Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

"Lũ" - Final Draft April 2015



5




    G
ặp gỡ xong các đầu mối của lãnh đạo Thành phố, Cường đá cho Vua lò vôi bay ra Hà Nội báo cáo ông Hai chuyện tai nạn xe chở đá để xử lý dứt điểm, đúng như ông Hai yêu cầu. Bay đi buổi sáng, buổi tối Vua lò vôi đã qua điện thoại từ Hà Nội báo cáo về xong việc.

Ông Hai thừa nhận cách giải quyết của Cường Đá là hợp lý nhất, đã 3 năm rồi, cho vào quá khứ là thượng sách. Vì ai mà lường hết được chuyện dứt dây động rừng. Tư Vôi so sánh: Vụ xe chở  đá dù vô tình hay cố ý vẫn chỉ là một tai nạn, chẳng thấm tháp gì so với vụ Chín Tạ liên quan đến 3 mạng chết và những nghi ngờ dây dưa đến một đường dây buôn bán heroine đến nay chưa ra manh mối… Rồi sẽ còn tình trạng dậu đổ bìm leo nữa, chuyện các nhóm này nhóm nọ chỉ hằm hè cơ hội trị nhau… Trước khi gặp Tư Vôi một ngày, chính ông Hai phải đích thân gọi điện vào nhắc nhở ông phó Ban Khu công nghiệp Thành phố liệu mà thu xếp việc ưu ái giành đất cho họ hàng của mình là Công ty cổ phần Chip Rạng Đông…


 “…Cứ đẻ số mãi ra thế này nhức tai nhức óc lắm!..”  - ông Hai diết dóng trong điện thoại.

Ông Hai thừa nhận Cường đá có lý khi Tư Vôi nhấn mạnh:

-         …Anh Hai nên thông cảm với khó khăn của Thành phố. Còn hàng vạn, hàng vạn việc tồn tại trong các Quận anh Hai ạ. Nào là chuyện lún cầu Vân Thánh 2, nào là tranh chấp đất đai trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, chuyện Hội Phật giáo thống nhất… Bây giờ lại bùng lên vụ Xi-pi-ai  (CPI[1])… Thành phố quá tải rồi anh Hai ạ. Trung ương cứ ép quá thì Trung ương cho người xuống mà làm! Dưới chịu không thấu đâu. Anh Ba em cân nhắc kỹ lắm rồi... Đừng có mắng tụi em là trên bảo dưới không nghe!

Ông Hai cũng cảm thấy được thuyết phục về những bước đi khác Cường đá đã xắp xếp để khóa sổ vụ này. Tư Vôi cũng hứa sẽ sớm chuyển cho ông Hai một văn bản mới của Công an Thành phố tái xác nhận một lần nữa chuyện đã xảy ra là tai nạn, để ông Hai hoàn tất thủ tục trong phạm vi công việc của mình: Trả lời việc Ban Kiểm tra Trung ương hỏi ý kiến…

Thật ra trách nhiệm công tác nhiệm kỳ này của ông Hai là lĩnh vực văn hoá tư tưởng, chẳng liên quan gì đến các vụ án hình sự hay tai nạn giao thông. Nhưng cái lối làm việc cái gì cũng lấy ý kiến tập thể rộng rãi, nên ông Hai cũng bị vương vào, cũng phải bầy tỏ quan điểm. Chết một nỗi riêng ông bây giờ lại có quan hệ khá mật thiết với nhóm Cường đá.

-            …Câu  chuyện tai nạn xe chở đá vĩnh viễn chấm hết anh Ba ạ!.. – Tư Vôi cúp máy sau khi đã báo cáo với Cường đá đầu đuôi kết quả làm việc với ông Hai.


Sau cú điện thọai từ Hà Nội của Tư Vôi nói trên là các bước đi tiếp theo.


-         Chào ông Ba, mời ông vào nhà. Chắc có chuyện gì hệ trọng lắm mới được ông Ba tới thăm. – Bảo Vân ra tận cửa mời Cường đá.
-         Chào chị Út Vân. Cảm ơn chị đã dành thời giờ tiếp tôi. Lâu nay không làm ăn buôn bán gì cả, nên lười đi thăm hỏi những nơi thân quen.
-         Vâng, ông Ba hôm nay hạ cố...
-         Quả thực có chuyện quá hệ trọng nên tôi nài nỉ gặp chị. – vừa nói, Cường đá vừa mở gói hoa trao cho Bảo Vân: - Xin chị vui lòng nhận cho.

Bảo Vân đưa hay tay nhận lọ hoa, ngắm nghía, cố làm bộ mặt vui vẻ kêu lên:

-         Hoa Lẻ một mình! Ông Ba kiếm đâu được lọ hoa đẹp quá. Xin cảm ơn ông nhiều lắm.
-         Được chị Út vui lòng nhận và khen hoa đẹp làm tôi yên tâm.
-         Hổng dám, ông Ba quá lời.
-         Hoa tự tôi chọn đấy, phải hiểu người lắm tôi mới chọn được hoa... – Cường đá vừa nói vừa đưa mắt nhìn thẳng vào Bảo Vân, lướt từ đầu đến chân, cái nhìn sắc lẹm như muốn lóc hết quần áo trên thân thể Bảo Vân.

Bất giác Bảo Vân cảm thấy như chân mình tự dưng chùng lại, song lại cố chấn tĩnh ngay:

-         Ông Ba khách sáo quá, chỗ gia đình tôi với bên ông Ba đâu có xa lạ ạ. – Bảo Vân rót nước mời khách, giữ giọng nói cởi mở, đưa cả hai tay cầm ấm chè cho khỏi run để che giấu phản ứng quyết liệt bên trong của mình. - …Mời ông Ba sơi nước. – Bảo Vân trở về chỗ ngồi, tự rót nước cho mình rồi nói tiếp: - …Dạ, bây giờ tôi xin được nghe ông Ba nói.

Cường đá đã cân nhắc mọi điều và chuẩn bị kỹ cho buổi gặp hôm nay, nên vào đề luôn:

-         Bạt sạch banh cả núi đá tôi không ngại, thế mà xin gặp chị tôi phải cân nhắc mãi.
-         Dạ, ông Ba nói thế chắc phải là chuyện hệ trọng lắm.
-         Khi quyết định xin cái hẹn, chị Út nhận lời ngay, như thế dễ cho tôi nhiều phần rồi.
-         Ông Ba muốn gặp ai trong cả nước mà chẳng được ạ? Cả Thành phố ai không biết điều này? Huống chi một phó thường dân như tôi…
-         Chị nói đúng, không phải ai tôi cũng gặp. – giọng Cường đá đột nhiên trở nên lạnh băng. - …Tôi đến hôm nay để tạ lỗi với gia đình.
-         Tôi chưa biết ông Ba định nói chuyện gì ạ. – Bảo Vân tự nhủ mình phải căng tai căng mắt.
-         Thật khó nói quá… - Cường đá dịu giọng lại, đắn đo một lúc: - …Chuyện tai nạn chiếc xe chở đá đối với anh Quân nhà ta năm nào… Thật vô cùng đau sót chị Út ạ, chúng ta không có cách gì lấy lại được. – Cường đá dừng lời, lại nhìn chằm chằm vào Bảo Vân một lát rồi mới nói tiếp: - … Là chủ doanh nghiệp, con tôi đã có lời nhận lỗi với gia đình... Thật là điều không may...  do người lái xe...

Một luồng điện chạy qua người, Bảo Vân tự nhủ mình phải bình tĩnh:

-         Vâng, chuyện ấy xảy ra đã ba năm, hôm nay ông Ba nhắc đến chắc phải có lý do?
-         Ngoài Hà Nội cho tôi biết, hiện nay gia đình vẫn tiếp tục đòi kiện vụ này tại Trung ương. Đấy là lý do hôm nay tôi phải đến tận nhà… - Cường đá lại dừng lại, mắt vẫn không dời Bảo Vân.
-         Xin ông Ba nói tiếp.
-         Con tôi năm ấy đã đến tận gia đình tạ lỗi. Hôm nay tôi đích thân đến tạ lỗi một lần nữa. Chị thấy được chưa? – giọng nói của Cường đá lại lạnh băng.
-         Thưa ông Ba để làm gì ạ?
-         Tôi đề nghị gia đình ta rút vụ kiện này.
-         Tôi mong ông Ba để chuyện của luật pháp cho luật pháp có được không ạ? Tôi đâu muốn tạ sự mua việc vào người làm gì ạ.
-         Chị Út, người chết không lấy lại được. Tôi mong lấy công việc giữa hai nhà giúp đỡ lẫn nhau bù đắp lại... Dẫu sao cũng đã 3 năm rồi… Chị đừng cố chấp. Hôm nay tôi phải tự đến tạ lỗi, là muốn chấm dứt hẳn chuyện đau buồn này.
-         Tôi chắc ông Ba vẫn chưa hiểu ý tôi, có phải không ạ? – Bảo Vân cố từ tốn hỏi lại.
-         Hiểu rất rõ. Nhưng tôi muốn câu chuyện kết thúc, và cũng mong chị hiểu ý tôi.
-         Vâng.., nhưng…
-         Không phải là thiếu suy nghĩ mà tôi phải tự hạ mình  làm một việc thực ra không liên quan đến tôi. Chị nghe rõ tôi nói gì chứ? Tôi chưa bao giờ hạ mình như vậy với bất kỳ ai khác.

Thấy Bảo Vân ngồi im, Cường đá nói tiếp:

-         Còn chị muốn chuyện luật pháp để cho luật pháp thì câu chuyện đã diễn ra đúng như thế. Đã 3 năm rồi…
-         Ông Ba biết thế thì còn định gặp tôi làm gì ạ?
-         Tôi muốn kết thúc là kết thúc. Cũng mong chị dành thời giờ tâm sức cho công việc mới. Giữa chúng ta…
-        
-         Hai nhà giúp nhau được việc gì có lợi thì càng nên. Tôi muốn chuyện này dừng ở đây, chúng ta nói chuyện khác.

Tay Bảo Vân muốn cầm chén nước lên ném vào mặt Cường đá, nhưng kinh nghiệm cuộc sống đã ghìm tay Bảo Vân lại:

-         Vâng, xin mời ông Ba... – Bảo Vân uống nước, cố giữ vẻ mặt tự nhiên.
-         Hai Điểu cho tôi  biết chị Út có lô đất ở Đồng Dơi định xây trường đại học, liên doanh với nhóm PH.
-         Vâng có như vậy, ông Ba quan tâm? – Bảo Vân nghĩ bụng đám này đúng là ma xó, cái gì trong Thành phố này họ cũng biết.
-         Hai Điểu rất quan tâm.
-         Cậu Hai muốn kinh doanh đa ngành nghề?
-         Không phải thế, con tôi cũng muốn góp một tay vào chấn hưng nền giáo dục nước nhà. Hàng ngày tôi vẫn nhắc con tôi không được đua đòi. Mình có điều kiện thì phải quan tâm đến nghĩa vụ chung.
-         Cậu Hai muốn tham gia như thế nào ạ?
-         Tùy. Tôi nghĩ nhóm PH nên chủ động đề xuất. Hai Điểu làm được việc gì chắc nó rất sẵn lòng. Nhất là còn chuyện mắc tội với gia đình ta… Nhưng tôi xin nói ngay, vấn đề đất đai hiện nay lộn xộn lắm. Cả nước thế, chứ không phải chỉ riêng Thành phố ta. Cần chú ý điểm này. – dứt lời, Cường đá đứng dậy, nhìn đồng hồ đeo tay rồi ngửng mặt lên nhìn Bảo Vân: - Tôi có cái hẹn. Một lần nữa cảm ơn chị Út đã  không chê hoa tôi biếu tặng.

Câu nói chưa đứt đoạn, Cường đá đã đi ra tới cửa phòng khách. Bảo Vân bị động đứng dạy đi theo sau.

-         Một lần nữa xin cảm ơn. Chào chị. – Cường đá nhìn thẳng mà đi như nói vào chỗ không người, tới cửa xe đậu ngay trong sân nhà Bảo Vân, lúc này y mới quay lại, khẽ cúi đầu chào rồi bước luôn vào trong xe. Người vệ sỹ đã mở sẵn cửa xe từ lúc Cường đá bước ra khỏi nhà.
-         Xin chào ông Ba. – Bảo Vân chỉ kịp nói với theo như một phản sạ tự nhiên và không thể phản ứng gì khác.

Câu chuyện giữa hai người chưa đầy vài phút đồng hồ, hai tách nước chè vẫn còn bốc hơi...

Bảo Vân đứng lại một mình giữa cửa phòng khách, tiếc thầm đã không ném chén nước. …Nó đến tạ lỗi mà nói năng như cha người ta, lại còn ve vãn bằng hoa nữa, đồ đểu…

Bảo Vân cứ đứng yên như thế như tượng đá giữa nhà đến mấy phút, mặt bừng bừng vì giận dữ, tách nước chè trong tay đổ lênh láng trên nền nhà… Cả một ký ức quyết liệt sống lại… Khu đất Đồng Dơi khoảng 24 ha vợ chồng Bảo Vân mua được nằm ngay trên hai trục đường chính đi vào khu Đồng Dơi. Cường đá tìm mọi cách thôn tính nó để làm khu resort và xây các biệt thự nhỏ phục vụ sân golf Đồng Dơi 124 ha mà Cường đá đã đăng ký với Thành phố từ mấy năm nay. Nếu xây trường đại học ở đây, cửa ngõ đi vào sân golf Đồng Dơi coi như bị bít kín. Lúc đầu Cường đá xin chuộc lại với giá cao gấp đôi giá thị trường hồi ấy, sau đó thuê bọn đầu gấu gây gổ làm áp lực… Tất cả đều vô hiệu. Vợ chồng Bảo Vân giữ được đất, nhưng câu chuyện kết thúc với cái giá Quân phải trả mạng sống của mình…

Năm ngày sau, Bảo Vân đọc được trên báo Kinh tế Sài Gòn mẩu tin: Thành phố quy hoạch khu vui chơi giải trí và chung cư cao cấp Đồng Dơi … Nhìn bản đồ minh họa, Bảo Vân hiểu ngay lô đất nhóm PH dự định làm trường đại học nằm lọt thỏm ngay lối vào. Cùng ngày Bảo Vân nhận được thông báo của của Thành phố chuyền đạt ý kiến của Trung ương: Đã xác minh và chấp nhận kết luận của Công an Thành phố về vụ tai nạn giao thông do chiếc xe chở đá làm chết nạn nhân Lê Quốc Quân ngày… tháng… năm … tại Bình dương. Ba ngày sau nữa Bảo Vân nhận được tờ Kinh tế Sài Gòn cùng số có cái tin quy hoạch nêu trên, do Cường đá cho người cầm tay mang đến.


P
hiên họp đầu tiên của nhóm PH có Thạch dự được tổ chức tại nhà Vũ trong Thành phố, tất cả chỉ có 5 người: Yến, cặp vợ chồng Vũ – Bích Ngọc, Bảo Vân, và Thạch. Vắng mặt là những người còn lại bên họ Phạm: Tín – con trai ông Phạm Trung Lễ - vì đang bận công việc tài chính ngân hàng ở nước ngoài, Tân – con trai ông Phạm Trung Nghĩa - hiện vẫn  dạy học ở Thuy Điển, đang chờ khi nào có trường sẽ mang cả gia đình về sống hẳn trong nước, Khái – con rể ông Phạm Trung Nghĩa - bận dậy học và đang mùa thi học kỳ nên không vào được.

Kỳ họp này có ba việc quan trọng, trong đó dự án trường đại học PH là gai góc nhất, vì liên quan đến chuyện đất đai và giấy phép. Đây cũng là lý do chính lần này nhóm PH họp tại Thành phố. Trong mấy tháng “thực tập”, Thạch đã đi đi về về mấy lần để tìm hiểu thêm việc này việc khác, chỗ anh em của Vũ cũng dần dần trở thành nơi thân quen. Trong suốt khoảng thời gian này, mỗi khi có dịp ở nhà, Yến cũng dành khá nhiều thời giờ nói cho Thạch rõ thêm nhiều điều về các hoạt động của nhóm PH. Tuy vậy, ít nhiều Thạch vẫn cảm thấy hồi hộp khi lần đầu tiên dự cuộc họp chính thức với toàn nhóm PH, nhất là với tính cách từ nay trở đi mình cũng là thành viên của nhóm này. 

...Phải, trong ta bắt đầu một cuộc đời mới... Từ nay ta sẽ gắn bó sống chết với các em... – một cảm giác khó tả xâm chiếm tâm hồn Thạch..,  giữa yêu thương, mến phục, xen lấn những cảm nghĩ về cam kết và trách nhiệm, sự thôi thúc của ý chí muốn trở lại thử sức một phen trong cuộc sống...

          Trước khi họp, Bảo Vân đã thông báo tỷ mỷ cho cả nhóm chuyện Cường đá và những thông tin khác có liên quan sưu tầm được. Tuy Thạch mới họp lần đầu với cánh phía Nam của nhóm, nhưng mọi người đã hiểu biết nhau khá kỹ và làm quen với nhau nhanh chóng.

          Sau thủ tục giới thiệu, Thạch được mời nói:

-         Vâng... Xin thưa...  Hôm nay, tôi chính thức được coi là tốt nghiệp tập sự. Thật là mừng. – mọi người đều cười. - …Tôi không biết là may hay không may, việc đầu tiên tôi được tham gia thảo luận thuộc loại việc khó nhất trong nền kinh tế nước ta: Vấn đề đất đai. Tôi sẽ ghi nhớ điều này. Tôi xin có đề một nghị đầu tiên,  bây giờ nói ra được chưa ạ?

Tất cả đều đồng ý. Ông Thạch đứng dậy:

-         Vâng tôi xin nói, đề nghị của tôi như thế này: Trừ tôi mới đặt chân vào thế hệ 6x, tất cả còn lại ngồi đây đều thế hệ 5x, đang tuổi năng động nhất của đời người. Đối với xã hội, mọi người ngồi đây đều là bà, là ông với vị thế riêng của mình, ai cũng có nghĩa là có trách nhiệm nhất định… Tôi đề nghị bỏ cách xưng hô chú chú cháu cháu đối với tôi. Xin mọi người đơn giản gọi tôi là anh Thạch, được không ạ?
-         Tôi tán thành ngay. – Yến lên tiếng đầu tiên, rồi chủ động đứng dậy bắt tay Thạch: - Vâng, xin chào anh Thạch.

Mọi người đều cười tán thưởng và cũng làm theo Yến. Tất cả đều bắt tay chào Thạch một lần nữa.

-         Xin cảm ơn. Xin coi đây là hoàn thành bài tập đầu tiên của tôi đối với trường đại học tương lai của chúng ta. Các thầy giáo của chúng ta cũng sẽ phải thưa với học sinh là các anh các chị, các em, cũng không để cho học sinh xưng con xưng cháu nữa. Việc đơn giản này khó đấy, nhưng nên làm, để học sinh phải tự khẳng định mình khi bước chân vào trường của chúng ta. Hết đề nghị. – Thạch ngồi xuống.

Mọi người đều bất ngờ, cứ ngỡ là sẽ nói chuyện đất đai của trường, song cũng tán thành và đề nghị ông Thạch nói rõ thêm suy nghĩ của mình.

-         Chuyện đất đai, nhiều chuyện hệ trọng khác nữa ta sẽ bàn, chắc còn phải bàn đi bàn lại nhiều lần. Tôi đã đọc kỹ dự án mở trường đại học. Phải nói có nhiều ý tưởng mới tôi chưa từng biết đến, chứng tỏ đề án rất quan tâm sưu tầm mọi quan niệm tiên tiến của thế giới tìm cách vận dụng vào nước ta. Ví dụ đề án nêu yêu cầu phải thực hiện bằng được: Dạy học có nghĩa trước hết là truyền đạt cho học sinh một khoa học về đọc, về nhận thức, về học.., để học cách trở thành con người của chính mình… Nghĩa là xác định dậy học sinh cách học và mục đích phải đạt được. Kinh nghiệm này của thế giới đáng chú ý lắm, tôi tán thành. Dạy như thế khó đấy. Chứ không đặt vấn đề phải nhồi nhét đủ thứ vào đầu học sinh. Vì thế tôi rất quan tâm đến việc ngay từ đầu cần nhắc nhở học sinh tự khẳng định vị thế của mình. Bước chân vào trường đại học, học sinh là một người lớn rồi! Mà như thế cũng là muộn!.. –Thạch dừng lại cân nhắc thêm rồi nói tiếp: - …Cũng có thể lâu nay tôi vẫn bị một ý nghĩ ám ảnh: Cách nghĩ, cách sống, phong thái… hình như có nhiều cái ở nước ta vẫn còn trẻ con lắm – một cảm nghĩ thật khó diễn đạt, nói ra không khéo sẽ dễ bị ăn đòn... Sống ở nước ngoài nhiều năm, cảm nghĩ này của tôi càng nặng nề… Do nghèo nàn lạc hậu chăng? Do thói quen hay …xin lỗi, hay do một dáng dấp văn hóa nào đó chăng…
-         Gọi là trẻ con hay là không nghĩ lớn? Ý anh Thạch là thế nào ạ? – Yến hỏi.
-         Có lẽ nói như Yến xuôi tai hơn... Vâng, cứ cho là thế..., tôi xin nói tiếp... Mà trẻ con thì dễ tự ty và thường chỉ hay khôn vặt. Trẻ con trẻ con đã đành, tôi thấy nhiều khi người lớn cũng trẻ con, rất trẻ con!.. Hay là tôi nhiễm thói quen nhìn đời qua cuộc sống khắc khổ của mình? Và thực lòng tôi không muốn nước ta trẻ con mãi!

Câu chuyện tự nhiên đụng vào một đề tài khó, phần nào ngỡ ngàng. Vũ giơ tay xin phát biểu trước:

-         Thưa chú Thạch, xin lỗi, thưa anh Thạch, - tất cả đều cười, - …Thưa hội nghị, đúng là ngẫu nhiên trong cuộc sống có cái hay khó ngờ. Anh Thạch đã đụng vào một vấn đề về lâu dài còn nghiêm trọng hơn cả vấn đề đất đai của trường: Tự ty, khôn vặt, làm sao đất nước ta sớm ra khỏi tình trạng trẻ con mãi! Chỉ nghĩ riêng nghĩ về điều này, dự án trường đại học của chúng ta có thêm một luồng tư duy mới.
-          “Dân hai mươi triệu ai người lớn, nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”[2] Khác chăng là bây giờ dân gần cái ngưỡng trăm triệu rồi…Anh Thạch ạ.  – Yến nhận xét.
-         Thật tình suy nghĩ về cách xưng hô đến với tôi là sự ngẫu nhiên thôi. Hình như xuất phát từ cách xưng hô rắc rối giữa chúng ta… – Thạch thanh minh.
-         Tứ thơ này có thể xây dựng thành những câu hỏi tuyển sinh của trường ta được không? - Yến nêu vấn đề.
-         Muốn thành người, quả thật cần tránh tự ty và khôn vặt. Nếu mỗi chúng ta, mỗi học sinh của chúng ta ý thức đầy đủ điều quan trọng này, trường của chúng ta sẽ có một động lực rất khích lệ. Tiếc rằng anh Khái bận, hôm nay không họp với chúng ta được. Nhưng chúng ta sẽ lưu ý anh Tân và anh Khái ý tưởng này. Hoan nghênh anh Thạch! – Vũ nói suy nghĩ của mình.
-         Suy cho cùng, chăm chăm vào cái tồn tại trước mắt, cái lợi trước mắt... cũng chỉ là tự ty và khôn vặt thôi. Nghĩa là rất trẻ con so với cái thế giới rất người lớn mà nước ta ngày nay dấn thân vào. Có lẽ đây là điều nhà cầm quyền khắp nơi trong cả nước từ trên xuống dưới không nhận ra. Cho nên có ý thức hay vô ý thức, họ gây ra không biết là bao nhiêu khó khăn đối với mọi nỗ lực đi lên của người dân, trong đó có dự án trường đại học của chúng ta. Nhẹ lời nhất thì tôi cũng phải đánh giá như vậy. – Yến bộc bạch tâm trạng của mình.
-         Tôi thấy nói như Yến cũng chưa ổn lắm. – Thạch nêu suy nghĩ của mình: -…Chế độ chính trị nước ta nếu không chủ ý kìm hãm thì chí ít cũng tự nó mâu thuẫn với một nền giáo dục mà Đại học PH đang theo đuổi. Nó muốn một nền giáo dục tạo ra con người công cụ để sai khiến, chứ không phải là con người của trí tuệ và tự do. So sánh giáo trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo áp cho các trường với dự án của Đại học PH, tôi thấy rất rõ sự khác biệt này. Nghĩa là không có chuyện người cầm quyền trẻ con, thực ra là họ không muốn.., lại còn tham quyền và tham tiền nữa!
-         Quả là như anh Thạch nhận xét, chế độ chính trị nào thì nền giáo dục ấy. Cho nên chúng ta phải chấp nhận bơi ngược dòng! Dứt khoát không bàn lùi!… - Vũ tán thành ý kiến của Thạch.
-        

Mọi người cùng nhau soát một lần nữa những ý lớn về lý tưởng của trường, dự thảo lần thứ ba về nội dung và chương trình giảng dậy, các chi phí mới phát sinh.., rồi quay vào thảo luận hai vấn đề nóng bỏng nhất: đất đai dựng trường, công văn chất vấn mới đây nhất của Bộ Giáo dục và đào tạo.

Chuyện đất đai thực sự bế tắc: Quy hoạch khu chung cư cao cấp đã trưng lên báo rồi thì khả năng xin xây dựng trường coi như bị loại trừ. Bảo Vân lưu ý mọi người.

-         Có thể là quy hoạch ma không? Trò này vẫn diễn ra. – Yến hỏi.
-         Quy hoạch thật hay giả, ma hay không ma không thành vấn đề chị Yến ạ. Việc đưa nó lên báo cũng không khó, chỉ cần một chút “quan hệ” lòng vòng. Không phải ngẫu nhiên Cường đá cho người cầm tờ báo đưa đến tận tay Bảo Vân. – Vũ giải thích.
-         Anh Vũ nói đúng đấy ạ. – Bảo Vân tiếp lời: - ...Xin các anh các chị lưu ý điểm này. Bởi vì sự thật là toàn bộ diện tích của Thành phố đã được quy hoạch đi quy hoạch lại nhiều lần qua mỗi triều đại. Thường là hai nhiệm kỳ là một triều đại. Quy hoạch như thế có thể nói là đến hôm nay toàn Thành phố không hở lấy một mét vuông! Chồng chéo lên nhau phải đến bảy, tám lần.  Không thiếu gì trường hợp quy hoạch rồi lại bỏ giữa chừng, triều đại sau bãi bỏ quy hoạch triều đại trước, vì thế nhan nhản dự án treo. Có quy hoạch cũ rích lại được mang ra sài lại, chủ yếu vì lợi ích  nhóm xuất hiện, hoặc vì không ăn thì đạp đổ, vì ngáng chân nhau, vì muốn đi vào lịch sử, vì nhiều thứ vân vân khác nữa... Song hệ quả phổ biến nhất là cả một ma trận các quy hoạch chồng chéo nhau, tùy thời thế mà treo, mà phá, mà sử dụng.
-         Nghĩa là mọi khả năng khiếu nại của chúng ta về phương diện pháp lý cầm chắc kết quả số không? – Thạch hỏi.
-         Chín mươi phẩy chín chín phần trăm ạ. Chỉ còn lại một con đường “quan hệ”, song không phải lúc nào cũng thành công. Mà có thành công thì vẫn ở tình trạng đứng ngoài khuôn khổ pháp luật hiện hành, nghĩa là rất bấp bênh. – Vũ bổ sung thêm.
-         Vậy lối ra là gì? – Yến hỏi.
-         Để cho mafia nắm cổ phần quyết định, hoặc chịu làm quân cờ của quyền lực. Cường đá hầu như đã nói thẳng vào mặt tôi như vậy. Hôm nay tôi vẫn còn tiếc không ném tách nước chè vào mặt hắn. Chúng ta không phải là FDI, không phải là quốc doanh, nên kiểu gì cũng dễ bị bắt nạt. – mặt Bảo Vân bừng bừng.
-         Giấy phép Bộ đã cho rồi mà vẫn còn hoạnh họe về nội dung giảng dạy, có nghĩa là vẫn chưa suôi đâu, chị Yến ạ. – Bích Ngọc lưu ý.
-         Các anh các chị đã xem kỹ báo cáo của Trung Nam hôm ôngVụ phó Vụ đại học mời lên làm việc chưa ạ? – Bảo Vân hỏi.
-         Đọc kỹ rồi. Nhưng nếu trường không được tự chủ về nội dung giảng dạy thì nên dẹp ngay từ đầu. Đừng vấn vương gì cả. Chị Yến có biết trường ở Hội An lách bằng các nào không ạ? – Bích Ngọc, vợ Vũ hỏi.
-         Biết, Bích Ngọc ạ. Nhận trọn vẹn số giờ dậy chủ nghĩa Mác – Lênin, lịch sử Đảng và giờ tập quân sự, để giành lấy quyền tự chủ phần nào đó cho toàn bộ các chương trình còn lại. Cái gì vướng quá thì cho vào phần ngoại khóa, với những tên gọi thật chung chung. Cháu Trung Nam cũng đề xuất với chúng ta xem xét có thể lách như vậy được  không.
-         Có lẽ đấy là một thỏa hiệp phải chấp nhận có phải không ạ? Khoản tiền bôi trơn không tính. – Bảo Vân hỏi.
-         Câu chuyện rắc rối hơn thế, Bảo Vân ạ. – Yến trả lời. - …Mỗi năm hiện nay cha mẹ học sinh chi khoảng hơn một tỷ đôla cho con em mình đi học ở nước ngoài, Nhà nước cũng đang thương lượng liên doanh với nước ngoài mở một hoặc hai trường đại học quốc tế. Chúng ta chưa thể đề ra cho mình mục tiêu xây dựng một trường đại học tinh hoa, nhưng nhất thiết phải là trường có chất lượng cao, nhưng học phí phải ở mức phải chăng. Có như vậy trường mới có lý do ra đời và tồn tại. Phải thừa nhận dự án này là đề tài khó nhất của nhóm chúng ta từ trước đến nay.
-         Thành phố no các đề án trường đại học rồi các anh các chị ạ. Nhưng nếu mang dự án trường cùng với toàn bộ chất xám, nguồn nhân lực và vốn của chúng ta cho không một tỉnh nào đó may ra sẽ được chấp nhận ngay. – Bảo Vân mỉa mai.
-         Có thể họ sẽ nhận hết. Nhưng cái quyền tự chủ mọi mặt của trường họ sẽ trả lại chúng ta Bảo Vân ạ. – Bích Ngọc bình suy nghĩ của Bảo Vân.
-         Có lẽ thế thật. Chị Bích Ngọc chỉ được cái nói đúng. – Bảo Vân đáp lại.

Cuộc họp bế tắc, nhưng mọi người vẫn phải buồn cười.

-         Có cách nào lôi đám Cường đá vào không? Đi với ma thì phải mặc áo giấy vậy? – Yến nêu câu hỏi.
-         Lôi như thế nào chị Yến? – Vũ hỏi.
-         Chỉ riêng những chuyện liên quan đến đất đai thôi. Cố nặn óc ra một thỏa hiệp nào đó vậy… Miễn là chúng ta đừng tự biến nốt mình thành ma. – Yến đặt vấn đề.

Không có ý kiến nào đáp lại, mọi người yêu cầu Bảo Vân nói:

-         Đành rằng trong làm ăn phải thỏa hiệp. Nhưng đám này uống máu không tanh. Thỏa hiệp hay hợp tác với chúng có nghĩa là chịu để chúng nuốt chửng. Không nuốt được chúng sẽ đạp đổ… – Bảo Vân lại nghĩ đến lọ hoa lẻ một mình, “Tôi phải hiểu người lắm nên mới chọn được hoa…”  - đồ mất dạy, không còn lời ve vãn và đe dọa nào trắng trợn hơn!.. Bàn tay Bảo Vân vô thức cầm lên tách nước chè rồi lại đặt xuống.
-         Nghĩa là hoàn toàn không có khả năng này? Yến cố gạn.
-         Hoàn toàn không, chị ạ. – Bảo Vân dứt khoát.
-         Chắc chắn như vậy đấy chị Yến ạ. – Vũ tán thành ý kiến em mình.
Yến:
- Còn cách nào khác nữa không? – Yến vẫn gạn hỏi.

Bảo Vân:
-         Trước mắt không cho đám Cường đá đụng vào lô đất này.

Yến:
-         Nghĩa là chúng ta cũng “treo” luôn? Có đủ lực không?  
-         Mất trắng cũng “treo”. Không thể phản bội lại anh Quân được các anh các chị ạ! – Bảo Vân cả quyết.
-         Đạo lý thì như vậy. Nhưng ráng bình tĩnh thêm một chút xem nào Bảo Vân. – Vũ khuyên em mình.
-         Ta lùi thì chúng tiến, đám này không biết thỏa hiệp là gì đâu. Cường đá nói thẳng vào mặt em núi đá nó còn phá sạch banh!.. Anh không hiểu lời đe dọa của Cường đá à? - Bảo Vân kiên định ý kiến của mình.
-        

Vấn đề đất xây dựng trường ở Đồng Dơi hoàn toàn bế tắc, còn giấy phép cho mở trường vẫn trong tình trạng nửa vời...

Vốn dự trù cho việc mở trường chưa dùng đến có thể huy động cho những việc kinh doanh khác. Thời gian có thể dùng vào việc chuẩn bị thêm cho thiết kế chương trình các bộ môn và tìm thêm thầy.

Nhưng trì hoãn thế này, khó khăn lớn nhất là làm sao giữ được đội ngũ cán bộ giảng dạy đã mời được. Ban soạn thảo dự án đã tập hợp được một danh sách năm mươi mốt (51) giảng viên, tất cả đều có trình độ từ thạc sỹ trở lên. Đa phần những người này đang làm việc tại cơ quan nhà nước hoặc đang giảng dạy, trong đó có mười tám (18) người vừa mới tự nguyện từ bỏ chức vụ đang làm để tìm khoảng trời tung hoành ngoài biên chế nhà nước. Mười tám (18) người này là những cán bộ khoa học kỹ thuật có học vị cao và năng lực chuyên môn giỏi, phần thì họ ngán ngẩm thân phận của mình trong cơ quan, phần thì họ được báo cáo nghiên cứu khả thi của Khái về xây dựng trường thuyết phục, họ đã đăng ký vào danh sách của Khái.

-         Số mười tám (18) người này nằm trong tình hình chung cả nước đang có hàng loạt cán bộ viên chức xin ra ngoài biên chế. Báo chí gọi đó là “hội chứng từ quan”. Mười tám người này thì không thể chờ được. Có bao nhiêu nơi khác đang mời chào họ. Làm gì bây giờ để giữ được họ cho trường mình? – Yến vừa nói vừa đưa cho mọi người xem danh sách do Cẩm Liên chuẩn bị cho cuộc họp này.
-         ???
-         ???
-         Mười tám người chứ không phải một hai người!  Trong này thực sự có một số người giỏi, cả nước biết tên... – Vũ rên rỉ.
-         Không ai nói trước được dự án mở trường của chúng ta sẽ bị treo đến bao giờ!. – Yến thừa nhận.
-         Số trí thức ở nước ngoài nhận lời mời về giảng cho trường có nhiều không Yến? – Thạch hỏi.
-         Dạ, mười bộ môn dự kiến cho giai đoạn một là kinh tế, quản trị kinh doanh, thống kê, tài chính ngân hàng, luật thương mại, quan hệ quốc tế, tin học, toán, triết học, ngoại ngữ đều mời được các thầy bên ngoài về thỉnh giảng… - Yến vừa đọc hồ sơ,  vừa trình bày. - …Danh sách các thầy người Việt ở nước ngoài được mười bốn (14) người,  các thày các quốc tịch khác được sáu (6) người, trong đó có ba (3) thầy ở Harvard đã làm việc  nhiều năm ở Việt Nam. Danh sách này còn có thể bổ sung thêm khi trường đi vào hoạt động. Ngoài ra có một số khóa học theo chuyên đề, trước mắt dự kiến sẽ là: Kinh tế học bất động sản, các loại hình hợp tác kinh tế, vấn đề marketing, kỹ thuật lobby và kiện tụng…
-         Có cách gì mời nhóm mười tám (18) người tham gia vào quá trình chuẩn bị các môn học vừa nêu không? – Thạch hỏi thêm. - …Đấy là cách vừa nhằm giữ họ cho trường, vừa mua thời gian, vừa tiếp tục công việc chuẩn bị.
-        
-        

Ý kiến Thạch làm cho cuộc họp sôi nổi được một lúc, nhưng lại vấp ngay vấn đề tiền: Lấy gì chi trả và cách chi trả?

-         Đặt vấn đề đất đai sang một bên, vì giá đất đang biến động chưa tính được, báo cáo nghiên cứu khả thi đã dự trù tổng số vốn huy động cho xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị và xây dựng chương trình giảng dạy của trường giai đoạn khởi động ước khoảng ba trăm năm mươi đến bốn trăm tỷ đồng, nghĩa là hòm hòm khoản tiền bỏ ra cho cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ 2008 thôi!.. Trong dự trù này, ngoài cháu Trung Nam ăn lương người xây dựng dự án, chưa đặt ra tình huống trợ cấp nhóm mười tám giảng viên nằm chờ, vì chưa có trường! – Yến giải trình.

Vũ  tìm một số số liệu trong báo cáo nghiên cứu khả thi rồi đưa ra ý kiến:

-         Lương khởi đầu trung bình cho các giảng viên của gấp khoảng năm, sáu lần lương hiện tại của họ. Tuy nhiên nếu chưa có trường thì chưa thể có lương cho ai cả, kể cả nhóm mười tám người này.
-         Chuyện nhỏ, anh Vũ. Khoảng 4 tháng lương dự kiến cho giảng viên chỉ mới mua nổi một cái vé hạng VIP[3] cho chung kết Hoa hậu hoàn vũ thôi. Thế mà nhóm PH chịu bó tay? – Bảo Vân châm chọc anh mình.
-         Tiền của PH không phải tiền chùa, Bảo Vân ạ. – Vũ nói lại em mình.
-         Em biết...
-         Nói như em thì kinh phí xây dựng hội trường bảy nghìn năm trăm (7500) chỗ ngồi cho cuộc thi hoa hậu này cùng với bãi đỗ xe thừa sức cho nhóm PH xây dựng trường... Tất cả mọc lên vẻn vẹn trong vài tháng trời! Song trường của chúng ta lại không phải là công việc chính quyền quan tâm! – Vũ nói thêm.
-         Nhưng xin hỏi cả nhà sau Hoa hậu hoàn vũ năm nay, đất nước ta được cái gì ạ? – Bích Ngọc đứng hẳn lên mà nói, không đợi câu trả lời. - ...Được cái quảng bá hình ảnh Việt Nam có phải không? Nhưng mà hình ảnh nào? Một Việt Nam quảng cáo hay một Việt Nam đích thực? Với lạm phát trên 20% như hiện nay, với đình công và khiếu kiện đất đai ngày càng nhiều? Với hàng chục vạn học sinh bỏ học mỗi năm? Với mỗi năm hàng trăm nghìn nữ sinh nạo thai? Rồi các làng ung thư, làng tự tử? Mỗi năm hàng nghìn người thiệt mạng vì tai nạn giao thông, hàng bao nhiêu trăm trẻ nhỏ bị bán lậu ra nước ngoài? Với những cái gì nữa?.. Cứ lôi các báo lề phải ra mà xem, không phải tin bịa đặt chống phá chế độ đâu!.. – Bích Ngọc nói một thôi một hồi, mọi phản cảm về cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ 2008 Bích Ngọc cố dồn nén, bây giờ bùng lên.
-         Thật ra đấy là một việc làm mỵ dân, ngu dân và lừa dân một cách tồi tệ. – Yến thừa nhận. - …Việc cho phép tổ chức cuộc thi này nói lên trí tuệ, tâm địa và chí hướng của lãnh đạo đất nước này, tôi không thể hiểu khác được.  …Thậm chí còn phải nói là vừa ngu vừa nhục nữa. Đem tiền bạc công sức ra phục dịch thiên hạ và chuốc lấy sự bất bình của dân. Cuối cùng thì chủ soái cuộc thi là tỷ phú Donald Trump không thèm đến dự giám khảo chung kết, mà để cho con sang làm thay. Thế là tự nhiên mất tiền tôn cái thằng nhãi con này lên mà thờ! Ý nghĩa quảng bá hình ảnh Việt Nam biến thành làm rách mặt Việt Nam, nhưng tiền ta chi ra thì không thể thiếu lấy một cent! – Yến chia sẻ ý kiến của Bích Ngọc.
-         Chị Yến ơi, quảng bá được gì thì chưa biết, nhưng hình ảnh nhà báo Minh Kiển bị một khách tham dự nói năng thô lỗ và đấm vỡ mũi trong bữa tiệc chiêu đãi các hoa hậu thì không đẹp tý nào. – Vũ chêm vào.
-         Không ngờ phái đẹp ngồi ở đây lại lên tiếng gay gắt nhất về cuộc thi sắc đẹp này. Việt Nam đã đăng ký năm sau sẽ tổ chức nữa đấy. – Thạch lưu ý
-         Cứ đợi xem năm sau sẽ là cái gì. – Bích Ngọc chưa chịu yên.
-         Xin cả nhà đừng quên báo chí mấy ngày nay đang ca ngợi hết lời về thành công của Việt Nam trong tổ chức cuộc thi này đấy, vị thế của Việt Nam được tôn cao... vân vân và vân vân…  Nhưng mà chủ đề của chúng ta là gỡ bí cho đề án trường cơ mà! – Thạch lưu ý mọi người.
-         Cái gì cũng nghe báo chí lề phải thì có ngày đổ thóc giống ra mà ăn đấy anh Thạch ạ. – Yến vẫn chưa chịu lui. - …Không phải chỉ ở ta, tại nhiều nước phương Tây cũng không ít ý kiến cho thi hoa hậu là vi phạm nhân quyền, vi phạm bình đẳng nam – nữ, thân thể phụ nữ bị đem ra phơi bầy làm vui mắt mọi người!.. Nhưng mà thôi, trở lại công việc của chúng ta.
-        

 Nhóm PH quyết định cứ gửi Thành phố tờ trình nhắc lại đơn xin phép xây dựng trường ở khu Đồng Dơi để kéo dài thế giằng co, mặt khác khẩn trương tìm địa điểm thay thế… 

Vấn đề lớn thứ hai do Tín đề xuất từ hai tháng trước, khi thị trường chứng khoán xuống dốc không phanh mỗi ngày: Nên tranh thủ cơ hội này tìm cách mua lại ngân hàng cổ phần Thác Tín đang phá sản. Vì lún quá sâu vào thị trường chứng khoán, Thác Tín đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Ngoài ra Tín đề nghị PH lưu ý đề phòng những rủi ro đến từ thị trường bất động sản…

Vấn đề lớn thứ ba do Yến đề xuất sau chuyến đi Singapore tháng trước: PH nhận làm tư vấn và dự kiến nếu thuận lợi sẽ tham gia liên doanh với tập đoàn Singapore về dự án “Thành phố xanh Dankra” trên Tây Nguyên. Việc bàn bạc đề tài này hơi trục trặc một chút vì các thông tin của Tín chuyển về: Tập đoàn Singapore chỉ là cái mũ, trong ruột có nhiều thành phần người Hoa tứ xứ, kể cả người Hoa lục địa, quá trình đàm phán giữa tập đoàn này và địa phương đã kéo dài một số năm rồi... PH vẫn quyết nhẩy vào, thời đại toàn cầu hóa mà, sợ gì!..

Cuối cùng cuộc họp đi tới quyết định: nhóm PH chấp nhận đưa vào kế hoạch triển khai hai dự án mới này.

Vấn đề cuối cùng trong chương trình nghị sự là kiểm điểm tình hình các đơn vị kinh doanh của nhóm PH. 

Nóng bỏng nhất là các đơn vị sản xuất xuất khẩu đứng trước tình hình giá thành bị đội lên cao, do lạm phát và giá nguyên liệu tăng nhanh, lại trong tình trạng thiếu điện liên tục nữa. Nhóm PH buộc phải dự tính tình hình loại bỏ một số mặt hàng, cũng có nghĩa sẽ phải sa thải hoặc chuyển nghề khoảng ngót nghét một nghìn công nhân và những người lao động khác…

Toàn những chuyện nhức đầu, kéo dài cho đến tối khuya…


S
áng hôm sau, trên đường bay ra Hà Nội, Thạch hỏi Yến kỹ hơn vì sao đề án trường đại học mong manh như thế mà Yến và cả nhóm PH vẫn quyết tâm theo đuổi.

-         Nhóm PH đắm đuối vào đề án này tại em là chính. Câu chuyện dài lắm anh Thạch ạ. Nói riêng về mình, thì tự em một phần, song cũng do em chịu ảnh hưởng của chú Nghĩa nữa. – Yến trả lời.
-         Ảnh hưởng của chú Nghĩa như thế nào?
-         Theo chú Nghĩa, cốt lõi của vấn đề là tự giác, là giác ngộ, là tri thức. Nếu dân trí mà như thế này, thì một là quảng đại quần chúng không thể giành lấy cái tốt đẹp nhất về tay mình, hai là dù có trao quyền lực vào tận tay họ thì quyền lực lại cũng sẽ nhanh chóng trở nên tha hóa thôi. Làm sao chặt đứt cái vòng luẩn quẩn này?
-         Anh biết chú Nghĩa tự coi mình là đệ tử của cụ Phan Châu Trinh.
-         Chú Nghĩa có một mối quan tâm kỳ lạ. Đố anh biết.
-         Chú Nghĩa quan tâm nhiều vấn đề, làm sao anh đoán được.
-         Chú chuyên tâm nghiên cứu tại sao các cuộc cách mạng lớn nhỏ kể từ Cách mạng tư sản Pháp 1789 cho đến nay đều thất bại.
-         Nói gì mà lạ thế? – Thạch đặt câu hỏi có chủ ý.
-         Vâng, thất bại với nghĩa không đạt được mục đích cao nhất cách mạng đề ra, mục đích cuối cùng!..
-         Bây giờ anh hiểu vì sao chú Nghĩa có nhiều nhận xét xác đáng với thời cuộc hiện tại. Theo em Cách mạng Tháng Tám ở nước ta là thành công hay thất bại? – Thạch cố tình hỏi khó để kiểm nghiệm tất cả, mặc dù vừa mới đụng vào đề tài này trong buổi ra mắt các lão gia nhà PH.
-         Em đang bị sát hạch có phải không?
-         Chủ nhiệm đề án mở trường đại học không thể từ chối một câu hỏi như vậy.
-         Nếu vậy câu trả lời đầu tiên sẽ là một câu hỏi ạ.
-         Em nói đi.
-         Câu hỏi đó là: Anh có đủ sức nghe không?
-         Anh sẽ cố gắng. Nhưng phải là câu trả lời của riêng em nhé?
-         Vâng. Câu trả lời ngắn thôi ạ: Cả thành công và thất bại.
-         Em nói cụ thể xem nào?
-         Thành công thì rõ rồi, thành công lúc đầu. Còn thất bại là món nợ mà Má Sáu Nhơn đã thay mặt họ Huỳnh và ông của em – cụ Phạm Trung Học – thay mặt họ Phạm đang đòi Đảng ta phải trả anh ạ. Món nợ lịch sử của Đảng đối với dân tộc, không có cách gì chối bỏ được đâu.

Thạch đã nghe điều này bao nhiêu lần rồi trong những cuộc đàm đạo với các ông Chính, Nghĩa và Lê Hải trong những ngày vừa qua ở Hà Nội, song vẫn không ngờ được mức độ dứt khoát trong câu trả lời của Yến. Thấy Thạch ngồi im, Yến nói thêm:

-         Về nhiều mặt, em còn cảm thấy mình là chủ nợ trực tiếp, mặc dù Đảng đã mang lại cho em rất nhiều. Song về mặt nào đó em cũng là con nợ - vì em cũng là đảng viên. Món nợ này lớn lắm.
-         Anh hiểu.  Anh phải cảm ơn em về câu trả lời chân thành. – Thạch nắm lấy tay Yến lắc mạnh. - …Chúng ta cùng một tâm trạng. Về pháp lý vẫn là Đảng của chúng ta cơ mà!..
-         Nghĩa là không còn như vậy về mặt đạo lý? – Yến truy lại.
-         Thôi, anh đang phỏng vấn em cơ mà!
-         Vâng. Khi trí tuệ và quyền lực cùng trên một con đường thì thành công, khi mỗi thứ một ngả thì thất bại. Đấy là kết luận em muốn rút ra.
-         Về Cách mạng Tháng Tám?
-         Vâng.
-         Em nói gì mà cô đọng thế?
-         Đơn giản thế này thôi ạ: Sức mạnh và mục tiêu của trí tuệ luôn luôn là giải phóng. Khi quyền lực nhằm vào giải phóng, thì trí tuệ và quyền lực cùng trên một con đường. Khi quyền lực nhằm vào thiết lập vai trò của chính nó thì mâu thuẫn với bản chất giải phóng của trí tuệ, mỗi thứ đi theo một ngả. Đó là nguyên nhân gây ra những thất bại trong các cuộc cách mạng cho đến nay anh ạ, kể cả trong Cách mạng Tháng Tám.
-         Quy luật của cuộc sống chăng?
-         Anh muốn hiểu như thế cũng không sai, đại thể là như vậy.
-         Kết luận của em là gì?
-         Em chưa có kết luận dứt khoát của mình, vì… với tư cách người đảng viên, em nợ một việc tổng kết. Đúng ra phải nói Đảng hiện nay đang nợ tổng kết. Nợ đối với dân...
-         Tổng kết gì vậy?
-         Tổng kết những sai lầm đã phạm phải.
-         Trời đất ơi, nói gì vậy Yến! – Thạch phải vội che miệng lại vì biết mình nói hơi to, sợ làm phiền những người chung quanh. - …Không thể có chuyện này đâu!.. Đúng là chú cháu ông Nghĩa!..
-         Đảng không làm thì dân sẽ làm, lịch sử sẽ làm, tránh sao được anh?
-         Đảng hiện nay không làm nổi chuyện này, chắc chắn thế!
-         Nếu khó nghe quá em đề nghị tổng kết vấn đề khác vậy nhé?
-         Vấn đề gì vậy?
-         Tổng kết con đường từ đảng lãnh đạo trở thành đảng cai trị. Được không?
-         Trong đầu em đang có cái gì vậy?
-         Tại anh khơi mào. Vì mọi chuyện dính liền với xương máu ruột thịt gia đình em, chứ không phải là chuyện anh em ta ngồi vi vu trên máy bay uống vang như thế này để bàn về nhân tình thế thái.

Thạch lặng người. Câu chuyện vô tình đụng vào những điều Thạch biết và muốn tránh.

-         Em không thể nhìn đời bằng con mắt của người bàng quan được. Không thể được.
-         ...
-         Lịch sử chẳng bao giờ tự nó biến đi anh ạ, cho dù có cố tình cắt bỏ nó. Nhưng sự ngụy tạo thì có thể. Không tổng kết thì chỉ có một thứ ngụy tạo, một thứ lịch sử tù mù.., để biện minh cho sự tù mù trong hiện tại.
-         Quả là thế.
-         Nhưng cuộc sống không biết chờ đợi anh ạ. Nó không quan tâm Đảng có tổng kết được hay không!
-         ...
-         Anh cũng nghĩ thế chứ?
-         Anh cũng hiểu như vậy, nhưng...
-         Em đang ngồi trên chảo rang, chứ không phải là hiểu hay không hiểu anh ạ. Anh cứ nghĩ lại cuộc họp ngày hôm qua thì rõ.
-         Đành là thế, nhưng bất luận thế nào vẫn phải có hướng đi chứ! 
-         Chính vì thế, trước mắt em chấp nhận kết luận của chú Nghĩa: Cách mạng chỉ tạo ra điều kiện, còn phát triển mới giải quyết được vấn đề. Phải đi tìm con đường cải cách.
-         Lại chuyện phá và xây... Bây giờ thì anh hiểu rõ hơn ý nguyện mở trường của em. Nhưng lúc nào đó chúng ta sẽ phải quay trở lại vấn đề tổng kết.
-         Vâng. Trong nhận xét của chú Nghĩa về Cách mạng Pháp, chú rất quan tâm đến các ý kiến của nhà báo Jean-Paul Marat[4]. Ông này có một luận điểm em tán thành: Giáo dục nâng cao dân trí nhân dân là đòi hỏi phải có để nhân dân giành được quyền lực về tay mình, cách mạng chỉ tạo thuận lợi thôi.., và nhất là để cho nhân dân không rơi vào những cái bẫy có thể làm hỏng sự nghiệp cách mạng.
-         Anh nghĩ quan điểm này đến nay vẫn còn giá trị.
-         Thức tỉnh nhân dân, ông ta nói “Người ta lớn, bởi vì các anh quỳ xuống!” Đúng quá, có phải không anh? Ông ta là người cảnh báo không mệt mỏi cho quần chúng biết Cách mạng đã bị phản bội và vì thế ông ta đã bị phe phái khác ám sát, chuyện xảy ra 4 năm sau khi cách mạng đã phá thành công ngục Bastille và đánh đổ thể chế quân chủ.
-         Nhưng đấy là câu chuyện của nước Pháp năm xưa.
-         Vâng, câu chuyện của nước ta bây giờ là nâng cao dân trí để dân giành lấy quyền làm chủ của mình mà cách mạng đã hứa hẹn, nghĩa là để tự mình giành lấy dân chủ. Phát triển là như vậy.
-         Phải!.. Giành lấy quyền làm chủ của mình mà Đảng đã hứa hẹn!.. Anh thừa nhận em đã kết luận đúng. – Thạch nắm lấy tay Yến lắc mạnh.
-         Em trải nghiệm đủ rồi anh ạ: Mọi thứ dân chủ được bao cấp hay ban cho đều còm cõi, không thể bền vững, thậm chí đa phần là bánh vẽ.
-         Lời tuyên chiến của em chống chế độ có phải không? – Thạch cảm thấy tai mình nóng bừng bừng.
-         Chưa hết đâu anh Thạch ạ, giữa hai con đường dứt khoát phải chọn một.
-         Hai con đường? Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản? – Thạch thực tình chưa hiểu Yến nói gì.

Yến suýt bị nghẹn vì phải lấy hai tay ôm chặt lấy miệng, kịp chặn lại tiếng cười quá to sợ làm phiền những người chung quanh:

-         Không ạ. Giữa chủ nghĩa tư bản dã man và chủ nghĩa tư bản của phát triển.
-         Trời đất! – Thạch thốt lên. - …Làm gì có nghị quyết hay sách vở nào nói nước ta đang đứng trước hai con đường như vậy?
-         Nghị quyết nói nhất quán là kiên định con đường định hướng xã hội chủ nghĩa, chống chệch hướng đi lên chủ nghĩa tư bản. Em nói thế đúng với sách chưa anh Thạch?
-         Đúng, nói tiếp đi.
-         Nhưng cuộc sống lại ngang bướng không tuân thủ Đảng. Nó đi con đường của nó: Cái mà Đảng muốn kiên định giữ lấy thì về thực chất lại là chủ nghĩa tư bản hoang dã, thực ra là tư bản dã man.
-         Gọi là tư bản hoang dã có lẽ đúng hơn Yến ạ. Vậy ta có công thức Nguyễn Thị Bạch Yến: Định hướng xã hội chủ nghĩa + kinh tế quốc doanh là chủ đạo = chủ nghĩa tư bản hoang dã?
-         Anh thuộc bài nhanh đấy. – Yến khen.
-         Tại thầy giáo giảng dễ hiểu. Em nói tiếp đi.
-         Vâng. Cái mà các nghị quyết và quan điểm chính thống đang ra sức chống lại chính là chủ nghĩa tư bản của phát triển. Nó đang làm ra hai phần ba tổng sản phẩm xã hội của cả nước hôm nay đấy anh ạ!  Nó là sức sống bất diệt và năng động của nền kinh tế nước ta, anh hiểu không? Cái mà Đảng kiên định và đang bảo vệ thực chất chỉ còn lại là cái tư bản hoang dã.
-         Em hiểu định hướng xã hội chủ nghĩa là như vậy à?
-         Tuỳ anh vặn vẹo. Nhưng em dứt khoát chống lại chủ nghĩa tư bản hoang dã đang diễn ra ở nước ta.
-         Em nói chính xác điều cần nói. – Thạch bây giờ mới thừa nhận. - …Các bậc bô lão nhà ta cũng gọi đấy là chủ nghĩa tư bản dã man em ạ. Nhưng theo anh đúng ra nên gọi tư bản hoang dã,  vì đây là nói về cấp độ phát triển. Nói như thế chuẩn hơn. Còn dã man là nói về mức độ xấu xa của nó.
-         Gia đình em trả giá cho cái mà Đảng hiện nay tôn lên thành lý tưởng, thành tư tưởng chủ đạo của Đảng, thành sự “lựa chọn” của dân tộc như thế là đủ rồi. Chắc còn nhiều gia đình khác cũng nghĩ vậy thôi.
-         Làm sao em đi tới được kết luận này?
-         Đấy là hai chục năm tụi em đánh vật với mọi thế lực trong nền kinh tế nước ta anh ạ. Thực ra cho đến nay đổi mới về cơ bản mới chỉ mang tính cơ hội – nghĩa là do hoàn cảnh thúc ép, còn tính tự giác của lãnh đạo hiện nay thấp lắm. Trong thâm tâm họ chỉ coi đổi mới là một loại giải pháp tình thế lớn, chấm hết!
-         Nói thế có võ đoán không em?
-         Theo em mười phần thì đến bẩy tám phần là thế anh ạ, cái tự giác bé lắm. Vì thế đổi mới vừa mới làm xong được nhiệm vụ cấp cứu đất nước thì người ta đã vội tìm cách xiết lại...
-         Em nói gì? Vứt cả một hệ tư duy, để xóa bao cấp, để chấp nhận thị trường là quá ít hay sao?
-         Em thừa nhận điều này. Đấy là công lao to lớn của những người làm nên Đại hội VI anh ạ. Nhưng những người kế tục Đại hội VI đã mau chóng rơi trở lại quán tính cũ.
-         Cháu chú Nghĩa có khác! Cái gì cũng quy về quán tính hết! – Thạch đồng tình, nhưng cũng muốn trêu Yến.
-         Nếu không phải là quán tính thì anh quy nó về cái gì? Từ mươi năm nay cứ tiến được hai bước lại lùi một bước. Cuộc sống ương bướng hé mở ra một hướng đi khác. Lẽ ra phải thúc đẩy nó, nhưng lại sợ mất định hướng!
-         Có thật thế không Yến? Anh ngờ lắm. Em tin là có nỗi lo mất định hướng à? Em tin thế à?.. – giọng nói của Thạch dồn dập. Cả một ký ức về những điều ngang trái Thạch đã trải qua nằm sâu  trong tâm khảm bỗng dưng nổi sóng.

Yến chững lại một lúc rồi mới nói tiếp được:

-         Nếu nỗi lo này là giả tạo thì càng tệ nữa!.. Có lẽ cả giả và thật anh ạ.
-         Nói gì mà nước đôi thế? Em đang nói chuyện với anh chứ có đứng trước diễn đàn nào đâu.

Yến ngần ngừ một lúc, điểm lại rất nhanh những kinh nghiệm của mình rồi mới nói, gần như vẫn vừa nghĩ vừa nói:

-         Có lẽ vẫn cứ phải nói cả giả và thật anh ạ... Khó tách bạch quá...  Thực sự là có tồn tại nỗi lo này... Trong tư duy nhiều người còn nhiều điều vương vấn lắm, lạc hậu lắm... Song quả thực là đây còn là một loại võ mồm của những người ham quyền lực, của cái đám “nhân danh”, cái đám “nói dzậy mà không phải dzậy”...
-         Nói thế thì anh chịu. – Thạch cảm thấy nhẹ cả người và càng tin vào sự từng trải của Yến. - ...Em nói tiếp chuyện mất định hướng đi!
-         Vâng. Anh xem, cái gì cũng nửa dơi nửa chuột. Buộc phải thừa nhận kinh tế thị trường, thậm chí đang cầu mong nước này nước nọ thừa nhận kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường, thế nhưng đối nội lại nhấn mạnh định hướng xã hội chủ nghĩa, tìm mọi cách giữ kinh tế quốc doanh và tập đoàn kinh tế nhà nước là chủ đạo. Buộc thừa nhận phải xây dựng nhà nước pháp quyền, nhưng dứt khoát phải thêm vào cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa, dứt khoát chống tam quyền phân lập. Cái đuôi thêm vào này lại có quyền quyết định cái đầu: Đảng vẫn đứng trên Hiến pháp, trên Quốc hội, trên tất cả!.. Định hướng là như vậy!..
-         Nói thế là lên giá treo cổ được rồi đấy Yến ơi! – Thạch ghé sát vào tai Yến, chỉ muốn giơ tay bịt miệng Yến, nhưng không dám.
-         Em nói thế còn là nhẹ đấy. Các lão gia nhà ta còn nói là cái nhân danh Đảng đứng trên tất cả cơ, Đảng cũng chỉ là tù binh của nó thôi! Cho nên cơ hội vàng đất nước này có nắm trong tay cũng vô nghĩa thôi anh ạ. Tại các nước khác thì chính phủ này phải đổ ba bốn lần rồi! Giữ vững định hướng và giữ kinh tế quốc doanh là chủ đạo như thế, thực chất chỉ là bảo đảm..., không, không phải.., thực chất chỉ là kéo dài quyền thống trị của cái nhân danh Đảng mà thôi.
-         Nghĩa là không bảo đảm được, mà chỉ kéo dài thôi?
-         Vâng, tài giời cũng không thể bảo đảm được anh ạ. Cuộc sống khốc liệt lắm, nhưng kéo dài thêm thì có thể. Ở nước ta chắc sẽ còn khá lê thê đấy.
-         Lê thê bao lâu?
-         Khó đoán lắm anh ạ, vì ngu dân, vì dây mơ rễ má của hệ thống dằng dịt lắm, từ thượng đỉnh đến tận cơ sở… Mươi năm, mười lăm năm? Một thế hệ? Hai thế hệ... Em không làm thầy bói được.
-         Anh thấy em còn quyết liệt hơn cả thế hệ bô lão hai nhà PH!.. Phải chăng hậu sinh khả úy?
-         Không phải thế. Bọn em hàng ngày đứng ở đầu sóng ngọn gió, không cần nhờ cậy nhiều lắm đến lý luận cao siêu. Chỉ cần một lô hàng không xuất được, hay một quyết định chậm chạp, tiền không có để trả lương cho công nhân, hàng nhập về không có tiền thanh toán… là bọn em đủ vỡ mặt. Chính thực tế này thôi thúc bọn em nỗ lực góp gió với cả nước làm bão.
-         Coi đấy là sự đập phá của thế hệ 5 x được không?

Yến phải buồn cười và đấm vào vai Thạch:

-         Anh muốn so sánh với sự quậy phá của các thế hệ 7x, 8x nhà ta hay sao? Một suy nghĩ bệnh hoạn, phải nhốt anh vào Thạch Thất!
-         Sự khác nhau chỉ là ở chỗ nguồn năng lượng được hướng vào đâu thôi mà... – trong lòng Thạch cảm thấy ấm lên vì hai chữ nhà ta của Yến.
-         Em hiểu anh muốn trêu em. Nhiều trí thức cứ nằng nặc đòi dân chủ, kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự.., em đồng ý ngay. Nhưng làm thế nào để có nó? Có nó rồi thì làm sao vận hành được nó, duy trì nó, phát triển nó? Hàng loạt câu hỏi tiếp theo như thế hình như lại ít được quan tâm. Cứ nhìn người dân tham gia giao thông và thực hiện luật đi đường thì sẽ thấy. Cho nên dân trí phải đi đầu. Tự do cũng phải được dẫn dắt bằng trí tuệ - mà ở đây trước hết lại là câu chuyện dân trí.
-         Tranh luận với các “lão gia” hôm anh đến nhận việc, chú Nghĩa nói khá kỹ chuyện này. Chú không tán thành cách nghĩ cứ để cho hoang dã tiếp tục tha hóa rồi chế độ tự tan rã. Vì theo chú Nghĩa, như thế sẽ lại ra đời cái kém phát triển mới, còn cái mới chân chính thì lại chưa được chưa được gây mầm, chưa sẵn sàng.
-         Cuộc sống đúng như thế đấy anh ạ. Xã hội ta không phải chỉ có tầng lớp cầm quyền tha hóa. Cái gọi là tầng lớp trung lưu mới đang xuất hiện, được gửi gắm nhiều kỳ vọng lắm, nhưng cũng đang thời kỳ rất manh nha.., không ít nét hoang dã... Họ vẫn chỉ là một thiểu số chưa trưởng thành, chưa thể tạo ra một ảnh hưởng quyết định nào đó trong xã hội...
-         Tại quốc doanh làm chủ đạo kỹ quá có phải không em?
-         Hoàn cảnh đất nước mình thì đúng như vậy anh ạ. Nhưng về phần mình, nhóm này là mới nổi lên, nhìn chung ít học nên thiển cận. Nhiều người trong số họ giầu lên có lẽ quá nhanh và quá dễ, nhất là nhờ đất đai và quan hệ... Tâm lý đánh quả có lẽ vì thế khá nặng nề anh ạ... Một phần còn là tội lỗi của chế độ nữa. Nhà nước này, xã hội này và nền giáo dục này dấu ấn tâm não họ, khuôn họ thành con người như vậy mà...
-         Yến đang nói về tầng lớp tư sản mới?
-         Vâng, họ đang có nhiều tên gọi lắm, nghĩa là còn đang trong quá trình hình thành và chưa định hình. Gọi họ là gì cũng được: tư bản đỏ, tư bản thân hữu, tư bản chụp giựt, tư bản đánh quả, tư bản quan hệ, chủ đồn điền mới… tùy theo hoàn cảnh đi lên làm giầu của mỗi người, tùy họ đứng trong hay đứng ngoài quốc doanh, tùy mối quan hệ thân quen trong xã hội... Vân vân…
-         Cùng một hệ thống mà ra, sao lại năm cha ba mẹ thế?
-         Cái nét chung nhất có lẽ là họ giầu lên rất nhanh anh ạ, nhờ thân thế hay một cơ may nào đó… Tặng cho cái tầng lớp tả-pí-lù này cái tên chung là nhóm “đồng tiền ướt”  có lẽ là hợp lý nhất.
-         Nghĩa là thế nào?
-         Nghĩa là họ giầu nhanh đến mức tiền in ra vào tay họ chưa kịp ráo mực! Trong khi đó trí tuệ và bản lĩnh của họ không lớn theo kịp.

Thạch cười vì cái tên gọi rất lạ tai này:

-         Nhóm đồng tiền ướt! Nghe hay đấy! Sao không gọi là “nhóm đồng tiền bẩn”? Vì trong này có cả đánh quả, cả chụp giựt, buôn vua, buôn quan hệ, thân quen, tham nhũng… cơ mà? Có sạch sẽ gì đâu!
-         Gọi như thế cũng đúng, nhưng rất cảm tính anh ạ. E rằng nặng về mạt sát, không lột được cái bản chất chung nhất và không cơ bản nhất trong sự làm giàu của họ anh ạ. Giầu nhanh đến mức tiền in ra còn ướt…
-         Em ít nhiều thỏa hiệp với tham nhũng?
-         Anh muốn hiểu em như vậy sao?

Thạch thận trọng:

-         Anh muốn hiểu đúng suy nghĩ của em.
-         Nói về tham nhũng, em không muốn nhìn sự việc từ góc độ đạo đức. – Yến dừng lại để xem Thạch phản ứng thế nào.
-         Em muốn nói tham nhũng và đạo đức không liên quan với nhau?

 Yến cười:

-         Hiển nhiên không đạo đức nào chấp nhận tham nhũng. Nhưng em muốn nhìn từ góc độ thực tế: Cơ chế hay hệ thống đẻ ra tham nhũng thì đạo đức có cao bằng trời cũng không khắc phục được. Do đó chỉ mạt sát nó, nó vẫn còn nguyên. Nhưng nhìn nó dưới góc độ đồng tiền ướt, thì may ra sẽ tìm được cách chế ngự nó.
-         Em không quan tâm đến khắc phục nó?
-         Anh không muốn nhìn nhận tham nhũng cũng là một bản năng hay bản chất của con người sao?

Thạch bị bất ngờ:

-         Đành là thế, nhưng…

Yến cười:

-         Anh phân vân như vậy là còn duy lý quá đấy, rồi anh sẽ hiểu suy nghĩ của em. Muốn khắc phục tham nhũng thì việc trước tiên là phải chế ngự được nó, khắc phục là bước tiếp theo…
-         Nói thế thì anh hiểu. 
-         Cái bản chất đồng tiền ướt này rất đa dạng và không cơ bản anh ạ. Nó khác hẳn với đám đi lên bằng con đường đồ đồng nát như bọn em. Chỉ tiếc là bọn em cho đến ngày hôm nay vẫn là một đám quá nhỏ trong tầng lớp giầu có mới này, ảnh hưởng còn quá hạn chế.
-         Trên cơ sở nào mà Yến đánh giá như vậy?
-         Số thành đạt nhờ trí tuệ và nghị lực sáng tạo còn ít lắm, chưa đông đảo như mong đợi. Năm ngoái tại Hà Nội có hội thảo bàn về văn hóa doanh nhân Việt Nam thời hội nhập, một chủ đề lớn, có trên 300 doanh nhân từ các miền khắp cả nước về dự. Nhưng số tham luận có chất lượng không đủ đếm trên một bàn tay anh ạ! Hầu hết các tham luận còn lại là xin Nhà nước cái này, mong được ưu đãi cái kia… Thú thực em không ngờ suy nghĩ theo kiểu xin-chobao cấp trong giới doanh nhân còn nặng đến vậy. Nhất là hầu hết những người tham luận không ý thức được chính mình mới là người chủ, người đề xuất ra chính sách, chứ không phải Nhà nước!
-         Thế nhà nước làm gì?
-         Nhà nước phải là người biết lựa chọn, biến hoá xây dựng những đề xuất ấy thành luật, thành chính sách của nhà nước.
-         Đọc một khảo sát trắc nghiệm của Ngân hàng PH, anh thấy trong nhóm “tốp” 500 doanh nhân tỷ lệ tốt nghiệp đại học thấp một cách thảm hại, số biết thạo một ngoại ngữ càng ít.
-         Văn hóa nói chung, văn hóa kinh doanh và trình độ học vấn của giới doanh nhân nước ta còn nhiều vấn đề lắm. Nhiều doanh nhân còn kém văn hóa theo đúng nghĩa đen.
-         Vậy tầng lớp “ đồng tiền ướt” là đồ bỏ hay sao?
-         Không nói thế được anh ạ. Đội quân ô hợp cũng là một đội quân, là một sản phẩm của chế độ, một tồn tại khách quan. Họ được tập hợp và hình thành rất nhanh, bao gồm cả đầu trộm đuôi cướp nữa.
-         Ví dụ như nhóm Cường đá?
-         Cường đá, Năm Hồng, Năm Cam… là loại đầu trộm đuôi cướp cao cấp.
-         Những tên tuổi như Lã Kim Kim em xếp loại gì?
-         Đấy là loại có tiếng không có miếng, lịch sử sẽ ghi lại việc họ liều mình cứu chúa hôi của họ.
-         Như thế làm sao có thể hy vọng vào họ?
-         Em không bi quan như anh. Tầng lớp “đồng tiền ướt” này cũng là diện mạo của khởi đầu quá trình tích tụ tư bản trong điều kiện của nước ta hiện nay chứ?
-         Nghĩa là “đồng tiền ướt” vẫn còn chút ít lương tri?
-         Em không quan tâm, làm gì có đồng tiền nào có lương tri? Dù ướt hay khô!.. Em chỉ tin vào thể chế. Thể chế tốt hay xấu sẽ góp phần đáng kể quyết định lương tri tốt, xấu của đồng tiền ướt, nếu anh tin là tiền có lương tri, anh Thạch ạ.
-         Hình như em thực tế đến mức thực dụng?
-         Em thực dụng đến mức rất thực tế! Nói như thế đúng hơn. – Yến cười.
-         Nói thế thì chịu rồi!.. – Thạch đưa cả hai tay ôm đầu mình như kẻ chịu hàng phục.
-         Chịu miền Nam hay chịu miền Bắc? – Yến trêu Thạch.

Thạch ớ ra:

-         Anh chưa hiểu.
-         Chữ “chịu” anh vừa nói ra là của miền Bắc. Còn “chịu” của miền Nam trong rất nhiều trường hợp là “ưng”. Em và Bảo Vân vẫn thường trêu nhau trong cái chuyện ô – lọng ấy mà!  - Yến rất tự nhiên.
-         Nhưng làm gì với đội quân ô hợp xuất sứ từ nhóm đồng tiền ướt này? –  Thạch chưa kịp hiểu câu nói đùa của Yến, vẫn bị cách nhìn của Yến về đồng tiền ướt cuốn hút.
-         Anh có nghĩ là có thể giải tán họ bằng một cuộc cải tạo tư sản lần thứ ba không?
-         Làm như thế chắc chắn sẽ tan hoang nền kinh tế một lần nữa.
-         Và chế độ cũng sẽ sụp luôn?
-         Có thể lắm. Anh không biết…
-         Điều chắc chắn sẽ là một trận cướp bóc mới hỗn quân hỗn quan, với một nền độc tài mới sẽ nổi lên...
-         Chú Nghĩa lý giải điều này rất thuyết phục. – Thạch thừa nhận.
-         Em tán thành. Những kịch bản như vậy chỉ làm cho đất nước tụt hậu thêm. Chắc bây giờ anh hiểu rõ hơn sự lựa chọn của em?
-         Với tính cách là người chống chế độ một cách triệt để nhất, đúng không?
-         Nghĩa là…? – Yến hỏi lại.
-         Là chống chế độ không phải với nghĩa chống đối, mà với ý nghĩa em đi tới một sự lựa chọn khác hẳn để thay thế nó!
-         Đúng. Em đang tìm một sự lựa chọn khác hẳn. - Yến thừa nhận.
-         Đang có một luồng ý kiến tả khuynh quy chụp rất mạnh  đấy. Em đừng quên điều này.
-         Em biết, vừa thật vừa giả!.. Mẹ Chính em đi họp chi bộ khu phố về kể cho em nghe nhiều chuyện kỳ cục đại loại như thế. Lại cũng nhân danh giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa!..
-         Nhưng chuyện cán bộ phải kê khai tài sản còn chưa làm được thì nói gì đến cải tạo tư sản đợt ba hả em? Như vậy với đội quân ô hợp “đồng tiền ướt” này, lối ra cho đất nước theo em là gì?
-         Vũ và em thảo luận mãi với nhau chuyện này rồi anh ạ. Con đường tối ưu là phải bằng mọi cách đào luyện đội quân ô hợp nước ta đang có trong tay này thành một đội quân tinh nhuệ mà đất nước đang rất cần.
-         Làm được không?
-         Khả năng này hiện thực hơn là xóa bỏ đội quân này, có thể ít phải trả giá hơn mọi kịch bản khác, nhưng con đường dài hơn, gian khỏ hơn.
-         Bằng cách nào?
-         Trước hết phải tự mình tạo ra luật chơi anh ạ, làm cho Nhà nước chỉ là người chấp thuận thôi.
-         Làm được không?
-         Biết nghĩ và biết hiệp đồng với nhau thì dần dần sẽ làm được. Từng bước một anh ạ. Đã có một vài việc thành công. Ví dụ Luật Doanh nghiệp bây giờ đã phải thừa nhận khá nhiều quyền của doanh nghiệp và doanh nhân rồi! Đấy là một bước. Bước tiếp là việc thực hiện Luật. Sắp tới mọi việc cứ phải làm tiếp như thế anh ạ. Không thể chỉ một bề cúi đầu xin - cho.
-         Xúi giục doanh nhân làm loạn à?
-         Không. Một khi doanh nhân ý thức được mình là người chủ đất nước, là người làm ra chính sách đáp ứng yêu cầu kinh doanh của họ, họ sẽ có ý thức đòi quyền của mình. Họ sẽ nên người. Đấy là con đường tự đào tạo, tự hình thành tính cách doanh nhân của mình. Chỉ có như vậy, dần dà họ sẽ trở thành một đội quân tinh nhuệ anh ạ. Chỉ có như vậy họ mới có thể tham gia đội ngũ tiên phong mở đường chấn hưng đất nước.
-         Em đáng bị khai trừ khỏi Đảng rồi. Giai cấp tiên phong và đội tiền phong chiến đấu của Đảng được đồng chí Yến đặt ở đâu?
-         Anh thích thì cứ nâng niu Đảng, cứ giữ lấy. Cuộc sống đất nước không cần những thứ anh thích.

Cả hai người đều cười vì câu chuyện dẫn đến tình huống này.

-         Nói đến thế mà em vẫn không xin ra khỏi Đảng?
-         Không bao giờ, anh Thạch! – câu trả lời cứ như tự bật ra từ trong tâm khảm. Yến ngồi cao hẳn lên, quay mặt về phía Thạch rồi mới nói tiếp: - …Điều này nung nấu em hàng chục năm nay rồi…
-         Nghĩa là…
-         Hoặc là Đảng hiện nay khai trừ em, hoặc là những người đảng viên trung thành với đất nước hãy cùng nhau đứng lên làm lại, xây dựng lại cái Đảng này.
-         Sao lại rối rắm như vậy? Chưa dứt khoát trong tư tưởng à? – Thạch ngạc nhiên.
-         Anh vẫn hiểu không đúng em.
-         … - Thạch chớp mắt lia lịa.
-         Đối với cái gọi là đảng hiện nay, đảng hôm nay thì phải đoạn tuyệt, nhưng sự nghiệp của đất nước thì phải kế thừa anh ạ. Em không chấp nhận Đảng hiện nay cướp đi những hy sinh của gia đình em[5]. Còn bao nhiêu người đã ngã xuống bên kia chiến tuyến của chúng ta, trong đó có cả họ hàng ruột thịt của em… Tất cả đều là xương máu của dân tộc mình… Em không muốn phản bội những điều em đã tuyên thệ: Sống vì đất nước này, chết vì đất nước này… Anh Thạch ơi, vì đất nước này…
-        

Thạch bất giác nắm lấy tay Yến, lâng lâng cảm giác khâm phục và kính phục... Song một luồng khí lạnh sắc lập tức ập tới, Thạch rùng mình, hai mắt nhắm nghiền… Dĩ vãng câu chuyện Thạch Thất sống lại trong ký ức…

...Mấy chục năm đi lang thang khắp nơi, hàng ngày tiếp xúc với đủ các lọai người của xã hội trong đục hỗn tạp, Thạch nhận ra điều quan trọng là tham gia trực tiếp vào sự vận động của đất nước ở khắp mọi nơi vẫn còn nhiều đảng viên tâm huyết. Trong môi trường kinh tế, trong biên chế nhà nước, trong hoạt động xã hội.., Thạch đều tìm thấy những đảng viên như thế. Song họ có cái nét chung là yếm thế, không có hay không còn tiếng nói quyết định trong môi trường họ sống. Thạch hiểu rằng chế độ này cho đến hôm nay chưa sụp đổ, Đảng cho đến nay còn đứng được trên đôi chân mọt ruỗng của mình, những đòi hỏi mới của đất nước còn được đáp ứng hoặc chấp nhận ở mức độ nào đó.., một phần rất quyết định nhờ số đảng viên tâm huyết này. Sự trì trệ và tha hóa trong Đảng đang gia tăng cũng có thể nhận rõ qua ảnh hưởng của những đảng viên này đang bị thu hẹp dần. Đó là xu thế đang diễn ra trong Đảng. Tuy nhiên, có một nét đáng chú ý là dù ở vùng suôi hay vùng ngược, nông thôn hay thành thị, đi đến đâu Thạch cũng thấy hầu như các đảng viên có trình độ chính trị và văn hóa đều vẫn giữ được bản lĩnh và phẩm chất của mình, trên nền tảng trung thành với lợi ích của đất nước.

Song cuộc sống không chỉ có thế, dư luận hàng ngày cũng dội vào tai Thạch quyết liệt: Phải khép tội những đảng viên tâm huyết này vào loại tòng phạm kéo dài sự tồn tại của chế độ chính trị hiện nay! Nếu không phải là kẻ tòng phạm, kẻ làm chất độn cho cái hệ thống đang rệu rã, thì cũng là những con chim mồi!..  Luồng suy nghĩ này nhức buốt nhất vào dịp Đại hội X vừa qua, khi xuất hiện trên diễn đàn báo chí hàng nghìn, hàng vạn ý kiến tâm huyết đòi phải xây dựng lại Đảng. Càng đi, Thạch càng thầm mong ước sao cho xu thế đang diễn tiến hiện nay trong Đảng sớm đảo ngược tình thế đất nước, song cũng càng thấy rõ hơn mong muốn này chỉ là ảo tưởng! Sự sụp đổ có lẽ là không tránh khỏi, nhưng tình hình đúng như Yến nói, còn lê thê lắm... Nhìn thấy mười mươi trước mắt mà đành bó tay sao?!.. Hôm nay tiếp xúc trực tiếp với Yến, Thạch lại được thêm một dẫn chứng sống đầy sức thuyết phục cho bao nhiêu suy nghĩ ngổn ngang, trái chiều nhau của mình, về thực trạng hiện nay của Đảng, về đất nước... Trong thâm tâm Thạch tự thú mình đi trước Yến cả một quãng đường đời, nhưng vẫn không có được cái nhìn quyết liệt và không dám dấn thân như Yến…

-         Ôi, lúc nào em cũng bướng như thế này hả Yến? – Thạch thốt lên.
-         Hơn mười năm tuổi quân rèn luyện cho em đấy.
-         Nhưng anh thì chỉ được nghe nói đến đại úy dược sỹ thạc sỹ quân y thoái ngũ, chưa đến nỗi đào ngũ!..
-         Họ chưa kịp chụp lên đầu em hai chữ đào ngũ thôi, làm được chắc họ đã không tha đâu.
-         Nâng đội quân ô hợp chúng ta đang có trong tay lên thành đội quân tinh nhuệ! Anh tâm phục khẩu phục ý tưởng này. Nhưng có làm được không?!!..
-         Chính suy nghĩ này tạo thêm động lực thôi thúc em phải mở trường anh ạ. Em chọn việc từ chỗ đứng của mình… Từng bước một trong cuộc vạn lý trường chinh này. Không thể giang tay ôm cả bầu trời được anh Thạch ạ!
-         Nói thế có nghĩa mọi người tâm huyết khác cũng phải từ chỗ đứng của mình lựa chọn việc phải làm vì đất nước?
-         Vâng, em nghĩ vậy. Cải cách chính trị đi đôi với phát triển là sự vận động tối ưu nhất đất nước ta phải có trong giai đoạn này anh ạ. Nhưng…
-         Nhưng hiện nay vẫn chỉ là mong ước? Có phải em nghĩ thế không?
-         Rất tiếc là như vậy anh ạ. Cải cách tự nó cũng là một phần của phát triển, còn cách mạng chỉ đập phá thôi. Mà đất nước này bị đập phá như thế là quá đủ rồi.
-         Quá đủ?
-         Đúng thế anh ạ. Những người có chức có quyền hiện nay không ý thức được nhiệm vụ cải cách này, họ đang trốn tránh nhiệm vụ này. Vì thế trong đề án đại học PH em rất chú trọng phần đào tạo ngắn hạn theo yêu cầu của học viên, chủ yếu nhằm vào số các doanh nhân đang tác nghiệp muốn tự nâng cao mình. Em muốn bọn em phải nhanh chóng trở thành số đông, càng đông càng tốt…
-         Ai chuẩn bị phần này?
-         Do nhóm PH đặc trách anh ạ. Phần này không giao cho ai khác được, các thầy chỉ phụ trợ thôi. Bởi vì nhóm PH phải tự tổng kết chính mình và một số trường hợp điển hình khác, tốt và xấu của Việt Nam.
-         Nét độc đáo nhất của nhóm PH là gì?
-         Muốn hiểu được, phải nhìn lại cả một giai đoạn lịch sử đấy, nếu em có quyền nói như vậy! Không ngẫu nhiên chút nào đâu.
-         Em cứ nói đi. – Thạch khẩn khoản.
-         Thoạt đầu là Bà Sáu Nhơn bắt bốn anh em Vũ năm sáu năm liền ngày đêm xay đậu làm sữa chua bỏ các nhà hàng trong Thành phố - để kiếm sống, để học thêm, và đặc biệt quan trọng là để hiểu môi trường kinh tế nơi mình sống. Năm sáu năm như thế anh ạ chứ không phải ít! Bà Sáu cầm tay chỉ việc từng lý từng tý, giảng giải mọi điều.
-         Bà phải là người có gan?
-         Anh thử tưởng tượng xem, trong những năm trước đổi mới, một bà đại tư sản có học thức như bà Sáu Nhơn, phải có một tầm nhìn và nghị lực như thế nào mới dám quyết đoán tới mức bắt cả bốn đứa cháu của mình đã tốt nghiệp đại học ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa vào hết trong Nam để lựa chọn con đường này.
-         Khi theo bố mẹ vào sống trong Nam, cả bốn anh em Vũ lúc ấy đều thất nghiệp hay sao?
-         Hồi ấy có chuyện giảm biên chế, nên xin việc ở đâu cũng khó anh ạ. Song cái chính là bà Sáu Nhơn quyết chọn con đường khác cho các cháu mình.
-         Gan bà Sáu Nhơn to vậy?
-         Vũ kể cho bọn em là bà Sáu Nhơn đã nhìn thấy nhiều chuyện qua việc cải tạo tư sản. Bà bắt các cháu mình kiếm sống bằng nghề làm sữa chua. Kết quả trong những năm này là mỗi người đều có thêm hai bằng đại học nữa, đấy là đại học Luật và đại học ngoại ngữ. Riêng ngoại ngữ của Vũ có thể nói là siêu. Chính bà nội Sáu Nhơn mới là người hình thành nhân cách doanh nhân của bốn anh chị em Vũ sau này anh ạ, kể cả văn hóa kinh doanh và đức tính không chịu khuất phục những điều sai trái. Chứ không phải bố mẹ là ông bà Hai Phong[6]. Hai bác là những đảng viên chân chính, nhưng hiền ơi là hiền…
-         Có.., anh có biết sơ sơ về ông bà Hai Phong.
-         Anh tính xem chỉ riêng bốn anh em nhà này đã 12 cái bằng đại học rồi, mà vì học cho mình, nên đấy là những bằng thực. Nhưng ý chí và nghị lực của họ.., em nghĩ không có loại bằng nào cấp cho họ được anh ạ. Họ không phải xấu hổ với bà nội mình. Khi bắt đầu có đổi mới, bốn anh em Vũ mới được bà nội cho bung ra lập các xưởng sản xuất của mình, bắt đầu từ thu gom các hàng đồ đồng nát.
-         Ông Tám Việt tặng cho cái tên con đường đồ đồng nát là hoàn toàn chính xác. – Thạch nhớ lại. - …Thế còn họ Phạm?
-         Em thì do hoàn cảnh đưa đẩy. Viện quân y K8 hồi ấy cho em đi học thêm cái bằng thạc sỹ về dược ở Anh và Thụy Điển để nâng cao tay nghề, mục đích là em sẽ về làm giám đốc bộ phận dược của Viện. Học xong về, đúng lúc bắt đầu đổi mới, em đề nghị giải thể bộ phận này để chuyên môn hóa nó, vì cho rằng trong thời bình không thể duy trì kiểu quân đội làm kinh tế và tự túc.
-         Sao lúc đó em không nói luôn là trong thời bình quân đổi chỉ có nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và không được làm chính trị?
-         Hồi ấy chưa nghĩ tới được mức ấy anh ạ. Giả sử có nghĩ được mà nói thế thì chắc em lại tăng thêm nhân khẩu cho trại biệt giam Thạch Thất của anh thôi!
-         Tính thời sự của câu chuyện này vẫn còn nguyên vẹn đấy em ạ.
-         Đúng thế, chính trị cao nhất và duy nhất của quân đội ta là bảo vệ vững chắc Tổ quốc! Không được hơn, không được kém. Em kể tiếp chuyện K8: Ý kiến của em bị bác, em tự nguyện xin xuất ngũ. Nguyện vọng được chấp thuận khá nhanh, với những lời phỉ báng nặng nề. Em gửi con cho bà nội, lặn lội khắp nơi đi xin việc[7]. Thoạt đầu là giúp được Vĩnh Phúc liên doanh với nước ngoài mở xí nghiệp dược, rồi tiến tới em có được xí nghiệp dược riêng của mình, dưới dạng góp vốn, bây giờ chuyển thành công ty cổ phần. Nhưng cuộc đời có những cái duyên bất ngờ anh ạ, không định mà thành.
-         Là như thế nào?
-         Khi xí nghiệp cơ khí của Vũ bị cánh Chín Tạ cướp mất đất, phải di dời đi nơi khác, bốn anh em Vũ đứng trước nguy cơ mất nghiệp. Vợ Vũ là Bích Ngọc đã có lúc bị tạm giam. Bác Lê Hải cho bọn em biết, thế là bọn em tìm cách cứu nhau và cứu được. Sau này cánh anh em Vũ đã hùn vốn với em mở xí nghiệp dược. Ngân hàng PH bây giờ chủ yếu là của hai dòng họ này. Phạm Trung Tín, con chú Lễ em, là một chuyên gia tuyệt vời về tài chính ngân hàng, là linh hồn của ngân hàng PH anh ạ. Vừa qua không có Tín thì Ngân hàng PH có lẽ cũng chìm nghỉm trong thị trường chứng khoán rồi.
-         Vì sao Ngân hàng PH không để Tín trực tiếp làm giám đốc? Hôm nay anh mới tiện hỏi.
-         Tín vẫn bị Nhà nước đối sử là Việt kiều anh ạ, nên cách phòng xa tốt nhất mọi chuyện là tụi em phải để Tín đứng ngoài, chỉ giữ vai cố vấn thôi.
-         Trong tình hình này, vừa tiến vừa thủ như thế có lẽ cũng phải… – Thạch thừa nhận.
-         Nhưng Kim, vợ Tín hiện là phó giám đốc điều hành ngân hàng PH, đảm đương hết mọi chuyện. Trên thực tế Kim là CEO loại xuất sắc đấy. Vì thế em và Vũ không phải mó tay vào việc gì trong Ngân hàng PH. Cuộc sống đúng là có con đường riêng của mình, không theo cái trận tuyến ý thức hệ nào cả, có phải không anh? …Nói theo ngôn ngữ chính trị của sự việc: Con gái liệt sỹ Việt Cộng đẹp đôi với con trai đại tá Ngụy. Gia đình Tín - Kim rất hạnh phúc anh ạ.
-         Anh hy vọng chú Nghĩa phần nào được an ủi về người liệt sỹ đã cứu mình[8]. Anh quên chưa hỏi thăm vợ chồng Kim Tín bây giờ mấy con rồi?
-         Một gái một trai anh ạ. Con gái lớn đã vào đại học rồi!
-         Ôi thời gian!.. – Thạch thắt ruột, liên tưởng đến những biến cố lớn trong gia đình mình.
-         Nếu trường đại học mở được, cánh họ Phạm trong nhóm PH sẽ có thêm đủ cả bốn con trai gái dâu rể của chú thím Nghĩa nữa, đấy thực sự là bốn cái đầu đáng nể trong hàng ngũ trí thức hiện nay.
-         Em tính cả Linda vợ Tân?
-         Sao lại không? Anh vẫn còn máu phân biệt chủng tộc hả?
-         Không phải thế. Anh nghĩ tới một tập hợp điển hình và rất mở.
-         Có thể nói như vậy được anh ạ.
-         Nghe em kể, anh càng ước ao những khát vọng của nhóm PH thành hiện thực. Đúng là phải làm mọi việc góp phần hình thành một đội quân tinh nhuệ… Nhóm PH tự nhận về mình một sứ mệnh không thể khác được…
-         Bọn em luôn ấp ủ ý thức chuyền nghề, chuyền nghiệp. Có khá nhiều sách báo và tài liệu tham khảo của ta và của nước ngoài rất bổ ích cho phần việc này. Góp gió với cả nước làm bão là như vậy đấy anh ạ.
-         Chuyền nghề, chuyền nghiệp! Anh hiểu, anh rất hiểu ý nguyện của Yến.
-         Tuy nhiên, thép luyện ra phải đổ vào khuôn mới có thể hữu dụng được anh ạ. Đội quân tinh nhuệ cũng chỉ có thể phát huy trong thể chế kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự mà thôi. Cho nên muốn đưa đất nước đi lên có chạy đang trời cũng không lẩn tránh được việc thiết lập một thể chế như vậy. Thể chế này giả hiệu thì không đội quân tinh nhuệ nào có thể thiện chiến được, may ra thì chỉ thiện chiến ăn thịt nhau thôi! Chỉ tiếc là Đảng hiện nay không có khả năng thấy hay không muốn thấy đòi hỏi tất yếu này...
-         Lại đụng đến chế độ chính trị, chạy đâu cũng không thoát. Sao em cứ hay nhấn mạnh đến Đảng hiện nay vậy?
-         Anh không thích thì goi là Đảng hôm nay vậy!
-         Không, không phải thế. Anh muốn hỏi sự nhấn mạnh của em trong tên gọi về Đảng.
-         Lúc nãy em đã chẳng nói là phải sớm tổng kết con đường từ đảng lãnh đạo trở thành đảng cai trị, có phải không? Thấm thoắt em đã gần một phần ba thế kỷ đứng trong hàng ngũ Đảng rồi đấy, không còn là trẻ con nữa đâu!.. Vì vậy những người lãnh đạo và Ban Tuyên giáo không thể tùy tiện nói ngược nói xuôi với tụi em thế nào cũng được. Đảng hiện nay hay là cái nhân danh Đảng nhiều khi chỉ là một thôi! Thật đáng buồn…
-         Làm sao em có thể nhận xét như vậy?
-         Không phải nói đâu xa xôi. Anh cứ nhìn lại Đại hội X gần đây nhất sẽ thấy. Trong Đảng, ngoài Đảng lúc bấy giờ có biết bao nhiêu ý kiến xây dựng. Kết quả cuối cùng thế nào? – giọng nói của Yến có phần bực bội.
-         Em đang trút giận lên đầu anh?
-         Không có đâu. Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XII sau đó, rồi việc xây nhà Quốc hội mới, việc mở rộng Thủ đô.., tất cả càng cho  thấy đất nước đã hội nhập toàn diện rồi... Đất nước bây giờ phải đối chọi với cả thế giới, thế mà những người lãnh đạo Đảng vẫn còn duy ý chí, coi thường dân, coi thường trí tuệ một cách quá đáng! Chỉ quan tâm đến mối lợi riêng của mình là quyền lực và tiền!..
-         Em không nghĩ là Đảng như thế chỉ quan tâm đến cái đế chế riêng của mình hay sao?
-         Không!
-         Em nói cái gì?
-         Dứt khoát không!
-         Sao em dám cả quyết như vậy?
-         Những người này thất học, nhưng giỏi vơ vét ăn bốc những cái trước mắt. Đầu óc họ không với tới được tầm nghĩ đế chế đâu! Em không muốn vơ đũa cả nắm, nhưng phần đông họ là những thứ lý trưởng, chánh tổng và các cậu ấm cô chiêu thời hiện đại. Bố Chính em nhận xét như vậy và em thấy đúng.
-         Ác khẩu như thế sẽ bị quy kết là mạt sát đấy! – Thạch muốn hiểu thấu đáo suy nghĩ của Yến.
-         Không ác khẩu đâu anh Thạch. Em nghĩ thật như thế về họ đấy. Họ thất học là vì học giả, được đào tạo ra từ một hệ thống học giả. Dậy cái gì trong hệ thống này nếu không lỗi thời thì cũng là của giả. Từ khi bắt tay vào xây dựng đề án Đại học PH, em càng chú ý tới cái lò luyện người của hệ thống chính trị nước ta.
-         Em phê phán xã hội cả bằng con mắt sư phạm?
-         Chuyện này em học được ở thím Nguyệt anh ạ. Khác hẳn với các bậc tiền bối của họ, bây giờ người nắm quyền lực chỉ có lòng tham… Họ còn có gì nữa?.. Phải, họ còn có sự u mê và nỗi sợ đang dẫn dắt lòng tham quyền lực của họ. Chỗ này họ kém xa đám lãnh đạo của Tầu anh ạ!
-         Em nói rõ hơn xem nào.
-         Nếu có mưu đồ vương đế gì thì đã không chịu hèn, càng không bắt cả nước cùng hèn theo họ như thế này! Thái độ của họ đối với Trung Quốc kể từ khi phe xã hội chủ nghĩa sụp đổ là hèn! Bắt đầu tự hội nghị Thành Đô…

Thạch rùng người, ghé sát vào tai Yến:

-         Nói khẽ thôi em!
-         Vâng. Lãnh đạo Trung Quốc dù là gì gì đi nữa, nhưng họ còn đề ra được cái chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, còn trương lên được cái thuyết 3 đại diện[9]. Cái toàn trị bên trong và cái Đại Hán hướng ra bên ngoài được giấu diếm kín đáo trong cái bỏ bọc này! Một cách xử lý thông minh quỷ quyệt đến ghê sợ anh ạ!.. Những thứ này cho phép Trung Quốc làm gì cũng được, kể cả cuộc chiến tranh tháng 2-1979 và cách hành xử của họ hiện nay trên Biển Đông… Thế còn lãnh đạo ta đề ra được cái gì cho nước ta ngoài cái khẩu hiểu “Giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa!” hả anh?..
-         Nguyên do của lãnh đạo ta?
-         Em nghĩ mãi rồi, sự nô dịch của ý thức hệ cùng với lòng tham quyền lực đã bịt mắt họ và làm nên cái hèn cái ngu của họ! Trí tuệ là một thứ gì đó xa lạ đối với họ anh ạ, thậm chí còn bị coi là thuốc độc, là thù địch... Để tồn tại, họ chỉ có mỗi phương thức “con ông cháu cha” ngày càng cận huyết!..
-         Em quyết liệt quá… Nếu là lãnh đạo, em sẽ đề ra cái gì cho đất nước mình?
-         Em chưa bao giờ nghĩ đến chuyện này.
-         Ô hay, em phải có điều gì đó làm cơ sở cho sự phê phán của mình chứ! Chẳng lẽ cứ nói bừa lấy được thôi à? – Thạch chủ tâm truy đuổi đến cùng  suy nghĩ của Yến.
-         Anh đề ra câu hỏi hay đấy. Khi thẩm vấn chú Nghĩa ở Thạch Thất anh có hay vặn vẹo như thế không?
-         Không chơi trò đánh trống lảng. – Thạch cười.

Yến ngẫm nghĩ một lúc:

-         Em vẫn chưa có câu trả lời. Nhưng có ý chí ta phải là chính ta thì mới nói chuyện được với thiên hạ.
-         Giỏi lắm! Nghĩ thế là đúng đấy. – Thạch nắm lấy tay Yến, tán thưởng.
-         Bây giờ sự khác nhau quyết định nhất so với lúc Đảng còn làm cách mạng có lẽ ở chỗ: Ngày nay trong Đảng ý chí và trí tuệ chịu đầu hàng trước tha hóa và quyền lực anh ạ. Dân chủ bị bóp chết ngay từ trong Đảng.
-         Vì thế đường còn dài lắm?..
-         Em không quan tâm lắm đến đường dài đường ngắn. Nhưng là lực lượng chính trị lãnh đạo đất nước, mà một mặt thì nhu nhược đối với tha hóa, chịu để quyền lực lũng đoạn, mặt khác lại để cho tất yếu khách quan của cuộc sống cứ lôi đi xềnh xệch, trong khi đó chỉ một mực siết dân. Thử hỏi như thế đất nước sẽ đi về đâu?
-         Thôi, vách có tai em ạ, chúng ta nói chuyện khác đi. Có khả năng đề án mở trường thất bại không?
-         Không loại trừ anh ạ. Hàng ngày em phải nhìn thẳng vào khả năng này. Song mở được trường sẽ là một bước đột phá đầy hy vọng.  Nó sẽ là một trong những điểm hội tụ của những khát vọng lớn lao.
-         Em có đủ tự tin không?
-         Không quyết đi, càng không bao giờ tới đích. Em đang dự phòng hai địa điểm khác. Nhưng địa điểm mới chỉ là một mối lo thôi.
-         Có nhằm vào Thạch Thất không? Anh biết tại đấy đất đai còn rộng lắm.
-         Đấy bây giờ cũng là Thủ đô rồi... Đô thị Thạch Thất… Nhưng coi chừng… Không cẩn thận có khi cả hai chúng mình bị túm vào trại Thạch Thất của anh đấy!..
-        

Chú ý, chú ý máy bay của chúng ta sắp hạ cánh, xin mời quý khách dựng thẳng ghế và cài dây an toàn… 

Cả Yến và Thạch đều có cảm nghĩ chuyến bay này đến Hà Nội rất nhanh…

          Khi ai về nhà nấy, Thạch mới có thể định thần nghĩ lại toàn bộ câu chuyện đã trao đổi với Yến trong chuyến bay. Thạch không sao hiểu nổi một phụ nữ có vẻ đẹp duyên dáng hiền lành mà mọi suy nghĩ, ý tưởng lúc thì cứ như thép như lửa, lúc táo bạo một cách lạnh lùng…

          …Giữa hai con đường phải chọn lấy một -  chủ nghĩa tư bản hoang dã và chủ nghĩa tư bản của phát triển! Phải biến đội quân ô hợp “đồng tiền ướt” thành đội quân tinh nhuệ của đất nước…  Ôi Yến!..

          Bất giác Thạch cười về sự chậm hiểu của chính mình: …Chịu miền Bắc hay chịu miền Nam!..





[1] Vụ Huỳnh Ngọc Sỹ.
[2] Tản Đà.
[3] Giá 1 vé này là 1800 USD, giá vào cửa thấp nhất là 200 USD.
[4] 1743-1793

[5] Những tổn thất trong gia đình họ Phạm: Gia đình nhà giáo cụ Pham Trung Tuyên có 5 người con, theo thứ tự là Phạm Trung Chính, nguyên đại tá (thương binh) Phạm Trung Nghĩa, nguyên đại tá quân đội Sài Gòn Phạm Trung Lễ, Phạm Thị Hoài, và Phạm Trung Minh, tất cả đều có gia đình riêng, con cháu 5 gia đình thế hệ thứ hai này họ Phạm đều trưởng thành.  Bị xé lẻ ngay từ khi mới bắt đầu kháng chiến chống Pháp. Gia đình Phạm Trung Lễ và gia đình Phạm Thị Hoài sống ở trong Nam, sau 30-04-1975 sang định cư ở Mỹ. Gia đình Kỹ sư tồng giám đốc Phạm Trung Chính có con trai là đại uý Phạm Trung Nam – chồng của Yến, hy sinh tại chiến trường Campuchia. Gia đình đại tá QĐNDVN Phạm Trung Nghĩa có chính ông Nghĩa là thương binh tại mặt trận Quảng Trị. Gia đình kỹ sư điện tử Phạm Trung Minh, gồm 2 vợ chồng và hai con, tất cả 4 người này bị trận bom B52 của Mỹ ném xuống Khâm Thiên giết chết ngày 18-12-1972. Gia đình đại tá quân đội Sài Gòn Phạm Trung Lễ, có con gái là Phạm Thị Huệ bị hải tặc giết trong khi di tản. Yến còn có người chú họ (con cụ Phạm Trung Hoc), thiếu tá quân đội Sài Gòn, chết tại Bảo Lộc… (Xem Dòng đời).

[6] Xem thêm Dòng đời, quyển một, tập II, trang 528…  và trang 695…
[7] Xem thêm Dòng đời, quyển một, tập II, trang 611.., và trang 723… .
[8] Xem thêm: Dòng đời, quyển một, tập II, tr. 622…
[9] Do Đặng Tiểu Bình đề xướng: ĐCSTQ đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến nhất, đại diện cho lợi ích của đại đa số nhân dân Trung Quốc, đại diện cho văn hóa tiên tiến của Trung Quốc.

1 nhận xét: