Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

"Lũ" - Final Draft April 2015




12




          Ông Hai lần này có lý do đi họp để ở lại Thành phố một tuần liền, ngay trong cái nhà nghỉ thực ra từ lâu đã là nhà của chính mình. Ngôi nhà xinh xinh, hai tầng, khiêm tốn, có ga-ra và một tý teo vườn, rất tiện cho một hộ 4-5 người. Nhà ở một góc khuất, gần sông, cảnh quan có thể nói là nơi thanh bình. Sổ đỏ ngôi nhà này đứng tên cúng cơm của ông Hai như đã ghi trong chứng minh thư, do cha mẹ đặt cho hẳn hoi, không phải cái tên chính thức ông có trong lý lịch để dung cho công tác. Còn mọi người hay dòm ngó thì cứ đinh ninh đấy là một trong những căn nhà khách của cái tổ chấy Cường đá, cụ thể là của Tư vôi, vì thấy Tư Vôi đi đi lại lại, ra ra vào vào ngôi nhà này nhiều nhất, chăm chăm chút chút từng ly từng tý một. Người coi ngôi nhà  này được gọi gọn lỏn là cô Năm, giòn giòn cỡ năm chục gì đó. Năm là thế nào? Không rõ lắm… Không đẹp lắm, nhưng dễ thương… Thực ra cũng dễ coi, tầm tầm nhưng béo lẳn, gọn gàng, khoẻ khoắn. Dáng dấp lanh lẹn, nói năng mềm tai.

         
          Cô Năm là quản gia của ngôi nhà này, được Tư Vôi đưa về từ lúc bắt đầu trang bị nội thất, lúc ấy kết hợp coi thợ luôn thể, vì mọi thứ toàn đồ xịn. Không ai biết cô Năm từ đâu đến. Nhưng cô được giao mọi việc tin cẩn như vậy, ắt phải là họ hàng dây mơ rễ má gì đó với cái tổ chấy Cường đá. Hơn nữa đám thợ và hàng xóm hồi ấy thường thấy cô xưng em với Cường đá và Tư Vôi, xưng cô với Hai Điểu…

          Danh chính ngôn thuận cô Năm bây giờ là họ hàng với nhà Cường đá

          Hôm Tư Vôi giao sổ đỏ cho ông Hai xong – chỉ có hai người với nhau thôi, Tư Vôi dẫn ông Hai xuống nhà dưới giới thiệu với cô Năm:

-         Đây là cô Năm, quản gia của chú ạ. Mọi việc đâu vào đấy hết rồi, chú khỏi lo. – đoạn Tư Vôi quay sang cô Năm: - …Đây là chú Hai, cũng giao cho cô quản luôn!
-         … - ông Hai thoáng thấy mình khó ăn khó nói, hai tai tự nhiên giật rần rần.
-         Chào chú ạ… - câu chào lúng búng, phần nào hơi ngượng nghịu nữa…

          Ngày qua ngày lại...

          Mỗi lần ra ra vào vào Thành phố, ông Hai nghỉ ở đây là chính, một Bình Châu chứ mười Bình Châu bây giờ ông cũng chẳng thiết. Ở đây cơm ngon canh ngọt, độc táo chứ không phải tiểu táo! Được chiều chuộng hết ý, lại chỉ có hai người… Cái lúng búng của cô Năm thành chuyên xa xưa rồi. Bây giờ là sự thân thiết, phải nói là sự chăm sóc, cả quấn quýt nữa…

-         Cần gì anh Hai cứ nói hết, em lo được mà!.. – giọng cô  Năm ngọt lịm.

Chuyện bắt đầu từ lúc cô Năm dần dà đánh bạo nói vui:

-         Em được giao nhiệm vụ nặng nề quá. Người của anh Hai là của quý của quốc gia mà!..
-         Thế em có thích quản lý cái của quý của quốc gia không?
-         Nhiệm vụ được giao mà...
-        

          Câu chuyện huyên thuyên đến đây lịm dần, chỉ còn lại những tiếng cười rúc rích, rồi biến dần thành những tiếng rên, những tràng rên kéo dài, mau dần, mau dần.., có lúc biến thành những âm thanh vừa rên vừa rú…


          Lần này, sau mấy ngày họp hành, hôm nay ông Hai thực sự có được khoản thời giờ ông mong ước: Tĩnh tâm sắp xếp lại cuộc đời giai đoạn chót. Vốn là người từng nhiều năm làm công tác nội bộ, công tác tổ chức và cán bộ, luôn ở vị trí chỉ đạo, nên bệnh nghề nghiệp ngấm sâu vào cả đời sống riêng của ông: …Cuộc sống có tổ chức bao giờ cũng hơn cái kiểu khác đi khác đến!..

          Hết nhiệm kỳ này, ông Hai trù tính nghỉ công việc đang giữ, cũng sẽ là nghỉ hưu luôn. Lộc bất hưởng tận mà!.. Gần bước vào cái tuổi cổ lai hi, lẽ ra nên nghỉ từ nhiệm kỳ trước để sống cho riêng mình chứ, nhưng tổ chức cứ cơ cấu mình mãi thế này. Biết làm thế nào! …Nhưng mà thôi, mình làm việc bên Đảng chứ có phải bên chính quyền đâu mà áp dụng luật công chức với nghỉ hưu… Đảng viên là phục vụ suốt đời, vả lại sức khoẻ mình còn ngon lắm, chưa nói đến kinh nghiệm thâm niên... – ông Hai chống chế với mình, cứ như là để tự thanh minh hay trang trải với chính mình. Ông nắm bàn tay lại, làm một vài động tác co tay trên bàn, rồi dùng bàn tay khác chém chém nhè nhẹ vào cái bắp thịt nổi lên trên cánh tay…  Đúng, còn ngon lành lắm!.. Ngón tay chỏ ông gõ gõ lên trán: …Còn cái trong đầu này là một tài sản vô giá của Đảng, của quốc gia! Không chê vào đâu được!..

          Cái quá trình công tác Đảng của ông đã biến ông trở thành nhà chính trị hay là cán  bộ Đảng chuyên nghiệp. Sự tín nhiệm của tổ chức giao cho ông biết bao nhiêu việc khó, khiến ông trở thành người lĩnh vực nào cũng chuyên. Lúc là bí thư tỉnh uỷ, lúc là bộ trưởng, lúc là Trưởng Ban, còn uỷ viên Trung ương thì kinh qua mấy khoá rồi. Xắp xếp vào đâu ông cũng mần được hết. Khoá hiện thời ông không ở trong Trung ương nữa, nhưng giữ vai Phó Ban, chuyên về lĩnh vực phần hồn của con người... Ông Hai hoàn toàn vừa lòng với diễn tiến như vậy trong sự nghiệp của mình, vì ông có ý thức tổ chức cao và có đầu óc thực tế. Nhiều người thuộc lứa đàn em của ông ngày nay leo cao hơn nhiều, có người đã leo tới bậc đi đến đâu tiền hô hậu ủng đến đấy, xe ò e ò e dẫn đường, xe chớp chớp đèn khoá đuôi... Thỉnh thoảng bị bà vợ đay nghiến, vì thấy chồng mình thấp kém thiệt thòi đủ mọi đường so với các bậc đàn em, ông Hai đủng đỉnh:

-         Con người ta nên biết thế nào là đủ là đủ. Như thế có phải thong dong hơn không? Tội gì mà cứ phải thân làm tội đời vì bon chen.
-         Rõ ràng là lý sự của cái anh bất tài. – bà vợ quăng lại luôn.
-        

          Kiểu đối thoại như thế giữa vợ chồng ông không đến nỗi ngày nào cũng có, thật ra phải nói là rất thưa thớt, nhưng ác một nỗi là toàn xẩy ra vào lúc hiểm nghèo. Đó thường là khi thì ông Hai phải cản mã bà trong một phi vụ buôn bán gì đó. Hoặc là khi bà nhờ ông chạy cho một việc, nhưng ông từ chối... Đấy là chưa nói đến những lời đồn ông chưa biết thật giả thế nào.

          Tự nhiên đâu đó có lời dỉ vào tai ông: “Chị nhà có đến hai biệt thự tại khu Thịnh Hào Nam, thiên hạ nói là do nhờ anh chạy đất!” Hôm ấy ông gần như phát điên, quyết truy kích bà cho ra nhẽ. Kết quả bà chẳng nói có, cũng chẳng nói không. Khi ông dồn bà hết đường quanh co, bà liền đít cong tớn, hai chân thay nhau tung lên trời, hai tay bốp bốp xĩa vào mặt ông, từng tràng súng liên thanh chát chúa từ cái mồm vừa hồng hộc, vừa ngoang ngoác:

-         Hai hay ba nhà nếu bỏ tiền ra mua thì có làm sao không hả? Hả?.. Có gì là không chính đáng hả?  Hả? Hả?.. Thế thủ trưởng của ông có nhà nhà nước cấp cho chu toàn rồi, bây giờ leo cao thêm được cấp không hẳn cả một biệt thự nữa trước đây là nhà công vụ…  Sổ đỏ có người mang đến nhà, dâng tận tay hẳn hoi!.. Như thế là chính đáng hả? Hả... Hả?.. Ông chạy hay không chạy thì tự ông phải biết chứ, sao lại về nhà hoạnh hoẹ vợ con hả?.. Hả? Hả?..

          Đạn liên thanh của xạ thủ số một trúng mục tiêu tức khắc. Ông Hai ngã gục trên bàn. Cái thây ma ông Hai hoàn toàn bất động. Nhưng từng tràng liên thanh vẫn tiếp tục nã vào ông xối xả, cái thây ma ông Hai bật bật…

          Một lần ông đi chơi phố để thư giãn, cũng là để có dịp gần đời một chút, nhân thể thay pin cái đồng hồ đeo tay. Ông tạt vào một cửa hiệu đồng hồ sang trọng ở phố Hàng Đào. Ông đứng trước mặt người chủ tiệm đến hai ba phút mà không được tiếp, anh ta đang mải tranh cãi với quân gia của mình về đoàn xe tắc-xi CTCP vừa mới ra đời ở Hà Nội. Người thì nói chủ sở hữu của nó là cái mụ xyz, kẻ cãi lại cái mụ này chỉ là một cổ đông bự thôi, chủ sở hữu chính là một mụ khác cơ… Anh ta chứng minh rạch ròi nguồn tiền bà này từ đâu đến, góp vốn bao nhiêu, họ tên tuổi, lý lịch trích ngang... Nghe tên vợ mình cứ được nhắc đi nhắc lại trong cuộc tranh cãi như thế, lại còn nói rành rọt học ở đâu, học hàm học vị ra làm sao, thế mới chết người ta chứ!..  Thời ngày xưa học kiến trúc ở Hungary bà này làm những chuyện gì, lúc đầu là bồ của ai, sau mê ai... Nữ tiến sỹ kiến trúc sư học Hungary cả nước đâu có mấy người!..  Ông Hai từng lúc chết khựng, rồi lại chết khựng... Cuộc tranh cãi chấm dứt, bây giờ người chủ tiệm mới quẩy hỏi khách hàng là ông Hai muốn gì. Hỏi đến lần thứ ba, thứ tư gì đó, ông Hai mới tỉnh ra là mình đang ở đâu…

          Chẳng sui chẳng khiến, giai thoại nối theo giai thoại về vợ mình cứ lởn vởn trong đầu... Nhưng lúc này ông Hai muốn gạt phăng đi hết, muốn đầu óc mình thật sạch bong, để hôm nay thật tĩnh tâm xắp xếp đoạn chót con đường đời của mình… Ông hít thở thật sâu, uống từng ngụm nước lớn…
         
          …Không phải là để hạ cánh an toàn, mình có làm gì đâu để mà phải nghĩ đến chuyện an toàn hay không an toàn. Tận tuỵ gần hết đời người cho cách mạng, cho đất nước như thế là đủ rồi, đã đến lúc phải nghĩ đến chính mình chứ… - ông Hai tự phân bua.

          Ông Hai luôn luôn tự cho mình là người biết điều, nghĩa là không tham cả chức lẫn quyền. Đối với ông lúc nào nhiệm vụ cũng là trên hết. Tổ chức và chung quanh thấy rõ điều này. Chưa bao giờ thấy ông nài nỉ tổ chức hay cấp trên điều gì, mà thường là tổ chức phân công việc gì là ông nhận, nhận nhiệt tình, hoàn thành đến nơi đến chốn. Ông nghĩ, tổ chức giao nhiệm vụ là đã có cân nhắc, việc của ông là thừa hành tốt, cố đạt kết quả tốt nhất!.. Ông không hề toan tính thiệt hơn… Cả những chuyện riêng tư, việc học hành và công tác của con cái.., ông không chủ động xin xỏ cái gì bao giờ. Được cái là quan hệ tốt với mọi người, nên những người làm tổ chức và làm chế độ không bao giờ để ông thiệt. Con cháu, họ hàng hay ai đó, nếu được tổ chức biết đích xác là người thân của ông Hai, thì nhờ vả gì cũng được tổ chức giúp đỡ chu đáo… Mọi chuyện nhà cửa, xe cộ, người phục vụ, các tiêu chuẩn khác ông Hai được đãi ngộ, đến kỳ lên lương.., nhất nhất đều được tổ chức thực hiện rất chu đáo. Ông cũng chưa một lần tự mình chạy hộ ai hay đỡ đầu ai trong bất kỳ một ap-phe nào, nhiều lúc còn chủ động tránh nó, vì không muốn dây vào cái bẩn – ông xác định dứt khoát như vậy. Thậm chí trong thâm tâm ông rất tự hào vì thấy mình trong sạch, thảnh thơi hơn nhiều người, không bao giờ để mình phải rơi vào cảnh ăn ngủ không yên... Khối anh tai to mặt lớn cứ có chuông điện thoại reo trong nhà là giật mình thon thót. Những loại cán bộ này sợ cấp trên của họ đã đành, họ sợ cả cấp dưới, trước hết sợ ngay chính vợ con mình – điện thoại gọi về nhà là rách việc lắm… - nghĩ đến đây ông Hai yên tâm là chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ cho cô Năm số điện thoại cố định của mình ngoài Hà Nội… Vả lại phòng xa thế thôi, thời đại điện thoai di động này, thiếu gì cách…

          Trong giờ phút tĩnh tâm thế này, ông cảm ơn trời đất đã cho mình cái tính quán triệt, tính tổ chức, tính không bon chen và cái ý thức biết đủ là đủ… Những phẩm chất ấy đã làm nên thân thế và sự nghiệp của ông, con đường công danh xuôn xẻ của ông. Nhìn vào các cuộc đấu đá nhau trước mỗi cuộc bầu bán, ông còn tự hào mình là người có nhiều bạn nhất, lần nào cũng nằm trong danh sách đề cử đầu tiên và khi bầu là trúng liền.

          …Bây giờ mình là người thanh thản! Cái thanh thản không gì mua được!..

          Ông Hai tự cho mình là người có đầu óc phê phán. …Rõ ràng ta không phải là người siêu quần xuất chúng, nhưng cái tính quán triệt, ý thức tổ chức, tinh thần trách nhiệm đã khiến ta xuất sắc hơn nhiều người, có được cái tín nhiệm, cái uy tín ta đang có… Ông hiểu mình như thế, và hầu như lúc nào cũng phấn đấu như thế, giữ mình như thế.

          …Nếu không có lời đồn này, lời đồn nọ về cái mụ hàng cá nhà mình này, mình có thể hoàn toàn yên tâm… Đã sống với đời, làm đầy đủ nghĩa vụ với đời, chẳng có gì mà phải nghĩ đến hạ cánh an toàn hay không an toàn!.. Những anh phải luồn lọt để leo cao chắc gì đã có được cái cảm giác thanh thản này của ta? Chắc gì đã hạnh phúc hơn ta?.. Cuộc đời sẽ đẹp biết bao, ổn thoả biết bao, nếu ai cũng có tinh thần quán triệt, có ý thức tổ chức như ta vậy!?.. Đây chính là cái vốn quý nhất ta có mà khối kẻ không có…- trong người ông Hai lâng lâng ít nhiều thoả mãn, những ngôi sao huân chương cao quý ông được ban tặng lấp lánh trong đầu...

          …Chỉ có cái mụ hàng cá nhà mình là quá quắt!.. – đụng phải ý nghĩ này, dòng tư duy về con đường công danh của ông Hai đến đây lại đứt phựt! Lựu đạn, liên thanh đâu đó lại đùng đoàng chí chát… …Người có học hẳn hoi, chẳng gì cũng tiến sỹ này nọ, đang được đề nghị phong phó giáo sư, thế mà chua ngoa đến mức con mẹ bán cá đầu chợ nhà mình có lẽ còn phải gọi bằng chị!.. Không biết là dửng mỡ rồi nên biến chất, hay là bây giờ mới bộc lộ bản chất?!.. Hàng mấy chục năm nay đối tượng công tác của mình là con người… Mình đã tìm hiểu, đánh giá hàng trăm hàng nghìn con người, xắp xếp hướng đi của họ, định đoạt công việc và vận mệnh của họ.., vì công tác cán bộ trước hết là công tác con người… Gần như chỉ nhìn mặt họ một lần, nói với họ vài câu chuyện, mình đã đọc được tâm địa họ… Thế mà mấy chục năm ngủ cùng một giường với vợ, đến hôm nay vẫn không sao hiểu được vợ là người thế nào! Thế là cái quái gì! Chẳng lẽ cái thế giới đàn bà… Không!.. Không phải thế giới đàn bà, mà là cái thế giới vợ… Phải, chẳng lẽ cái thế giới vợ bí ẩn đến thế hay sao?!.. Khi mới cưới nhau, ai cũng khen trai anh hùng gặp gái thuyền quyên. Thế mà… Đùng đùng đoàng… Thậm chí đã có lần chiến sự căng thẳng đến mức bà Hai khoá cửa phòng không cho ông vào ngủ, ông phải quay ra đặt mình lên cái sô-pha…

          Nghĩ đến đây, ông Hai đứng dậy gọi cô Năm có cái gì mang ra cho ông nuốt trôi cái căng thẳng nóng bỏng trong đầu. Uống mấy ngụm nước lớn không ăn thua gì…

          Cô Năm bưng ra bát chè màn thầu nấu nước dừa mát lạnh.

          Ông Hai ăn ngon lành, cô Năm ngồi bên cạnh chăm sóc cho ông ăn, còn phe phẩy cái quạt giấy nữa...

-         Ôi chè ngon quá! Mát quá. Cái bực bội trôi mất hẳn.
-         Em cảm ơn.
-         Tôi mới là người phải cảm ơn em. Cứ như là tôi chưa bao giờ được ăn bát chè ngon như thế.
-        
-        

          Hai người còn trao đổi với nhau vài câu nữa, cô Năm mới đứng đậy bưng bát đĩa xuống nhà, ông Hai tiễn theo xuống nhà dưới một lúc, quấn quít nâng niu nhau một lúc lâu lâu, rồi mới lại quay lên tiếp tục làm việc.

          Được bát chè mát lạnh từ trong mát ra tiếp sức, cùng với thần kinh phấn chấn, tinh thần ông Hai trở lại trạng thái thoải mái. Ông trở về cái thế thăng bằng đến mức gần như là đủng đỉnh.., cái thăng bằng mà ông vốn có hàng ngày sau mỗi khi tinh thần và thể xác đều thư giãn... Lúc này ông càng tự tin cái đúng, cái tốt thuộc về ông. Ở cương vị mình, ông biết quá nhiều chuyện này nọ chốn cung đình. Trong thâm tâm ông không thể đồng tình, ông lên án. Chính vì thế ông càng trân trọng cái đúng, cái tốt của mình. Ông đã nói tại nhiều cuộc họp nội bộ: Hư đốn thế này mà không biết đóng cửa bảo nhau sẽ có ngày mất hết. Thể chế, pháp luật vừa là không có đủ, vừa là có cũng như không! Thậm chí nhiều người trong các anh không thuộc cái đã có luật nữa, không vận dụng được… Thử hỏi, nếu không đóng cửa nghiêm khắc răn đe nhau sẽ ra sao? …Sẽ có ngày dân lật thuyền đấy, các anh ạ! Các anh sẽ không còn lấy cái quần đùi mà mặc! Các anh có biết không?.. Lần ấy suýt nữa ông nhắc đến cái tên Ceaucescu[1], nhưng may còn kịp thời phanh lại…

          Nhiều người thừa nhận là ông bốp chát, thẳng tính, nhưng không vì trù dập xỉa xói cá nhân nào, mà chỉ vì lo toan cho sự nghiệp chung… Trong đầu ông luôn luôn trách móc họ là những người không biết cái biết đủ là đủLàm người thiếu cái biết này nguy hiểm lắm, còn tệ hơn cả ngựa mất cương, tệ hơn cả con vật các bạn ạ…- ông Hai thường nghĩ cho mình như vậy, và đôi lúc cũng nói thẳng ra thế với mọi người chung quanh.

          Một lần vào ngày giữa tuần, ông nhớ rõ lắm.  Đệ tử của ông mời ông và vài khách nữa đi ăn đặc sản cầy hương ở Đá Cheo, một địa danh ông có nghe nói, nhưng chưa đến bao giờ. Xe biển trắng biển hay xanh của khách mời bị vứt lại hết. Đã thế chủ sị còn bồi dưỡng cho mỗi lái xe của khách một tờ bạc 100 nghìn rồi bảo họ biến. Chuyện này làm ông Hai vừa vững tâm, vừa chột dạ: Nghĩa là nếu có xảy ra chuyện gì bậy bạ sẽ không ai biết.., nhưng chắc chắn phải có chuyện bậy bạ gì đây nên mới có chuyện chu đáo thế này với cả các lái xe. …Được, để xem các anh giở trò gì! – ông Hai nghĩ bụng như vậy...

          Tất cả chủ và khách leo lên một xe van Mercedes xịn, biển trắng, đã chực sẵn. Sau mấy giờ đồng hồ bon bon qua đồng quê, lên đồi, trườn quanh núi, lại băng qua đường đồi, lại ven ven núi… Phong cảnh na ná Hạ Long nổi, hao hao giống vùng nào đó mà ông quên mất tên. Ông trách thầm trong lòng mình thật là dốt về địa lý… Cuối cùng xe ngoặt vào một con đường quanh co đẹp như trong tranh. Chủ sị giải thích cho ông Hai và các khách lịch sử ra đời của nó. …Người ta đồn rằng con đường này đẹp nhất quốc gia đấy!.. Một lát sau, trườn qua mấy quả đồi nữa, chủ sị vỗ tay bộp bộp để mọi người chú ý, rồi chỉ cho mọi người xem xa xa là một biệt thự kiểu Thuỵ Sỹ nằm một mình trên một sườn đồi bao la thoai thoải chạy thẳng xuống bờ sông. Lại nhiều tiếng ồ lên. …Thật là.., sơn thuỷ hữu tình…  Nói là đẹp như trong các tranh vẽ chắc cũng đẹp đến ngần này thôi!..  “Các anh ạ, nhà cựu vương xưa đấy!” – chủ sị giải thích. Ông Hai thấy mình loáng choáng trong người… Bao nhiêu đồn đại tới tai ông lâu nay nhưng ông cứ ngỡ đấy là của những kẻ ác ý…  Rõ ràng đây là đường thật, nhà thật, đồi núi thật, chạy thoai thoải xuống mé sông hẳn hoi y như lời đồn đại… Sao mà đẹp thế, có đến mấy lần hàng rào dây thép gai bao quanh nữa… - ông Hai thốt lên. Mặt ông Hai dán chặt vào cửa kính xe, tay ông Hai đâm đấm nhè nhẹ lên thành xe, miệng ông Hai lẩm bẩm…

          …Xe van xịn còn đưa khách ngao du đồi núi quanh co một lúc nữa mới đến cái quán đặc sản cầy hương. Chưa qua hết cái choáng này, ông Hai bị ngay cái choáng khác. Gọi là quán, nhưng cái gì ở đây cũng xịn bậc nhất, chẳng hợp với cái tên “quán” một tý nào, …hay là cái tên “quán” mới đích thực xứng đáng với nó: rất đồng quê, rất lãng mạn, nhưng cũng rất hiện đại… Cả đời người bôn ba ông chưa thấy đâu xịn như ở đây… Nhà gỗ, mái cọ, thanh nhã vô kể nhưng lại rất cầu kỳ, xây cất trạm trổ nên thơ đến mức diệu nghệ. Cánh cửa, xà nhà, kèo cột, xống nhà.., bất kể nhìn vào đâu, mỗi thứ là một tác phẩm nghệ thuật. Bốn chung quanh là mành tre ngà và tường kính di động, tất cả có thể dung remote đẩy ra đẩy vào, để bớt nắng, để thoáng mát, để chạy điều hoà khi cần thiết… Tất cả được bố trí rất tinh vi nên vẫn giữ nguyên được cái vẻ đẹp đồng nội… Bàn mây óng vàng, mặt kính pha lê trong suốt. Ghế mây nệm trắng bong, viền đỏ thanh cảnh một cách vương giả. Các ly pha lê, các bộ dao dĩa bạc cầu kỳ, bát đĩa sứ trắng muốt… Tất cả được bầy biện sang trọng đến bất ngờ… Người phục vụ ai nấy đều trẻ măng, áo quần chỉnh tề – con gái thì đẹp như tiên sa, con trai thì cao ráo lịch thiệp… Rượu ngon, đặc sản cao lương mỹ vị… Nhưng nếm cái gì, nhấp nháp cái gì, ông Hai cũng thấy đăng đắng. Cái chính là vì choáng. Cái choáng từ quan sát bốn bề tăng thêm cái choáng trên đầu lưỡi...  Có lúc ông không biết mình đang ăn gì, uống gì... Lời lẽ, cử chỉ trên bàn tiệc, giữa khách ẩm thực với nhau, giữa khách ẩm thực và các cô tiên phục vụ ở cái thế giới không thế giới này… Tất cả thi nhau làm cho ông Hai choáng mãi, choáng nữa, choáng đến tận hai bên thái dương, có lúc cả hai tai lại giật giật... Ông không thể ngờ được tất cả những gì mình đang thấy ở đây, sống ở đây… Ông càng không thể ngờ được cuộc sống vì nó ông suốt đời xả thân chiến đấu lại sản sinh ra một cái thế giới không thế giới như thế này, nó chẳng đúng với những gì ông hình dung, chẳng đúng với tất cả những gì ông hằng tâm tâm niệm niệm... Ăn uống cái gì vào chỉ thấy lưỡi ngày càng đắng… Có lúc ông Hai thầm mong sao tai mình điếc và mắt mình thông manh, lưỡi mình rộp bỏng, để để khỏi nghe cái không nuốn nghe, để khỏi nhìn cái không muốn nhìn, đề cho bớt đắng những thứ mình đang nuốt trên lưỡi…

          Khi tiệc tàn, thực đơn chuyển đến tiết mục cà-phê sữa nóng tráng miệng, ông Hai hoa cả mắt: bộ tách đĩa sứ uống cà-phê dành cho mỗi người đẹp tuyệt trần, mầu men xứ trắng long lanh như ngọc, bên cạnh là cái cùi dìa bạc xinh xinh trạm trổ hình tiên nữ vô cùng tao nhã… Một người hầu trai cao ráo bảnh bao trịnh trọng rót ca-phê lần lượt cho từng người. Mùi cà-phê ngào ngạt ông chưa hề thấy bao giờ. Thực đơn ghi rõ là cà phê chồn đặc sản… Vốn dĩ uống cà-phê hàng ngày, ông biết cái mùi này chẳng phải là Trung Nguyên, cũng chẳng phải cà phê Nhân, mà là thứ cà-phê gì thơm thơm lạ lùng lắm, hấp dẫn lắm… Ông Hai còn đang chưa kịp định thần, thì một phụ nữ bước ra, đúng là đẹp đến mòn con mắt… Người phụ nữ ăn mặc kiểu thôn dã nâu sồng, nhưng được cách điệu vô cùng sang trọng. Cả bàn tiệc im lặng. Người phụ nữ bình thản vạch cái yếm đào của mình lên, lấy tay nhẹ nhàng bóp vú mình tia các tia sữa trắng vào từng tách cà phê… Cả bàn tiệc chết ngắc, tất cả các cái mồm đều há hốc vì ngạc nhiên, để hết cả răng lợi ra ngoài... Cứ thế, người phụ nữ tia tia các tia sữa của mình lần lượt vào từng tách cà-phê của từng người... Tất cả thực khách đột nhiên hóa thạch thành các ông phỗng, chỉ còn các con mắt của họ cử động, đảo đi đảo lại, lúc đuổi theo cái vú, lúc theo mấy ngón tay trắng nõn của người phụ nữ đang nặn nặn cái vú, lúc đuổi theo các tia sữa trăng trắng tia tia xuống từng tách cà-phê… Ông Hai tay cứng đơ trên đùi, tự cấu mình mấy lần mà chẳng thấy cảm giác gì cả… Đến khi người phụ nữ ra khỏi phòng tiệc, cái thế giới không thế giới nổ tung, nó ồn ỹ gấp bội, thô tục gấp bội… Cá biệt một hai cái mồm vẫn còn không sao ngậm lại được… Riêng ông Hai cảm thấy cột xống mình như bị một cột sắt nào đó nẹp cứng lại, ông không sao cựa quậy được, tự cấu mình mấy cái nữa cũng chẳng ăn thua gì…

          Tiệc xong, họ dựng ông Hai đứng lên, dắt ông đi qua một miệt vườn xum xuê: Một biệt thự lớn sang trọng hiện ra trước mặt, có lẽ ông chưa thấy ngay cả ở Hà Nội... Ông Hai còn đang ngỡ ngàng, các cô tiên áo mỏng như giấy và tỏa ra mùi thơm ngây ngất đã bước ra, mỗi người nhận lấy một khách.

-         Mời anh Hai thưởng thức chút thời gian của thế giới bồng lai! – chủ sị ân cần dúi tay ông Hai vào tay cô tiên đứng trước mặt ông.
-         Ối chết! – ông Hai dụt tay lại như bị điện giật, rồi đưa cả hai tay ôm lấy ngực trái. - …Nguy rồi! Nguy rồi! Truỵ tim! Hôm nay uống nhiều quá… Quên không mang thuốc phòng!
-         Chết! Chết! Chuyện gì thế này!? – một bạn nhậu đứng cạnh ông Hai hốt hoảng kêu lên.
-         Cho mình một cái xe chở gấp về Hà Nội, nếu không sẽ không kịp!.. Ối! Ối!.. – mặt ông Hai nhăn nhó, khó lời lẽ nào tả xiết...

Ý muốn của ông Hai là mệnh lệnh, ngay tức khắc được thi hành. Chỉ mất vài phút, ông Hai đã ngồi yên vị trong xe, hai tay vẫn ôm ngực, cái mặt vẫn nhăn nhó... Mọi người chúc ông mau bình phục. Nhưng cơn đau tim nặng ông bịa ra chỉ cho phép ông gật gật cái mặt nhăn nhó để đáp lại, không cho phép ông trả lời, tay vẫn còn đang ôm ngực nên cũng không vẫy vẫy từ biệt được…

Xe vừa đi khuất, tiếng cười nói nổ ran, cứ như là thác nước thủy điện sông Đà ầm ầm đổ thẳng vào khu vườn Đá Cheo này…

Vì “đang lên cơn đau tim cấp tính”, nên ông Hai cũng đành tay giữ ngực, mồm ngậm chặt không nói năng gì. Đôi ba lần người lái xe ướm lời hỏi thăm, ông đều nhăn nhó và tảng lờ không nghe không thấy. Phải đóng kịch một mình trong cái xe thênh thang suốt dọc đường về đến tận Hà Nội, đầu óc ông Hai chật cứng những câu hỏi không sao trả lời được.

Cha mẹ ơi, thế hệ con em mình do chính mình chung tay góp sức đào tạo nên để kế tục sự nghiệp của Đảng, của Cách mạng là như thế này ư? Lên đến cỡ này, có đứa nào mà lại không kinh qua toàn bộ cái hệ thống chọn  lựa, đào tạo đã được thử thách từ thế hệ này sang thế hệ khác, cái hệ thống đã được rèn luyện từ giai đoạn cách mạng này đến giai đoạn cách mạng khác! Mình chạy theo không kịp thời đại, hay là toàn bộ cái đội ngũ kế thừa này hư hỏng trác táng hết chỗ nói rồi!?.. Có sách vở nào, nghị quyết nào hay trường Đảng nào dạy chúng mày như vậy đâu hả!? Thật là quá thể!.. Lúc nào Đảng chẳng nói công tác giáo dục chính tri tư tưởng là quan trọng nhất, cán bộ là khâu quyết định!.. Có lúc nào Đảng lơ là nhiệm vụ này đâu!?.. Nhưng sao cuối cùng lại cho ra cái thành phẩm như thê này? Chỗ nào cũng vậy!... Cả một đời người làm công tác cán bộ, công tác tuyên huấn.., mà sao mình không thể hiểu được những chuyện hôm nay mình chứng kiến, hôm nay mình là nạn nhân!?.. Mà chúng lấy tiền ở đâu ra để ăn chơi dữ dằn thế! Loáng thoáng nghe nói cái ổ này chưa là cái đinh gì!..

Các câu hỏi trong đầu đưa ông Hai về đến nhà lúc nào không biết…

Từ bữa ấy ông Hai mất thêm một số bạn.

          Ông thừa nhận thời thế đã thay đổi nhiều quá rồi, không thể lấy cái khuôn vàng thước ngọc thời xưa của mình áp dụng cho bây giờ… Nhưng không biết cái biết đủ là đủ là đưa nhau đến thảm họa đấy!.. - ông Hai tự bào chữa cho cái tụt hậu của mình so với các đàn em.

-         Tôi mà tham làm giầu như anh, có lẽ tôi giầu gấp bốn lần anh rồi. Vì tôi có điều kiện tham nhũng hơn anh gấp nhiều nhiều lần, nếu tôi muốn!..  Phải biết thế nào là đủ là đủ chứ. Anh xem ai cũng chỉ nghĩ đến mình thì còn ra cái thể thống gì nữa? Hay là đất nước nhiễu nhương thế này loại người như anh vẫn chưa thấy là đủ? -  có lần ông Hai đã cho đệ tử ruột của mình một bài học như thế.

          Cả đời công tác, ông tích luỹ được rất nhiều mối thân quen, nghĩa là ông có nhiều bạn bè, đồng chí và đồng đội. Kể cả rơi vãi đi nhiều vì cái tính giữ gìn của ông, song số còn lại vẫn là nhiều. …Hoàn toàn trong trắng, hoàn toàn chí công vô tư, lại không thù vặt ai – ông tự tâm tâm niệm niệm thế... Mối thân quen duy nhất ít nhiều có chuyện nhờ vả lẫn nhau là mối quan hệ của ông với gia đình Cường Đá.

          Chuyện bắt đầu khá lâu rồi và hoàn toàn tình cờ. Bữa ấy ông điều tra một vụ tiêu cực của một cán bộ có liên quan tới đất đai ở Thành phố, các cơ quan chức năng – từ kiểm tra Trung ương đến bên công an, bên an ninh lận đận một vài năm rồi mà vẫn chưa sao xác  minh được ra ngô ra khoai. Một cán bộ cơ sở của Thành phố, vốn là đệ tử của ông giới thiệu với ông cánh Cường đá:

-         Anh cứ khai thác cái tổ chấy này của Thành phố, mọi chuyện sẽ rõ.

          Quả là thế. Sau có vài tháng, những thông tin của nhóm Cường đá  cung cấp, được các bên chuyên trách nghiên cứu, xác minh.., được công nhận là có giá trị. Nhờ thế xử lý thành công được vụ việc nghiêm trọng này: tóm được đúng thủ phạm và minh oan được một lão thành trung thực vốn ngày xưa đã giáo dục ông và đã kết nạp ông Đảng, phục hồi danh dự một chi bộ... Giúp xong, nhóm Cường đá không đòi trả ơn, cũng không thấy nhờ vả điều gì. Sau đó  cái tổ chấy còn giúp ông Hai có nhiều thông tin khác mà ông yêu cầu… Tất cả đều hoàn hảo. Có lúc ông Hai phải thốt lên: Đúng là không gì bằng tai mắt nhân dân!..

          Thế rồi một ngày xảy ra một vụ việc lớn ở Thành phố: Một nhóm doanh nhân người Việt và một nhóm doanh nhân người Hoa – không rõ là Hoa nào, lục địa hay Đài Loan… – cùng tranh chấp đầu tư lô đất B304 ở gần Thủ Thiêm, rộng 47 ha, cách cầu Thủ Thiêm đang xây khoảng mười lăm hai mươi cây số đường chim bay về phía Bắc. Lãnh đạo Thành phố bàn mãi mà chưa ngã ngũ nên phân cho ai. Người cán bộ cơ sở Thành phố chạy ra tận Hà Nội nài nỷ ông Hai:

-         Anh nên có lời nhắn vào, hễ mà điều kiện chào mời thầu như nhau thì nên ưu tiên cho nhóm doanh nhân người Việt đầu tư. Nhiều anh trong lãnh đạo Thành phố vốn là đệ tử của anh. Lời khuyên của anh sẽ tác dụng lắm.
-         Đúng quá, đấu thầu ngang nhau thì phải dành cho người Việt ta là phải lẽ rồi, quốc gia nào cũng phải làm thế! - ông Hai nói suy nghĩ của mình và   đáp ứng đề nghị của người cán bộ cơ sở Thành phố.

          Câu nói bâng quơ giữa trời nhẹ như lông hồng của ông Hai được ném lên bàn cân. Kết quả đám người Việt trúng thầu. Trong cái đám người Việt ấy có thành viên chủ chốt là cái tổ chấy Cường đá.

          Sự thân quen bắt đầu từ chữ tín như vậy. Cái tổ chấy thắng đậm trong áp-phe lô đất B304, nên đã quyết định lại quả cho ông Hai ngôi nhà xinh xinh mà bây giờ ông đang ngồi để lý sự với mình và lý sự với đời.

          Có thể nhờ sự thông minh hay sự yếu đuối của ông Hai, có thể do tài thuyết phục của nhóm Cường đá, đàm đạo mãi hai bên đi đến kết quả cuối cùng: Cái nhà lại quả này có sổ đỏ mang tên cúng cơm của ông. Nhận sổ đã gần một năm rồi, bây giờ đã quen cái nhà mới này như là nhà của mình rồi, thế mà nhiều đêm ông Hai vẫn bị mất ngủ, vì những câu hỏi không đâu vào đâu. Có lúc ông tự chất vấn mình:

-         Thế có phải là tham nhũng không nhỉ? Cường đá trích tài sản của chính nó ra để tạ ơn.., không phải để vận động mình nói theo lẽ phải… Tạ ơn như thế làm sao gọi là tham nhũng được nhỉ?… Quà biếu mà…

          Lần nào cũng thế, cứ một câu hỏi soi mói lương tâm như thế bật ra, ngay lập tức hàng trăm ý kiến khác vùng lên trong đầu ông Hai chống lại, bào chữa cho ông, bào chữa thắng lợi áp đảo. Đơn giản là ông có làm ăn hay dính dáng đến phi vụ nào đâu!  Ông cũng chẳng có quyền hành gì về cái lô đất B304!.. Thế thì làm sao mà tham nhũng được? Ty tỷ các lập luận vững chắc khác… Đây chỉ là sự trả ơn thôi... Ai mà chẳng có quyền tặng quà!..

-         Mình có ô dù cho nhóm Cường đá làm chuyện gì bậy bạ không? Có bị cái tổ chấy này lợi dụng không?

Sự ay rứt này bị chính ông bác bỏ một cách dễ ợt. …Ngay vợ mình cũng đừng hòng nhờ vả mình lấy một phi vụ nào, chứ đừng nói người ngoài…

Chỉ còn lại mỗi chuyện vụ tai nạn giao thông Lê Quốc Quân có tin đồn là trở thành án mạng, thì chính ông là người đầu tiên đòi hỏi nhóm Cường đá phải cùng với chính quyền địa phương xử lý dứt điểm, để cho khổ chủ khỏi kêu oan ra đến tận Trung ương. …Hay là sự kiên quyết của mình như thế vẫn chưa thể coi là đủ?  …Nghĩ đến chỗ này ông phân vân một chút trong lương tâm: Ông không biết nguyên nhân thực vụ tai nạn hay vụ trọng án này là gì, đến bây giờ cũng vậy; hơn nữa đây cũng không phải là phận sự của ông. Tiếng kêu oan ra đến tận Hà Nội, ông nghe được, theo tiếng gọi của lương tâm, ông đã tự mình nhắc nhở Cường đá… Nhưng ông thừa nhận ông đã bị Tư Vôi thuyết phục: Thành phố quá tải và thậm chí có thể vỡ tung vì các vụ việc và các sự cố, nên để cho Thành phố dồn sức vào những việc quyết định cuộc sống của cả Thành phố!.. Thế là ông thôi, không tiếp tục cằn nhằn nhóm Cường đá nữa

Mà như thế cũng là vượt quá phận sự mình phải làm rồi, có phải không?! Mình chỉ nghe thấy như thế, rồi ngứa ngáy chõ mồm vào như thế, giục chúng nó phải xử lý dứt điểm… – ông Hai tự lý giải trong đầu mình. …Nhưng mà ta đã không chủ động thôi thúc đến cùng các cơ quan chức năng của Thành phố?!.. Thôi đi, lấn sân người khác thế là quá nhiều rồi!.. – cứ như thế, ông Hai lương tâm tranh cãi với ông Hai lý sự, không có hồi kết…

Còn cái chuyện Hai Điểu đi học chính trị à?.. Đây là sáng kiến của Cường đá. Xin đi học chính trị thì chỉ có từ tốt trở lên, Cường đá đề nghị ông nói giúp nhà trường vài câu, ông sẵn lòng ngay. …Thời buổi này làm gì có ai sốt sắng và tình nguyện đi học chính trị như thế! Lẽ ra thời thế nhiễu nhương thế này phải bắt tất cả mọi người chăm chỉ trau giồi đạo đức chính trị, phải học chính trị thường xuyên, càng nhiều càng tốt!..ông Hai cảm thấy yên tâm, không gì có thể bứt rứt mình…

Nhìn ta, rồi lại nhìn ra nhiều người, ở ta không thể có chỗ cho khái niệm hạ cánh an toàn được, vì mình làm gì có đỉnh điểm cao nào, hoành hành gì mà phải hạ cánh an toàn... Quyền lực không màng, giầu có không tham, của cải làm ăn phi pháp không có!.. Không có cái gì cả! Thế thì hạ cánh từ đâu? Việc gì phải hạ cánh!.. Vài năm nữa mình sẽ bước vào cuộc đời nghỉ hưu một cách thanh thản, an nhàn… Giá mà biết chút thơ ca thì chuẩn bị bình rượu túi thơ cho cuộc đời nay đây mai đó là vừa đấy!.. Đi xa xa cái mụ hàng cá nhà mình một chút… Họ cứ bảo là người Việt ai cũng biết làm thơ, nhưng chắc đây là chuyện phóng đại thôi.., mình viết ra cho nó có vần còn khó, nói gì đến thơ!.. Nhưng mình sẽ đúc kết cuộc đời… Về đất nước… Về con người…

Đáng đúc kết lắm! Đất nước này nhiều đau thương lắm, nhiều gian truân lắm… Đất nước này hôm nay đang ở đâu trong cái thế giới này nhỉ? đang được gì, mất gì?.. Mình có làm nổi việc đúc kết này không? Các Đại hội Đảng đã tổng kết rồi, các nghị quyết, văn kiện đã phân tích hết nhẽ rồi… Trí tuệ tập thể sáng suốt… Đành rằng còn chuyện này chuyện nọ, không có chân lý nào là tuyệt đối hay mỹ mãn cả… Nhưng chẳng lẽ mình lại đi làm cái việc xét lại à? Làm sao mà bằng trí tuệ tập thể đươc! Thôi, tốt hơn vẫn là quán triệt. Nhất thiết phải quán triệt! Mỗi người một ý sẽ loạn! Rồi sụp đổ như các nước Liên Xô Đông Âu hàng loạt thì bỏ mẹ cả lũ với nhau!.. Quán triệt mới là đức tính ưu việt của mình, quán triệt mà làm rõ thêm được điều gì ta sẽ kiến nghị điều chỉnh, bổ sung!.. Quán triệt mới là cái điều đất nước này cần… Quán triệt mới là sở trường của ta…  – ông Hai đẩy cái suy nghĩ tổng kết cuộc đời, tổng kết đất nước lên tầm cao của quán triệt…

Đã đến lúc phải xắp xếp đoạn chót đường đời của mình rồi.., để sống cho đáng sống quỹ thời gian hữu hạn này, để không bị động lúng túng theo ông bà lên ngồi bàn thờ thưởng thức chuối xanh và ngắm con gà nó khoả thân!.. Phải tổng kết lại chính mình, trước khi bước vào đoạn đường đời còn quý hơn vàng này… Bây giờ mới là đoạn đường đời của riêng mình, là lúc mình sống cho mình… Cộng sản hay mác-xít đến mấy đi nữa cũng có quyền hưởng thụ thú vui tuổi già chứ… Mình có nhiều cái để nhìn ngắm lại lắm, để xắp xếp cho ra xắp xếp, cho không phí cái đoạn đường chót chỉ có một lần này...

…Ôi, khi nào ta vào cái thời khắc “hai năm mươi”, anh nào phải đảm nhận cái nhiệm vụ viết điếu văn cho ta sẽ là méo mặt đấy… Phải tha hồ mà lặn lội tìm hồ sơ lưu trữ 4 -5 cơ quan may ra mới viết được. Bao nhiêu đoạn trường ta đã kinh qua, bao nhiêu chức vụ ta đã nắm giữ... - dù có kể ra cho đủ cũng chỉ mới nói được tên các đầu việc là cùng thôi, còn nội dung gian lao của nó, tầm quan trọng của nó, ý nghĩa của nó đối với đời… Ôi giấy bút nào diễn đạt được! Riêng cái khoản điếu văn phải liệt kê ra cho hết huân chương, kỷ niệm chương, bằng khen… đủ làm  người nghe đứng mỏi chân rồi! Đừng có mà bỡn!.. Còn những cái lạc khoản muốn đề cho đúng đắn trên các vòng hoa viếng ta cũng không đơn giản đâu… Phải, khi ta đã tới cái khoảnh khắc “hai năm mươi”, người đời sẽ vô cùng bận rộn. Nhưng lúc đã là người thiên cổ rồi, ta đâu còn quan tâm đến những thứ bận rộn ấy! Mọi điều đúng, sai trong ma chê cưới trách chỉ là những chuyện vặt vãnh, người thiên cổ như ta sẽ không thèm chấp… Tuy vậy, với tư cách người thiên cổ, ta vẫn phải cảnh báo những người sống… Tinh thần trách nhiệm của ta nhắc ta phải cảnh báo các người: Ma chay phúng điếu là chuyện dành cho người sống! Chứ không phải cho ta! Các người phải nắm lòng điều này! Đừng thấy ta đã là người thiên cổ rồi mà các người có thể tự cho phép mình lơ là tác trách. Người sống này sẽ nhận xét, soi mói người sống kia, từng ly từng tý một, từ cái chuyện ta được chôn cất ở đâu, khu A hay khu B?.. ai là người đến đọc điếu văn cho ta, thành phần ban tang lễ… Các người cứ liệu hồnđấy!.. Tất cả những thứ đó là đều dành cho người sống tuốt luột, hiểu chưa?… Hãy rỏng tai lên mà nghe: Ta đếch cần những thứ đó! Người thiên cổ đếch nào cần những thứ đó? Nhưng người sống như các người đang đứng chung quanh linh cữu của ta lại sống không thể thiếu những thứ đó! Một trăm phần trăm những thứ đó là dành cho các người sống các người! Để biết ai là ai, về phe cánh nào, so bì nhau, để đánh giá nhau, chiếu tướng nhau.., cả để sát phạt nhau sau này nếu cần!.. Để nhiều thứ khác nữa!.. Chớ có thấy ta đã là người thiên cổ mà cho phép mình khinh suất đấy nhé! Người sống các người sẽ bắt nhau trả giá cái tội khinh xuất ấy đấy, còn người thiên cổ như ta chẳng lợi chẳng thiệt gì đâu, hiểu chưa?!..

Ta bật mí cho người sống các người một chiêu độc nhé, muốn sơn son thiếp vàng sự nghiệp chung để có cái mài ra mà sống, người sống các người phải chịu khó phong thánh cho những người đi vào thiên cổ như ta, có hiểu không?.. Đừng bỏ phí những dịp như thế nhé… Bởi vì càng có nhiều thánh, sự nghiệp chung mới càng thêm phần lóng lánh, chỗ tựa của mấy người sống các người mới thêm phần vững chắc, rõ chưa?!.. Cố nghiệm ra cái chân lý tuyệt vời này để đừng bao giờ ki bo với kẻ đi vào thiên cổ nhé!..

…Là người thiên cổ, ta thừa biết những kẻ đến viếng ta thắp hương khấn vái điều gì, mồm lầm bầm cái gì, nhưng trong đầu lại nghĩ cái gì…  Có kẻ còn sụt sùi lăm chăm lau nước mắt, lại còn ghé cái môi to bự gớm ghiếc vào hôn lên cái tấm kính quan tài để nhìn vào tận mặt ta nữa… Nhưng bụng các người nghĩ gì, ta biết thừa… Người thiên cổ có cái công năng tuyệt hảo là đọc được hết những ý nghĩ trong đầu những người sống đến viếng. Người sống các người đã biết đến bí mật này của tạo hoá chưa? Tỷ dụ như có kẻ lúc ta còn sống đã muốn ăn gỏi ta, thế mà đến thắp hương viếng ta tay lại chắp cao hơn mọi người, vái ta lưng cúi gãy gặp, vái xong còn rút khăn tay chấm chấm cái mắt, lau lau cái mũi sụt sùi!.. Nhưng những ý nghĩ trong đầu nó làm sao chạy thoát được ta!? Nói thật với các người nhé, lúc còn sống ta đã thấy cảnh vợ khóc ma chồng khi khách đến viếng còn hơn là khóc cha chết… Thảm thiết lắm, thế mà con đẻ ra toàn là giống cái ông hàng xóm – nghĩa là giống cái ông cùng cơ quan, cùng phòng hay là cấp trên gì đó!.. Chẳng cần phải chờ đến lúc thành người thiên cổ ta mới có thiên bẩm hiểu được điều này!

…Đúng, một khi ta đã đi tới cái thời khắc “hai năm mươi” mọi sự đời sẽ đều là vô nghĩa. Thế mới biết không có gì khắc nghiệt hơn thời gian, vì chẳng có gì vượt qua được nó! Đã thuộc về thiên cổ là hết! Tốt xấu sang hèn đều như nhau tuốt!.. Cho nên lúc còn đang hai chân đứng trên đời này, ta rất trân trọng những gì ta đã làm nên trong cuộc đời này… Song than ôi, thời gian cũng đang làm phai mờ đi rất nhiều những gì ta đã thành đạt, những gì ta có… Bao nhiêu thử thách hiểm nghèo ta đã chiến thắng ư? Bây giờ ta thấy chúng cũng tầm thường quá… Bao nhiêu giây phút ngất ngây của những lúc thăng hoa ư? Phải, đã có lúc  gần như cứ hai ba năm lên một bậc lương, được giao trọng trách hiếm hoi, những lời như khen cởi mở tấm lòng, huân chương bằng khen hàng tệp… giờ đây ta thấy chúng cũng chỉ là những đồ tầm phào! Ta sắp sửa bỏ tất cả mọi thứ đó ra phía sau rồi… Thực ra đang chuẩn bị như thế này mọi việc cho nghỉ hưu là ta đang lục cục khuân vác, quăng ném những thứ đó ra đằng sau hết ráo rồi. Còn nghĩa lý gì đâu!.. Quá trình công tác hiển hách, thành tích, huân chương… tất cả đối với ta bây giờ đang lui dần vào quá khứ, đang ngày một thêm vô nghĩa, chính ta cũng không thèm đoái hoài đến nữa… Ngay cả những gì ta tôn thờ là lý tưởng, là những giá trị cao quý về triết lý sống, về đất nước và con người, về gia đình và xã hội, về tất cả…, mọi sự thiêng liêng này hình như không còn được nguyên vẹn như cũ…  - vì ta đã trở nên chai sạn? vì vạn vật thay đổi? …và cách nhìn của ta cũng thay đổi? hay vì sinh lực đang chuyển biến dần thành tàn lực?.. Ai mà biết được!.. Hay là vì ta ngày càng khôn ngoan hơn, sảo quyệt hơn? Nghĩa là đời này bây giờ định dụ dỗ ta, đánh lừa ta, hay hấp dẫn ta, cái gì cũng đều khó thu phục được ta hơn trước? Ngày xưa hẳn là không như vậy... Mọi thứ bây giờ đang lùi dần về quá khứ… Cái còn lại đang sống với ta bây giờ chỉ là cái hiện hữu nhỏ nhoi chung quanh ta, đang chung sống cùng với ta, và ta đang sống ở trong nó. Đời đối với ta chỉ còn lại có thế thôi…

…Đôi lúc ta có cảm tưởng rõ rệt đến nỗi toàn thân lạnh buốt: Đời này vắng ta cũng chẳng thay đổi hay mất mát gì! Đời này chẳng liên quan hay dòm ngó gì đến ta cả… Mà như thế có nghĩa ta cũng chẳng có gì liên quan đến đời!.. Nghĩa là đời bây giờ có ta cũng như không? Không lẽ ta chẳng có gì để lại cho đời bây giờ và cho đời mai sau?..   Ôi, sao đang lúc còn sung mãn sức khoẻ và quyền lực, ta lại quên khuấy không nghĩ đến cái chuyện phải lo sao có một cái bia sống để đời nhỉ? Phải có cái gì đó để lại cho đời bây giờ và đời mai sau chứ? Mà như thế cũng có nghĩa là ta giữ được cho ta sự vinh danh của đời bây giờ và đời mai sau, coa phải không?!.. Chết thật!  Sao ta có thể lơ đễnh đến thế được nhỉ?! Một công trình gì đó xuyên thời gian! Một tư tưởng hay một tác phẩm gì đó lưu truyền hậu thế! Bây giờ quá muộn rồi…  Ô hay, chẳng lẽ ta đang đi dần đến cái kết cục hư vô này một cách vô ý thức đến thế được hay sao? Chết thật, đồng trang cùng lứa với ta, cả bao nhiêu đứa đàn em của ta nữa, chúng đều khôn hơn ta trong cái chuyện này… Đứa thì một khu công nghiệp cho tỉnh quê nó, đứa thì một nhà máy lớn, đứa hạng bét cũng là một con đường hay một cái chùa cho làng nó, giữ mãi  danh thơm nó về sau…  Ở đoạn chót của đường đời này ta còn lại cái gì giữ được? để rồi một ngày nào đó ta  sẽ ra đi  không còn vết tích? vào sự lãng quên vĩnh viễn không một lời nào đoái hoài tới?..  Cho đến giờ này, đúng là chỉ có cái hiện hữu nhỏ nhoi chung quanh ta còn là cái thế giới liên quan đến ta, là còn thuộc về ta, cho đến khi… Ôi chuyện cái bia sống! Sao ta lại có thể vô tâm đến thế! Không lấy lại được nữa rồi, chậm quá rồi!..

…Cái gì đang sống với ta bây giờ là hiện hữu nhất nhỉ? Nếu lấy cái-hiện- hữu-sống-với-ta, lấy cái-là-của-ta làm thước đo, thì giờ đây ta còn gì nhiều đâu? Thực ra là chẳng còn gì đáng kể, không phải vì ta mất hay đánh mất cái này cái nọ, mà chỉ vì cái gì ta có được cũng thấy ngày càng kém ý nghĩa đối với ta mất rồi… Bao giờ chẳng thế, cả những gì ta xưa nay háo hấc nhất, quý nhất… Nhưng đã có được rồi, mãi cũng sẽ chán! Làm gì có gì vĩnh cửu! Đấy toàn là những chuyện hoang tưởng hay tự đánh lừa mình của con người… Có những thứ ta đã thực sự buông xuôi, không thèm nuối tiếc hay đoái hoài đến nữa… Có những thứ ngày càng trở nên tầm phào đến mức không gợi lên được trong ta một sự quan tâm nào… Có những thứ ta muốn quên, quên đến mức không bao giờ có thể còn nhớ lại được nữa dù muốn!.. Cuộc đời xế chiều, đoạn chót đường đời của ta chẳng lẽ buồn tênh như vậy sao? Ta còn cái hiện hữu gì đang sống với ta?…

-         …Ngôi nhà lại quả và cô Năm quản gia!

          Một tiếng nói đâu đó trả lời ông Hai.

          …Ôi đúng! Đấy thực sự là cái hiện hữu nhỏ nhoi đang sống với ta ở chặng đường chót của ta trên đời này! Chính đấy mới là cái thực sự là-của-ta lúc này! Làm sao mà sống được trong sự chân không không có tý tẹo tèo teo nào cái là-của-ta nhỉ? Làm gì có sự sống nào trong cái chân không đó! Mọi thứ khác trên đời này bây giờ ta có thể quên hết!

          Đùng đoàng! Đùng đùng đoàng đoàng!..

          Ngay tức khắc súng liên thanh và lựu đạn của bà Hai biến ông Hai thành tử sỹ. Cái thây ma ông Hai sóng soài giữa nhà, máu me ruột gan lung tung be bét khắp nơi. Nhạc Hồn tử sỹ nổi lên vĩnh biệt người chiến sỹ cộng sản ông Hai…

          …Hồn ma ông Hai hiện lên, lúc chới với trên cao, lúc lượn quanh trên mặt đất, bay lên đầu tủ nhảy múa trên đó, uốn lượn quanh co chán rồi tuồn ra đằng sau cái gương… Cuối cùng hồn ma ông Hai nhập vào cái thây ma ông Hai sóng soài dưới đất, vực ông dậy thành ông Hai người đời…

          …Ngồi tư lự hồi lâu như thế, xắp xếp lại đoạn đường chót của đời mình, ông hai bỗng giật mình: …Bỏ mẹ, ngày mai phải bay ra Hà Nội mất rồi! Một tuần lễ mà cứ như vừa mớichợp mắt!

          Bát chè màn thầu đã ăn xong từ lâu, nhưng vị ngọt mát vẫn còn dư vị đặm trong cổ. Ông Hai lại ngồi yên một mình. Ông lắc đầu …Cái thế giới này ngu nhỉ!.. Văn minh hiện đại là thế mà vẫn chưa làm nổi cái áo chống đạn chống được cái thứ đùng đoàng của con mụ hàng cá nhà mình!..

          …Ngày mai phải ra sân bay mất rồi!..
          …





[1] Nicolae Ceaucescu, nguyên là  tổng bí thư Đảng Lao Động và là nguyên thủ Rumani,  bị sử tử ngày 25-12-1989 khi chính quyền sụp đổ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét