Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

"Lũ" - Final Draft April 2015



15




                Thạch sốt cao mấy ngày nay, hình như bệnh tái phát, nhưng cứ nấn ná không chịu vào viện trở lại. Có thể do chấn thương bên trong khi ngã xuống vực chưa thực sự khỏi hẳn… Vả lại bác sỹ hàng ngày đến thăm bệnh tại nhà cũng cho biết nếu có biểu hiện đau khác thường sẽ đưa Thạch vào viện ngay.

          Không phải sự vất vả trong núi rừng Tây Nguyên, mà là cuộc vật lộn tay ba chỉ có thắng hoặc thua giữa một bên đơn độc là Thạch – với tính cách nhà tư vấn PH, chống lại hai bên kia: một là nhóm đại diện lãnh đạo địa phương - với tính cách là chủ nhà, một bên nữa là nhóm đại diện các công ty người Hoa - với tính cách là chủ dự án thành phố xanh Dankra. Cuộc đấu vật này đã vắt kiệt sức của Thạch trong vòng mấy tháng trời… Và cuối cùng là cái ngã xuống vực… Về mặt nào đó, cả hai nhóm này đều là “ông chủ” của Thạch, vì họ thỏa thuận cùng nhau thuê công ty dịch vụ Luật của nhóm PH làm tư vấn để cho khách quan và công bằng - mà Thạch là người được cử ra trực tiếp đảm nhận nhiệm vụ này.


          Chủ phía ta có các quan chức địa phương đủ các cấp xã, huyện, tỉnh,  lúc thì họ tất cả cùng một ý, lúc thì mỗi cấp một ý.

          Cái giống nhau của tất cả các cấp quan chức địa phương này là thích chén với cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Bàn việc chưa xong có thể gác lại, song nếu lịch có tiệc chiêu đãi thì ưu tiên đi dự chiêu đãi trước, sau đó một số người thực hiện những thứ hẹn ngầm nhau sau chiêu đãi... Cuộc họp nào không kết thúc bằng đánh chén – dù là dưới dạng cơm thân mật, hay dưới dạng chiêu đãi của một nhà tài trợ nào đó, thì kết thúc bằng phong bì. Có điều là lịch chiêu đãi của các nhà tài trợ gạt đi không hết. Nói cho đúng là các nhà tại trợ muốn nhờ vào các buổi chiêu đãi để làm quen, bắt mối, để chiếm phần trước cho công việc kinh doanh của mình trong dự án này. Thói đời mật ít ruồi nhiều, nên ai cũng phải lo đặt một cục gạch xếp hàng xí chỗ trước như những năm thời bao cấp trước đây.., có người còn đặt hai ba cửa… Chí ít cũng là tạo ra mối thân quen.

          Đánh chén với nghĩa bóng có nội dung hoàn toàn khác. Đó là chuyện ma ăn cỗ. Tuy nhiên, cảm nhận được loại cỗ ma này không khó, nhưng nhận dạng nó đầu cua tai nheo ra sao thì hầu như không thể... Có nhiều vấn đề cụ thể thuộc dự án  bàn tới bàn lui tới mức ký tắt được rồi, ví dụ khoanh địa giới cắm mốc, giá đền bù.., nhưng chỉ sau khi nghỉ giải lao, uống cà-phê.., lại hiện lên một cái ba-ri-e mới chắn ngang. Cái thứ ý kiến chắn ngang ấy chỉ có ma mới biết chúng từ đâu tới, nên phải có cỗ ma để đàm phán cách xử lý nó… Tiệc và phong bì không là cái đinh gỉ gì so với các thứ đem ra mời mọc nhau trong loại cỗ ma này.  Nét độc đáo của cỗ ma là mọi thứ đều có thể đem ra mặc cả, trao đổi: một quan hệ, một cuộc đánh đổi, một cái “ghế”, một cuộc làm tình, một bất kể một cái gì nữa.., thậm chí một cái bằng giả…

          Cái giống nhau nữa của các đối tác bên phía chủ nhà là hỏi đến dữ liệu gì, ai nấy hầu như đều sài lắc không biết, hoặc xin khất để cho các chuyên viên sẽ về mở kho dữ liệu trả lời sau.., dù đấy là những dữ liệu rất đơn giản, như lượng mưa hàng năm, thời điểm và tần xuất các vụ mưa lớn.., có bao nhiêu sắc tộc và số lượng từng sắc tộc trong cộng đồng các dân tộc ít người tại địa bàn này, sự biến động dân cư qua các thời kỳ và các năm… Nhiều lúc Thạch phải tự hỏi thầm trong bụng: Chẳng hiểu cái đám người ăn lương này nắm quyền thay mặt chính quyền dù là bên nhà nước hay bên Đảng để đi đàm phán họ làm cái gì cho hết ngày mà khi được hỏi đến cái gì cũng đều trả lời: để về tra lưu trữ rồi sẽ có ý kiến…  

          Chủ bên phía khách nước ngoài là một nhóm người Hoa hỗn hợp từ Hongkong, Đài Loan và Quảng Châu. Họ đại diện cho nhà đầu tư của dự án Dankra. Tất cả bọn họ giống nhau ở chỗ khôn như chấy, rất chịu khó ghi chép và thu thập tài liệu. Họ có biệt tài vẽ ra những hình ảnh tuyệt đẹp và các con số cho cả vùng Dankra – nào là một “Davos”[1] Đông Nam Á trong tương lai, một đô thị xanh với hàng nghìn việc làm có chất lượng lao động cao cho dân cư khắp cả vùng gần 20 cây số vuông này, phục vụ các trung tâm nghiên cứu khoa học… Các trung tâm tài chính tiền tệ khu vực Đông Nam Á sẽ đến mở trụ sở nơi đây… Lực hút các ngành dịch vụ của tất cả các địa phương chung quanh… Các số liệu giả định, các “power points” trình chiếu, với những bức ảnh gây cảm giác choáng ngợp về các đô thị mới mọc ở Hạ lưu Châu Giang, ở Dubai…[2] Tất cả thi nhau gây ấn tượng cho các buổi thuyết trình của họ.  Đáng ngạc nhiên là họ đào không biết ở đâu ra khá nhiều số liệu về Dankra mà chính các quan chức và chuyên viên địa phương cũng không có. Thỉnh thoảng họ lại làm phía ta chết ngắc khi đối chiếu với số liệu họ có… Một lần họ kể vanh vách lịch sử dân cư vùng này, nêu rõ số liệu biến động qua các thời kỳ của từng tộc các dân tộc ít người như K’Ho, Mạ, Chil, Nùng… Một lần khác họ đưa ra số liệu thống kê tần xuất các vụ mưa lớn các tỉnh Tây Nguyên trong suốt thế kỷ vừa qua, có nguồn gốc truy cập từ NASA (Mỹ)… Phía ta cứ há hốc mồm trợn mắt ra ngồi nghe, thỉnh thoảng lại có tiếng trầm trồ rên lên rất to, vì ngạc nhiên… Đôi lúc, khi hiện lên hình chiếu thành phố Davos, Châu Giang, Hongkong… ông này bà nọ kêu lên một cách tự nhiên như chỗ không người, thật ra là để khoe với mói người… …Trung tâm hội nghị quốc tế này to lắm, hiện đại lắm, mình đến rồi! Vùng này nhiều tuyết lắm… Thành phố này cùa Trung Quốc đẹp như Paris… Cây cầu Hạ Châu Giang này dài nhất thế giới đấy, tôi đến tận nơi tham quan rồi… Thoạt đầu Thạch thấy rất chướng tai, nhưng nghe riết rồi cũng quen đi, trong bụng lắc đầu hoài… Phía người nước ngoài thản nhiên như không, nhưng trong bụng họ nghĩ gì thì không biết…

          Thế nhưng mỗi lần phía ta đưa ra những đề nghị cụ thể như quy hoạch chi tiết, kế hoạch kinh doanh và tiến độ, vốn cam kết, tiền đặt cọc.., họ đáp lại bằng những câu hỏi còn khó hơn dành cho phía ta, ví dụ như về cam kết giải tỏa mặt bằng một số điểm dân cư đông, giá đền bù, giá thuê đất so với các nước chung quanh…  Lại đến lượt họ làm cho phía ta chết ngắc. Cài trò mèo chuột vờn nhau này kéo dài hàng năm rồi mà vẫn không chán. Phía đối tác kiên nhẫn dai  như đỉa đói, còn phía ta cứ bị dắt mũi mãi, hết cuộc vờn này đến cuộc vờn khác, muốn chấm dứt cũng không được. Mỗi lần phía ta dồn được đối tác đến một cam kết cụ thể phải quyết định, đối tác lại đưa ra những câu hỏi mới khó hơn, ta lại bị dồn vào cuộc vờn mới.

-         Các ngài dám có đáp án rõ ràng cung cấp điện và nước, có tiến độ xây dựng đường, chúng tôi Ok ngay! Có thế quy hoạch của chúng tôi mới theo sát được thực tế chứ? Chúng tôi không thể nhập khẩu được những thứ phía các ngài phải làm này cho dự án, có phải thế không?
-         ???
-         Các ngài thừa biết, chính các ngài cũng không thích quy hoạch vẽ trên giấy cơ mà, đúng không? – phía đối tác phản kích.
-        
-        

Phía ta tiếp tục cứng lưỡi.


          Trong lòng Thạch thực sự khâm phục cái đám người Hoa ma mãnh này sao mà lắm chiêu đến thế!.. Chúng mày có vốn thời gian lớn đến vậy để câu giờ hay sao? Hay là…? ... – Thạch tự hỏi mình như thế không biết bao nhiêu lần.

          Chính Thạch cũng bao phen luẩn quẩn trong cái ma trận do phía đối tác đặt ra. Thạch hết mobile fone lại mail đi mail về kêu gọi các cái đầu chai sạn trong nhóm PH hỗ trợ, nhưng mọi câu trả lời có được cũng không làm cho Thạch thông minh hơn được bao nhiêu.

          …Duy nhất cái thông tin do Tín cung cấp về dòng chảy của vốn của phía đối tác tại châu Phi, châu Úc, Mỹ latinh.., khiến cho Thạch cảm nhận được lờ mờ hình như có một tia chớp nào đó đã vụt lóe lên mà Thạch đã bỏ qua không để ý tới, thậm chí cũng chẳng hiểu rõ cái tia chớp lờ mờ này mang lại cho mình thông điệp gì.., mãi sau này…

          …Bất giác Thạch nghĩ đến cặp vợ chồng Tín – Kim thuộc thế hệ thứ ba nhà họ Phạm. Trong thâm tâm không dưới một lần Thạch coi cuộc hôn nhân Tín - Kim là biểu tượng sức sống bất diệt của hòa hợp dân tộc. Tín là con trai duy nhất của đại tá Quân đội Sài Gòn Phạm Trung Lễ - thế hệ hai nhà họ Phạm. Tín thuộc loại chuyên gia hàng đầu của Mỹ trên thị trường tiền tệ thế giới, hiện vẫn mang quốc tịch Mỹ. Đại tá Lễ hiện đang sống tại San Jose. Cách nhau nửa vòng trái đất, nhưng bốn anh em con gia đình ông bà giáo Phạm Trung Tuyên – thế hệ hai nhà họ Phạm hiện nay – vẫn chỉ có một cội. Hàng năm các gia đình của bốn anh em các ông bà Chính, Nghĩa, Lễ và Hoài vẫn tụ tập với nhau vào ngày giỗ bố mẹ. Tín, con ông Lễ, có người chị gái là Huệ đã bị hải tặc giết trên biển trong khi tìm đường đi di tản sau năm 1975… Kim, vợ Tín, hiện là quyền Tổng giám đốc ngân hàng PH. Bố Kim là kỹ sư giảng viên khoa cơ khí Đại học Bách Khoa, đi thẳng từ ghế nhà trường đến chiến trường Quảng Trị trong chiến dịch Mậu Thân 1968, bố Kim đã hy sinh sau khi cứu được thiếu tá Phạm Trung Nghĩa… Hạnh phúc và sự thành đạt của gia đình bé nhỏ Tín – Kim này như là một giọt nước mát nhỏ, cùng với biết bao nhiêu nỗ lực khác của cả nước đang góp phần xoa dịu dần dần nỗi đau dân tộc[3]… - Thạch nghĩ trong đầu như vậy.

          Đùng một cái, dự án khai thác bô-xít tại Tân Rai làm lễ động thổ.

          Đùng một cái, nhóm đối tác người Hoa về dự án Dankra chủ động quay sang phá ngang:

-         Khai thác bô-xít không thể sống chung với thành phố xanh Dankra!
-         Sao các ngài lại nói thế được? – Thạch vặn lại.
-         Ô… Cái ông Thạch này không có kiến thức lố…
-         Bô-xít Tân Rai cũng là của người Hoa các ông cơ mà!
-         Cái người Hoa này với người Hoa chúng tôi ở đây là các nhóm khác nhau lố…
-         ???
-         Ô… ô… Cái ông Thạch không có trình độ hiểu được cái này lố… Bây giờ có thêm vấn đề môi trường sinh thái lố… - một thành viên nhóm đối tác đã bập bẹ được vài câu tiếng Việt. Ngôn từ lủng cà lủng củng, nhưng nội dung câu nói thì đâu ra đấy. Những người này rõ ràng đã mọc rễ ở đây trong quá trình đàm phán.
-         Xóa sổ dự án nhé? - Thạch gặng lại, cố điềm đạm mà mặt cứ nóng bừng bừng, hai bàn tay nắm chặt lại giấu trong túi quần để kìm nén sự giận dữ.
-         Tùy.., nhưng không cần thiết lố…
-         Tùy là thế nào?
-         Giao rừng cả gói đi, không liên doanh. Có lãi cùng chia nhau lố…
-         Tại sao cả gói thì được, nhưng liên doanh không được?
-         Để không phải tính toán gì, cho không mệt cái đầu lố… Có bô-xít vấn đề môi trường Dankra sẽ khác nhiều lố…
-        

          Thạch hiểu ra sức ép mới. Ngay lập tức nội bộ ta bỗng chia thành hai phe, cứ như thể có một bàn tay nào đó xắp xếp sẵn: đồng ý và phản đối.

          Phe đồng ý: - Cho họ làm trọn gói thế càng đỡ mệt, chỉ cần đến năm kiểm tra tài khoản tiền lãi đổ vào ngân sách tỉnh là xong. Tình hình như hiện nay, sớm muộn đằng nào rừng cũng sẽ bị phá sạch cơ mà!..

          Phe phản đối: Không được! Thế là cho thuê rừng và mất chủ quyền!.. Cần thì xóa dự án!.. - Thạch dựa vào các thông tin Tín cung cấp để chủ xướng lập luận này, nhưng thiểu số một cách thảm hại. Thạch mấy lần gặp riêng lãnh đạo tỉnh đề đạt: Nhân dịp đối tác trở cờ như thế này xóa sổ dự án luôn, cần tận dụng cơ hội quan trọng này, vì đối tác có quá nhiều ý đồ đáng ngờ. Tất cả ý kiến của Thạch tõm đi đâu không biết, chẳng thấy hồi âm gì cả…

          Bế tắc, Thạch bỏ đàm phán đi biệt tăm hai tuần liền để mò tin tức, toàn dùng xe đò, taxi, xe ôm..., bất kể ngày đêm, lặn lôi tất cả các tỉnh trên Tây Nguyên và hầu hết các tỉnh quan trọng của Lào và Campuchia, nhất là Viên-chăn, Phnompenh, các tỉnh của hai nước bạn giáp ranh với nước ta… Khi trở về, ý kiến phản đối của Thạch đầy sức thuyết phục, nhưng vẫn là thiểu số trong phía ta. Thạch đành cố tìm gặp một số một số người trong lãnh đạo tỉnh thuyết phục tiếp, bay ra bay vào Hà Nội – Sài Gòn để chuyển tải tiếp những suy nghĩ của mình tới một số nhân vật có tiếng tăm, tìm đến một số vị tướng lĩnh cũ, trong đó có tướng Lê Hải...

          Cuối cùng may quá: Trung ương quyết định xóa sổ dự án này, với lý do nó đã trở thành dự án treo. Thật ra việc cho Trung Quốc thuê rừng 50 năm tại nhiều địa bàn quan trọng khác đang làm rúng động dư luận cả nước, …sau cái bô-xít Tân Rai và Nhân Cơ mà còn cho Trung Quốc thuê thêm vùng Dankra nữa thì mất chính trị to!..  

Cuộc đàm phán chấm dứt bằng cái ngã bất ngờ của Thạch xuống vực sâu…

Trong lúc còn đang đàm phán với giới đại học ở Helsinki, Yến đã nhận được tin Thạch bị tai nạn. Song đường xa, công việc đang dở dang, Yến đành mail cho vợ chồng Vũ và Bảo Vân lo việc cứu chữa cho Thạch. Hơn nữa vợ chồng Vũ và Bảo Vân cũng cho Yến biết Thạch vẫn lành lặn, chỉ bị chấn thương bên trong, may là không đến mức quá nguy hiểm, có thể sớm bình phục, mọi người đều khuyên Yến tiếp tục mọi việc cho xong để khỏi đi đi về về. Ruột gan như lửa đốt, Yến cắn răng tiếp tục công việc.

Khi Yến về đến nhà, Thạch đã được chuyển ra Hà Nội gần 10 hôm. Từ sân bay Yến đi thẳng đến nhà ở của Thạch trong khu Ciputra, nhưng “giữ bí mật”, không báo trước.

Mấy hôm nay khi nghe thấy tiếng khách bấm chuông, Thạch không để cho người giúp việc ra mở cửa mà tự mình đi làm lấy, vì lòng dạ bồn chồn, đoán già đoán non Yến sắp về đến nơi rồi.

Lần này, khi mở cửa ra, Thạch sững sờ. Phía trước là người ôm bó hoa hồng rực rỡ, che kín cả mặt, đứng yên không nhúc nhích…

Biết là Yến trêu mình, Thạch định chạy lại, mà hai chân cứ như trôn xuống đất. Mãi Thạch mới nói được, gần như van xin:

-         Thôi, cho anh xem mặt nào!..
-         … - Yến vẫn đứng im, không thấy mặt đâu cả.
-         Nhận cả hoa và nhận cả em, như thế có được không?


Lúc này Yến mới nghiêng bó hoa sang một bên, Thạch chạy lại. Hai người ồm chầm lấy nhau da diết.

-         Ôi!.. Em cứ lo là mất anh rồi!..
-         … - vòng tay xiết vòng tay, Thạch chỉ có cái nhìn thăm thẳm trong mắt Yến.
-         Trong người còn đau nữa không anh?.. - Hai tay Yến ốp lên má, lên trán Thạch: - Hình như anh hãy còn hơi sốt…
-        
-        
-         Từ khi ngã xuống vực, anh chỉ nghĩ về em… Hình như lúc nào cũng nghĩ về em…
-         … - chỉ có cặp mắt của Yến trả lời.
-         Nằm trên giường bệnh càng có nhiều thời giờ nghĩ về em… Nhiều lúc cảm thấy em như đang ở bên cạnh…
-         Ôi… Anh không thể tưởng tượng được em nóng ruột như thế nào… Chỉ muốn bước một bước về được đến nhà…
-         Yến!.. - nụ hôn cháy bỏng trên môi hai người…
-        


Từ ngoài sảnh bước vào trong phòng có vài bước chân, nhưng hình như hai người này có lẽ phải dùng đến cả thế kỷ! Cuối cùng, Yến là người nói trước:

-         Chúng ta cứ đứng ôm nhau mãi thế này thì hoa héo mất. Nhà có lọ cắm hoa nào đẹp không anh?
-         Thôi chết! Cả hai chúng ta đều phải xin lỗi hoa vậy… Anh cũng không biết nhà có lọ cắm hoa hay không… Để anh đi tìm… - lúc này hai người mới rời nhau. Thạch luống cuống chạy tìm khắp nhà…

Yến sửa lại mái tóc rồi bấm điện thoại bảo lái xe mang quà vào cho Thạch.

Từ khi bắt đầu giữ chức chủ tịch nhóm PH, cách đây có lẽ cũng gần hai chục năm rồi, Yến cắt bỏ “cái đuôi ngựa” và để tóc xõa quá vai như bây giờ, vì cho rằng trẻ trung quá mọi người dễ bắt nạt. Vả lại, mỗi tuổi nó đuổi xuân đi, kiểu tóc này bây giờ hoàn toàn phù hợp với tuổi cũng như cương vị của Yến trên thương trường và trong xã hội. Song vốn là người đẹp, nên Yến để tóc kiểu gì trông cũng đẹp. Bây giờ là cái đẹp của quý bà đoan trang, nền nã, phúc hậu… Đôi mắt tròn hơi sâu một chút sau cặp kính trắng, vốn là cái đẹp trời cho và bố mẹ cho của Yến… Khuôn mặt trái soan của Yến đã bắt đầu thoáng dấu ấn của thời gian ở đuôi mắt, song vẫn giữ nguyên cho Yến một nét sáng dịu dàng, thông tuệ. Yến vẫn giữ được cho mình dáng vóc thon thả, lanh lẹn của một người luyện tập thân thể nghiêm khắc để luôn luôn đứng vững cả về thể chất và tinh thần… Trong khi Yến rỡ bó hoa, Thạch cuối cùng cũng tìm được sau góc tủ một bình cắm hoa Bát Tràng cũ kỹ, đưa vào nhà tắm kỳ cọ vội vội vàng vàng, đổ nước vào, rồi bê ra đặt lên bàn:

-         Hôm nay bình hoa này đỡ tủi thân, vì cứ bị bỏ xó mốc meo mãi trong góc tường.
-         Anh thừa nhận một mái nhà thiếu bàn tay phụ nữ vẫn chưa phải là mái nhà?
-         Vâng… Hôm nay anh thú tội…

          Yến dừng tay sửa bình hoa, quay lại phía Thạch:

-         Anh có đáng bị phạt không?
-         Em phạt thế nào anh cũng xin nhận.
-         Em phạt không cho anh nói nữa! – nụ hôn da diết của Yến bỏng trên môi Thạch.
-        
-        

          Thạch loáng choáng suýt ngã, cứ như thể đất thụt đâu mất dưới chân mình, mãi mới thốt lên được:

-         Yến ơi, em đẹp quá! Sao yêu em vô chừng…

          Mắt nhìn mãi vào trong mắt…        

-        
-        

          Nhà có người mà bỗng dưng lặng phắc, chẳng nghe thấy tiếng nói năng gì, chỉ có những cành hoa đang nằm trên bàn và ở trong bình như đang rúc rích với nhau, thi nhau ngắm hai người hôn nhau…

-         Hoa đang ghen hai chúng mình kia kìa… Chúng mình tệ quá phải không anh?..

          Lúc này Thạch mới buông Yến ra, ngắm nghía như thể chưa thấy Yến bao giờ:

-         Cho anh ngắm nhìn em như thế này hàng ngày, hàng giờ, năm này qua năm khác được không?
-         Anh có nhịn ăn nhịn thở năm này qua năm khác được không?
-         Để ngắm em thì chắc chắn là được!
-         Ôi, anh lỳ của em mà cũng đa tình nhỉ… - đột nhiên Yến gọi Thạch bằng cái tên Yến đã tặng cho Thạch trong buổi giỗ ông bà nội của Nam năm nào. Hôm ấy, sau buổi đầu tiên biết Thạch, Yến đã nói với mẹ Chính nhận xét của mình về Thạch. Sau đó bà Chính đã kể lại cho Thạch nghe. Từ bữa đó trong gia đình họ Phạm tặng thêm cho Thạch cái tên mới này: Chàng lỳ. Gần như một bản năng, lúc này lúc khác dong duổi một mình đâu đó trên đường đời, trong thâm tâm mình Yến vẫn gọi Thạch bằng cái tên như thế.
-         Anh bây giờ có nhắm mắt lại vẫn ngắm nhìn được thấy em, lại còn so sánh em với nhiều người đẹp anh thấy trên đời này nữa…
-         Anh lỳ của em già rồi mà vẫn còn đào hoa nhỉ?.. Bây giờ em cắm nốt bình hoa, anh kể cho  em nghe những người đẹp  khác của anh nữa, được không? – Yến gỡ tay Thạch ra và quay trở lại với bình hoa.

          Nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt Thạch:

-         Ôi, danh sách người đẹp anh trong đầu dài lắm, em cắm xong mười bình hoa chưa chắc anh đã kể hết được đâu…
-         Anh nói em nghe vài cái tên xem nào.
-         Đẹp đến thế nào đi nữa, dứt khoát anh không để em tham dự thi hoa hậu các quý bà đâu…
-         Vì em vẫn còn xấu?
-         Không phải. Em không phải là để xuất hiện những nơi khoe khoang như thế.
-         Chàng lỳ của em còn có thêm cả tính ích kỷ nữa? – lúc này Yến vừa sửa bình hoa vừa hỏi, không nhìn vào Thạch. Hai tay xoay bình hoa hết hướng này sang hướng khác.
-         Anh bảo vệ tính ích kỷ này của mình.
-         Thế là anh vi phạm nhân quyền của em đấy nhé. Nhưng em vẫn muốn nghe vài cái tên… - Yến dừng tay, nhìn Thạch chằm chằm.
-         Anh thấy ở em một chút Condolezza Rice, một chút Sarah Palin… [4]
-         Ôi, sao lại có sự so sánh kỳ lạ như vậy? – Yến thực sự ngạc nhiên. -
-         Ở em còn có cả cái đẹp của một chính khách… - Thạch nói, nhưng mắt  lim dim nơi đâu.
-         Anh… Anh đã gặp hai người này?
-         Nhiều lúc nghĩ về em, tự nhiên anh cứ nhớ đến hình ảnh tổng thống Mỹ John F. Kennedy đứng trên nóc ô-tô diến thuyết ở Tây Berlin năm nào[5], hôm đó anh cũng đang ở đấy… Em cũng từng đứng trên nóc ô-tô như thế, khi ở Vĩnh Phúc…
-         Thế con hai nữ chính khách Mỹ?
-         Anh chưa hề gặp họ, nhưng thật sự họ gây ấn tượng mạnh mẽ đối với anh… Họ đẹp đã đành, tài hoa nữa, nhưng quả thật là sắc sảo… Nói về con người, anh thừa nhận đứng đầu nền ngoại giao Mỹ thời George Bush thật không đơn giản…
-         Bà Rice biết chơi piano, nhưng em thì không.
-         Nhưng em là chủ, là linh hồn của phòng tranh Phạm Trung Nam bây giờ đã nổi tiếng trong làng hội họa trong nước và thế giới.
-         Thế còn anh mê bà Palin điểm gì?
-         Những ngày nằm dưỡng bệnh vừa qua, anh đọc xong cuốn America by Heart em tặng sinh nhật anh năm ngoái… Anh hiểu thêm những khía cạnh mới về tình yêu nước Mỹ của người Mỹ, hiểu sâu sắc hơn về cái nhìn thẳng thắn của người Mỹ, về chính họ, cái mạnh, cái yếu, cái đúng, cái sai… Sự giác ngộ của chính họ về vị thế đất nước họ… Thực sự anh tìm thấy ở họ mối liên kết mạnh mẽ giữa yêu nước và tự do…
-         Sự liên kết giữa yêu nước và tự do? – Yến trau mày lại vì ngạc nhiên.
-         Đúng hơn anh phải nói họ yêu nước với tính cách là con người tự do.
-         Đấy chính là đầu mối của mọi câu chuyện ở nước ta đấy, anh ạ. – Yến bập vào ngay.
-         Vâng. Nhất là tự do của từng con người… Giữa tự do và sự trung thực… Theo cách nói của em, anh phải nói đấy là sự trung thực của con người tự do.
-         Phải, sự kết hợp hài hòa của tình yêu và sự thật, anh ạ.  Tình yêu của con người tự do thì phải như vậy. Anh ạ, em vốn dỹ thành kiến với hành động theo kiểu “phong trào”. Trong thời bình, càng không thể yêu nước theo kiểu “phong trào”.
-          Anh cứ tự hỏi mình mãi: Cái gì giúp được một nước sinh sau đẻ  muộn như nước Mỹ tạo ra được sự liên kết giữa yêu nước và tự do như vậy? Cái gì tạo ra được nước Mỹ như ngày nay... Anh hiểu thêm nguồn gốc sức mạnh của họ… Bắt nguồn từ tự do…
-         Anh có dám nghĩ rằng đất nước ta đang rất cần phải có một thể chế luôn luôn thích nghi và vượt được lên trên mọi biến đổi, luôn tạo ra sự biến đổi, có khả năng làm cho giá trị về tổ quốc và giá trị về tự do hợp nhất làm một, cùng phát triển?
-         Anh thú nhận, trong anh đấy là sự giác ngộ muộn mằn… Và bây giờ là khát vọng…
-         Em hiểu. Phải trung thực với chính mình trước đã anh ạ. Chính em cũng trải nghiệm như vậy.
-         Hình như trong nhiều trang sách của mình, Palin cố khám phá chính đất nước mình, muốn tìm hiểu xem cái gì tạo ra mối liên kết kỳ diệu này, muốn đào sâu nó tới tầm văn hóa... Đọc Palin, anh liên hệ rất nhiều đến những suy nghĩ của em, đến những điều hai chúng ta đã nói với nhau trong những tháng năm qua… Kể từ hôm hai chúng ta lần đầu tiên nói chuyện với nhau.., suốt cả chuyến bay Sài Gòn – Hà Nội…

Yến cười phá lên vì vui, giang tay ôm diết lấy Thạch:

-         Ôi, chàng lỳ của em có tài nịnh phụ nữ thuộc đẳng cấp siêu của các loại siêu!
-        

          Lại những tiếng cười giòn tan…

          Không biết câu chuyện nuôi cái hôn, hay cái hôn nuôi câu chuyện, lúc đứng, lúc ngồi, hai người cứ huyên thuyên với nhau như thế, hết chuyện này đến chuyện khác, hết đề tài này đến đề tài khác. Huyên thuyên không đầu không đuôi, huyên thuyên nối đuôi chuyện này với đầu chuyện kia, có lẽ cho đến vô tận…

-         Ngày mai em cho anh đi làm nhé?
-         Không được. Anh phải chờ lệnh em.
-         ???
-         Thấy em oai chưa?!..
-         Bắt anh nằm bẹp dí mãi một chỗ thế này sao?
-         PH không lụn bại vì anh nghỉ thêm mấy hôm đâu. Còn em thì chưa  muốn vội xa anh.
-         Trong khi cả nhà ra tiền tuyến mà anh lại ăn không ngồi rồi như thế này…
-         Anh không thay đổi được lệnh của em đâu.
-         Vừa mới gặp nhau mà đã hắc xì dầu thế… - khó đoán biết được qua giọng nói của Thạch là dỗi vờ hay dỗi thật.
-         Hàng ngày em sẽ đến ăn cơm tối với anh, cho đến khi anh khỏe hẳn. Chịu chưa?
-         Thế thì chịu.
-         Chịu miền Bắc hay chịu miền Nam?.. – Yến cố nói dài ra thành chữ chi-iệu… cho giống giọng miền Nam.
-         Dứt khoát chi-iệu… miền Nam! – Thạch cố bắt chước nói kì được chữ “chịu”, trong đầu nhớ lại những chuyện trêu chọc của Yến chung quanh chữ “chịu”, nhất là những khi có mặt Bảo Vân...
-        
-        

Lại những tiếng cười, những nụ hôn…


Trong bữa cơm tối Thạch kể lại tỷ mỷ cho Yến nghe chuyện mình bị đẩy ngã xuống vực ngay sau khi dự án Dankra tan vỡ.

-         Anh còn nguyên vẹn thế này là phúc của hai chúng ta rất lớn, có phải không? – Yến thở phào nhẹ nhõm.
-         Đúng là rất may em ạ. Anh kịp túm lấy tay đứa đẩy anh xuống vực, thế là cả hai cùng ngã theo...
-         Anh có nghĩ phản ứng của anh là phản sạ còn dư lại của nghề sỹ quan tình báo không?
-         Sự luyện tập trong quân ngũ quả không thừa em ạ. Cậu này là văn thư của Ủy ban huyện. Anh ta chỉ là người ghi chép, làm báo cáo.., không phải là thành viên đàm phán… Nhưng khi chuyển sang vòng đàm phán mới về cho thuê rừng, cậu ta đột nhiên to mồm nhất. Nhiều người có vẻ kiềng kiềng cậu ta, thế mới lạ....
-         Hiện tượng bảo hoàng hơn vua?
-         Anh không nghĩ thế. Có thể đấy là một cái loa của ai đó không ra mặt.
-         Anh có sợ mình méo mó nghề nghiệp không?
-         Khi đại diện của tỉnh nói việc cho thuê khu rừng này phải được trên phê duyệt, cậu ta át đi: “Chuyên nhỏ! Việc này để em lo!”… Thế là thế nào? Ngay lập tức anh chú ý quan sát cậu ta hàng tháng trời… Nhưng màn kịch và miếng võ cậu ta đẩy anh xuống vực lại dở quá, nên cậu ta mới bị anh túm lấy tay và ngã theo.
-         Cả hai người đều không chết là quá may!
-         Nhưng anh đoán cậu ta có sống thì cũng tàn phế. Vì lưng cậu ta va mạnh vào một mỏm đá, hai chân không cử động được nữa, chắc cột xống bị chấn thương nặng. Tay phải cậu ta cũng liệt, có lẽ bị gẫy. Anh nhớ rõ lắm, khi anh tỉnh dậy, trời dưới thung lũng đã gần tối rồi mà chẳng thấy ai xuống cứu. Anh đoán là mình nằm dưới vực sâu này ba bốn tiếng đồng hồ rồi… Anh cố bò được tới chỗ anh ta. Một lúc sau anh nhỏm dậy được, song mãi không sao đứng lên được, mỗi cử động cứ bị tức thở từ bên trong, hôm sau thậm chí anh thở mạnh cũng đau… Cứ đau mãi như thế cho đến hôm ra viện… Bác sỹ bảo là anh chỉ bị chấn thương mạnh, chứ không bị thương, không bị chảy máu bên trong…
-         Nghĩa là anh vẫn chưa đủ tiêu chuẩn làm thương binh?
-         Như một bản năng, khi trời gần tối hẳn, thân thể bắt đầu cựa quậy được, anh nghe theo tiếng dên dỉ đâu đó vọng lại và bò được tới chỗ cậu ta. Ngay lập tức anh muốn đấm cậu ta chết luôn. Trong người đau thế mà vẫn sôi lên vì giận. Song cũng như một bản năng khác, anh ráng vần vần cậu ta nằm lại cho đỡ đau, rồi gặng hỏi tại sao cậu ta lại đẩy anh xuống vực.
-         Cậu ta trả lời thế nào hả anh?
-         Cậu ta trước sau chỉ một mực là nói ra hay không nói ra đằng nào cậu ta cũng chết. Hết!..
-         Cậu ta không van nài cầu cứu gì cả ạ?
-         Tuyệt nhiên không! Anh hiểu ngay cậu ta nói ra như thế là hoàn toàn tỉnh táo và có lý do. Anh mường tượng được mình đang đối mặt với chuyện gì… Anh lết đi lết lại cố đặt đầu cậu ta ghếch lên cao cho cậu ta dễ thở hơn, dặn đi dặn lại cậu ta chịu khó nằm yên một chỗ để cho người đến cứu dễ tìm. Nhưng cậu ta cứ như người điếc, chỉ có hai con mắt đờ đẫn trả lời. Không dặn dò, không thèm một câu cảm ơn… Thu xếp xong chỗ nằm cho cậu ta thì trời tối hẳn. Không đèn đóm, không điện thoại, anh cứ men theo triền rừng lần mò dần lên. Cũng may là lặn lội hàng tháng trời tại vùng này, nên anh nắm được địa hình… Đến gần nửa đêm anh cũng bò lên được tới mặt đường cái, xa nơi anh ngã có lẽ hàng cây số.
-         Chúng ta phải tìm hiểu cho ra chuyện này anh ạ. Tái diễn một kịch bản giết Quân?
-         Chín phần mười có lẽ là như vậy, song anh chưa muốn kết luận quá vội vã… Trước khi ra viện, anh đến thăm cậu ta ở phòng cấp cứu. Nhưng cậu ta sốt li bì, không nói không rằng… Bác sỹ nói cậu ta bị hôn mê mấy ngày nay rồi…
-        
-        




[1] Davos, Thụy Sỹ, một thị trấn cao nhất châu Âu (khoảng 1500 m so với mặt biển), nằm trên dẫy núi Alpes, là một trung tâm các hội nghị quốc tế, nổi tiếng là “Diễn đàn kinh tế thế giới” (World Economic Forum – Davos), trung tâm du lịch và thể thao (môn trượt tuyết)…
[2] Trung Quốc, Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất…
[3] Xem tiểu thuyết “Dòng đời”. Sách đã dẫn.
[4] C. Rice: Ngoại trưởng Mỹ thời tổng thống Bush junior;  Sarah Palin: Người liên danh với McCain tranh cử với liên danh Obama – Biden.
[5] Tây Berlin – 26-06-1963.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét