Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

"Lũ" - Final Draft April 2015



22

Mấy tuần nay Đại học PH lúng ta lúng túng về một cú điện thoại mắc dịch và không kém phần hách dịch: Hai Điểu trực tiếp nói với Trung Nam muốn đến nói chuyện ngoại khóa với sinh viên.

          Hội đồng khoa học biết quá rõ chân tướng và khẩu khí của Hai Điểu.

Nhận lời hay không nhận lời?

Sau cái chuyện hoạnh họe của Ban Tuyên huấn Thành phố về việc Đại học PH tổ chức đợt sinh hoạt ngoại khóa “Bàn về triết học” cho sinh viên do học giả Bùi Văn chủ trì và dẫn đề, bây giờ là chuyện chọc ngoáy của Hai Điểu.

Tính sao bây giờ?


Từ các luồng khác nhau, trực tiếp, gián tiếp.., thoảng qua, hoặc có lúc đã xảy ra bốp chát bắn thẳng vào lỗ tai: Nếu đi ra ngoài lề, Đại học PH sẽ bị đóng cửa!..  Cái lý bắt bẻ việc tổ chức đợt sinh hoạt ngoại khóa “Bàn về triết học” không thể nói là rõ ràng, càng không thuyết phục đối với Hội đồng khoa học của nhà trường, bởi vì nó chỉ là một câu hỏi: “Sinh hoạt ngoại khóa này không nằm trong đề mục của giáo trình chuẩn, nhưng sao lại được dành nhiều thời gian đến thế?” Sinh hoạt “Bàn về triết học” thực hiện được đến tuần thứ 6 thì có một lệnh miệng sát sạt, yêu cầu đình chỉ. Lệnh miêng giải thích đơn giản: Mục này trên đã yêu cầu đình chỉ, Đại học PH tuân thủ và dứt khoát phải quay về làm đúng chức năng ghi trong giấy phép. Sức nặng của lệnh miệng được đo bằng tên của người ra lệnh. Trong tình hình nhà trường mấy lần bị “chiếu tướng” về chuyện học sinh của trường mấy tháng vừa qua cùng với sinh viên cả Thành phố có một số hoạt động bảo vệ Biển Đông, nhà trường đành chấp hành ngay lập tức cái lệnh miệng mắc dịch này. Sinh hoạt ngoại khóa “Bàn về triết học” phải bỏ dở trong biết bao tiếc nuối của học sinh và các diễn giả. Trong đánh giá nhà trường cuối năm học vừa qua của cơ quan quản lý có một nhận xét rõ ràng hơn: Đại học PH không tuân thủ chặt chẽ phương châm giáo dục học sinh vừa hồng vừa chuyên.

Hệ quả, trường bị tạm thời đinh chỉ tuyển sinh cho niên học này để trên kiểm tra tư cách mọi mặt của nhà trường. Lý do trên giấy trắng mực đen: Trường có những hoạt động ra ngoài khuôn khổ giấy phép được cấp, tỷ lệ học sinh được tuyển chọn dưới chuẩn cao hơn mức trung bình – chuyện này hoàn toàn tin đồn nhảm nhưng nhà trường không cãi lại được. Khái công văn đi đi về giải trình mấy lần chuyện này là chiếu cố một số thí sinh được tuyển có hoàn cảnh quá nghèo nhưng ham học, có miễn giảm học phí, nhưng không giúp điểm. Giải trình không xong, lại còn bị yêu cầu kiểm tra. Cán bộ được trên cử về tại chỗ tìm hiểu mọi hoạt động của Đại học PH, kết luận: Rút cuộc cần xem lại tình trạng độc quyền của Hội đồng khoa học, vì Đại học PH không thực hiện nguyên tắc cổ phần hóa!..

Giáo sư Tân thiếu kiên nhẫn hơn so với mọi thành viên khác trong Hội đồng khoa học:

-         Chương trình học Mác-Lê, học sử Đảng, học quân sự bảo đảm một trăm phần trăm. Các chương trình khác đều được thực hiện đúng với nội dung đăng ký trong giấy phép được cấp. Thế thì vượt rào cái nỗi gì? Vượt rào các chương trình ngoại khóa à? Học sinh không cần triết học à?.. Muốn cổ phần hóa là muốn thương mại hóa cái nhà trường này à?!..
-         Thật ra chúng ta không phản đối cổ phần hóa, anh Tân ạ. Câu chuyện còn lại là làm thế nào để không bị họ thôn tính. Chúng ta cũng phải tìm cách sớm xóa bỏ cái hình ảnh gia đình trị của Đại học PH, dù là chúng ta không cố ý có một trường đại học chỉ là của hai dòng họ. Dứt khóat Đại học PH phải là của mọi nỗ lực vì trí tuệ. Hội đồng sáng lập đang bàn các phương thức khắc phục hai khó khăn và cũng là hai thiếu sót ban đầu này sao cho vẫn giữ được bản chất của Đại học PH. Bác Lê Hải đã hai lần nhắc chuyện này, thậm chí một khi chuẩn bị xong mọi việc có thể sẽ tính đến việc đổi cả tên trường nữa. Ở nước mình mọi chuyện đều khó khăn thế đấy!  – Khái cố làm cho Tân rõ.
-        
-        

          Mọi người thông cảm với Tân, vì cái lối nghĩ ngay thẳng của người thầy giáo đã đành, song còn vì hiểu được Tân đã sống xa nước quá lâu, chưa được “luộc” kỹ trong thực tế hiện tại của đất nước hôm nay…

Bàn với nhau mãi, Hội đồng nhất trí tham khảo thêm ý kiến của các bậc lão gia trong nhà và Thạch. Cuối cùng, Yến kêu lên “Đi với ma phải mặc áo giấy vậy, biết làm thế nào!.. Yến quyết định: chấp thuận yêu sách của Hai Điểu! Nhưng không phải là làm theo lệnh, mà là chủ mời khách đàng hoàng, vì thế chủ có quyền đặt hàng cho diễn giả thạc sỹ Nguyễn Văn Điểu.

          Yến chọn chủ đề cho buổi nói chuyện ngoại khóa: Thạc sỹ Nguyễn Văn Điểu bàn về khái niệm “đồng tiền ướt”.

          Điên thoại đi, điện thoại về, không dám nói thẳng vì sợ chọc tức đối phương, Trung Nam chỉ tìm cách diễn giải lòng vòng. Cuối cùng Hai Điểu cũng hiểu ra ý của Trung Nam: Khoa kinh tế đang  mổ xẻ con đường phát triển kinh tế hiện nay của đất nước, muốn đi sâu tìm hiểu vai trò và cách ứng xử của các tầng lớp doanh nhân khác nhau trong quá trình này.

          Hai Điểu nhận lời. Giập điện thoại đi, Hai Điểu tự nói một mình: …A ha, thì ra tụi bay muốn so sánh cái du thuyền Diana của ta với mấy cái xe của cánh Năm Hồng đáng quăng vào bãi phế thải chứ gì!?.. Cạc nọ cạc kia (Cardilac…) nhằm nhò mẹ gì! Chưa bằng một góc Diana của ta.... Được!... Nhưng ta không ngu đâu… Tuốt tuột tụi bay, từ những đám có tên tuổi như Năm Hồng cho đến những đám còm sỹ kể cả cái nhóm mang tên PH của các người làm sao có tầm nhìn, có thông thái để hiểu được và làm sao có kỹ năng để sử dụng được cái công vụ Diana của ta!.. Còn nhiều chiêu nữa, hãy đợi đấy các con ạ!..  Rồi sẽ đến một ngày nào đó… Rồi sẽ đến… Tuốt tuột đám thiểu năng trí tuệ tụi bay sớm muộn sẽ chỉ trở thành những đám lau đám cỏ dưới chân ta mà thôi…

          Hội đồng khoa học nhà trường phải hủy một cuộc họp bàn về những vấn đề giáo vụ nóng bỏng, để bàn ngay tức khắc việc tổ chức buổi sinh hoạt ngoại khóa cho Hai Điểu. Các vấn đề kỹ thuật được giải quyết nhanh chóng. Còn lại hai cục xương gây nhiều tranh cãi nhất, đó là đối phó với những quan điểm của Hai Điểu trái với tôn chỉ mục đích và phương châm giảng dạy của Đại học PH như thế nào? trong trường hợp Hai Điểu khiêu khích và học sinh bị kích động sẽ xử lý ra sao? Cả hai câu chuyện này tuy nằm trong phần ngoại khóa, song quá nhạy cảm đối với sự tồn vong của Đại học PH, nhất là kinh nghiệm sống cho thấy đụng độ với Hai Điểu thường kết thúc theo kiểu “Có mày không tao! Có tao không mày!”… 

Tân bao giờ cũng là người than vãn nhiều nhất, kể cả trong cuộc họp bất thường này:

-         Cái anh chàng vừa là ác ôn, vừa là tỷ phú Hai Điểu này không biết là loại người gì!?.. Cá mập dưới biển khi no bụng rồi thì thôi săn mồi. Hổ báo trên rừng chén đẫy rồi, hươu nai có đi qua trước mặt cũng nằm yên. Ăn sống nuốt tươi cả một khu đô thị mới Đồng Dơi rồi mà sao hắn ta vẫn  háo hấc cái trò “zero sum game” với Đại học PH đến thế nhỉ!?..
-         Cấm anh Tân bàn chùn hay bỏ cuộc! Cấm tuyệt đối đấy, thày hiệu trưởng thân mến của em ạ!... – Khái nói vui, song lúc nào cũng ngay ngáy lo Tân bị gục.
-         Không có chuyện ấy đâu, nhưng nó làm tốn năng lượng của mình ghê gớm quá! – Tân đáp lại.
-        
-        

Cuộc họp đi tới kết luận: Khuyên sinh viên tự tìm hiểu trên mạng về Hai Điểu và chuẩn bị kỹ cho mình tham gia đối thoại. Là sinh viên đại học PH, họ phải tự làm lấy việc phải làm của họ! Nhà trường dứt khoát không gợi ý hoặc mớm lời...

Lý do thật đơn giản: Nên coi đây là một cơ hội tiếp xúc, cơ hội thử sức trực tiếp của học sinh với đời, nhà trường tùy thuộc vào kết quả sẽ rút ra mọi kết luận cần thiết.

Hội đồng khoa học bỏ luôn cả nghỉ giải lao giữa chừng để bàn cho hết nhẽ mọi chuyện khác, trù tính xem những tình huống bất ngờ hay bất khả kháng nào có thể xảy ra trong sinh hoạt ngoại khóa này, các phương án ứng xử của Hội đồng... Cuối cùng Hội đồng giao cho Trung Nam thay mặt nhà trường chủ tọa toàn bộ sinh hoạt ngoại khóa này, và cử Lan làm trợ lý chủ tọa.
          …
          …

         
Diễn giả thạc sỹ Nguyễn Văn Điểu tự tay lái cái xe van Lexus đến trường đại học PH. Cùng đi là cả một bậu xậu kín xe, trong đó có nữ luật sư Đàm Kiều Oanh, một số người khác nữa lơ lơ láo láo không rõ chức phận. Hai Điểu chỉ giới thiệu rất vắn tắt với chủ nhà:

-         Đây là các chiến hữu trong gia đình!

Đoàn người trong cái xe van được mời uống cà-phê với toàn thể các thành viên trong Hội đồng Khoa học tại phòng  giáo sư Tân. Lúc đầu một thứ không khí nào đó trong phòng làm cho mọi người cứng quèo, ít nói, thậm chí Hai Điểu hơi một chút lúng túng, có lúc có vẻ lấm lét nữa, trong khi các “chiến hữu” khác  vừa ngơ ngác thực sự, vừa lơ láo. Chỉ có luật sư Đàm Kiều Oanh giữ được phong thái tự nhiên.

Khái là người khơi chuyện đầu tiên, nhằm vào Đàm Kiều Oanh:

-         Các anh các chị ơi, xin nhìn luật sư của chúng ta uống cà-phê! – Khái  cố tình nói to thu hút sự chú ý của mọi người. Khi mọi con mắt đều dồn về phía Đàm Kiều Oanh, Khái nói tiếp: - …Cà-phê của thày giáo chúng tôi chắc không ngon bằng cà-phê của văn phòng luật sư, có phải thế không chị Đàm Kiều Oanh? Chưa thấy chị thưởng thức và cho chúng tôi một lời bình.
-         Không dám. Thày Khái quá khiêm tốn. Tôi đã uống gần hết tách đầu tiên rồi. Cà-phê được pha rất sành điệu. Chỉ một nỗi tôi hồi này hay bị mất ngủ quá, nên thuộc loại nghiền cà-phê có hạng mà hôm nay không dám uống nhiều.
-         Tôi lại mắc phải một bệnh không giống chị về cà-phê, luật sư ạ. Khi đã ngủ rồi thì tôi đành chịu, không còn cách nào uống được cà-phê nữa.

Đàm Kiều Oanh hơi chững lại một thoáng rất nhanh rồi bật cười rất tự nhiên:

-         Ôi thày Khái, vậy xin đề nghị thày Khái nhường cái ngủ được cho tôi, và tôi xin lại quả lại thầy tất cả cà-phê tôi có!

Mọi người chung quanh bật cười theo về cách nói vui của Khái. Mấy “chiến hữu của gia đình” ngơ ngác mất một lúc, nhưng khi hiểu ra họ cười rất to và chẳng cần giữ ý gì cả. Riêng Hai Điểu vẫn có phần thận trọng…

Câu chuyện vô thưởng vô phạt làm cho không khí uống cà-phê vui vẻ hẳn lên. Những chuyện vô bổ rôm rả cho đến lúc Lan từ ngoài bước vào mời Hai Điểu và đoàn “chiến hữu” ra hội trường để bắt đầu buổi nói chuyện.

Nhà trường tổ chức cho học sinh đón tiếp rất trong thị.

Phần giới thiệu không dài dòng, tuy vậy Trung Nam trình bầy khá đầy đủ những nét chính về chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn VINACONS Nguyễn Văn Điểu, chú ý nêu bật thành tích tập đoàn này đã vượt qua mọi khó khăn và được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Sau đó dành cho Hai Điểu trọn vẹn diễn đàn.

Phần mở đầu, Hai Điểu nói theo bài chuẩn bị sẵn, khá tẻ nhạt. Đôi chỗ trong bài không lọn ý, Hai Điểu mở rộng thêm, khiến cho cấu trúc của bài có chỗ bị phá vỡ. Riêng những đoạn nói về tầm quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế, về vai trò anh cả đỏ của các tập đoàn kinh tế nhà nước, Hai Điểu lúng túng rõ rệt, có lúc lạc đề. Bài nói kết thúc trong những tiếng vỗ tay bày tỏ thái độ lịch sự nhiều hơn là hào hứng. Khi Hai Điểu gấp bài nói lại cho vào túi trái áo vét, hội trường rơi vào im lặng trong giây lát trước khi chuyển sang phần đối thoại.

Trung Nam gợi ý đây là một cuộc tọa đàm thân tình và hoàn toàn cởi mở, tự do. Trung Nam khuyên sinh viên nên mạnh dạn tranh thủ cơ hội này trực tiếp học tập một doanh nhân có tên tuổi trên thương trường nước ta. Trung Nam kết thúc phần gợi ý của mình:

-         …Các anh các chị xem, một sự thật khách quan là ở nước ta rất hiếm những doanh nhân có những bước đường đời độc đáo như của ông Nguyễn Văn Điểu. Còn tên tuổi, sự thành đạt của ông.., chắc các anh các chị đã tự tìm hiểu kỹ trên mạng rồi.

Ngay lập tức những cánh tay nhô lên nêu câu hỏi. Để cho năm sáu người nêu câu hỏi một lúc, Trung Nam gói lại thành một câu hỏi lớn, yêu cầu Hai Điểu tường thuật lại con đường vào đời của mình và những kinh nghiệm rút ra.

Trên bục diễn đàn bây giờ là một Hai Điểu thao thao bất tuyệt, hùng hồn, sôi nổi. Lúc là một con hổ, lúc là một con sói…

Hai Điểu kể lại khúc chiết từng đoạn đường đời mình trải qua, những ví dụ sinh động, đúng là một Nguyễn Văn Điểu miệng nói tay làm, nói được là làm được, ý chí rắn như sỏi đá xi măng sắt thép, lúc nào cũng chỉ có mục tiêu và mục tiêu! Hết mục tiêu này là mục tiêu khác. Mục tiêu này chuẩn bị cho mục tiêu khác! Cử tọa nhiều lúc thực sự bị hớp hồn về những ví dụ nói lên tính quyết liệt của Hai Điểu. Tất cả đều là sự thật, chỉ có điều đấy là sự thật có chọn lọc, đương nhiên không đụng chạm đến những chuyện đại loại như chuyện các xe vua đâm chết người, trong đó có Quân là người đã bị xe vua giết vì quyết giữ mảnh đất này để có được nhà trường cho đại học PH hôm nay, chuyện hạ thủ đối phương lúc đi săn giữa rừng…

Khi Hai Điểu nói về đoạn đốt sách để vào đời, người nghe nêu ra nhiều câu hỏi chi tiết về sự việc này. Hai Điểu trả lời xong, kết luận:

-         …Các bạn ạ, tôi không tự đề cao mình đâu, nhưng đốt sách là để tuyên chiến với cuộc sống. Đòi hỏi này phải ý chí lắm mới dám làm. Thời tôi vào đời đại thể cũng giống như hôm nay. Nhiều người cứ nghĩ rằng chỉ có một con đường tiến thân duy nhất là vào đại học. Vốn liếng tôi được ba tôi cấp cho ban đầu chắc chắn không bằng toàn bộ chi phí của các bạn học hết đại học đâu. Cuộc sống đã chứng minh tôi đúng! 

Các bạn ạ, đốt sách không có nghĩa là tôi nhác học hay phản đối học. Hoàn toàn không phải thế. Quyết tâm đến mức đoạn tuyệt với con đường mà hầu hết các bạn ngồi đây cho là cái cần câu cơm của mình, hôm nay nghĩ lại tôi vẫn phải cho là tôi liều. Nhưng đốt sách đi, tôi học gấp trăm nghìn lần các bạn ngồi đây, tôi không tự cao tự phụ đâu. Tôi học trong bụi đời, trên công tường, học trong nhà trường, học bất kể lúc nào tôi thấy cái gì mình chưa biết hay cần biết. Khi ba tôi quyết định tôi đang tay chân lấm lem phải bỏ thị trường cát sỏi xi măng sắt thép để nhảy vào ban quản trị dự án cao ốc Skyline, làm việc toàn với Tây mũi lõ tóc dài, tiếng Anh eó eó nghe sốt cả ruột, nhưng chưa đầy một năm tôi học được hết các võ của họ, thậm chí trực tiếp chỉ huy công trường thì họ thua tôi xa vì có nhiều vấn đề kỹ thuật xây dựng, về tiến trình… họ không thạo bằng tôi, ngay cả các kỹ sư xây dựng của công trường cũng không thạo bằng tôi. Các việc phải xử lý trên công trường và ngoài hàng rào công trường họ thua xa tôi… Công trình lâm nguy vì sụt lún tôi là người ra tay cứu và cứu được, mấy cái anh chàng Tây mũi lõ lãnh đạo Hội đồng quản trị phải vinh danh tôi là “vua công trường”… Học như thế mới là học các bạn à, mấy cái giáo trình trong nhà trường nhằm nhò gì!..

Phải, tôi đã vứt cái cần câu cơm ấy đi để không phụ thuộc vào nó, để bắt cái đầu và ý chí của mình làm việc cật lực. Tôi không chỉ quyết tâm một cách quyết liệt, tôi đã chọn một con đường khác hẳn, đã tự tạo ra cho mình một sự khác biệt không phải ai cũng dám làm và làm được. Bây giờ phải nói với các bạn, bên cạnh cái quyết tâm thành đá thành sắt như thế, sự khác biệt này là điều không thể thiếu tạo nên sự thành công của tôi hôm nay! Nhất thiết phải tìm được và tạo ra cho mình một sự khác biệt và thực hiện được nó với ý chí sắt thép thì mới thắng được trên cái thương trường lúc nào cũng là chiến trường này… Tôi muốn nói tới mức, không nhìn thấy và không tạo ra được cho mình sự khác biệt, thì nên ở nhà ngủ với vợ, đừng nên nghĩ đến đi vào một sản phẩm gì!

     Tiếng vỗ tay rào rào…

Có quyết tâm rồi, có sự khác biệt rồi, còn phải có một cách tư duy cũng rất khác biệt về mục tiêu nữa các bạn ạ. Phải luôn luôn có mục tiêu mới. Chỉ có mục tiêu mới giữ cho mình không bao giờ cũ!.. Anh Trung Nam ngồi đây đã có lần tranh luận với tôi về điểm này, về sự khác biệt giữa mục tiêu và mục đích. Xin lỗi anh Trung Nam, hôm ấy chúng ta rất thẳng thắn với nhau có phải không? Kết thúc cuộc tranh luận này, hôm ấy tôi nói: Anh Trung Nam theo đuổi cọn đường mục đích, nên trở thành người làm thuê. Theo đuổi con đường mục tiêu, tôi trở thành người làm chủ và luôn luôn tự khẳng định được mình! Anh Trung Nam thua. Có phải như thế không anh Trung Nam?

-         Trong lịch sử đã diễn ra cuộc tranh luận với kết luận như vậy.-  Trung Nam ngồi trên bàn chủ tọa nói vọng sang bục diễn đàn, thừa nhận.
-        

Khi tọa đàm đụng vào chủ đề “đồng tiền ướt”, không khí thảo luận sôi nổi khác thường. Hai Điểu bác bỏ thẳng thừng tiền là tiền, không có khái niệm “ướt”, “khô” gì ở đây cả. Hai Điểu nói tọac ra khái niệm “đồng tiền ướt” là một khái niệm bệnh hoạn của Đại học PH!.. Hai Điểu còn đi xa tới mức nói đến “ướt” và “khô” như thế thì tiền in ra vì lạm phát cũng phải được xem là tiền “ướt”, vì lượng tiền bơm ra quá nhiều, in ra chưa kịp khô!.. Hai Điểu khẳng định dứt khoát mạnh được yếu thua là quy luật của thị trường, không “khô – ướt” gì ráo trọi!.. Tiền hay vốn không quay kịp nên mất giá thì có “khô”  đến mấy cũng vô nghĩa. “Ướt” mà quyết định sai thì cũng mất trắng luôn. Tiền thắng là thắng. Tiền thua là thua. Nghĩa vụ xã hội hay công bằng xã hội là chuyện của luật pháp, của thuế má. Gìn giữ môi trường cũng là chuyện của luật pháp và thuế má, trong kinh doanh không thể trông chờ vào lòng từ thiện. Chuyện khoảng cách giầu nghèo xoạc rộng là chuyện của nhà nước, của xã hội, của luật pháp, chứ không phải là chuyện của doanh nhân. Doanh nhân chỉ tuân thủ nghĩa vụ đóng thuế và được làm bất kể việc gì luật pháp không cấm.

Cử tọa hỏi đồng tiền đâm toạc chân lý, luật pháp bị méo mó, vậy nếu chỉ trông chờ vào luật pháp mà không đòi hỏi nghĩa vụ đạo đức gì ở doanh nhân thì làm sao đạt được sự phát triển hài hòa?

Hai Điểu bác bỏ thẳng thừng, thậm chí còn viện dẫn cả Marx:

-         Học ở trường Đảng tôi được dạy nếu có lãi 300% nhà buôn dám bán cả cái thòng lọng treo cổ chính mình! Trường Đảng dạy thế mà các bạn ngồi đây vẫn tin vào lòng từ thiện trong thương trường à? Cho nên chỉ còn luật pháp. Thương trường không có ác và thiện, cũng không có tòa án lương tâm, mà chỉ có sự giới hạn do luật pháp ấn định. Cái gì luật pháp chưa đạt tới hay để hổng thì mọi người ráng chịu đựng, hay là ráng sửa luật pháp, không có sư nhân nhượng nào ở đây cả, Chỉ có một là một, hai là hai như thế, xã hội mới sạch bong các thằng ngu và các thằng lười, luật pháp cũng ngày một được nâng lên. Bạn có thể tha hồ lừa lọc, tha hồ đểu giả miễn là không vi phạm luật pháp.
-         Miễn là luật pháp không tóm được, có phải thế không ạ? – một ai đó hỏi vọng lên từ phía cử tọa.
-         Bạn nghĩ gì tốt hay xấu trong đầu đố ai mà biết được, ai có thể xử tội bạn được, có phải thế không? Thế thì làm sao tóm bạn được lúc nghĩ xấu?!.. Nhưng nếu bạn nói toạc điều xấu ra thành lời thì câu chuyện khác ngay! – Hai Điểu bộp lại tức thì, không cần suy nghĩ. – Giả thử là điều xấu mà luật pháp không tóm được thì cũng coi như hòa, coi như không có chuyện gì xảy ra! Đời là vậy. Thậm chí phải coi lừa lọc, đểu giả mà không vi phạm pháp luật là một sự thông thái, khôn ngoan… Có thế ngày mới càng khôn lên được và ngu thì không ngu mãi, luật pháp mới ngày càng đầy đủ hơn... Cuộc sống không có đất tồn tại cho cái ngu, có thế mới phát triển được những con mắt cú vọ không bỏ lỡ cơ hội. Có thế mới luôn luôn thấy được con mồi để bắt, tạo ra con mồi mới để bắt! Càng giầu, càng đóng thuế nhiều, đấy là cách doanh nhân cống hiến cho sự tiến bộ kinh tế và cho đời tốt nhất. Đất nước muốn giầu mạnh nhanh thì càng phải quyết liệt như thế! Doanh nhân không phải là các nhà sư, càng không phải là các thày giáo, người làm cứu tế... Còn đứng ở đây hôm nay, nói thật nói thẳng với các bạn sự thật như thế của thương trường, chính tôi đang là một thày giáo. Tôi không tự nguyện làm việc này, nhưng các bạn đang mời tôi làm việc này!.. Tôi cũng nói thẳng với các bạn, với Đại học PH đừng trông chờ gì vào lòng tốt hay thiện chí nào của tôi cả. Tôi chỉ có luật pháp, thắng, hoặc thua… Lúc nào tôi cũng là con người sống vì mục tiêu… Còn nếu nhà trường của các bạn muốn thông qua cái chương mục giảng dậy “đồng tiền ướt” để cảm hóa hay để đào tạo ra một đám doanh nhân vừa kinh doanh vừa làm phúc thì nhà trường cứ làm, tôi không có cổ phần trong trường này nên tôi không quan tâm!.. Tôi coi những doanh nhân như thế là nửa đực nửa cái, chẳng khác cái đám người đồng tính luyến ái bao nhiêu!

Cử tọa ồ lên hồi lâu. Có tiếng cười khá to. Nhộn nhịp…

-         Hoan hô diễn giả nói thật! – một ai đó nói to.

Thế là tiếng vỗ tay lại rầm rầm.

Mặt mũi Hai Điểu giản nở ra rất to. Hai Điểu giơ cả hai nắm tay lên trời phấn khích như người vừa chơi thắng một siêu game nào đó.

Trung Nam và Lan ngồi ghế chủ tọa đưa mắt nhìn nhau, ngạc nhiên. Cả hai trao đổi với nhau điều gì đó rồi đều khoanh tay ngồi yên.

-        
-        

Một nữ sinh viên là người dân tộc Hmông đứng lên tự giới thiệu mình là người quê ở ở Đắc Song, vùng nghèo và lạc hậu nhất của tỉnh Đắc Nông, nguyện vọng của cô là muốn học thành đạt để quay về giúp buôn làng của mình, rồi đặt vấn đề:

-         …Sự thật là tôi còn một năm học nữa là tốt nghiệp, nhưng cách đây mấy tuần tôi đã quyết định thôi học, mặc dù tôi được nhà trường ghi nhận có thành thích học tập xuất sắc. Lý do cũng đơn giản, đàn bò nhà bố mẹ tôi cả bò và bê có 9 con, bố mẹ tôi đã bán hết cả 9 con cho tôi ăn học, bây giờ không còn gì để bán nữa, tôi cũng quyết không nhận tiền cứu trợ. Cũng may là nhà trường đã giúp được tôi giải quyết khó khăn này là cho tôi làm cấp dưỡng trong bếp của nhà trường, tôi hy vọng có thể vừa làm vừa học để hoàn thành nốt năm còn lại và thi tốt nghiệp. Chuyện của tôi tạm ổn. Nhưng tôi cứ băn khoăn một điều, trong khi cả nước còn quá nhiều người nghèo, quá nhiều vùng rất chậm phát triển… Ở quê tôi những người già không nói làm gì, chỉ kể trong nam nữ thanh niên còn quá nhiều người mù chữ, trẻ em mù chữ còn đông hơn. Cả buôn một năm có đến gần như ba bốn tháng đói, ốm đau chỉ có cách trông vào thày mo, đến bây giờ chưa đủ nước sạch mà dùng… Thế nhưng trong cả nước có không ít các đại gia giầu có bất chính, có người có cả dàn xe hơi tiền nhiều tỷ, nhưng chỉ để ngắm, để khoe khoang… Trong những tỷ bạc hoang phí như thế chắc chắn có không ít tiền trốn thuế, không biết bao nhiêu tiền có được là do tội ác… Đúng là luật pháp còn nhiều bất lực, nhiều lỗ hổng, không với tới được những khoản tiền có máu và nước mắt của nhiều người khốn khổ. Nếu cứ đứng trên quan điểm khả năng thực thi của luật pháp mà xem xét đúng sai, để nói là các đại gia này vô can, tôi thấy không ổn. Đất nước ta làm sao phát triển nếu tỷ lệ số dân nghèo đói và thiếu học quá lớn? Biết bao của cải xã hội bị hoang phí ghê gớm vì những xa hoa này!?.. Làm sao tránh được bất công xã hội ngày càng lớn!?  Ông suy nghĩ gì về thực tế này của đất nước?

Vừa nghe, vừa nhấp nhổm, Hai Điểu cứ như là muốn chồm lên vồ lấy cô ta ăn thịt. Trong đầu Hai Điểu loang loáng những áp-phe mình đã làm không thiếu mùi máu và thuốc súng, những áp-phe lùa nhau dính bẫy, nhất là trong suốt thời kỳ ra tay “cứu” VINACONS...  Ngồi tại hội trường này Hai Điểu liên tưởng đến cái chết của Quân không biết mấy lần. Bụng bảo dạ …Ta có thể nhai nghiến cái con nhãi ranh sinh viên này! Chưa nứt mắt mà đã dám lý sự với ta!.. ... Phải cố tự chủ lắm, Hai Điểu mới có thể kiên nhẫn ngồi nghe cho đến khi nữ sinh viên này đặt câu hỏi. Hai Điểu trả lời:

-         …Tôi có thể thông cảm được những khó khăn của Đắc Song như cô vừa trình bày, hay của nhiều nơi khác trong cả nước. Đặt ra câu hỏi như thế rất đúng về mặt tình cảm, nhưng sai lầm hoàn toàn vê mặt lý trí. Có làm ra của cải mới có ăn, không làm được như thế không có ăn, đấy là nguyên tắc hàng đầu ở trên đời này. Tình cảm bao giờ cũng yếu đuối. Chỉ có lý trí mới giải quyết được vấn đề. Muốn phát triển thì phải làm kinh tế, có đúng không? Nhưng làm kinh tế không phài là làm cứu tế, không được nhầm lẫn chỗ này. Kinh tế mạnh thì sớm muộn tất cả sẽ phát triển.

…Trước khi về thăm trường này, tôi đã đọc qua tôn chỉ mục đích đào tạo của trường. Tôi hiểu đấy là nhà trường các bạn muốn dạy cho các bạn những giá trị làm người. Quan điểm này của nhà trường các bạn có một lỗ hổng rất lớn, một thiếu sót thảm hại. Bạn đi ăn xin, bạn có làm người được không? Bạn thật cao sang, cứ cho là bạn có địa vị nhất đẳng thiên hạ đi, cứ cho là bạn có bằng nọ bằng kia dán kín cả tường đi, dù là bằng thật hẳn hoi, nhưng bạn rỗng tuếch nhiều thứ, bạn có thể làm người được không? Hai Điều này có hai cái bằng thật hẳn hoi, bằng cao hơn hẳn so với tất cả các sinh viên ngồi đây! Nhưng để sống làm người Hai Điểu này có thèm sờ mó gì đến mấy cái bằng ấy đâu! Tổ tiên ta chẳng nói nhất sỹ nhì nông, hết gạo chạy rông nhất nông nhì sỹ là gì!?..  Cuộc đời này đã dạy cho Hai Điểu này giá trị làm người nằm ở chỗ khác. Một thằng mõ có cái vua cần, thì vua cũng phải gọi mõ bằng anh. Có cái thiên hạ cần đổi lấy, thì có thể ngồi xồm trên toàn thiên hạ. Vậy có cái để trao đổi mới là cái đích thực làm nên giá trị đích thực của con người! Các bạn hiểu không? Nhà trường của các bạn đâu có nghĩ đến được chân lý này để mà dạy cho các bạn!

…Trong con mắt tôi, tôn chỉ mục đích dạy và học của nhà trường này chỉ có thể đào tạo ra con cừu, các đàn cừu, vào đời sẽ bị ăn thịt hết trọi!.. Nếu không thành con cừu thì thành con người lạc lõng, người nửa trai nửa gái… Cuộc đời đâu có hiền hòa nhung lụa thế. Thật ra cuộc đời chỉ có hai loại người thôi: Loại làm ra luật cho người khác, loại thi hành luật của người khác. Đào tạo gì đi nữa cũng phải tập trung vào hình thành hai lớp người này. Ông Marx cũng dạy rồi, không muốn làm đe thì phải làm búa, không có loại người thứ ba nhân từ bác ái đâu!... Tôi dám chắc với các bạn, không có một nhà trường nào trên đời này có thể dạy nên người làm búa đâu. Đại học PH của các bạn lại càng không! Cứ vác đuốc soi cả trái đất này mà xem!.. Thượng đế đã phân công như vậy cho xã hội loài người rồi, đào tạo hay dựng nên những người làm búa là nhiệm vụ của trường đời. Các bạn cứ điểm danh tất các lãnh đạo của đất nước ta, các đai gia có tên tuổi trên thương trường Việt Nam ta mà xem, có người nào do các nhà trường đại loại như của các bạn đào tạo nên không? Tôi đã nói kinh nghiệm sống của tôi rồi, ngay cả hai cái bằng thật của tôi, bằng loại cao cao đấy, tôi còn vứt xó kia mà!

…Vậy hiển nhiên thượng đế cũng chỉ đế lại cho nhà trường đai loại như của các bạn một nhiệm vụ duy nhất mà thôi. Đó là đào tạo cho ngon lành những người làm đe! Còn sau này muốn thay đổi thân phận từ làm đe trở thành làm búa thì để cho cuộc đời sàng lọc khi đe vào đời! Tất cả phải trên nguyên lý mạnh được yếu thua, khôn sống mống chết! Không như thế thì đe cũng rởm, có thành được búa thì búa lại càng rởm. Một đất nước mạnh, một xã hội mạnh không thể chấp nhận những hàng rởm như thế!..

Cả hội trường lào xào, nhưng Trung Nam và Lan ngồi bàn chủ tọa còn bồn chồn hơn cả lào xào. Cả hai chỉ lo xảy ra một trận đấu khẩu giữa sinh viên với con người chỉ biết “có mày không tao, có tao không mày” thế này thì có nguy cơ vỡ trường. Trong đầu Trung Nam vẫn còn choang choang câu nói đầy hăm dọa của Hai Điểu ngoài Hà Nội năm nào “Thực hiện được hợp tác với Đại học PH mới chỉ là thực hiện được một nửa mục tiêu thôi!..”

Cứ như là có một phép lạ, phía sinh viên không có lấy một nửa câu hỏi nào khiêu khích! Thậm chí có một vài ý kiến hoan nghênh Hai Điểu thẳng thắn nói lên suy nghĩ của mình, thậm chí khâm phục sự thẳng thắn này, nhưng chỉ có thế và không bình luận gì. Chỉ ngồi làm chủ tọa, nghe là chính, thế mà hai tai Trung Nam đỏ rần rần.., vì hồi hộp, căng thẳng…

Hai Điểu đắc thắng:

-         Các bạn thấy chưa, tôi không che giấu điều gì. Trên đời này chỉ có đe và búa! Bạn nào còn chưa thông, tôi sẵn sảng tranh luận đến cùng ngay tại đây! Nếu tranh luận chưa xong, tôi dám ngủ lại đây vài ngày làm tiếp. Cuộc đời búa choòng cát sỏi sắt đá của tôi đâu có ngại gì gian khổ!

Tiếng vỗ tay rầm rầm. Trung Nam có cơ hội trời cho bế mạc cuộc tọa đàm trong không khí ai muốn hiểu thế nào cũng được. Hai Điểu cười nói oang oang cảm ơn cử tọa, còn nói vui thêm mấy câu quen miệng thường nói mỗi khi kết thúc một chầu nhậu và nhẹt:

-         Đã lắm có phải không? Đã lắm!.. Hỏi đáp như thế mới là hỏi đáp chứ! Chia tay được rồi!.. – Hai Điểu tự vỗ tay trước, cả hội trường rầm rầm vỗ tay theo một lần nữa, những tiếng vỗ tay ai hiểu thế nào cũng được.

Trung Nam và Lan mời Hai Điểu cùng đoàn chiến hữu vào phòng lễ tân giải khát trước khi chia tay. Đoàn của Hai Điểu kiếu bận không ở lại dùng cơm trưa. Hai Điểu rất tự nhiên như ở nhà, tự rót cho mình một ly whisky, tự nhón lấy một cái nem rán, vừa ăn vừa tiến lại phía Trung Nam, nói chuyện riêng với nhau:

-         Anh Trung Nam có cô trợ lý ngon quá ta! Làm tôi phát ghen.
-         Cảm ơn anh Hai. Fiancé của tôi đấy.
-         Ủa? Tiếc nhỉ!.. Bao giờ làm đám cưới?
-         Phải giảm bớt các chương trình ngoại khóa đi thì mới có thời giờ lo đám cưới, anh Hai ạ.
-         Tôi có điều này muốn hỏi thật anh Trung Nam.
-         Cứ nói ra đi anh Hai.
-         Tôi muốn mua trọn gói trường Đại học PH của anh.
-         … … - Trung Nam ù hết cả tai.
-         Tôi muốn mua trọn gói cái trường của anh, nghe rõ chưa?
-         Ôi, anh Hai là người thích đùa. Anh vui tính quá.
-         Hỏi mua thật. Không phải truyện thích đùa. – Hai Điểu lạnh tanh.
-         Trường này đâu có phải là mớ hàng để bán, anh Hai. – Trung Nam nghiêm nghị.
-         Mua rồi các anh vẫn cứ giữ nguyên cái trường như hiện nay mà dậy. Tôi không đòi hỏi thay đổi bất kỳ điều gì.
-         Giữ nguyên như thế thì mua làm gì mất công mất tiền hả anh Hai?
-         Nói mua là mua. Mất gì được gì là chuyện của tôi.
-         Mua mà giữ nguyên trường như thế thì anh được cái gì anh Hai?
-         Được cái nó là sở hữu của tôi, là hoàn thành nốt một nửa mục tiêu còn lại. Chỉ có thế thôi! Anh quên rồi à?
-         ???
-         Sao? Chưa nghĩ ra được giá bán có phải không?
-         Anh Hai có nhiều tiền như thế, có nhiều việc khác đáng làm. Mua một việc đã hoàn thành rồi thì mua làm gì. – Trung Nam cố mềm mỏng.
-         Coi bộ chê tôi ít tiền chắc? Nếu anh không đặt giá, tôi trả giả ngay. 50 triệu đô, được không? Rót trực tiếp ngay tức khắc vào Ngân hàng PH, ngon lành chưa?
-         Chắc anh còn nhớ có lần tôi đề nghị anh vận động giúp cho trường được chính thức hưởng quy chế trường tư thục, nhưng không được. Cho đến hôm nay điều này vẫn chưa thành. Thế thì bàn chuyện mua với bán làm gì hả anh Hai Điểu?
-         Tôi sẽ có cách hợp thức được.
-         Thôi, ta nói chuyện khác đi. Tôi đã nói rõ ý kiến của tôi rồi, quên chuyện này đi anh Hai.
-         Hai Điểu này có bao giờ rời bỏ các mục tiêu đã định đâu! Chưa bao giờ! Anh biết tính tôi rồi đấy. Tôi muốn có cả một đàn cừu được đào tạo chính quy.
-         ??? – mặt Trung Nam đỏ dừ.
-         Thôi được, dành cho anh 48 tiếng đồng hồ để quyết định, nghĩa là để Hội đồng Khoa học của anh quyết đinh. Tôi biết một mình anh không thể có thẩm quyền này.
-         ??? – Trung Nam như cậy mồm không ra tiếng, trong lòng vừa quá giận, vừa thực sự bí chưa biết nên bốp chát lại Hai Điểu như thế nào cho đích đáng.
-         Thôi chia tay! – Hai Điểu chủ động bắt tay Trung Nam, rồi vỗ vỗ tay quay ra các chiến hữu của mình: - …Về thôi, anh em! Đã rồi!.. – tiếng vỗ tay na ná tiếng vỗ tay các chủ nhà thường xua các đàn gà vịt của mình về chuồng khi trời tối…
-        
-        

Buổi tối, trước khi đi ngủ, sau khi kể cho Lan nghe câu chuyện Hai Điểu đòi mua đứt trường Đại học PH, Trung Nam cố tìm một chuyện vui cho đỡ căng thẳng:

-         Lan ạ. Đến nước này… thì dứt khoát em phải cưới anh mất!
-         Sao anh không nói là dứt khoát anh phải cưới em?
-         Không thoát được em ạ, vì anh đã chót giới thiệu với Hai Điểu em là người yêu sắp cưới của anh rồi.
-         Không khảo mà xưng, hả anh?
-         Làm gì có chuyện ấy. Hai Điểu dồn anh phải nói ra.
-         Em biết mà, lần nào Hai Điểu cũng thắng anh trong nói chuyện tay đôi.
-         Quả là con người này kinh thật em ạ. Khi hắn ta hỏi thẳng thừng muốn mua đứt Đại học PH, anh ớ ra như người bị cấm khẩu.
-         Ôi, Trung Nam của em!..
-        
-        


Ngay sáng hôm sau, Yến Thạch từ Hà Nội bay vào, vợ chồng Huỳnh Thái Vũ cùng với em là Huỳnh Bảo Vân từ Thành phố lên, tất đã có mặt đông đủ ở trường để bàn với Hội đồng Khoa học nhà trường về cái tối hậu thư miệng 48 giờ của Hai Điểu. Câu chuyện quá nghiêm trọng, hơn cả nghiêm trọng.

-         Thằng cha Hai Điểu này có điên không hả Trung Nam? – Vũ hỏi
-         Một trăm phần trăm không, chú Vũ ạ.
-         Nó giết anh Quân không chùn tay mà còn hỏi nó có điên không hả anh Vũ? – Bảo Vân bực bội với câu hỏi quá thận trọng của anh mình.
-         Có thể khẳng định nó dứt khoát muốn thôn tính Đại học PH được không hả Trung Nam? – Yến hỏi con mình
-         Chắc chắn! Con không mảy may nghi ngờ mẹ ạ. Nó nhắc lại rành rọt khi ký kết hợp tác với trường mình là mới chỉ đạt một nửa mục tiêu. Hôm qua nó nói như dao chém đá sẽ thực hiện nốt nửa mục tiêu còn lại, trong vòng 48 giờ phải trả lời nó dứt khoát.
-         Như thế là chúng ta bước vào một cuộc chiến mới ác liệt thật rồi. Chỉ còn một đường là chủ động hay thụ động chấp nhận nó. – Thạch kết luận.
-        
-        

Cuộc họp bắt đầu rà xoát lại từng mặt yếu, mạnh của nhà trường, cứ như là chuẩn bị hậu cần, quân nhu, quân trang, vũ khí, kiểm điểm lực lượng.., trước khi bàn đến chiến lược và kế hoạch tác chiến… Cả trường cứ như là đang chuẩn bị bước vào trận đánh...

Nghe Lan trình bày lại diễn biến toàn bộ đối thoại của sinh viên với Hai Điểu, mọi người thực sự bất ngờ về sự trưởng thành chính trị của sinh viên. Những câu hỏi sinh viên đặt ra hay quá. Nhưng quan trọng nhất là mọi khiêu khích, thậm chí là những lời mạt sát nữa đối với Đại học PH.., nhưng Hai Điểu chẳng làm sao kích động được sinh viên manh động, nỗi lo lớn nhất của lãnh đạo nhà trường được giải tỏa.

-         Cái lợi to lớn của buổi ngoại khóa này là chúng ta hiểu thêm bản lĩnh các em sinh viên của chúng ta, và đồng thời đây là dịp hay nhất để Hai Điểu tự bóc trần chân tướng của mình, không còn gì lõa lồ và sặc mùi tanh tưởi hơn!..  Nhưng Hai Điểu cũng  nói rất nhiều điều có lý, có lý sắc sảo đấy. – Trung Nam đánh giá như vậy.

Cuộc họp đi vào điểm quân, điểm mọi công việc, điểm lại mọi sổ sách, giấy má, ngân quỹ… Đại học PH phải làm xong tất cả trong vòng 24 giờ tiếp theo.

Hội nghị quyết định giữ thái độ mềm mỏng, xây dựng, cởi mở, thiện chí, nhưng quyết bảo vệ Đại học PH đến cùng. Sẵn sàng công khai minh bạch bất kỳ chuyện gì, nhưng không lùi nửa bước…

Trong suốt cả ngày họp, chốc chốc giáo sư Tân lúc chép miệng, lúc thở dài:

-         Tôi phục mấy người. Gan mấy người như thế này, tôi không thể nhụt chí được!..
-         Chương trình giảng dạy của trường chúng ta còn thiếu một yêu cầu nghiêm trọng. – Yến cân nhắc thêm một chút rồi mới nói tiếp: - …Khi cho hai con tôi vào trong này tham gia việc xây dựng trường, tôi dặn dò hai con phải sẵn sàng nhe răng lại với sói! Vì tôi hiểu môi trường phức tạp của Thành phố. Qua đối thoại của học sinh với Hai Điểu, tôi thấy học sinh của chúng ta rất cần phải được đào tạo thêm bản lĩnh và trí tuệ dám nhe răng lại với sói. Muốn giữ gìn các giá trị mình trân trọng, nhất thiết phải như thế! Phải chuẩn bị kỹ cho các em điều này trước khi ra trường. Đúng ra phải cảm ơn Hai Điểu đã cảnh báo chúng ta kịp thời: Là cừu thì thì chỉ để bị ăn thịt.
-         Liệu chúng ta có bị ăn thịt không? Không, xin lỗi, xin hỏi lại: Họ có thể ăn thịt được chúng ta không hả chị Yến? – giáo sư Tân hỏi chị dâu mình.
-         Chú Tân ạ, thực ra chỉ riêng chuyện đối phó với cái đám quan tham sệt văn hóa tiểu nông ở trên Bộ quanh năm ngày tháng hoạnh họe trường chúng ta cũng đủ mệt rồi. Nhưng vẫn phải nói rằng cái tên tỷ phú ác ôn Hai Điểu này đáng sợ hơn nhiều lần Tân ạ. Tên này có thể ăn gỏi trường mình lắm. Nó có lực và đủ ác để làm việc này. Nó đã dọa trường ta nhiều lần rồi… Trước đây nó dọa giết Quân, và nó đã làm thật.
-         ??? – Tân nhún vai, nhíu mày chin chị mình, một chút  ngạc nhiên, một chút lo sợ…
-         Ôi chị Yến… - Khái kêu lên. - …Chị đừng coi thường cái văn hóa tiểu nông ở nước ta! Một khi trở thành quyền lực, nó đã tác yêu tác quái vào chế độ nước ta liên tục từ cái thời cải cách ruộng đất đấy! “Ba người khác” của Tô Hoài mới chỉ phơi bầy ra được cái ngọn của thứ văn hóa này thôi! Bây giờ trong cái nôi của chủ nghĩa tư bản hoang dã, thứ văn hóa tiểu nông này đang sản sinh ra những Hai Điểu. Chuyện văn hóa tiểu nông này sẽ tiếp tục còn là chuyện dài dài ở nước ta đấy chị ạ! Bởi lẽ mấy chục năm qua nó tiếp tục được nuôi dưỡng và đã góp phần kìm hãm thê thảm đất nước này! Rồi đấy chị xem!
-         Chị thừa nhận Khái có lý. Thứ văn hóa tiểu nông này in dấu sâu sắc não trạng thượng tầng kiến trúc xã hội nước ta ngày nay. Ôi có lẽ đây là di sản nặng nề nhất của quá khứ. Ác và tiểu nhân!.. Có lẽ cái dinh lũy tận cùng nhất của quán tính lịch sử nằm ở đây! Một khi thứ văn hóa này là linh hồn của kẻ nắm quyền lực!.. Đúng là hãi hùng lắm, các em ạ!.. Chúng ta hàng ngày phải hít thở nó mà vẫn chưa có ý thức đầy đủ phải khắc phục nó! Một nước Việt Nam văn minh hiện đại nhất thiết phải vượt qua di sản này Khái ạ! – Yến hiểu được nỗi lo của Khái và rất đồng tình.
-         ???
-         ???

Là những người làm nghề thầy giáo, cả Hội đồng khoa học loạng quạng về nhận xét bất ngờ của Khái và Yến.
-        
-        


Cuộc họp mất nhiều thời giờ nhất là bàn xem những khả năng hay kịch bản khiêu khích nào có thể xảy ra từ phía Hai Điểu; làm gì để sinh viên không mắc bẫy và vô hiệu hóa mọi khiêu khích của đối phương. Hội nghị quyết định nghiêm ngặt nhà trường cũng như toàn thể sinh viên  không được có bất kỳ lời lẽ thô tục nào và không được cầm trong tay bất kỳ vật dụng gì có thể gây xô xát – nghĩa là phải tay không một trăm phần trăm.

Đối với Hai Điểu, cuộc họp quyết định tỏ thái độ không hay biết gì về cái tối hậu thư miệng 48 giờ.

Tan cuộc họp Yến Thạch lại quay ra ngay Hà Nội vì đang rất bận, đã thế lại có việc thêm việc đột xuất: Viện Mỹ thuật của trường Đại học Cambridge (Anh) muốn tổ chức tổ chức tuần lễ triển lãm tranh của Phạm Trung Nam, Yến không thể từ chối, vì Phạm Trung Trung Nam đã tốt nghiệp tại đây. Giữa lúc này Yến đang vỡ đầu đi tìm lương phụ cấp thất nghiệp cho hơn một nghìn công nhân của mình,  và đang phải đảm nhiệm phần quan trọng vận động sự hợp tác giữa doanh nhân và trí thức. 

Vợ chồng Huỳnh Thái Vũ và em gái là Huỳnh Bảo Vân ở lại giúp trường thêm một số việc khác, tới khuya mới trở về nhà.

Tại phòng chờ dành cho khách thương gia ở sân bay Tân Sơn Nhất, Thạch bàn với Yến:

-         Yến ơi, ra làm xong mấy việc ngoài Hà Nội, có lẽ đầu tuần sau anh phải trở lại Đại học PH, sẽ phải mất ít nhất một tháng để xắp xếp lại toàn bộ chuyện đối phó với Hai Điểu. Không thể đánh cờ một mình và chơi cờ nước một với tên này được em ạ.
-         Tình hình có lẽ còn nguy hơn thế... – Yến trầm ngâm suy nghĩ.  - …Chúng ta thì chân tay không, nó thì nắm cả thế và lực. Cái thế lớn nhất của Hai Điểu là cả cái chế độ này rất nhạy cảm với chí hướng tự do và sự nuôi dưỡng trí tuệ của trường ta anh ạ. Vì thế gần như Hai Điểu muốn làm gì cũng được chấp thuận. Em có cảm tưởng cả hai bên đang lợi dụng lẫn nhau vì mục đích chung là diệt trường mình. Chính quyền thì muốn được việc mà chân tay không vấy bùn, còn Hai Điểu thì lại cần uy lực của chính quyền để thỏa mãn mục tiêu.
-         Tất cả những chuyện chúng ta bàn hôm nay hoàn toàn chưa đụng vào cái thế cờ ác ôn này Yến ạ, thế cờ câu kết giữa các chức sắc và các Hai Điểu! Trong khi đó chúng ta cứ tự chống đỡ mãi một mình!
-         Anh có lý. Em tán thành đầu tuần sau anh trở vào đây, khi nào xong việc hãy ra.
-         Ôi, thế thì phải xa em hơi lâu đấy.
-         Lại bắt đầu làm nũng rồi!
-         Không, lâu thật đấy, Yến ạ.  Phải học cách nghĩ và cách làm của Vi Thanh, nhất là phải cố xây dựng được liên kết giữa các trường trong cả nước… Liên kết được với nhau, sinh viên cả nước sẽ có tiếng nói chân chính được lắng nghe.
-         Liệu sinh viên các trường có vượt qua được sự kìm kẹp trong nhà trường không anh?
-         Khó lắm. Anh thừa nhận chưa bao giờ trong các trường đại học lại có cả một hệ thống quyền lực vừa tinh vi vừa trắng trợn giam hãm và lung lạc tinh thần sinh viên như thế. Nhưng cái mà hệ thống này đạt được chỉ là bề nổi thôi em ạ. Bụng dạ sinh viên nghĩ khác.
-         Có chắc thế không anh? Tâm lý thờ ơ với thời cuộc đất nước có vẻ khá nặng nề? tinhthuong.com cho chúng ta một bài học tốt. Có lẽ chúng ta vẫn chưa hiểu hết sức mạnh của nó phải không anh? Nhất là chưa biết nhân rộng kết quả này… Bây giờ họ muốn diệt ta đến cùng thế này, chúng ta cũng phải tự vệ đến cùng thôi anh ạ! Vũ khí bất bạo lực để tự vệ sẽ rất mạnh nếu dựa vào nhau và dựa vào dân.
-         Đúng vậy. Phải vượt lên nỗi sợ! Bất bạo lực không có nghĩa là không đấu tranh. Thậm chí đấy là phương thức đấu tranh đòi hỏi bản lĩnh rất cao. – Thạch tán thành.
-         Trong giới trí thức có nhiều ý kiến rất sắc sảo về vận động cải cách chính trị anh ạ. Giáo sư Hoàng Quốc Túy có lẽ là một trong những chiến sỹ tiên phong trên mặt trận này.
-         Anh đã đọc nhiều bài viết gần đây của giáo sư cảnh báo đất nước đang lâm nguy. Anh tán thành quan điểm của giáo sư cứu nước lúc này phải bắt đầu từ giác ngộ sâu sắc mối nguy mới hiện nay của đất nước.
-         Doanh nhân và trí thức hiện nay đang hành động theo hướng này anh ạ.
-         Nghĩa là doanh nhân và trí thức đang làm công tác “đảng vận”? – Thạch hỏi vui.
-         Tầm nhìn của anh mới chỉ đến đấy thôi à? – Yến truy lại
-         Anh nghĩ Đảng là đối tượng cần được giác ngộ nhất về mối nguy mới của đất nước.
-         Đúng là như vậy, nhưng chưa đủ anh ạ. Chính sách ngu dân và sự bưng bít thông tin của Đảng gây ra rất nhiều hệ quả nghiêm trọng. Chẳng lẽ trong thời bình bây giờ doanh nhân và trí thức phải dùng lại những khái niệm trước đây trong kháng chiến như là “dân vận”, “binh vận”, “địch vận”… hay sao? Nguyễn Thạch vừa mới sáng tác bổ sung thêm danh từ “đảng vận” nữa! Nhưng đúng là những việc doanh nhân và trí thức đang làm từ nhiều tháng nay anh ạ.
-         Ôi, cái diễn biến hòa bình to đùng thế này mà Đảng không biết đường nào mà chống lại nhỉ! – Thạch cười to.
-         Biết chứ, dư luận viên đang dọa nhân dân là sẽ loạn lạc và mất sổ hưu nếu cứ dân chủ với đa nguyên đấy!
-         Khi trao đổi kỹ với nhau rất nhiều người nghe ra em ạ. Thông tin trung thực quả là một thứ vũ khí sắc bén. Chuyện buồn cười nhất là chính Hai Điểu lại nhắc nhở chúng ta không muốn làm đe thì phải làm búa!..
-         Càng ngày em càng thấy các lão gia PH bắt cóc anh là sáng suốt! Bận thế này, nếu không có anh, em không biết giao cái mảng Đại học PH này cho ai bảo vệ. Em không nghĩ ra nổi sáng kiến này đâu anh ạ. – càng nghĩ, Yến trong lòng càng thán phục các lão gia nhà mình.
-         Có lẽ đến cả năm nay em khoán trắng việc bảo vệ Đại học PH cho anh rồi có phải không? Vì kinh doanh của PH bận quá phải không? 
-         Một phần thôi anh ạ. Cái chính là từ một năm nay em dồn tâm sức làm cho doanh nhân và trí thức chung một tiếng nói về vận mệnh đất nước, đồng thời chia nhau đi làm việc vận động các ngành các giới thức tỉnh đòi hỏi thay đổi đất nước, bắt đầu từ các hội alumni anh ạ. Có quá nhiều việc phải làm.
-         Ăn cơm mới nói chuyện cũ, để anh đoán xem ai chủ mưu việc bắt cóc anh về PH nhé?
-         Đố anh đấy.
-         Mẹ Chính!? – Thạch nói ngay, gần như không cần suy nghĩ.
-         Lý do?
-         Lúc đầu anh nghĩ có thể là chuyện tình cờ của thiên tính người làm mẹ. Nhưng càng về sau anh thấy hình như lúc nào mẹ Chính cũng đọc được các suy nghĩ của anh. - Thạch thú nhận.
-         Đoán sai rồi anh Thạch ơi.  Bác Lê Hải mới là người tinh tướng! Bác là người dự báo sớm nhất con đường chông gai phía trước của PH và cũng là người đầu tiên trao đổi với em chuyện “bắt cóc” anh.
-         A há, lời tự thú trước bình minh! Như vậy có thể đi kiện em vụ “bắt cóc” này rồi! Một tội hình sự lớn! – Thạch cố ra vẻ nghiêm trang.
-         Em thách đấy! – Yến cười to, nhưng đang vui, Yến bỗng nhiên sa sầm nét mặt: - Nhưng mà anh Thạch ơi, có nhất thiết phải như vậy không?
-         ??? … ??? – Yến ơi, em nói cái gì? – Thạch ớ ra không hiểu.
-         Anh Thạch ạ, em hoàn toàn không hiểu tại sao họ cứ phải bằng mọi cách kiên trì đẩy chúng ta ngày càng xa họ, đẩy tiếp chúng ta trở thành kẻ thù của họ, để xua đuổi, để xóa bỏ? Và bây giờ là để tiêu diệt chúng ta nữa nếu có điều kiện!..  Cả đến giờ phút này, chúng ta chưa một lần và cũng không muốn coi họ là kẻ thù của mình! Chưa bao giờ! Thậm chí làm việc gì Đại học PH cũng phải cúi đầu xin phép. Đến giờ phút này, ngoài việc dậy học, Đại học PH chưa có một hoạt động nào chống chế độ, chống chính quyền!
-         Khổ quá Yến ơi, Đại học PH toàn dậy những thứ chính quyền không yêu, không muốn, thì sao họ để yên được?
-         Vậy chỉ còn cách duy nhất là ngay đầu tuần sau anh phải trở lại đây thôi, anh Thạch ạ. 
-         Tuân lệnh vợ!
-         Em khoán hẳn cho anh việc này nhé, để em và Vũ tập trung vào việc cứu các doanh nghiệp của mình, được không?
-         Được.
-         Nếu công việc làm không xuể, có khi em phải rút Lan về hỗ trợ em một thời gian anh ạ.
-         Lại một cuộc vận động lớn?
-         Khoảng mươi năm nay Trung tâm Các hiệp hội Doanh nhân có một trang mạng hoạt động theo kiểu facebook, tên là “Doanh nhân giúp mình, giúp nước”, có bảy tám trăm người tham gia anh ạ. Từ khi nước ta lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế lần này, Vũ và em đề nghị đổi tên trang mạng này thành “Doanh nhân tự cứu mình, cứu nước!”, nội dung cũng được nâng lên cho phù hợp.
-         Như thế là trang mới này đã gần 5 tuổi rồi?
-         Vâng. Số người tham gia trang mới này tăng vọt, hiện nay là trên hai nghìn anh ạ, bởi vì các thông tin kinh tế, xã hội rất cập nhật, phong phú và bổ ích, nhiều tin hay bài viết được truy cập đến hàng nghìn lần. Trang này lại liên kết với một số trang các alumni của những cựu sinh viên ở một số nước như Nga, Đức, Thái Lan… nên diện lan tỏa rất rộng. Riêng diễn đàn alumni của 3 nước này đã có tới khoảng vài nghìn người tham gia anh ạ. Phần đông thành viên trong các alumni này cũng là doanh nhân, một số người khá nổi tiếng về kinh doanh và khoa học. Nhiều alumni này đang làm việc trong các bộ máy nhà nước, quân đội và công an, một số có cương vị khá cao. Qua những trang này em thấy rất rõ tâm trạng lo lắng của giới doanh nhân và trí thức về tình hình đất nước, rất mong muốn đóng góp cho đất nước những điều thiết thực.
-         Số những alumni này tham gia vào diễn đàn của “Doanh nhân tự cứu mình, cứu nước!” có đông không em?
-         Không rõ số lượng là bao nhiêu, nhưng em nghĩ là đông. Qua số lượng các bài được truy cập và qua nội dung trao đổi, có thể suy đoán như vậy. 
-         Doanh nhân và trí thức định làm gì hả em?
-         Hiện nay Hiệp hội doanh nhân Thành phố và Hiệp hội doanh nhân Hà Nội đang phối hợp đề nghị đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Đảng và Nhà nước tìm các phương sách cứu nền kinh tế đang khủng hoảng trầm trọng. Các trí thức nhiệt liệt hưởng ứng và sẵn sàng tham gia sáng kiến này.
-         Các Hiệp hội không viết kiến nghị như các trí thức?
-         Không anh ạ, bao nhiêu kiến nghị rất xây dựng của trí thức hình như đều bị vứt vào sọt rác hết, đến nay tịnh không có một hồi âm nào. Kiến nghị mới đây nhất của 71 nhân sỹ trí thức chân tình là thế mà cũng chỉ được đối xử một cách thiếu văn hóa như vậy!
-         Liệu họ có chấp nhận đối thoại không?
-         Chưa biết được anh ạ. Nhưng mấy tháng nay các hiệp hội doanh nhân và trí thức trong cả nước ngày càng có nhiều tiếng nói chung, nhất là mọi người đều nhất trí không chờ đợi theo cái kiểu xin-cho nữa. Mọi người đang cùng nhau vận động bất kỳ ai có thể vận động cho hình thành cuộc đối thoại này. Được rất nhiều người hưởng ứng anh ạ, trong đó có không ít người đang cầm quyền, một số trí thức trong bộ máy chính quyền.
-         Cuộc vận động này tiến hành được bao lâu rồi?
-         Khoảng một năm nay anh ạ, rộng khắp cả nước và ở mọi ngành, mọi cấp. Mọi cố gắng tập trung vào vận động các cơ quan lãnh đạo.
-         Đến nay có được họ cam kết gì không?
-         Họ không hứa hẹn gì, nhưng nhiều người thừa nhận là tình hình rất cấp bách và thấy đối thoại như vậy rất xây dựng và cần thiết. Nhưng đấy là họ nói khi tiếp các doanh nhân và trí thức, còn thực bụng họ như thế nào thì phải chờ.
-         Họ chịu tiếp xúc như thế là thuận lợi bước đầu rất quan trọng, phải dấn tiếp.
-         Chưa đâu. Nhưng các thành viên trên mạng có lẽ hiểu là mình phải tự dấn thân làm tất cả mọi việc để cứu mình, cứu nước. Chờ được ban cho chính sách thì muộn mất! 
-         Sơ bộ đến nay kết quả thế nào hả Yến?
-         Lãnh đạo chủ trương để Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đứng ra đối thoại. Nhưng các hiệp hội và giới trí thức trong Nam ngoài Bắc đều không tán thành. Anh còn lạ gì nữa cái trò nghe ý kiến phản ảnh rồi về báo cáo lên trên! Các hiệp hội doanh nhân và giới trí thức nhất quyết đề nghị gặp lãnh đạo đối thoại trực tiếp, ở đâu cũng được, nhưng phải là đối thoại trực tiếp.
-         Nếu vẫn bị từ chối thì sao?
-         Các Hiệp hội và giới trí thức đã có thư chung gửi lãnh đạo rồi anh ạ. Nếu bị từ chối, các hiệp hội, các đại diện trực tiếp của các doanh nghiệp trong số hơn 100.000 doanh nghiệp phá sản và các đại diện giới trí thức sẽ kéo về trụ sở Trung ương Đảng hay trụ sở Chính phủ trực tiếp nêu ý kiến của mình. Chắc chắn sẽ có nhiều người nổi tiếng tham dự đối thoại trực tiếp như thế.
-         Nếu vẫn bị từ chối?
-         Thì có nhiều khả năng lãnh đạo sẽ phải tiếp hàng nghìn khách và đối thoại trực tiếp với họ ngay tại trụ sở của mình. Như thế sẽ tốn nhiều chai la vie lắm anh ạ, và có thể tắc nghẽn giao thông nữa. Anh thử tính xem, chỉ riêng việc cứ 10 doanh nghiệp phá sản cử 1 doanh nhân đi đối thoại như vậy đã là con số nghìn rồi, chưa nói đến sự tham gia của các trí thức. Anh đừng quên nhé, sau mỗi một doanh nhân đòi đối thoại như thế là hàng chục, hàng trăm, thậm chí có thể là hàng nghìn người đang làm việc trong các xí nghiệp của họ đấy anh ạ! Chẳng lẽ lại bắn đùng đòang như ở Văn Giang đối với doanh nhân và trí thức? Mà doanh nhân và trí thức chỉ nói chuyện bằng lời, chứ không bằng gậy gộc hay các chai săng đâu anh ạ. Từ chối đối thoại với họ, có nghĩa nền kinh tế này, đất nước này không cứu được nữa! Tảy chay cũng là một hình thức đấu tranh đấy anh ạ.
-         Ôi quyết liệt quá! Nhưng anh cũng thấy không còn cách nào khác!
-         Không quyết liệt thì đổ vỡ to anh ạ. Đối thoại thì một bên là dân, một bên là Đảng và nhà nước đều cùng được. Bị thiệt có lẽ chỉ là tham nhũng tiêu cực và quyền lực mềm Trung Quốc thôi anh ạ.
-         Nhà nước được gì hả em?
-         Nhà nước được nhiều chứ anh. Nào là vãn hồi từng bước lòng tin của dân, kinh tế phát triển sẽ thu được nhiều thuế hơn, đỡ phải bơm tiền ra chữa cháy, nền kinh tế đỡ lao dốc do đó có thể tập trung tốt hơn nguồn lực cho các nhiệm vụ phía trước… Cái được lớn hơn nữa là nếu chịu đối thoại, bộ máy toàn hệ thống của Đảng và nhà nước có thể sẽ ngoan hơn một tý, bởi vì bắt nạt nhân dân sẽ ngày càng khó! Như thế hệ thống sẽ ngày càng sạch hơn, sẽ có năng lực hơn và tiến tới mở đường cho cải cách triệt để.
-         Theo em vì sao họ vẫn sợ đối thoại như vậy?
-         Chung quy chỉ vì tham quyền và bất lực thôi anh ạ. Họ rất sợ bị tuột tay thì mất hết!
-         Quyền lực chỉ muốn sở hữu cả đất nước và không dám chịu trách nhiệm trước đất nước!..
-         Anh có lý… Chính vì vậy doanh nhân và trí thức chủ trương thỏa hiệp: Không hồi tố để giữ ổn định và bảo tồn tất cả những gì mồ hôi nước mắt của cả nền kinh tế đã chắt chiu được, tất cả cho việc thiết lập một thể chế chính trị mới để trong cả nước mỗi người tự sang trang mới cho chính mình và cùng nhau sang trang mới cho đất nước… Tất cả với tinh thần tổ quốc trên hết!
-         Ôi, một sự nhân nhượng quá lớn!.. Nhưng bây giờ người dân muốn hòa giải với kẻ nắm quyền thì có lẽ phải làm như thế thật, Yến ạ. Nếu không thì chỉ còn độc nhất con đường bạo lọan và lật đổ!
-         Nước ta toàn chuyện ngược đời thôi, có phải thế không anh?.. Lẽ ra ngay sau Ba mươi Tháng Tư Bảy nhăm (30-04-1975), người chiến thắng chủ động đứng ra thực hiện hòa giải dân tộc và lập nên quyền lực của nhân dân thì hôm nay khác rồi. Vì dân vì nước thì phải như thế. Song người chiến thắng lại tranh thủ thời cơ sở hữu luôn cả đất nước! Nhân danh chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn của dân tộc! Vì thế mới nên nông nỗi này.
-         Doanh nhân và trí thức ảo tưởng có thể hòa giải được với người chiến thắng nắm quyền?... Có phải như thế không? Còn huyễn hoặc nào lớn hơn ảo tưởng thỏa hiệp này nữa không hả Yến ơi là Yến?..  – Thạch rên lên.

Mãi một lúc Yến mới nói được:

-         Có lẽ phải nói là doanh nhân và trí thức dám ảo tưởng thỏa hiệp như thế mới đúng anh ạ… … Chấp nhận không hồi tố để có hòa giải cho cải cách trong hòa bình, với lợi ích quốc gia trên hết! Dòng dã một năm trời bàn lên bàn xuống doanh nhân và trí thức mới đi đến quyết định quyết liệt này đấy anh ạ.
-         Coi đây là định mệnh đất nước lúc này đặt ra cho doanh nhân và trí thức hả Yến?
-         Không tránh né được, anh ạ!.. Thỏa hiệp như vậy là bước đi cuối cùng, anh có hiểu không! Bước đi cuối cùng đất nước có thể lựa chọn!.. Nếu thành, thì sẽ tránh được thảm họa nồi da xáo thịt, và đất nước sẽ đổi đời một cách hòa bình để đi lên. Toàn dân tộc cùng thắng. Không còn con đường hòa bình nào khác đâu. Nếu thỏa hiệp này dứt khoát bị khước từ, nghĩa là nếu thất bại, doanh nhân và trí thức có thể sẽ bị đàn áp, có thể rất đẫm máu, hoặc chắc chắn là rất đẫm máu… Song cuộc tắm máu này nếu xảy ra, sẽ là ngòi lửa dẫn đến bạo loạn và lật đổ.
-         Em không thấy sự trấn áp đang ngày càng gia tăng?
-         Chính vì thế cả nước phải đứng lên sớm thực hiện bước đi cuối cùng này trước khi đổ vỡ trở nên bất khả kháng anh ạ... …  Chỉ như thế đất nước mới có thể chủ động thay đổi và đi lên trong hoà bình, ổn định. Doanh nhân và trí thức cho rằng còn nước còn tát là như thế, trước khi đất nước chỉ còn lại một khả năng duy nhất là tự phát xảy ra bạo loạn đẫm máu!..
-         Nhưng… nếu Trung Quốc không để cho nước ta thay đổi, cũng không để cho nước ta xảy ra tình trạng đổ vỡ thì sao?
-         Hiện nay sự can thiệp của Trung Quốc càng lộ liễu, thì mọi mặt nạ và các thủ đoạn lừa bịp càng dễ bị nhân dân gỡ bỏ. Nếu Trung Quốc lộ liễu quá tay, sự cáo chung phải đến sẽ đến, không thể coi thường lòng yêu nước và trí tuệ của nhân dân ta được đâu… - Yến dừng lại, cân nhắc thêm kỹ lưỡng rồi mới nói: - …Có lẽ thế này anh ạ, tình hình gấp lắm rồi, tuần sau quay lại đây anh tìm cách thu xếp cho Lan ra với em một thời gian nhé. Bao giờ Lan ra cũng được, đừng để ảnh hưởng đến những việc của trường đang làm dở, nhưng càng sớm càng đỡ cho em.
-         Yến ơi…  - Thạch định nói điều gì, nhưng bỏ lửng.
-         ???
-        
-         Sao anh lại ngập ngừng thế ạ?
-         Anh lo…  … Em nghĩ quyền lực chịu khoanh tay à? Anh nghĩ đến chuyện sẽ có đàn áp rất rắn!..
-         Chắc chắn như vậy anh ạ.
-         Em đã lường được hết mọi chuyện?

Mãi Yến mới trả lời được:

-         Điều này là không thể, anh ạ. Nên em chỉ tự nhắc nhở mình: Không được làm liều. Đúng ra là lúc nào em cũng phải lên dây cót cho mình như vậy anh ạ.
-         Đúng vậy, chúng ta không có cách nào khác. Dứt khoát không được làm liều Yến nhé.
-         Vâng ạ. Nên em rất mong sớm có Lan.
-         Thế nhưng trước tiên chúng ta phải sớm làm đám cưới cho hai bạn trẻ này đã. Anh vẫn chưa biết là bao giờ. Cả hai vẫn đang giữ bí mật.
-         Chết thật, em là bà mẹ đoảng mất rồi! Chỉ mải mê công việc. Nhưng em chờ mãi mà vẫn chưa thấy hai bạn trẻ này “lên kế hoạch”!
-         Em còn lạ gì tuổi trẻ nữa.
-         Thôi được, anh cứ bàn kỹ với các con. Để các con tự ý quyết định, nhưng nêu ý kiến của em như một đề nghị anh nhé. Vì tình hình mọi mặt của đất nước lúc này đang có quá nhiều vấn đề cấp bách. Hy vọng sự phối hợp với giới trí thức sẽ tạo nên sức mạnh lớn.
-         Thạc sỹ dược sỹ Nguyễn Thị Bạch Yến cũng là trí thức, thế thì còn phải đi vận động ai! – Thạch trêu.
-         Nói về giới, em vẫn thuộc giới doanh nhân chứ anh!.. Kiến nghị vừa rồi của trí thức em thấy rất quan trọng cho đất nước lúc này[1]. Nội dung của kiến nghị này sẽ là chương trình hành động chung của doanh nhân và trí thức. Cần như thế lắm anh ạ.  Tự cứu mình và cứu nước, chứ không chờ nữa!
-         Anh rất tán thành. Đã đến lúc doanh nhân và trí thức phải cùng đứng lên cứu nước, không thể chờ nữa em ạ. Anh nghĩ đây là hai tầng lớp giường cột của đất nước, chịu trách nhiệm chính trong việc tạo ra bước ngoặt đổi đời cho đất nước hôm nay. Chỉ có họ mới ý thức được đầy đủ nhiệm vụ này, và phải có họ đi đầu trong sự nghiệp này. Em làm anh nhớ lại những khi nói chuyện với em trong những ngày đầu anh mới về với PH, về những ước mơ đất nước sớm có những môi trường hình thành những Bill Gates Việt Nam, về những Bill Gates Việt Nam…
-         Cả ngày hôm nay bận quá, em mới chỉ kịp nói sơ sơ với Lan sắp tới phải thu xếp dành một phần thời gian giúp em các công việc trên trang “Doanh nhân tự cứu mính, cứu nước!”. Em chưa kịp nói với Trung Nam.
-         Em yên tâm. Tuần sau quay lại đây anh sẽ bàn kỹ với hai con.
-         Tình hình cấp bách lắm rồi, doanh nhân và trí thức phải đứng lên hành động, không thể chờ nữa anh ạ…
-        
-        


Cả ngày hôm sau toàn thể cán bộ và giáo viên nhà trường xuống tất cả các lớp, phổ biến tỷ mỷ cho sinh viên đánh giá của nhà trường về buổi tọa đàm với Hai Điểu, thông báo mọi người biết tối hậu thư miệng 48 giờ của Hai Điểu, quyết định của nhà trường và những việc sinh viên phải chuẩn bị.

-         À há… thế thì sẽ cho Hai Điểu biết tay! Hắn quên mất nhất quỷ nhì ma ba học trò!
-         Sẽ cho hắn biết thế nào là lễ độ.
-         Xin nhắc lại, cấm bất kỳ một hoạt động khiêu khích nào đấy, các em rõ chưa.?
-         Rõ!


Cứ như cái đồng hồ đã cài đặt, vào ngày thứ ba sau cuộc tọa đàm ngoại khóa, gần như chính xác bước vào giờ thứ 49, đúng 12 giờ trưa, Trung Nam nhận được điện thoại của Hội đồng Khoa giáo Thành phố muốn xuống kiểm tra đột xuất nhà trường.

Chưa đầy một giờ sau ba xe chở đoàn của Hội đồng Khoa giáo Thành phố đã có mặt ở trường. Đoàn gồm tất cả các “chiến hữu trong gia đình” cùng về dự tọa đàm ngoại khóa với Hai Điểu cách đây hai hôm, chỉ vắng Hai Điều và nữ luật sư Đàm Kiều Oanh. Nhưng thay vào đó có hai đại diện Ban Tuyên huấn Thành phố, một làm trưởng đoàn, một làm phó. Ngoài ra có bốn người mới đến lần đầu.

Đây là lần thứ hai cánh nhà trường Đại học PH gặp đám “chiến hữu” này – theo cách gọi của Hai Điểu, nhưng chịu chết không làm sao đoán biết được những “chiến hữu” này thực sự là ai. Nhìn trang phục họ mặc, thì cán bộ không ra cán bộ, lính không ra lính, đặc nhiệm không ra đặc nhiệm, dân thường không ra dân thường... Nghe ngôn ngữ họ nói lại càng khó đoán hơn, ít nhiều từ ngữ họ dùng cho thấy họ có vẻ là dân kỹ thuật tin học, cũng có những từ sặc mùi công an, có từ sặc mùi tuyên giáo, loáng thoáng có giọng điệu đầu gấu… Mấy cái giấy giới thiệu và lời giới thiệu của ông trưởng đoàn chẳng nói lên điều gì.

Xem xong mọi giấy tờ giới thiệu, Trung Nam hỏi có chuyện gì mà phải kiểm tra đột xuất.

Trả lời:

-         Đột xuất hay định kỳ thì cũng vẫn là công việc phải làm bình thường thôi, không có gì đặc biệt.
-         Sao lại lấy danh nghĩa là đoàn của Hội đồng Khoa giáo? Tôi chưa được nghe thấy cái tên gọi này bao giờ. Bộ máy Thành phố có một Hội đồng như thế hay sao?
-         Hội đồng này không phải là một cơ quan cố định, tùy tính chất công việc sẽ có các bên tham gia khác nhau, nhưng chủ trì là Ban Tuyên huấn.
-         À… Thế thì tôi hiểu.
-         Đoàn sẽ làm việc với toàn thể Ban lãnh đạo nhà trường chứ?
-         Khỏi cần. Chúng tôi sẽ chia làm hai. Một bộ phận chuyên kiểm tra tài chính. Một bộ phận kiểm tra việc thực hiện chương trình giảng dạy. Yêu cầu trường cho chúng tôi người hướng dẫn anh em trong đoàn đến làm việc trực tiếp tại các bộ phận.
-        
-        

Lan hướng dẫn bộ phận kiểm tra tài chính.

Trung Nam hướng dẫn bộ phận kiểm tra nội dung giảng dạy và mọi hoạt động của nhà trường.

Việc kiểm tra tài chính và kiểm tra và kiểm tra nội dung giảng dạy diễn ra xuôn xẻ, tất cả chưa đến hai giờ đồng hồ. Phần chót của chương trình kiểm tra là họp toàn đoàn với các đại diện của nhà trường.

Loáng một cái, cuộc họp phần chót này biến thành cuộc thẩm vấn căng thẳng, xoay quanh các câu chuyện đã cũ, thậm chí có chuyện rất cũ.

Chuyện được thẩm vấn đầu tiên cũng là chuyện cũ nhất, cách đây vài năm rồi: Tại sao nhà trường lại để cho sinh viên tham gia vào việc mua bán và mặc cái áo phông có cái logo “No U” (phản đối đường chữ U lưỡi bò), nhà trường muốn khuyến khích sinh viên làm chính trị hay sao? Phía nhà trường giải thích nhà trường không có quyền và cũng không có chủ trương bắt sinh viên mua hay không mua, mặc hay không mặc áo phông này. Sinh viên cả Sài Gòn đang có phong trào này để lấy tiền quyên góp giúp các ngư dân ta bị Trung Quốc cướp phá tầu đánh cá của mình. Trường nào trong Thành phố sinh viên cũng làm thế. Đó là việc làm tốt, nên nhà trường càng không có lý do gì ngăn cản các sinh viên của trường mình. Chẳng lẽ lãnh đạo Thành phố muốn ngăn cản việc này hay sao? 

-         Đoàn mới là người đặt ra câu hỏi, chứ không phải phía nhà trường! Hãy trả lời đi.
-         Nhà trường đã trả lời rất rõ rồi.
-         Tại sao số giờ ngoại khóa lại nhiều hơn giờ học chính trị? Nhằm ý đồ gì?
-         ???
-         Sao? Bí không trả lời được à?
-         ???
-         Sao tổng kết sinh viên học tập Bác làm sơ sài thế này? Mỗi bài làm của sinh viên chỉ được vài câu. Chẳng bài nào theo đáp án!!!
-         ???
-         Triết lý học tập, triết lý sống là cái quái gì? Trường định đào tạo ra những con người cứng đầu cứng cổ à?
-         ???

Nhiều câu hỏi trường không trả lời được. Nhiều chuyện trường giải thích thế nào đi nữa, đoàn vẫn không nghe…

Kéo cưa mãi, loanh quanh thế nào đoàn lại chuyển hướng trở lại và xoáy vào khía cạnh mới của cái chuyện áo phông “No U”: Ai là người có các loại sáng kiến này?

Trường lại giải thích đây là chuyện của sinh viên cả Thành phố, nếu đoàn có dẫn chứng, nhân chứng hay vật chứng gì về người có sáng kiến này thì cứ nói thẳng ra ở đây.

-         Đã nói rồi, trường chỉ có nghĩa vụ trả lời!
-         Trả lời của nhà trường như thế là rất rõ rồi.

Kiên trì giải thích, giải thích mãi, đoàn kiểm tra vẫn không lay chuyển, mà chỉ bổ sung thêm câu hỏi mới:

-         Lập ra nhà trường để dạy học hay để làm chính trị?

Hai bên lại nói đi nói lại cù cưa nhau mãi như thế, Khái thay mặt nhà trường kết luận: Nhà trường dù thiện chí thế nào đi nữa, nhưng vẫn thấy không có gì để nói thêm, tùy đoàn báo cáo tiếp lên cấp trên của đoàn.

Chuyện thứ hai, đoàn chất vấn tại sao nhà trường lại tổ chức hội thảo quốc tế với đề tài “Chiến tranh và sự tàn phá môi trường”, có mời một số đại biểu quốc tế tham dự. Câu chuyện cam go như câu chuyện đầu, mặc dù hội thảo này vào giờ phút chót đã bị cấm, các đại biểu quốc tế đã tề tựu tại trường rồi, song ban tổ chức hội thảo đành cáo lỗi với khách vì tình huống bất khả kháng. Câu chuyện này cũng giằng co quyết liệt với lời buộc tội:  Nhiệm vụ của nhà trường là dậy học, sao cứ thích hội thảo và liên hệ với nước ngoài?  Câu chuyện này kết thúc như câu chuyện thứ nhất.

Câu chuyện thứ ba, đoàn chất vấn tại sao nhà trường lại có một chương trình ngoài giấy phép hợp tác với nước ngoài về ứng dụng kiến thức tin học  vào quản trị doanh nghiệp, đây có phải là cách lách luật, làm ăn chui không? Hay đây là mưu đồ mua bán bằng giả? Nhà trường giải thích đây là mong muốn của nhà trường tận dụng mọi cơ hội thuận lợi tranh thủ được, để giảm bớt chi phí tiền bạc và thời gian cho sinh viên. Hợp tác này chỉ có lợi cho đất nước, đối tượng hợp tác là một trường đại học danh tiếng quốc tế, không thể có chuyện “chui” hay móc ngoặc gì được trong hợp tác này. Nhà trường cho hợp tác như vậy vẫn nằm trong chương trình giảng dạy đã được duyệt và thuộc thẩm quyền của nhà trường, nên không cần xin phép.

Đoàn kết luận:

-         Như thế là nhà trường đã thú nhận có chuyện hợp tác không giấy phép, có phải không?

Nhà trường dứt khoát bác bỏ. Không khí cuộc họp càng về cuối càng nặng nề.

Một “chiến hữu” giọng anh chị:

-         Hàng ngày chúng tôi theo dõi trang mạng của nhà trường. Nhà trường làm gì chúng tôi biết hết, đừng quanh co vô ích!

Một “chiến hữu” khác:

-         Trong công việc có đúng có sai. Sai thì nhận đi, rút kinh nghiệm, rồi tìm cách khắc phục. Bướng không giải quyết được gì đâu, mà chỉ thêm rách việc…

Một “chiến hữu” thứ ba:

-         Diễn văn khai trương nhà trường cách đây mấy năm của giáo sư Phạm Trung Tân là lời tuyên chiến đầu tiên của nhà trường này đối với chế độ, khuyến khích học sinh giác ngộ chính mình và giác ngộ về tự do như thế khác gì xúi giục học sinh nổi loạn? Tất cả đã có trong hồ sơ. Không sót một từ nào đâu! Lý lịch từng thành viên sáng lập trường chúng tôi đều có đủ… Đừng có đùa với cách mạng!..

Một “chiến hữu” thứ tư:

-         Còn ba việc sẽ được bàn riêng trong kiểm tra đợt sau. Thứ nhất là ai cho phép nhà trường dạy triết học tư sản cho học sinh? Chẳng lẽ lãnh đạo nhà trường không biết triết học tư sản là phản động? Việc thứ hai là tại sao nhà trường cho tổ chức sinh hoạt ngoại khóa thảo luận về Myanmar và vai trò của bà Suu Kyi. Nhà trường có định nuôi dưỡng ý đồ khởi loạn của sinh viên hay không? Việc thứ ba trong Phòng đọc sách Vi Thanh có những ảnh và bài báo tường cần được giải thích, vì có những liên quan đến trang web tinhthuong.com, đoàn đã quay video đầy đủ về phòng đọc này.
-         Thưa đoàn kiểm tra, tất cả những gì đoàn đọc được trong phòng đọc Vi Thanh đều là các trích dẫn và hình ảnh đã đăng cách đây nhiều năm trên báo chí của Đảng và Nhà nước đấy ạ, dưới từng câu có ghi rõ xuất xứ. Ví dụ đêm chung kết của tinhthuong.com tại Thành Phố này được tất cả các báo lớn của cả nươc hồi ấy bình luận hoan nghênh rất sôi động ạ. – Lan đĩnh đạc đáp lại.
-         Đừng có mà ngụy biện quanh co! “Không ngảnh lại đằng sau. Hãy nhìn thẳng về phía trước!”… “Hãy vượt qua mọi cái ác!”… “Hãy vượt lên nỗi sợ!” Lại chính mồm  những người như Vi Thanh nói ra! Như thế còn hơn cả kích động!.. Vậy hàng đống những câu trên tường như thế không là kích thích nổi loạn thì nhằm cái gì? – “chiến hữu”  thứ tư hùng hồn phang lại.

Phòng họp như tụt sâu xuống đất vì quá bất ngờ về những lời lẽ nặng ký như vậy.   Mãi Lan mới dứng dậy được để đặt câu hỏi:

-         Xin phép hỏi đoàn, để chuẩn bị tốt cho việc kiểm tra đợt sau, đoàn có đồng ý để nhà trường chúng tôi gửi thư hay đăng báo trực tiếp và chính thức hỏi Bộ, hỏi Hội đồng khoa giáo Thành phố về ba vấn đề này cho danh chính ngôn thuận không ạ?
-         Đấy là việc của nhà trường, tôi không can thiệp. – “chiến hữu” thứ tư đáp lại.

Lời qua lời lại, đã gần 6 giờ chiều, chẳng có gì nhúc nhích thêm trong cuộc họp.

Trong đoàn còn có một “chiến hữu” thứ năm, to bự. Mặt hơi xam xám, có thể do cháy nắng hay do quá nhiều bia rượu… Người này lúc nào cũng lừ lừ, nhưng hình như không biết nói, cũng chẳng thấy hỏi han điều gì, hai môi cứ như cắn chỉ vào nhau… Thỉnh thoảng được đồng đội nhắc có hỏi han thêm điều gì không. Hắn chỉ khẽ lắc lắc cái đầu, không thèm mở miệng …

Cuối cùng Trung Nam đứng dậy, dứt khoát:

-         Trường không có gì để nói thêm về những câu hỏi đoàn đặt ra. Đoàn cũng không đặt ra câu hỏi gì mới. Tôi đề nghị khết thúc cuộc họp ở đây.
-         Có cần làm biên bản không? – trưởng đoàn hỏi.
-         Khỏi cần. Vì đoàn báo cáo lên trên như thế nào, đó là việc của đoàn. Toàn bộ cuộc họp này chúng tôi đã quay video và ghi âm đầy đủ. – Trung Nam trả lời.

Sau những cái bắt tay chiếu lệ, đoàn xùng xục xùng xục lên xe, rầm rầm rầm rầm đóng cửa xe, ầm ầm ầm ầm xe rú ga ra về, khói bụi mù mịt…
Đám khói bụi của đoàn xe đã tan hẳn. Không gian yên tĩnh trở lại. Nhưng mọi người cứ đứng lại với nhau như trời trồng tại cửa phòng tiếp tân, không nói không rằng.

Mãi, giáo sư Tân là người lên tiếng đầu tiên:

-          Khái ạ, tôi có cảm tưởng như trong trường có gián điệp ấy. Đoàn kiểm tra đặt ra những câu hỏi cứ như là họ nằm trong bụng chúng ta. Nhất là những câu hỏi về các tiết chuyên môn… - giọng nói của Tân đầy lo lắng.
-          Em cũng cảm thấy như vậy, anh Tân ạ. Bây giờ thì em hiểu tại sao có một số sinh viên có thái độ lạ lạ, rất đáng ngờ…
-          Quyền lực dám chơi bẩn thế hả Khái?
-          ???
-          ???



[1] Kiến nghị của trí thức ngày 07-10-2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét