì chúng ta đã nói cả với lãnh đạo Đảng rồi, có xoay chuyển được gì đâu? Anh hãy nhớ lại thư của anh Tám Việt trước thềm Đại hội XI… Đừng có mà chóng quên như thế!
-         Tôi không quên, tôi chỉ không bỏ cuộc như anh thôi, anh Lê Hải ạ!
-         Tất cả nhóm lão thành chúng ta đều ký tên vào thư này, không sót một người. Kêu gọi toàn thể các ủy viên Bộ Chính trị hãy khép lại mọi riêng tư cá nhân, một lòng cùng nhau thực hiện nhiệm vụ mà Trần Thủ Độ trước đây đã phải làm. Trong thư chúng ta nêu rõ Trung Quốc đã đi được một chặng đường dài trong mưu đồ biến Việt Nam thành một chư hầu kiểu mới. Anh còn nhớ chứ?
-           Vâng, tôi nghĩ thư này là rõ ràng. – ông Nghĩa đồng tình.
-           Như thế là chúng ta đã còn nước còn tát đến cùng rồi còn gì nữa?! Còn hơn cả chúng ta quỳ gối van xin, hơn cả cái tư tưởng hòa giải của anh, anh Nghĩa ạ!.. Còn điều gì chúng ta không nói trong thư này? Hiển nhiên là họ quyết tâm điếc. Cuộc sống đất nước từ sau Đại hội XI đến nay không đủ mở mắt ra cho anh à?
-         … - ông Ngĩa ngắc ngứ.
-         Điếc như thế phải được xem là một tội lớn với đất nước, anh không nghĩ thế à? Từ sau 30 Tháng Tư đến nay hễ đất nước có cơ hội lớn đến, thì lãnh đạo Đảng lại điếc, quyết vứt bỏ cơ hội để giữ chế độ. Đã ba bốn lần vứt bỏ như thế chứ không phải một lần! Thế mà anh vẫn chưa tỉnh ngộ ra đảng hôm nay lựa chọn cái gì à?  Vẫn còn ảo tưởng hão huyền về Đảng đến như vậy hả anh Nghĩa? – tướng Lê Hải trì triết.
-         … Ảo tưởng thì không, anh ạ. … … Tôi biết đảng hôm nay là cái gì chứ. Nhưng nghĩ gì thì cũng phải nghĩ đến giải pháp! Tôi chọn hòa giải dân tộc là chọn giải pháp, anh Lê Hải ạ, bất di bất dịch!.. Bất di bất dịch, anh biết không?!.. - ông Nghĩa gần như gào vào tai ông Lê Hải.
-        
-        

Mãi tướng Lê Hải mới nói được:

-         Ôi anh Nghĩa… Chịu sự kiên nhẫn của anh đấy!.. Tôi cũng không nghĩ ra được điều gì hay ho hơn đâu… Đành chấp nhận đeo đuổi tiếp cái phương án hòa giải của anh vậy… - tướng Lê Hải bỏ lửng câu nói, ngồi im khá lâu..: - …Nhưng về thực thi các giải pháp, có lẽ nên suy nghĩ thêm về Trung Quốc…  Nhất là những vấn đề liên quan đến Trung Quốc, anh Nghĩa ạ… … … 
-         Về Trung Quốc còn chuyện gì nữa hả anh? – ông Nghĩa giục.
-         …  … … - mãi tướng Lê Hai mới nói được: - …Tôi muốn anh xem xét kỹ thêm một chút về Trung Quốc. Vì trong tay không có bằng chứng giấy trắng mực đen, chỉ có sự việc nhặt nhạnh được trên báo chí và suy luận, nên tôi muốn thận trọng. – tướng Lê Hải dẹp tách cà-phê đã cạn của ông Nghĩa sang một bên, rót cho bạn tách nước chè mới, ông thủng thẳng:   - …Thế này nhé… Bây giờ ngọn cờ chống tham nhũng đang được giương cao, song lại dứt khoát không đụng vào nguyên nhân gốc tạo ra nó là bản chất phản dân chủ và quan liêu ăn bám của thể chế chính trị. Cách làm này đang biến tướng lộ liễu thành thủ đoạn chống nhau giữa các nhóm lợi ích, dựng lên những “anh hùng” dỏm, chỉ nhằm tô vẽ phe cánh và kéo dài sự tồn tại của chế độ… Chống tham nhũng kiểu như vậy, thực chất là một loại tham nhũng mới: tham nhũng chính trị, anh có nghĩ thế không?.. Đây còn là thủ đoạn khỏa lấp đòi hỏi bức xúc số một của đất nước là phải tiến hành cải cách thể chế chính trị. Vì chỉ cải cách chính trị mới giải quyết được từ gốc mọi vấn đề của đất nước, kể cả chống tham nhũng, có phải thế không?...
-         Đúng thế.
-         Đã đến lúc phải vạch trần sự biến tướng đầy tính lừa bịp này anh Nghĩa ạ., và làm sao thuyết phục được cả nước cải cách thể chế chính trị là điều kiện tiên quyết để thoát khỏi nô dịch và mở ra cho nước ta một thời kỳ phát triển mới. Đặt vấn đề như thế có chịu không?
-         Tất nhiên là chịu. Lâu nay chúng ta vẫn nghĩ theo hướng này mà, coi cải cách thế chế chính trị là cái đích trung tâm, là chìa khóa, có gì mới đâu anh Lê Hải?
-         Được rồi, chốt lại thế nhé. Vì thế tôi muốn phải tập trung hơn nữa làm thất bại âm mưu thâm độc của quyền lực mềm Trung Quốc can thiệp vào nội bộ nước ta.
-         Tôi thừa nhận có mối liên hệ gắn kết nguy hiểm giữa tha hóa bên trong và sự can thiệp bên ngoài từ Trung Quốc. Nhưng tôi vẫn cho rằng tập trung vào đối nội vẫn là quyết định.
-         Câu chuyện là thế này, anh Nghĩa ạ: Theo tôi, Trung Quốc không ngại chuyện Việt Nam ngả vào Mỹ chống Trung Quốc đâu. Đơn giản là từ Thành Đô họ đã biết tỏng tâm lý của lãnh đạo ta rồi. Họ cũng chẳng sợ khả năng chống lại của lãnh đạo ta. Bởi vì họ quá hiểu lãnh đạo ta và hiểu Mỹ. Trung Quốc cho rằng cứ duy trì một Việt Nam èo uột như hiện nay là đắc sách nhất, và họ đang làm rất tốt việc này. Thực tế là họ đã có được ở Việt Nam một hệ thống chính trị vừa sợ Trung Quốc vừa sợ dân, vừa không dám đi với thế giới phương Tây. Trung Quốc khoét sâu vào mọi tha hóa của ta để nuôi dưỡng hiện trạng này. Khi cần tăng thêm yêu cầu khống chế ta, nó bổ sung đủ liều sức ép kinh tế, áp lực quân sự trên biên giới, trên biển, những thủ đoạn chính trị khác... Trong tình huống nhất định vì những đòi hỏi chiến lược hoặc chiến thuật, nó có khả năng và dám làm bất cứ việc gì khác nếu cần: lấn chiếm mới, xây dựng tiếp những căn cứ quân sự trên các đảo chiếm của ta, lập vùng nhận dạng phòng không… Nó tính toán các giới hạn, miễn sao không để cho chế độ chính trị của ta tự sụp đổ là được. Bởi vì duy trì một chế độ chính trị Việt Nam thần phục như hiện nay, với nghĩa là quy hàng trên thực tế, là rẻ nhất đối với nó. Vạn bất đắc dĩ, nó sẵn sàng tính đến những biện pháp cứng rắn hơn!.. Phải thừa nhận Trung Quốc thâm hiểm và đã thành công lớn, có phải không? Đây là lý do thư của chúng ta gửi Bộ Chính trị đã nhận định cán cân so sánh lực lượng đang nghiêng về phía Trung Quốc, chẳng biết bọn họ có đọc hay không!
-         Sự thật đang diễn ra là như thế, anh Lê Hải ạ.
-         Song Trung Quốc sợ nhất là: Nếu để Việt Nam đi vào con đường dân chủ, Trung Quốc sẽ mất cửa ngõ quan trọng số một đi ra thế giới bên ngoài. Đồng thời làn sóng dân chủ trong lòng Trung Quốc sẽ có áp lực ngày càng lớn. Ý đồ chiến lược siêu cường Đại Hán sẽ bị cản trở nghiêm trọng. Trong khi đó mọi mâu thuẫn nội tại của Trung Quốc đang rất nóng, luôn luôn mấp mé sự bùng nổ. Đấy là tình hình rất nguy hiểm, với nghĩa lãnh đạo Quốc luôn luôn có xu hướng đem cái bệnh thổ tả của nước họ đổ ra bên ngoài để hạ nhiệt bên trong. Vì thế chủ nghĩa dân tộc xô-vanh (chauvinist) đang được Tập Cận Bình bơm lên hết cỡ…
-         Sao không gọi đấy là hiện tượng chó cùng cắn dậu hả anh Lê Hải? – ông Nghĩa xen vào.
-         Không được, Trung Quốc lớn quá. Hơn nữa nó có “cùng” đâu mà cắn dậu! Không ví thế được. Hiện nay nó đã có lực để chuyển sang giai đoạn công khai thách thức cả thế giới. Tình hình này nguy hiểm cho cả thế giới, nhưng trước hết là cho ta, vì nước ta là nơi nó dễ diệu võ giương oai nhất trong toàn khu vực Đông Nam Á này.
-         Sao có thể nhận định như vậy hả anh Lê Hải? Thế giới này có ai coi thường lực lượng vũ trang của ta đâu?
-         Thế anh không thấy nó đánh ta tháng hai bẩy chín (19-02-1979) ngay sau khi ta vừa mới thắng Mỹ à? Còn hôm nay, phải thừa nhận quyền lực mềm của nó đã túm gáy hay điểm huyệt được nhiều vấn đề nghiêm trọng của đất nước ta rồi. Anh cứ nhìn xem, trên 90% nguyên liệu và phụ kiện cho xuất khẩu công nghiệp gia công của ta là nhập từ Trung Quốc, một dẫy căn cứ quân sự nổi trên các đảo chiếm của ta ở Biển Đông có thể bất kỳ lúc nào sẽ là một Vạn lý Trường thành trên biển bao vây ta. Rồi còn biết bao nhiêu thủ đoạn lũng đoạn khác nữa… Trong khi đó nội bộ lãnh đạo ta cứ ông chẳng bà chuộc trong đối sách với Trung Quốc. Có phải thế không? Trong chiến lược bá chiếm Biển Đông của Trung Quốc, Việt Nam vừa là khâu trọng yếu nhất phải khuất phục, đồng thời Việt Nam cũng có nhiều điểm yếu nhất trong cộng đồng ASEAN để cho Trung Quốc khai thác, tận dụng.
-         Tôi thừa nhận hiện nay là thời điểm nước ta đang bị uy hiếp nghiêm trọng nhất và toàn diện kể từ sau Ba mươi Tháng Tư, mà nguyên nhân chủ yếu và trước hết là do những yếu kém tự thân của chế độ chính trị.
-         Nói thế cũng đúng nhưng chưa đủ. Điều đáng sợ nhất không phải là ta yếu hơn Trung Quốc, mà là nước ta đang ở trạng thái rệu rã toàn diện, anh hiểu không? Chế độ thì chỉ biết tham nhũng, kìm kẹp và trấn áp, còn lòng dân phân tán. Giữa lúc Trung Quốc quyết ăn miếng trả miếng đối với Mỹ tại khu vực này, còn Mỹ đang bận rộn tứ tung khắp nơi. Sự kiện Ukraina và liên kết mới Nga –Trung đang tăng thêm vây cánh cho Tung Quốc, đồng thời càng tác động sâu sắc vào nội tình nước ta anh ạ. Đến mức Phùng Quang Thanh công khai nói tranh chấp trên Biển Đông chỉ là chuyện nội bộ gia đình. Lời lẽ này có khác bao nhiêu sự đầu hàng công khai? Ông tướng này còn nói đến mức nhân dân ta ghét Trung Quốc là mối nguy cho đất nước và ảnh hưởng xấu đến quan hệ Việt - Trung!.. Là lính cầm súng giữ nước, tôi không sao hiểu nổi những lời lẽ như vậy.
-         Giữa cái hèn, đầu hàng và phản bội có ranh giới nào không hả anh Lê Hải?  
-         Khó tách bạch lắm. Chúng ta cũng đã từng hỏi nhau có ranh giới nào giữa tham nhũng và bán nước không? Anh còn nhớ chứ? Đồng tiền và lòng tham làm gì có tổ quốc, có phải không? Sự hèn mạt cũng vậy…
-         Thế còn giữa lợi ích quốc gia và chủ nghĩa xã hội?
-         Từ khi phải nằm bẹp ở nhà vì cái cơn tai biến chết tiệt, ngày đêm hầu như tôi chỉ đánh vật với câu chuyện này anh ạ. Hôm nay tôi sẽ cố nói cho có đầu có đuôi…. Thế này nhé, trước đây Trung Quốc từng “đánh ta để dạy cho ta bài học”. Còn hôm nay, trong một trường hợp nhất định nào đấy, nó có thể tiến thêm một bước: Dám “đánh ta để cho thiên hạ xem!”… Một thứ trò rung cây dọa khỉ ở quy mô khu vực và cho mục đích toàn cầu. Võ Tàu là thế. Đôi ba lần trên báo chí, nó đã nói toạc ra sự dọa dẫm này là câu trả lời cho cái trục xoay châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời răn đe Việt Nam. Siêu cường Đại Hán hiển nhiên đang mài nanh giũa vuốt cho những “cú vồ” mới.
-         Chính xác.
-         Chính vì những lý do hệ trọng như vậy, phải làm sao cho trong Đảng và cả nước thấy rõ cái thâm độc và nguy hiểm của Trung Quốc, để dứt khoát phải lựa chọn con đường sống cho đất nước. Nói độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội mà đất nước cứ phải cam chịu thân phận lệ thuộc vào Trung Quốc như hiện nay và không có lối ra, thử hỏi đấy là độc lập gì? Kiên trì gắn với chủ nghĩa xã hội như hiện nay chẳng lẽ đồng nghĩa với chấp nhận lệ thuộc và quy hàng Đại Hán trên thực tế? Phải bóc tách chỗ này cho ra nhẽ, anh Nghĩa ạ.
-         Chỗ này anh có lý. Muốn quốc gia độc lập mà lại ngoan cố duy trì cái rệu rã và tha hóa, thì chủ nghĩa xã hội này rõ ràng chỉ là sự lừa bịp để duy trì cái nguyên trạng thống trị của Đảng! Không thể hiểu khác được anh Lê Hải ạ.
-         Hơn bao giờ hết, độc lập dân tộc đòi hỏi phải thông qua cải cách chính trị để xây dựng nên một Việt Nam mới, có thể trụ vững trên đôi chân của mình bên cạnh Trung Quốc. Muốn có hòa bình và hữu nghị, càng phải làm như vậy, và chỉ có con đường như vậy! Tôi nghĩ nát rồi. Ý anh thế nào?

Một lúc sau ông Nghĩa trả lời:

-         Tôi tán thành. Phải làm cho trong Đảng và cả nước thấy rạch ròi ra như thế, để vừa quyết tâm, vừa không sợ Trung Quốc anh ạ. Cho đến nay chúng ta chưa làm tốt được việc này, nhất là nói chưa được hết nhẽ với Đảng và các đảng viên. Mười sáu chữ và bốn tốt[6] chỉ là của giả thôi. Đấy là cái bùa mê đang che giấu cái nguy cơ hôm nay “đánh Việt Nam cho thiên hạ xem!” đấy. Khuất phục được Việt Nam cũng có nghĩa khuất phục được cả Đông Nam Á…
-         Thực ra chừng nào lãnh đạo Đảng còn nói Việt Nam và Trung Quốc cùng chí hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội, sự phát triển của nước này là cơ hội phát triển quan trọng của nước kia.., bàn về Biển Đông thì cam kết không làm phức tạp thêm vấn đề và lờ tịt UNCLOS 1982… Chừng nào lãnh đạo còn nói năng chính thức và công khai như thế, thì chừng đó chỉ có nghĩa: Hoặc là tiếp tục một thứ ngoại giao nói dối mà ngày nay đã vô cùng lỗi thời, và làm sao có thể nói dối nổi Trung Quốc hả anh Nghĩa? Hoặc là nói năng như thế chính là sự đầu hàng gián tiếp, nhưng công khai cam chịu quy phục Trung Quốc. Không thể hiểu khác được anh Nghĩa ạ…
-         Đọc báo, rồi nghe tivi… Thật lòng tôi không hiểu đất nước để ở đâu mà lãnh đạo dám ăn nói công khai như vậy… Nguyệt phải kêu lên: Họ chính thức bán nước rồi!..
-         Anh cứ thử tự hỏi mình mà xem: Sự phát triển nào của Trung Quốc có thể mang lại cơ hội phát triển cho Việt Nam? Hay là Việt Nam phát triển như thế nào thì tạo ra cơ hội quan trọng cho Trung Quốc?.. Tự hỏi rồi tự trả lời đi! Nói năng công khai trên giấy trắng mực đen như thế, chí ít đó là lời tự thú dưới dạng nào đó: phía Việt Nam coi mọi tổn thất về lãnh thổ và chủ quyền quốc gia vào tay Trung Quốc đã xảy ra là các việc đã rồi (fais accomplis)… … …  “…Cam kết không làm gì phức tạp thêm” như thế có nghĩa là tự ta vứt bỏ UNCLOS 82, không dám kiện cáo gì nữa, có phải không? Hay là tôi bịa đặt, hả anh Nghĩa?
-         Diễn tiến hơn sáu mươi năm quan hệ Việt – Trung là chỗ dựa xác đáng cho lập luận của anh.
-         Tiếp nữa, lập trường công khai như vậy trên giấy trắng mực đen còn là sự cam kết trên thực tế (de facto) không thể nhầm lẫn được Việt Nam đi hẳn với Trung Quốc, buộc vận mệnh của nước ta vào Trung Quốc. Có phải thế không?.. Tại sao phải làm như vậy? Ai cho những người lãnh đạo cái quyền được làm những việc như vậy hả anh Nghĩa? Lịch sử sẽ không tha thứ đâu… …  Làm sao cho trong Đảng và cả nước thấy rõ lãnh đạo hiện nay đang đi tiếp con đường Thành Đô anh Nghĩa ạ, đang có những lời nói và việc làm cam kết sâu hơn Thành Đô... -         Hôm nay còn nguy hơn Thành Đô…
-         Anh nói rõ nguy hơn ở chỗ nào!
-      Quá khứ đau thương của nước ta đang cảnh báo không được để xảy ra một Ukraina  Việt Nam trên đất nước chúng ta! Tập Cận Bình mưu mẹo hơn và nhiều tiền hơn Putin để làm việc này… Phải căng mắt ra mà đề phòng!
-         Không thể đảo ngược được xu thế này hả anh Lê Hải? Vắt óc nghĩ cho đến cùng xem nào!

Mãi tướng Lê Hải mới trả lời được:

-         Lật đi lật lại mãi hàng năm nay rồi. Nếu muốn đảo ngược xu thế này thì ít nhất là phải thay lãnh đạo. Điều này hầu như không thể. Lớn hơn nữa là Đảng phải lột xác. Chuyện này càng khó hơn.
-         Chẳng nhẽ trong đám lãnh đạo không còn ai nữa hả anh Lê Hải?
-         Tôi điểm danh đi điểm danh lại mãi rồi anh Nghĩa ạ. Nếu không bị quyền lực mềm Trung Quốc túm làm tù binh, thì tay lại nhúng chàm, không thấy hay chưa thấy ai có máu mặt… Cho nên khả năng đảo ngược từ trong Đảng ra và từ trên xuống có lẽ là không có đâu! Trừ phi lịch sử có những ẩn số riêng của nó... Thật là tiếc quá anh Nghĩa ạ… So với chính quyền quân phiệt Myanmar thời Than Shwe, Đảng này thừa sức xây dựng nên một chính quyền Thein Sein để trả lại cho nhân dân ta! Nhưng tiền và ghế đang chặn đứng con đường Đảng quay về với nhân dân mất rồi!
-         Đành chịu chết hả anh Lê Hải?
-         Đất nước không bao giờ chịu chết! Sức mạnh đảo ngược từ trong nhân dân ra thì có thể… Nhưng đó sẽ là sức mạnh tức nước vỡ bờ! Hay là trước hết sẽ là sức mạnh tức nước vỡ bờ, rồi sau đó ra sao sẽ hay!.. Ai đã từng chứng kiến cảnh vỡ đê sẽ hiểu sức mạnh này… Khủng khiếp lắm… Phải làm cho cả nước rõ toàn bộ thực trạng này anh Nghĩa ạ!
-         Nhận định như thế có nghĩa là nhân dân ta còn phải cắn răng chịu đựng thêm hàng chục năm nữa có phải không?
-         Hay là phải tự đứng lên ngay từ bây giờ!
-         Nhưng mà điều này chưa thể xảy ra! Nghĩa là hoàn toàn ngoài tầm với hai chúng ta ngồi đây. Có phải không hả trời đất?!..
-         Sự thật là như thế… Chỉ cầu mong chúng ta dự phóng sai… Tôi lo lắm anh Nghĩa ạ. Tình hình thế giới đã sang trang. Sự phát triển của đất nước đang bế tắc và cũng đòi hỏi phải sang trang. Thế nhưng chế độ chính trị hiện nay lại đang giam cứng đất nước vào tha hóa và lệ thuộc. Bản thân chế độ đang ngày càng hủ hóa. Nó đang tiếp tục tha hóa cả đất nước. Giữa sự vận động của thế giới và sự vận động nội tại của nước ta vênh nhau, thậm chí ngược chiều nhau như thế này, làm sao nước ta tránh được thảm họa hả anh Nghĩa?
-         Theo anh mối nguy lớn nhất đối với nước ta hiện nay là gì? Tôi vẫn tin cậy vào suy nghĩ của lão tướng.

Câu hỏi của ông Nghĩa đi thẳng vào những điều tướng Lê Hải lao lung nhất. Ông thận trọng lựa lời:

-         Mối nguy nào lớn nhất à?.. Phải… Phải xác định cho bằng được mối nguy nào là lớn nhất… Nhiều mối nguy lắm, nhưng phải xem cho ra mối nguy nào là lớn nhất? Tôi tán thành… Có lẽ nên bắt đầu như thế này, anh Nghĩa ạ: Thế giới đã sang trang… Cái lưỡng cực tranh chấp Mỹ - Trung hiện nay đang chi phối quyết định cái đa cực rất phức tạp của thế giới. Có phải thế không? Lại trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng trở thành vấn đề của cả thế giới, nhất là của Châu Á – Thái Bình Dương, của Đông Nam Á này… Và đặc biệt là nó uy hiếp trực tiếp nước ta. Vì ta là chướng ngại vật số một, là cửa ngõ Trung Quốc vươn ra bên ngoài!.. Mà trong khi đó nước ta lại đang như thế này!.. Mối nguy lớn nhất cho nước ta có lẽ nằm ở đây anh ạ. Chắc chắn là ở đây!.. … … Anh Nghĩa ạ, trong nửa sau thế kỷ hai mươi (20 - XX), nước ta đã mắc kẹt chết người vào sự giằng xé lịch sử của cái thế giới hai phe bốn mâu thuẫn. Lý do vì sao, anh vẫn nhớ chứ? Với thân phận là con tốt trong cái bàn cờ thế giới hồi ấy, cái giá đất nước ta phải trả cho cái thời chiến tranh lạnh này lớn quá!.. Chịu đòn đủ các thứ trận! Bị bán đứng ba bốn phen!..
-         Đúng. Chúng ta đã trình bầy và phân tích đầu đuôi trong báo cáo tổng kết, và sau đó tôi đã đi Thạch Thất. Làm sao quên được hả anh? Ba mươi hai bông hoa hồng này nhắc nhở chúng ta. – ông Nghĩa chỉ vào các đóa hoa trong bình hôm nay ông mang tặng tướng Lê Hải.
-         Mối nguy lớn nhất… Hay là thách thức lớn nhất cho đất nước ta hôm nay là nước ta phải làm sao thoát bằng được khỏi sự giằng xé lịch sử của thế kỷ hai mốt (21-XXI) này giữa lưỡng cực Mỹ - Trung anh Nghĩa ạ. Chẳng những phải thoát, mà còn phải làm sao sống sót được, phải tồn tại và phát triển được nữa. Chỉ như thế, thì mới thực sự thoát được, mãi mãi thoát được! Đừng để đất nước ta một lần nữa mắc kẹt như đã từng bị mắc kẹt trong nửa sau thế kỷ hai mươi nữa! Thật ra từ Thành Đô đến nay nước ta đang dần dần mắc kẹt lần thứ hai!.. Bây giờ gián tiếp cam kết gắn bó với một bên là Trung Quốc, có nghĩa là đang đẩy đất nước bước tiếp trên đường tự đưa cổ mình vào sự mắc kẹt trong sự giằng xé Mỹ - Trung của thế kỷ 21 này rồi đấy!..
-         Trời ơi, anh Lê Hải! Lại một lần nữa cái nguy cơ quán tính lịch sử hả anh?! Quán tính lịch sử lớn?!..[7]
-         Chẳng có thứ chủ nghĩa nào, dù là chủ nghĩa xã hội hay là chủ nghĩa tư bản, có thể cứu đất nước thoát khỏi sự mắc kẹt lịch sử này đâu! Hôm nay còn khăng khăng độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội thì có mà trời gỡ!
-         Có thể coi sự khăng khăng như thế là mầm mống một thảm họa mới cho dân tộc không hả anh Lê Hải?
-         Chắc chắn. Sự thật thời chiến tranh lạnh đã là như vậy. Hôm nay lại đang có nguy cơ tái diễn. Chừng nào còn chưa thuộc bài về lợi ích tối cao của quốc gia, của dân tộc trong cái thế giới khắc nghiệt này, chừng nào còn để cho cái “chủ nghĩa” dù với cái tên gọi là gì làm cho mù quáng, cái nguy cơ mắc kẹt này mãi mãi còn là thanh gươm Damocles treo trên đầu đất nước ta đấy, anh Nghĩa ạ. Bài học đời đời!.. Cũng vì đời đời nước ta đứng ở nơi địa đầu và phải sống bên cạnh Trung Quốc!..
-         Nhận định như anh, cải cách chế độ chính trị để lựa chọn cho đất nước con đường phát triển của dân tộc và dân chủ càng trở thành tất yếu, không thể nào khác được, trên cả hai phương diện đối nội và đối ngoại.
-         Cho nên phải lựa chọn con đường của dân tộc và dân chủ, để đất nước sẽ không bao giờ lại rơi vào tình trạng bị chia cắt, và nhờ đó cả nước tránh được mắc mưu bên ngoài rơi vào tình thế buộc phải đi với một bên chống một bên. Địa lý tự nhiên, địa kinh tế và địa chính trị của đất nước ta trong thế giới ngày nay buộc nước ta phải lựa chọn con đường của dân tộc và dân chủ, để đất nước có cả dân tộc trên một trận tuyến xây dựng và bảo vệ đất nước, để đất nước không lạc lõng mà đứng chung được trong trận tuyến của nhân loại vì hòa bình, dân chủ, hợp tác và phát triển… Phải như thế anh Nghĩa ạ… Dứt khoát phải như thể, để đất nước có được sự đồng tình và hậu thuẫn cả thế giới tiến bộ. Muốn có được Mỹ là đối tác chiến lược để thực hiện được tập hợp lực lượng này, dứt khoát phải như thế. Cũng chỉ có như thế, nước ta mới có thể trở thành đối tác của mọi quốc gia trong cộng đồng thế giới. Cũng chỉ có như thế, nước ta mới có thể trở thành đối tác với đúng nghĩa của Trung Quốc! Cứ nghĩ mà xem, có phải như thế không anh Nghĩa?.. Muốn làm ăn buôn bán được với cả thế giới, mang về cho mình thị trường là cả thế giới lại càng nhất thiết phải như thế, có phải thế không anh?.. Nhất là không xa nữa đâu, nước ta sẽ vượt con số một trăm triệu dân.., và muốn là dân tự do, chứ không phải là dân nô lệ, thì lại càng phải như vậy… Tôi nghĩ mãi rồi, không thể nào khác được đâu anh ạ… - giọng nói tướng Lê Hải đầy xúc động.
-         Vâng…  … … Đúng là phải là một nước tự do của một dân tộc tự do, nghĩa là ta phải là chính ta, thì mới đứng được trong cái thế giới này và cùng đi được với cả thiên hạ… Ôi, làm sao xây dựng được chân lý đơn giản này thành triết lý sống của dân tộc ta anh Lê Hải ạ! Rất nên như vậy…
-           Có lẽ nên bắt đầu từ hiểu và khát khao cái điều đơn giản này. Đây thực sự là khoảng trống lớn trong những việc chúng ta đang làm. Anh nên tập trung vào công việc này… … …  Anh Nghĩa ạ, … … nhiều lúc tôi lẩn thẩn tự nói với mình: Té ra khoảng hai thế kỷ nay phải chăng trí tuệ nước ta cứ loay hoay nhìn mãi không ra cái thế giới này vận động như thế nào, cũng không rõ được nước mình là ai và đang đứng ở đâu? Cho đến nay toàn nói sai về xu thế của thời đại, càng gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội càng bế tắc! Cứ không hiểu thiên hạ và không ý thứ được đầy đủ về ta như thế, nên cứ nghiêng nghiêng một chiều vào tư duy của cái “theo”, cái gì có sẵn trong thiên hạ thì ta “theo”, hoặc là chịu để họ ốp ta phải theo… Mà lẽ ra trí tuệ nước ta phải tư duy tìm cách từ hiểu cái thế giới này để xác lập cái chính ta, để tìm đường làm cho ta phải trở thành chính ta… Tôi nghĩ mãi rồi, “Không có gì quý hơn độc lập tự do” có lẽ phải bắt đầu từ giác ngộ cái chính ta này và từ cái ý thức được trau giồi thành ý chí tìm đường làm cho ta phải trở thành chính ta. … … Hôm nay cho thấy “Không có gì quý hơn độc lập tự do” chỉ với nghĩa giải phóng đất nước không thôi, thì rõ ràng là chưa đủ. Hôm nay càng cho thấy “Không có gì quý hơn độc lập tự do” chỉ thực thi được nếu ta có ý chí và nghị lực “ta phải trở thành chính ta!” … … Tôi lý sự như vậy đấy, anh ạ… … … Hiểu được phần nào nỗi đau của dân tộc ta hôm nay, nhất là nỗi đau về lạc hậu và lạc lõng, tôi dần dần vỡ ra: Chí ít từ hai thế kỷ nay, nhất là từ sau chiến tranh thế giới II đến nay, không phải là các chủ nghĩa, mà là các giá trị của dân tộc và dân chủ mới có thể tạo ra sự phát triển đổi đời của các quốc gia anh ạ. Đó là những giá trị rường cột, bền vững của quốc gia trong thế giới văn minh ngày nay…

Đến đây cả hai đều ngồi yên trầm ngâm ngồi yên. Mãi tướng Lê Hải mới đứng dậy:

-           Ngày hôm nay, trong bối cảnh quốc tế và quan hệ Việt – Trung của thế kỷ 21 này, mà còn mở mồm nói độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội như vậy, thì đấy chính là một lần nữa sau Thành Đô công khai thừa nhận đi với một bên là Trung Quốc để giữ chế độ, coi như trên thực tế (de facto) đã đặt chân bước vào sự giằng xé lịch sử Mỹ - Trung thế kỷ 21 này rồi. Lợi ích quốc gia, hòa giải dân tộc dân tộc, quyền làm chủ đất nước của nhân dân chẳng có nghĩa lý gì!
-          
-          

Một lúc sau, tướng Lê Hải đứng dạy, ông lại bàn làm việc của mình lấy ra một tập các bài báo cắt, đưa cho ông Nghĩa: - …Tặng anh làm kỷ niệm. Tôi thấm mệt rồi, không muốn sở mó đến nữa… Toàn các bài từ báo lề phải thôi, nói về những vụ việc hầu như nhiều người không để ý… Nhưng biết cách đọc nó, cách tập hợp nó thì cũng có thể cho ta bức tranh đất nước như tôi vừa mới phân tích… - tướng Lê Hải giở giở một vài mẩu báo cắt, tìm ra một bài được đánh dấu đỏ rất đặm: - …Anh xem đây này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói trước Quốc hội là trong vòng sáu tháng đầu năm nay Ngân hàng Nhà nước đã đưa vào thị trường một khối lượng tiền tệ khủng khiếp, cộng lại là gần ba trăm nghìn tỷ đồng, để mua ngoại tệ, giải quyết nạn thiếu vốn, giải quyết nợ xấu… “Khối lượng khủng khiếp” là câu chữ chính mồm ông Thống đốc này nói ra anh ạ… Thế nhưng đến nay là bước sang năm thứ năm rồi, đã làm mấy đợt bơm tiền “khủng khiếp” như thế rồi, mà kinh tế vẫn chưa ra khỏi khủng hoảng kỳ này… Lạ hơn nữa là tôi không thấy Quốc hội có lấy một lời chất vấn nào về hiện tượng “khủng khiếp” này! Chẳng vị đại biểu Quốc hội nào hỏi tiền lấy từ đâu ra, theo luật nào? Dùng vào cứu cái gì? Kết quả ra sao? Bằng cách nào hoàn trả lại những khoản tiền đã bơm ra?.. Quốc hội chẳng lẽ mù tịt, không biết đặt câu hỏi hay là cố tình câm?
-           Có thể là cả hai đấy anh ạ.
-         Ngân hàng Nhà nước nói tỷ lệ nợ xấu của ngành là 3,2%, cơ quan chuyên môn của nước ngoài (Fitch) đánh giá là 13% - nghĩa là cao hơn bốn lần, giấu mãi không xong bây giờ Ngân hàng Nhà nước thú nhận tỷ lệ này là 10%... Sao lại có thể trí trá trước dân đến mức như thế được? Chuyện tày trời là thế, nhưng tịnh không có một câu hỏi đụng tới những chuyện này trong suốt mấy tuần họp Quốc hội vừa qua!.. Vì chuyện này chỉ được bàn bí mật? Vì không được nói? Vì ngu? Vì cố tình ngu?...  Tôi không sao hiểu được!.. Không phải tôi khắt khe hay bi quan đâu anh Nghĩa ạ. Tôi coi phát biểu như thế của Thống đốc trước Quốc hội, dù là vô tình hay là do tình thế bắt buộc, khách quan là sự để lộ gián tiếp toàn bộ sự thao túng của những bàn tay nào đó đang diễn ra dưới gầm bàn! Cuộc sống đất nước hiện nay như thế thì khủng khiếp thật… Anh xem, chống loại kẻ thù không tên, không mặt mũi, không hình bóng.., nhưng lại đủ quyền lực khuynh đảo toàn bộ đời sống đất nước như vậy khó lắm. Sợ kẻ tham quyền cố vị một, phải sợ kẻ cơ hội mười, nhưng phải sợ kẻ vô hình trong các mafia kinh tế và chính trị một trăm anh ạ!.. Các kẻ thù không hình không bóng này đang lái các bước đi kinh tế và chính trị của đất nước. Các loại người vô hình này không đội trời chung với hòa giải và tự do của anh đấy! Không thể dùng vũ khí phê bình và tự phê bình phát hiện những loại người vô hình này được đâu!

Ông Nghĩa giơ hai tay nhận lấy tệp báo cắt:

-         Cảm ơn anh. Ki bo quá, quà tặng nhau là mấy cái mảnh giấy vụn! Tôi sẽ giữ nó như tài sản thừa kế của Lê Hải…  - ông Nghĩa cố  tìm cách làm cho không khí vui vui một chút, nhưng vô vọng. Một lúc sau, chính ông Nghĩa thổ lộ: - …Anh Lê Hải ạ, thực lòng ngoài cái tâm trạng bức xúc tôi chưa biết làm gì thật anh ạ, nhất là cách đối phó với các mafia. …Anh nói đúng đấy, các nhóm lợi ích này đối kháng quyết liệt với mọi nỗ lực thay đổi đất nước, vì đụng chạm đến của cải và vị thế của họ. Nếu đất nước xảy ra sự cố gì, thì cái đám mafia này cũng là cơ hội nhất, nguy hiểm nhất…  Biết như thế, nhưng thân cô thế cô không làm gì được anh ạ… Tức đến chết được!.. Ngả đường nào tôi cũng thấy mình bị chặn đứng. Có lẽ chỉ mỗi con đường vào nhà tù thì không!.. … Tôi bí đến mức có lúc đã nảy ra ý nghĩ sang sống với vợ chồng cháu Tân ở Stockholm, để từ đấy có thể hét lên thật to tất cả những điều mình muốn nói với nhân dân của mình, với đất nước mình… Tôi không thể đang tâm ngồi nhìn nhân dân mình, nhìn đất nước mình như thế này! Tôi không thể phản bội các đồng chí, đồng đội của tôi đã hy sinh, trong đó có bố cháu Kim là người đã cứu sống tôi ở Quảng Trị anh ạ!.. … Anh còn nhớ đám cưới mẹ cháu Kim và trung tá Sang sau này do má Sáu Nhơn, anh và tôi mấy năm trời vun đắp mới thành chứ![8] Song càng nghĩ, tôi càng thấy chỗ đứng của tôi là tại đây! Quyết đứng với anh tại đây… Không thể khác được!
-         … … - tướng Lê Hải nắm chặt lấy tay ông Nghĩa, trong lòng bùi ngùi nhớ lại chuyện cũ, những chặng đường cũ…

Chờ bạn bình tĩnh lại một chút ông Nghĩa mới nói tiếp:

-         …Anh Lê Hải ạ.. Nhưng chúng ta còn làm được gì khác nữa hả anh Lê Hải! Chỉ còn mỗi cái mồm để nói!.. Mà đâu có được tự do nói!.. Hy vọng là.., một khi tạo ra được nhận thức chung mạnh mẽ trong dân, hay là một khi đất nước có chuyển biến gì đó, cuộc sống có thể sẽ mách nước các bước đi phải đi tiếp… 
-         Ôi Don Quixote này của tôi không gươm, không ngựa!…
-         Không cả Sancho Panza nữa chứ, anh Lê Hải! – ông Nghĩa cười vui.
-         Phải, phải… chỉ có mỗi cái ngòi bút gỉ!.. Không bị uốn cong, cho đến nay chỉ làm được mỗi cái việc muỗi đốt gỗ. Chưa đâm gục được một đối tượng nào… … … Rất có thể.., vào thời điểm nào đó, cái thùng thuốc nổ của lòng dân sẽ bén lửa nhanh hơn tốc độ suy nghĩ của chúng ta, sẽ nổ tung tất cả… Sẽ vứt luôn cả cái tư tưởng cải cách hòa bình của anh cho heo ăn!… … Hay là.., biết đâu đấy, cũng có thể cái ngòi bút gỉ của anh sẽ góp được chút nào đó vào con đường nhân dân sẽ lựa chọn… Ví dụ như dấy lên và nuôi dưỡng sự khao khát cái điều đơn giản mà chúng ta đang mong ước…
-         Vâng, tôi biết. Đến nay chỉ còn thiếu diễn ra cái kịch bản “Thạch Thất 2” cho hai chúng ta nữa mà thôi. Có phải thế không anh?
-         Thiếu.., hay là chưa diễn ra?.. Ai mà nói trước được!?.. Các vụ án “T” nọ “T” kia còn sờ sờ ra đấy… Luật pháp đâu có mấy ý nghĩa!..
-         Nhưng nhìn lại, liệu chúng ta hôm nay có khôn ngoan thêm được tý nào so với hôm qua  không?..

          Như để lấy sức, tướng Lê Hải uống một ngụm sữa dài, sửa lại chỗ ngồi, áp cả lưng mình dựa thẳng vào ghế bành cho đỡ mỏi, rồi mới trả lời:

-         Hôm nay kể chuyện hôm qua! Anh ạ, anh Tám Việt lúc còn sống và tôi đã bàn với nhau hết nhẽ rồi. Bàn như thế nào, anh đều biết, đã trao đổi cặn kẽ hết với anh… Anh cũng góp được nhiều ý hay… … …Hôm nay nhìn nhận lại, có thể nói chúng ta rất chăm chú rút kinh nghiệm những thất bại của các anh Nguyễn Hộ, Trần Độ, Trần Xuân Bách, Nguyễn Cơ Thạch.., cố hết mức khai thác những kinh nghiệm những bước ngoặt Đảng đã thực hiện thành công trong lịch sử của mình để tăng thêm lý lẽ thuyết phục cho cải cách hòa bình từ trong Đảng ra… Nhưng đến giờ phút này, phải nói là chúng ta thất bại, đang tiếp tục thất bại…  Cân nhắc thiệt hơn mọi chiều, chúng ta không lựa chọn con đường thành lập đảng đối lập, ít nhất là chưa phải lúc này… Vì biết là còn thiếu quá nhiều điều kiện trong tình hình hiện nay, nhất là sự kìm kẹp khủng khiếp và chính sách ngu dân anh ạ… Mọi chuyện sẽ dễ dàng bị bóp chết ngay từ trong trứng…  Vả lại, làm như thế trong hoàn cảnh hiện tại, sẽ là gián tiếp hay vô ý thức tiếp tay cho sự vu khống của quyền lực… Chúng ta không thể cứ nhắm mắt liều chết theo phương châm “Không thành công thì cũng thành danh!” như những ai đó mong đợi. Chúng ta cần gì thứ danh vọng này!.. Chúng ta lựa cho con đường đang đi gian khổ hơn nhiều. “Thạch Thất 2”, “Thạch Thất 3”… lúc nào cũng ngấp nghé phía trước… Những cuộc thăm hỏi không cần chúng ta mời… Những lời răn đe trực diện hoặc bóng gió… Những cú điện thoại hăm dọa… Họ chưa xử tệ với chúng ta như xử anh Hoàng Minh Chính, vì có thể lúc này chưa tiện lắm cho họ mà thôi… Tôi nghĩ chúng ta vẫn phải tiếp tục nói với dân đầy đủ ngọn ngành mọi điều, anh Nghĩa ạ. Nói với dân nhiều hơn nữa! Phải kiên trì như vậy…
-         Vâng… Chưa kịp vui niềm vui đất nước độc lập thống nhất, dân tộc ta đã bị rơi ngay vào bi kịch quốc gia… Có phải thế không anh Lê Hải?
-         Tôi không còn hy vọng gì vào cái Đảng hôm nay nữa… Nó không còn giữ được những gì là Đảng của tôi nữa khi tôi giơ tay tuyên thệ lúc gia nhập… Tôi chỉ còn hy vọng vào thế hệ con cháu chúng ta, hy vọng vào các lý tưởng của trường đại học PH… Vào con đường dài hơi của nâng cao dân trí…
-         Đại học PH cũng đang trong tầm ngắm đấy anh ạ!
-         Nếu chúng mình không thể làm gì được nữa trực tiếp cho sự chuyển biến của đất nước, thì chịu khó chuẩn bị trước cho đất nước những gì có thể chuẩn bị được vậy, cho đến khi bước ngoặt xảy ra.., dù là theo cách nào… Bây giờ làm được cái gì như thế thì cố làm… Phải cố tránh bằng được cái kịch bản sau bước ngoặt mới sẽ lại là một cái vòng luẩn quẩn mới như ở mấy nước Bắc Phi…
-         Anh Lê Hải ạ… Hình như… Hình như… - ông Nghĩa cứ ngắc ngứ mãi.
-         Hình như sao?
-         Vâng. Hình như… bi kịch của quốc gia không đếm xỉa đến bi kịch hay lẽ phải của các cá nhân riêng lẻ trong cộng đồng dân cư của nó…
-         Nói rõ nữa xem nào?
-         Ôi!.. Vâng. Tôi cũng bị lương tâm mình cắn rứt không kém anh, chắc chắn như vậy. Tôi nhiều lúc băn khoăn, trong cái bi kịch chung của quốc gia như vậy, lầm lỗi của cá nhân mình đóng góp đến đâu?.. …Nhưng xin nói rạch ròi thế này: … Anh không thể định đoạt được cho mình số phận cách đây gần bảy mươi năm… khi anh ra khu mỏ đi theo cách mạng, rồi là chiến sỹ Nam Tiến… Để rồi hôm nay anh trở về, và giờ này ngồi đây đánh vật với cảm nghĩ như đang bị người cùng làng với mình là Đoàn Văn Vươn nhằm thẳng vào ngực mình mà bắn!.. Anh cũng không tha hóa  hay suy đồi đạo đức đến nỗi phải tự cắn rứt lương tâm mình như vậy có phải không?.. … …Song chính sự giác ngộ của anh về bi kịch hôm nay của dân tộc đang cắn rứt lương tâm anh, lương tâm chúng ta! Không thể nói khác!..
-         Ôi, lời an ủi ngọt ngào cho kẻ ngày càng gần đất xa trời này!.. – tướng Lê Hải phá lên cười.

Tiếng mở cổng lạch xạch làm câu chuyện gián đoạn. Bà Hậu đi chợ đã về…


Ba ngày sau, vào đúng nửa đêm, vợ chồng ông Chính và vợ chồng ông Nghĩa nhận được điện thoại của bà Hậu. Chưa đầy nửa giờ sau, vợ chồng ông Chính và vợ chồng ông Nghĩa đã có mặt…

Tướng Lê Hải đã đi xa…

…Ông Nghĩa cả hai tay ôm ấp bàn tay tướng Lê Hải, hình như vẫn còn chút hơi ấm tỏa ra… Ông đứng hồi lâu lặng lẽ giữ bạn trong tay… Nước mắt ông nhòa nhạt. Trước mặt ông, nét mặt tướng Lê Hải thanh thản như người thiền…

Khi mọi người ngồi quây quần chung quanh chiếc bàn trong phòng bên, bà Hậu kể:

-         Anh Lê Hải em đi nhanh quá các anh các chị ạ. Chiều tối nay anh vẫn bình thường ạ, chỉ kêu hơi mệt và muốn đi nằm sớm… Anh vẫn giữ được cho mình giấc ngủ an lành… Gần nửa đêm, bỗng nhiên anh Lê Hải em nấc mạnh rồi ú ớ mấy tiếng… Rồi anh đi… Hình như anh Lê Hải em biết trước mọi chuyện hay sao ấy, các anh các chị ạ… - bà Hậu vừa gạt nước mắt, vừa đưa cho ông Nghĩa một phong thư: - …Anh Nghĩa đọc cho các anh các chị và cho em cùng nghe đi, di chúc của anh Lê Hải đấy ạ…

Ông Nghĩa giơ hai tay đỡ lấy.




Tâm sự của một người lính


Sống làm người, tôi không có điều gì phải ân hận về cuộc đời riêng của mình, chỉ có sự nuối tiếc khôn nguôi: Đến lúc nào đó sẽ phải từ giã mọi người mình yêu thương... Tôi không có điều gì phải trăn trối, song trong tim đầy ắp tâm sự mong được chia sẻ…

Sinh thời, suốt đời mình tôi cố hết lòng chiến đấu hy sinh vì đất nước, như nghĩa vụ mỗi người con của đất nước phải làm, với tất cả nhiệt huyết và sự giác ngộ tôi có được thời trai trẻ. Song về với tổ tiên, tôi mang theo nỗi đau chưa làm tròn trách nhiệm người con của đất nước. Là đảng viên Việt Minh[9], bây giờ là Đảng Cộng Sản Việt Nam, tôi không thể nói mình vô can đối với những tha hóa và thực trạng hôm nay của hệ thống chính trị sau khi đất nước ta đã giành được độc lập thống nhất.

Trước nhân dân, trước đất nước, trước vong linh các đồng chí và đồng đội đã hy sinh, tôi xin cúi đầu chịu nhận phần tội của mình trong đấu tranh thất bại chống lại tha hóa của Đảng, nên đất nước hôm nay mới phải gánh chịu bao điều cay đắng và xã hội ngày càng nhiều bất công như thế này. Trong cả nước không ít đảng viên tâm huyết cùng tôi cam chịu tội về thất bại này!

Tôi cúi đầu cầu mong cả nước hãy thấm thía bi kịch của đất nước hôm nay và nguyên do của nó. Tôi cầu mong mỗi người Việt chúng ta cùng nhau chia xẻ nỗi đau của dân tộc, để cùng nhau quyết tâm đưa đất nước bước lên con đường dân tộc - dân chủ của văn minh nhân loại, mở ra cho Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta một thời kỳ phát triển mới.  

Đất nước đã độc lập thống nhất bốn thập kỷ nay rồi, mà lòng dân chưa thu về được một mối, quốc gia vẫn nghèo hèn so với thiên hạ và thách thức. Bây giờ trong lòng đất nước lại còn thêm nạn chia rẽ làm đôi giữa người cai trị và kẻ bị cai trị, với biết bao nhiêu điều đau lòng đang diễn ra trong đời sống hàng ngày. Nhân dân cả nước ta thế hệ này đến thế hệ khác đã phải chịu đựng biết bao nhiêu hy sinh xương máu và tổn thất – dù là bên này hay bên kia – không phải là để sống trong sự nô dịch mới, được sản sinh ra trong quá trình cách mạng của đất nước như hôm nay. Trong khi đó chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia đang bị xâm phạm và uy hiếp nghiêm trọng!  Hiện nay Trung Quốc đang ra sức đẩy mạnh can thiệp kinh tế và chính trị rất hiểm độc vào nội bộ nước ta, đồng thời lại ngang nhiên leo thang lấn chiếm Biển Đông, tìm cách bao vây cô lập nước ta dưới mọi hình thức, lăm le cướp đi của nhân dân ta cơ hội xây dựng đất nước ta trở thành một quốc gia phát triển văn minh.

Một lần nữa Tổ quốc Việt Nam yêu dấu của chúng ta lại đứng trước những uy hiếp hiểm nghèo. Đó là bên trong thì mục nát vì tham nhũng tiêu cực và sự lệ thuộc nguy hiểm, bên ngoài thì yếu hèn trước mưu đồ và bạo lực bành trướng của Trung Quốc.

 Nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây nên những yếu kém đau lòng nói trên là đất nước đã độc lập thống nhất, nhưng chưa hoàn thành được nhiệm vụ giành lấy tự do, dân chủ cho nhân dân.  Thử nghiệm chủ nghĩa xã hội, rồi đến định hướng xã hội chủ nghĩa bốn chục năm nay trong quốc gia độc lập hống nhất đã thất bại. “Độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội” ngày nay chỉ còn lại là thứ ngụy trang cho Đảng Cộng Sản Việt Nam với tính cách là lực lượng chính trị độc nhất tự cho mình quyền đứng trên Hiến pháp và cai trị đất nước. Đã đến lúc nhân dân cả nước phải một lòng đứng lên giành lấy cho mình những quyền tự do, dân chủ của chính mình.  

Là người lính cầm súng trực tiếp chiến đấu trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, tôi khẩn thiết kêu gọi tất cả các lực lượng vũ trang của quốc gia quyết chiến đấu hy sinh đến cùng để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ cuộc sống yên lành và mọi quyền lợi của nhân dân. Quân đội và công an là lực lượng vũ trang của quốc gia, là con em ruột thịt của nhân dân, được nhân dân nuôi, vũ khí là do tiền thuế của dân mua sắm, nhất thiết không một ai trong lực lượng vũ trang của quốc gia được phép tham gia vào bất kỳ hành động nào đàn áp nhân dân, hay là để mình biến thành công cụ bảo vệ lợi ích của những kẻ xấu. Các lực lượng vũ trang quốc gia dứt khoát và mãi mãi không bao giờ được nhầm lẫn giữa nhân dân và kẻ thù!


Lời cuối cùng tôi xin chia sẻ với Đảng hôm nay:

Truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng trước đây do bao nhiêu thế hệ đảng viên hy sinh xương máu xây dựng nên, đang bị mọi hư đốn của Đảng hôm nay băng hoại. Sự thoái hóa biến chất này đang ngày càng xô đẩy Đảng hôm nay đi vào con đường phản lại cam kết của Đảng đối với nhân dân, làm tổn thương lòng tự trọng và hào khí của dân tộc, gây nhiều tổn thất nghiêm trọng cho đất nước.  Đảng hôm nay không được phép phản bội mọi hy sinh và tổn thất của các thế hệ đi trước, của đất nước, của dân tộc.

Ước gì lúc này tôi móc được tim mình ra để nói thành lời: Cũng là đảng viên, tôi mong từng đảng viên trong Đảng ta hãy vì Tổ Quốc trên hết và vì phẩm cách của chính mình, phải nhận thức lại tất cả.

Là người độc nhất nắm trọn trong tay mọi quyền lực cai trị đất nước, Đảng ta đang chịu trách nhiệm không thể trốn tránh và đang nắm trong tay cơ hội lớn nhất chưa từng có kể từ ngày thành lập, để chủ động thay đổi chính mình và huy động sức mạnh toàn dân tộc, nhằm xây dựng nên cho nước ta một hệ thống chính trị của nhà nước pháp quyền dân chủ.  Đấy chính là nhiệm vụ giải phóng dân tộc đích thực lẽ ra phải thực hiện ngay sau 30-04-1975, nhằm đưa người dân mất nước trở thành chủ nhân ông của một quốc gia độc lập. Nhưng Đảng đã trì hoãn nhiệm vụ này bốn thập kỷ, tự mình biến thành ông chủ đối với nhân dân và đất nước. Đây là món nợ lịch sử thứ nhất Đảng dứt khoát phải trang trải với dân tộc.

Là bên chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lịch sử tự nó trao vào tay Đảng phải chủ động thực hiện hòa giải dân tộc, ngõ hầu thực hiện sự nghiệp thống nhất dân tộc ngay sau khi hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước, qua đó khép lại quá khứ của hai cuộc chiến tranh đẫm máu đã từng chia cắt đất nước, chia cắt dân tộc, nâng dân tộc ta lên thành một dân tộc tự do để mở ra một con đường phát triển mới của Việt Nam trong thế giới hiện đại. Đây là món nợ lịch sử thứ hai không thể thoái thác, nhưng Đảng chẳng những đã trốn tránh, mà còn tiến hành hàng loạt chủ trương chính sách sai lầm nghiêm trọng khi đất nước ra khỏi chiến tranh, khoét sâu thêm vết thương dân tộc, đất nước vì thế thêm kiệt quệ và bị cô lập một thời gian dài.  

Bài học muôn đời trong lịch sử xây dựng và bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta trong trường hợp phải lấy yếu địch mạnh luôn luôn là giương cao chính nghĩa. Hôm nay, giương cao chính nghĩa tự do dân chủ là để trong nước muôn người như một, và để tranh thủ được hậu thuẫn của cả thế giới. Hơn bao giờ hết, đất nước ta lúc này phải có đủ phẩm chất và bản lĩnh vừa xây dựng được quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ để tạo ra cho đất nước hậu thuẫn của tự do và dân chủ trên cả thế giới, vừa chặn đứng nguy cơ nhân danh chủ nghĩa xã hội tạo ra một thảm kịch Ukraina Việt Nam.  

Nếu Đảng hôm nay không lựa chọn đưa đất nước đi lên trên con đường dân tộc – dân chủ để phát triển, không có bản lĩnh và trí tuệ lấy việc phụng sự nhân dân và đất nước làm lẽ sống của mình, không quyết tâm trang trải hai món nợ lịch sử nêu trên đối với dân tộc, sẽ có nghĩa là Đảng hôm nay đã tự tay mình kết thúc sự nghiệp và sự tồn tại của mình. Chẳng có thế lực thù địch nào đang phá hoại hay đủ sức lật đổ nổi Đảng hôm nay cả. Nếu Đảng hôm nay tiếp tục nhắm mắt trước sự thật này và ngày càng tha hóa, tất yếu sẽ tự đi tới sụp đổ, hoặc khi tức nước vỡ bờ sẽ bị nhân dân lật đổ! Điều này chắc chắn như dao chém đá!

Dù đã làm nên công lao như thế nào, song do những yếu kém và sai lầm của mình, Đảng hôm nay đang mắc nợ rất lớn với đất nước, với dân tộc. Trong khi đó chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia đang bị xâm phạm và uy hiếp nghiêm trọng, đất nước ta vừa đứng trước những đòi hỏi rất gay gắt của phát triển, vừa bắt buộc phải xử lý thành công những thách thức và cơ hội chưa từng có đối với nước ta trong một thế giới đã hoàn toàn thay đổi.

Xin từng đảng viên lưu ý, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, toàn quốc ta rơi vào cuộc giằng xé đẫm máu của cục diện thế giới chiến tranh lạnh trong nửa sau thế kỷ hai mươi (20). Tổ quốc Việt Nam chúng ta chẳng những phải chịu đựng cảnh núi xương sông máu, dân tộc ta bị chia rẽ, lợi ích và chủ quyền quốc gia của ta bị các bên bán đứng nhiều phen, đất nước chúng ta bị cướp mất cả một giai đoạn phát triển với biết bao hệ lụy cho đến hôm nay chưa khắc phục xong và còn có thể kéo dài nữa.

Hôm nay, đất nước chúng ta đang đứng trước nguy cơ lại một lần nữa rơi vào một cuộc giằng xé mới. Lần này là sự giằng xé lịch sử Mỹ - Trung tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tâm điểm của những tranh chấp toàn cầu mới quyết liệt trong thế kỷ hai mốt (21). Nguy cơ rơi vào cuộc giằng xé mới này là thách thức lớn nhất đối với toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của chúng ta này nay. Tình hình này đòi hỏi hơn lúc nào hết Việt Nam ta phải có đầy đủ sức mạnh tinh thần và vật chất tự khẳng định được chính mình, đứng vững trên đôi chân của mình, không phải đeo bám theo ai, cùng đứng chung được với cả cộng đồng các quốc gia trên thế giới trong trận tuyến vì hòa bình, dân chủ, hợp tác và phát triển để bảo vệ chính mình, đồng thời để tranh thủ được sự hậu thuẫn của cả cộng đồng thế giới cho sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ tự do, hạnh phúc. Tiền đề tạo nên sức mạnh tinh thần và vật chất như vậy cho nước ta phải là một Việt Nam tự do của một dân tộc tự do!

Một thể chế chính trị của nhà nước pháp quyền dân chủ là điều kiện tiên quyết đoàn kết thống nhất toàn dân tộc, để làm nên một Việt Nam tự do của một dân tộc tự do. Thiết nghĩ, đã đến lúc toàn thể cộng đồng dân tộc Việt Nam ta, dù sống ở đâu trên trái đất này, cũng phải học tập và phấn đấu với tất cả nghị lực của mình, nhằm đem lại cho tổ quốc chúng ta sức mạnh tự lực tự cường này.     

Nếu Đảng hôm nay rũ bỏ trách nhiệm trang trải hai món nợ lịch sử đối với dân tộc, tự tay vứt bỏ cơ hội lớn nhất này thông qua cải cách thể chế chính trị đem lại vận hội mới cho đất nước, và qua đó tự thay đổi chính bản thân mình thành đảng của dân tộc, sẽ đồng nghĩa Đảng cố tình lựa chọn con đường chống lại đất nước!  Xin toàn thể đảng viên hãy nghĩ lại tất cả và phải hành động trước khi quá muộn! Đảng ta hoàn toàn có thể, có trách nhiệm ràng buộc, và có nghĩa vụ phải thực hiện là chủ động tiến hành bằng được, tiến hành thành công cuộc cải cách chính trị này! Đấy là con đường hòa bình đổi đời đất nước, chắt chiu từng thành quả của hôm nay dựng lên một nước Việt Nam Độc lập, Dân chủ, Tự do, Hạnh phúc! Tại sao toàn Đảng không cùng với cả dân tộc đứng lên giành lấy mục tiêu thiêng liêng rất đáng sống này? Tại sao Đảng không lấy thực hiện sự nghiệp này làm lẽ sống để đời đời đi với dân tộc, vì dân tộc, vì tổ quốc?!

Những thương đau và tổn thất đất nước phải gánh chịu bẩy mươi năm qua không thể nói thành lời. Nếu trong mỗi đảng viên chúng ta, dù chỉ còn lấy một giọt máu thôi của dân tộc chảy trong huyết quản mình, xin hãy quyết đền ơn đáp nghĩa với nhân dân, với tổ quốc, bằng cách đứng lên cùng với cả nước tiến hành cuộc cải cách đổi đời đất nước! Xin nhất quyết đừng làm cho nhân dân ta phải lấy làm nhục và bè bạn trên thế giới phải xấu hổ và thất vọng về Đảng mình!

          Về tang lễ dành cho tôi, xin thể tất miễn cho mọi rườm rà, để gia đình chúng tôi được lặng lẽ bên nhau trong giờ phút chia tay.

          Xin vĩnh biệt tất cả trong vô vàn yêu thương.

                                                                                                    Lê Hải./.”

Tiếng khóc òa lên…

Ba mươi hai bông hồng ông Nghĩa mua tặng hôm nào rực rỡ giữa bàn. Ba mươi hai bông hồng này không khóc, mà lung linh sắc thắm như muốn thay mặt tướng Lê Hải chia tay với mọi người…


Đầy đủ các gia đình các con và các cháu má Sáu Nhơn sống ở trong nước và nước ngoài đều ra Hà Nội tề tựu chia tang. Toàn bộ đại gia đình các con các cháu họ Phạm không sót một ai cũng đến tang lễ để phân ưu. Vợ chồng ông bà đại tá quân đội Sài Gòn Phạm Trung Lễ sống ở San Jose, vợ chồng bà Phạm Thị Hoài từ Los Angeles cũng về Hà Nội tham dự…

Trước khi bước vào phòng thờ tướng Lê Hải, ông Lễ thay bộ đồ thường phục đang mặc bằng bộ đồ sắc phục quân đội Việt Nam Cộng Hòa, với đầy đủ mũ và lon quân hàm đại tá. Đứng trước bàn thờ tướng Lê Hải, đại tá Lễ đứng nghiêm chào theo kiểu nhà binh, rồi cầm mũ trong tay, cúi đầu mặc niệm. Sau đó đại tá Lễ thắp ba nén hương lên bàn thờ. Đứng trước chân dung ông Lê Hải hiền hòa trong bộ cánh nâu người nông dân Tiên Lãng ngày xưa vẫn thường mặc, đại tá Lễ vái ba lễ rồi đứng lặng hồi lâu…

-         Xin vĩnh biệt anh, tướng Lê Hải!.. – đại tá Lễ gần như nấc lên…


          Hết 49 ngày của tướng Lê Hải, bão internet trong nước ngoài nước đột nhiên dồn dập xuất hiện, hội tụ vào nhau, chưa đầy 24 giờ đã tạo thành trên vùng địa lý Việt Nam cơn bão mạng lề trái rất lớn.

Sấm, chớp… Lúc là những tia chớp sáng đến giật mình, lát sau kéo theo tiếng sét vỡ trời vỡ đất… Lúc là những tia chớp nhỏ liên hồi dấy lên những tràng sấm rền không dứt. Gió từng cơn cuộn lên lay động tất cả, cũng có lúc như nói thầm rì rào, hoặc rít lên đay nghiến.., lúc rên xiết…  Cường độ bão đang có xu hướng ngày càng tăng lên.

          Rốn xoáy của bão là di chúc của lão tướng Lê Hải, được cựu đại tá thương binh Phạm Trung Nghĩa trân trọng công bố trong bài tường thuật quá trình hình thành và sự ra đời của bản di chúc này. Phát đi từ “Doanh nhân tự cứu mình, cứu nước!” và các trang mạng của các alumni đã học ở Đức, Nga, Thái Lan.., dưới cái tên Di chúc của một người lính. Hàng nghìn trang web, facebook và blogers trong nước ngoài nước bay đi khắp mọi nơi, về các cơ quan, xí nghiệp, làng quê… trong cả nước.

          Đất nước bồng bềnh trong cảm xúc…
          …
          …

         
          Có lẽ đến cả tháng nay rồi, ông Hai lúc nào cũng cảm thấy mình như đang ngồi trên chảo rang. Thậm chí có khi trong giấc ngủ ông Hai thấy bản di chúc của tướng Lê Hải bay kín rợp cả bầu trời. Những con chim cánh bạc ấy cuối cùng thường tụ lại thành những tảng đá lớn rơi lên đầu ông... Ông lại ới ới trong đêm, lại bị bà Hai lay lay đấm đấm cho ông tỉnh dạy.

-         Hồi này ông làm sao thế? Tim mạch thế nào mà cứ hay ú ớ về đêm, tuần này lần này là lần thứ ba rồi!..
-         Đúng là hồi nay tôi bị suy nhược thần kinh bà ạ. Tình hình căng thẳng quá, chịu không nổi. – ông Hai trả lời vợ.
-         Ông bị cái di chúc của lão tướng Lê Hải cướp hết hồn vía chứ gì?
-         Ối, sao bà lại nói đúng thế?
-         Chao ôi, cả nước ngồi đâu là chỉ thấy bàn chuyện này. Phải thừa nhận những điều tướng Lê Hải nêu ra đúng ơi là đúng! Thế mới là dám nói thật!..
-         Trời ơi, nhà trường của bà cũng đọc nó à?
-         Đọc chứ. Sinh viên trường tôi còn phô-tô cóp-pi phát không cho nhiều người. Hôm qua đi bơi, mấy cái quán nước chung quanh bể bơi Quảng Bá tôi cũng thấy râm ran chuyện này. Họ chuyền tay nhau đọc và công khai ngồi bình với nhau từng điểm, oang oang giữa ban ngày mà chẳng sợ gì cả. Thế mà tại sao ông lại căng thẳng quá xá vậy?
-         Chết rồi. Tự mồm bà nói ra như vậy thì tôi tin. Tôi cũng nhận được báo cáo về sự lan truyền như thế của di chúc, nhưng cứ nghĩ là câu chuyện bị thổi phồng!..
-        
-        

Ban của ông Hai họp đi họp lại mấy lần tìm cách xử lý cái di chúc của một người lính.

Bàn rất nhiều, Cuối cùng Ban chỉ đẻ ra được ba chữ “cấm” và “thu hồi”. Chữ “cấm” thì làm được thành công tương đối tốt, đến nay không một báo chí lề phải nào ho he hơi hướng gì về bản di chúc này cả. Nói là thành công “tương đối”, bởi vì an ninh chính trị tìm được nhiều bản sao có xuất xứ từ các cơ quan nhà nước. Còn “thu hồi” thì gần như vô phương, vì làm sao và công sức đâu mà thu hồi được hàng triệu copy rải khắp cả nước, lại càng không thể thu hồi được không khí. Chỉ thị thu hồi viết rất rõ ràng, song chỉ kiếm được tí chút khi bất ngờ xục vào nhà một số blogers quen thuộc lâu nay vẫn chống đối chế độ, thế nhưng ai dám xục vào các máy tính xách tay, túi sách, cặp sách… của hàng vạn hàng vạn cán bộ nhân viên trong các cơ quan khắp cả nước… Lệnh “cấm” và “thu hồi” đạt được hiệu quả cao nhất là trên thực tế không có sự thừa nhận nào từ phía chính quyền về sự tồn tại của di chúc này.

-         An ninh chính trị đánh giá là khá nhiều cán bộ cấp VIP quan tâm đến di chúc này, kể cả trong các cơ quan của Đảng, của quân đội, của công an… - ông trưởng ban thông báo.
-         Đồng chí trưởng ban nói gì thế?  - ông Hai giật thót người.
-         Anh nghe rõ rồi đấy… Số cán bộ cao cấp tán thành di chúc này không phải là ít.
-         Anh ơi… Thoái hóa chính trị tư tưởng đến mức ấy rồi hả anh? – ông Hai túm lấy ống tay áo của ông trưởng ban, vừa giật giật, vừa hỏi, hai mắt ngơ ngác.
-         Quy kết thế cũng không sai… Nhưng rõ ràng là tầng lớp trung lưu trong bộ máy của Đảng và Nhà nước đang ngày càng lớn.
-         Thế là diễn biến hòa bình trăm phần trăm rồi! Đồng chí không nghĩ thế à?
-         … - ông trưởng ban không trả lời ngay, mà ghé sát vào tai ông Hai, nói chỉ vừa đủ nghe: - …Chính tôi cũng cảm thấy di chúc rất có lý. Dìm nó, bôi xấu nó thì được, chứ không bác bỏ được…
-        
-        
-         Thế mà tôi cứ tưởng là chỉ riêng cán bộ Ban ta mới cần quan tâm để biết đường đối phó…?
-         Quan tâm để đối phó thì không nói làm gì. Cái chính là sức cảnh báo và và sự lan tỏa của di chúc này làm không ít người phân vân.
-         Sao đến giờ phút này vẫn chưa thấy lãnh đạo có thái độ công khai đối với cái di chúc này, hả đồng chí? Vạch Đảng quyết liệt đến thế là cùng chứ còn gì nữa!? – ông Hai hỏi trưởng Ban.
-         Tôi chắc là đang nghiên cứu. … …Nhưng mà công khai thế nào mới được chứ? Chẳng lẽ loan báo cho dân: Đang tồn tại một di chúc độc hại à? Làm như thế có khác gì đổ thêm dầu vào lửa không? Có khi cứ lặng lẽ coi như di chúc không tồn tại… Để nó chết dần theo thời gian…
-         Nghĩa là theo cách… cứt trâu để lâu hóa bùn?..
-         Cách đó là tốt nhất!…
-         Chẳng lẽ lãnh đạo lúng túng đến thế hả đồng chí?
-         Không rõ lắm.
-         Đến cả tháng nay rồi… Như thế không được, đồng chí ạ… Càng để chậm, cái di chúc này càng chuyền tay nhau đi vào chiều sâu, nguy lắm. Hang cùng ngõ hẻm nào tôi cũng thấy nó… Mà đọc nó thì làm sao mà không suy nghĩ được, hả đồng chí trưởng Ban?.. Một đất nước tự do của một dân tộc tự do! Phải học tập và phấn đấu với tất cả nghị lực làm bằng được!.. Còn hơn là kích động nổi lọan đồng chí ạ!
-         Nhưng phê phán hoặc bác bỏ không khéo thì dư luận cho lĩnh đủ đấy. Nguy hiểm quá!..
-         Bắt bẻ cái di chúc này khó thật đồng chí trưởng ban ạ. Tôi đã thử chẻ ra từng điểm trong di chúc, tranh luận chết thôi với từng điểm, nhưng khó quá đồng chí ạ. Tìm cách át đi hay lấp liếm thì được, chứ tranh cãi lý lẽ đằng thằng thì thua to! – ông Hai thú thực với trưởng Ban.
-         Tôi biết. Tôi biết… Gọi là di chúc, nhưng còn hơn cả giục giã dân nổi loạn: Đất nước đã độc lập thống nhất, nhưng nhân dân chưa giành được tự do! Nghe kinh chưa!
-         Nhưng đúng quá còn gì nữa! Có phải thế không đồng chí?
-         Bắt bẻ mà không đủ lý lẽ thì ốm đòn miệng của dân đấy! – trưởng Ban thừa nhận. - …Chủ tịch Hà Nội Ngô Thế Thảo rào trước đón sau, cân nhắc từng câu từng chữ… Thế mà vẫn cứ bị dư luận phang cho là Chủ tịch thủ đô của đất nước mà lại công khai khuyên dân đừng bị kích động đi biểu tình chống Trung Quôc âm mưu lấn chiếm Biển Đông!
-         Chẳng phải dân, chính tôi đọc ông Thảo, tôi cũng thấy nó ngang ngang vướng vướng làm sao ấy đồng chí trưởng Ban ạ! Nói như ông Thảo chẳng còn gì là uy nghiêm và sỹ diện quốc gia! Có luật nào cấm người yêu nước hay người bị mất đất đi biểu tình như thế? Còn như người dân vừa uất ức vì mất đất, vừa không thể để cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm, vì hai nỗi uất ức này mà đi biểu tình thì lý do đi biểu tình càng quyết liệt chứ đồng chí? Trong khi đó lãnh đạo lại cứ lục cục như gà mắc tóc, khư khư giữ mãi cái “đại cục”. Nói là dân đi biểu tình là vì bị kích động, chính tôi cũng không được thuyết phục đồng chí ạ. Thà cứ im quách đi cho xong. Ban của ta phải phân tích cho sâu may ra mới có giải pháp đối phó được đồng chí ạ, còn chỉ dùng bạo lực bịt mồm dân thế này thì không xong. – ông Hai thổ lộ tâm can.
-         Nhưng không im với dân được đồng chí ạ. Im như thế, dân quen mui, biểu tình ngày càng lan rộng và quyết liệt hơn, lúc nào đó sẽ mất chế độ, mất chính quyền như bỡn! Cái chính là điểm này. – trưởng Ban giải thích.
-         Thế nhưng làm sao tách ra được giữa bất mãn chống chế độ và yêu nước chống Trung Quốc bành trướng hả đồng chí?
-         Chuyện đó tôi lại không lo. Nói là dân bị kích động… thì cùng lắm cũng chỉ có lý phần nào thôi, một phần rất nhỏ… Không thể đánh giá thấp sự nhạy bén về chính trị của nhân dân ta được đâu. Cho nên cái mà tôi rất lo bây giờ là đến lúc nào đó có thể hai thứ chống này sẽ thống nhất với nhau làm một. Nghĩa là một khi xảy ra tình huống nào đó, dẫn tới dân coi muốn chống Trung Quốc bành trướng thì đồng thời cũng phải chống chế độ! Đến nước ấy thì hỏng to!

Ông Hai như người bị điện giật:

-         Ấy chết! Có khả năng này không đồng chí?
-         Có hàng đống lý do để có thể xảy ra tình huống như thế. Ví dụ như một khi người dân cho rằng sự yếu kém của chế độ là nguyên nhân chính giảm sức đề kháng của đất nước chống lại sự bành trướng quyền lực mềm hoặc rắn của Trung Quốc.., sự yếu kém của chế độ là trở lực chống lại cải cách, là mối nguy lớn nhất kìm hãm tiền đồ của đất nước... Giáo sư toán học Hoàng Quốc Túy nói trắng ra trên blog của mình là cả nước bây giờ đang cùng một lúc phải chống nội xâm và ngoại xâm, nhấn mạnh có chống được nội xâm trước thì mới có thể thắng được ngoại xâm! vân vân… Những ý kiến quyết liệt như thế nhiều lắm, kinh khủng lắm... Phải nói là ngày càng nhiều. Tách thế quái nào được!..
-         Ối! Thế Ban ta phải làm gì bây giờ?
-         Chờ!.. Hay là yêu cầu lực lượng chuyên chính đàn áp thẳng tay!
-         … … - ông Hai ngẫm nghĩ một lúc: - …Có lẽ phải như thế thật! Vì làm gì tôi thấy cũng khó quá, đồng chí trưởng Ban ạ. 
-         Phải chờ tình hình! Chờ lãnh đạo!
-         Cái gì cũng chờ? – ông Hai vừa nói vừa lật lật mấy trang báo cáo trực ban vừa mới  trình lên ông, đọc loang loáng một lúc, ông quay ra nói tiếp với trưởng Ban: - …Ôi, báo cáo lên Ban danh sách các nhân sỹ đi biểu tình ngày càng dài ra đồng chí ạ. Danh sách ký tên có rất nhiều cựu trào mới ạ. Ôi, dài lắm…
-         Thôi thôi ù cả tai rồi, im đi. – trưởng Ban ngắt lời.
-         Chẳng lẽ Ban ta cứ án binh bất động thế này thì mất chế độ!??
-        
-         Đồng chí không quan tâm đến những thư, những kiến nghị của các trí thức, trong nước, ngoài nước à? Có tới hàng nghìn chữ ký!..
-         Im đi!.. Đã bảo là phải chờ!
-         ???
-         Chuyện này chúng ta không tiên phong được! Nghe nói ngay trong lãnh đạo cũng có ai đó có những phân vân mặt này mặt khác liên quan đến di chúc của tướng Lê Hải. Trên báo chí chính tôi cũng thấy có khẩu khí khác nhau nào đấy giữa các lãnh đạo trong khi tiếp bà ngoại trưởng Clinton vừa qua ở Hà Nội.
-         Vì lúng túng? …Hay là vì rạn nứt nội bộ lãnh đạo?...
-         Chịu!.. Suỵt!.. Vách có tai. Có tin nói rằng nhiều VIP đang suy nghĩ rất lao lung… Bản di chúc này quyết liệt quá!
-         … - Đến lượt ông Hai ghé sát vào tai trông trưởng Ban: - …Các VIP mà cũng suy thoái chính trị tư tưởng à?
-         ???…
-        
-        
-        
-         Cấm tiệt báo chí cứ đưa đi đưa lại mãi những chuyện đình công ở Bình Dương, biểu tình chặn đường cao tốc ở Ninh Thuận, người thủ đô chèo rào vào Công Viên nước, chặt cây Hà Nội… Làm báo đéo gì mà ngu thế!
-         Vâng. Vâng… Đúng thế ạ. Nhất là lúc này!..
-         Phải làm ngay!
-         Vâng ạ…
-        
-        





[1] Từ khi hình thành hệ thống thế giới xã hội chủ nghĩa, quan điểm “hai phe bốn mâu thuẫn” thịnh hành trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và được Đảng Cộng Sản Việt Nam tiếp thu, có nội dung: “hai phe” đó là phe xã hội chủ nghĩa và phe đế quốc; “bốn mâu thuẫn”  là (1)mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc, (2)mâu thuẫn giữa chủ nghĩa đế quốc và phong trào độc lập dân tộc, (3)mâu thuẫn giữa chủ nghĩa đế quốc và nhân dân lao động bị bóc lột ngay trong lòng các nước tư bản, (4)mâu thuẫn giữa hòa bình và chiến tran trên thế giới.
[2] Xem thêm Dòng đời.
[3] Chiến tranh biên giới phía Bắc, do Trung Quốc đánh ta tháng 2-1979.
[4] Xem thêm “Dòng đời” tập I và IV.
[5] Trong đó có kiến nghị 10-07-2011, kiến nghị 08-09-2011 vân vân…
[6] 16 chữ là: "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" , 4 “tốt” là: “đồng chí tốt, bạn bè tốt, láng giềng tốt, đối tác tốt”.

[7] “Quán tính lịch sử” là môt vấn đề lớn liên quan đến vận mệnh đất nước ta mấy thế kỷ nay, giam hãm đất nước ta trong nghèo nàn, lạc hậu, chậm phát triển, với những cái giá phải trả vô cùng đau đớn như lịch sử đất nước ta hai thế kỷ nay đã chỉ ra. “Quán tính lịch sử” là một nỗi đau lớn, là một vấn đề lớn trong tiểu thuyết Dòng đời.
[8] Xem thêm “Dòng đời”.
[9]Vào đầu những năm 1940 có những đảng viên được kết nạp dưới cái tên gọi Việt Minh. Lê Hải là một trong những đảng viên cộng sản được kết nạp như thế. Việt Minh với cái nghĩa Mặt Trận Việt Minh ra đời trong và sau Cách Mạng Tháng Tám.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét