Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

"Lũ" - Final Draft April 2015



2


S
au khi để cho các tia nước nóng mát sa thỏa thuê trên làn da khắp thân thể mình trong tâm trạng hoàn toàn thư giãn, Yến mới bấm chuông cho Lan, người giúp việc riêng, vào tắm cho mình.

Người giúp việc tay khăn, tay khay đựng đồ tắm bước vào. Song gần như lần nào cũng thế, cô ta ngây ngất đứng ngắm nhìn Yến bồng bềnh trong bồn tắm hồi lâu rồi mới lên tiếng:


-         Con thấy sếp hôm nay mát sa nước lâu hơn thường lệ đến mươi mười lăm phút.
-         Vậy hả Lan? Tại chuyến bay dài quá, lại trễ mấy tiếng đồng hồ ở Taipei. Về lại phải lao vào ăn cỗ ngay…
-         May quá, sếp vẫn còn về kịp buổi giỗ hai cụ.
-         Nhưng thời gian được nghỉ sẽ phải rút bớt.
-         Con đã chuẩn bị xong lâu rồi, đứng ngắm sếp thích quá mà chưa thấy sếp gọi vào.
-         Có lẽ tại hôm nay tham ăn nên thấm mệt.
-         Nhìn lịch làm việc sếp giao cho mà con phát khiếp. Trẻ như con cũng chịu thua.
-         Tất cả là thói quen thôi Lan ạ. Chờ sếp lâu như thế có sốt ruột không?
-         Chờ lâu nữa cũng được sếp ạ. Sếp đẹp quá… Con đứng ngắm mãi không chán… Lần nào cũng ngỡ là có một nàng tiên xuống bơi trong bể bơi nhà mình...
-         Định chiêu đãi sếp bánh rán có phải không?… Mũi sếp không phổng nhanh thế đâu!
-         Con nói thật đấy. Sếp còn thon thả hơn cả con là gái chưa chồng đấy sếp ạ. Con thua xa!..
-         Kết quả của chịu khó tập luyện Lan ạ. Bận đến mấy cũng không được bỏ tập. Đêm hôm qua sếp tập khí công cả ở trên máy bay, vì mỏi quá.
-         Sếp có nước da trắng hồng, mịn ơi là mịn.
-         Con cũng thế, không thấy da con bắt nắng bao giờ…
-         Vẫn không thể so với sếp được ạ… - người giúp việc đặt khăn và khay đồ tắm lên ghế, cởi hết quần áo đang mặc rồi mắc lên móc, sửa lại búi tóc đuôi ngựa cho cao lên, thong thả bước vào bể bơi Yến đang tắm…

Lan có nước da trắng mà Yến cũng phải khen, dong dỏng cao cùng tạng người như Yến, với cái đẹp thanh tú của con gái đang chín tuổi dậy thì…

Bây giờ là hai nàng tiên giáng thế…

Không biết là họ đang tắm cho nhau hay đấy là ngôn ngữ của hình hài tuyệt mỹ giữa hai con người mà chỉ có bàn tay siêu phàm của tạo hóa mới tạc thù nên được…

Từng làn nước nước nô đùa đuổi bắt nhau trên khắp thân thể họ, thi nhau mơn trớn các bờ cong, khe suối, núi non.., làm tung bay muôn vàn bong bóng ly ty đủ mầu sắc… Dưới chân họ các làn sóng nước ghen tuông nổi cồn xô đẩy nhau… Sóng đuổi sóng, chúng muốn thi nhau vươn cao lên nữa... Trong hơi nước lúc mờ lúc ảo, lúc êm dịu lúc ngây ngất hương lá chanh, không gian phòng tắm như là nơi chốn nối liền cõi thiên thai với dương thế…

-         Hôm nay nước quả nhà ta làm nhiều lắm sếp ạ, con chỉ chọn toàn bã táo xay đem giã cùng với mướp đắng. Lượng mật ong và sữa chua con cho nhiều hơn mọi khi một chút.
-         Đồ tắm cho sếp hôm nay có nhiều chất dinh dưỡng tự nhiên hơn có phải không?
-         Vâng ạ. Vì thế con giảm đáng kể lượng kem dưỡng da sếp ạ. Mấy quả chanh tươi hôm nay mọng ơi là mọng…– Lan vừa nói vừa trộn khăn go vào khay đựng những thứ vừa kể trên rồi lấy ra kỳ cọ theo kiểu mát sa khắp cơ thể cho Yến.
-         Pha chế như thế là con thuộc bài đấy. Bí quyết loại mỹ phẩm tự chế này   ai mua cả triệu đô cũng không bán.
-         Có lẽ dùng mỹ phẩm độc đáo tự chế như thế này con thấy da sếp mịn lạ lùng...
-         Đi các Spa trong nước và thế giới, cô vẫn thấy con tắm cho cô ở nhà là số một! Không một Spa nào bằng… - Yến chuyển cách xưng hô khác lúc nào không biết.  - …Nhiều quý phú nhân và hoa khôi cứ hỏi cô bí quyết gì, dùng mỹ phẩm nào... Cô giảng giải cho nghe nhưng số đông cho là cô giỡn họ! Có người nghĩ là cô quê  mùa và bủn xỉn.
-         Văn hóa họ đến thế thôi mà sếp. Cứ bôi trát mãi hóa chất vào người, rồi sẽ có ngày…
-        

Câu chuyện không chủ đề như thế giữa hai người lan man đến lúc Yến nằm dài trên tấm đệm mút để Lan đắp các chất dưỡng da lên mặt...

Yến thiếp đi trong cái ngủ bình yên, thanh thản.

Làm xong các việc còn lại, nhìn đồng hồ trên tường rồi chờ một lát nữa Lan mới khe khẽ đánh thức Yến dậy, tắm lại cho Yến, rồi hai người xuống bể bơi vùng vẫy chút nữa.

Yến hướng dẫn Lan một số động tác thể dục thẩm mỹ dưới nước.., cho đến khi nhạc chuông đồng hồ đủng đỉnh tiễn hai người ra khỏi phòng tắm…


T
rở lại phòng riêng của mình trước khi đi ngủ, Yến xem lại một lượt quần áo, nữ trang, giầy dép, các thứ linh tinh khác, túi, ví, điện thoại… Lan đã chuẩn bị cho mình.  Yến mở vali nhìn lại một lần nữa quần áo cho chuyến đi nước ngoài vào chuyến bay chiều mai, trong đầu điểm lại vài việc và cảm thấy yên tâm… Sau đó Yến sang phòng thờ thắp cho bố mẹ mình và cho chồng một nén hương, ngồi tĩnh tâm một mình trước bàn thờ dăm ba phút.

          Quay lại phòng riêng, Yến nằm ngả dài trên ghế sofa thư dãn một lúc, thả cho tâm tư mình  chơi vơi trong giai điệu của  bản concert viết cho Violine của Ludwig van Beethoven (Violine Concerto D major Op.61c) mà Yến đã cùng nghe với Nam trong những ngày mới cưới nhau. Một làn hơi thở âm ấm quẩn quanh đâu đó… Tiếng độc tấu và tiếng hợp tấu hòa quyện quấn quýt lấy nhau, lúc nỉ non, lúc dộn dàng, lúc réo rắt da diết… Yến cảm thấy như đang bay vào không trung…

Yến thường nghe nhạc như vậy lúc rỗi rãi mỗi tối khi đi xa về.

Lúc này Yến mới để ý đến lọ hoa trên bàn. Một bông lan tím quấn quýt một bông lan trắng vút lên cao, giữa những bông vi linh hương nhiều mầu sắc lấp lánh như các vì sao… Lời của hoa là tiếng vỹ cầm và tiếng dương cầm vọng lên trong phòng, lúc dồn dập, lúc réo rắt, nỉ non…

Lọ hoa đơn giản, trang nhã và đẹp quá… Yến thốt lên như vậy rồi bấm chuông.

Lan bước vào:

-         Sếp gọi con ạ?
-         Ai dậy con cắm lọ hoa này? – Yến ngồi dậy.

Lan hồi hộp, chưa biết lành dữ thế nào, mãi mới nói được:

-         Thưa sếp con học trên tivi cách cắm hoa của người Nhật ạ. Trông có được không ạ?

Yến cười, không trả lời ngay:

-         Sếp hỏi, con phải nói thật nhé?
-         Vâng ạ.
-         Con đang yêu có phải không?

Mặt Lan trắng ra rồi chuyển sang đỏ ửng:

-         Sếp nghe được tiếng nói của hoa có phải không ạ? – Lan thú nhận.
-         Hoàng tử là ai thế?
-         Thưa sếp, là người đang cùng học tại chức với con ạ, nhưng anh ấy sắp tốt nghiệp rồi ạ. Cũng môn kinh tế như con.
-         Cô chúc mừng.

Lan khẽ thở ra thật dài, nhẹ nhõm, Yến nghe rõ, trong lòng cũng thấy vui lây, nên tìm cách chuyển hướng câu chuyện cho Lan đỡ hồi hộp:

-         Con bây giờ chuẩn bị thi học kỳ đầu tiên có phải không? Có đủ thời giờ học không?
-         Vâng. Con đủ thời giờ ạ, các bài tập con đều được điểm khá ạ.

Yến im lặng hồi lâu, cân nhắc xem nên nói với Lan điều gì lúc này là thích hợp nhất. Hiểu tính Yến, Lan hồi hộp đứng chờ. Yến cầm lên tay cái bút chì trên bàn, chấm chấm vạch vạch một vài nét, không phải là để viết cái gì, mà để gạn lọc trong đầu các ý nghĩ. Cuối cùng Yến đặt bút xuống bàn:

-         Cố gắng nhé. Sếp lo cho con không bằng chính bản thân con tự lo cho mình. Nói thế có hiểu không?
-         Con hiểu ạ.
-         Sếp hy vọng thế. Lan này, …
-         Dạ.
-         …Nếu biết cách học hai người với nhau, sẽ học giỏi đấy. Nếu…
-         Con hiểu ạ. Con sẽ cố ạ. – Lan vừa nói, vừa nhìn thẳng vào mắt Yến – gần như một lời cam kết.
-         Bây giờ sếp có thể chúc mừng… Cảm ơn con đã chuẩn bị mọi thứ cho sếp ngày mai rất chu đáo.
-        

Sau khi Lan cáo lui, Yến ngồi lại làm tiếp một số việc, song đầu óc còn lởn vởn một lúc với câu chuyện của Lan, cô gái may mắn...

Bố Lan là bộ đội trên chiến trường Campuchia, chết vì sốt rét ác tính sau khi phục viên. Nhà nghèo, Lan hai lần thi tốt nghiệp trung học phổ thông không đậu. Chuyện đã lâu rồi, nhưng sau đó lại trúng tuyển công nhân xí nghiệp dược Mê Linh. Nhớ đến những đồng đội đã cùng chiến đấu với chồng mình, lại thấy Lan dễ nhìn, có vóc dáng thanh tú, nên Yến rất chú ý. Hỏi thăm mọi người, được biết Lan là người đức hạnh và có chí… Yến quyết định tuyển Lan về làm người phục vụ riêng cho mình, với chủ định tạo điều kiện cho Lan học tại chức đến hết đại học để chuẩn bị việc lâu dài...

Lan cảm ơn trời phật về phận may của mình… 

Tuy không nói ra, Yến cảm thấy đang hình thành dáng dấp một tình cảm mẹ con giữa hai người. Hôm nay Yến thấy lòng vui vui khi Lan dám thổ lộ với mình điều sâu kín trong lòng…

Trở lại câu chuyện hôm nay, Yến không biết trước việc ông Chính và tướng về hưu Lê Hải chọn thời điểm ngày giỗ ông bà nội để khởi đầu một việc cực kỳ hệ trọng đối với PH. Yến cảm thấy phần nào nhẹ nhõm và đánh giá cao sự chín chắn của Thạch. Nỗi lo ít nhiều vợi đi: Hy vọng hậu phương của tập đoàn HP sẽ ngày càng được củng cố, nhất là trong lúc này có thêm người như Thạch. Hôm nay là lần đầu tiên Yến tiếp xúc với Thạch. Yến thừa nhận đánh giá của mọi người trong nhà về ông quả không sai, trong lòng thầm cảm ơn trời đất là gia đình họ Phạm quy tụ được nhiều con người đáng quý.

Có tiếng gõ cửa:

-         Mẹ vào với con một lúc được không? – bà Chính hỏi.
-         Ôi mẹ, con đang mong mẹ tới.
-         Lẽ ra mẹ đến sớm hơn. Trung Nam dắt bạn gái đến giới thiệu. Mẹ nói nhiều chuyện với hai đứa, cái chính là để xem bạn gái của Trung Nam là người thế nào.
-         Mẹ thấy có được không ạ? Con biết hết mọi chuyện, nhưng con nhất định chờ cho đến khi Trung Nam tự mình thưa chuyện với con.
-         Chuyện này ta nói sau. Trung Nam cũng xin mẹ đừng nói gì với con vội.
-         Chúng ta cùng chờ, mẹ nhé? Đã mấy năm rồi mẹ nhỉ?
-         Có lẽ gần hai năm rồi. Cũng có thể hơn… Nhưng chuyện vẫn là thời kỳ mới bắt đầu mà... Từ cái hôm cả nhà ta đi dự buổi trình diễn nhạc Văn Cao và Trịnh Công Sơn tại Nhà Hát lớn. Con nhớ chứ?
-         Con biết. Ngay khi ra về Trung Nam đã liêu siêu như người mất hồn vì cô ca sỹ Vi Thanh này rồi… Từ hôm đó hình như không lần nào nói chuyện với con mà Trung Nam không nói đến Vi Thanh.
-         Mẹ nào con ấy thôi. – bà Chính cười.
-         Mẹ nói thế là thế nào ạ?
-         Giống như con bị cái tranh Phạm Trung Nam vẽ tặng hớp hồn con ấy mà. Có khác nhau gì đâu…
-         Thế là chính mẹ nói xấu con trai mẹ nhé! Không phải con!..

Bà Chính không trả lời ngay mà ôm lấy Yến, nhìn vào tận trong mắt Yến:

-         Mẹ là mẹ của các con các cháu mẹ. Mẹ hiểu con hiểu cháu mình chứ!
-         Vâng.  – Yến ghì chặt lấy bà Chính, nói sát vào tai: - …Mẹ chỉ được cái nói đúng ạ!

Bà Chính vội gạt nhanh giọt nước mắt trên mặt mình rồi buông yến ra:

-         Qua câu chuyện hôm nay con thấy chú Thạch thế nào?
-         Con thấy nhà mình hình như là nơi hội tụ những người cứng đầu cứng cổ nhất nước Nam này, có phải thế không mẹ?
-         Con cũng “đại ngôn” bắt chước chú Nghĩa hả?
-         Vâng. Con là cháu chú Nghĩa mà! Con thấy chú Thạch là người có cá tính đấy.
-         Con nhận xét cho mẹ nghe xem nào. – bà Chính ướm.
-         Con chỉ cần mô tả chú ấy bằng một từ là đủ.
-         Từ gì vậy?
-         Đó là lỳ ạ!
-         Mẹ đồng ý.
-         Nhóm PH chúng con đang cần những cái đầu lỳ như thế. Chú Thạch trẻ hơn con nghĩ rất nhiều, thế mà cứ phải gọi bằng chú! Tức chết được!
-         Thế thì gọi bằng anh đi…
-         … - Yến lặng thinh không nói, nhưng hai má bừng bừng.
-         Cách xưng hô của ta nó rối rắm thế đấy!..  Theo chú Nghĩa vừa mới kể,  Thạch chỉ hơn con chừng mươi tuổi là cùng thôi. Có khi không đến đâu… - bà Chính cười mỉm, rồi bỏ lửng câu nói.
-         Thế thì con không gọi là chú đâu. Gọi thế khó nghe lắm.
-         Vậy hử?... Hai người cứ chịu khó thi nhau cái tính bướng ấy đi... – bà Chính ít nhiều hóm hỉnh.
-         Tối nay mẹ ngủ lại với con được không? – Yến đánh trống lảng.
-         Chuyển đề tài nhanh thế!.. Tối nay mẹ muốn sang ngủ với con. .. Kỳ này con đi vắng nhiều ngày, mẹ nhớ con quá.
-         Vâng, cái chính là thủ tục xin mở trường đại học rườm rà quá mẹ ạ, không đếm xuể bao nhiêu khâu, chiếm mất bao nhiêu thời giờ của con. Đã bấn càng thêm bấn, trong khi đó các việc khác con không bỏ được. Chuyến đi châu Âu của con vừa qua dài ngày quá…
-         Việc xin lập trường đại học tạm ổn chưa con?
-         Gần xong được phần giấy phép của Bộ rồi mẹ ạ, bây giờ lại đến phần cấp đất, mặc dù thành ủy đã có công văn chấp thuận gửi các ban ngành. Nhưng…
-         Nhưng chuyện gì nữa con?
-         Giấy phép cầm chưa nóng tay đã có công văn chất vấn chương trình giảng dạy.
-         Mẹ nghĩ chương trình đã có trong hồ sơ chi tiết, vì thế mới được xét cấp giấy phép chứ?
-         Vâng, đúng như thế ạ. Nhưng trong giấy phép thòng một câu: Chương trình giảng dạy phải phù hợp quy định của Bộ. Sáng nay Khái điện cho con Bộ lại có trát mới! Thế là lại có thêm việc để trình bẩm... 
-         Thế mà mẹ nghe nói bây giờ thoáng hơn. Đã tìm được địa điểm chưa?
-         Rồi ạ. Đất đai Bảo Vân đã sẵn sàng từ mấy năm nay, mua được liền khoảnh, cộng lại có thể hơn hai mươi hecta ở Đồng Dơi, gần các trục giao thông mẹ ạ.
-         Ai trông coi?
-         Chính những chủ bán đất mẹ ạ. Bảo Vân lập một trang trại, chi cho họ một khoản phụ cấp nhỏ ban đầu, tiếp tục cho chủ đất canh tác đến khi hợp thức xong việc mua bán và chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho việc xây dựng trường.
-         Trời ơi nhiêu khê thế hả con? Đất mình bỏ tiền ra mua mà lại còn phải chờ giấy phép cấp đất?
-         Nếu được cấp thì còn phải bỏ tiền ra mua quyền sử dụng đất nữa mẹ ạ.
-         Mua lại cái của mình đã mua?
-         Vâng. Với cái giá chỉ có trời biết.
-         Lại còn thế nữa hả con?
-         Vâng. Còn tùy các quan chức làm luật hay thực hiện luật mẹ ạ! Luật và quyền sử dụng đất đai của nước mình nó cao su lắm. Tiền của mình bỏ ra hẳn hoi mà cái gì cũng mong manh, chui lủi. Thị trường bất động sản ở nước ta là bệnh hoạn nhất, có lúc là chiến trường thực sự mẹ ạ.
-         Thế sao đầu tư nước ngoài họ vẫn vào?
-         Thị trường Việt Nam vẫn nhiều cái hấp dẫn lắm mẹ ạ. Nhưng chính sách và cơ chế như hiện nay thì chỉ béo bở các nhà đầu tư loại cò con hay đánh quả thôi. Loại đầu đàn và làm ăn nghiêm túc còn ít lắm.
-         Mẹ nghe nói Bảo Vân là vua đất Cần Giờ có phải không?
-         Cô ấy giỏi lắm mẹ ạ, thừa hưởng cái gen bà nội mình. Tội nghiệp cho Bảo Vân, rõ ràng chồng bị cố tình giết hẳn hoi mà tòa vẫn cứ coi là tai nạn giao thông. Cả nhà Bảo Vân kiện đi kiện lại mấy năm trời mà vẫn không đâu vào đâu.
-         Có tệ hơn cả cái vụ hai cháu gái học sinh trên đường Láng – Hòa Lạc năm nào không?
-         Vụ Láng – Hòa Lạc là tội đua xe ô-tô làm chết người, còn đằng này là chuyện xe tải cố tình đâm thẳng vào xe Quân, may là Bảo Vân hôm đó đi đường dài thèm ngủ ngồi phía sau nên thoát chết.
-         Nhưng bây giờ đã rõ nguyên nhân chưa hả con?
-         Càng ngày càng rõ mẹ ạ. Một sự trả thù hèn hạ. Bảo Vân nói với con: Quân phải trả giá cho khu đất Đồng Dơi để xây trường đại học bằng chính mạng sống của mình.
-         Trời đất ơi!..
-         Một đai gia có thế lực định hớt tay trên, nhưng thua cuộc nên giao cho bọn đàn em trả đũa mẹ ạ. Bảo Vân đúng là có cái gan của bà Sáu Nhơn. Chồng bị giết vẫn không đầu hàng mẹ ạ!
-         Có sợ chuyện con kiến mà kiện củ khoai không con?
-         Đối với bọn mafia thì không biết đằng nào mà lường ạ. Cách tốt nhất là cứ lôi mọi việc ra ánh sáng. Bảo Vân quyết làm như thế. Cả nhóm PH tụi con cũng đồng tình. Có những việc mình phải chịu lùi bước vậy, song riêng việc này tụi con bàn với nhau phải đi tới cùng.
-         Để thắng kiện?
-         Không ạ. Không có chuyện ấy được đâu… Chắc chắn lại là một vụ đâm xe Láng – Hòa Lạc mới thôi. Nhưng tụi con kiện tiếp, cái chính là để cho đại gia này đừng lấn tới nữa và giữ đất. 
-         Thật ra các con hai họ PH nhà mình toàn những người hiền khô, nhưng chỉ vì muốn ngoan nên bướng dễ sợ! – bà Chính vừa nói vừa lắc đầu.
-         Ý mẹ nói chúng con chưa đủ hư để làm người hiền lành dễ bảo có phải không ạ?
-         Hai mẹ con mình nói chuyện buồn cười nhỉ! Mẹ muốn nói chỉ tại chúng ta yêu lẽ phải thôi. Yêu như thế, nên chúng ta muốn sống nghiêm chỉnh, nhưng cuộc sống lại cứ bắt mình phải uốn éo.
-         Quả là chúng con chưa đủ uốn éo thật mẹ ạ.
-         Theo mẹ, đấy là nhược điểm lớn nhất, không phải, là khó khăn lớn nhất của các con.

Chuông điện thoại di động trên bàn reo.

-         Con nghe điện đi.
-         Chắc là Cẩm Liên đấy ạ. Giờ này chỉ có một mình Cẩm Liên mới được phép gọi cho con vào máy này.

Yến nhấc máy, nghe một lúc, hỏi thêm vài câu rồi tắt máy.

-         Cô thư ký nhắc lại giờ bay chiều mai của con và cho biết phía đối tác nước ngoài muốn bổ sung thêm đề tài đàm phán. Thiếu Cẩm Liên và Lan có lẽ con phải dẹp tiệm thật mẹ ạ. Hai cô gái này thông minh và hợp với con.
-         Ôi Yến của mẹ! Lúc nào thì con sống cho chính mình?
-         Mẹ ơi, con sống cho mình một ngày đủ 24 giờ đấy chứ ạ! Không vì mình thì con sống làm sao được ạ?
-         Mẹ hiểu chứ…

Yến đứng dậy, dắt bà Chính về phòng ngủ của mình.

Hai mẹ con cùng soạn sửa chăn gối, xem lại điều hòa nhiệt độ, vặn nhỏ ngọn đèn ngủ.

-         Bạn của Trung Nam mẹ thấy có được không ạ?
-         Ăn nói dễ thương… Nhưng mẹ đã hứa với Trung Nam là chưa nói gì với con. Chúng ta chờ nhé.
-         Hai bà cháu đứng cùng một phe. Con sẽ một mình một phe cho mẹ xem.
-        
-        

Cả hai mẹ con rúc rích đủ mọi thứ chuyện. Có lúc câu chuyện đụng đến chàng “lỳ”. Song từng lúc, từng lúc bà Chính vẫn cố nén trong lòng một cái thở dài  không để cho Yến cảm thấy…

Có lẽ tới cả chục năm nay bà Chính thôi không khuyên con dâu mình đi bước nữa, mặc dù lúc này lúc khác hầu như liên tục đủ các loại người đánh tiếng xa gần, …trong đó có một vài trí thức có tên tuổi. Đôi ba đám đầu trâu mặt ngựa có thế lực thì không nói làm gì… Thế nhưng trong bà lòng vẫn canh cánh nỗi xót xa về đời một người con gái… 

…Phẩm chất làm mẹ hay là bản năng của phụ nữ? Hay là nỗi thương cảm? Hay là tính nữ của chúng ta nó như vậy?.. Bà Chính tự hỏi không biết bao nhiêu lần, nhưng chẳng lần nào bà có câu trả lời.

Đôi lần mẹ con đang nằm trò chuyện với nhau cũng như thế này, bà Chính bỗng dưng phải ôm chầm lấy con mình, vì giọt nước mắt từ đâu đó cứ tự nó lăn ra, bà phải giúi đầu vào vai Yến để cho giọt nước mắt không xui mà đến ấy không lăn trên má mình… Nhưng phụ nữ giấu nhau làm sao được?

Yến rất hiểu lòng mẹ chồng. Yến an ủi bà bằng cách nói những chuyện vui, bằng tiếng cười.., hoặc bằng một lời trêu chọc mẹ nữa… Song chính Yến đôi khi cũng rơi vào cảm nghĩ: Không biết mình đang làm cho mẹ bớt buồn hay là đang tự an ủi chính mình…

Đôi lúc Yến cũng thấy mang mác hình như không hiểu được chính mình, kể từ khi xẩy ra cái tình yêu sét đánh… qua một bức ký họa của Nam tặng… Rồi đến…

Hay là bức ký họa dược sỹ quân y Phạm Trung Nam vẽ rất vội chân dung Yến khi Yến đến thăm gian triển lãm tranh của Nam năm nào đã gắn kết vĩnh viễn số mệnh hai người?..[1] Duyên và nghiệp!..

Một lần Phạm Trung Trung Nam hỏi mẹ Yến về bức tranh ấy, bức tranh duy nhất treo trong phòng làm việc của Yến. Có lẽ sau khi đắn đo nhiều lần:

-         Mẹ ơi, mẹ đặt tên cho bức tranh bố tặng mẹ là gì ạ? – năm ấy Trung Nam  vừa mới tốt nghiệp đại học môn phát triển và quản trị nguồn nhân lực tại đại học Cambridge, về nước nghì hè để chuẩn bị học tiếp cao học.
-         Bố vẽ tặng mẹ ngay sau khi lần đầu tiên nhìn thấy mẹ lúc mẹ đến xem triển lãm tranh của bố.
-         Chuyện này mẹ kể con nghe nhiều lần rồi, nhưng mẹ vẫn chưa trả lời câu hỏi của con.
-         Tên Phạm Trung Trung Nam mẹ đặt cho con chưa đủ hay sao?
-         Con biết ạ. Mẹ muốn tên con có cả tên bố. Như thế là tất cả. Nhưng con muốn hiểu mẹ của con nhiều hơn cơ.
-         Thế con định đặt cho bức tranh này tên gọi gì?
-         Chỉ có mẹ mới trả lời được thôi ạ: Đó là một tượng đài? Một kỷ niệm? Hay là… - Trung Nam ngập ngừng mãi mới dám nói tiếp: - …Hay đấy là dấu ấn của định mệnh?... Con không đoán được… - Trung Nam ngần ngừ một lúc, ôm chặt lấy mẹ rồi mới dám nói tiếp: - …Nhưng điều con biết chắc chắn là hình như mẹ không bao giờ muốn tự mình bước ra khỏi bức tranh này. Đúng không ạ? Mẹ nói thật lòng đi!.. – mấy câu cuối cùng Trung Nam nói sát vào tai mẹ, cứ như là nói thầm, mặc dù chỉ có hai mẹ con ngồi nói chuyện với nhau.
-         Sao con lại hỏi mẹ thế? – Yến lặng người, ghì chặt lấy con, cố gắng lắm mới hỏi lại con được như vậy.
-         Vì con rất thương mẹ.
-         Ôi con tôi!..

Yến nghẹn ngào không nói được nữa, ôm chặt con vào lòng mình. Mãi Yến mới ghé sát được vào tai con mình:

-         Mẹ biết… Con hỏi thế vì con rất thương mẹ.

Trung Nam để nguyên giọt nước mắt nong nóng của mẹ lăn trên má mình,  đưa cả hai tay ôm lấy mặt mẹ:

-         Mẹ ơi, mẹ có quyền sống cuộc sống riêng của chính mình. Con xin mẹ đấy…
-        
-         Mẹ làm được đấy. – Trung Nam dỗ dành mẹ mình: - … Mẹ cứ đặt tên cho bức tranh đi. Tên là gì cũng được… Con sẽ giúp mẹ tiếp.
-         Tên của bức tranh này là tất cả những tên con vừa mới gợi lên đấy con ạ…
-        
-        

Cũng từ đấy, không bao giờ Trung Nam dám gợi lại chuyện bức tranh nữa, vì chỉ sợ mẹ mình buồn. Yến hiểu con mình lắm và cũng tự hỏi mình không biết bao nhiêu câu hỏi.

…Đã lúc nào mình ngã lòng chưa nhỉ? Sao lại ngã lòng? Thế nào là ngã lòng?.. Mình có quyền sống riêng cho chính mình chứ?...

…Nhiều lần hai tay dường như đã buông xuôi… Làm như trâu lăn để làm gì cơ chứ? Lợi cho đất nước, lợi cho công ăn việc làm của bao nhiêu con người… Mình hy sinh cả chính mình để làm như thế… Vậy mà chính mình lại cứ phải sống như người đi xin việc! Nhiều lúc chỉ muốn nhổ vào mặt mấy tên lưu manh có chức có quyền!.. Thà là như thế còn dễ chịu hơn cắn răng tự nhủ mình chữ “nhẫn”… Vì ai mới được cơ chứ?.. Mà chẳng biết tại sao mình vẫn cứ tự đứng lên được… Có ai trói buộc mình vào số phận này đâu…

…Ôi biết bao nhiêu lần mình thèm một bờ vai, một chỗ dựa cho những lúc chồn chân mỏi gối! Một lời âu yếm...

…Ôi những giây phút mình khao khát một tình yêu dành riêng cho mình…  Anh Nam cũng giục giã mình…

Có những ngày nghỉ ngơi ở nhà, Yến vừa hỏi mình những câu hỏi tương tự như thế, vừa tự ngắm nhìn mình trong gương, tự nắn bóp cơ thể thon chắc của mình…

…Đúng, mình còn trẻ lắm. Lan nói đúng đấy, nhiều cô gái chắc gì đã theo kịp.
…Kinh nguyệt đều đặn, đi khám sức khỏe và phụ khoa định kỳ các bác sỹ bao lần phải kêu lên:

-         Ôi chị làm bọn em phát ghen!
-         Trời cho chị nhiều quá mà không bù chút ít cho chúng em...
-         Chị có thể đẻ hai ba cháu nữa mà trông vẫn giòn con mắt chị ạ!..
-        

Đôi lúc mình thèm yêu một tình yêu của một cơ thể khỏe mạnh, cho thân thể lành mạnh của mình. Thèm lắm… - Yến gần như nói lên thành lời trong đầu với mình như vậy.

…Song thèm cũng là thèm thế thôi, chẳng bao giờ có ý định đi tìm kiếm nó, chẳng bao giờ phải trấn áp nó, cũng chưa lần nào phải xua đuổi nó… Một sự thăng bằng, khoan thai tự tại đến kỳ lạ.., hay đấy là một khả năng tự tại bẩm sinh?.. Yến không trả lời được và cũng không thấy có nhu cầu phải trả lời…

-         Hay là mình vẫn đang yêu mãnh liệt?..

…Hay là niềm đam mê hội họa và âm nhạc đang dẫn dắt ta đi sang những thế giới khác? Những buổi tọa đàm bất tận trong phòng tranh Phạm Trung Nam – một địa chỉ văn hóa ở Hà Nội nhiều khách thập phương trong nước và nước ngoài cố gắng tìm đến khi có dịp… Những buổi triển lãm tranh Phạm Trung Nam tại nước ngoài do Yến chủ trì…Những buổi biểu diễn và mạn đàm về nhạc thính phòng, nhạc giao hưởng do nhóm PH tài trợ khi ở Hà Nội, khi ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.., nhiều nghệ sỹ có tiếng tăm tham gia…

…Tuy tự tại là thế mà vẫn không tránh khỏi đôi lúc Yến lo lắng tự hỏi trong lòng: …Mình không có thời giờ để buồn? Hay là… mình không còn khả năng cảm nhận cái buồn nữa mất rồi? Cũng có nghĩa ta không còn khả năng cảm nhận tình yêu nữa? Chẳng lẽ đã tệ đến mức như vậy?… Ta đã hóa đá trong tim hay là đã trở thành một loại gia súc cao cấp! Một con ngựa kéo xe không biết mệt mỏi?! …Nó đâu có khác ta nhiều lắm?!.. Ôi nếu thế ta còn là người sao được nữa?..

Trong sâu thẳm có lúc Yến tự thú với mình: …Trời đất!.. Xua đi sự trống vắng này thật không dễ…

…Không còn cách nào khác, phải gồng mình vượt lên trên chính mình, để trở về đích thực với chính mình:

-   Ở ta không có khái niệm chạy trốn!.. – Yến tự nói với chính mình như vậy đến tỷ tỷ lần – lúc đi ngủ, lúc hội họp, trong các buổi yến tiệc nhà nước, trong những buổi cãi cọ đập bàn đập ghế tại công sở.., đôi ba lần cái trát công an triệu tập đã nằm trong tay... Những lời mời mọc quyến rũ… Yến hiểu: …Ta đã không dưới một lần chạy trốn

…Đôi lần thất bại và tâm trạng cô quạnh trong ký ức đưa Yến trở về câu chuyện cầu hôn của Bân năm năm xửa năm xưa, sau khi đã đoạn tang chồng. …Giá mà hồi đó ta đi bước nữa… Sinh cho Bân một hai đứa con…Một gia đình hạnh phúc đủ bù đắp mọi đau thương… Ôi những năm tháng đau khổ của Bân! Tội nghiệp cho Bân quá…[2]

…Bân là phó của Nam trên chiến trường Campuchia, là bạn chí cốt, là người đưa thi hài của Nam từ Siêmriệp về nước năm nào… Bân bao phen chết đứng chết ngồi vì tình yêu chỉ có một bề này, Yến cũng rất quý mến Bân. Ông bà Chính – bố mẹ chồng – và cả nhà họ Phạm cũng hết lòng vun vào cho Bân… Song chuyện không thành là không thành. Yến chẳng hiểu tại sao và cũng chẳng bao giờ thấy cần thiết phải cắt nghĩa cho mình đến nơi đến chốn tại sao cả… Tất cả là duyên số?.. Ai mà cắt nghĩa được…

…Hay là tại ta yêu anh Nam quá và vì thế không bao giờ có thể yêu người khác được nữa? Có thể là như thế chăng? – Hỏi được như thế nhưng chưa một lần nào Yến tới được tận cùng câu trả lời.

…Đôi lần, hình như Nam bước ra khỏi bức tranh để chuyện trò với Yến. Nam chỉ nói đôi ba câu… Yến cảm nhận được nhưng không sao nhớ lại được lời Nam nói gì… Hình như Nam nói những câu, những ý giống như Trung Nam đã nói với mẹ, giục giã mẹ.., với giọng hiền từ, có phần  thúc giục, có phần như cầu xin… …Đấy còn là nguyện vọng của cả nhà em ạ! Nghe anh đi... Anh xin em…

Yến hiểu và cảm nhận được tất cả…

…Có lần Yến ngủ mơ, thấy lại cái ngày Nam từ Campuchia trở về, được nghỉ phép mươi hôm ăn cái Tết muộn ở nhà.., rồi đến đám cưới vội, …đến những giờ phút Nam và Yến lúc nào cũng như trên chín từng mây, cùng nắm tay nhau bay tới mọi miền ánh sáng chan hòa của thế giới bao la…

…Những lúc cả hai cùng giang tay bay lượn mãi trên những cánh đồng đầy hoa thơm cỏ lạ, giữa tiếng chim muông muôn loài trong không trung… Có lúc Nam và Yến cùng bay sóng đôi hay đuổi bắt nhau, có lúc lạc lối trong bầu trời muôn vàn  trăng sao… Rồi lại tìm thấy nhau, rồi lại mất nhau, lại cùng bên nhau bay đi, bay mãi… theo các vòng quay của vũ điệu valse, …càng bay các vòng quay càng rộng mãi trong vũ trụ bao la.

Tay trong tay đôi mắt đắm đuối của Nam nói lên với Yến những lời yêu thương tha thiết…

-         Bay nữa đi! Bay mãi với em anh nhé!.. – Yến đáp lại.
-        
-        

… Cứ thế.., từ dải ngân hà này đến dải ngân hà khác… hai người tay trong tay bay đi… Bay mãi… Đến những ngày đêm ái ân ngắn ngủi…

Cuộc ái ân dang dở...

…Tỉnh dạy Yến thấy đồ lót của mình bị ướt…

Bà chính đã xuống nhà từ sớm. Biết Yến sẽ nghỉ ở nhà cả buổi sáng để chuẩn bị cho chuyến đi xa chiều nay, nên bà không nỡ làm Yến thức giấc.

…Nằm lại một mình thoải mái, Yến ôm chặt cái gối và không muốn dậy: …Trời vẫn thương ta! Vẫn cho ta một tâm hồn thanh thản trong một thân thể khỏe mạnh... Ôi, ta vẫn yêu, nghĩa là ta không chỉ tồn tại, ta vẫn sống!..

Niềm khát khao cuộc sống phía trước trào dâng.

Đột nhiên lúc này những suy nghĩ về dự án trường đại học đang xúc tiến ào ạt đổ về.

Từ khi bắt tay vào dự án này, Yến thấy cứ lúc nào tâm trí rảnh rỗi lại nghĩ ngay đến nó, với bao điều lo lắng, song cũng gửi gắm bao nhiêu hy vọng. 

Thật khó mà tính được công sức tới nay đã bỏ ra cho dự án, những cơ hội làm ăn khác phải hy sinh vì nó… Dự án này chắc chắn sẽ phải tự vận hành được nhưng không thể làm ra tiền và cũng không nhằm mục đích kiếm tiền. Ngay từ đầu nó đã được Yến chủ trương như vậy. Thật sự đây là dự án khó nhất trong cuộc đời kinh doanh của Yến cho đến nay, vì nhiều rào cản quá. Yến muốn dấn thân thực hiện bằng bất cứ giá nào, chỉ vì nặng một lời nguyền...

Bây giờ kiếm tiền không còn là mục đích sống nữa,., ý nghĩ kiếm tiền để làm giàu đối với Yến dần dần cũng không còn là cái đích trung tâm. Những lúc tự sự một mình về cuộc đời, về mục đích mình đang theo đuổi, Yến hiểu… Ta đã giành được quyền tự do đối với đồng tiền, song thật sự ta lại đang đứng trước một thách thức khác lớn hơn nhiều…

Vì nhân cách làm người ta đã lựa chọn cho mình? Vì lòng tự trọng cá nhân? Tinh thần tự ái dân tộc? Vì nỗi nhục nước nghèo? Vì lời nguyền đối với những người đã khuất ngay từ trong họ tộc mình và rộng ra nữa là trong cả cộng đồng dân tộc mà ta không có quyền bội ước? 

Thế còn lời tuyên thệ khi ta vào Đảng?

…Chú Nghĩa đã chẳng bao nhiêu lần chia sẻ với ta: “…Không được phản bội một hy sinh nào! Không một mất mát nào được phép bỏ qua!...” [3] 

…Riêng ta, ta đã hứa gì trước vong linh của anh Nam?.. Còn điều gì thiêng liêng hơn là kế tục ước nguyện của anh dang dở?

“…Em sẽ lưng địu con, tay sách đồ vẽ đi theo anh khắp gầm trời cuối đất.., để anh vẽ lên cho thế gian này những bức tranh tình yêu thiết tha cuộc sống!..”

Đã bao lần ta ước ao như vậy, hứa với anh như vậy?[4]

Có không biết bao nhiêu điều thiêng liêng thấm vào từng vi ti huyết quản và trong từng hơi thở của Yến, làm nên con người và lẽ sống của Yến hôm nay. Cùng với thời gian, sự dày dạn trong cuộc đời và những cuộc đối mặt nảy lửa với các loại người vô liêm sỉ thuộc mọi đẳng cấp càng thách thức Yến phải trung thành với lời nguyền trong thâm tâm mình: Hoặc ta thắng, hoặc các người thắng – ở đây không có thỏa hiệp!

Đâu đó vang vọng trong tâm trí Yến: …Dân tộc này không thể chấp nhận thỏa hiệp hay đầu hàng các người! Không thể để các người cướp đi tất cả! Nhất định không thể!..

Song càng va đập vào những tệ nạn, những bất cập trong đời sống hàng ngày, Yến càng thấm thía: Không nóng vội được, càng không thể đơn độc. Tha hóa của quyền lực cộng sinh cùng với mọi yếu kém của nghèo hèn và lạc hậu đang nuôi dưỡng một văn hóa không thể ngày một ngày hai thay đổi được!

…Đây là cuộc chiến mình sẽ phải dấn thân đến hơi thở cuối cùng…Phải phủ định tất cả, phủ định triệt để cái thứ văn hóa đang lăm le gặm nhấm tất cả, hủy hoại tất cả những gì đất nước này, dân tộc này đã tạo dựng nên trong suốt chiều dài lịch sử của mình! Cái thứ văn hóa được sản sinh ra từ các nhóm quyền lực, các nhóm lợi ích, các tha hóa của hệ thống chính trị - xã hội này…  Ý chí mở trường học càng thêm da diết…

Yến không quên lời mình tuyên thệ khi gia nhập Đảng, song chính vì thế mà phải hàng ngày liên hệ với không biết bao nhiêu lời nói, hành động chướng tai gai mắt của những người đang nhân danh Đảng tác yêu tác quái…

…Đảng như thế này còn là Đảng của ta? …Hay là Đảng của ta đã bị tham nhũng chiếm đoạt mất rồi?.. Nó thực sự chỉ còn lại là cái đảng bây giờ!?.. – Yến rít lên như vậy trong lòng… Cái đảng bây giờ có thể phản bội dân tộc này…  Nó đang làm nhiều việc như vậy đấy. Nhưng ta dứt khoát không!..

Trời ơi, lời cảnh báo nghiêm khắc của thím Nguyệt: Có nhiều việc phải làm lại từ đầu! Phải làm lại từ đầu, cháu Yến ạ... – Không biết bao nhiêu lần Yến thốt lên như thế trong lòng để tìm cho chính mình sự kiên trì và lòng dũng cảm Yến đang rất cần trong cuộc đời này.

…Thím nhắc đi nhắc lại với chú Nghĩa và bác Lê Hải – và cũng có nghĩa cho cả những đảng viên khác như Yến - : …Những người đảng viên chân chính các anh đang phải bước vào một cuộc chiến đấu khó khăn gian khổ nhất trong đời mình… Cuộc chiến đấu mới của cả dân tộc này vì chính mình bây giờ mới bắt đầu đấy các anh ạ… Các anh chưa hình dung hết được đâu, khó khăn gian khổ nhất trong đời mình đấy các anh ạ!.. [5]

Lại những cuộc tiễn đưa mới của người ở lại… Tôi linh cảm trước nhiều điều…[6]

Trời đất ơi làm sao thím Nguyệt, một người vợ, một người mẹ đã gần hết cả đời mình bao nhiêu lần tiễn đưa chồng và con cháu mình vào nơi ra sống vào chết có thể nói lên những lời như vậy? Người vợ nào, người mẹ nào lại muốn có thêm những cuộc tiễn đưa như vậy? Hay là sự sụp đổ của các nước Liên Xô – Đông Âu và thực trạng đang diễn ra của đất nước mang lại cho thím lời cảnh báo này? Hay là …vì thím là một đảng viên chân chính, một bà giáo nghiêm khắc dạy Văn Sử?

…Ôi hơn sáu chục năm rồi, bao nhiêu xương máu và nước mắt.., mà bây giờ phải làm lại từ đầu! Hay bây giờ mới thực sự bắt đầu cuộc chiến đấu mới, có  phải thế không thím Nguyệt ơi!?.. Còn gì cay đắng hơn trên đời này khi cả một dân tộc bị phản bội!..

…Thế còn Đảng?.. Ta trước sau vẫn giữ nguyên lời ta tuyên thệ. Vì làm người, ta không thể nuốt lời? Nhưng đảng bây giờ như thế này vẫn còn là Đảng của ta? Còn phần nào là Đảng của ta? Hay bây giờ thành Đảng của ai? Vì sao đến nông nỗi đảng viên con cháu cách mạng nhà nòi như Vũ cũng phải thốt lên “Đảng trong tim tôi và đảng khai trừ tôi là hai đảng khác nhau?”[7]… Phải chăng đảng lãnh đạo biến tướng thành đảng cai trị là thế này đây!  Vì thế người ta cứ muốn “độc quyền yêu nước”, cứ muốn “đảng hóa”, muốn “cơ cấu”, muốn ngoan cố duy trì tư tưởng “nhiệm kỳ”… - nghĩa là muốn cùng nhau đến lượt, cùng nhau chia chát, cùng nhau vơ vét.., và thi nhau  làm tan hoang đất nước này! Tất cả nhân danh đảng của giai cấp công nhân, nhân danh đội tiền phong của cách mạng!..

Nghĩa là ta đã bị cái Đảng nhân danh như vậy phản bội? Còn lại cái gì trong cái Đảng nhân danh này của hôm nay là cái chất cách mạng chân chính vì dân vì nước của Đảng của ta trước đây? Còn gì nữa không?..

Chú Nghĩa chẳng đã bao nhiêu lần cảnh báo về những cuộc chia quả thực sau mỗi cuộc cách mạng![8].. Tất cả những điều này đều bị bỏ ngoài tai? Đều là chyện nước đổ đầu vịt?.. Bác Tám Việt ơi, bác Sáu Dân ơi, bác Lê Hải ơi.., các bác đang nghĩ gì về đất nước ta hôm nay? Phải làm gì cho đất nước này?.. Trên 30 năm xây dựng trong hòa bình mà đất nước vẫn đứng trước ngã ba đường.., hình như đang lún sâu vào ngả đường trở thành đất nước làm thuê, đất nước cho thuê… Ông Học nói đúng!..  Con rồng con hổ đâu chẳng thấy, hay chỉ là một quốc gia nô dịch mới mới đang xuất hiện trong vùng trời này, với mọi tệ nạn tham nhũng bắt rễ sâu sắc trong  hệ thống kinh tế - chính trị của chính đất nước này!?

Vũ nói đúng. Đảng kết nạp ta và đảng hôm nay là hai đảng khác nhau!

Nhưng mà làm sao tách bạch được hai đảng khác nhau này!? Trong cái này có cái kia, trong cái kia có cái này, mọi diễn biến tùy thời thế là chính… Còn nếu phải tùy thuộc vào ý chí của chúng ta thì hầu như không có gì!.. Có phải thế không? Nếu phe xã hội chủ nghĩa không đổ thì sao? Cái nào sẽ thắng cái nào?  Sẽ làm gì có đổi mới! Chỉ có điều lịch sử chẳng bao giờ có chữ “nếu”, ví dụ như nếu xây nhà trên cát không đổ!.. – đấy mới là tất cả. Các ông Gocbachov và Yeltsin ạ, dù ai muốn chửi các ông hết lời thế nào, khép các ông vào tội gì cũng được… Dù các ông yếu kém đến mức nào… Nhưng bước ngoặt lịch sử này không thể thiếu các ông! Có phải như vậy không? Nghĩa là bước ngoặt lịch sử nào cũng đều phải ghi lại dấu ấn bằng những con người riêng của chính nó?.. Không có các ông cũng sẽ có những người khác như các ông!.. Bước ngoặt này là lịch sử của các ông…

Còn bước ngoặt đi vào đoạn đường mới của Việt Nam sẽ được đánh dấu như thế nào đây? Giữa đúng và sai cứ hai trong một và một trong hai như thế này làm sao mà tách bạch ra được? Cái nào đang lấn át cái nào?  Cuộc đời chẳng lẽ oái oăm đến vậy sao?

Lý tưởng giờ đây đã tha hóa thành quyền lực, rồi đến lượt chính quyền lực được sinh sôi từ tha hóa này tìm cách gặm nhấm tất cả, ăn gỏi tất cả trong tầm với của nó để nuôi sống chính nó, …cho đến khi chính nó đẻ ra sự phủ định mới, lý tưởng mới!.. Trời đất ơi, chẳng lẽ cái vòng xoáy của tiến hóa luẩn quẩn không có điểm dừng là thế này hay sao? Tiến hóa luẩn quẩn cũng là một dạng của tiến hóa? Một định mệnh?.. Hai ba thế kỷ này cả thế giới đã chuyển mình, song nước ta chẳng đang luẩn quẩn mãi tại chỗ đấy hay sao? Đang ngày càng tụt hậu thêm nữa!..

…Tai ương hiện nay phải chăng là ở chỗ quyền lực đã sinh sôi đủ các loại âm binh nhũng nhiễu, quậy phá trùng điệp khắp nơi chốn trong cả nước, câu kết lại thành bè thành mảng, thể chế kiểm soát chúng ngày càng tê liệt, đang bị biến dạng thành con tin, thành công cụ của chính các âm binh này?..

Ôi có phải thế không, một khi quyền lực trở thành con tin của những âm binh do chính nó sinh sôi ra!..

Không dưới một lần yến tự phản tỉnh mình: Là đảng viên, tay ta đã nhúng chàm đến đâu trong cái bể tội lỗi do tha hóa này gây ra? Không một đảng viên nào dù chân chính đến đâu chăng nữa có thể được phép coi mình là vô can trước thực trạng hiện nay của đất nước – Thạch hỏi đúng đấy!.. Bởi lẽ hoặc thiếu dũng cảm, hoặc chưa dám trung thực đến mức mất còn..,  hoặc chính mình cũng bất cập và tha hóa, hoặc ấu trĩ để cho chính mình bị lừa gạt, hoặc chính sự tiếp tay có ý thức hay vô ý thức cho phản bội xảy ra ở trong Đảng… Trước hết bằng cái hèn, cái sợ của chính mình!.. Tất cả đang bằng cách này hay cách khác cộng sinh lại thành những nguyên nhân gây ra thực trạng đất nước hôm nay. Có phải thế không?..

Làm sao nói khác được! Cái kết cục hôm nay không phải là của Đảng này thì là của ai? Đảng viên chẳng lẽ được phép nói mình vô can?..

Phải, ít hay nhiều, có ý thức hoặc vô ý thức, tất cả các đảng viên đều mắc tội! Kẻ trực tiếp phạm tội đã đành. Kẻ bất lực, vô thức hay tòng phạm cũng không thể tự cho mình là vô can được! Kẻ hèn nhát, ngậm miệng cũng không thoát tội được! Nhận trách nhiệm, nhận vinh quang của Đảng về mình, thì cũng phải nhận lấy tất cả mọi hệ lụy. Ôi thím Nguyệt ơi, thím nói đúng đấy…

-         …Anh Nam ơi, nếu còn sống hôm nay anh sẽ nói gì? Nếu còn sống, đồng chí đồng đội đã ngã xuống của anh sẽ nghĩ gì? nói gì? Cho em biết đi, anh sẽ nói những gì?!...
-         Anh cũng có lỗi góp vào thực trạng của đất nước hôm nay chứ! Làm sao mà anh thoát tội được, có phải không anh?.. Chí ít là anh đã mang lại vinh quang cho những cái không đáng được tôn thờ! Có cách gì bào chữa cho anh là vô tội được không?..
-         Trời đất ơi có thể oái oăm đến như vậy hả anh?
-         …Nhưng thật ra anh mắc tội lỗi gì cơ chứ anh Nam? Tội quá trung thành? Tội quá dễ bị sai bảo? Tội không biết mình cũng chỉ là một công cụ, một phương tiện? Tội về chữ “ngộ” còn quá nhỏ bé của mình?   Còn tội gì khác nữa?..

Ôi, ngoài dâng hiến tính mạng mình, anh đã được Đảng này ban cho những gì cơ chứ?..  Để rồi hôm nay anh cũng phải cùng với em, cùng với tất cả các đồng chí của anh tay đã nhúng chàm như vậy?.. Tội đã lấy mình thắp đuốc làm vinh quang cho Đảng này!?.. – Yến thấy ngực mình rúm ró, đau nhói…

-         Nói đi: Anh được ban phát cho những gì, anh Nam!?
-         Hay là anh được ban ân huệ hy sinh chính mình, lấy mạng sống của mình góp phần làm nên hào quang cho cái Đảng nhân danh hôm nay? Để làm lóe mắt nhiều người!?
-         Cũng có nghĩa là sự hy sinh của anh đang hà hơi tiếp sức cho đạo lý tồn tại của quyền lực được sinh sôi từ tha hóa hôm nay?
-         Còn gì mỉa mai chua chát hơn thế nữa không hả anh Nam?
-        

Yến hỏi hoài, hỏi mãi, để tự tìm câu trả lời…

Lý tưởng của Đảng mà anh tôn thờ đã hun đúc nên con người anh. Không thể khác được! Nó không dính dáng gì đến ngày hôm nay!

Chỉ có sự phản bội của quyền lực tha hóa hôm nay đang dần dần ăn cắp đi lịch sử vinh quang của Đảng này, đang lăm le lấy đi tất cả của anh và của cả dân tộc này! Nó đang đánh tráo tất cả! Không thể nói khác được! Cả những hy sinh mất mát trong gia đình nhà ta cũng đang được nó lợi dụng vào việc làm giầu thêm cái vốn lịch sử, để  nó có thể mài ra mà sống tiếp, mà sinh sôi thêm con cháu!?..  Ôi Huệ, cả em nữa! Em ở nơi nao trên biển cả?.. Em có đáng chết như vậy không? Hàng chục năm rồi, nhưng vai chị vẫn nóng bỏng những giọt nước mắt của thím Lễ hôm nào...

…Không!.. Muôn vàn lần không!.. Quyền lực sinh sôi từ tha hóa hôm nay không dính dáng gì đến Đảng một thời đã làm nên chúng ta anh Nam ạ! Có phải thế không?

Đảng hôm nay càng không có quyền giương lên ngọn cờ đã từng có sức mạnh hiệu triệu cả dân tộc! Đó không phải và không hề bao giờ là ngọn cờ của nó! Không thể chấp nhận sự đánh tráo này!..

Nhưng than ôi chúng ta thực sự bất lực, không sao bóc trần được sự đánh tráo này anh Nam ạ! Đấy mới chính là lỗi của chúng ta!..  Không có cách gì biện minh được anh Nam ạ. Trên trán mỗi chúng ta chữ “hèn” đã bị cái triện sắt nung đỏ đóng vào quá sâu mất rồi. Không có cách gì gột tẩy được!..  Nhưng không oan uổng anh Nam ạ! Trong trường hợp chúng mình, đúng là người bị mất cắp cũng mắc tội, có phải thế không anh?.. Tội vì hèn yếu nên để mất cắp! Tội vì không chiến thắng được kẻ cắp!..

…Ít nhất đấy là cái tội để mất cắp mà lặng thinh hoặc không dám than thở. Tội không dám hô hoán lên mình bị mất cắp để cảnh báo mọi người khác! Tội không dám vạch mặt kẻ cắp! Tội không dám cùng nhau đứng lên bắt kẻ cắp... Ôi, bằng ấy cái tội cộng lại có thua kém bao nhiêu tội đồng lõa? Hễ là đảng viên, làm sao có thể nói mình vô tội được anh Nam!?..

Song không ngu không hèn như thế làm sao ta sống được như thế này?
Không ngu, không hèn như thế làm sao ta còn giữ được ta là ta?..
Viết cái gì, nói cái gì, làm gì cũng phải rào trước đón sau… Nói ít hiểu nhiều, cái gì cũng sự thật một nửa, chẳng bao giờ dám nói đến nơi đến chốn!..

Ôi quán tính lịch sử này của muôn đời mới ác nghiệt làm sao! Không một sự nô lệ nào, dù đầy xiềng xích đến đâu, cũng không thể so sánh với sự nô lệ không hình không dáng của cái quán tính lịch sử này!

 Càng sau này ta mới càng thấu hiểu thêm tâm trạng của chú Nghĩa, mới rõ thêm vì sao má Sáu Nhơn đã đến mức phải xé Tuyên ngôn Độc lập mà chính má đã đem tính mạng của mình và tất cả con cháu mình ra bảo vệ nó suốt mấy thập kỷ giữa Sài Gòn đầy máu lửa![9]

…Ôi không ai khác, chính ta, trong thâm tâm ta đã không dưới một lần ly khai hay phủ nhận cái đảng nhân danh hôm nay. Chính ta cũng không sao giải thích được cho mình: Sự khôn ngoan hay tính hèn nhát? Không hèn như thế này ta làm sao mà tồn tại được dưới chế độ này?.. Sự thật là ta có thể bị giẫm bẹp bất kể lúc nào, thậm chí quyền lực còn có thể khoác thêm cho ta bất kể tôi danh gì để giữ lấy cái tính chính đáng tự biện của nó… Ta cam chịu làm một con mồi, một nạn nhân như thế của quyền lực?   Tại sao ta chưa dám noi gương má Sáu Nhơn xé tấm thẻ đảng viên của mình? Hay ta hèn như thế mới là khôn ngoan?.. Cái đảng hôm nay, cái đảng của nhân danh, có gì không dám làm để bám lấy cái chính danh không phải là của nó?

…Cái đảng nhân danh hôm nay với Đảng ta tuyên thệ hôm qua đâu phải là một!.. 

Thế hệ ta hôm nay quả là hèn nhát hơn thế hệ cha ông!..

Thế nhưng… Chẳng nhẽ cứ nhất thiết phải nộp mạng cúng tế bạo quyền để đổi lấy hai chữ khí tiết mới là đắc đạo hay sao? Như thế mới là khôn ngoan? 

…Không, như thế mới là ngu dốt chứ?.. Ta với cái quyền lực hiện thân cho cái đảng nhân danh này đâu còn gì dây mơ rễ má với nhau? Sao ta quyết đi đến cùng mà mãi không tới thế này?!..

…Nhưng không bao giờ ta tự trối bỏ mình! Cho dù ta đúng ta sai như thế nào!.. Không bao giờ!..

…Ôi nếu từng đảng viên nhận ra sự đánh tráo giữa hiện thân của quyền lực tha hóa hôm nay và Đảng hôm qua đã từng dựng lên ngọn cờ cứu nước cho cả dân tộc, đã thu giang san về một mối!

“…Cái giá phải trả cho độc lập thống nhất đất nước lớn quá mà vẫn chưa trọn! Hãy nhìn ra bốn phương trời đất của tổ quốc giang san, rồi nhìn vào trong lòng dân tộc mình hôm nay....  Đến bao giờ chúng ta mới có đủ tâm trí nhận ra điều này hả các con? các cháu?..

Đừng quên lời đòi nợ của Má Sáu Nhơn đối với Đảng này!..”

“…Hãy nhìn ra bốn phương trời đất của Tổ quốc giang san, rồi nhìn vào trong lòng dân tộc mình hôm nay…”   …Ôi những dòng chữ xé lòng ấy trong bức thư tâm huyết của ông Học nhà mình!..

Phải, hãy nhìn đi! Mở to mắt ra và nhìn thật kỹ đi! Và ngươi thấy gì hả Yến?

Ngày nay quyền lực xưng xưng nói rằng chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn của dân tộc, nhân danh cái độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội để khẳng định sự tồn tại của nó. 

Nhưng chủ nghĩa xã hội nào? Nội dung nó là gì?

… Cái được gọi là sự lựa chọn của dân tộc đang diễn ra thực chất là sự hoành hành của quyền lực này? Cái đang diễn ra đích thực là sự lựa chọn của dân tộc?

 …Trước sự đánh tráo đang diễn ra, cái gì bắt ta phủ nhận hay phải che đậy, phải bọc kín chính ta.., đến mức bao lần ta phải tự hỏi lại chính mình: Ta bây giờ còn là ta nữa không? Ta đang là thật hay là giả? Lúc nào ta là thật, lúc nào ta là giả? Ta là kẻ bị nô dịch đang sắm vai diễn người tự do?.. Là chủ một tập đoàn kinh tế dọc ngang giữa trời cơ mà!..

Ôi chữ “hèn” và chữ “nhẫn” như thế có khác gì nhau! Cả hai đều thật khó nuốt làm sao!..

Trời đất, nhưng không hèn, không hai mặt như thế này làm sao mà sống sót được trong cái cối xay người trá hình đang hiện hữu trên đất nước? Ta thừa lý lẽ để biện minh cho sự sống sót này, chẳng kém gì lý lẽ quyền lực đang biện minh cho sự tồn tại của nó! Hay là không sống sót nổi trong cái cối xay người trá hình này, chịu thua cái cối xay thịt này mới là hèn là ngu chứ?.. Có phải như vậy không?.. Ôi ta quyết đứng bằng hai chân ta trên đất nước ta, không trốn chạy đi đâu cả! Còn mồ mả anh Nam nằm đây… Nhưng sao đứng trên đất nước của ta, muốn giữ cho ta là chính ta lại khó đến nhường vậy!.. Ta còn thuộc về Đảng của ta trước kia đến chừng nào? Ta hôm nay đã biến thành phần tử của cái đảng  nhân danh kia tới đâu?

…Khái nói đúng, ta không thể chọn được lịch sử. Nhưng lựa chọn cách ứng xử là việc ta phải tự làm…  Ôi, cuộc chiến đấu khó nhất của dân tộc này bây giờ mới thật sự bắt đầu, sau gần một thế kỷ làm cách mạng!.. Đúng lắm thím Nguyệt ạ…Ngày xưa chú Nghĩa, bác Lê Hải còn có chỗ ẩn náu che chắn trong vùng địch hậu. Hôm nay những người đảng viên chân chính chúng ta ngoài nơi ẩn náu trong trái tim mình còn có chỗ nương trú ở đâu?

…Mà lạ quá sao đến giờ này họ vẫn chưa khai trừ ta ra khỏi Đảng? Họ có ty tỷ các lý do viện ra, từ Điều lệ Đảng, từ 19 điều cấm,  từ cơ man nào các Nghị quyết để làm cái việc khai trừ này cơ mà! Chẳng lẽ có sự quỷ quyệt đến thế nữa hay sao? Thà rằng quyền lực này cứ thẳng tay khai trừ ta, sẽ nhẹ gánh hơn cho ta biết bao nhiêu!.. Thật giả cũng dễ trở nên rõ ràng hơn, tay ta cũng đỡ phải dây vào cái việc tự mình bóc trần trắng đen… Nhất là từ cái ngày ta quyết định đuổi cổ một đám đảng viên ấm ớ ra khỏi xí nghiệp dược liên doanh Vĩnh Phúc năm nào!.. Đã mấy lần ta nhận cảnh cáo nghiêm khắc… Song khai trừ ta thì hình như họ nhất quyết không! Hình như họ muốn ta phải tự tay cắt cầu. Tự ta phải hiện hình thành kẻ ly khai, kẻ phản bội… Để quyền lực có lý do chính đáng phán xử! Quyền lực nào mà chẳng muốn tham nhũng cả lẽ phải!.. Ta đi guốc trong bụng mấy người…

…Hoặc ta là ta! Hoặc là nếu không đủ khôn ngoan rồi chính ta cũng sẽ bị guồng máy tha hóa này xay vụn, sẽ cho ra bã… Hay là quyền lực này sẽ nhào nặn ta thành một con mồi.., cao tay hơn nữa là một con rối! Có lẽ đấy mới là thách thức ta phải chấp nhận? Ta có sự lựa chọn nào khác nữa không?!..

Tất cả chỉ hun đúc thêm quyết tâm của Yến: Phải kiên trì như rời non lấp biển vậy! Phải bằng cách nào đó bắt đầu từ góp phần thay đổi con người, từ làm lại, đào tạo lại con người.., để cuối cùng tạo ra được điều kiện căn bản nhất có thể thay đổi được tận gốc... Đến nay biết bao nhiêu bậc trí giả đã chỉ ra:

Chỉ có tri thức mới có thể kéo dân tộc ta ra khỏi được quá khứ của chính mình!..

Cả nước đang bức xúc về thực trạng giáo dục lạc hậu hiện nay.

Một trăm năm Đông Kinh Nghĩa Thục càng thôi thúc Yến lựa chọn con đường này –  Yến đã phát biểu rõ ràng như vậy tại buổi lễ kỷ niệm với lập luận dứt khoát:

Nhớ tới Đông Kinh Nghĩa Thục, chúng ta nên khắc cốt ghi tâm bài học lịch sử: Không có dân trí mới, không có con người mới, đất nước không có khả năng chống lại lực hấp dẫn của quán tính lịch sử…Thay đổi gì đi nữa mà không chặt đứt được vòng xoáy liên hồi của cái quán tính đầy tai ương này, thì chúng ta lại sẽ chỉ dựng lên được sự nô dịch mới còn tồi tệ hơn hoặc không kém của chính chúng ta cho chúng ta mà thôi. Con đường đất nước đã đi gần một thế kỷ vừa qua đã dẫn tới hôm nay! Không chặt đứt được cái mắt xích tai ương này, trong tranh giành toàn cầu quyết liệt ngày nay nước ta chỉ có cơ may trở lại con số không to hơn! Tôi không hù dọa các bạn đâu, những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội nóng bỏng, trong nước, ngoài nước… Tất cả những gì chúng ta đang phải đối mặt là sự cảnh báo nghiêm khắc! Không ăn bớt được bất kể cái gì đâu! Mong các bạn đừng quên điều này.

Thưa các bạn, trong mọi cuộc đấu tranh giải phóng, cuộc đấu tranh giải phóng khỏi sự nô dịch của chính mình mà ngày nay cả dân tộc ta đang tiến vào là gian khổ nhất, quyết liệt nhất các bạn ạ! Trên con đường này, giáo dục, chứ không phải công nghiệp hóa hiện đại hóa, mới là yếu tố quyết định vận mệnh dân tộc ta trong thế kỷ 21 và mãi mãi về sau…

Cuộc đấu tranh giải phóng chính mình khỏi quá khứ của mình không có tiền tuyến, không có hậu phương, chỉ có trận địa ngay trong mỗi con người chúng ta, bắt đầu tự mỗi chúng ta!.. Trước hết, là chiến đấu chống lại cái sợ, cái hèn, cái dốt trong chính chúng ta! Trước hết, mỗi người đảng viên chân chính của Đảng Cộng Sản Việt Nam phải bước ra khỏi cái bóng của chính mình!..”

Tiếng vỗ tay nổ ran hồi lâu.

Cũng tại buổi lễ kỷ niệm duy nhất này trong cả nước nhân 100 năm ngày Đông Kinh Nghĩa Thục, diễn giả thạc sỹ dược sỹ Nguyễn Thị Bạch Yến lần đầu tiên công bố trước công luận dự án thành lập trường đại học của nhóm PH.


-         Giải phóng chính mình khỏi quá khứ của mình? Rành rành kêu gọi làm phản cách mạng,  thế mà không cho công an ra khóa mõm nó lại!..
-         …Bước ra khỏi cái bóng của chính mình!? Kêu gọi như thế có khác gì học đòi Yeltsin đưa Đảng ra Tòa án Hiến pháp không?..

Vị quan chức cao cấp là khách mời danh dự của buổi lễ kỷ niệm Đông Kinh Nghĩa Thục nói vào tai ông Tám Việt như vậy! Vị này bất đắc dĩ phải góp mặt vào buổi lễ, theo chỉ thị của trên. Cần như thế, để chụp ảnh đăng lên báo, đề cho thiên hạ xem là Đảng không thờ ơ với kỷ niệm về Đông Kinh Nghĩa Thục... Ngoài một vài bài nhạt như nước ốc của mấy tờ báo khác nữa, công chúng hầu như không biết hay không quan tâm đến Một trăm năm Đông Kinh Nghĩa Thục. Có thể vì chuyện này chẳng nghĩa lý gì so với chuyện cơm áo gạo tiền của đời sống dân thường hàng ngày, nhất là vào lúc thời giá cứ bay lên vun vút thế này. Có thể vì sự kiện này quá tầm thường và không nằm trong chương trình tuyên truyền vận động đã được Tuyên giáo cài đặt. Có thể sự kiện này quá vụn vặt so với đợt vận động học tập tư tưởng Hồ Chí Minh sâu rộng khắp cả nước với hàng trăm cuộc hội thi, hội thảo rầm rộ được tiến hành từ hai năm nay, bài vở tham gia cuộc thi được đo tính bằng kilôgam, bằng tạ, bằng tấn. Trên báo chí lúc này những hình ảnh hoạt động của các hoa hậu quốc tế và Việt Nam tại Hội An, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà nội…đốt cháy trang nhất hầu hết báo chí trong cả nước. Vả lại cái 100 năm Đông kinh nghĩa thục này đâu có dính dáng gì đến cái giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa hôm nay…

Bên ngoài xã hội lào xào vào tai Yến:

Ngươi là con điếm chính trị không hơn không kém!
Đấy là kẻ đang đứng xếp hàng cả hai con đường, cho hôm nay và cho một tình huống khác… - giống như người ta đã từng xếp sẵn cục gạch xí chỗ ở bất kỳ chỗ nào, lúc nào, cho bất kỳ mua hay lĩnh cái gì trong thời bao cấp..!  

Một vài cú điện thoại lạnh lùng nhắc nhở Yến.

Một vài bài báo gọi Yến là “sản phẩm hai mặt của chế độ”, “con buôn đang rắp ranh làm chính khách!..” Có người cả quyết: “Nói năng như thế mà nó không bị vào tù thì chỉ có thể là chim mồi! Chí ít cũng là để tô vẽ cho chế độ!...”

Đạn bắn từ mọi phía.

Nhất là người ta thấy đảng viên Nguyễn Thị Bạch Yến đẹp gái, ngang bướng, giàu có, nói năng lung tung mất lập trường …mà đến nay vẫn chưa hề hấn gì!..

Nếu đem những bài Yến viết trên báo, những lời phát biểu của Yến tại một số diễn đàn… “muốn chống tham nhũng có hiệu quả phải chống từ hệ thống…”, những bài đòi cải tạo tập đoàn kinh tế quốc doanh.., quan điểm của Yến chống “nền kinh tế GDP tỉnh”, chống “tư tưởng nhiệm kỳ”…  rồi đem so sánh với những bài báo “chống chế độ” nhan nhản trên các báo mạng, quả thật chưa biết cái nào nặng ký hơn cái nào… Và như thế là đủ để bắt giam, để khởi tố.. Mấy cái vụ lẹt xẹt về dân chủ nhân quyền mới đem ra xét xử vừa rồi… suy ra chưa hẳn đã ăn nhằm gì so với tác động của những lời nói của Yến đối với dư luận!..

-         Thế mà ả ta vẫn không bị tóm?
-         Chưa bị tóm!

…Yến vẫn cười nói nhăn răng ngoài đời, vẫn nhởn nhơ nay đây mai đó nước trong nước ngoài, vẫn được vời đến các cuộc họp mang tính tượng trưng bộ mặt quốc gia, một số diễn đàn quốc tế… Đã thế tính Yến lại rất năng nổ trên các diễn đàn – vì Yến không có thời giờ đi họp chỉ để khoe tên, khoe phấn son, đồ nữ trang, khoe quần áo, thi nhau “chấp nửa trái”!.. Những người này thường loe xoe bu quanh mấy các anh Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu, Bẩy… đầy quyền thế, không hiếm khi sự bu quanh như thế là khúc dạo đầu cho những chuyện khác, những dự án...

Toàn bộ sự xuất hiện của Yến trước công luận, dù là ở đâu, lúc nào cũng như gai chọc mắt khối người, nhất là các bà chủ:

-         Hay là vì cái lợi thế đẹp gái như mấy nữ bộ trưởng kia nọ?
-         …Ôi dào, ả ta chỉ cần cọ mông một cái vào thủ trưởng, thì dù có là ông trời đi nữa ả ta xin gì cũng phải cho! Đánh quả nào mà không thắng?
-        
-         Hay là túm ả ta sẽ dứt dây động rừng?
-         Hỏi như thế là ngu! Là chẳng hiểu gì về cái bộ máy cai trị này cả!
-        
-         Vợ liệt sỹ. Đụng vào rách việc đấy!
-         Vợ liệt sỹ thì ăn thua mẹ gì! Tù Côn Đảo còn chẳng ăn ai nhé!..
-        

Một lần bà Chính, tờ báo An ninh toàn cầu trong tay, hớt hải chạy đến hỏi con dâu:

-         Yến ơi, con viết lách thế nào mà bài báo này đòi phải truy cứu con trách nhiệm hình sự về tội nói năng vô trách nhiệm? 

Yến cầm lên tờ báo, đọc xong trao lại bà Chính:

-         Có gì đâu mẹ, vụ thực hiện đề án 112 về tin học hóa hệ thống cơ quan hành chính quốc gia thất bại, con đòi xử lý nghiêm người thực hiện sai, nhưng con cũng đòi phải truy cứu trách nhiệm người ra đầu bài sai. Có vậy thôi mẹ ạ.
-         Con có biết đòi thế là thế nào không?
-         Có chứ ạ. Nhưng nếu không làm như vậy thì đất nước chỉ có tụt hậu và đổ vỡ mãi. Con nói thẳng thừng, đề án đào tạo 20 nghìn tiến sỹ sẽ là một đầu bài sai mới, sẽ nguy hại hơn nhiều, vì nó liên quan đến con người. Trước đó đã hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học KX cấp nhà nước thất bại, tốn không biết bao nhiêu trăm tỷ nhưng không ai thèm rút kinh nghiệm! Tệ hại gấp ngàn vạn lần cho đất nước là những đề tài KX được nghiệm thu đang góp phần nhấn chìm thêm đất nước trong huyễn hoặc và ngu dốt.
-         Đành rằng câu chuyện là thế, con lay chuyển được họ sao?
-         Còn biết bao nhiêu đầu bài sai khác nữa trong đầu tư, trong kinh tế, trong các quyết sách chính trị… mẹ ạ. Cứ đầu bài sai mãi như thế đất nước này làm sao mở mày mở mặt được hả mẹ? Sao lại cứ bắt cả dân tộc này è cổ gánh chịu mãi những đầu bài sai của người cầm quyền? – khó khăn lắm Yến mới tự kiềm chế được mình.
-         Chết, đừng nói oang oang như thế con…Còn những lời đàm tiếu ác khẩu về con thì thế nào?
-         Thiên hạ biết gì về con mà nói hả mẹ!
-         … - bà Chính cảm thấy vững lòng về phẩm chất con dâu mình, nhưng nỗi lo cho con dâu mình tăng lên gấp bội. …Mà phải, tụi bay biết gì về con ta mà nói!..

Có những lần thất bại ê chề trong kinh doanh mà bề ngoài Yến vẫn phải lấy ngậm bồ hòn làm ngọt, những rào cản quan liêu đến lố bịch, tệ nạn tham nhũng quỷ quyệt hơn bất kỳ ngôn nữ nào có thể nói lên được của hệ thống, những lề thói trở thành văn hóa được sản sinh ra từ sự vận động của hệ thống, sự lây lan của nó trong toàn xã hội và sức ngấm sâu của nó vào đến mọi tế bào của cộng đồng.., nhất là từ khi làm chủ được đồng tiền, tất cả càng thôi thúc Yến theo đuổi bằng được dự án trường đại học.  …Phải đi trên con đường có sức thuyết phục! – Yến tâm tâm niệm niệm như vậy, cả nhóm PH nhất trí đứng đằng sau.

Kể từ khi phác thảo những ý tưởng đầu tiên, đã gần bốn năm theo đuổi dự án này rồi… Thế mà vẫn còn hàng trăm việc vô bổ phải làm, hết chờ duyệt nọ đến chờ duyệt kia, trong khi đó đất đai chờ việc, vốn chờ việc, người chờ việc, được duyệt rồi lại bắt đem duyệt lại… Yến vẫn quyết theo tới cùng…

…Cùng với tất cả những ai tâm huyết góp gió thành bão! Nhất quyết phải bắt tay vào việc trồng người để thay đổi dần dần và mãi mãi từ gốc đất nước này… Ta không đơn độc.   Không có con đường nào khác… Phải kiên trì và thầm lặng!.. Bây giờ hoặc không bao giờ… Yến tự nhủ với mình như vậy, trong đầu toan tính các việc để rút ngắn hơn nữa cái thời gian chết cho những việc “vô bổ”…

Lan bước vào, hai tay đưa cho Yến cái điện thoại di động.

Đầu bên kia là tiếng nói của Tân từ Helsinki: Sự chuẩn bị cho công việc của Yến ở Helsinki đã xong. Trường đại học Helsinki đã mời đủ các thành viên thảo luận từng đề tài cho một tuần làm việc của đoàn Yến với trường. Ngoài ra Tân cho biết bà giáo sư Liane Marakov, thành viên ban lãnh đạo Hiệp hội nghiên cứu khoa học châu Âu, sẽ mời đoàn của Yến đến ăn cơm tối tại nhà riêng. Sau khi đến thăm cuộc triển lãm tranh của Phạm Trung Nam ở Helsinki năm ngoái, bà Liane Marakov trở thành người bạn mới của Yến.

Tân là con chú Nghĩa. Phạm Trung Tân là giáo sư toán chính thức của trường đại học Stockholm sau khi đã chu du thỉnh giảng nhiều năm tại châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nhật… Kỳ này Tân sẽ bay đến Helsinki để giúp chị. Hai chị em sẽ gặp nhau và cùng có mặt trong đàm phán tại Helsinki. Nếu dự án trường đại học của nhóm PH thành công, Tân sẽ cùng cả gia đình chuyển về sống ở Việt Nam. Nhóm PH mời Tân làm giám đốc của trường, Tân nhận lời. Vợ Tân, Linda Palme – lẽ ra phải là Linda Phạm Trung, là người Thụy Điển. Bà Nguyệt, mẹ Tân, cứ thắc mắc mãi là cặp vợ chồng này đến bây giờ vẫn không làm lễ cưới, đứa con gái duy nhất của họ bây giờ đã học xong đại học mà họ vẫn sống với nhau, chưa có giấy giá thú…[10]

Tham gia đoàn của Yến còn có Khái, tiến sỹ vật lý, chồng của Mai, con rể chú thím Nghĩa. Khái là chủ nhiệm ban biên tập báo cáo nghiên cứu khả thi thành lập trường đại học của nhóm PH. Đoàn còn có một chuyên gia tài chính về các dự án của Ngân hàng PH. Cẩm Liên là thư ký riêng của Yến, đồng thời là thư ký của đoàn trong chuyến đi này. Theo một số nguyên tắc đề phòng rủi ro của nhóm PH, Vũ và Yến không bao giờ cùng tham gia một chuyến bay hay cùng đi công tác chung dài ngày ở nước ngoài. Nhưng dự án này rất quan trọng và khác hẳn mọi dự án kinh doanh có lợi nhuận của nhóm PH, nên nhóm quyết định Huỳnh Thái Vũ cũng tham gia – đây là trường hợp ngoại lệ đầu tiên của PH. Nhóm PH không bố trí phiên dịch cho công việc khi còn ở giai đoạn thương thảo tế nhị này.






[1] Xem thêm  Dòng đời, quyển  một, tâp I, trang 276…
[2] Xem thêm: Dòng đời, quyển một, tâp II, trang 735…
[3] Đọc thêm những trang cuối cùng của Dòng đời, tập 4.
[4] Xem Dòng đời quyển một,  tập I, trang 346.
[5] Dòng đời, quyển II, tập 4, tr. 856-858.
[6] Đọc thêm những trang cuối cùng của Dòng đời.
[7] Đọc thêm: Dòng đời, quyển một, tập II, trang 712…
[8] Đọc thêm: Dòng đời, quyển một, tập I, trang 8.
[9] Đọc lại Dòng đời tập IV, trang 663-677.
[10] Xem Dòng đời, quyển hai, Tập III, trang 127.

1 nhận xét: